4. Quán tâm niệm xứ (cittānupassanāsatipaṭṭhāna)

4. Quán tâm niệm xứ (cittānupassanāsatipaṭṭhāna)

    THERAVĀDA
    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

    Thiền Tứ Niệm Xứ - Minh Sát Tuệ

    Hòa thượng Giới Nghiêm

     

    QUÁN TÂM NIỆM XỨ
    (CITTĀNUPASSANĀSATIPAṬṬHĀNA)

    Tâm niệm xứ này được thuyết thị trong kinh văn Pāḷi như sau: "Như cách nào, này chư tỳ-khưu, gọi là vị tỳ-khưu quán thấy tâm trong tâm? Này chư tỳ-khưu, trong pháp luật này, vị tỳ-khưu tâm có tham ái (sarāga) nhận biết "tâm có tham ái" hoặc tâm ly tham (vītarāga) nhận biết "tâm ly tham", hoặc có sân hận (sadosa) nhận biết "tâm có sân hận" hoặc không có sân hận (vītadosa) nhận biết "tâm không có sân hận", hoặc có si mê (samoha) nhận biết "tâm có si mê" hoặc không có si mê (vītamoha) nhận biết "tâm không có si mê", hoặc... có hôn trầm (saṃkhitta)..., có phóng tâm (vikkhitta)..., có tâm rộng lớn (mahaggata)..., có tâm không rộng lớn (amahaggata)..., có tâm bậc thấp (sa-uttara)..., có tâm bậc cao (anuttara)..., có tâm định (samāhita)..., có tâm không định (asamāhita)..., có tâm giải thoát (vimutta)...,có tâm không giải thoát (avimutta) vị ấy nhận biết " tâm không giải thoát".

    Chú giải Atthakathā:

    Sau khi Đức Thế Tôn thuyết xong 9 pháp quán thọ, tiếp theo Ngài thuyết 16 pháp quán tâm trong lời thuyết thị nh ư trên. Mười sáu loại quán tâm ấy được giảng giải như sau:

    1- Sarāgaṃ cittaṃ: Tâm có tham ái, nói về tâm hợp với tám cách tham (lobha).

    2- Vītarāgaṃ cittaṃ: Tâm xa lìa tham ái, nói về tâm thiện và tâm vô ký thuộc về thế gian (lokiya).

    3- Sadosaṃ cittaṃ: Tâm có sân hận, nói về tâm hợp với hai cách trái ý (domanassa) .

    4- Vītadosaṃ cittaṃ: Tâm xa lìa sân hận, nói về tâm thiện và tâm vô ký thuộc về thế gian.

    5- Samohaṃ cittaṃ: Tâm có si mê, nói về tâm hợp với hai cách là sự nghi ngờ và phóng túng.

    6- Vītamohaṃ cittam: Tâm xa lìa si mê, nói về tâm thiện và tâm vô ký về phía thế gian.

    7- Saṅkhittaṃ cittaṃ: Tâm có hôn trầm, nói về tâm thụ động, giã dượi, buồn ngủ (thīna-middha).

    8- Vikkhittaṃ cittaṃ: Tâm có phóng túng, nói về tâm buông lung, trạo hối (uddhacca).

    9- Mahaggataṃ cittaṃ: Tâm có hành cảnh lớn, nói về tâm hành trình trong sắc giới và vô sắc giới định.

    10- Amahaggataṃ cittaṃ: Tâm không có hành cảnh lớn, nói về tâm hành trình trong dục giới.

    11- Sa-uttaraṃ cittaṃ: Tâm còn có tâm khác cao hơn, nói về tâm hành trình trong dục giới.

    12- Anuttaraṃ cittaṃ: Tâm không có tâm khác cao hơn, nói về tâm hành trình trong sắc và vô sắc giới.

    13- Samāhitaṃ cittaṃ: Tâm trú vững, nói về tâm cận định và an chỉ định hoặc chánh định.

    14- Asāmāhitaṃ cittaṃ: Tâm không trú vững, nói về tâm xa lìa cả hai định ấy.

    15- Vimuttaṃ cittaṃ: Tâm giải thoát, nói về tâm giải thoát khỏi phiền não theo năng lực của mình hoặc theo năng lực thiền, không ám chỉ tâm giải thoát một cách dứt khoát và giải thoát một cách tịch diệt.

    16- Avimuttaṃ cittaṃ: Tâm không giải thoát, nói về tâm xa lìa cả hai sự giải thoát đoạn trước và ba sự giải thoát đoạn sau.

    Tất cả mười sáu tâm như đã giải đây còn là tâm thế gian.

    Cách tiến hành

    Hành giả có ý muốn tiến hành niệm xứ nầy nên tập nhận biết tâm của mình luôn khi, nghĩa là hãy quan sát xem: "Lúc này tâm ta đang như thế nào? Thỏa thích hay bất bình, tối mê hay minh mẫn, hôn trầm hay phóng tâm, là tâm dục giới hay sắc giới, vô sắc giới, trú vững hay không vững, giải thoát hay không giải thoát, nghĩa là buông hay không buông trần cảnh". Khi biết là tâm loại nào rồi, chú ý quan sát tâm như thế không phải luôn luôn là như thế mãi. Như tâm đang thương cái gì, không phải thương trong từng hơi thở, chắc chắn nó cũng bỏ cái nầy thương cái khác, hoặc ghét cái kia, hoặc trở lại ghét cái này trong một thời gian nào đó bất định. Hoặc khi khổ tâm cũng phải thấy rằng không phải khổ tâm như thế mãi, khổ có sinh có diệt. Hoặc khổ bởi một vấn đề gì chẳng hạn, hãy thấy rằng cũng chẳng khổ như thế này luôn, chắc chắn có khổ thì cũng có vui. Nếu thấy tâm thiện, tâm vững chắc, tâm giải thoát khỏi sự dính mắc..., phải giữ gìn tâm ấy và hãy bồi dưỡng làm cho tuần tự cao lên.

    Nói vắn tắt, nếu thấy tâm nào không tốt, kiếm cách mau chữa trị cho tâm tốt lên, đừng để cho tâm bệnh. Bởi khi tâm bệnh có thể cắt đứt lợi ích mà mình mong mỏi. Nếu thấy có tâm tốt, hãy duy trì và cố gắng làm cho tốt hơn lên mới có thể được thọ quả lành do tâm sanh, nghĩa là khi tâm tốt, tâm sẽ chỉ huy thân, khẩu cho việc làm, lời nói và suy nghĩ đều tốt.

    Cách sửa trị tâm xấu cho thành tâm tốt và làm cho tâm tốt càng tốt thêm lên ấy, liên quan đến pháp chướng ngại hoặc pháp triền cái (nīvaraṇa).

    Khi nói đến quả của sự tiến hành niệm xứ này, có vô số trường hợp đưa cho đến đạo quả A-la-hán. Chỉ từng bước tập quán sát cho thấy rõ tâm loại nào cũng đã có kết quả là sự hoan hỷ trong tâm và sự khinh an trong thân và khẩu. Sau nữa sẽ thấy được tâm người khác, sẽ giúp cho ta thân cận người đúng đắn, tốt lành như xem sách hoặc xem đồ vật vậy.

    Xin đừng quên cách thức quán tâm và lời dạy trong lời thuyết thị.

    Dứt quán Tâm Niệm Xứ.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.