17. Giảng Giải về Tâm, Phận Sự, Đối Tượng

17. Giảng Giải về Tâm, Phận Sự, Đối Tượng

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA

    NỀN TẢNG PHẬT GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA)

    QUYỂN X

     Pháp-Hành Thiền-Tuệ

    Tỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu)

    GIẢNG GIẢI VỀ TÂM, PHẬN SỰ, ĐỐI TƯỢNG

    Tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm chia ra làm 6 loại tâm có 14 phận sự biết 6 đối-tượng như sau:

    - Nhãn-thức-tâm có 2 tâm chỉ có 1 phận sự thấy 1 đối-tượng sắc hiện-tại, các hình dạng mà thôi.

    Ngoài ra, nhãn-thức-tâm không có phận sự biết các đối-tượng khác.

    - Nhĩ-thức-tâm có 2 tâm chỉ có 1 phận sự nghe 1 đối-đối-tượng thanh hiện-tại, các âm thanh mà thôi.

    Ngoài ra, nhĩ-thức-tâm không có phận sự biết các đối-tượng khác.

    - Tỷ-thức-tâm có 2 tâm chỉ có 1 phận sự ngửi 1 đối-tượng hương hiện-tại, các loại mùi hương mà thôi.

    Ngoài ra, tỷ-thức-tâm không có phận sự biết các đối-tượng khác.

    - Thiệt-thức-tâm có 2 tâm chỉ có 1 phận sự nếm 1 đối-tượng vị hiện-tại, các thứ vị mà thôi.

    Ngoài ra, thiệt-thức-tâm không có phận sự biết các đối-tượng khác.

    - Thân-thức-tâm có 2 tâm chỉ có 1 phận sự xúc giác 1 đối-tượng xúc hiện-tại, cứng mềm, nóng lạnh, v.v… mà thôi.

    Ngoài ra, thân-thức-tâm không có phận sự biết các đối -tượng khác.

    - Ý-thức-tâm gồm có 79 hoặc 111 tâm (trừ 10 thức-tâm) có nhiều phận sự biết cả 6 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) trong quá-khứ, hiện-tại, vị-lai, đặc biệt biết đối-tượng siêu-tam-giới Niết-bàn, và chế-định-pháp nữa.

    (Tìm hiểu rõ 14 phận sự của mỗi tâm trong bộ Abhidhammatthasaṅgaha: Vi-diệu-pháp yếu-nghĩa, trong chương 3, phần Pakiṇakasaṅgaha.)

    Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, cốt để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, để thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế

    Trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh theo tuần tự từ trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới (lokiyavipassanā) đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới (lokuttaravipassanā) trải qua 16 loại trí-tuệ thiền-tuệ.

    Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 gọi là udayabbayānunupassanā-ñāṇa mới có khả năng thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, bắt đầu chính thức gọi là trí-tuệ thiền-tuệ (vipassanāñāṇa).

    Đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gọi là gotrabhuñāṇa có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, tiếp theo trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 gọi là Maggañāṇa chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo-tuệ.

    TỨ THÁNH-ĐẾ (ARIYASACCA)

    Tứ Thánh-đế (ariyasacca) đó là 4 sự-thật chân-lý của bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, đó là:

    1- Khổ Thánh-đế (dukkha ariyasacca) là sự-thật chân-lý của bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, đó là ngũ-uẩn chấp-thủ, hoặc sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới.

    2- Nhân sinh khổ Thánh-đế (dukkhasamudaya ariyasacca) là sự-thật chân-lý của bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, đó là 3 loại tham-ái:

    - Dục-ái (kāmataṇhā) là tham-ái trong 6 đối-tượng: Sắc-ái, thanh-ái, hương-ái, vị-ái, xúc-ái, pháp-ái.

    - Hữu-ái (bhavataṇhā) là tham-ái trong 6 đối-tượng (sắc-ái, thanh-ái, hương-ái, vị-ái, xúc-ái, pháp-ái) hợp với thường-kiến, và tham-ái trong thiền sắc-giới-tâm, thiền vô-sắc-giới-tâm, tầng-trời sắc-giới phạm-thiên, tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

    - Phi-hữu-ái (vibhāvataṇhā) là tham-ái trong 6 đối-tượng (sắc-ái, thanh-ái, hương-ái, vị-ái, xúc-ái, pháp-ái) hợp với đọan-kiến.

    3- Diệt khổ Thánh-đế (dukkhanirodha ariyasacca) là sự-thật chân-lý của bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, đó là Niết-bàn, pháp diệt tham-ái, diệt khổ tái-sinh kiếp sau.

    4- Pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế (dukkhanirodhagaminī paṭipadā ariyasacca) là sự-thật chân-lý của bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, đó là Thánh-đạo hợp đủ 8 chánh:

    Chánh-kiến,
    chánh-tư-duy,
    chánh-ngữ,

    chánh-nghiệp,
    chánh-mạng,
    chánh-tinh-tấn,
    chánh-niệm,
    chánh-định.

    Tứ Thánh-đế là sự-thật chân-lý là nền tảng căn bản trong giáo pháp của chư Phật-Chánh-Đẳng-Giác quá-khứ, hiện-tại và vị-lai.

    Thật vậy, trong 9 ân-Đức-Phật, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sammāsambuddha: Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā) đã tích lũy từ vô số kiếp quá-khứ, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị.

    Và ân-đức Buddha: Đức-Phật tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh.

    Đức-Phật thuyết pháp tế độ những chúng-sinh có duyên lành nên tế độ. Những chúng-sinh ấy thuộc về hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) đã từng tích-lũy 10 pháp-hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp quá-khứ, kiếp hiện-tại là người có giới-hạnh trong sạch, có duyên lành đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ cũng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, cũng chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân nào tuỳ theo năng lực của 10 pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ: Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi bậc Thánh Thanh-văn đệ-tử ấy.

    KINH CHUYỂN-PHÁP-LUÂN ĐẦU TIÊN

    Sau khi trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama vào canh chót đêm rằm tháng tư tại cội Đại-Bồ-đề trong khu rừng Uruvelā (nay gọi Buddhagayā, nước Ấn-độ).

    Đúng 2 tháng sau, Đức-Phật Gotama từ khu rừng Uruvelā ngự đến khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần kinh-thành Bārāṇasī, có nhóm 5 tỳ-khưu trú tại nơi ấy, vào ngày rằm tháng 6 (âm lịch), Đức-Phật Gotama thuyết giảng bài kinh Dhammacakkappavattana-sutta: Kinh Chuyển-Pháp-Luân[1] lần đầu tiên, để tế độ nhóm 5 tỳ-khưu: Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji. Nội dung cốt lõi toàn bài kinh Chuyển-Pháp-Luân này, Đức-Phật đề cập đến tứ Thánh-đế. Trong bài kinh này, có một đọan Đức-Phật khẳng định truyền dạy toàn cõi thế giới chúng-sinh rằng:

    “Yāvakīvañca me bhikkhave, imesu catūsu ariya-saccesu evaṃ tiparivaṭṭaṃ dvādasākāraṃ yathābhūtaṃ ñāṇadassanaṃ na suvisuddhaṃ ahosi, neva tāvāhaṃ bhikkhave, sadevake loke samārake sabrahmake sassa-maṇabrahmaṇiyā pajāya sadevamanussāya anuttaraṃ sammāsambodhiṃ abhisambuddho’ti paccaññāsiṃ."

    “Yato ca kho me bhikkhave, imesu catūsu ariya-saccesu evaṃ tiparivaṭṭaṃ dvādasākāraṃ yathābhūtaṃ ñāṇadassanaṃ suvisuddhaṃ ahosi, athāhaṃ bhikkhave, sadevake loke samārake sabrahmake sassamaṇa-brahmaṇiyā pajāya sadevamanussāya anuttaraṃ sammā-sambodhiṃ abhisambuddho’ti paccaññāsiṃ.

    Ñāṇañca pana me dassanaṃ udapādī, akuppā me vimutti, ayamantimā jāti, natthi dāni punabbhavo.[2]

    Ý nghĩa: - “Này chư tỳ-khưu! Khi nào trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của tứ Thánh-đế theo tam-tuệ- luân (trí-tuệ-học, trí-tuệ-hành, trí-tuệ-thành) thành 12 loại trí-tuệ hoàn toàn trong sáng thanh-tịnh chưa phát sinh đến với Như-Lai.

    - Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, Như-Lai vẫn chưa truyền dạy rằng: 'Như-Lai chứng đắc thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác vô thượng trong toàn cõi-giới chúng-sinh nhân-loại, vua chúa, sa-môn, bà-la-môn, chư-thiên, ma-vương, phạm-thiên cả thảy.'

    - Này chư tỳ-khưu! Khi nào trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của tứ Thánh-đế theo tam-tuệ-luân (trí-tuệ-học, trí-tuệ-hành, trí-tuệ-thành) thành 12 loại trí-tuệ hoàn toàn trong sáng thanh-tịnh đã phát sinh đến với Như-Lai.

    - Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, Như-Lai dõng dạc khẳng định truyền dạy rằng: 'Như-Lai đã chứng đắc thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác vô thượng trong toàn cõi-giới chúng-sinh nhân-loại, vua chúa, sa-môn, bà-la-môn, chư-thiên, ma-vương, phạm-thiên cả thảy.'

    Trí-tuệ quán triệt đã phát sinh đến với Như-Lai, biết rõ rằng: 'A-ra-hán Thánh-quả-tuệ giải thoát của Như- Lai không bao giờ bị mất, kiếp này là kiếp chót, chắc chắn không còn tái-sinh kiếp sau nữa.'"

    Khi Đức-Phật Gotama thuyết giảng bài kinh Chuyển- Pháp-Luân xong, nhóm 5 tỳ-khưu phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ với lời giáo huấn của Đức-Phật, cùng toàn thể chư thiên từ mặt đất, 6 cõi trời dục-giới, cho đến chư phạm-thiên 15 cõi trời sắc-giới, phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ đồng thanh tán dương ca tụng rằng:

    “Đức-Thế-Tôn thuyết giảng bài kinh Chuyển-Pháp- Luân vô thượng tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần kinh thành Bārāṇasī, chưa từng có sa- môn, bà-la-môn, chư-thiên, ma-vương, phạm-thiên hay bất cứ ai trong đời này có thể thuyết giảng như vậy được.”

    Khi ấy, Ngài Đại Trưởng-lão Koṇḍañña là vị thanh-văn đệ-tử phát sinh pháp-nhãn (dhammacakkhu) chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên y theo Đức-Phật, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu là bậc Thánh Thanh-văn đầu tiên trong giáo pháp của Đức- Phật Gotama, cùng với 180 triệu chư-thiên, phạm-thiên cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả bậc nào tuỳ theo 10 pháp-hạnh ba-la-mật và năng lực 5 pháp-chủ: Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ- pháp-chủ của mỗi vị.

    Như vậy, tứ Thánh-đế là sự-thật chân-lý có tầm quan trọng lớn không chỉ đối với chư Phật-Chánh-Đẳng- Giác, mà còn các hàng Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật nữa, bởi vì, để trở thành Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác đều phải chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, rồi mới chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

    Và để trở thành bậc Thánh Thanh-văn-giác đệ-tử của Đức-Phật bậc nào cũng phải chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, rồi mới chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận tham-ái, phiền-não, trở thành Thánh-nhân bậc nào, hoàn toàn tuỳ thuộc vào năng lực của 10 pháp-hạnh ba-la-mật và năng lực của 5 pháp-chủ của mỗi vị Thánh Thanh-văn ấy.

    CHÚ THÍCH

    [1] Xem ý nghĩa bài kinh trong quyển I:Tam-bảo, phần Đức-Pháp, cùng soạn giả.

    [2] Bộ Saṃyuttanikāya, Mahāvaggasaṃyutta, kinh Dhammacakkappavattasutta.

     

     

     

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.