Đức Phật bị mảnh đá đụng nơi ngón chân cái
Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác, tiền-kiếp của Đức Phật Gotama, sinh trong gia đình giàu sang, có một người em trai cùng cha khác mẹ. Khi cha mẹ đều qua đời, để lại một gia tài lớn. Hai anh em mỗi người có một đám gia nhân tùy tùng riêng. Vì nghe lời xúi giục của đám gia nhân ấy, nên hai anh em gây gổ, sát hại lẫn nhau, để chiếm đoạt toàn bộ tài sản của cải về mình.
Đức-Bồ-tát là anh có sức mạnh hơn người em, nên xô đẩy người em té xuống hốc đá, rồi dùng đá đè chết người em trai.
Sau khi Đức-Bồ-tát chết, ác-nghiệp sát sinh cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài nhiều ngàn năm, cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới được thoát ra khỏi cõi địa-ngục. Kiếp hiện-tại, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót là Thái-tử Siddhattha của Đức-vua Suddhodana và Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmāyādevī. Và Devadatta là hoàng-tử của Đức-vua Suppabuddha (hoàng huynh của Bà Mahāmāyādevī) và Chánh-cung Hoàng-hậu Amittādevī (hoàng muội của Đức-vua Suddhodana). Hoàng-tử Devadatta là hoàng huynh của công-chúa Yasodharā. Như vậy, địa vị Thái-tử Siddhattha với địa vị hoàngtử Devadatta có liên quan trong dòng họ như sau:
Thái-tử Siddhattha với hoàng-tử Devadatta là con ông Vua Cậu và con của Bà Cô Chánh-cung Hoàng-hậu lẫn nhau. Thái-tử Siddhattha kết hôn với công-chúa Yasodharā. Đức-Bồ-tát Siddhattha đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama. Khi Đức-Phật Gotama ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu cùng với chư Đại-đức-Tăng, Đức-Phật thuyết-pháp tế độ Đức-Phụ-vương cùng với dòng tộc Sakya.
Hoàng-tử Devadatta là một trong năm hoàng-tử dòng Sakya xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama. Tỳ-khưu Devadatta thực-hành pháp-hành thiền-định chứng đắc các bậc thiền sắc-giới và chứng đắc các phép thần-thông tam-giới.
Do nguyên nhân nào tỳ-khưu Devadatta gây oan trái với Đức-Phật Gotama?
Tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta và tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là hai người buôn bán nữ trang trong tích Serivavāṇijajātaka(1) được tóm lược như sau:
(1) Bộ Jātakaṭṭhakathā, Ekakanipāta, Tích Serivavāṇijajātaka.
Trong thời quá-khứ, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, là người buôn bán nữ trang lương thiện, còn tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta cũng là người buôn bán nữ trang nhưng tham lam và gian xảo.
Một gia đình trước đây là nhà phú hộ, nhưng bây giờ tất cả tài sản đều bị khánh kiệt, chỉ còn chiếc mâm bằng vàng ròng bám đầy bụi. Thừa kế gia đình ấy chỉ còn một bà ngoại già và đứa cháu gái, họ không hề biết gì về giá trị của chiếc mâm vàng ấy.
Một hôm, người buôn bán nữ trang tham-lam và gianxảo (tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta) từ xa đến, đi qua ngang nhà. Thấy người buôn bán nữ trang, cô cháu gái năn nỉ xin bà ngoại mua cho mình một món nữ trang. Bà ngoại già âu yếm bảo với cháu gái rằng:
– Này cháu yêu quý! Ngoại không tiếc gì cho cháu cưng đâu. Hiềm một nỗi gia đình mình hiện nay nghèo quá, cơm áo không đủ dùng, thì lấy đâu tiền bạc mà mua nữ trang cho cháu. Chỉ còn chiếc mâm cũ kỹ kia, để ngoại hỏi người lái buôn xem thử có đổi được món nữ trang nhỏ nào cho cháu không.
Bà liền gọi người lái buôn vào, đưa chiếc mâm cũ kỹ cho y xem. Sau khi săm soi kỹ, với con mắt nhà nghề, người lái buôn biết rõ là chiếc mâm bằng vàng ròng quý giá, mà hai bà cháu không hề biết được giá trị của nó. Tính vốn tham-lam và xảo-trá, y tự nghĩ:
“Ta phải chiếm đoạt chiếc mâm vàng này, mà chỉ cần đổi một món nữ trang nho nhỏ không đáng giá.”
Nghĩ xong, y giả vờ bực dọc ném chiếc mâm xuống đất rồi nói:
– Này bà già! Chiếc mâm cũ kỹ này chẳng có giá trị gì cả, nó không đáng giá 12 xu rưỡi, lấy đâu để đổi lấy một món nữ trang.
Nói xong, người lái buôn tham-lam và gian-xảo kia liền bỏ đi nơi khác. Ngày hôm sau, người lái buôn bán nữ trang lương thiện (Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama) đi ngang qua nhà. Thấy người lái buôn bán nữ trang, cô cháu gái lại khóc lóc năn nỉ đòi nữ trang cho bằng được. Vì rất thương yêu và muốn vừa lòng cháu, bà gọi người lái buôn vào nhà, lại đem chiếc mâm cũ kỹ kia đưa cho người lái buôn này xem. Lần này, thì bà kể lể về hoàn cảnh khốn khổ của mình cho người lái buôn nghe, với hy vọng đổi được món nữ trang nhỏ nào đó cho cháu. Đức-Bồ-tát lái buôn lương-thiện cầm chiếc mâm, lau chùi lớp bụi, phát hiện ra chiếc mâm này không chỉ là một chiếc mâm bằng vàng ròng tinh chất quý giá, mà còn chạm trổ những hoa văn tinh tế, công phu, thật là một nghệ thuật tuyệt vời. Đức-Bồ-tát hai tay nâng niu chiếc mâm và từ tốn thưa rằng:
– Thưa mẹ, chiếc mâm này không những bằng vàng ròng tinh chất, mà còn là một cổ vật quý giá, ít nhất khoảng trên 100 ngàn kahāpana (đồng tiền vàng ấn Độ thời xưa). Tất cả giá trị nữ trang và tiền bạc của con mang theo bên người chưa bằng được một phần trăm, thì con đâu dám đụng đến cổ vật vô giá ấy.
Bà già vô cùng cảm kích trước tấm lòng chân thật của người lái buôn lương-thiện, chân thành nói rằng:
– Này con! Chính tấm lòng chân thật của con quý hơn cả cổ vật này. Hôm trước, người lái buôn nữ trang như con đã chê chiếc mâm này, y nói chiếc mâm này chưa đáng giá 12 xu rưỡi. Khi đi ra, y còn ném chiếc mâm xuống đất và thốt lên những lời hằn học nữa. Quả thật, nếu nó bằng vàng quý giá như con nói thì đó chính là quả phước của con. Vậy, con hãy nên lấy đi, rồi cho cháu một món nữ trang nào cũng được, xin con đừng ái ngại.
Sau nhiều lần từ chối không được, Đức-Bồ-tát đành trao lại tất cả số nữ trang và trọn số tiền (500 đồng tiền vàng) của mình, tổng cộng giá trị khoảng một ngàn đồng tiền vàng cho hai bà cháu, chỉ xin lại tám đồng để chi phí dọc đường. Đức-Bồ-tát lái buôn đem chiếc mâm vàng ra đi xa.
Sau đó, thì người lái buôn tham-lam và gian-xảo trở lại tìm bà cụ, y bảo rằng:
– Này bà già! Hãy đem chiếc mâm cũ kỹ kia ra đây, tôi sẽ cho cháu bà một món nữ trang nho nhỏ. Bà cụ nhìn thấy y, con người tham-lam và gian-xảo đáng khinh bỉ, bà bảo rằng:
– Này ông kia! Chiếc mâm vàng của tôi đáng giá trên 100 ngàn kahāpana, sao trước đây ông chê, cho rằng nó chưa đáng giá 12 xu rưỡi. Tôi đã bán cho một người lái buôn nữ trang lương-thiện, ông ấy đã trao cho tôi trọn số tiền 500 đồng tiền vàng của mình và tất cả số nữ trang còn lại. Ông ấy đã mang chiếc mâm vàng ấy đi rồi. Nghe nói vậy, người lái buôn tham lam và xảo trá cảm thấy vô cùng tiếc rẻ gào lên:
– Ôi! Ta đã bị thiệt hại quá lớn rồi! Tên lái buôn kia đã cướp chiếc mâm bằng vàng đáng giá trên 100 ngàn đồng tiền vàng của ta rồi!
Gào thét đến khô hơi tắt tiếng, tâm uất hận đến cực độ, tên lái buôn nằm lăn xuống đất ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, như người điên, y xé bỏ quần áo, đồ nữ trang vung vãi, với đầu bù tóc rối, y chạy đuổi theo Đức-Bồ-tát lái buôn. Lúc ấy, Đức-Bồ-tát lái buôn đã xuống thuyền qua quá nửa dòng sông, vẫn nghe văng vẳng tiếng gào thét của y:
– Hãy trở lại! Hãy trở lại!
Đức-Bồ-tát lái buôn bảo người lái đò chèo thẳng qua bên kia sông. Bên bờ sông này, quá thất vọng và tiếc của, quá uất hận, cơn nóng giận cực độ làm cho người lái buôn máu trào ra miệng, lăn ra chết ngay tại chỗ. Trước khi chết với tâm sân hận, y thoát ra lời thề độc địa kết oan trái với Đức-Bồ-tát rằng:
– Ta sẽ kết oan trái với ngươi!
Đó là lần kết oan trái đầu tiên của tiền-kiếp tỳ-khưu Devadatta với Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama. Từ đó về sau, trong suốt khoảng thời gian tử sinh luân hồi, hễ mỗi khi hai bên gặp lại nhau, dù trong hoàn cảnh nào, địa vị nào, hậu-kiếp của người lái buôn tham lam và gian xảo kia cũng tìm cách giết hại hoặc làm khổ Đức-Bồ-tát, thậm chí hậu-kiếp của người lái buôn tham lam và gian xảo ở địa vị làm cha, Đức-Bồ-tát là con, thì người cha ấy cũng có lý do, để giết hại Đức-Bồ-tát.
Như tích Cūḷadhammapālajātaka: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Dhammapāla, tiền-kiếp Đức-Phật Gotama, là hoàng-tử của Đức-vua Bārāṇasī và Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī, mới lên 7 tháng tuổi. Đức-vua Bārāṇasī (hậu kiếp của người lái buôn tham lam và gian xảo) truyền lệnh cho tên đao phủ chặt 2 tay, 2 chân và chặt cái đầu của hoàng-tử Dhammapāla mới lên 7 tháng tuổi, v.v…
Kiếp hiện-tại là Đức-Bồ-tát Siddhattha kiếp chót đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama. Do năng lực của ác-nghiệp sát sinh cũ ấy của Đức Phật còn dư sót chút đỉnh, nên khiến tỳ-khưu Devadatta leo lên núi Gijjhakūṭa xô tảng đá lăn xuống trên đường Đức-Phật đi kinh hành, tuy tảng đá đã bị ngăn chặn lại, nhưng vẫn có một mảnh đá nhỏ vỡ ra văng xuống đụng phải đầu ngón chân cái bên bàn chân phải của Đức Phật, làm ngón chân cái của Đức-Phật Gotama bị bầm máu mà thôi.
Như vậy, Tỳ-khưu Devadatta đã phạm phải 1 trong 5 ác-nghiệp vô-gián trọng-tội . Đức-Phật dạy về ác-nghiệp cũ của Ngài rằng:
– Trong tiền-kiếp Như-Lai đã giết người em trai cùng cha khác mẹ, để chiếm đoạt trọn gia tài của cha mẹ để lại, tiền-kiếp Như-Lai đã xô em trai xuống hốc đá, rồi lăn đá đè chết.
Do ác nghiệp cũ ấy cho quả trong kiếp chót này, Như-Lai bị tỳ-khưu Devadatta xô tảng đá lăn xuống, nhưng tảng đá bị ngăn lại, chỉ một mảnh đá nhỏ vỡ văng ra đụng vào ngón chân cái của Như-Lai bị bầm máu.