THERAVĀDA
PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
Thiền Tứ Niệm Xứ - Minh Sát Tuệ
Hòa thượng Giới Nghiêm
QUÁN THỌ NIỆM XỨ
(VEDANĀNUPASSANĀSATIPAṬṬHĀNA)
Sau khi Đức Thế Tôn thuyết về mười bốn pháp quán thân niệm xứ rồi, Ngài lại thuyết chín pháp quán thọ niệm xứ rằng: "Như thế nào, này chư tỳ-khưu ... gọi là vị tỳ-khưu quán thấy thọ trong các thọ" v.v..
" Này chư tỳ khưu, trong pháp luật này, vị tỳ khưu khi thọ lạc, biết rõ rằng: đang thọ lạc. Khi thọ khổ, biết rõ rằng: đang thọ khổ. Khi thọ không khổ không lạc, biết rõ rằng: đang thọ không khổ không lạc. Khi thọ lạc thuộc thế tục, biết rõ rằng: đang thọ lạc thuộc thế tục. Khi thọ khổ thuộc thế tục, biết rõ rằng: đang thọ khổ thuộc thế tục. Khi thọ không khổ không lạc thuộc thế tục, biết rõ rằng: đang thọ không khổ không lạc thuộc thế tục. Khi thọ lạc không thuộc thế tục, biết rõ rằng: đang thọ lạc không thuộc thế tục. Khi thọ khổ không thuộc thế tục, biết rõ rằng: đang thọ khổ không thuộc thế tục. Khi thọ không khổ không lạc không thuộc thế tục, biết rõ rằng: đang thọ không khổ không lạc không thuộc thế tục."
Chú giải Atthakathā:
Trong pháp thọ niệm xứ này có chín đối tượng:
Sukhavedanā: thọ lạc.
Dukkhavedanā: thọ khổ
Adukkhamasukhavedanā: thọ không khổ không lạc.
Sāmisasukhavedanā: thọ lạc thuộc thế tục.
Nirāmisasukhavedanā: thọ lạc không thuộc thế tục.
Sāmisadukkhavedanā: thọ khổ thuộc thế tục.
Nirāmisadukkhavedanā: thọ khổ không thuộc thế tục.
Sāmisādukkhamasukhavedana: thọ không khổ không lạc thuộc thế tục.
Nirāmisādukkhamasukhavedanā :thọ không khổ không lạc không thuộc thế tục.
Một thọ nào trong những thọ này sanh lên cũng cần phải liền biết rõ rằng " thọ đang là như thế".
Điều này không ám chỉ sự nhận biết cảm thọ do suy nghĩ theo ý niệm giả định mà nhận biết trực tiếp cảm thọ ấy theo chân nghĩa (paramattha). Bởi sự nhận biết theo ý niệm giả định ấy ai cũng có, dù trẻ thơ đang nằm trong nôi khi được uống sữa cũng nhận biết được thọ lạc ấy. Từ: cảm thọ "vedanā" theo Pāḷi ám chỉ sự nhận biết vượt ngoài ý niệm người, chúng sanh, thọ giả mới là đề mục thiền tuệ hoặc Tứ Niệm Xứ. Như nói rằng: "Chẳng phải chúng sanh hay người nào cảm thọ, cảm thọ này không phải của ai. Vedanā, là cảm giác hoặc cảm thọ riêng biệt làm cho khổ lạc... ấy thành đối tượng nhận biết, quán chiếu".
Sau đề mục thuộc về sắc (rūpakammaṭṭhāna) tức là quán thân niệm xứ, Đức Thế Tôn thuyết về đề mục vô sắc (arūpakammaṭṭhāna): quán thọ niệm xứ. Về hai đề mục thiền thuộc sắc và vô sắc này bậc trí tuệ cũng gọi là sắc nhiếp thọ (rūpapariggaha), vô sắc nhiếp thọ (arūpapariggaha).
Trong cả hai đề mục thiền ấy, khi Đức Thế Tôn thuyết về đề mục sắc (rūpakammaṭṭhāna), Ngài ám chỉ sự nhận định bốn nguyên tố (tứ đại) do sự chú ý đặc tính tổng quát vắn tắt hoặc vi tế rộng rãi. Hai cách chú ý (manasikāra) này ngài Buddhaghosa đã diễn giải nhiều phương diện trong bộ Thanh Tịnh Đạo rồi. Đến khi ngài thuyết về đề mục vô sắc (arūpakammaṭṭhāna), phần nhiều ngài thuyết về các loại thọ vedanā như đã kể trên. có ba cách do năng lực của xúc (phassa), thọ (vedanā), tâm
Về ngã chấp (abhinivesa) trong sự thực hành đề mục vô sắc (citta). Điều này như thế nào? Có người khi quán đề mục sắc (rūpakammaṭṭhāna) một cách vắn tắt hoặc rộng rãi, xúc sẽ sanh lên rõ rệt đúng với cảnh của đề mục trong khi tâm và tâm sở cùng khởi trong cảnh ấy. Có người thọ rõ rệt, có người thức rõ rệt. Người nào có xúc rõ rệt, người ấy hằng nhận định quán sát các pháp có xúc là thứ năm rằng: Không phải chỉ có xúc sanh, mà thọ tiếp nhận cảnh ấy, tưởng nhớ biết cảnh ấy, tư nghĩ ngợi cảnh ấy, thức nhận biết cảnh ấy cũng đồng sanh lên với xúc. Người nào có thọ rõ rệt hằng nhận định quán sát pháp được tới năm điều, có xúc là thứ năm rằng: Chẳng phải chỉ thọ sanh lên mà thôi, xúc, tưởng, tư, thức cũng hằng sanh lên nữa. Người nào có thức rõ rệt hằng nhận định quán sát pháp được đến năm điều, có xúc là thứ năm rằng: "Chẳng phải chỉ có thức sanh lên, mà xúc, thọ, tưởng, tư cũng hằng sanh lên nữa". Khi nhận định được như thế rồi nếu quán sát thấy các pháp có xúc là thứ năm ấy nương nơi cái gì, thì sẽ hiểu được rằng nương nơi vật tức là nhục thân (karajakāya) do quán về đại sanh sắc (mahābhūtarūpa) và y cứ sắc (upādāyarūpa) gọi là quán danh sắc vậy. Nghĩa là, pháp có xúc là thứ năm gọi là danh, vật tức là nhục thân gọi là sắc. Và trong danh sắc này, sắc uẩn gọi là sắc, bốn vô sắc uẩn gọi là danh, gộp thành ngũ uẩn. Như vậy ngũ uẩn ngoài danh và sắc ra hoặc danh và sắc ngoài ngũ uẩn ra thì không có. Khi quan sát rằng cả ngũ uẩn này nương gá cái gì, thì sẽ hiểu được rằng nương nơi nhân nhứt là vô minh (avijjā). Khi nhận biết như thế sẽ thấy rằng chẳng có chúng sanh, người chi cả, chỉ có toàn một chuỗi hành (saṅkhāra) rồi đem danh và sắc duyên ba tướng, quán thấy vô thường, khổ não, vô ngã theo thiền quán minh hoặc minh sát tuệ (Vipassanā). Nếu hội đủ được những yếu tố: thời tiết (utu), cá nhân (puggala), vật thực (bhojana), nghe pháp (dhammassavana) thích ứng thì có thể thấu triệt đạo quả A-la-hán trong khi đang quán sát ấy. Đức Thế Tôn thuyết đề mục thiền đưa đến đắc đạo quả A-la-hán cho cả ba nhóm người như đã nói trên. Nhưng trong niệm xứ nầy, khi Đức Thế Tôn thuyết về đề mục vô sắc (arūpakammaṭṭhāna), Ngài thuyết về thực tánh của thọ (vedanā). Bởi đề mục về sắc mà Ngài thuyết đặc tánh của xúc và thức không rõ rệt giống như nơi tối, nhưng thuyết về đặc tánh của thọ thì rõ rệt được, bởi vì sao? Bởi thọ sanh lên thường rõ rệt (thọ rõ rệt dễ thấy đó là thọ lạc hoặc thọ khổ, còn thọ xả thì khó thấy), vì khi lạc sanh lên, toàn thân thể thấm nhuần sự thỏa thích, như khi nóng nực được tẩm mát bằng cả trăm lu nước, làm cho người ta phải reo lên "khoái thật, khoái thật".
Khi thọ khổ sanh lên làm cho toàn thân bị bức bách bởi sự bức xúc, khó chịu, giống như lội xuống sông, rạch nước nóng hoặc dội bằng nước đồng sôi hoặc giống như quăng đuốc lửa vào trong rừng cỏ khô, hẵn khi ấy người ta sẽ la lên "khổ quá, khổ quá". Thọ lạc và thọ khổ sanh lên hằng thấy được dễ dàng như thế.
Còn thọ không khổ, không lạc là trạng thái khó thấy được bởi không rõ rệt, chắc chắn chỉ hiểu với nhau là cảm giác trung bình giữa lạc và khổ. Điều này được ví dụ như thế nào? Như người thợ săn rượt theo dấu con thú đã chạy trốn lên tảng đá, khi quan sát không thấy dấu thú ở phía này phía kia, thì biết rằng thú chạy theo giữa tảng đá. Cũng vậy, nếu không có lạc hoặc khổ thì chúng ta sẽ hiểu được rằng đó là thọ không lạc không khổ hoặc gọi một cách khác là thọ xả vậy.
Về cả ba thọ là vui, khổ, không vui không khổ, mỗi thứ sanh lên riêng biệt với nhau, nghĩa là không đồng sanh với nhau, nhưng có cùng đặc tánh vô thường, biến đổi và không tồn tại lâu dài. Điều này đúng với lời Đức Thế Tôn thuyết cho ông bà-la-môn Aggivessana rằng: "Chính thế! Aggivessana trong khi thọ lạc sanh lên, không có thọ khổ hoặc thọ xả. Trong khi thọ khổ sanh lên, cũng không có hai thọ kia. Hoặc trong khi thọ không khổ không lạc sanh lên, cũng không có các thọ khác lẫn lộn."
Vả lại, cả ba thọ ấy đều là vô thường, có nhân sanh khởi, nhân diệt vong, có sự hư hoại, có sự dứt bỏ, có sự tịch diệt là thường tình. Khi bậc thánh Thanh Văn thấy như thế, hằng nhàm chán trong những cảm thọ ấy. Khi nhàm chán thì dứt trừ được sự thỏa thích và bất bình. Khi dứt trừ được tham ưu thì giải thoát. Khi giải thoát cũng biết rõ rằng mình đã giải thoát, hết sự tái sanh, phạm hạnh đã thành, không cần phải làm gì để giải thoát khỏi khổ nữa.
"Thọ lạc" được giải thích như sau:
1. Thọ vừa ý (somanassavedanā) thuộc thế tục, là sự thỏa thích trong sáu trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp nhất là vật chất thuộc ngũ dục (pañcakāmaguṇa) gọi là thọ lạc thuộc thế tục (sāmisasukha).
2. Thọ vừa ý (somanassavedanā) không thuộc thế tục (nekkhamma), là sự thỏa thích trong việc quán thấy vô thường, khổ não... trong sáu trần là sắc, thanh... gọi là thọ lạc không thuộc thế tục (nirāmisasukha).
"Thọ khổ" được giải thích như sau:
1. Thọ trái ý (domanassavedanā) thuộc thế tục là sự trái ý, không vừa lòng trong sáu trần là sắc, thanh… gọi là thọ khổ thuộc thế tục (sāmisadukkha).
2. Thọ trái ý (domanassavedanā) không thuộc thế tục là sự trái ý, không vừa lòng do khi hành không đạt được đức tính cao siêu xứng với điều mình quán thấy sự vô thường, sự khổ não trong sáu trần nhứt là sắc ấy gọi là khổ không thuộc thế tục (nirāmisadukkha).
"Thọ xả" được giải thích như sau:
1.Thọ trung bình (upekkhāvedanā) thuộc thế tục là sự lơ là trong sáu trần nhứt là sắc trần gọi là thọ xả thuộc thế tục (sāmisaadukkhamasukha).
2.Thọ trung bình (upekkhāvedanā) không thuộc thế tục, là sự lơ là trong sáu trần nhứt là sắc do thấy sự vô thường, khổ não... gọi là thọ không khổ không lạc không thuộc thế tục (nirāmisaadukkhamasukha).
Sự phân tích các thọ như vậy đã có trong Upasapaṇṇāsaka rồi. Ý nghĩa trong đoạn chú giải này chỉ có bấy nhiêu.
Cách tiến hành
Trong pháp niệm xứ này hành giả nên học cho hiểu đầy đủ cả chín thọ như đã kể trên cho tốt đã, rồi tập nhận biết khi nào ta đang có loại thọ nào. Khi nhận biết thứ loại chắc chắn rồi, tập quán sát thực tánh chân nghĩa (paramattha). Thấy rằng chẳng phải ta khổ, lạc, hoặc vô ký. Lẽ thường cái gì có chức năng biết, tự biết, chứ không có ai biết cả. Điều quan trọng cuối cùng là khi có ái biệt ly khổ, bệnh khổ, tai hoạ khổ... phải quán sát không có ta khổ như thế hoặc quán theo điều đã nói trong lời thuyết thị (Uddesa). Quán thọ được nhiều là tốt, bởi sẽ làm cho khổ được tiêu trừ theo ý muốn.
Dứt quán Thọ Niệm Xứ.
*
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.