MINH SÁT DIỄN GIẢI
(Vipassanā Dīpanī)
Tác giả: Trưởng lão Ledi Sayadaw, Aggamahāpaṇḍita, D. Litt.
Anh ngữ: U Nyana, Patamagyaw của tự viện Masoeyein, Mandalay
Việt dịch: Phật tử Tathāpaññā.
Tỳ khưu Chánh Minh hiệu đính.
PAHĀNA PARIÑÑĀ (DIỆT TRỪ HOÀN HẢO)
Trong kinh điển có năm loại pahāna (diệt trừ) cần phải bàn là:
1- Tạm thời diệt trừ (tadaṅgapahāna).
2- Gián đoạn diệt trừ (vikkhambhanapahāna).
3- Cắt đứt diệt trừ (samucchedapahāna).
4- Khinh an diệt trừ (paṭipassaddhipahāna).
5- Kết thúc diệt trừ (nissaraṇapahāna) (còn gọi là “sự viên tịch”).
Để làm rõ những loại trên thì phải đề cập đến ba “nơi trú” của các ô nhiễm (āsava – lậu hoặc), được gọi là vùng (bhūmi) của chúng, đó là:
a- Vùng ngủ yên (anusayabhūmi). Là vùng mà các ô nhiễm (āsava – lậu hoặc) yên lặng, như sóng trong nước, không dấy động và các tâm sở “thay mặt” cho chúng trong ba thời sinh - trụ - diệt..
b- Vùng bộc phát (pariyuṭṭhānabūmi): Là vùng mà các ô nhiễm đã “trở mình”, chúng đã hiện diện trong tâm chúng sinh khi tâm bắt ngoại cảnh (cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh mùi, cảnh vị, cảnh xúc và cảnh pháp”, bất kỳ cảnh nào có khả năng làm cho chúng “thức dậy”, tạo ra sự xáo động qua một trong 6 cửa (dvāra) lả nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn và ý môn.
Chúng chính là những tâm sở bất thiện, chủ yếu là: Tà kiến, tham và si; những tâm sở bất thiện còn lại chỉ là “tùy tùng” của ba ô nhiễm này.
c- Vùng vi phạm (vītikkamabhūmi). Là thân, khẩu, khi ấy các ô nhiễm trở nên mạnh mẽ, không thể điều khiển được; chúng tạo ra những ác nghiệp qua thân - khẩu.
Có ba sự học tập (sikkhā) là : Giới học(sīla sikkhā), định học (samādhi sikkhā) và tuệ học (paññāsikkhā).
Giới học. Có thể trừ khử ô nhiễm ở vùng vi phạm, nhưng ô nhiễm ở hai vùng còn lại chưa được diệt trừ.
Do các ô nhiễm ở hai vùng: Bộc phát và ngủ yên chưa được diệt trừ, khi chúng bộc phát sẽ nhanh chóng tràn đến vùng vi phạm, tái lập lại những gì mà giới học đã khử trừ.
Loại ô nhiễm do giới khử trừ được gọi là tạm thời diệt trừ (tadaṅgapahāna).
Định học. Là những tầng thiền Sắc giới hay Vô sắc giới, có thể khử trừ những ô nhiễm ở vùng bộc phát, nhưng không thể khử trừ những ô nhiễm ở vùng ngủ yên.
Mỗi khi chúng thức dậy nhanh chóng tràn đến vùng bộc phát, chúng tạo ra những chướng ngại cho thiền định.
Do vậy, sự khử trừ ô nhiễm do thiền Định (samādhi), gọi là “gián đoạn diệt trừ (vikkhambhanapahāna- còn gọi là áp chế đoạn trừ), có nghĩa là “khử trừ có khoảng cách”. Dĩ nhiên, năng lực khử trừ của định học cao hơn giới học.
Tuệ học. Là tuệ của thiền quán khi đạt đến Đạo siêu thế.
Tuệ học có khả năng trừ diệt các ô nhiễm trong “vùng ngủ yên”, nơi mà Giới học, Định học không thể đến được. Tùy theo cấp độ chứng đạt Đạo siêu thế, các loại ô nhiễm ít hay nhiều được tuyệt dứt.
Các ô nhiễm được tuệ học trừ tuyệt, chúng không bao giờ còn sinh khởi được. Cách khử trừ này, gọi là “tận trừ (samucchedapahāna)” (sammuccheda nghĩa đen là “cắt bỏ”).
- Tuệ đi đôi với Quả siêu thế loại trừ các ô nhiễm, bằng cách làm cho chúng yên lặng hoàn toàn.
Ví như lửa đã tắt nhưng còn hơi nóng, người ta đem một hai thùng nước dội vào, khiến lửa hoàn toàn nguội lạnh, cũng vậy, khi tuệ đạo diệt trừ tận gốc ô nhiễm, tuy ô nghiễm hết rồi nhưng dư hưởng của chúng còn vướng vít; tuệ Quả siêu thế diệt trừ nốt, khiến ô nhiễm hoàn toàn biến mất, không còn chút dư tàn, sự khử trừ này gọi là “khinh an diệt trừ (paṭipassaddhi pahāna)”.
Loại trừ bằng cách đạt đến nibbāna được gọi là nissaraṇapahāna hay viên tịch (parinibbāna). Là hoàn toàn thoát khỏi vĩnh viễn mọi trói buộc của các hữu.
Như vậy, tuệ học có ba loại : Tuệ quán, tuệ Đạo và tuệ Quả siêu thế.
Tuệ quán chỉ có thể “tạm trừ” ô nhiễm ở vùng ngủ yên, không thể “tuyệt dứt” như tuệ Đạo. Chỉ có tuệ đạo mới làm được việc này theo tương ứng.
- Tuệ Đạo Dự lưu (sotāpatti magga) (tuệ Đạo đầu tiên), loại trừ hoàn toàn tất cả tà kiến và hoài nghi, đồng thời cũng loại trừ tất cả nghiệp bất thiện dẫn xuống bốn cõi khổ, khiến chúng vĩnh viễn không thể sinh khởi lên được.
- Tuệ Đạo Nhất lai (sakadāgāmi magga), loại trừ tất cả tham và sân thô.
- Tuệ Đạo Bất lai (anāgāmi magga), loại trừ tất cả các tham và sân vi tế còn lại, chưa được đạo thứ hai loại trừ. Với bậc Anahàm không còn ái dục và sân; cõi Phạm thiên (brahma loka) là nơi duy nhất để vị ấy tái sinh vào.
- Tuệ Đạo Alahán (Arahatta magga), loại trừ tất cả các ô nhiễm còn lại. Vị ấy trở thành bậc Alahán (Arahatta) thoát khỏi tam giới.
Theo lời dạy của Đức Phật (Buddha sāsana); tận trừ (sammuccheda pahāna) là điều chính yếu cần phải đạt được.
Bây giờ tôi sẽ chỉ ra những điểm chính cần thiết cho những ai hành thiền quán.
Trong ba tuệ quán thì tuệ vô thường cần phải đạt được đầu tiên. Như thế nào? Nếu chúng ta nhìn kỹ vào buổi chiếu phim thì chúng ta sẽ thấy nhiều hình ảnh cho một cảnh đẹp, chúng thay đổi nhanh chóng trong khoảnh khắc.
Chúng ta cũng sẽ thấy rằng cần có một trăm hay nhiều hơn nữa những bức ảnh để trình diễn một cảnh cơ thể chuyển động. Thực tế, đó là các chức năng của thay thế (vipariṇāma) và biến đổi (aññathābhāva), hay đại diện của vô thường cho các chuyển động.
Nếu xem xét kỹ những chuyển động trong cảnh như đi, đứng, ngồi, ngủ, co, duỗi... của các phần trong cơ thể trong khoảnh khắc, chúng ta sẽ thấy rằng trong đó chứa đầy những thay đổi. Đó là vô thường.
Thậm chí trong một bước đi, có nhiều sự thay đổi của hình ảnh, cũng vậy với những cử động khác. Bây giờ chúng ta áp dụng điều này vào chính chúng ta.
Vô thường của danh sắc có trong toàn bộ cơ thể chúng ta, hoặc trong mỗi phần cơ thể. Nếu có thể thấy rõ được những chức năng vô thường luôn hoạt động trong cơ thể chúng ta thì chúng ta sẽ đạt được tuệ trừ diệt.
Sự vỡ ra, rơi xuống, và thay đổi của nhiều bộ phận trong mỗi giây, mỗi phần nhỏ của giây, cho chúng ta thấy rõ sự thay đổi của mỗi bộ phận lớn nhỏ trong cơ thể.
Nếu thấy rõ được như vậy thì có thể nói rằng “quán vô thường” được thực hiện tốt. Và nếu quán vô thường được thực hiện tốt thì quán vô ngã cũng được thực hiện tốt.
Cụm từ “được thực hiện” có nghĩa là việc hành thiền được tiến hành thuần thục, đến mức có thể thấy vô thường trong toàn bộ thời gian sống; nhưng không có nghĩa rằng đạt được tuệ Đạo hay tuệ Quả Siêu thế
Sự đạt được tuệ Đạ0 - quả Siêu thế, nhanh hay chậm tùy theo giới trong sạch hay còn nhiễm ô.
Rất khó biết được sự thật về thành tựu đạo quả của người khác. Thậm chí, có bậc thánh Dự lưu, nhưng phàm nhân cũng khó biết “vị ấy là bậc Dự lưu”.Vì sao? Do khó hiểu được giai đoạn tiềm tàng của các ô nhiễm.
Những hành giả (yogis) hay các thiền sinh không biết được sự ‘tiềm tàng” của các ô nhiễm, đôi khi nghĩ mình “thành tựu bậc Dự lưu”, trong khi tà kiến và hoài nghi chỉ bị loại trừ phần nào mà thôi.
Khi tà kiến và nghi với tất cả các trạng thái tiềm tàng của chúng được diệt tận, vị ấy mới thật sự đạt được Đạo Dự lưu.
Các thiền sinh nên hành thiền quán suốt cả cuộc đời, phải hoan hỷ quán vô thường cho đến khi thuần thục.
Ngay cả bậc Thánh Alahán cũng không từ bỏ sự luyện tập này, để đảm bảo tâm yên lặng. Khi hành thiền cả đời, tuệ quán của các thiền sinh sẽ phát triển để vượt qua lãnh vực phàm nhân, thành tựu bậc Thánh trước khi chết hay khi sắp chết, nếu không thành tựu bậc thánh, vị ấy cũng được tái sinh vào cõi chư thiên trong kiếp sau và kiếp kế kế.
Bài thuyết giảng ngắn Vipassanā dīpanī hay Khái quát về pháp hành thiền quán cho những người theo giáo pháp Đức Phật tại Châu Âu được kết thúc nơi đây.
Bài này được viết ở Mandalay trong khi tôi ngụ tại tu viện Ratanāsīri, nơi có tổ chức họp hàng năm của Hội phổ biến pháp Đức Phật ra nước ngoài và hoàn thành vào ngày 14th tại Taboung năm 2458 B.F nhằm ngày 26.02.1915 C.E.
-ooOoo-
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.