Chương Một
CHIẾU KIẾN
CHIẾU KIẾN LÀ GÌ?
Chiếu là soi sáng. Kiến là thấy rõ. Như vậy, Chiếu Kiến là soi sáng cho thấy rõ. Cái gì soi sáng? Và soi sáng cái gì? Cái gì thấy rõ? Và thấy rõ cái gì ?
Ðó là những câu hỏi, và cần phải được giải thích cho rõ rệt, cũng như sự hiểu biết cho chắc chắn đối với ai muốn thực tập Pháp VIPASSANA (Chiếu Kiến).
CÁI GÌ SOI SÁNG?
Chính là SATI hay niệm. Niệm là pháp chủ thể trong Tứ Niệm Xứ, là một trong Ngũ Căn (Niệm Căn - Satindriya), là một trong Ngũ Lực (Niệm Lực - Satipala), là một trong Thất Giác Chi (Niệm Giác Chi - Satisambojjhanga), và cuối cùng là một trong Bát Chánh Ðạo (Chánh Niệm - Sammasati). SATI hay Niệm ở đây phải được hiểu là trạng thái soi rọi của Tâm. Không có từ nào được dịch gần đúng nghĩa của chữ SATI hơn là Niệm, nhưng chữ Niệm ở đây phải hiểu như chữ "Minh Chiếu" hay "Soi Sáng" mới đúng.
SOI SÁNG CÁI GÌ?
Soi sáng ngũ uẩn. Ngũ Uẩn là đối tượng của SATI hay Niệm trong phương thức thực hành VIPASSANA. Ngũ uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Ngũ uẩn nếu gom lại thành hai phần là Sắc (Thân) và Danh (Tâm). Thông thường, người ta cứ hiểu Sắc là "Thân ", Danh là "Tâm". Hiểu như vậy chẳng phải là sai, nhưng chưa đủ, chưa trọn vẹn ý nghĩa.
Bởi vì chữ Sắc được dịch từ chữ RUPA. Chữ RUPA theo Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) phân tích ra có tới 28 thứ: Ðịa, Thủy, Hỏa, Phong, Nhãn vật, Nhĩ vật, Tỷ vật, Thiệt vật, Thân vật, Cảnh Sắc, Cảnh Thinh, Cảnh Khí, Cảnh Vị, (Cảnh Xúc là Ðịa, Hỏa, Phong nên không kể thêm), Sắc nam, Sắc nữ, Ý vật, Mạng căn, Vật thực, Hư không, Thân biểu tri, Khẩu biểu tri, Sắc khinh, Sắc nhu, Sắc thích nghiệp, Sắc sinh, Sắc tiến, Sắc dị và Sắc diệt. Như vậy chữ Sắc ở đây bao gồm tất cả phần vật chất thuộc thân thể và không thuộc thân thể (như đất, nước, cây cỏ, v.v.).
Còn chữ Danh được dịch từ chữ NAMA. Từ NAMA theo Abhidhamma giải thích gồm có 121 thứ Tâm, 52 thứ Tâm Sở và Níp Bàn (Nibbana - Niết Bàn). Tâm và Tâm Sở là Danh pháp hữu vi, còn Níp Bàn là Danh pháp vô vi. Lại nữa, từ Danh dù không kể Níp Bàn đi nữa (tức là chỉ kể phần Danh pháp hữu Vi) thì Danh ở đây cũng gồm cả Tâm và Tâm Sở. Thế nên, chữ Danh được phân ra thành 4 uẩn: Thọ uẩn (Thọ Tâm Sở), Tưởng uẩn (Tưởng Tâm Sở), Hành uẩn (gồm có 50 Tâm Sở còn lại), Thức uẩn (gồm cả 121 thứ Tâm).
Như vậy, chỉ có từ "Ngũ Uẩn" là chính xác nhất (không dư không thiếu cũng không thể bị hiểu lầm lộn). Tóm lại cái soi sáng (Năng chiếu) là Niệm -- Sati, Cái chỗ soi sáng (Sở chiếu) là Ngũ Uẩn - Pancakhandha.
CÁI GÌ THẤY RÕ?
Chính là Trí (Nãna) hay Tuệ (Panna). Trí tuệ là pháp tối quan trọng, tối cần thiết đối với phương pháp VIPASSANA. Trí tuệ là một trong Tứ Thần Túc (Thẩm Thần Túc - Vimamsiddhi-pada), là một trong Ngũ Căn (Tuệ Căn - Pannindriya), là một trong Ngũ Lực (Tuệ Lực - Pannapala), là một trong Thất Giác Chi (Trạch Pháp Giác Chi - Dhammavicayasambojjhanga), và cuối cùng là một trong Bát Chánh Ðạo (Chánh Kiến - Sammaditthi). Trí tuệ ở đây phải được hiểu là trạng thái sáng suốt của Tâm, là sự biết rõ bản chất của sự vật mà từ trước chưa từng biết. Chữ Trí Tuệ ở đây có thể hiểu như Kiến tri, Kiến thức, Kiến thị, hay là sự thấy biết đúng với thể trạng của các Pháp.
THẤY RÕ CÁI GÌ?
Thấy rõ ba tướng: Vô Thường Tướng, Khổ Não Tướng và Vô Ngã Tướng. Ba tướng này là thực trạng, thực tướng của ngũ uẩn. Năm uẩn là bản chất thực thể của Tam Tướng. Ngũ uẩn như nước, tam tướng như sóng. Tóm lại, thấy (Năng kiến) là Trí Tuệ ; chỗ thấy (Sở kiến) là Tam Tướng (Tilakkhana).
Như thế, VIPASSANA có nghĩa là "Chiếu Kiến", Chiếu là Niệm, Kiến là Tuệ, tức là "Chánh Niệm và Tỉnh Giác" (SATISAMPAJJANNA)
TÓM TẮT
Người hành VIPASSANA luôn luôn phải bám sát Sắc và Danh. Sắc và Danh là đối tượng của Niệm và Tuệ. Nếu rời Sắc Danh lúc nào là hành sai lúc đó. Sắc Danh phải là đối tượng hiện tại, là cảnh hiện hữu, là sở tri hiện diện chứ không phải là thứ Sắc Danh tưởng tượng, Sắc Danh khái niệm. Cũng như người đốn cây thì phải có cây trước mặt thật sự, chứ không thể đốn cây trừu tượng, giả tưởng được! Và lúc nào Tâm xao lãng hay quên Niệm thì phải nhận thức ngay, đừng chán nản, và cũng đừng chiều theo Tâm phóng túng. Cũng như người tập cưỡi ngựa, ngựa có cử chỉ gì thì phải biết, mới tập cưỡi, nếu lỡ té, đừng chán nản, phải tiếp tục tập cưỡi, và cũng đừng chiều theo tánh ngựa.
Tâm kia như thể bò rừng,
Chánh Cần như thể giây thừng cột chân.
Chánh Niệm như thể trụ đồng,
Sắc Danh như đất, nên trồng trụ sâu!
Trí Tuệ như thể gậy roi,
Ðức Tin vững dạ: Pháp này thắng Ma.
Với người trí thức sâu xa,
Nương theo Quyền-Lực(*) thoát ra luân hồi.
(*) Ngũ Quyền (Indriya) và Ngũ Lực (Pala): Tín, Tấn, Niệm, Ðịnh, Tuệ.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.