2. Quán thân niệm xứ (Kayānupassanāsatipaṭṭhāna)

2. Quán thân niệm xứ (Kayānupassanāsatipaṭṭhāna)

    THERAVĀDA
    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

    Thiền Tứ Niệm Xứ - Minh Sát Tuệ

    Hòa thượng Giới Nghiêm

     

    Chú Giải Phần Quảng Thuyết

    (NIDDESAVĀRAKATHĀ)

    QUÁN THÂN NIỆM XỨ

    (KAYĀNUPASSANĀSATIPAṬṬHĀNA)

     

    Sổ Tức Quán (Ānāpānasati)

    Theo Kinh văn Pāḷi phần quảng thuyết (Niddesavāra) của Đức Phật về niệm xứ này được dịch nghĩa như sau:

    "Như thế nào, này chư tỳ-khưu, là vị tỳ-khưu sống quán thấy thân trong thân?.

    "Này chư tỳ-khưu, trong pháp luật này, vị tỳ khưu đi vào rừng, hoặc dưới cội cây, hoặc chỗ không nhà, rồi ngồi kiết già, thân ngay thẳng, giữ niệm hiện tiền, biết rõ khi thở vào, biết rõ khi thở ra. Thở vào dài, biết rõ "thở vào dài" hay thở ra dài, biết rõ "thở ra dài", hay thở vào ngắn, biết rõ "thở vào ngắn", hay thở ra ngắn, biết rõ "thở ra ngắn". "Cảm giác toàn thân, rồi mới thở vào" vị đó học. "Cảm giác toàn thân, rồi mới thở ra" vị đó học. "Yên lặng thân hành rồi mới thở vào" vị đó học". "Yên lặng thân hành, rồi mới thở ra" vị đó học".

    "Này chư tỳ-khưu, như người thợ tiện khéo léo hoặc học trò của người thợ tiện, khi quay dài biết rõ "quay dài" hoặc khi quay ngắn biết rõ "quay ngắn" như thế nào, cũng vậy, vị tỳ-khưu Thở vào dài, biết rõ "thở vào dài" hay thở ra dài, biết rõ "thở ra dài", hay thở vào ngắn, biết rõ "thở vào ngắn", hay thở ra ngắn, biết rõ "thở ra ngắn". "Cảm giác toàn thân, rồi mới thở vào" vị đó học. "Cảm giác toàn thân, rồi mới thở ra" vị đó học. "Yên lặng thân hành rồi mới thở vào" vị đó học". "Yên lặng thân hành, rồi mới thở ra" vị đó học".

    "Như vậy, vị tỳ-khưu sống quán thấy thân trong nội thân, hay sống quán thấy thân trong ngoại thân, hay sống quán thấy thân trong cả nội thân, ngoại thân, hay sống quán thấy sự sanh khởi trong thân, hay sống quán thấy sự hoại diệt trên thân, hay sống quán thấy sự sanh, sự diệt trong thân. "Thân đang hiện hữu" vị đó giữ niệm như vậy, đến mức tuệ giác, đến mức an niệm, không bám níu, không chấp thủ bất cứ điều gì trên thế gian. Như vậy, này chư tỳ khưu,vị tỳ khưu sống quán thấy thân trong thân".

    Dứt phần nói về sổ tức quán.

    *

    Chú giải (Atthakathā)

    Bấy giờ Đức Thế Tôn có ý muốn cho mọi người thấu đạt những pháp cao siêu do thuyết pháp Tứ Niệm Xứ, Ngài mới chia chánh niệm thành bốn xứ (đối tượng), bằng cách nói: "Con dường duy nhất ấy là Tứ Niệm Xứ...". Ví như người thợ mành sáo tinh xảo muốn làm những đồ dùng khác nhau như chiếu tre, chiếu mây thô và nhuyễn, hoặc cái bầu, cái bịch, oi, giỏ v.v.. rồi chẻ một cây tre ra làm bốn miếng và sẽ cho làm thành đồ dùng khác nhau như thế nào, Đức Thế Tôn cũng chia chẻ pháp niệm xứ ra thành từng lời thuyết thị (uddesa), rồi Ngài lại giải rõ thêm trong phần quảng thuyết (niddesavāra), bằng cách nói: "Như thế nào, này chư tỳ-khưu ...".

    "Đi vào rừng, hoặc dưới cội cây, hoặc chỗ không nhà" ám chỉ những chỗ thích hợp cho sự tiến hành niệm xứ sổ tức quán. Sau đây là trích dẫn từ bộ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga) đặc biệt liên quan đến hơi thở.

    Từ "ānāpānasati" dịch là niệm hơi thở vào hơi thở ra, trong pháp niệm này có nhiều cách:

    - Thứ loại của hơi thở.

    - Chỗ hơi thở đụng nhằm.

    - Sự nhận biết hơi thở.

    - Chỗ nên tiến hành.

    - Cách thức tiến hành.

    1) Thứ loại của hơi thở

    Hơi thở có bốn loại là: dài, ngắn, thô, tế. Hơi thở dài và ngắn nói về hơi thở chậm và nhanh. Hơi thở thô và tế ám chỉ hơi thở bình thường, và hơi thở trong khi tiến hành sổ tức quán, tức là hơi thở bình thường thô thiển hơn hơi thở trong khi tiến hành sổ tức quan. Hơi thở khi khởi sự tiến hành thô thiển hơn hơi thở khi tiến hành đã lâu rồi và hơi thở khi đắc cận định, chánh định, khi đắc sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, về phía đề mục chỉ tịnh (Samathakammaṭṭhāna). Về phía đề mục quán minh sát (Vipassanākammaṭṭhāna), hơi thở khi quán đại sanh sắc (Mahābhūtarūpa), y cứ sắc (Upādāyarūpa), sắc pháp danh pháp (Rūpadhamma nāmadhamma), tâm (Citta), tâm sở (Cetasika), nhân làm cho danh sắc sanh diệt, khi thấy danh sắc là vô thường, khổ não, vô ngã một cách yếu ớt hay dũng mãnh, luôn đến hơi thở trong khi đắc Thánh Đạo, Thánh Quả thường là hơi thở thô và tế hơn nhau thành tầng bậc theo cách như đã giải.

    2) Chỗ hơi thở xúc chạm:

    Chỗ hơi thở xúc chạm có hai :

    - Chót mũi

    - Môi trên

    Tùy theo người có mũi dài hay ngắn, nếu người mũi dài hơi thở chạm chót mũi, nếu người mũi ngắn hơi thở chạm môi trên.

    3) Sự nhận biết hơi thở:

    Sự nhận biết hơi thở có ba cách là:

    Nhận biết đầu hơi thở, giữa hơi thở, cuối hơi thở.

    Có vị cho rằng: Nếu hơi thở ra, đầu hơi ở rún, giữa hơi ở tim, cuối hơi ở chót mũi. Nếu hơi thở vào, đầu hơi thở ở chót mũi, giữa hơi ở tim, cuối hơi ở rún.

    Tuy nhiên cách này có vẻ giống khí công nên không được khuyến khích. Nếu là thiền định thì nên nhận biết cả ba chặng hơi thở ngay nơi chót mũi hoặc môi trên mà thôi thì tâm mới định được. Nếu là thiền tuệ thì nhận biết rõ diễn biến và trạng thái ba đoạn hơi thở khi xúc chạm thành mũi hay môi trên hiện lên thực tánh nóng, lạnh, cứng, mềm hay tính chất chuyển động...

    4) Chỗ nên tiến hành

    Chỗ nên tiến hành sổ tức quán là rừng, cội cây, nơi thanh vắng.

    Rừng: nói về rừng ở cách xa xóm nhà năm trăm khoảng tên (1.000 mét).

    Cội cây: nói về cội cây có bóng che tốt.

    Nơi thanh vắng: nói về nơi không có những loại sắc, thinh, hương, vị, xúc có thể làm động tâm khiến cho ưa thích, bất bình... như ở núi, kẻ núi, hang động, nơi tha ma, mộ địa, giữa rừng thanh vắng, giữa khoảng trống thanh vắng, ụ rơm, cả bảy chỗ nầy gọi là nơi thanh vắng (suññāgāra).

    5) Cách tiến hành

    Cách tiến hành phải làm cho đúng với ba tính (carita), ba mùa (utu), ba nguyên tố (dhātu). Ba tính và ba nguyên tố: Nếu người tính tham ái và người nhiều phong đại, thích hợp hành trong chỗ vắng. Người tính sân và người nhiều hỏa đại, thích hợp hành nơi cội cây. Người tính si và người nhiều thủy đại (đàm, mật) thích tiến hành trong rừng. Ba mùa: mùa nóng thích tiến hành trong rừng, mùa lạnh thích tiến hành nơi cội cây, mùa mưa thích tiến hành trong bảy nơi như núi v.v.. đã nói trên. Khi được nơi thích hợp, hãy ngồi giữ mình cho thẳng, duy trì chánh niệm cho tốt, tức là chú tâm duy nhất nơi hơi thở ra vào và hãy tập nhận biết đầu, giữa và cuối hơi thở. Hãy chú tâm làm cho hơi thở thô thiển thành hơi thở vi tế. Đây chỉ là cách sơ khởi của sự tiến hành mà thôi.

    Kinh văn nói: "Như thế, ... là quán thấy thân trong nội thân, hoặc quán thấy thân trong ngoại thân, hoặc quán thấy thân trong nội thân ngoại thân"

    Chú giải nói rằng: "Quán thấy thân trong đoạn này là quán thấy hơi thở trong toàn khối hơi thở ra,vào của mình hoặc của người khác, hoặc cả của mình và của người khác kế tiếp nhau, khi đã tiến hành tinh thục rồi".

    Kinh văn nói: "Quán thấy tánh sanh khởi trong thân, hoặc quán thấy tánh hoại diệt trong thân", tức nói về sự quán thấy thân, lỗ mũi và tâm là nhân làm cho gió (hơi thở) sanh, giống như ống thụt, cần thụt và sức kéo của người thợ vàng, làm cho sanh gió như thế nào thì quán thấy khi ba yếu tố, nhứt là thân, sanh thì gió sanh, thân... diệt thì gió cũng diệt hoặc quán thấy cả hai nhân sanh và diệt của gió (hơi thở) tùy thời".

    Kinh văn nói: "Thân đang hiện hữu" vị đó giữ niệm như vậy, đến mức tuệ giác, đến mức an niệm".

    Chú giải cho rằng: "Tức chánh niệm vừa đủ để quán thấy rằng thân hiện có thật, nhưng chẳng phải chúng sanh, chẳng phải người, chẳng phải nữ, chẳng phải nam, chẳng phải thân ta, chẳng phải là nơi cư trú của thân ta, chẳng phải ta, chẳng phải của ta, chẳng phải của người khác. Sự quán niệm như thế là nhân cho tuệ giác cao siêu, cho có chánh niệm một cách viên mãn để thành tựu Thánh Đạo, Thánh Quả".

    Kinh văn nói: "Vị tỳ-khưu không bám níu, không chấp thủ bất cứ điều gì trên thế gian".

    Chú giải nói rằng: "Tức vị đó không nương vào ái dục và tà kiến, không chấp một uẩn nào trong ngũ uẩn là ta hoặc có ở trong ta".

    Kinh văn nói: "Như vậy, ... là tỳ-khưu quán thấy thân trong thân".

    Chú giải nói rằng: "Tức sự quán thấy gió có trong toàn bộ gió, như đã giải rồi ở trước".

    Sự tuệ tri: hơi thở ra vào sinh diệt là Khổ Đế, ái dục làm cho hơi thở sanh lên là Tập Đế. Cả hai pháp ấy không còn tiếp diễn là Diệt Đế. Con đường tuệ tri khổ và tập có diệt làm đối tượng là Đạo Đế. Sự chứng ngộ Tứ Diệu Đế là tuần tự dẫn đến A-la-hán Đạo, A-la-hán Quả hằng có đến vị tỳ-khưu tiến hành sổ tức quán như thế ấy.

    Dứt điều nói về sổ tức quán.

    *

    Bốn oai nghi

    Trong pháp niệm xứ này nói về bốn oai nghi như sau:

    Kinh văn nói: "Lại nữa, này chư tỳ-khưu, khi vị tỳ-khưu đi biết rõ "ta đi", khi đứng biết rõ "ta đứng", khi ngồi biết rõ "ta ngồi", khi nằm biết rõ "ta nằm", hoặc thân của vị ấy ở trạng thái thế nào, vị ấy biết rõ thân trong trạng thái như thế".

    Chú giải nói rằng: Theo lẽ thường thì người luôn cả những chúng sanh, như chó sói, chó nhà v.v. khi đi, đứng, ngồi, nằm cũng vẫn nhận biết rằng: "Ta đi, đứng, ngồi, nằm", nhưng sự nhận biết ấy còn chấp rằng có "chúng sanh đi...", "ta đi ... ", nên đi, đứng, ngồi, nằm không phải là đề mục thiền hoặc không kể là sự tiến hành Tứ Niệm Xứ.

    "Biết rõ", pajànàti (tuệ tri) trong Pāḷi ám chỉ sự nhận biết đã dứt sự chấp chặt quan niệm sai lầm: ta, người, chúng sanh.... Sự nhận biết này chỉ có trong pháp hành niệm xứ, tức là nhận biết rằng không có chúng sanh, người, ta, kẻ khác gì trong đi, đứng, ngồi, nằm cả. Tư thế đi, đứng, ngồi, nằm chỉ là thân sắc tiến hành do năng lực của yếu tố gió được sanh từ hoạt động của tâm duy tác (kiriyācitta) mà người đời cho rằng ta đi, đứng, ngồi, nằm... Sự thật là khi nghĩ: "Ta sẽ đi", gió liền dấy lên từ ý nghĩ ấy làm cho toàn thân đi về phía trước. Khi nghĩ: "Ta sẽ đứng", gió sanh khởi làm cho toàn thân đứng lên. Khi nghĩ: "Ta sẽ ngồi", gió sanh khiến cho chi phần dưới co vào và thân phần trên thẳng lên. Khi nghĩ: "Ta sẽ nằm", gió sanh từ sự nghĩ ấy làm cho thân duỗi xuống.

    Khi thân thể chuyển động đi... như đã nói trên, người đời thường nói với nhau rằng ta đi, ta đứng, ta ngồi, ta nằm... vì hiểu rằng có ta thực trong đi, đứng, ngồi, nằm, nhưng sự thật là hiểu sai. Đúng ra, nên hiểu bằng ví dụ như sau đây:

    Người đời nói với nhau rằng: "Cái xe bò đi, cái xe bò dừng", nhưng sự thật không phải cái xe đi, cái xe dừng, mà là người lái xe khôn khéo đem bò thắng vào xe rồi lái đi, chỉ riêng con bò đi, con bò dừng còn cái xe ấy đi theo, dừng theo con bò. Con bò đi và dừng cũng chỉ do năng lực của người lái, và người ấy cũng chỉ lái như thế thôi. Thân thể cũng ví như cái xe bởi chẳng nhận biết gì. Gió phát sanh từ tâm của người suy nghĩ ví như bò thắng vào xe, tâm người suy nghĩ ví như người lái. Khi tâm nghĩ rằng: "Ta sẽ đi"... thân thể sẽ chuyển động do năng lực gió sanh từ tâm của người suy nghĩ. Nếu chấp rằng: "Ta đi" thì không đúng, bởi "ta" tức là tâm được ví như người lái xe không phải là người đi, đứng, ngồi, nằm một cách nào cả, chỉ là người lái tức là tâm kích họat gió, rồi gió ấy làm cho thân chuyển động ví như cái xe, nhưng người đời nói với nhau là chúng sanh, mình, kẻ khác đi, đứng, ngồi, như đã hiểu sai rằng "cái xe đi, cái xe dừng" vậy.

    Trong vấn đề này, chú giải sư (ācariya) đã soạn thành bài kệ để thuyết minh nhân duyên làm cho thân thể chuyển động và diễn ý nghĩa trong kệ ngôn ấy rằng:

    "Thuyền buồm lướt đi bởi sức gió,

    Mũi tên bắn đi bởi sức dây cung thế nào,

    Thân thể có nghiệp tạo tác này,

    Cũng đi, đứng, ngồi, nằm bởi lực tâm như vậy.".

    Khi rời khỏi nhân duyên rồi sẽ không làm gì được theo năng lực của mình cả, bởi như thế nên hiểu rằng: "Việc chư tỳ-khưu được Đức Thế Tôn thuyết: khi đi, đứng, ngồi, nằm cần nhận biết mình đang đi, đứng, ngồi, nằm tức ám chỉ nhận biết rằng sở dĩ có thân hành là do năng lực của nhân duyên như đã giải ở trước".

    Kinh văn nói: "Hoặc thân của vị ấy ở trạng thái thế nào, vị ấy biết rõ thân trong trạng thái như thế". Cũng có ý nghĩa như trên.

    Trên đây là tài liệu chỉ sự nhận biết đủ về các oai nghi.

    Cách tiến hành

    Sau đây sẽ nói đến cách tiến hành. Hành niệm xứ này là khi đi, đứng, ngồi, nằm cần nhận rõ rằng không phải ta đi, không phải ta đứng, không phải ta ngồi, không phải ta nằm, mà chỉ là thân thể vận hành do năng lực gió sanh từ tâm thôi. Khi thường tập quán sát như thế đủ mỗi oai nghi thì có thể chấm dứt quan niệm sai về chúng sanh, người, ta, kẻ khác đi được. Dù chưa dứt được cũng sẽ giảm bớt sự cố chấp dần dần. Các sự khổ sầu, thương ghét làm cho phát sanh tham ái v.v.. cũng sẽ từ từ giảm nhẹ, tâm cũng được bình thản, mát mẻ, an vui.

    Dứt phần nói về bốn oai nghi.

    *

    Biết mình (tất cả sự)

    Khi Đức Thế Tôn phân tích pháp quán thân theo đối tượng bốn oai nghi xong, Ngài có ý muốn thuyết về bốn pháp biết mình nên mới nói: "Lại nữa, này chư tỳ khưu" v.v.. Và Ngài dạy rằng: "Vị tỳ-khưu, trong pháp luật này, khi bước tới, bước lui, biết rõ hành động đang làm. Khi nhìn trước, ngó sau, biết rõ hành động đang làm. Khi co vào, duỗi ra, biết rõ hành động đang làm. Khi đắp y tăng-già-lê, mang bát, choàng y, biết rõ hành động đang làm. Khi ăn, uống, nhai, nuốt, biết rõ hành động đang làm. Khi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ hành động đang làm. Khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nín, nói, hằng biết rõ hành động đang làm".

    Chú giải:

    "Bước tới, bước lui", "Nhìn trước ngó sau", "Co vào, duỗi ra", "Đắp y tăng-già-lê, mang bát, choàng y" tức những việc vị tỳ-khưu thường làm hàng ngày. Những động tác này gọi là oai nghi trung bình (majjhima iriyāpatha).

    "Ăn, uống, nhai, nuốt", "Đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nín, nói" những động tác này gọi là oai nghi tiểu tiết (khuddakacuṇṇiya iriyāpatha).

    "Đi, đứng, ngồi, nằm" trong đối tượng bốn oai nghi gọi là oai nghi lâu dài (addhāna iriyāpatha) có thể tiến hành riêng biệt từng oai nghi, trong khi đi, đứng, ngồi, nằm thuộc oai nghi tiểu tiết chỉ là động tác tức thời nên có thể tiến hành luân chuyển.

    "Hằng biết rõ hành động đang làm", là hằng có sự nhận biết rõ ràng tất cả sự nêu trên, không xa lìa sự nhận biết, không bỏ sót cử động nào.

    " Tỉnh giác" (Sampajañña), dịch là sự nhận biết rõ ràng đối tượng thực tánh không qua ý niệm, có bốn loại là:

    1- Lợi ích tỉnh giác (Sātthakasampajañña):

    Có sự tỉnh giác biết mình vì thấy rõ điều lợi ích nên làm và điều bất lợi không nên làm.

    2- Thích ứng tỉnh giác (Sappāyasampajañña):

    Có sự tỉnh giác biết mình đúng lúc đúng chỗ, tức biết lúc nào, chỗ nào cần mức tỉnh giác như thế nào.

    3- Hành cảnh tỉnh giác (Gocarasampajañña):

    Có sự tỉnh giác biết mình trên một đối tượng thích hợp trong ba mươi tám đề mục.

    4- Bất muội (Asammohasampajañña):

    Có sự tỉnh giác biết mình luôn khi không mê muội, không tán loạn bất giác.

    Trong cả bốn cách tỉnh giác biết mình biết mình này có giải thích như sau:

    - Sự nhận định biết rằng điều nào không có lợi ích thì dứt bỏ, chỉ chấp trì điều nào lợi ích, gọi là biết mình trong điều lợi ích (Sātthakasampajañña).

    - Sự tỉnh giác biết rõ lúc nào và chổ nào không thích hợp, làm cho tâm nóng nảy thì nên lánh, biết rõ chỗ nào thích hợp làm cho phát sanh hoan hỷ thì nên tiến hành gọi là sự biết mình trong điều thich ứng (Sappāyasampajañña).

    - Sự tỉnh giác biết rõ đối tượng không hợp với tính mình, không đúng với trình độ tâm mình không nên hành, rồi chỉ hành đối tượng hợp với tâm mình, ám chỉ lựa đề mục thiền cho đúng với tánh cách gọi là biết mình trong đối tượng sở hành (Gocarasampajañña).

    - Sự không nhầm lẫn, mê lầm trong những quan niệm giả định (sammuti) như cho rằng: "Ta bước tới" v.v... là ám chỉ biết rõ theo thực tánh chân đế (paramattha) gọi là biết mình không mê muội (Asammohasampajañña).

    "Hằng biết rõ hành động đang làm" theo nghĩa Pāḷi là, thức giả nên hiểu ý nghĩa của sampajañña hợp với sati, tức có sự sáng suốt biết mình trong tất cả động tác, tư thế, trạng thái của thân. Lời giải đã trình bày đây cũng chưa đủ rõ, có thể rõ được trong cách tiến hành, như sẽ giải tiếp theo sau đây:

    Cách tiến hành

    Trong sự bước tới và bước lui:

    Khi tính sẽ đi đâu, nên có như lý tác ý để biết rõ có lợi ích chăng? Có đúng lúc đúng chỗ chăng? Khi thấy rằng vô ích, không hợp thì đừng đi, nếu thấy hữu ích, thích ứng thì sẽ đi. Đồng thời khi đi chỉ biết rõ đối tượng đi tức chỉ có sắc thân di chuyển, không nhầm lẫn hiểu quấy rằng: "Ta bước"… [Sắc thân tức tứ đại (đất, nước, lửa, gió) đang tiến hành động tác bước].

    Trong sự nhìn trước ngó sau:

    Khi nhìn xem phía này, phía kia chẳng hạn, hãy nên có như lý tác ý để biết rõ có lợi ích, có thích hợp hay không, nếu có mới nên nhìn. Khi nhìn xem cũng chỉ thấy đối tượng thực tánh, đừng sanh sự hiểu quấy rằng "ta nhìn" và đừng để tham ưu mê muội xen vào tức phát sanh sự thỏa thích hay bất bình trong đối tượng được thấy.

    Đoạn này giải thích sự biết mình trong điều không mê muội có hai cách nữa:

    1. Cách thứ nhất có hai điều là:

    Điều 1: Nói về sự không lầm lạc trong cảnh giới như là người chủ đối với khách lại thăm hoặc như vật mượn nơi người khác. Cảnh giới bên ngoài (lục trần) như sắc, thanh… ví như khách, căn môn bên trong (lục căn) như mắt, tai… ví như cái nhà. Ngũ môn hướng tâm, ngũ thức, tiếp thọ, suy đạc, xác định, tốc hành tâm, đăng ký tâm, bảy điều này là chủ của cái nhà. Bình thường sự ưa thích và bất bình chưa có nơi chủ nhà này, đến khi dòng tâm trải qua bảy giai đoạn (diễn ra rất mau lẹ, tâm không điêu luyện không thể biết được) thì mới có paản ứng tham ưu. Bảy giai đoạn diễn biến này gọi là Vīthicitta, dịch là lộ trình tâm.. Ví rằng: Khi "khách" lại kiếm để xin một vật gì, nếu chủ nhà lạnh nhạt không tiếp, khách sẽ không không làm gì được, như thế nào, thì ngoại cảnh vào trong "nhà" nội căn, nếu chủ nhà không tham ưu thì khách sẽ không làm gì được, như thế ấy.

    Điều 2: Mỗi giai đoạn của Vīthicitta (lộ trình tâm) sanh lên rồi diệt đi theo trình tự. Cảnh giới bên ngoài giống như vật mượn. Khi người trong nhà chết hết chỉ còn một người, nhưng người ấy lại không quan tâm đến vật mượn, như thế sẽ không còn ai ưa ghét vật mượn ấy nữa, cũng vậy, nếu tâm sanh diệt theo thứ tự mà không dính mắc rồi chìm vào dòng bhavaṇga (hộ kiếp), thì sẽ không tham ưu trên đối tượng.

    2. Cách thứ hai nói về sự quán thấy ngũ uẩn (khandha), lục căn lục trần (āyatana), nguyên tố (dhātu) chỉ là duyên của cái thấy, chẳng phải ai thấy. Cần tập quán sát như thế trong khi nhìn xem vật gì, nhất là người nào...

    Sự co vào duỗi ra

    Trong sự co vào duỗi ra của tay và chân, cần chú ý sự lợi ích và sự thích ứng trước. Và khi co vào duỗi ra ấy cũng đừng quên đối tượng thực tánh mà hiểu sai: "Ta co vào duỗi ra", hãy thấy rằng không phải ta co duỗi gì cả, chỉ là sắc ở tay và chân tiến hành giống như máy bị điều khiển đó thôi.

    Sự mang y bát

    Trong khi dùng y Tăng-già-lê, y Uất-đà-la-tăng (y vai trái), y An-đà-hội (y nội) và bát phải phải quán chỉ dùng vì sự lợi ích bảo trì thân thể và thích nghi với thời tiết mà thôi. Đừng mong mỏi sự xinh đẹp hay lợi dưỡng. Khi cần dùng cũng đừng bỏ quên quán thấy thực tánh tứ đại của vật dụng và đừng lầm lẫn hiểu sái rằng: "ta dùng", hay"vật dụng của ta". Đừng cho sanh khởi sự thỏa thích bởi được vật tốt. Đừng cho sanh sự bất bình bởi được vật xấu, giống như cái môi, như cái gắp than lửa, như vải vấn mụt ghẻ… không có thỏa thích, bất bình đến vật gì như thế ấy.

    Sự ăn, uống, nhai, nuốt.

    Trong sự ăn, uống, nhai, nuốt cũng nên quán thấy sự lợi hại đến thân thể. Nên ăn uống thích nghi. Và khi ấy cũng phải thấy thực tánh đừng cho sự hiểu sái sanh lên "ta ăn...", tức là thấy rằng, sự đưa miếng cơm lên, sự hả miệng, răng trên cắn xuống răng dưới là do lực gió sanh từ tâm, và khi có nước làm cho ngấm, tức là nước miếng nhồi cho nhuyễn rồi gió bèn đưa xuống dạ dày, thì lửa sẽ đốt cho tiêu hoá, cuối cùng gió cũng đẩy ra đàng dưới. Hãy thọ dụng vừa phải, đừng ít quá, cũng đừng nhiều quá.

    Ngoài ra, sự đại tiện và tiểu tiện, đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, nín cũng nên có sự quán sát tốt rằng: "Cách nào sẽ là lợi ích, thích ứng, làm cho sanh an lạc, không hư hỏng đối tượng ức niệm (sati), có sự định hướng chuyển hoá tục đế (sammuti) thành chân nghĩa (paramatha)".

    Nói về thể trược (Paṭikkūla).

    Sau khi Đức Thế Tôn dạy về quán thân tất cả sự theo biết mình (sampajañña) Ngài có ý muốn thuyết về 32 thể trược (paṭikkūla), tức là những thành phần đáng nhờm gớm trong thân thể để tiêu trừ sự thương mến, dính mắc trong tâm, cho nên Ngài mới thuyết rằng: "Lại nữa…" Tỉnh lược ý nghĩa nói về sự quán xét này bắt đầu từ bàn chân lên đến tóc, bắt đầu từ tóc xuống đến bàn chân, toàn có da bao bọc phía ngoài, về phía trong toàn những đồ dơ bẩn khác nhau, như là: "Tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, bầy nhầy, bao tử, phổi, ruột già, ruột non, vật thực mới, phẩn, óc, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mở đặc, nước mắt, mỡ lỏng, nước miếng, nước mũi, nhớt, nước tiểu" có thường trực trong thân của người và các chúng sanh khác. Nên tập quán sát cho thấy rõ các thể trược trong thân như ngươì có mắt tốt thấy rõ những vật đổ ra từ cái đảy ruột tượng có miệng hai đầu rồi quán thấy hiển hiện rằng: "Thứ này là gạo sālī (gạo ngon hoặc nếp), đây là lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu nành, đây là mè, đây là gạo" vậy.

    Cách thực hành

    Về cách thực hành rộng rãi đã có thuyết sẵn trong bộ Thanh Tịnh Đạo. Ở chỉ nói vắn tắt, chỉ giải bày duy nhất câu ví dụ là thân thể giống như cái đảy ruột tượng có hai miệng. Những thể trược như là tóc … ví như những đồ lẫn lộn với nhau ở trong cái đảy ấy.

    Bậc hành giả (người tu) ví như người mắt tốt. Điều mà hành giả quán xét thấy những thể trược được rõ rệt ví như người có mắt thấy những vật trong đảy một cách rõ ràng quen thuộc.

    Dứt điều nói về Paṭikkūla.

    *

    Nói về bốn nguyên tố (Tứ đại)

    Sau khi Đức Thế Tôn phân tích quán thân niệm xứ về thể trược (paṭikkūla) Ngài tiếp tục thuyết về quán thân theo bốn nguyên tố. Ngài dạy rằng: "Vị tỳ-khưu, trong giáo pháp, hằng quán thân này, về vị trí các đại, sự sắp đặt các đại: Trong thân này có chất đất, chất nước, chất lửa, chất gió". Giống như người giết bò thành thạo hay người đồ đệ, mổ một con bò, chia cắt thành từng phần: đây là đầu, đây là chân... nơi ngã tư đường vậy.

    Chú giải Atthakathā:

    Điều này chú giải sư (Ācariyathuyết rằng: "Người giết bò hoặc đồ đệ người giết bò, giết bò rồi lóc thịt đem đi bán cho người từ bốn hướng lại nơi ngã tư đường lớn. Giữa ngã tư đường lớn là thế nào? Tỳ-khưu trong pháp luật này cũng quán vị trí bốn đại nơi bốn oai nghi lớn trong thân vậy".

    Ví dụ giải rộng ra rằng: "Khi người giết bò nuôi giữ bò, khi lùa bò đi đến chỗ giết, khi cột bò vào cái cọc hoặc cái trụ để giết, giết chết rồi nhưng khi chưa lóc ra, họ vẫn còn cho là "con bò", nhưng khi mổ xẻ ra rồi đem đi bán thì ý niệm "con bò" sẽ tiêu vong, phát sanh sự thấy xác định đấy là bán "thịt", không còn nghĩ là bán bò. Khi những người mua đến, cũng không nghĩ rằng họ mua bò đi mà là mua thịt đi". Cũng vậy, vị tỳ-khưu xuất gia hay vị cư sĩ tại gia phàm nhơn cũng còn hiểu rằng: "Đấy là người, đấy là chúng sanh" nhưng khi đã phân tích thân này ra quán thấy chỉ là bốn đại (dhātu), thì sẽ hết ảo tưởng (saññāvipallāsa) từ trước, làm cho tuệ tri phát sanh lên rằng: "Trong thân này chỉ có chất đất, chất nước, chất lửa, chất gió" mà thôi.

    Cách tiến hành.

    Người muốn tiến hành pháp niệm xứ này nên học hiểu đầy đủ những đặc tính của bốn nguyên tố cho tốt trước. Từ "dhātu" dịch là thế nào? Nói đất, nước, lửa, gió là mỗi thứ nói về cái gì? Và thứ nào có bao nhiêu đặc tính?

    Khi học thuộc lòng chín chắn rồi tập quán sát thì mới thấy đặc tính, không phải chỉ nhớ vắn tắt rằng đất, nước, lửa, gió thôi mà cần phải quán xét cho hiểu vi tế, rộng rãi mới dùng được. Khi quán thấy dù chút ít đặc tính đất, nước, gió, lửa bên trong người, chúng sanh thì cũng sẽ bớt đi phóng túng, tham đắm đối với người, chúng sanh nhiều lắm. Sẽ nhắc nhở tâm không cho mê đắm đến đỗi phải giành giựt chém giết lẫn nhau, hoặc bỏ mạng chỉ vì sự luyến ái, thương yêu. Và khi chết, nếu thấy được rằng chẳng phải ta chết, chẳng phải ai chết, chỉ riêng các nguyên tố rã tan thôi, thì cũng sẽ ngăn ngừa, giảm thiểu được sự sợ hãi, buồn rầu.

    Cách tiến hành pháp niệm xứ này đã được thuyết rộng rãi trong bộ Thanh Tịnh Đạo rồi, nên ở đây chỉ giải vắn tắt thôi.

    Dứt phần nói về nguyên tố.

    *

    Chín thứ bất tịnh (Asubha)

    Sau khi Đức Thế Tôn phân tích quán thân niệm xứ theo bốn nguyên tố, Ngài đề cập đến chín thứ bất tịnh hoặc tử thi (asubha). Tóm lược ý nghĩa chín loại tử thi là:

    1- Vật bất tịnh là tử thi chết một ngày, hai ngày hoặc ba ngày đã sình to có những màu xanh khác nhau (máu và mủ ứ lại) có nhiều mủ tươm chảy ra.

    2- Tử thi bị những loài thú khác nhau như quạ và kên kên v.v. cắn xé.

    3- Tử thi còn có bộ xương, thịt, máu, gân đan chằng chịt.

    4- Tử thi không có thịt, chỉ còn bộ xương và gân chằng chịt lấm máu.

    5- Tử thi không có cả thịt và máu chỉ còn bộ xương và gân đan chằng chịt.

    6- Tử thi không có thịt, máu và gân chỉ có bộ xương bời rời ở trong những nơi khác nhau.

    7- Tử thi chỉ có xương trắng như xà cừ.

    8- Tử thi chỉ có đống xương nằm nhiều năm.

    9- Tử thi chỉ có xương mục thành bột rồi.

    Khi vị tỳ-khưu thấy cả chín asubha nầy hoặc chỉ một thứ nào chẳng hạn đều có thể đối chiếu với thân mình rằng: "Thân này cũng có tánh chất như thế này, đặc tính như thế này, không thoát được tánh chất đó được".

    Điều này trong chú giải cũng không thuyết rộng, chỉ có giải thích từ và liệt kê chín loại asubha với chút ít ý nghĩa như nói rằng: "Thân này sẽ trở thành tử thi bất tịnh cũng bởi chấm dứt ba yếu tố là tuổi thọ, hơi ấm (nhiệt) và tâm thức đó thôi".

    Cách tiến hành

    Người mong tiến hành niệm xứ nầy nhằm giảm bớt sự thương yêu vừa lòng trong thân thể và sự say đắm mê muội trong sanh mạng cho nhẹ nhàng bớt đi thì nên thực hành như sau:

    Khi biết rằng người chết hoặc thú chết, thấy cái hòm có tử thi bên trong, thấy tử thi đang bị đốt hoặc chôn, tử thi nổi trên nước, hoặc chỉ thấy xương… hãy liền nhớ đến thân ta cũng phải như thế, không thoát khỏi tính chất này được. Hãy thường ghi nhớ như thế, mỗi khi được thấy asubha hoặc khi làm công việc liên quan đến tử thi, như đi rảy nước tử thi hoặc an táng tử thi hoặc đi tụng kinh cầu siêu v.v.. và khi được gặp thấy rồi hãy chú ý cho tốt tính chất tử thi ấy như thế nào để đem quán xét lại khi trở về chỗ ở của mình (theo cách đề mục thiền định).

    Nếu người tính sẽ tiến hành cho đắc thiền nhập định, hoặc đạo quả Niết-bàn thì hãy học hỏi thực hành theo bộ kinh Visuddhimagga cho đầy đủ.

    Dứt phần nói về Asubha.

    Thật sự trong sáu pháp quán thân niệm xứ này chia ra thành mười bốn điều. Trong mười bốn điều ấy có 1 đề mục về hơi thở có thể chứng cả bốn thiền, 1 đề mục về thể trược (Paṭikkūla) và 9 đề mục tử thi (asubha) có thể chứng sơ thiền, thuộc an chỉ định (appanāsamādhi), những đề mục còn lại chỉ chứng cận định (upacārasamādhi) tùy theo ý nguyện như những pháp đã chỉ rồi ấy.

    Về thiền minh sát thì cả 14 đề mục đều có thể giúp hành giả chứng được các bậc tuệ theo thứ tự pháp hành.

    Dứt quán Thân Niệm Xứ.

    *

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.