PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
LỄ DÂNG Y KATHINA
Soạn giả: Tỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu)
BỐ THÍ CỦA BẬC THIỆN TRÍ
Đối với thí chủ, buổi lễ dâng y kathina thuộc về sappurisadāna: Phước thiện bố thí cúng dường của bậc thiện trí, gồm đủ 5 chi pháp như sau:
1- Saddhadāna: Bậc thiện trí bố thí có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp.
Bố thí với đức tin này có quả báu giàu sang phú quý và đặc biệt nhất là có sắc thân xinh đẹp, đáng chiêm ngưỡng.
2- Sakkaccadāna: Bậc thiện trí bố thí với sự cung kính và vật thí phát sinh một cách trong sạch.
Bố thí với sự cung kính có quả báu giàu sang phú quý và đặc biệt nhất là toàn thể gia đình vợ con, tôi tớ, bà con, bạn bè, thuộc hạ… cả thảy đều ngoan ngoãn vâng lời, dễ dạy.
3- Kāladāna: Bậc thiện trí bố thí đúng thời, đúng lúc như trong buổi lễ dâng y tắm mưa, dâng y kathina, bố thí đến tỳ khưu khách, tỳ khưu đi xa, tỳ khưu bệnh, người bệnh, người đang đói khát…
Bố thí cúng dường đúng thời, đúng lúc có quả báu giàu sang phú quý và đặc biệt nhất là có quả báu tốt lành từ thuở ấu niên cho đến lão niên, có những vật mà người khác khó có, được những vật mà người khác khó được…
4- Anuggahadāna: Bậc thiện trí bố thí với tâm tế độ người thọ thí.
Bố thí với tâm tế độ, có quả báu giàu sang phú quý và đặc biệt nhất là quan tâm đến sự hưởng thụ của cải cho được an lạc.
5- Anupahaccadāna: Bậc thiện trí bố thí không làm khổ mình, không làm khổ người.
Bố thí không làm khổ mình, không làm khổ người có quả báu giàu sang phú quý và đặc biệt nhất là tất cả của cải không bị thiệt hại do bởi lửa thiêu hủy, không bị nước lụt cuốn trôi, không bị kẻ trộm cướp chiếm đoạt, không bị Đức vua tịch thu, không bị người không ưa thích tranh giành.
Trong kinh Sappurisadānasutta[1] Đức Phật dạy:
- Này chư Tỳ khưu, bậc thiện trí làm phước thiện bố thí bằng đức tin trong sạch sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt là người có sắc thân rất xinh đẹp, có làn da mịn màng trắng trẻo, sạch sẽ, đáng để cho mọi người ngưỡng mộ.
- Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí bằng sự cung kính sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt vợ con tôi tớ, người làm công, bè bạn, v.v… đều lắng nghe và cung kính vâng lời làm theo lời khuyên dạy.
- Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí hợp thời, hợp lúc sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt khi cần có thứ gì sẽ có được thứ ấy theo sự mong muốn của mình.
- Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí với tâm tế độ người thọ thí sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt là người ấy thường quan tâm đến sự thọ hưởng của cải, đầy đủ sung túc ngũ trần.
- Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí không làm khổ mình và người sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt tất cả của cải tài sản không bị thiệt hại bởi lửa cháy, nước lụt, trộm cướp, vua tịch thu và kẻ không ưa thích phá hoại.
- Này chư Tỳ khưu đó là 5 cách tạo phước thiện bố thí của bậc thiện trí và quả báu của nó.
Kathina có nghĩa là “vững chắc” thì quả báu của lễ dâng y kathina cũng có tính chất đặc biệt hơn các quả báu của các phước thiện bố thí khác đó là “vững
chắc”, bền vững lâu dài, có đầy đủ 5 quả báu:
- Āyu: Sống lâu.
- Vanna: Có sắc đẹp đáng chiêm ngưỡng.
- Sukha: Thân và tâm được an lạc.
- Bala: Thân và tâm có sức mạnh.
- Paññā: Có trí tuệ sáng suốt.
Những quả báu này được vững chắc, bền vững từ thời ấu niên, trung niên cho đến lão niên, và tất cả các tài sản sự nghiệp cũng được vững chắc, bền vững, không bị hủy hoại, không bị thiệt hại do lửa thiêu hủy, do nước lụt cuốn trôi, do bọn trộm cướp chiếm đoạt, do Đức vua tịch thu,…
Lễ dâng y kathina có tính chất đặc biệt hơn tất cả phước thiện bố thí khác đó là: Cơ hội tốt để thí chủ tạo được phước duyên sâu sắc nhất trong Phật giáo. Chính do nhờ phước duyên này hỗ trợ cho thí chủ dễ phát sinh đức tin nơi Tam Bảo, và thí chủ có thể phát nguyện được xuất gia theo cách gọi “Ehi Bhikkhu!” trong thời vị lai. Khi gặp Đức Phật, nếu hậu thân của thí chủ muốn xuất gia trở thành tỳ khưu, Đức Phật cho phép xuất gia tỳ khưu theo cách gọi “Ehi Bhikkhu!”: Con hãy lại đây! Con trở thành tỳ khưu theo ý nguyện… Ngay khi Đức Phật truyền dạy dứt câu, vị ấy trở thành tỳ khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng đó là y 2 lớp, y vai trái, y nội, bát, dây thắt lưng, dao cạo tóc, ống kim chỉ và đồ lọc nước; những thứ ấy được thành tựu do quả phước như thần thông, vị tân tỳ khưu liền có Tăng tướng trang nghiêm, lục căn thanh tịnh như một vị Đại đức có 60 tuổi hạ.
Trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế, có nhiều vị tỳ khưu được Đức Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ khưu bằng cách gọi “Ehi Bhikkhu!”, đó là những vị tỳ khưu mà trong kiếp quá khứ, quý Ngài đã từng dâng y, bát, các thứ vật dụng đến cá nhântỳ khưu, hoặc đến chư tỳ khưu Tăng, nhất là có cơ hội đã từng làm lễ dâng y kathina và đã từng phát nguyện rằng:
“Do năng lực phước thiện dâng y kathina này, kiếp sau sẽ gặp Đức Phật và được Ngài cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu bằng cách gọi “Ehi Bhikkhu!”.”
Khi thí chủ có nhiều phước thiện dâng y kathina cùng với lời phát nguyện thì sẽ được thành tựu như ý.
CHÚ THÍCH
[1] Aṅguttaranikāya, phần 5 chi, kinh Sappurisadānasutta.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.