Chương Bốn
THẮP SÁNG HIỆN HỮU
(PHÂN BIỆT DANH SẮC)
Hành giả nên nhớ thí dụ này để làm phương châm tu tập: "Tâm chúng ta như khỉ vượn. Tinh tấn như sợi dây. Niệm như trụ cột. Ngũ uẩn hay Danh Sắc như mặt đất. Trí Tuệ như cây roi. Ðức tin như lòng tin chắc sự huấn luyện khỉ vượn bằng dụng cụ nói trên." (dây, trụ, đất, roi tức là cần, niệm, danh sắc, và trí tuệ). Tin chắc rằng dùng dây cột khỉ vượn vào cột trụ vốn được chôn sâu xuống đất, và dùng roi để đánh khỉ vượn khi nó muốn bức dây v.v. là phương pháp duy nhất để dạy được khỉ vượn. Chúng là thú vật hằng chạy nhảy, thì ta cương quyết và luôn áp dụng phương pháp này cho đến khi dạy được chúng. Cũng vậy, hành giả tin chắc rằng sự tinh tấn cột tâm vào chánh niệm, chánh niệm được y cứ vào sắc danh (là đối tượng, đề mục), và có trí tuệ để quan sát vọng tâm, là phương thức luyện tâm hữu hiệu nhất. Khi ấy, hành giả cũng cương quyết và luôn luôn áp dụng phương thức này cho đến khi dạy được tâm trở nên trong sạch.
Hành giả sau một thời gian luyện tập theo phương pháp số một (An trú Chánh Niệm), khi đã có Niệm vững chắc trong bốn oai nghi và các tiểu oai nghi rồi thì bắt đầu phân biệt Sắc và Danh cho thật rõ rệt. Nếu ghi nhận kỹ lưỡng trong các đại oai nghi và tiểu oai nghi là phận sự chính trong phương pháp số một thì sự phân tích rõ ràng đâu là Sắc, đâu là Danh là phận sự chính trong phương pháp số hai (Phân biệt Danh Sắc) này vậy:
- Khi đi, hành giả tập phân biệt như vầy: Ði (chân dở, bước, đạp, đụng) là Sắc (đất, nước, lửa, gió, hư Không...). Tâm biết sự đi là Danh. Tâm điều khiển việc đi cũng là Danh.
- Khi đứng, hành giả phân biệt như vầy: Ðứng (thân dừng lại, có hai chân chống đỡ thân xác) là Sắc. Tâm biết sự đứng là Danh. Tâm điều khiển việc đứng cũng là Danh.
- Khi nằm, hành giả phân biệt như vầy: Nằm (thân trải dài trên giường, ván, bộ ngựa) là Sắc. Tâm biết sự nằm là Danh. Tâm điều khiển việc nằm cũng là Danh.
- Khi ngồi, hành giả phân biệt như vầy: Ngồi (thân được bẻ gập theo góc vuông và bàn tọa làm điểm tựa) là Sắc. Tâm biết sự ngồi là Danh. Tâm điều khiển việc ngồi cũng là Danh.
- Khi ăn, hành giả phân biệt như vầy: Ăn (răng cắn, nhai vật thực, lưỡi nếm, trộn vật thực và nuốt vật thực) là Sắc. Vật ăn cũng là Sắc. Tâm biết sự ăn là Danh. Tâm điều khiển việc ăn cũng là Danh.
- Khi uống, hành giả phân biệt như vầy: Uống (miệng hớp nước, lưỡi nếm và nuốt vô cổ) là Sắc. Nước uống cũng là Sắc. Tâm biết sự uống là Danh. Tâm điều khiển việc uống cũng là Danh.
- Khi đại tiện, hành giả phân biệt như vầy: Ðại tiện (nín hơi để lấy sức ép của gió trong bụng đưa phân ra khỏi hậu môn) là Sắc. Phân cũng là Sắc. Tâm biết sự đại tiện là Danh. Tâm điều khiển việc đại tiện cũng là Danh.
- Khi tiểu tiện, hành giả phân biệt như vầy: Tiểu tiện (lấy sức ép của gió trong bàng quang đưa nước tiểu ra ngoài) là Sắc. Nước tiểu cũng là Sắc. Tâm biết sự tiểu tiện là Danh. Tâm điều khiển việc tiểu tiện cũng là Danh.
Các tiểu oai nghi hành giả cũng phân biệt cho rõ rệt đâu là Sắc, đâu là Danh cũng như thế ấy.
QUÁN HƠI THỞ
Hơi thở, là một động tác thường có luôn luôn, được xem là Thân Hành. Bất cứ lúc nào, trong các đại oai nghi Nằm, Ngồi, và Ðứng, nếu không có các động tác tiểu oai nghi thì hành giả nên phân biệt như vầy:
Khi thở vô, vị ấy biết rõ trạng thái hơi thở vô (dài, ngắn, thô, tế) Khi hơi thở vô đầy (không còn hít vô được nữa) tự nhiên hơi thở phải dừng lại, vị ấy phải biết rõ trạng thái dừng lại của hơi thở vô. Khi dừng lại của hơi thở vô vừa chừng (để tự nhiên không nên cố ý nín thở) tự nhiên hơi thở bắt đầu thở ra, hành giả cũng phải biết rõ trạng thái của hơi thở ra (dài, ngắn, thô, tế). Khi hơi thở ra đã hết (không còn thở ra được nữa), tự nhiên hơi thở ra phải dừng lại. Hành giả cũng phải biết rõ ràng trạng thái dừng lại của hơi thở ra. Khi sự dừng lại của hơi thở ra vừa chừng (phải để tự nhiên chớ có dụng ý nín thở) tự nhiên hơi thở bắt đầu thở vô. Hành giả cũng phải biết rõ trạng thái của hơi thở vô, y như trước, và hành giả cứ thế tiếp tục quan sát hơi thở vô, hơi thở ra cho đến khi nào có sự vật gì sinh khởi lên lấn áp việc theo dõi hơi thở (như một tiếng động, một sự đau nhức của thân, một ý nghĩ, một cảm thọ của tâm chẳng hạn) thì hành giả nên biết rõ trạng thái vừa sinh khởi của sự vật đó.
Ðừng có sợ rằng nhận biết sự vật mới sinh khởi (như một tiếng động) là mất Chánh Niệm. Chính sự ghi nhận, biết rõ kịp thời ấy là Chánh Niệm vậy. Ngược lại, nếu hành giả cố bám chặt lấy hơi thở thì đó là phương pháp SAMATHA (Chỉ Tịnh) chứ không phải là phương pháp VIPASSANA (Quán Tuệ). Có điều đáng lưu ý hơn nữa là hành giả chỉ nên theo dõi, biết rõ (Pajanati) trạng thái của hơi thở (dài, ngắn, thô, tế) mà thôi, chứ không nên nói thì thầm, hoặc phân biệt trong Tâm: "Ðây là hơi thở vô dài, hoặc đây là hơi thở ra dài, v.v.". Có nghĩa là hành giả không nên dùng danh từ chế định (Pannatti) mà ngôn ngữ thông thường đã đặt tên cho bản thể (Dabhava) ấy (như hơi thở vô, hơi thở ra, dài, ngắn, thô, tế) mà chỉ nên biết rõ thuần túy cái trạng thái ấy mà thôi (Bất tùy phân biệt). Thí dụ: Như khi đụng nhằm cục lửa đỏ, thân ta có cảm giác thế nào thì chỉ ghi nhận rõ cái trạng thái ấy mà thôi, chứ không cần phải nói hoặc suy nghĩ: "Nóng à!" Vì dù cho là người, bất luận là người dân tộc nào, và kể cả các loài thú cũng đều có cảm giác giống nhau. Bởi sự nóng đó là bản thể thật (Sabhava), chứ từ hoặc chữ "Nóng" là của người Việt Nam, chứ còn loài thú hoặc người dân tộc khác (như Âu, Mỹ chẳng hạn) thì lại có cách nói khác, chẳng giống nhau. Mà sự tu tập theo phương pháp VIPASSANA là cần nhận biết sự thật (Paramatthasacca) chứ không phải là sự nhận thức theo giả danh của thế thường (Sammutisacca).
Tuy nhiên hành giả cũng phải theo phương pháp Quán sơ đẳng là sự phân biệt "Sắc Danh" như vầy: "Hơi thở là Sắc, Tâm điều khiển hơi thở là Danh, Tâm biết rõ hơi thở cũng là Danh". Nên biết rằng khi quán như vậy (bất cứ trường hợp nào, như khi Ði, Ðứng, Nằm, Ngồi, hay các tiểu oai nghi khác) không phải là Niệm (Sati) mà là Trí phân biệt Danh Sắc (Nama Rupaparicchedanana). Trí Tuệ nầy tuy vẫn còn vướng trong Pháp Tục đế (Sammutisscca), nhưng phải nhờ trí tuệ này để tiến lên tuệ trực giác, không còn phân biệt theo Pháp tục đế nữa.
Hành giả nên phân tích rõ ràng về Niệm, về Trí phân biệt Danh Sắc, và về Tuệ trực giác theo thí dụ sau đây:
Người ta dùng hai thanh cây kéo cọ nhau, lúc đầu có phát sinh chất nóng, từ từ phát ra lửa. Sự kéo cọ ấy như Niệm, chất nóng như Trí phân biệt Danh và Sắc. Tuệ trực giác như lửa. Lửa không phải là chất nóng ban đầu, cũng không phải là sự cọ sát của hai thanh gỗ. Cũng vậy, Tuệ trực giác không phải là Trí phân biệt Danh Sắc, cũng không phải là Niệm. Niệm là Niệm, Trí phân biệt Danh Sắc là trí phân biệt Danh Sắc, Tuệ trực giác là Tuệ trực giác. Mặc dù có sự hỗ tương giữa Niệm và Trí Tuệ, hay sự tiếp nối nhau giữa Trí phân biệt Danh Sắc và Tuệ trực giác, nhưng phải biết rõ: Cái nào ra cái nấy, đừng lầm lẫn. Hành giả nên biết thêm rằng Trí phân biệt: "Cái này là Sắc, cái này là Danh" tuy vẫn còn vướng theo Tục đế, nhưng có khả năng tiến lên Tuệ trực giác và Tục đế này là "Danh Chân Chế Ðịnh". Còn sự ghi nhận: "Chân mặt bước, chân trái bước ..." khó phát triển Tuệ trực giác, vì Tục đế này là "Phi Danh Chân Chế Ðịnh". Trí phân biệt Danh Sắc (Danh Chân Chế Ðịnh) sẽ thấy được tướng Vô thường, Khổ não, Vô ngã của Danh Sắc. Khi thấy được tướng Vô thường, Khổ não, Vô ngã của Danh Sắc thì sự nhận định còn vướng Tục đế (Danh Chân Chế Ðịnh) cũng mất đi.
Lại nữa, trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, hành giả nên an trú Chánh Niệm (ghi nhận luôn), khi cần quán thì chỉ nên quán trong ba oai nghi: đứng, nằm, ngồi mà thôi, chớ không nên quán trong oai nghi đi. Vì lúc đi, thân di chuyển, nếu quán thì sẽ mắc cái tật "quên mình trong suy tư". Như vậy, trong khi đi chỉ nên chuyên Niệm, nếu thấy cần quán thì phải đứng lại, hoặc ngồi lại, hay nằm xuống rồi quán cũng được.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.