1. Lời nói đầu và chú giải phần thuyết thị

1. Lời nói đầu và chú giải phần thuyết thị

    THERAVĀDA
    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

    Thiền Tứ Niệm Xứ - Minh Sát Tuệ

    Hòa thượng Giới Nghiêm

     

    LỜI NÓI ĐẦU

    Trước hết xin ngỏ ý với quý độc giả đã có nhiều thiện tâm hướng về pháp thiền định của Phật giáo được rõ, nếu quý vị muốn tìm hiểu sự thật Phật giáo có đem đến cho quý vị lợi ích ra sao? Đầu tiên quí vị xem kinh, nghe pháp, đàm luận và vấn đáp về giáo lý, đó cũng là những cách tầm đạo. Khi có xem kinh, thính pháp ít nhiều rồi mới thấy được đường lối chính của Đức Thế Tôn Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật có những pháp môn cao siêu, mầu nhiệm hợp với chân lý và thực tế - thực tế cứu khổ chúng sanh và thực tế đem lại an vui tối thượng cho chúng sanh-xa lìa phiền não, chứng ngộ niết bàn.

    Một thời, Đức Thế Tôn ngự tại Savatthi đã thuyết giảng đến Anandà rằng :

    "…này Anandà, khi Như Lai diệt độ, các người hãy lấy giáo pháp làm hải đảo, làm nơi nương tựa. Những pháp môn mà Như Lai đã chứng ngộ, đã khéo thuyết giảng trong bốn mươi lăm năm ròng rã, các người chớ nên dễ duôi. Hãy cố gắng tinh tấn, trì giới, phòng hộ lục căn, cố gắng thực hành thiền định, cố gắng thực hành thiền tuệ. Hãy cố gắng thu thúc nhãn căn, thu thúc nhĩ căn, thu thúc tỉ căn, thu thúc thiệt căn, thu thúc thân căn, thu thúc ý căn. Hãy là những người hiểu cho thật rõ pháp môn Thiền Tứ Niệm Xứ là con đường độc lộ có bát chánh đạo, là kim chỉ nam dẫn đường, chỉ một mình ta đi thôi. Này chư Tỳ khưu, các người hãy siêng năng tìm nơi thanh vắng, nghĩa địa, rừng núi, ụ rơm, cội cây, ngôi nhà vắng, tịnh thất, thiền đường mà hành trì các pháp thiền định, thiền tuệ mà Như Lai đã dẫn giải. Các người hãy là những người biết tròn đủ nên tiết độ trong vật thực, nên tránh xa các hạng người hay gây sự, có ý đồ lấn hiếp người khác, ham ăn, mê ngủ, không có tâm thiền định, thiền tuệ, không huân tu các trạch pháp giác chi, không cố gắng làm cho nội tâm được trong sạch. Những hạng người như vậy sẽ làm giáo pháp của Như Lai mau chóng suy tàn, những người đã có đức tin thì đức tin bị suy thoái, hàng tứ chúng bị mất sự lợi ích. Giáo pháp sẽ bị hủy hoại nhanh chóng vì có những hạng người như vậy, sư tử chúa sẽ chết dần vì những con bọ chét gớm guốc. Hãy là những người thừa tự giáo pháp của Như Lai. Chẳng nên thừa tự các vật chất làm cho thân khẩu ý dơ bẩn, ô nhiễm tham lam, sân hận, si mê, đốt cháy các thiện pháp, phải bị sa đọa vào bốn đường dữ-súc sanh, ngọa quĩ, atula, địa ngục. Con đường Tứ Niệm Xứ Minh Sát Tuệ Như Lai đã thuyết giảng hằng đem sự lợi ích đến cho hàng tứ chúng (loài Trời, loài Người,…) thoát khỏi các sự thống khổ, phiền muộn, giải thoát khỏi sự trói buộc ".

    Đó là an vui tuyệt đối, còn tất cả sự an vui trong tam giới này điều là an vui tương đối thôi. Vì chúng sanh còn tham sân si nên có vui lẫn khổ, có khổ lẫn vui. Chúng ta ai cũng muốn vui nhiều khổ ít, hoặc chỉ muốn vui mà không khổ. Ai cũng chán ghét sự khổ. Nếu quả thật quý vị muốn tìm an vui mà xa lánh sự khổ thì đừng tạo nhân khổ, mà lo tạo nhân vui. Nhân vui như thế nào? Chính là giới, định, tuệ.

    Giới có năng lực làm cho thân và khẩu được ngay lành, thanh tịnh. Bởi vì người tu giới sẽ răn trị được thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; khẩu không nói dối, không nói lời độc ác, không nói lời đâm thọc, không nói lời vô ích sang đàng. Có như vậy sẽ làm nền tảng cho thiền định, ngược lại nếu thân và khẩu bị bợn nhơ tội lỗi do sự sát sanh v.v.. thì không sao tu thiền được.

    Định có năng lực chế ngự nội tâm cho thanh tịnh. Bởi tâm ưa tham lam sang đoạt của người về phần mình, sân hận tìm mưu sâu kế độc để hại kẻ khác, si mê lầm lạc tìm cách lấn hiếp hoặc làm khổ chúng sanh.

    Tuệ có năng lực diệt tận phiền não không dư sót. Thật vậy, nếu ai mong cầu sự an vui tuyệt đối thì cũng phải tu cho đến mức độ tuyệt tận phiền não thô và tế, bởi vì chính nó là nhân của khổ đau. Khi phiền não hoàn toàn được diệt trừ rồi thì mới thật an vui tuyệt đối là cực lạc vậy.

    Trong tập sách này chúng tôi không đề cập về giới, chỉ đề cập định và tuệ hoặc có một cặp danh xưng khác là chỉ và quán, do chữ Pāḷi có hai loại đề mục là:

    Samathakammaṭṭhāna: đề mục chỉ tịnh.

    Vipassanākammaṭṭhāna: đề mục quán minh hoặc minh sát tuệ.

    Hai cách kammaṭṭhāna trên là lối tu có thấp có cao, có dễ có khó, khác nhau đôi chút, nhưng kỳ thật hai đề mục này cũng nhằm một mục đích là giải thoát và đạo quả Niết-Bàn. Nói thì có hai nhưng tựu trung cũng như một. Thế cho nên chúng tôi thường ví dụ cho đệ tử hiểu là: "Mài dao cho bén, cạo tóc cho sạch" và "Để nước đục cho trở nên lắng trong, gạn lọc cặn cáu bỏ đi, để lại nước trong hoàn toàn". Sự mài dao là chỉ, còn cạo tóc cho sạch là quán. Cũng như, lắng nước đục trở nên trong là chỉ, gạn lọc cặn cáu bỏ đi để lại nước trong hoàn toàn là quán. Hai pháp này có chỉ, có quán đầy đủ, mau đắc đạo giải thoát dễ dàng. Nếu có chỉ mà không quán thì khó đắc đạo lắm. Cũng như đạo bà-la-môn, họ tu thiền cũng khá, song họ không tu về quán minh, do đó họ không đắc đạo quả.

    Ngược lại, chỉ tu quán minh thôi, mà không tu chỉ tịnh thì cũng đắc đạo hoàn toàn vậy nhưng không có thần thông biến hóa được.

    Đại ý chính trong quyển này là: "Thiền Tứ Niệm Xứ - Minh Sát Tuệ".

    Thiền do chữ Phạn là jhāna, Tàu âm là thiền-na thường đọc tắt cho gọn là thiền. Các nước Phật giáo Nam Tông thường dùng chữ Pāḷi cũng đọc tắt là "jhan" bỏ câm chữ "a" phía sau. Người Nhật thì dùng chữ Zen cũng là thiền. Đó là nói đến danh từ, còn ý nghĩa thì chữ jhāna được dịch là pháp làm cho khô héo phiền não hoặc là pháp đốt nóng kẻ thù tức là phiền não, thường được ví dụ như dùng tảng đá to đè lên cỏ, lâu rồi cỏ dưới tảng đá phải khô héo đó là tu thiền chỉ tịnh. Cố gắng đào bứng tận gốc rễ của cỏ, tức là phiền não, ấy là chỗ đất được sạch, đó là tu thiền quán minh. Tâm của hành giả lúc bấy giờ mới sạch như chỗ đất kia vậy.

    Còn Tứ Niệm Xứ do Đức Thế Tôn dạy, đã bao gồm hai ý nghĩa chỉ tịnh và quán minh rồi. Các pháp khác một số nhiều thì samatha riêng và vipassanā riêng. Còn Tứ Niệm Xứ, pháp này khi hành giả niệm hoặc quán thì chính nhờ khả năng niệm hoặc quán ấy, làm minh triết chi li, rất tỉ mỉ và rất rõ rệt, khiến cho người không còn mải mê chấp trước. Vì chúng sanh ưa chấp trước mọi thứ như đại khái có năm thứ: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Hoặc hai thứ là: sắc pháp (tức là sắc uẩn) và danh pháp (tức là bốn uẩn còn lại).

    Quán thân niệm xứ, ấy là đã niệm hoặc quán, tức là mổ xẻ, chia chẻ sắc uẩn ra cho thấy rõ sắc thân này vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh.

    Quán thọ niệm xứ, ấy là đã niệm hoặc quán, tức là mổ xẻ, chia chẻ thọ uẩn ra cho thấy rõ thọ lạc, thọ khổ, thọ vô ký đều là vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh.

    Quán tâm niệm xứ, ấy là đã niệm hoặc quán, tức là đã mổ xẻ, chia chẻ thức uẩn ra cho thấy rõ tâm thức, tức là sự suy nghĩ thiện ác, vô ký đều là vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh.

    Quán pháp niệm xứ, ấy là đã niệm hoặc quán tức là mổ xẻ chia chẻ tưởng uẩn và hành uẩn cho thấy rõ sự tưởng nhớ và sự khởi tác do hành uẩn dấy lên trong tâm đều là vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh.

    Khi tỏ ngộ cái chân lý trên, mới mong dứt sạch được tham sân si, vô minh, ái dục… hầu mong thoát khỏi sanh tử luân hồi, được an vui tuyệt đối là Niết-bàn.

    Chúng tôi lại có trích lục trọn các pháp minh sát tuệ, giảng giải rõ ràng để chư hành giả có cơ sở chính xác trong việc tu tiến lên cao và đúng theo phương pháp chính yếu để đắc đạo quả thánh nhân. Ngoài hai bậc thiền trên không có bất cứ một vật chi có thể trừ diệt tật hư, nết xấu của người đời được. Sức nóng của bom nguyên tử cũng không đốt cháy được tội lỗi phiền não chúng sanh.

    Ta có thể thấy rõ hơn giá trị của thiền định:

    Có người nói:

    - Vua Tần-Bà-Sa sung sướng vô cùng, có thể hơn Đức Thế Tôn.

    Đức Phật nói:

    - Vua có thể ngồi ăn đồ rất ngon mãi trong nhiều ngày, ngồi xem hát múa hay đẹp nhất,.. cứ ngồi mãi nhiều ngày liên tục được không?

    - Dạ thưa không được đâu!

    - Như Lai có thể nhập định bảy ngày đêm liền không ăn, không uống, không thở, không thay đổi oai nghi mà lại được an vui thanh tịnh, tự tại.

    - Vậy thì Phật hạnh phúc hơn vua.

    Thưa các bạn phạm hạnh, quí vị thức đạt và chư độc giả! Sau khi xem qua quyển sách này nếu có chỗ nào thiếu sót, xin quí vị chỉ giáo để chúng tôi sửa lại hoàn hảo hơn trong lần tái bản tới.

    Lành thay!
    Hòa thượng Giới Nghiêm.

    -ooOoo-

    Chú Giải Phần Thuyết Thị
    (UDDESAVĀRAKATHĀ)

    Tiến trình ý nghĩa trong kinh này có lời khởi dẫn của ngài Ānanda rằng:

    1."Tôi được nghe như vầy,

    Thuở nọ, Đức Thế Tôn an ngự trong nhóm người xứ Kuru, có thị trấn tên Kammāsadhamma. Trong nơi ấy, Đức Thế Tôn gọi chư tỳ-khưu: "Này chư tỳ-khưu!". Các tỳ-khưu ấy đã đáp lời Đức Thế Tôn: "Kính bạch Ngài!". Đức Thế Tôn thuyết rằng:

    2."Chư tỳ-khưu, con đường duy nhất này, hằng làm cho chúng sanh được thanh tịnh, được thoát khỏi sự buồn rầu, sự thương tiếc; sự khổ đau, sự trái ý, sự nhiệt não, để thông đạt pháp cần giác ngộ, làm cho thấu rõ Niết-bàn, đó là con đường Tứ Niệm Xứ.

    Tứ Niệm Xứ là những gì?

    Chư tỳ-khưu trong pháp luật này hằng quán chiếu thấy thân trong thân, có tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, có thể dứt trừ ham muốn (abhijjhā) và sự trái ý (domanassa) trong thế gian.

    Chư tỳ-khưu trong pháp luật này hằng quán chiếu thấy thọ trong các thọ, có tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, có thể dứt trừ ham muốn và sự trái ý trong thế gian.

    Chư tỳ-khưu trong pháp luật này hằng quán chiếu thấy tâm trong tâm, có tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, có thể dứt trừ ham muốn và sự trái ý trong thế gian.

    Chư tỳ-khưu trong pháp luật này hằng quán chiếu pháp trong các pháp, có tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, có thể dứt trừ ham muốn và sự trái ý trong thế gian".

    (Xin đọc cho hiểu rõ trước rồi sẽ đọc tiếp).

    Dứt lời thuyết thị (uddesa), đoạn 1.

    Đoạn kinh văn trích dẫn trên chia thành hai phần là:

    1. Lời khởi dẫn (nidānavacāna): do đại đức Ānanda nêu dẫn duyên thuyết kinh nầy.

    2. Lời thuyết thị (uddesa): do Đức Thế Tôn thuyết thành tiêu đề.

    Trong cả hai đoạn này có nhiều chỗ đáng nghi vấn cần được giải thích:

    A) Nghi vấn và giải thích trong Lời khởi dẫn (Nidānavacāna):

    1) "Đức Thế Tôn an ngự trong nhóm người xứ Kuru" ấy có ý nghĩa như thế nào?

    - Có nghĩa là Đức Thế Tôn an ngự trong phần đất (xứ) của những người Kuru, chứ không phải an ngự giữa nhóm người ấy thật.

    2) "Có thị trấn tên Kammāsadhamma" có ý nghĩa như thế nào?

    - Nghĩa là Đức Thế Tôn an ngự trong rừng lớn, gần thị trấn ấy, cho nên chỉ nói lên chung chung như vậy.

    3) Trong nơi ấy, Đức Thế Tôn gọi chư tỳ-khưu rằng: "Này chư tỳ-khưu!". "Trong nơi ấy" tức là nơi nào? Trong nhóm người xứ Kuru hay trong xứ của những người Kuru có thị trấn tên là Kammāsadhamma?

    - Không phải trong nhóm người Kuru mà là trong rừng lớn của xứ Kuru, có cả nhóm chư tỳ-khưu đang ở đó.

    4) "Gọi" thường thấy trong kinh có ý nghĩa như thế nào? [Từ này nên dịch " nhắc bảo". Có vị giáo thọ sư (ācāriya) dịch là: "phán gọi", như vậy là sai với câu chuyện, bởi "phán gọi" ám chỉ nhóm tỳ-khưu không ở gần đấy, phải cho đi kêu lại. Nhưng trong câu chuyện này, chư tỳ-khưu đang ở trong chỗ Đức Thế Tôn và mọi người].

    - "Gọi" đây có ý nghĩa là báo cho biết mình sẽ nói để người nghe chú tâm, giống như khi chúng ta muốn nói chuyện với ai thường gọi người ấy trước rồi mới nói.

    B) Nghi vấn và giải thích trong lời thuyết thị (uddesa):

    1) Nói "Con đường duy nhất" theo Pāḷi là Ekāyanamagga, có ý nghĩa như thế nào?

    - "Con đường duy nhất" ám chỉ bốn cách là:

    Con đường người nào đi, chỉ duy người ấy đến. Chỉ có thể tự mình đi, không ai đi giúp cho ai được. Cần dứt sự lẫn lộn với phe nhóm, chỉ đi một mình thôi.

    Là con đường mà Đức Thế Tôn là bậc duy nhất thuyết ra.

    Là con đường chỉ có đặc biệt trong Phật giáo.

    Là con đường chỉ đến Niết-bàn là nơi an vui duy nhất, không đến nơi nào khác.

    2) Nhân nào mà Ngài thuyết đức tính của "Ekāyanamagga" như vậy?

    - Nhân sẽ làm cho người nghe phát sanh sự siêng năng, ghi nhớ rồi thực hành.

    3) Nói "quán chiếu thấy", ám chỉ quán chiếu như thế nào mới gọi là thấy?

    - Ám chỉ quán chiếu một cách vi tế để dứt ảo tưởng về ngã, nhơn, chúng sanh, người thọ nhận… một cách dứt khoát cho đạt đến bậc A-na-hàm hoặc A-la-hán.

    4) Tại sao thuyết rằng: "Thân trong thân, thọ trong các thọ, tâm trong tâm, pháp trong các pháp"?

    - Bởi soi chiếu từng phần nhỏ, riêng biệt ở trong thân, trong thọ, trong tâm, trong pháp, tức là không phải thấy hợp chung thành một khối như phàm nhân thấy qua ý niệm.

    5) Câu "Có tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm", ba từ này đi chung với "quán chiếu thấy" hay với "mới dứt trừ tham muốn và trái ý trong thế gian"?

    - Đi chung với đoạn: "Có thể dứt trừ sự ham muốn và sự trái ý", không phải đi chung với "quán chiếu thấy".

    6) Cách dùng từ "hằng" hoặc "" trong đoạn trước và "có thể" hoặc "nên" trong đoạn sau, điều này ngụ ý của Đức Phật như thế nào?

    - Khi dùng từ "hằng" hoặc "" trong đoạn trước Đức Phật muốn ám chỉ "đã an trú hoàn toàn" trong chánh niệm tỉnh giác, thấy rõ bốn niệm xứ đạt đến bậc A-na-hàm hoặc A-la-hán. Và khi dùng từ "có thể" hoặc "nên" trong đoạn sau ý muốn nói rằng sẽ quán chiếu thấy cho đến thành bậc A-na-hàm hoặc A-la-hán như thế ấy phải có ba pháp là tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm duy trì theo mỗi sát-na quán chiếu, cho đến khi dứt trừ được abhijjhā và domanassa."

    7) Câu "Có thể dứt trừ ham muốn và trái ý", có ý nghĩa chỉ dứt trừ tạm thời (tadaṅgavinaya) hay dứt hẳn (vikkhambhanavinaya)?

    - Ám chỉ dứt trừ cả hai cách.

    8) Nói "trong thế gian" cả bốn câu trong bài kinh Tứ Niệm Xứ có ý nghĩa như thế nào?

    Thế gian ám chỉ cả bốn điều thân, thọ, tâm, pháp. Gọi là thế gian bởi có sự rã tan hoặc sinh diệt biến đổi theo thường tình.

    Trong phần quán pháp về Tứ Diệu Đế, khi nói thế gian cũng ám chỉ ý nghĩa vô ngã, tức là không ở dưới thế lực của ai vậy.

    9) Sẽ quán chiếu bốn điều ấy như thế nào?

    - Phải quán chiếu theo những điều đã nói trong cách thức tiến hành như sẽ giảng giải tiếp theo dành cho mỗi điều.

    Xin lưu ý điều đáng biết trong kinh này, ngoài sự nêu lên câu hỏi để trả lời, còn có nhiều điều được giảng rõ rệt chính xác trong những chú giải tiếp theo. Trong chú giải ấy giảng rộng lời khởi dẫn và lời thuyết thị như đã nói đoạn trước có ý nghĩa rộng rãi, nhưng lựa bỏ các từ rất khó hiểu, chỉ nói những từ có lợi ích cho người đọc, người nghe dễ hiểu biết và dễ thực hành. Vì vậy sẽ bỏ bớt những từ trình bày phụ thuộc đi.

    Chú giải (Atthakathā):

    Từ "Kuru" trong câu: "Đức Phật an ngự trong nhóm người xứ Kuru" nói về trú xứ của những người có nguồn gốc từ Bắc Cu-lư Châu (Uttara-kuru-dīpa), tức là những cư dân Kuru ấy có quốc độ của nhóm người từ Bắc Cu-lư Châu đến trong thời kỳ đức vua Mandhātu. Trong thời vua Mandhātu, những người trong cả ba châu biết rằng châu Jambūdīpa (Diêm-phù-đề) là châu phúc lạc thù thắng, là nơi sanh của Đức Phật, luôn cả chư Thinh Văn và đức vua Chuyển Luân. Thế rồi người nào cũng hoan hỷ muốn quy tụ về Nam Thiện Bộ Châu, cho nên cùng nhau theo đức vua Mandhātu không hành, do năng lực xe báu của vua. Khi đến Nam Thiện Bộ Châu rồi an cư trong những nơi an vui. Vì đức vua Mandhātu hiểu được do vị đại thần quý báu nói rằng còn có nơi khác xinh đẹp hơn Nam Thiện Bộ Châu này nữa, đó là cõi trời Tứ Đại Thiên Vương, tức thì ngài cỡi xe báu, luôn cả bốn hàng quân binh, ngự lên hưởng quả trời ở trong cõi Tứ Đại Thiên Vương, thật là nơi vừa lòng. Khi ngài phán hỏi chư thiên Tứ Đại Thiên Vương còn chỗ nào xinh đẹp hơn nơi ấy và biết rằng còn có cõi trời Đao-lợi, ngài liền ngự lên đến tầng trời Đao Lợi luôn cả bốn hàng quân binh, nhưng ngự ra khỏi xe báu và tạm trú quân nơi cửa thiên quốc. Việc thấu đến đức vua trời Thiên Nhãn (Sahassane-tramaghavāna), thường gọi là đức Đế Thích. Khi đức vua trời Đế Thích đã ngự ra, đón rước thỉnh vào trong cõi Đao Lợi rồi Ngài bèn chia quả vị trời dâng cho một nửa và nói rằng: "Mừng đức vua Mandhātu ngự đến cửa thiên quốc", ngài tức thì biến thành thiên tử. Khi ngài ngự ra nơi hội họp trên bảo tọa bằng đá (Pandukambala), mỗi vị cũng an tọa trên mỗi bồ đoàn cùng đức Đế Thích trước sắc tướng luôn đến nghi hạnh không hề sai khác đức Đế Thích một chút nào, chỉ trừ việc ngài hay nháy mắt mà thôi. Nhưng điều này những chư thiên nam nữ là những nhóm tùy tùng không thể nhận biết được do ngọc thể huy hoàng kỳ diệu của hai vị Đế Thích. Ngài hưởng quả vị thiên cung trong cõi trời Đao Lợi ấy suốt thời gian dài liên tiếp hết mười sáu vị trời Đế Thích, rồi ngài mới hiểu được, bèn nghĩ đến sự không biết đủ trong ngũ dục. Ngài muốn bổ túc ba-la-mật, cho nên ngự lên xe báu trở về lại Nam Thiện Bộ Châu. Khi về đến vườn thượng uyển ngài xuất gia làm đạo sĩ, duy trì tuổi thọ được bảy ngày rồi thăng hà và xe báu cũng biến mất. Nhóm người đã đến từ ba châu ấy cũng hết năng lực trở về châu của mình, buộc lòng phải ở lại trong Nam Thiện Bộ Châu. Về sau quốc độ mà những người từ Đông Thắng Thần Châu (Pubba-videha-dīpa) đến trú thì được tên là quốc độ Videhā. Quốc độ của những người từ Tây Ngưu Hóa Châu (Amaragoyānadīpa) đến trú được gọi là Aparanta. Về quốc độ của những người từ Bắc Cu Lư Châu lại được gọi là quốc độ Kuru.

    Từ "Kammāsadhamma" trong câu "  thị trấn tên là Kammāsadhamma " được giải thích hai cách là:

    Cách thứ nhất, nói rằng biến thể chữ dha thành chữ da hợp lại thành Kammāsadhamma, dịch là nơi huấn luyện đức vua Kammāsāda tức vua Porisāda, có ý nghĩa vắn tắt là: đức đại Bồ Tát cao thượng, có tên gọi là vua Sutasoma đã huấn luyện vua Porisāda nơi ấy trước khi có nhà cửa. Câu chuyện kể rõ trong kinh Bổn Sanh Sutasoma.

    Cách thứ hai, vẫn là chữ dha như trước do giải thích về phong tục của những người Kuru được ấn định trong nơi vua Kammāsāda cư ngụ.

    Điều mà trong kinh nói chung chung là: "Có thị trấn tên là Kammāsadhamma" ám chỉ Đức Thế Tôn và chư Tăng không phải ngự trong xóm ấy. Ngài chỉ ngự vào trì bình khất thực, rồi trở ra tạm trú trong rừng lớn, một địa phận xinh đẹp, có suối nước trong xanh. Bởi nhân này nên không nói thẳng: "Trong thị trấn của những người Kuru có tên là Kammāsadhamma".

    Nói "trong chỗ ấy", tức là trong rừng lớn nơi Đức Phật an ngự gần thị trấn, ám chỉ Đức Thế Tôn đã thuyết kinh Đại Tứ Niệm Xứ nầy cho chư tỳ-khưu lần đầu một cách rộng rãi trong nơi ấy.

    Hỏi: Bởi cớ nào Đức Thế Tôn thuyết kinh có ý nghĩa sâu xa như thế?

    - Bởi hai nguyên nhân là:

    1) Những người Kuru có khả năng thu nhận cách thuyết sâu xa. Bởi chư tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận sự nam, cận sự nữ và dân cư xứ Kuru toàn là người có thân hình đầy đủ và tâm trí luôn mở mang, do được thọ hưởng sự yên vui nhờ khí hậu và vật dụng v.v..

    Đức Thế Tôn thuyết kinh giảng dạy bằng đề mục (Kammaṭṭhāna) đến mười hai cách, toàn là ngài dẫn đưa cho người nghe đến bậc A-la-hán. Giống như người được cái bình vàng rồi khéo léo chưng bày các thứ hoa quý vào hoặc được cái rương vàng rồi đựng bảy thứ ngọc vào vậy, chẳng phải ngài chỉ thuyết một kinh mà thôi, ngài còn thuyết sáu kinh nữa, toàn ý nghĩa sâu xa là:

    - Mahānidānasutta trong Dīghanikāya (Trường Bộ)

    Trong Majjhimanikāya (Trung Bộ) có năm kinh nữa:

    Sāropamasutta.

    - Rukkhūpamasutta.

    - Raṭṭhapālasutta.

    - Māgaṇḍiyasutta.

    - Āneñjasappāyasutta.

    2) Tứ chúng trong vùng Kuru ấy là những người thực hành Tứ Niệm Xứ rất thường xuyên. Thậm chí người tôi tớ, người làm công và người sai sửa cũng chỉ nói chuyện với nhau có liên hệ đến Tứ Niệm Xứ cả. Cho đến những nhóm đàn bà nói chuyện với nhau bên bến nước hoặc nơi dệt vải v.v. cũng không nói chuyện vô ích. Nếu người nữ nào gặp bạn bè hỏi rằng: "Thưa cô! Cô đang hành niệm xứ nào?", mà đáp rằng: "Không" là sẽ bị chê trách và được dạy cho học một niệm xứ nào đó. Nếu đáp rằng thành điều này điều kia rồi thì nhận được sự hoan hỷ với những lời lẽ như: "Sanh mạng của bạn là sanh mạng tốt" ..."Bạn được gọi là đạt đến (đúng) ý nghĩa làm người"... "Đức Chánh Đẳng Giác ra đời để làm lợi ích cho bạn như thế"...

    Chẳng phải con người mới chuyên tâm chú ý trong pháp hành Tứ Niệm Xứ thôi đâu, thậm chí những loài bàng sanh (súc vật biết tiếng người) cũng thế, như chuyện chim két Savapotaka ở nương nơi chư tỳ-khưu-ni. Muốn hiểu xin xem trong chú giải đoạn này, để phát sanh tâm siêng năng cho mình tốt hơn chim.

    "Con đường duy nhất" (Ekāyanamagga) có dịch và giải nghĩa bốn cách là:

    1. "Đường đi một mình": nghĩa là phải dứt sự lẫn lộn với đám đông để hành một mình.

    2. "Đường đi chỉ duy Đức Thế Tôn thuyết": nghĩa là Ngài thuyết rõ ràng, do năng lực tuệ minh duy nhất của ngài, không nương vào sự hiểu biết của ai khác.

    3. "Đường đi trong chỗ độc nhất": nghĩa là đặc biệt chỉ có trong Phật giáo mà thôi.

    4. "Đường đi đến chỗ độc nhất": nghĩa là chỉ thẳng đến Niết-bàn, không rẽ đến nơi nào khác, lại nữa, Ngài nói không phải là hai nẻo.

    Vả lại, con đường Tứ Niệm Xứ này đoạn đầu là đường thế gian, chẳng phải xuất thế gian. Lời này các vị đại tôn túc đã từng biện luận với nhau. Trước đây tôn giả Tipiṭakacullanāga nói rằng: "Con đường đoạn trước là đường thế gian". Còn thầy của ngài là Tipiṭakaculla Sumana phản bác rằng: "Đó chính là con đường phối hợp", nghĩa là con đường gồm cả thế gian và xuất thế gian. Không đồng ý với nhau, vị tôn giả thầy về sau tìm kiếm quan sát ý nghĩa trong kinh lại từ đầu đã thấy ý nghĩa trong lời cuối của bài kinh, rằng: "Này chư tỳ-khưu, một người nào tiến hành Tứ Niệm Xứ này trọn bảy năm thì được thấu triệt A-na-hàm hoặc A-la-hán", vì thế mới cho rằng không phải xuất thế gian đạo, bởi khi Thánh Đạo Tuệ đã phát sanh thì không thể trú lâu đến bảy năm, nghĩa là vừa đắc đạo thì phải đắc quả ngay khi ấy, không đợi thời gian (akāliko). Khi Ngài vững tâm như vậy liền nghĩ là sẽ báo cho vị hiền giả đệ tử hiểu vào buổi thuyết pháp sáng mai. Vị hiền giả đệ tử lại nghĩ rằng: "Thậm chí hiện nay thầy của ta là bậc thông thuộc pháp học trọn cả Tam Tạng mà còn sanh sự nhầm lẫn như thế này, về sau trong vị lai câu hỏi này sẽ sanh sự nhầm lẫn nhiều hơn, ta sẽ làm cho hết sự nhầm lẫn". Nghĩ như thế, khi ngài thuyết pháp vừa phải lẽ bèn nêu lên câu hỏi này, rồi dẫn những kinh khác làm chứng cứ cho thấy rằng:"Con đường Tứ Niệm Xứ này chắc chắn là con đường hiệp thế".

    (Ghi chú: Khi hành Tứ Niệm Xứ chưa đạt được tuệ chuyển tánh- gotrabhù thì chắc chắn vẫn còn trong phạm vi thế gian mặc dù con đường này sẽ đưa đến xuất thế).

    Sau đó ngài dẫn bài kệ: "Maggānaṭṭhangiko seṭṭho … dukkhassantaṃ karissatha" trong Pháp Cú chương 20 (Magga Vagga): Bát chánh đạo là con đường cao quí nhất...sẽ làm cho chấm dứt khổ đau" để chứng minh.

    Câu "Để thông đạt pháp cần giác ngộ" nói về mục đích thấu triệt con đường tám chi là chứng đạt Thánh Quả nên khép vào xuất thế gian đạo, bởi Tứ Niệm Xứ là con đường thế gian, chỉ khi người thực hành rồi sẽ là nhân gặp được xuất thế gian đạo.

    Khi Đức Thế Tôn thuyết rằng: " Đây là con đường duy nhất dẫn đến sự thanh tịnh cho chúng sanh", chỉ bấy nhiêu cũng đủ nói lên ý nghĩa chấm dứt phiền não v.v. nên Ngài không cần thuyết về năng lực của con đường độc lộ này theo thứ lớp nữa. Nhưng Ngài sẽ thuyết theo trình tự khi thấy người không thông minh trong đường đạo pháp, không hiểu rằng con đường này sẽ dẫn đến Đạo Quả, Niết-bàn. Thuyết theo thứ lớp như thế cho thấy sự thanh tịnh sẽ có do thoát khỏi sầu (soka) và bi (parideva). Sự thoát khỏi sầu và bi có được do hết khổ (dukkha) và ưu (domanasa). Sự hết khổ và ưu có được do thấu triệt pháp (nāyadhamma). Sự thấu triệt pháp có được do chứng ngộ Niết-bàn (Nibbāna).

    Ngài thuyết đức tính của con đường duy nhứt (ekāyana magga) theo trình tự bảy thứ lớp ấy để sách tấn sự siêng năng học hỏi, ghi nhớ, liễu giải và thực hành cho đại chúng nào được nghe trong tương lai. Ví như người bán vải gấm trình bày tính chất của vải gấm rằng: "Gấm loại này tơ mịn nhuyễn có cảm giác mềm mại", khi mọi người được nghe, kẻ có tiền vừa đủ thì mua, người không tiền cũng được ngắm xem vậy.

    Tại sao Đức Phật thuyết nơi trú của niệm (niệm xứ) thành bốn cách số nhiều: "Cattaro satipaṭṭhānā" như thế ?

    - Bởi niệm có nhiều tùy theo đối tượng.

    Khi đối tượng của niệm có nhiều thì tại sao thuyết con đường chỉ có một, số ít "Ekāyano ayaṃ bhikkhave maggo"?

    - Bởi dù đối tượng của niệm có nhiều đến đâu đi nữa, thì con đường đạt đến Niết-bàn chỉ có một mà thôi.

    Nói về satipaṭṭhāna dịch là nơi trú của niệm (niệm xứ), chữ sati dịch là niệm, tức "sự nhớ biết "(không bỏ quên đối tượng). Tướng của niệm chỉ có một mà nói ra nhiều là nói theo đối tượng. Sở dĩ Ngài thuyết chỗ trú của niệm ấn định có bốn, không hơn không kém, là bởi ba nguyên nhân như sau:

    - Vừa hợp với bản chất của hành giả.
    - Vừa hợp với sự chấm dứt phiền não.
    - Vừa hợp với điều ví dụ.

    a) Vừa hợp với bản chất của hành giả: giải thích theo hai cách :

    - Cách thứ nhất, bốn xứ vừa hợp với bốn mức độ ái dục (taṇhā)tà kiến (diṭṭhi)chỉ tịnh (samatha) và quán minh tức minh sát tuệ (vipassanā) của hành giả. Nghĩa là:

    Về phương diện ái dục và tà kiến của hành giả thì người có ái dục thô thiển nên hành thân niệm xứ; người có ái dục vi tế nên hành thọ niệm xứ; người có tà kiến thô thiển nên hành tâm niệm xứ; người có tà kiến vi tế nên hành pháp niệm xứ.

    Về phương diện chỉ (định)  quán (tuệ) của hành giả cũng có bốn cách: định yếu nên hành thân niệm xứ, định mạnh nên hành thọ niệm xứ, tuệ yếu nên hành tâm niệm xứ, tuệ mạnh nên hành pháp niệm xứ.

    - Cách thứ hai, bốn xứ thích hợp với bốn cách suy nghĩ về sự thường còn, sự an lạc, về "ta", "người", "chúng sanh"..., về sự xinh đẹp (tức thường, lạc, ngã, tịnh). Niệm thân sẽ trừ được quan niệm thân thể là sạch đẹp. Niệm thọ sẽ trừ được quan niệm cảm giác là an lạc. Niệm tâm trừ được quan niệm bản thể thường hằng bất biến. Niệm pháp trừ được quan niệm hữu ngã như có ta, người, chúng sanh...

    b) Vừa hợp với sự chấm dứt trầm luân: nghĩa là thích hợp với sự đoạn tận bốn pháp tập nhiễm làm cho luân hồi sinh tử, có những tên khác như bốn trầm luân (ogha), bốn ách nạn (yoga), bốn lậu hoặc (āsava), bốn hệ phược (gantha), bốn chấp thủ (upādāna), bốn thiên vị (agati) trong đó hành mỗi xứ thích ứng đoạn tận được mỗi pháp.

    c) Hợp với điều ví dụ: nghĩa là Ngài ví dụ Tứ Niệm Xứ như bốn cửa thành, do giải thích rằng người từ bốn phương đi đến cùng một đô thành như nhau thế nào (veneyyani-kāra) thì người thực hành Tứ Niệm Xứ cũng từ bốn xứ đi đến cùng một Niết-bàn như vậy.

    Từ "kāya" được dịch và giải hai cách:

    Dịch là tập hợp, nói về tập hợp của chi thể lớn nhỏ và tập hợp của ba mươi hai thể trược, nhứt là tóc, lông, móng, răng, da... hoặc tập hợp của đất, nước, lửa, gió từng phần một, tức chia đất, nước, lửa, gió thành từng phần, gọi là tập hợp của từng phần.

    Dịch là nơi sanh của vật đáng nhờm gớm nhất là tóc, lông, móng, răng, da v.v..

    Ngài chia từ "kāya" thành "ku" và "āya". Giải là chỗ tái sinh (uppattidesa) bằng cách thọ nhận thân (viggaha) với định nghĩa: đến nơi nhờm gớm gọi là thân (kucchitānaṃ āyo’ti kāyo).

    * Trong kinh văn Pāḷi nói đến thân hai lần trùng nhau: "Quán thân trong thân" ám chỉ quán sát thấy phần nhỏ đặc biệt từ trong phần lớn, tức "trong thân" ám chỉ phần lớn. Nói quán sát thấy thân ám chỉ thấy những phần riêng biệt bé nhỏ chứ không phải quán sát thấy gồm chung nhau, ví như thấy xe đặc biệt từng món nhỏ tạo nên xe. Không thấy gộp chung như chúng sanh, người, nam, nữ... Nếu thấy gộp chung thì không gọi là quán sát thấy thân trong thân. Điều này hợp với câu kệ ngôn Pāḷi :

    "Yaṃ passati na taṃ diṭṭhaṃ,
    Yaṃ diṭṭhaṃ taṃ na passati.
    Apassaṃ bajjhate mūḷho,
    Bajjhamāno namuccatī"ti.

    Dịch nghĩa:

    Thấy cái gì chưa hẳn biết cái đó
    Biết cái gì chưa hẳn thấy cái đó
    Không thấy thì mê chấp
    Mê chấp thì không giải thoát.

    (Ghi chú: Từ diṭṭhi cũng có nghĩa là thấy nhưng ám chỉ tri kiến nên chúng tôi dịch là biết. Ví dụ như khi thấy một người là thấy gộp chung theo khái niệm không thực, chỉ khi có tuệ quán, mới biết tách riêng từng phần sắc, thọ, tưởng, hành, thức)

    Về thân đã dịch và giải như đã nói trên, còn quán sát thì có bốn cách:

    1) Cần quán sát thấy thân này không bền vững, không an vui, không thuộc của ai, không có gì tốt đẹp.

    2) Cần chia sự quán sát theo sáu thể trạng là:

    - Niệm hơi thở
    - Niệm oai nghi
    - Niệm tất cả sự (biết mình)
    - Niệm thể trược
    - Niệm nguyên tố (tứ đại)
    - Niệm bất tịnh (đã nói trong đoạn Niddesavāra).

    3) Cần quán sát thân này không phải ta, không phải của ta, chỉ do tập hợp từng thể trạng với nhau mà thành cái thân riêng biệt.

    4) Cần nhận ra được vô thường, khổ não, vô ngã đáng nhàm chán, đáng hủy diệt ý niệm thường, để dứt bỏ hỷ tham (ưa thích, vừa lòng). Cách này gọi là bảy tùy quán (anupassanā).

    * Câu "Quán sát thấy thọ trong các thọ" ám chỉ quán sát thấy thọ từng phần trong toàn phần thọ, tức là thấy một cách tách biệt. Từ vedanā phần đông dịch là "cảm xúc đối tượng". Nếu dịch theo từ gốc thì hẳn phải dịch là "sự cảm nhận". Cả hai cách đều ám chỉ cùng một sự kiện là thọ hoặc cảm giác lạc, khổ, không khổ không lạc là cảm giác của người và chúng sanh.

    Về thọ, có ba cách quán sát:

    1. Quán sát thấy lạc thường không phải lạc, vì luôn bị biến dị thành cách khác. Chẳng hạn như khi nhận biết lạc do không bệnh hoạn, thì phải quán thấy cho kỳ được rằng sẽ bị khổ khi đau ốm một lúc nào đó. Nếu nhận biết khổ khi đau ốm, thì phải quán thấy rằng khổ này là mũi tên, là vật nhọn đâm vào thân thể này, chẳng phải đâm ai khác. Nếu nhận biết xả khi không khổ không lạc, phải quán thấy xả là vô thường tức là không ở nguyên vị được, không tồn tại lâu được.

    Khi đã quán cả ba thọ như đã giải rồi coi như đã quán sát thấy đúng theo kệ ngôn:

    "Yo sukhaṃ dukkhato adda,
    Dukkhamaddakkhi sallato;
    Adukkhamasukhaṃ santaṃ,
    Addakkhi naṃ aniccato;
    Sa ve sammaddaso bhikkhu,
    Upasanto carissatī’ti"

    Dịch nghĩa:

    "Tỳ-khưu nào thấy lạc là khổ, thấy khổ là mũi tên, thấy không lạc không khổ là vô thường, tỳ-khưu ấy là người có chánh kiến sẽ đi đến tịch tịnh."

    2. Cần phải quán thọ theo bảy cách tùy quán (anupassanārằng thọ là vô thường, khổ não, vô ngã, đáng nhàm chán, đáng hủy diệt ý niệm thường, để dứt bỏ hỷ tham (ưa thích, vừa lòng).

    3. Nên quán sát theo chín phương diện của thọ (sẽ giải thích tiếp theo trong Niddesavāra , đoạn chia về quán Thọ Niệm Xứ phía sau).

    * Câu "Quán sát thấy tâm trong tâm", tức quán sát thấy tâm đặc biệt từng phần có trong toàn bộ tâm. Từ "citta" dịch là tâm, ý, để ám chỉ sự biết cảnh.

    Có ba cách quán sát tâm:

    1. Quán sát theo đối tượng , có nghĩa là tâm đồng sanh đồng diệt với đối tượng liên hệ. Tâm biểu hiện theo bốn phương diện: địa (bhūmi)nghiệp (kamma)quả (vipāka)duy tác (kiriyā). Tâm có nghĩa đại khái là suy tính hoặc nhận biết v.v. (Theo Pāḷi, ārammaṇa là đối tượng hay cảnh, ādhipati là tăng thượngsahajāta là câu sanhbhūmi là địakamma là nghiệpvipāka là quả, kiriyā là duy tác).

    2. Cần quán sát tâm theo bảy cách tùy quán (anupassanā) như đã giải trên.

    3. Cần quán sát tâm theo cả mười sáu cách thức sẽ giải tiếp theo trong Niddesavāra phía sau.

    * Câu "Quán sát thấy pháp trong các pháp" là nói về sự quán sát thấy pháp từng trạng thái một trong toàn bộ các pháp bằng cách phân tích, chia chẻ ra thành từng phần.

    (Ghi chú: Ví dụ trong tiến trình tâm nghe, quán thấy đây là tai, đây là âm thanh, đây là nhĩ thức, đây là kiết sử sanh khởi v.v.)

    Từ "dhamma" dịch là pháp (vật nâng đỡ), nghĩa là nói về sự thường trực, luôn luôn.

    Có ba cách quán sát pháp là:

    1. Cần quán sát do năng lực của pháp, tức là sự rỗng không về tướng mạo của thân và tướng chung của các pháp.

    2. Cần quán sát do năng lực của bảy tùy quán (anupassanānhứt là vô thường, khổ, vô ngã...

    3. Cần quán sát do năng lực trạng thái của pháp, sẽ nói trong đoạn sau (Niddesavāra) về thân, thọ, tâm, pháp như đã nói rồi toàn là thế gian (Loka).

    Câu "Có tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm" trong Pāḷi ám chỉ sự tinh tấn, sự biết tròn đủ, sự ghi nhớ một cách đúng đắn, với giải thích: Nếu không có ba pháp này thì sẽ không thành tựu sự quán sát và khi có ba pháp này rồi cần dứt trừ ham muốn và trái ý (abhijjhā, domanassa).

    Từ "abhijjhā" dịch là sự ham muốn, sự thỏa thích, đúng theo câu Pāḷi trong Vibhaṅga là: "Yo rāgo sārāgo anunayo anurodho nandī rāgo cittassa sārāgo ayaṃ vuccati abhijjhā", nghĩa là: Cái gì luyến ái, ái nhiễm, ái trước, thỏa thích theo, vui say, sự luyến ái đó của tâm ái nhiễm gọi là tham ái (abhijjhā).

    Từ "domanassa", phần đông cùng hiểu là ám chỉ về sự trái ý. Chú giải là sự không hoan hỷ trong lòng, sự bực tức trong lòng, sự thọ khổ đã sanh từ sự rúng động trong lòng. Dịch theo từ ngữ là "ưu", tức là không vừa lòng trái ý vậy. Do vậy, "abhijjhā" và "domanassa" chỉ có nghĩa là sự vừa lòng và sự không vừa lòng mà thôi. Sự trúng ý, hợp ý, vừa lòng, ưa thích, dính mắc tâm, … tất cả thuộc về abhijjhā. Ngược lại, thì thuộc về domanassa.

    Từ "loka" dịch là "thế gian" ám chỉ tính phổ biến của sự rã tan, mục nát, biến dị bên trong, nhưng trong kinh này đặc biệt ám chỉ thế gian tức là thân, thọ, tâm, pháp mà thôi.

    (Trong Vi Diệu Pháp nói rằng: Kenatthena - Tại sao gọi là thế gian? Palujjanaṭṭhena paloko - Gọi là thế gian với ý nghĩa rã tan, mục nát)

    Từ "vineyya" trong Pāḷi ám chỉ dứt trừ, loại bỏ, chế phục bằng hai cách: chế ngự từng phần (tadaṅga-vinaya) và chế ngự lâu dài (vikhaṃbhana-vinay).

    Bởi cớ ấy nên nói rằng: "Có tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm mới có thể dứt trừ ham muốn và trái ý trong thế gian" chung cho cả bốn pháp niệm xứ.

    Dứt lời giải Uddesavāra.

    Lời kết tổng quát phía sau mỗi niệm xứ:

    Trong Niddesa sẽ giải tiếp theo có trùng nhau mỗi điều là:

    "Iti ajjhattaṃ..,. bahiddhā..., ajjhattabahiddhā..., samudayadhammānupassī..., vayadhammānupassī..., samudayavayadhammānupassī..., sati paccupaṭṭhitā hoti, yāvadeva ñāṇamattāya, paṭissatimattāya, anissito ca viharati, na ca kiñci loke upādiyati. Evam pi...".

    [Như thế, vị ấy sống quán (thân, thọ, tâm, pháp) bên trong, bên ngoài, cả bên trong lẫn bên ngoài..., quán tánh sinh khởi..., quán tánh hoại diệt..., quán tánh sanh diệt (trên thân, thọ, tâm, pháp)..., niệm hiện trú như vậy, đến mức tuệ giác, đến mức an niệm, không bám níu, không chấp thủ bất cứ điều gì trên thế gian. Như vây...]

    Giải thích từng từ Pāḷi theo chú giải như sau:

    Itinhư thế này.

    Ajjhattaṃbên trong, tức là thuộc về tự mình (attano).

    Bahiddhābên ngoài, thuộc về người khác (parassa).

    Ajjhattabahiddhābên trong lẫn bên ngoài (attano kālena parassa) tức là khi thì bên trong khi thì bên ngoài tùy thời, cũng có ý nói khi hành thuần thục một pháp nào trong Tứ Niệm Xứ rồi, có thể quán biết trạng thái pháp ấy nơi người khác được.

    SamudayadhammānupassīQuán thấy sự sanh khởi của pháp nào tức là thấy nhân sanh khởi của pháp ấy.

    Như nhân sanh khởi của thân ám chỉ vô minh, ái dục, nghiệp và vật thực.

    Nhân sanh khởi của thọ ám chỉ cả bốn pháp trên nhưng đổi vật thực thành xúc.

    Nhân sanh khởi của tâm giống như đã nói về thân.

    Nhân sanh khởi của pháp dành cho triền cái (nīvaraṇa) ám chỉ nhân làm cho những triền cái ấy sanh lên.

    Dành cho ngũ uẩn và mười hai xứ (āyatana) nói về cả bốn pháp giống như đã nói về thân và thọ.

    Dành cho giác chi (bojjhaṅga) ám chỉ nhân sanh những giác chi ấy.

    Dành cho Tứ Diệu Đế ám chỉ sự sanh của các Diệu Đế đúng diễn tiến thực tánh trong khi tiến hành pháp niệm xứ chân thật ấy.

    Vayadhammānupassīquán thấy sự hoại diệt của pháp, tức là thấy rằng: "Khi nhân sanh một pháp (như đã trình bày) diệt đi, thì pháp ấy cũng phải diệt".

    Samudayavayadhammānupassīquán thấy sự sanh sự diệt của pháp, ám chỉ nhận biết sự sanh hoặc diệt của pháp ấy tùy thời.

    Sati paccupaṭṭhitā hoticó niệm hiện trú. Đặc biệt luôn nhận rõ rằng: đối tượng của niệm nhứt là thân hiện hữu ấy không phải là chúng sanh, người nam, người nữ, thân ta, có ở trong thân ta, của ta, người khác, của người khác...

    Yāvadevacho đến như vậy, tức vị ấy an trú trong chánh niệm tỉnh giác một cách trọn vẹn vừa đủ.

    Ñāṇamattāyađến mức tuệ giác, tức là trí tuệ thấu suốt pháp chân đế.

    Paṭissatimattāyađến mức an niệm, tức là niệm được hoàn toàn an trú trên đối tượng chân đế.

    Anissitokhông bám níu, tức dính mắc trong ái dục và tà kiến.

    Na ca kiñci loke upādiyatikhông chấp thủ điều gì trên thế gian, tức là không chấp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức riêng biệt nào trong thế gian là ta hoặc có ở trong ta.

    Evam piNhư vậy. Từ này ám chỉ rằng vị tỳ khưu sống quán thấy như trên chắc chắn sẽ giác ngộ Tứ Diệu Đế một cách rõ ràng, thứ lớp trọn mười sáu phận sự (soḷasakicca) qua thực tánh một niệm xứ nào đó mà vị ấy đang hành.

    Và trong quán thân chia ra thành mười bốn đối tượng là sổ tức quán (ānāpānasati), bốn oai nghi (iriyāpathā), biết mình (sampajāna), ba mươi hai thể trược (dvatiṃsākāra)nguyên tố (dhātu)chín loại tử thi (asubha) tuy có những ý nghĩa khác nhau, nhưng đều gọi chung là quán thân. Bởi cớ này nói rằng: "Quán thấy thân trong thân" tức ám chỉ thấy 14 điều, mỗi điều nào trong thân, đều thuộc về quán thân tất cả, như quán thấy hơi thở, sổ tức quán, tức là quán thân.

    Khi nói quán bốn oai nghi cũng chính là nói đến quán thân, như là điển hình cho những điều khác. Và nói đến thọ, tâm, pháp cũng vậy, chỉ nói điển hình, giống như nói hơi thở điển hình cho quán thân mà thôi. Về những câu khác chú giải cũng vắn tắt giống nhau.

    -ooOoo-

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.