PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
NỀN TẢNG PHẬT GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN X
Pháp-Hành Thiền-Tuệ
Tỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu)
CHÁNH-KIẾN-THIỀN-TUỆ KHÔNG LÀM KHỔ MÌNH, KHỔ NGƯỜI
Trong đời này, số người thường được gần gũi thân cận với bậc Thánh-nhân, bậc thiện-trí trong Phật-giáo, thường được lắng nghe chánh-pháp của Đức- Phật, được học hỏi hiểu biết về môn học abhidhamma; vi-diệu-pháp, hiểu biết mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp, có cơ hội thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, có chánh-kiến thiền-tuệ thấy đúng, biết đúng thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp là:
- Danh-pháp chỉ là danh-pháp.
- Sắc-pháp chỉ là sắc-pháp.
- Danh-pháp nương nhờ sắc-pháp.
- Sắc-pháp nương nhờ danh-pháp.
- Tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều là pháp- vô-ngã, không phải ta, không phải người, không phải người nam, không phải người nữ, không phải chúng-sinh, không phải vật này, vật kia, v.v… Tất cả các pháp đều là pháp-vô-ngã.
Bậc Thánh-thanh-văn có chánh-kiến-thiền-tuệ diệt tận được tà-kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi) đồng thời diệt được mọi tà-kiến khác, nên không bao giờ tự làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ mình khổ người nữa.
Ví dụ: Ban đêm, một người đi đường, có người nói cho biết có sợi dây ngoằn ngoèo nằm giữa đường, người ấy tay cầm đèn chiếu ánh sáng, nhìn thấy sợi dây ấy chỉ là sợi dây, không hề phát sinh tâm sợ hãi, nên không tự làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ mình khổ người.
Cũng như vậy trong đời này, bậc Thánh Thanh-văn có chánh-kiến thiền-tuệ thấy đúng, biết đúng thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp là:
- Danh-pháp chỉ là danh-pháp.
- Sắc-pháp chỉ là sắc-pháp.
- Danh-pháp nương nhờ sắc-pháp.
- Sắc-pháp nương nhờ danh-pháp.
- Tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều là pháp- vô-ngã, nên không bao giờ tự làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ mình khổ người nữa.
SẮC-PHÁP, DANH-PHÁP LÀM ĐỐI-TƯỢNG THIỀN-TUỆ
Sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp sinh rồi diệt liên tục không ngừng, nên có 3 thời: Quá-khứ, hiện-tại, vị-lai.
- Sắc-pháp, danh-pháp đã diệt rồi, thuộc về quá-khứ.
- Sắc-pháp, danh-pháp đang sinh, thuộc về hiện-tại.
- Sắc-pháp, danh-pháp chưa sinh, thuộc về vị-lai.
Sắc-pháp, danh-pháp thuộc về thời nào làm đối-tượng thiền-tuệ?
- Sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ đã sinh rồi đã diệt, nên không thể sử dụng làm đối-tượng thiền-tuệ được, bởi vì trí-tuệ thiền-tuệ không thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp quá-khứ ấy, và trí-tuệ thiền-tuệ cũng không thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô- thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp quá khứ ấy được.
Vì vậy, sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ không trực tiếp làm đối-tượng thiền-tuệ.
- Sắc-pháp, danh-pháp vị-lai chưa sinh, chưa diệt, nên không thể sử dụng làm đối-tượng thiền-tuệ được, bởi vì trí-tuệ thiền-tuệ không thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp vị-lai ấy, và trí-tuệ thiền-tuệ cũng không thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp vị-lai ấy được.
Vì vậy, sắc-pháp, danh-pháp vị-lai cũng không trực tiếp làm đối-tượng thiền-tuệ.
- Sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại đang sinh, đang diệt, nên có thể sử dụng làm đối-tượng thiền-tuệ được, bởi vì trí-tuệ thiền-tuệ có khả năng thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại ấy, và trí-tuệ thiền-tuệ cũng có khả năng thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái- chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại ấy được.
Vì vậy, chỉ có sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại trực tiếp làm đối-tượng thiền-tuệ mà thôi.
Dĩ nhiên, khi trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại có sự sinh, sự diệt, thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái-vô-ngã, thì trí-tuệ thiền-tuệ cũng có khả năng thấu triệt, thấu suốt được sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ cũng đã có sự sinh, sự diệt, cũng đã có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, cũng như sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại này.
Và trí-tuệ thiền-tuệ cũng có khả năng thấu triệt, thấu suốt được sắc-pháp, danh-pháp vị-lai cũng sẽ có sự sinh, sự diệt, cũng sẽ có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, cũng như sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại này.
Sắc-pháp, danh-pháp là pháp-hữu-vi (saṅkhatadhamma) thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) mới có sự sinh, sự diệt, nên sắc-pháp, danh-pháp có 3 thời:
- Sắc-pháp, danh-pháp đã diệt thuộc về quá-khứ.
- Sắc-pháp, danh-pháp đang sinh rồi diệt thuộc về hiện-tại.
- Sắc-pháp, danh-pháp chưa sinh thuộc về vị-lai.
Niết-bàn (Nibbāna) là pháp-vô-vi (asaṅkhatadhamma) tuy cũng thuộc về chân-nghĩa-pháp nhưng không có sự sinh, sự diệt thuộc về kālavimutti: Niết-bàn ngoài 3 thời, không có quá-khứ, hiện-tại, vị-lai. Và chế-định-pháp cũng thuộc về ngoài 3 thời, không có quá-khứ, hiện-tại, vị-lai.
SẮC-PHÁP, DANH-PHÁP HIỆN-TẠI
Sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại có 4 loại:
1- Addhā paccuppanna: Kiếp hiện-tại là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp, kể từ khi tái-sinh cho đến khi ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp tan rã (chết) là khoảng thời gian hiện-tại của một kiếp hiện-tại.
2- Samaya paccuppanna: Buổi hiện-tại là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp lúc buổi sáng, lúc buổi trưa, lúc buổi chiều, lúc buổi tối, thời gian hiện-tại trong một buổi một lúc.
3- Santati paccuppanna: Liên tục hiện-tại là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp sinh rồi diệt liên tục không ngừng qua các lộ-trình-tâm (vīthicitta).
4- Khaṇa paccuppanna: Sát-na hiện-tại là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp ở sát-na-trụ (ṭhitikhaṇa).
Trong 4 loại hiện-tại này, addhā paccuppanna: Kiếp hiện-tại và samaya paccuppanna: Buổi hiện-tại, ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp có thời gian quá dài, nên không thể làm đối-tượng thiền-tuệ được, và khaṇa paccuppanna: Sát-na hiện-tại là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp có thời gian quá ngắn, nên cũng không thể làm đối-tượng thiền-tuệ được.
Chỉ có santati paccuppanna: Liên tục hiện-tại là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp sinh rồi diệt liên tục không ngừng qua các lộ-trình-tâm (vīthicitta), có thời gian không quá dài, cũng không quá ngắn, nên có thể làm đối-tượng thiền-tuệ được.
Khi trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại sinh rồi diệt, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, nên thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô- thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp. Lẽ dĩ nhiên, trí-tuệ thiền-tuệ hoàn toàn không có hoài-nghi về sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ, và sắc-pháp, danh-pháp vị-lai là thường, lạc, ngã nữa.
Cho nên, chắc chắn trí-tuệ thiền-tuệ cũng có khả năng thấu triệt, thấu suốt được sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ đã sinh rồi đã diệt, nên đã có trạng-thái vô- thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, và sắc-pháp, danh-pháp vị-lai cũng sẽ sinh rồi sẽ diệt, cũng sẽ có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, cũng như sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại này.
Danh-pháp với sắc-pháp nương nhờ lẫn nhau phát sinh như sau:
- Danh-pháp phát sinh do nương nhờ sắc-pháp.
- Sắc-pháp phát sinh do nương nhờ danh-pháp.
- Danh-pháp phát sinh do nương nhờ danh-pháp.
SỰ SINH, SỰ DIỆT CỦA SẮC-PHÁP, CỦA DANH-PHÁP
Sắc-pháp, danh-pháp là pháp-hữu-vi (saṅkhatadham-ma) bị cấu tạo bởi 4 nhân-duyên: Nghiệp (kamma), tâm (citta), thời-tiết (utu), vật-thực (āhāra), thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), nên sắc-pháp, danh-pháp có sự sinh, sự diệt liên tục không ngừng, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã.
Nibbāna: Niết-bàn là pháp-vô-vi (asaṅkhatadhamma) cũng thuộc về danh-pháp đặc biệt, hoàn toàn khác với danh-pháp (tâm với tâm-sở), Niết-bàn không bị cấu tạo bởi 4 nhân-duyên: Nghiệp (kamma), tâm (citta), thời-tiết (utu), vật-thực (āhāra), cũng thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).
Niết-bàn và chế-định-pháp (paññattidhamma) đều không có sự sinh, sự diệt, nên không có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã.
Tuy nhiên Niết-bàn và chế-định-pháp vẫn thuộc về pháp-vô-ngã.
SỰ SINH, SỰ DIỆT CỦA DANH-PHÁP
Danh-pháp là tâm với tâm-sở có sự sinh, sự diệt vô cùng mau lẹ, như Đức Phật dạy:
- "Này chư tỳ-khưu! Như-lai không thấy pháp nào có sự sinh, sự diệt vô cùng mau lẹ như tâm[1]."
Trong bộ Chú-giải Pāḷi dạy rằng:
“Chỉ một lần búng đầu ngón tay, tâm với tâm-sở (danh-pháp) sinh rồi diệt 1.000 tỷ lần.”[2]
Mỗi tâm với tâm-sở có 3 sát-na: 1- Uppāda khaṇa: Sát-na-sinh. 2- Ṭhiti khaṇa: Sát-na-trụ. 3- Bhaṅga khaṇa: Sát-na-diệt. Mỗi lộ-trình-tâm (vīthicitta) có số tâm với tâm-sở sinh rồi diệt theo tuần tự, chấm dứt bằng bhavaṅgacitta.
Trong mỗi lộ-trình-tâm có các tâm với tâm-sở phát sinh biết đối-tượng hiện-tại, hoặc đối-tượng quá-khứ, hoặc đối-tượng vị-lai, hoặc chế-định-pháp (paññatti- dhamma) tuần tự sinh rồi diệt liên tục từ lộ-trình-tâm này sang lộ-trình-tâm khác liên tục không ngừng, trong đời sống bình thường của mỗi chúng-sinh.
Khi nằm ngủ say, lộ-trình-tâm không phát sinh, chỉ có bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm sinh rồi diệt liên tục không ngừng biết đối-tượng quá-khứ kiếp trước, cho đến khi tỉnh giấc. Cho nên, khi ngủ say không có mộng, tâm không biết đối-tượng trong kiếp hiện-tại.
Mỗi tâm với tâm-sở phát sinh đều có 3 sát-na: Sát-na-sinh, sát-na-trụ, sát-na-diệt.
SỰ SINH, SỰ DIỆT CỦA SẮC-PHÁP
Sự sinh, sự diệt của sắc-pháp chậm hơn sự sinh, sự diệt của danh-pháp theo sự so sánh với 3 sát-na: Sát-na-sinh, sát-na-trụ, sát-na-diệt của danh-pháp như sau:
* Sát-na-sinh và sát-na-diệt của sắc-pháp giống như sát-na-sinh và sát-na-diệt của danh-pháp.
* Sát-na-trụ (thời-gian-trụ) của sắc-pháp có 49 sát-na-nhỏ lâu hơn 1 sát-na-trụ của danh-pháp. Ví dụ:
Nhãn-môn lộ-trình-tâm (cakkhudvāravīthicitta) có đối-tượng sắc, hình dạng rõ ràng, gồm có 17 tâm liên tục sinh rồi diệt, mỗi tâm có 3 sát-na: Sát-na-sinh, sát-na-trụ, sát-na-diệt. Như vậy, suốt nhãn-môn lộ-trình-tâm gồm có 51 sát-na-nhỏ.
Đối-tượng sắc, hình dạng rõ ràng làm đối-tượng của nhãn-môn lộ-trình-tâm, có khả năng tồn tại trải qua suốt lộ-trình-tâm gồm có 17 tâm mà mỗi tâm có 3 sát-na: Sát-na-sinh, sát-na-trụ, sát-na-diệt liên tục, gồm có 51 sát- na-nhỏ.
Trong 51 sát-na-nhỏ của đối-tượng sắc-pháp ấy, có 1 sát-na-sinh và 1 sát-na-diệt, còn lại 49 sát-na-trụ (thời-gian-trụ) của đối-tượng sắc-pháp.
Như vậy, 1 sát-na-sinh và 1 sát-na-diệt của sắc-pháp giống với 1 sát-na-sinh và 1 sát-na-diệt của danh-pháp, nhưng sát-na-trụ (thời-gian-trụ) của sắc-pháp chậm hơn 49 sát-na-nhỏ so sánh với 1 sát-na-trụ của tâm.
Xem đồ biểu nhãn-môn lộ-trình-tâm có đối-tượng sắc, hình dạng rõ ràng, để có sự so sánh giữa 3 sát-na: Sát-na-sinh, sát-na-trụ, sát-na-diệt của danh-pháp với sắc-pháp.
GIẢI THÍCH: NHÃN-MÔN LỘ-TRÌNH-TÂM
Nhãn-môn lộ-trình-tâm gồm có những sát-na-tâm sinh rồi diệt theo tuần tự liên tục, có đối-tượng sắc rõ ràng. Bắt đầu từ hộ-kiếp-tâm quá-khứ thứ nhất cho đến tiếp-đối-tượng-tâm thứ 17 là chấm dứt nhãn môn lộ-trình-tâm.
Nhãn-thức-tâm phát sinh có đối-tượng sắc rõ ràng tiếp xúc với nhãn-tịnh-sắc, theo nhãn-môn lộ-trình-tâm sinh rồi diệt tuần tự như sau:
- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm viết tắt (bha)
1- Atītabhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm quá-khứ vt (atī)
2- Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động vt (na)
3- Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị cắt đứt vt (da)
4- Pañcadvāravajjanacitta: Ngũ-môn-hướng-tâm vt (pañ)
5- Cakkhuviññāṇacitta: Nhãn-thức-tâm vt (cak)
6- Sampaṭicchanacitta: Tiếp-nhận-tâm vt (sam)
7- Santīraṇacitta: Suy-xét-tâm vt (san)
8- Voṭṭhabbanacitta: Xác-định-tâm vt (vot)
9- 15- Javanacitta: Tác-hành-tâm vt (ja)
16- 17- Tadālambana: Tiếp-đối-tượng-tâm vt (ta)
Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm vt (bha)
NHÃN-MÔN LỘ-TRÌNH-TÂM (CAKKHUDVĀRAVĪTHICITTA)
Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm là quả-tâm có đối-tượng cũ từ kiếp trước, làm phận sự giữ gìn hộ trì kiếp sống của mỗi kiếp chúng-sinh cho đến cuối cùng. (viết tắt bha)
1- Atītabhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm quá-khứ phát sinh 1 sát-na-tâm vẫn còn giữ đối-tượng cũ kiếp trước, dù có đối-tượng sắc mới hiện-tại xuất hiện. (viết tắt atī)
2- Bhavaṅgacalanacitta: Hộ-kiếp-tâm rung động phát sinh 1 sát-na-tâm bị rung động, khi có đối-tượng sắc mới hiện-tại xuất hiện. (viết tắt na)
3- Bhavaṅgupacchedacitta: Hộ-kiếp-tâm bị cắt đứt phát sinh 1 sát-na-tâm rồi diệt cùng với đối-tượng cũ kiếp trước, do đối-tượng sắc mới hiện-tại xuất hiện. (viết tắt da)
4- Pañcadvāravajjanacitta: Ngũ-môn hướng-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự tiếp nhận 5 đối-tượng mới hiện-tại (sắc,thanh, hương, vị, xúc). (viết tắt pañ) (Trong nhãn-môn lộ-trình-tâm này chỉ tiếp nhận đối-tượng sắc mới hiện-tại mà thôi.)
5- Cakkhuviññāṇacitta: Nhãn-thức-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự thấy đối-tượng sắc hiện-tại. (viết tắt cak)
6- Sampaṭicchanacitta: Tiếp-nhận-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự tiếp nhận đối-tượng sắc hiện-tại từ nhãn-thức-tâm. (viết tắt sam)
7- Santīraṇacitta: Suy-xét-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự suy xét đối-tượng sắc tốt hoặc xấu. (viết tắt san)
8- Voṭṭhabbanacitta: Xác-định-tâm, đó là ý-môn-hướng-tâm (manodvāravajjanacitta) phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự xác định đối-tượng của bất-thiện-tâm hoặc của đại-thiện-tâm hoặc của đại-duy-tác-tâm, tuỳ theo trình độ hiểu biết của chúng-sinh ấy. (viết tắt vot)
9-15- Javanacitta: Tác-hành-tâm đó là bất-thiện-tâm, hoặc đại-thiện-tâm, hoặc đại-duy-tác-tâm phát sinh liên tục 7 sát-na-tâm cùng loại tâm làm phận sự tạo bất-thiện-nghiệp hoặc đại-thiện-nghiệp tuỳ theo trình độ hiểu biết của chúng-sinh, hoặc đại-duy-tác-tâm đối với bậc Thánh A-ra-hán không thành đại-thiện-nghiệp, bất-thiện-nghiệp nào cả. (viết tắt ja)
16-17-Tadālambanacitta: Tiếp-đối-tượng-tâm thuộc về quả-tâm đặc biệt phát sinh 2 sát-na-tâm làm phận sự tiếp đối-tượng sắc hiện-tại từ tác-hành-tâm còn thừa 2 sát-na-tâm, hết tuổi thọ 17 sát-na-tâm của đối-tượng sắc hiện-tại, để chấm dứt nhãn-môn lộ-trình-tâm. (viết tắt ta)
- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm phát sinh có đối-tượng cũ từ kiếp trước trở lại, đồng thời chấm dứt nhãn-môn lộ-trình-tâm.
Xem đồ biểu nhãn-môn lộ-trình-tâm có đối-tượng sắc, hình dạng rõ ràng, có đủ 17 sát-na-tâm sinh rồi diệt theo tuần tự thấy rằng:
- Sát-na-sinh của atītabhavaṅgacitta thứ nhất là 1 sát-na-sinh chung của danh-pháp và sắc-pháp (đối-tượng sắc)
- Sát-na-diệt của tadālambanacitta thứ 17 cuối cùng là 1 sát-na-diệt chung của danh-pháp và sắc-pháp (đối-tượng sắc).
- Thời gian sát-na-trụ của danh-pháp trong mỗi sát- na-tâm.
- Thời gian sát-na-trụ của sắc-pháp bắt đầu sát-na trụ của atītabhavaṅgacitta thứ nhất cho đến sát-na trụ của tadālambanacitta thứ 17 cuối cùng, gồm có 49 sát-na nhỏ của tâm.
TRẠNG-THÁI-CHUNG (SĀMAÑÑALAKKHAṆA)
Tất cả mọi danh-pháp (nāmadhamma) mọi sắc-pháp (rūpadhamma) là pháp-hữu-vi (saṅkhatadhamma) thuộc về chân-nghĩa-pháp đều có sự sinh, sự diệt, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung (sāmaññalakkhaṇa) là:
1- Aniccalakkhaṇa: Trạng-thái vô-thường.
2- Dukkhalakkhaṇa: Trạng-thái khổ.
3- Anattalakkhaṇa: Trạng-thái vô-ngã.
TRẠNG-THÁI-RIÊNG (VISESALAKKHAṆA)
Tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều có 3 trạng- thái-chung (sāmaññalakkhaṇa). Riêng mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đều có trạng-thái-riêng của mỗi pháp.
- Citta: Tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm cùng có một trạng-thái-riêng là: Ārammaṇavijānanalakkhaṇa: Trạng-thái biết các đối-tượng.
- Cetasika: Tâm-sở gồm có 52 tâm-sở, mỗi tâm-sở có mỗi trạng-thái-riêng, nên có 52 trạng-thái-riêng.
- Rūpadhamma: Sắc-pháp gồm có 28 sắc-pháp, mỗi sắc pháp có mỗi trạng-thái-riêng, nên có 28 trạng-thái-riêng.
- Nibbāna: Niết-bàn có trạng-thái-riêng là Santi-lakkhaṇa: Trạng-thái làm vắng lặng mọi phiền-não, mọi nỗi khổ của sắc-pháp, của danh-pháp. Trạng-thái-riêng của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp có tầm quan trọng, để phân biệt sự khác nhau của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.[3]
BA TRẠNG-THÁI-CHUNG (SĀMAÑÑALAKKHAṆA)
1- TRẠNG-THÁI VÔ-THƯỜNG (ANICCALAKKHAṆA)
Ý nghĩa anicca: “Aniccaṃ khayaṭṭhena”[4]: Vô-thường có ý nghĩa diệt, bởi vì tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp sinh rồi diệt cả thảy. Hoặc
“Hutvā abhāvaṭṭhena aniccā”: Có rồi lại không, có ý nghĩa là vô-thường.
Anicca: Vô-thường có 3 loại:
1- Anicca: Vô-thường
“Sabbe saṅkhārā aniccā”: Tất cả các pháp-hữu-vi đều là vô-thường.
Saṅkhārā: Pháp-hữu-vi đó là sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh (dhātu), v.v… đều là vô-thường, bởi vì các pháp-hữu-vi sinh rồi diệt theo tự nhiên của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
2- Aniccalakkhaṇa: Trạng-thái vô-thường
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp liên tục không ngừng, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp ấy.
3- Aniccānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo trạng-thái vô-thường.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô- thường, rồi dõi theo trạng-thái vô-thường, nên diệt được sự tưởng lầm, chấp lầm rằng: Sắc-pháp, danh-pháp là thường (niccasaññā).
Nếu hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ danh-pháp hoặc sắc-pháp có trạng-thái vô-thường, rồi dõi theo trạng-thái vô- thường của sắc-pháp hoặc danh-pháp ấy, dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn gọi là amittanibbāna: Vô-hiện-tượng Niết-bàn, Niết-bàn không có hiện tượng các pháp-hữu-vi.
Hành-giả chứng ngộ amittanibbāna: Vô-hiện-tượng Niết-bàn do tín-pháp-chủ (saddhindriya) có nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại (tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, đính-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ) hoặc do năng lực của giới trong sạch (sīla).
2- TRẠNG-THÁI KHỔ (DUKKHALAKKHAṆA)
Ý nghĩa dukkha:
“Dukkhaṃ bhayaṭṭhena”[5] khổ có ý nghĩa đáng kinh sợ, bởi vì tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp sinh rồi diệt liên tục không ngừng, vô-thường, diệt mất, nên đáng kinh sợ.
“Uppādavayapaṭipīḷanaṭṭhena dukkhā”: Sự sinh, sự diệt luôn luôn hành hạ có ý nghĩa là khổ.
Tính chất khổ có 3 loại:
1- Dukkhadukkha: Khổ-thật-khổ đó là thọ-khổ (dukkha-vedanā) khổ khó chịu đựng nổi, như khổ thân, khổ tâm.
2- Vipariṇāmadukkha: Biến-chất-khổ đó là thọ-lạc (sukhavedanā) bị vô-thường sinh rồi diệt làm biến chất, nên thọ lạc biến đổi thành khổ-đế. Dù khổ vẫn còn dễ chịu đựng được.
3- Saṅkhāradukkha: Pháp-hành-khổ đó là tất cả các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp sinh rồi diệt liên tục, không ngừng hành hạ, nên chỉ có khổ mà thôi.
Dukkha: Khổ có 3 loại:
1- Dukkha: Khổ thân, khổ tâm
“Sabbe saṅkhārā dukkhā”: Tất cả các pháp-hữu-vi đều là khổ.
Saṅkhārā: Pháp-hữu-vi đó là sắc-pháp, danh-pháp, ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh (dhātu), v.v… đều là khổ, bởi vì sinh rồi diệt liên tục không ngừng, vô-thường luôn luôn hành hạ (abhiṇhapaṭipīḷana).
2- Dukkhalakkhaṇa: Trạng-thái khổ Tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều có trạng-thái vô-thường, nên tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp cũng có trạng-thái khổ.
Đức-Phật dạy trong kinh Anattalakkhaṇasutta: “Yadaniccaṃ taṃ dukkhaṃ.”
"Ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp nào có trạng-thái vô-thường, thì ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp ấy có trạng-thái khổ."
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp liên tục không ngừng luôn luôn hành hạ, nên hiện rõ trạng-thái khổ của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp ấy.
3- Dukkhānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo trạng-thái khổ. Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ, rồi dõi theo trạng-thái khổ, nên diệt được sự tưởng lầm, chấp lầm rằng: Sắc-pháp, danh-pháp là lạc (sukhasaññā).
Nếu hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ danh-pháp hoặc sắc-pháp có trạng-thái khổ, rồi dõi theo trạng-thái khổ của danh-pháp hoặc sắc-pháp ấy, dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn gọi là appaṇihitanibbāna: Vô-ái Niết-bàn, Niết-bàn không tham-ái nương nhờ.
Hành-giả chứng ngộ appaṇihitanibbāna: Vô-ái Niết-bàn do định-pháp-chủ (samādhindriya) có nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại (tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ), hoặc do năng lực của định (samādhi).
3- TRẠNG-THÁI VÔ-NGÃ (ANATTALAKKHAṆA)
Ý nghĩa Anattā “Anattā asārakaṭṭhena”[6]: Vô-ngã có ý nghĩa vô dụng, bởi vì không phải ta, không phải của ta, không chiều theo ý muốn của ta. Hoặc
Anattā: Vô-ngã còn có 4 ý nghĩa theo Chú-giải là:
- Avasavattanaṭṭha: Vô-ngã có ý nghĩa là không chiều theo ý muốn của một ai cả.
- Asāmikaṭṭha: Vô-ngã có ý nghĩa là vô chủ, không có ai làm chủ cả.
- Suññataṭṭha: Vô-ngã có ý nghĩa là không, không phải ta, không phải của ta, không phải của ai cả.
- Attapaṭikkhepaṭṭha: Vô-ngã có ý nghĩa là phủ nhận thuyết tà-kiến chấp ngã của nhóm ngoại đạo.
Anattā: Vô-ngã có 3 loại:
1- Anattā: Pháp-vô-ngã, không phải ta, không phải của ta.
“Sabbe dhammā anattā”: Tất cả các pháp-hữu-vi và pháp-vô-vi đều là vô-ngã.
Pháp-hữu-vi (saṅkhatadhamma) đó là sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh (dhātu), v.v… là các pháp bị cấu tạo bởi 4 nhân-duyên: Nghiệp, tâm, thời tiết, vật thực đều là pháp-vô-ngã.
Pháp-vô-vi (asaṅkhatadhamma) đó là Niết-bàn và gom cả chế-định-pháp (paññattidhamma) là những pháp không bị cấu tạo bởi 4 nhân-duyên: Nghiệp, tâm, thời tiết, vật thực, nên cũng là pháp-vô-ngã.
2- Anattalakkhaṇa: Trạng-thái vô-ngã
Tất cả sắc-pháp, danh-pháp đều có trạng-thái khổ, thì tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp cũng có trạng-thái vô-ngã.
Đức-Phật dạy trong kinh Anattalakkhaṇasutta:
“Yaṃ dukkhaṃ tadanattā.”
"Ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp nào có trạng-thái khổ, thì ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp ấy có trạng-thái vô-ngã."
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp liên tục không ngừng, không chiều theo ý muốn của một ai cả, nên hiện rõ trạng-thái vô- ngã của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp ấy.
3- Anattānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo trạng-thái khổ.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã, rồi dõi theo trạng-thái vô-ngã, nên diệt được sự tưởng lầm, chấp lầm rằng: Sắc-pháp, danh-pháp là ngã (attasaññā).
Nếu hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ danh-pháp hoặc sắc-pháp có trạng-thái vô-ngã, rồi dõi theo trạng-thái vô-ngã của danh-pháp hoặc sắc-pháp ấy, dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn gọi là suññatanibbāna: Chơn-không Niết-bàn, Niết-bàn hoàn toàn vô-ngã, không phải ta, không phải của ta.
Hành-giả chứng ngộ suññatanibbāna: Chơn-không Niết-bàn do tuệ-pháp-chủ (paññindriya) có nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại (tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ), hoặc do năng lực của trí-tuệ (paññā).
SỰ LIÊN QUAN GIỮA 3 TRẠNG-THÁI-CHUNG
Ba trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái-khổ, trạng-thái vô-ngã của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp có sự liên quan lẫn nhau.
Đức-Phật dạy:
“Yadaniccaṃ, taṃ dukkhaṃ.
Yaṃ dukkhaṃ, tadanattā.”[7]
"Pháp nào có trạng-thái vô-thường, thì pháp ấy có trạng-thái khổ.
Pháp nào có trạng-thái khổ, thì pháp ấy có trạng-thái vô-ngã."
Như vậy, mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đều có 3 trạng- thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã.
Thật ra, trí-tuệ thiền-tuệ là trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, hoặc đại-duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ, mỗi tâm ấy chỉ có khả năng thấy rõ, biết rõ một đối-tượng mà thôi (một tâm không thể biết nhiều đối-tượng cùng một lúc). Cho nên,
- Khi nào trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đối-tượng trạng-thái vô-thường (aniccalakkhaṇa) của sắc-pháp nào, của danh-pháp nào, thì khi ấy, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp ấy, của danh-pháp ấy không hiện rõ.
- Khi nào trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đối-tượng trạng-thái khổ (dukkhalakkhaṇa) của sắc-pháp nào, của danh-pháp nào, thì khi ấy, trạng-thái vô-thường, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp ấy, của danh-pháp ấy không hiện rõ.
- Khi nào trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đối-tượng trạng-thái vô-ngã (anattalakkhaṇa) của sắc-pháp nào, của danh-pháp nào, thì khi ấy, trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ của sắc-pháp ấy, của danh-pháp ấy không hiện rõ.
Vậy, khi trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trạng-thái-chung nào của sắc-pháp nào, của danh-pháp nào làm đối-tượng thiền-tuệ, thì 2 trạng-thái-chung còn lại mặc dù không hiện rõ, nhưng tiềm năng của trí-tuệ thiền-tuệ ấy vẫn có khả năng diệt được sự tưởng lầm, chấp lầm cho rằng: Sắc-pháp, danh-pháp là thường, lạc, ngã, bởi vì 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã có liên quan lẫn nhau.
CHÚ THÍCH
[1] Bộ Aṅguttaranikāya, phần ekakanipāta.
[2] Chú-giải Samyuttanikāya, Khandhavagga, Pheṇapindupamāsuttavaṇṇanā.
[3] Tìm hiểu trong quyển Vi-diệu-pháp hiện thực trong cuộc sống, cùng soạn giả.
[4] Bộ Visuddhimagga, phần Sammasanañāṇakathā.
[5] Bộ Visuddhimagga, phần Sammasanañāṇakathā.
[6] Bộ Visuddhimagga, phần Sammasanañāṇakathā.
[7] Samyuttanikāya, Khandhavagga, Anattalakkhaṇasutta.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.