PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
NỀN TẢNG PHẬT GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN X
Pháp-Hành Thiền-Tuệ
Tỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu)
SẮC-PHÁP PHÁT SINH DO NƯƠNG NHỜ DANH-PHÁP
Sắc-pháp trong thân thể của mỗi chúng-sinh phát sinh do nương nhờ nơi danh-pháp (tâm). Ví dụ:
IRIYĀPATHAPABBA: TỨ-OAI-NGHI
Trong kinh Đại-Niệm-Xứ Mahāsatipaṭṭhānasutta[1], phần Iriyāpathapabba: Phần tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm, và Samajāna-pabba các oai-nghi phụ như bước tới, bước lui, quay bên phải, quay bên trái, co tay, co chân, duỗi tay, duỗi chân, v.v… đều là những sắc-pháp phát sinh do tâm (danh-pháp), gọi là (cittajarūpa).
NHÂN-DUYÊN PHÁT SINH 4 OAI-NGHI
Trong Chú-giải bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, phần Iriyāpathapabba giảng giải về nhân-duyên phát sinh 4 oai-nghi như sau:
4 oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).
1-“Oai-nghi đi”gọi là “thân đi” hoặc “sắc-đi” là sắc-pháp phát sinh do tâm, qua quá trình diễn biến liên tục do nhiều nhân-duyên như sau:
- Tâm nghĩ “đi”.
- Do tâm nghĩ đi làm cho phát sinh chất gió.
- Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.
- Toàn thân di chuyển bước đi từng bước do năng lực của chất gió phát sinh do tâm ấy (cittakiriyavāyodhātu-vipphārena sakalakāyassa purato abhinīhāro gamanan’ti vuccati).
Do đó, gọi là “thân đi” hoặc “sắc-đi” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).
2-“Oai-nghi đứng” gọi là “thân đứng” hoặc “sắc-đứng” là sắc-pháp phát sinh do tâm, qua quá trình diễn biến liên tục do nhiều nhân-duyên như sau:
- Tâm nghĩ “đứng”.
- Do tâm nghĩ đứng làm cho phát sinh chất gió.
- Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.
- Toàn thân từ chân đến đầu đứng yên một chỗ theo mỗi dáng đứng, tư thế đứng yên, do năng lực của chất gió phát sinh do tâm ấy.
Do đó, gọi là “thân đứng” hoặc “sắc-đứng” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).
3- “Oai-nghi ngồi” gọi là “thân ngồi” hoặc “sắc-ngồi” là sắc-pháp phát sinh do tâm, qua quá trình diễn biến liên tục do nhiều nhân-duyên như sau:
- Tâm nghĩ “ngồi”.
- Do tâm nghĩ ngồi làm cho phát sinh chất gió.
- Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.
- Toàn thân ngồi: Thân phần trên ngồi yên, thân phần dưới co theo mỗi dáng ngồi, tư thế ngồi yên, do năng lực của chất gió phát sinh do tâm ấy.
Do đó, gọi là “thân ngồi” hoặc “sắc-ngồi” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).
4-“Oai-nghi nằm” gọi là “thân nằm” hoặc “sắc-nằm” là sắc-pháp phát sinh do tâm, qua quá trình diễn biến liên tục do nhiều nhân-duyên như sau:
- Tâm nghĩ “nằm”.
- Do tâm nghĩ nằm làm cho phát sinh chất gió.
- Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.
- Toàn thân nằm ngang theo mỗi dáng nằm, mỗi tư thế nằm yên, do năng lực của chất gió phát sinh do tâm ấy.
Do đó, gọi là “thân nằm” hoặc “sắc-nằm” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).
Nếu trường hợp thiếu nhân-duyên nào thì sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm không thể phát sinh được. Ví như người bị bại liệt, dù tâm muốn đi, muốn đứng, muốn ngồi, muốn nằm, v.v… với tư thế này hoặc tư thế kia cũng không thể đi, đứng, ngồi, nằm, v.v… theo ý muốn của mình được, bởi vì chất gió phát sinh do tâm không đủ năng lực làm cho toàn thân đất, nước nặng nề cử động theo ý của họ được.
Sở dĩ con người bình thường khỏe mạnh đi, đứng, ngồi, nằm, v.v… cử động được dễ dàng là do nhờ năng lực của chất gió phát sinh do tâm có khả năng điều hoà được tứ đại, đất, nước, lửa, gió trong thân thể của họ.
Đức Phật dạy: “Thân” này ví như một chiếc xe, “tâm” này ví như người lái xe.
Chiếc xe chạy mau, chạy chậm, rẽ trái, rẽ phải, ngừng lại, v.v… đều do người lái xe điều khiển.
Cũng như vậy, thân này đi, đứng, ngồi, nằm, bước tới, bước lui, quay bên phải, quay bên trái, co tay vào, co chân vào, duỗi tay ra, duỗi chân ra, v.v… đều do tâm điều khiển.
Vì vậy, gọi là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).
Sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm, v.v… được phát sinh do nhiều nhân-duyên, nên là pháp-vô-ngã.
VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA DANH-PHÁP, SẮC-PHÁP
Sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) có vai trò tối ưu quan trọng trong pháp-hành thiền-tuệ, bởi vì sắc-pháp, danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.
Thật vậy, pháp-hành thiền-tuệ có 16 loại trí-tuệ thiền-tuệ, mà trí-tuệ đầu tiên gọi là nāmarūpapariccheda-ñāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ, phân tích rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp là pháp-vô-ngã, không phải ta, người, người nam, người nữ, chúng-sinh này, chúng-sinh kia, vật này, vật kia, v.v… mà chỉ là sắc-pháp, danh-pháp mà thôi.
Những trí-tuệ thiền-tuệ tiếp theo cũng đều có sắc-pháp, danh-pháp làm đối-tượng, để trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp; thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô- thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp; trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ tội chướng của sắc-pháp, của danh-pháp; trí-tuệ thiền-tuệ nhàm chán sắc-pháp, danh-pháp; trí-tuệ thiền-tuệ muốn giải thoát ra khỏi sắc-pháp, danh-pháp, v.v…
Cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 gọi là saccā-nulomañāṇa có khả năng buông bỏ được đối-tượng sắc-pháp hoặc danh-pháp tam-giới tiếp đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gọi là gotrabhuñāṇa tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, tiếp theo trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 và 15 gọi là Maggañāṇa và Phalañāṇa đều có đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
Vì vậy, sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp có vai trò tối ư quan trọng trong pháp-hành thiền-tuệ.
Cho nên, hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, điều trước tiên cần phải học hỏi, hiểu biết rõ rành rẽ, phân biệt rõ về mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp như thế nào thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) và như thế nào thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma). Đó là điều tối ư quan trọng trước tiên của hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Ví dụ như người đọc sách, điều quan trọng là có chữ để đọc, người đọc cần phải học hỏi hiểu biết mỗi phụ âm, mỗi nguyên âm, biết cách ráp vần thành chữ để đọc, rồi hiểu biết rõ ý nghĩa từng chữ, từng câu, mới hiểu biết từng đọan, hiểu được giá trị quyển sách ấy.
Cũng như vậy, hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trước tiên, hành-giả cần phải học hỏi, hiểu biết rõ rành rẽ, phân biệt rõ về mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp như thế nào thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) và như thế nào thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), bởi vì tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramattha- dhamma) mới là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ. Đó là điều tối ưu quan trọng trước tiên đối với hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
CHÚ THÍCH
[1] Bộ Dī. Mahāvaggaṭṭhakathā, kinh Mahāsatipaṭṭhānasuttavaṇṇanā.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.