26 Điều về sự Đứng Đắn

26 Điều về sự Đứng Đắn

    TẠNG LUẬT - BỘ PHÂN TÍCH GIỚI BỔN
    Vinaya Pitaka - Suttavibhanga

    PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU - II
    (Bhikkhuvibhanga II)

    X. CHƯƠNG SEKHIYA (ƯNG HỌC)

    Tỳ-khưu Indacanda dịch

    Bạch chư đại đức, các sekhiyā dhammā [1] (ưng học pháp) này được đưa ra đọc tụng.

     

    HAI MƯƠI SÁU ĐIỀU VỀ SỰ ĐỨNG ĐẮN

    PHẦN TRÒN ĐỀU

    [800] Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư quấn y (nội)[2] để lòng thòng phía trước và phía sau. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

    - Tại sao các sa-môn Thích tử lại quấn y (nội) để lòng thòng phía trước và phía sau giống như những kẻ tại gia hưởng dục vậy?

    Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

    - Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại quấn y (nội) để lòng thòng phía trước và phía sau?

    Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy sau khi thuyết Pháp thoại đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi các tỳ khưu nhóm Lục Sư rằng:

    - Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi quấn y (nội) để lòng thòng phía trước và phía sau, có đúng không vậy?

    - Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

    Đức Thế Tôn đã khiển trách rằng:

    - Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại quấn y (nội) để lòng thòng phía trước và phía sau vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. … (như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Ta sẽ quấn y (nội) tròn đều” là việc học tập nên được thực hành.

    Nên quấn y (nội) cho tròn đều với việc che kín vòng bụng nơi lỗ rún và vòng đầu gối. Vị nào quấn y (nội) để lòng thòng ở phía trước hoặc phía sau do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [801] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư trùm y (vai trái)[3] để lòng thòng phía trước và phía sau. ...(như trên)... “Ta sẽ trùm y (vai trái) tròn đều” là việc học tập nên được thực hành.

    Nên trùm y (vai trái) cho tròn đều sau khi đã làm bằng nhau cả hai mép y. Vị nào trùm y (vai trái) để lòng thòng ở phía trước hoặc phía sau do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [802] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư để hở thân rồi đi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Mặc y chỉnh tề, ta sẽ đi ở nơi xóm nhà” là việc học tập nên được thực hành.

    Vị mặc y chỉnh tề (mới) nên đi ở nơi xóm nhà. Vị nào để hở thân rồi đi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [803] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư để hở thân rồi ngồi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Mặc y chỉnh tề, ta sẽ ngồi ở nơi xóm nhà” là việc học tập nên được thực hành.

    Vị mặc y chỉnh tề (mới) nên ngồi ở nơi xóm nhà. Vị nào để hở thân rồi ngồi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [804] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư múa máy tay chân khi đi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Khéo thu thúc, ta sẽ đi ở nơi xóm nhà” là việc học tập nên được thực hành.

    Vị khéo thu thúc (mới) nên đi ở nơi xóm nhà. Vị nào múa máy tay chân khi đi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [805] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư múa máy tay chân khi ngồi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Khéo thu thúc, ta sẽ ngồi ở nơi xóm nhà” là việc học tập nên được thực hành.

    Vị khéo thu thúc (mới) nên ngồi ở nơi xóm nhà. Vị nào múa máy tay chân khi ngồi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [806] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư nhìn chỗ này chỗ nọ khi đi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ đi ở nơi xóm nhà với mắt nhìn xuống” là việc học tập nên được thực hành.

    Nên đi ở nơi xóm nhà với mắt nhìn xuống thấy khoảng cách bằng cái cày.[4] Vị nào nhìn chỗ này chỗ nọ khi đi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [807] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư nhìn chỗ này chỗ nọ khi ngồi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ ngồi ở nơi xóm nhà với mắt nhìn xuống” là việc học tập nên được thực hành.

    Nên ngồi ở nơi xóm nhà với mắt nhìn xuống thấy khoảng cách bằng cái cày. Vị nào nhìn chỗ này chỗ nọ khi ngồi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [808] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đi ở nơi xóm nhà với sự vén y lên. ...(như trên)... “Ta sẽ không đi ở nơi xóm nhà với sự vén y lên” là việc học tập nên được thực hành.

    Không nên đi ở nơi xóm nhà với sự vén y lên. Vị nào vén y lên một bên hoặc cả hai bên khi đi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [809] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư ngồi ở nơi xóm nhà với sự vén y lên. ...(như trên)... “Ta sẽ không ngồi ở nơi xóm nhà với sự vén y lên” là việc học tập nên được thực hành.

    Không nên ngồi ở nơi xóm nhà với sự vén y lên. Vị nào vén y lên một bên hoặc cả hai bên khi ngồi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    Phần Tròn Đều là phần thứ nhất.

    *******

    PHẦN CƯỜI VANG

    [810] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư cười tiếng cười lớn khi đi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ không đi ở nơi xóm nhà với tiếng cười vang” là việc học tập nên được thực hành.

    Không nên đi ở nơi xóm nhà với tiếng cười vang. Vị nào cười tiếng cười lớn khi đi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, vị chỉ mỉm cười khi có sự việc đáng cười, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [811] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư cười tiếng cười lớn khi ngồi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ không ngồi ở nơi xóm nhà với tiếng cười vang” là việc học tập nên được thực hành.

    Không nên ngồi ở nơi xóm nhà với tiếng cười vang. Vị nào cười tiếng cười lớn khi ngồi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, vị chỉ mỉm cười khi có sự việc đáng cười, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [812] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư gây tiếng động ồn tiếng động lớn khi đi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ đi ở nơi xóm nhà với giọng nói nhỏ nhẹ[5] là việc học tập nên được thực hành.

    Nên đi ở nơi xóm nhà với giọng nói nhỏ nhẹ. Vị nào gây tiếng động ồn tiếng động lớn khi đi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [813] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư gây tiếng động ồn tiếng động lớn khi ngồi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ ngồi ở nơi xóm nhà với giọng nói nhỏ nhẹ” là việc học tập nên được thực hành.

    Nên ngồi ở nơi xóm nhà với giọng nói nhỏ nhẹ. Vị nào gây tiếng động ồn tiếng động lớn khi ngồi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [814] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư khom người khiến thân đung đưa khi đi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ không đi ở nơi xóm nhà với sự đung đưa thân” là việc học tập nên được thực hành.

    Không nên đi ở nơi xóm nhà với sự đung đưa thân. Nên giữ thân ngay thẳng rồi đi. Vị nào khom người khiến thân đung đưa khi đi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [815] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư khom người khiến thân đung đưa khi ngồi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ không ngồi ở nơi xóm nhà với sự đung đưa thân” là việc học tập nên được thực hành.

    Không nên ngồi ở nơi xóm nhà với sự đung đưa thân. Nên giữ thân ngay thẳng rồi ngồi. Vị nào khom người khiến thân đung đưa khi ngồi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, vị đã đi đến chỗ ngụ, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [816] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư uốn cong cánh tay khiến cánh tay đung đưa khi đi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ không đi ở nơi xóm nhà với sự đung đưa cánh tay” là việc học tập nên được thực hành.

    Không nên đi ở nơi xóm nhà với sự đung đưa cánh tay. Nên giữ yên cánh tay rồi đi. Vị nào uốn cong cánh tay khiến cánh tay đung đưa khi đi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [817] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư uốn cong cánh tay khiến cánh tay đung đưa khi ngồi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ không ngồi ở nơi xóm nhà với sự đung đưa cánh tay” là việc học tập nên được thực hành.

    Không nên ngồi ở nơi xóm nhà với sự đung đưa cánh tay. Nên giữ yên cánh tay rồi ngồi. Vị nào uốn cong cánh tay khiến cánh tay đung đưa khi ngồi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, vị đã đi đến chỗ ngụ, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [818] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư khum đầu khiến đầu đung đưa khi đi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ không đi ở nơi xóm nhà với sự đung đưa đầu” là việc học tập nên được thực hành.

    Không nên đi ở nơi xóm nhà với sự đung đưa đầu. Nên giữ đầu ngay thẳng rồi đi. Vị nào khum đầu khiến đầu đung đưa khi đi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [819] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư khum đầu khiến đầu đung đưa khi ngồi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ không ngồi ở nơi xóm nhà với sự đung đưa đầu” là việc học tập nên được thực hành.

    Không nên ngồi ở nơi xóm nhà với sự đung đưa đầu. Nên giữ đầu ngay thẳng rồi ngồi. Vị nào khum đầu khiến đầu đung đưa khi ngồi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, vị đã đi đến chỗ ngụ, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    Phần Cười Vang là phần thứ nhì.

    *******

    PHẦN CHỐNG NẠNH

    [820] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư chống nạnh khi đi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ không đi ở nơi xóm nhà với tay chống nạnh” là việc học tập nên được thực hành.

    Không nên đi ở nơi xóm nhà với tay chống nạnh. Vị nào chống nạnh một bên hoặc hai bên rồi đi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [821] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư chống nạnh khi ngồi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ không ngồi ở nơi xóm nhà với tay chống nạnh” là việc học tập nên được thực hành.

    Không nên ngồi ở nơi xóm nhà với tay chống nạnh. Vị nào chống nạnh một bên hoặc hai bên rồi ngồi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, vị đã đi đến chỗ ngụ, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [822] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư trùm y luôn cả đầu rồi đi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ không đi ở nơi xóm nhà với đầu trùm lại” là việc học tập nên được thực hành.

    Vị trùm đầu lại không nên đi ở nơi xóm nhà. Vị nào trùm y luôn cả đầu rồi đi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [823] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư trùm y luôn cả đầu rồi ngồi ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ không ngồi ở nơi xóm nhà với đầu trùm lại” là việc học tập nên được thực hành.

    Vị trùm đầu lại không nên ngồi ở nơi xóm nhà. Vị nào trùm y luôn cả đầu rồi ngồi ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, vị đã đi đến chỗ ngụ, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [824] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đi ở nơi xóm nhà với sự nhón gót. ...(như trên)... “Ta sẽ không đi ở nơi xóm nhà với sự nhón gót” là việc học tập nên được thực hành.

    Không nên đi ở nơi xóm nhà với sự nhón gót. Vị nào đi ở nơi xóm nhà với sự nhón gót do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, vị đã đi đến chỗ ngụ, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

    [825] Duyên khởi ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư ngồi ôm đầu gối ở nơi xóm nhà. ...(như trên)... “Ta sẽ không ngồi ôm đầu gối ở nơi xóm nhà” là việc học tập nên được thực hành.

    Không nên ngồi ôm đầu gối ở nơi xóm nhà. Vị nào ngồi ôm đầu gối bằng tay hoặc ôm đầu gối bằng miếng vải ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

    Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, vị đã đi đến chỗ ngụ, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

     

    [1] Sekhiya: (phân từ vị lai thể thụ động, từ ngữ căn √sikkh) dịch là cần được học tập, nên được rèn luyện.

    [2] Động từ nivāseti áp dụng cho antaravāsaka (y nội) nên được dịch là “quấn y (nội).”

    [3] Động từ pārupati áp dụng cho uttarāsaṅga (thượng y, y vai trái) nên được dịch là “trùm y (vai trái).”

    [4] Theo ngài Buddhaghosa thì nhìn phía trước ở mặt đất khoảng cách 4 hattha (tương đương 2 mét).

    [5] Appasaddo: dịch sát nghĩa là “ít tiếng động, tiếng động nhỏ.” Chú Giải cho ví dụ về tiếng động nhỏ như sau: “Trong căn nhà dài 6 mét có ba vị trưởng lão ngồi, một vị ngồi đầu này, một vị ngồi giữa, một vị ngồi đàng cuối (như vậy vị ngồi giữa cách đều hai vị kia một khoảng cách là 3 mét). Khi vị thứ nhất nói nhỏ nhẹ thì vị ngồi ở giữa nghe và biết được nội dung, còn vị kia ngồi cách 6 mét nghe tiếng nói nhưng không biết được nội dung.”

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.