PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
NỀN TẢNG PHẬT GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN X
Pháp-Hành Thiền-Tuệ
Tỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu)
PHƯƠNG PHÁP DIỆT VÔ-MINH
Diệt vô-minh có 2 giai đọan:
- Giai đọan ngăn ngừa vô-minh, cho minh phát sinh.
- Giai đọan diệt tận được vô-minh.
GIAI ĐỌAN NGĂN NGỪA VÔ-MINH, CHO MINH PHÁT SINH BẰNG CÁCH NÀO?
- Vô-minh (avijjā) đó là si tâm-sở (mohacetasika) đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm.
- Minh (vijjā) đó là trí-tuệ tâm-sở (paññācetasika) đồng sinh với 4 dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ, 4 dục-giới quả-tâm hợp với trí-tuệ, 4 dục-giới duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ, 15 sắc-giới-tâm, 12 vô-sắc-giới-tâm, 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm, gồm có 47 hoặc 79 tâm.
Mohacetasika: Si tâm-sở có 4 đặc tính riêng biệt:
1- Añāṇalakkhaṇo: Si tâm-sở có trạng-thái không biết thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, hoặc không biết chân-lý tứ Thánh-đế.
2- Ārammaṇasabhāvacchādanaraso: Si tâm-sở có phận sự che phủ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp.
3- Andhakārapaccupaṭṭhāno: Si tâm-sở làm cho tâm tối tăm là quả hiện hữu.
4- Ayonisomanasikārapadaṭṭhāno: Biết sai lầm trong tâm với si-tâm không đúng với 4 trạng-thái của sắc-pháp, của danh-pháp là nguyên nhân gần phát sinh si tâm-sở.
Paññācetasika: Trí-tuệ tâm-sở có 4 đặc tính riêng biệt:
1- Yathābhūtapaṭivedhalakkhaṇā: Trí-tuệ tâm-sở có trạng-thái thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.
2- Visayobhāsanarasā: Trí-tuệ tâm-sở có phận sự làm rõ ràng thật-tánh các sắc-pháp, các danh-pháp.
3- Asammohapaccupaṭṭhānā: Trí-tuệ tâm-sở không mê muội, tâm sáng suốt là quả hiện hữu.
4- Yonisomanasikārapadaṭṭhānā: Hiểu biết trong tâm với trí-tuệ đúng với 4 trạng-thái của sắc-pháp, của danh-pháp là nguyên nhân gần phát sinh trí-tuệ tâm-sở.
Như vậy, si tâm-sở phát sinh do nguyên nhân gần là ayonisomanasikāra và trí-tuệ tâm-sở phát sinh do nguyên nhân gần là yonisomanasikāra.
Ayonisomanasikāra là như thế nào?
Ayonisomanasikāra biết sai lầm trong tâm với si-tâm không đúng 4 trạng-thái của sắc-pháp, của danh-pháp như sau:
- Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường (anicca), thì si-tâm biết sai lầm cho là thường (nicca).
- Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ (dukkha), thì si-tâm biết sai lầm cho là lạc (sukha).
- Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã (anattā), thì si-tâm biết sai lầm cho là ngã (attā).
- Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái bất-tịnh (asubha), thì si-tâm biết sai lầm cho rằng: Tịnh, tốt đẹp (subha).
Do ayonisomanasikāra biết sai lầm trong tâm cho là thường, lạc, ngã, tịnh như vậy, nên si tâm-sở (moha- cetasika), gọi là vô-minh (avijjā), phát sinh làm che phủ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp.
Yonisomanasikāra là như thế nào?
Yonisomanasikāra hiểu biết trong tâm với trí-tuệ đúng 4 trạng-thái của sắc-pháp, của danh-pháp như sau:
- Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường (anicca) thì trí-tuệ hiểu biết đúng là vô-thường (anicca).
- Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ (dukkha), thì trí-tuệ hiểu biết đúng là khổ (dukkha).
- Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã (anattā), thì trí-tuệ hiểu biết đúng là vô-ngã (anattā).
- Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái bất-tịnh (asubha), thì trí-tuệ hiểu biết đúng là bất tịnh (asubha).
Do yonisomanasikāra hiểu biết trong tâm với trí-tuệ đúng 4 trạng-thái: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh của sắc-pháp, của danh-pháp như vậy, nên trí-tuệ tâm-sở (paññācetasika), gọi là minh (vijjā) phát sinh làm hiện rõ thật-tánh hiển nhiên của sắc-pháp, của danh-pháp.
PHƯƠNG PHÁP NGĂN NGỪA VÔ MINH, CHO MINH PHÁT SINH
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ luôn luôn có yonisomanasikāra hiểu biết đúng trong tâm với trí-tuệ đúng 4 trạng-thái: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh của sắc-pháp, của danh-pháp, nên ngăn ngừa được vô-minh không phát sinh, đồng thời làm nguyên nhân gần phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ (vipassananā), gọi là minh (vijjā) làm hiện rõ thật-tánh hiển nhiên của sắc-pháp, của danh-pháp tam- giới là:
- Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trạng-thái-riêng của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
- Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh hiển nhiên của sắc-pháp, của danh-pháp.
- Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp.
- Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, của sắc-pháp, của danh-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.
GIAI ĐỌAN DIỆT TẬN VÔ-MINH BẰNG CÁCH NÀO?
Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có yonisomanasikāra hiểu biết đúng trong tâm với trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 4 trạng-thái: Trạng-thái vô- thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới làm nguyên nhân gần phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới (lokiyavipassanā) cho đến phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới (lokittaravipassanā) chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả- tâm và Niết-bàn.
4 Thánh-đạo-tuệ (Maggañāṇa) trong 4 Thánh-đạo-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, nên diệt tận được vô-minh đó là si tâm-sở (mohacetasika) đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm theo khả năng của mỗi Thánh-đạo-tuệ như sau:
1- Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được vô-minh đó là si tâm-sở (mohacetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến và 1 si-tâm hợp với hoài- nghi, gồm có 5 si-tâm-sở trong 5 bất-thiện-tâm không còn dư sót.
2- Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được vô-minh đó là si tâm-sở (mohacetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến loại thô trong cõi dục-giới, với 2 sân-tâm loại thô không còn dư sót.
3- Bất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được vô-minh đó là si tâm-sở (mohacetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến loại vi-tế trong cõi dục-giới, với 2 sân-tâm loại vi-tế không còn dư sót.
4- A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được vô-minh đó là si tâm-sở (mohacetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến và 1 si-tâm hợp với phóng-tâm, gồm có 5 si tâm-sở trong 5 bất-thiện-tâm còn lại không còn dư sót.
Bậc Thánh A-ra-hán hoàn toàn không còn vô-minh và cũng không còn tham-ái, phiền-não nào nữa.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.