PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
NỀN TẢNG PHẬT GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN X
Pháp-Hành Thiền-Tuệ
Tỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu)
SẮC-PHÁP, DANH-PHÁP
Đối-tượng thiền-tuệ đó là sắc-pháp (rūpadhamma), danh-pháp (nāmadhamma) thuộc về chân-nghĩa-pháp, không phải là chế-định-pháp (paññattidhamma).
RŪPADHAMMA: SẮC-PHÁP
Rūpadhamma: Sắc-pháp là pháp có trạng-thái bị huỷ hoại do nóng, lạnh, đói, khát, …(ruppanalakkhaṇaṃ).
Rūpadhamma: Sắc-pháp gồm có 28 sắc-pháp, phân chia ra 2 loại:
- Mahābhūtarūpa: Sắc-tứ-đại có 4 sắc-pháp là sắc-địa-đại, sắc-thuỷ-đại, sắc-hoả-đại, sắc-phong-đại.
- Upādāyarūpa: Sắc-phụ-thuộc vào sắc-tứ-đại có 24 sắc-pháp.
Trong thân thể của mỗi người bình thường không bị bệnh tật khiếm khuyết, có đầy đủ 27 sắc-pháp:
- Nếu là người nam thì trừ ra sắc-nữ-tính.
- Nếu là người nữ thì trừ ra sắc-nam-tính.
- Nếu người nào bị mắt mù, bị tai điếc thì người ấy bị giảm số sắc-pháp theo bệnh tật ấy.
PHẬN SỰ CỦA SẮC-PHÁP
Rūpadhamma: Sắc-pháp có 2 phận sự:
1- Sắc-pháp có phận sự làm đối-tượng của tâm với tâm-sở hoặc là đối-tượng của danh-pháp. Sắc-pháp trong thân của chúng-sinh hoàn toàn không thể biết được đối-tượng, cũng không có cảm giác nào cả.
Sở dĩ, thân con người biết cảm giác nóng, lạnh, đói, khát, đau nhức, v.v… là do tâm với tâm-sở gọi là danh-pháp.
Nếu thân của con người không còn tâm với tâm-sở nương nhờ thì trở thành tử thi không biết cảm giác nóng, lạnh, đói, khát, đau nhức, v.v… nào nữa.
Thân của con người còn hơi thở vào, hơi thở ra, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, v.v… gọi là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa) đều do tâm chủ động.
2- Sắc-pháp đó là 6 vatthurūpa trong thân con người có phận sự tiếp xúc với 6 đối-tượng, làm nơi nương nhờ để phát sinh tâm với tâm-sở hoặc danh-pháp.
Thật vậy, mắt đó là (cakkhupasādarūpa: Nhãn-tịnh-sắc) không thể nhìn thấy đối-tượng sắc, hình dạng nào cả, mà nhãn-tịnh-sắc tốt là nơi tiếp xúc của đối-tượng sắc, hình dạng, làm nơi nương nhờ để phát sinh nhãn-thức-tâm. Chính nhãn-thức-tâm mới có khả năng làm phận sự nhìn thấy đối-tượng sắc, hình dạng ấy mà thôi.
Cũng như vậy, nhĩ-tịnh-sắc, tỷ-tịnh-sắc, thiệt-tịnh-sắc, thân-tịnh-sắc, hadayavatthurūpa sắc-pháp là nơi sinh của manoviññāṇa: Ý-thức-tâm, chỉ là những nơi tiếp xúc của đối-tượng riêng biệt của mỗi vatthurūpa mà thôi.
NĀMADHAMMA: DANH-PHÁP
Nāmadhamma: Danh-pháp là pháp có trạng-thái hướng tâm biết đối-tượng (nāmanalakkhaṇaṃ).
Nāmadhamma: Danh-pháp đó là citta: Tâm và cetasika: Tâm-sở.
- Citta: Tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm.
- Cetasika: Tâm-sở gồm có 52 tâm-sở.
CITTA
Tâm có trạng-thái biết đối-tượng (ārammaṇaṃ cintetī’ti cittaṃ).
Tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm, phân chia theo cõi giới.
- Dục-giới-tâm gồm có 54 tâm.
- Sắc-giới-tâm gồm có 15 tâm.
- Vô-sắc-giới-tâm gồm có 12 tâm.
- Siêu-tam-giới-tâm gồm có 8 hoặc 40 tâm.
* Dục-giới-tâm gồm có 54 tâm như sau:
- Bất-thiện-tâm có 12 tâm.
- Vô-nhân-tâm có 18 tâm.
- Đại-thiện-tâm có 8 tâm.
- Đại-quả-tâm có 8 tâm.
- Đại-duy-tác-tâm có 8 tâm.
* Sắc-giới-tâm gồm có 15 tâm:
- Sắc-giới-thiện-tâm có 5 tâm.
- Sắc-giới-quả-tâm có 5 tâm.
- Sắc-giới-duy-tác-tâm có 5 tâm.
* Vô-sắc-giới-tâm gồm có 12 tâm:
- Vô-sắc-giới-thiện-tâm có 4 tâm.
- Vô-sắc-giới-quả-tâm có 4 tâm.
- Vô-sắc-giới-duy-tác-tâm có 4 tâm.
* Siêu-tam-giới tâm gồm có 8 hoặc 40 tâm.
- Siêu-tam-giới-thiện-tâm đó là Thánh-đạo-tâm có 4 hoặc 20 tâm.
- Siêu-tam-giới-quả-tâm đó là Thánh-quả-tâm có 4 hoặc 20 tâm.
Đối-tượng thiền-tuệ chỉ có 81 tam-giới-tâm mà thôi, bởi vì tam-giới-tâm này thuộc về khổ Thánh-đế là pháp nên biết (pariññeyyadhamma). Còn 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm không phải đối-tượng thiền-tuệ, bởi vì không phải là pháp nên biết.
CETASIKA
Tâm-sở luôn luôn nương nhờ nơi tâm, không thể tách rời khỏi tâm với 4 trạng-thái:
- Đồng sinh với tâm (ekuppāda), khi tâm nào sinh thì ắt có số tâm-sở đồng sinh với tâm ấy.
- Đồng diệt với tâm (ekanirodha), khi tâm nào diệt thì ắt có số tâm-sở đồng diệt với tâm ấy.
- Đồng đối-tượng với tâm (ekālambana), khi tâm nào biết đối-tượng nào thì ắt có số tâm-sở đồng biết đối-tượng ấy với tâm ấy.
- Đồng vatthurūpa nơi sinh với tâm (ekavatthuka), khi tâm nào nương nhờ vatthurūpa nào sinh thì ắt có số tâm-sở đồng nương nhờ vatthurūpa ấy sinh với tâm ấy.
Cetasika: Tâm-sở gồm có 52 tâm-sở, được phân loại như sau[1]:
- Sabbacittasādharaṇacetasika: Đồng-sinh toàn-tâm tâm-sở, có 7 tâm-sở. 7 tâm-sở này đồng sinh với tất cả 89 hoặc 121 tâm.
- Pakiṇṇakacetasika: Đồng-sinh tùy-tâm tâm-sở, có 6 tâm-sở.
6 tâm-sở này đồng sinh tuỳ theo tâm, rải rác trong một số tâm, trừ 10 thức-tâm (2 nhãn-thức-tâm, 2 nhĩ-thức-tâm, 2 tỷ-thức-tâm, 2 thiệt-thức-tâm, 2 thân-thức-tâm).
- Akusalacetasika: Bất-thiện tâm-sở có 14 tâm-sở.
14 tâm-sở đồng sinh rải rác trong 12 bất-thiện-tâm.
- Sobhaṇasādharaṇacetasika: Đồng-sinh toàn-tâm tịnh-hảo tâm-sở, có 19 tâm-sở.
19 tâm-sở này đồng sinh với tất cả 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm.
- Viratīcetasika: Chế-ngự-tâm-sở, có 3 tâm-sở.
3 tâm-sở này chỉ phát sinh riêng rẽ từng mỗi tâm-sở với 8 dục-giới thiện-tâm; nhưng 3 tâm-sở này chắc chắn đồng sinh cùng một lúc với 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm.
Như vậy, 3 chế-ngự-tâm-sở này đồng sinh với 16 hoặc 48 tâm.
- Appamaññācetasika: Vô-lượng tâm-sở, có 2 tâm-sở. 2 tâm-sở này chỉ sinh riêng rẽ từng mỗi tâm-sở với 8 dục-giới thiện-tâm, 8 dục-giới duy-tác-tâm, 12 sắc-giới-tâm trừ ra 3 đệ ngũ thiền sắc-giới-tâm.
Như vậy, vô-lượng-tâm-sở đồng sinh với 28 tâm.
- Paññindriyacetasika: Tuệ-chủ tâm-sở, có 1 tâm-sở.
Tuệ-chủ tâm-sở (trí-tuệ tâm-sở) đồng sinh với 4 dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ, 4 dục-giới quả-tâm hợp với trí-tuệ, 4 dục-giới duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ, 15 sắc-giới-tâm, 12 vô-sắc-giới-tâm, 8 hoặc 40 siêu-tam-giới tâm.
Như vậy, tuệ-chủ tâm-sở (trí-tuệ tâm-sở) này đồng sinh với 47 hoặc 79 tâm.
PHẬN SỰ CỦA DANH-PHÁP
Danh-pháp có 2 phận sự:
1- Danh-pháp làm phận sự chủ thể biết đối-tượng:
- Nhãn-thức-tâm nương nhờ cakkhuvatthurūpa làm phận sự nhìn thấy đối-tượng sắc, hình dạng.
- Nhĩ-thức-tâm nương nhờ sotavatthurūpa làm phận sự nghe đối-tượng thanh, các loại âm thanh.
- Tỷ-thức-tâm nương nhờ ghānavatthurūpa làm phận sự ngửi đối-tượng hương, các thứ mùi.
- Thiệt-thức-tâm nương nhờ jivhāvatthurūpa làm phận sự nếm đối-tượng vị, các thứ vị.
- Thân-thức-tâm nương nhờ kāyavatthurūpa làm phận sự xúc giác đối-tượng xúc, cứng mềm, nóng lạnh, ...
- Ý-thức-tâm nương nhờ hadayavatthurūpa làm phận sự biết các đối-tượng pháp: Tâm, tâm-sở, 5 tịnh-sắc, 16 sắc vi-tế, Niết-bàn và chế-định-pháp.
2- Danh-pháp làm phận sự đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ đối-tượng danh-pháp đúng theo thật-tánh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp.
Danh-pháp là đối-tượng thiền-tuệ đó là 81 tam-giới-tâm, 52 tâm-sở.
* Niết-bàn thuộc về pháp-vô-vi (asaṅkhatadhamma) không bị cấu tạo bởi 4 nhân-duyên: Nghiệp, tâm, thời tiết, vật thực; cũng thuộc về danh-pháp, nhưng thuộc loại danh-pháp đặc biệt chỉ làm đối tượng của siêu-tam-giới-tâm mà thôi.
Danh-pháp Niết-bàn chỉ là đối-tượng siêu-tam-giới của 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm và 4 hoặc 20 Thánh-quả- tâm mà thôi.
CHÚ THÍCH
[1] Tìm hiểu chi tiết trong quyển Vi-Diệu-Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.