Tâm vấn đáp
Vấn: Tâm dịch như thế nào?
Đáp: Tâm dịch là suy nghĩ cảnh giới hay là gom thu cảnh giới.
Vấn: Tâm có mấy loại, là cái chi?
Đáp: Tâm có bốn loại là: tâm đeo níu trong Dục giới (kamāvacara citta), tâm đeo níu trong Sắc giới (rūpavacara citta), tâm đeo níu trong Vô sắc giới (arūpavaca racitta), tâm xuất thế (lokuttaracitta)
Tâm đeo níu trong Dục giới ‒ Kamāvacaracitta
Vấn: Tâm đeo níu trong Dục giới có mấy?
Đáp: Có 54 là: 12 ác tâm (akusalacitta), 18 vô nhân tâm (ahetukacitta), và 24 hữu nhân tâm (sahetukacitta).
Ác tâm (akusalacitta)
Vấn: 12 ác tâm là cái chi?
Đáp: 12 ác tâm là: 8 nhân xan tham (lobhamūla), 2 nhân sân hận (dosamūla), và 2 nhân si mê (mohamūla).
Vấn: Tám nhân xan tham là cái chi?
Đáp: Tám nhân xan tham là:
1) Tâm xan tham hợp theo, vừa ý dụng nạp (somanassavedanā) và hai tà kiến là: đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi) nghĩa là chết rồi tiêu mất không sanh lại nữa; thường kiến (sāsatadiṭṭhi) là sống thế nào, chết rồi thọ sanh (5) lại cũng như thế ấy nữa, không vừa theo saṅkhāra là không có người kích thích (ưa thích theo sức mình) (somanassasahagatadiṭṭhi gatasampayutta asaṅkhārika).
(5) Chết rồi sanh lại kiếp khác.
2) Tâm xan tham hợp theo vừa ý dụng nạp và hai tà kiến giống nhau, vừa theo saṅkhāra là có người đến kích thích (không ưa thích theo sức mình) (somanassasahagatadiṭṭhi gatasampayutta sa saṅkhārika).
3) Tâm xan tham hợp theo vừa ý dụng nạp, nhưng lìa cả hai tà kiến, không vừa theo saṅkhāra, là không có người đến kích thích (somanassasahagatadiṭṭhi gatavippayutta asaṅkhārika).
4) Tâm xan tham hợp theo vừa ý dụng nạp nhưng lìa cả hai tà kiến giống nhau, vừa theo saṅkhāra, là có người đến kích thích (somanassasahagatadiṭṭhi vippayutta sasaṅkhārika).
5) Tâm xan tham hợp theo vô ký ý dụng nạp (upekkhāvedanā) và hai tà kiến không vừa theo saṅkhāra là không có người đến kích thích (upekkhāsahagatadiṭṭhi gatasampayutta asaṅkhārika).
6) Tâm xan tham hợp theo vô ký ý dụng nạp và tà kiến vừa theo saṅkhāra là có người đến kích thích (upekkhāsahagatadiṭṭhi gatasampayutta sasaṅkhārika).
7) Tâm xan tham hợp theo vô ký ý dụng nạp nhưng lìa cả hai tà kiến, không có người đến kích thích (upekkhāsahagatadiṭṭhi gatavippayutta sasaṅkhārika).
8) Tâm xan tham hợp theo vô ký ý dụng nạp, nhưng lìa cả hai tà kiến, có người đến kích thích (upekkhāsahagatadiṭṭhi gatavippayuttasasaṅkhārika).
Vấn: Tâm xan tham thứ 1,2,5,6, nên kể là tâm ác vì hợp theo cả hai tà kiến, còn tâm thứ 3,4,7,8 lìa cả hai tà kiến rồi, cớ sao cũng cho là ác tâm, có nên kể là tâm lành chăng?
Đáp: Cho là tâm ác, vì là tâm hợp theo cả hai tà kiến. Tà dâm hoặc trộm cắp hiểu rằng không tội; lìa tà kiến, hiểu rằng có tội nhưng còn tà dâm, trộm cắp, mới kể là tâm ác.
Vấn: Vừa ý (somanassa) và vô ký ý (upekkhā) ý nào tội nặng hơn?
Đáp: Vừa ý hợp theo tà kiến và vô ký ý hợp theo tà kiến hiểu quấy, không có đức tin, trí nhớ, trí tuệ giống nhau, thì vừa ý có tội nặng hơn, nếu vừa ý lìa tà kiến; còn tâm vô ký hợp theo tà kiến, thì vô ký có tội nặng hơn, vì tà kiến có tội nặng hơn, nếu vừa ý xa lìa tà kiến, vô ký cũng xa lìa tà kiến, thì vừa ý có tội nặng hơn.
Vấn: Xan tham có mấy thứ?
Đáp: Xan tham có hai thứ, xan tham của mình (samalobha); xan tham của mình và của người (visamalobha). Xan tham của mình là tâm quyến luyến vật của mình. Xan tham của mình và của người là tâm dính chặt, không muốn rời của mình và của kẻ khác.
Vấn: Hai căn nguyên sân hận là cái chi?
Đáp:
1) Tâm giận oán vừa theo nghịch ý dụng nạp (domanassa vedanā) và hợp theo uất ức (paṭigha);
2) là bực tức trong lòng không hợp theo saṅkhāra (domanassahagatam paṭighasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ).
Vấn: Tâm giận oán không hợp theo saṅkhāra là thế nào?
Đáp: Tâm giận oán không hợp theo saṅkhāra là không có người đâm thọc.
Vấn: Tâm giận oán hiệp theo saṅkhāra như thế nào?
Đáp: Tâm giận oán hiệp theo saṅkhāra là có người đâm thọc rồi oán giận theo họ, như thế gọi là hiệp theo saṅkhāra.
Vấn: Dosa, kodha, upanāha ba cách giận ấy khác nhau như thế nào?
Đáp: Khác nhau như vầy: “giận dữ (dosa)” là giận rồi oán hoặc tỏ ra dáng điệu; “giận dổi (kodha)” là hướng đạo của dosa, cũng giận nhưng để trong tâm không lộ ra lắm; “giận hờn (upanāha)” là giận rồi để chờ dịp trả thù.
Vấn: Hai căn si mê là cái chi?
Đáp:
1) Tâm lầm lạc hiệp theo vô ký ý dụng nạp và hiệp theo tánh hoài nghi (vicikicchā).
2) Tâm lầm lạc vừa theo vô ký ý dụng nạp và hiệp theo phóng tâm (6) (uddhacca). (Upekkhāsahagataṃ uddhaccasampayutta).
(6) Tâm buông lung.
Vấn: Tâm hoài nghi có mấy loại?
Đáp: Có 16 loại chia ra ba thời là: quá khứ có năm; hiện tại có sáu và vị lai có năm.
Vấn: Năm cái tâm hoài nghi trong thời quá khứ là cái chi?
Đáp:
1) như suy nghĩ trong thời đã qua rồi rằng: ta đã sanh ra là chi, há?
2) Hoài nghi rằng: trong thời đã đã qua rồi ta không được sanh ra là chi hay chăng?
3) Hoài nghi rằng: trong thời đã qua rồi ta là dòng vua, là bà-la-môn, là người nông phu, hay là người thương mãi, há?
4) Hoài nghi rằng: trong thời đã qua rồi ta có hình vóc lớn hoặc nhỏ, đen hoặc trắng, tốt hay xấu, há?
5) Hoài nghi rằng: trong thời kỳ đã qua rồi, đầu tiên, ta sanh ra như thế nào, đến sau, ta sanh ra như thế nào nữa, há?
Vấn: Năm hoài nghi trong thời kỳ vị lai như thế nào?
Đáp:
1) Trong thời kỳ tương lai ta sẽ sanh ra là chi, há? (abhavissami nukho ahaṃ anagata maddha nam).
2) Hoài nghi rằng: trong thời kỳ tương lai ta sẽ sanh ra nữa chăng, há?
3) Hoài nghi rằng: trong thời kỳ tương lai ta sẽ được sanh vào dòng: vua, balamôn, người làm ruộng, hay buôn bán, nghèo khó như thế nào, há?
4) Hoài nghi rằng: trong thời kỳ vị lai ta sẽ sanh ra có hình vóc lớn nhỏ, cao thấp, đen trắng như thế nào, há?
5) Hoài nghi rằng: trong thời kỳ vị lai ta sẽ sanh ra như thế nào, rồi sẽ sanh ra là chi nữa, há?
Vấn: Sáu hoài nghi trong thời hiện tại như thế nào?
Đáp:
1) Như ta suy nghĩ thường ngày đây có thể gọi là ta thiệt hay không thiệt ta (ahaṃ nukho asmi).
2) Như ta nghĩ rằng: thường ngày đây không phải là ta, hay là như thế nào? (Nonukho asmi).
3) Hoài nghi rằng: thường ngày đây có phải là ta sanh trong dòng vua, balamôn, nông phu, hay là người thương mãi, hoặc như thế nào?
4) Hoài nghi rằng: thường ngày đây có phải là ta sanh ra có hình vóc lớn nhỏ, cao thấp, đen trắng, như thế nào?
5) Hoài nghi rằng: Chúng sanh này (ayaṃ nukho satto kuto agato) thường ngày đây từ đâu mà sanh lại trong chỗ này, há?
6) Hoài nghi rằng: Chúng sanh này sanh lại trong chỗ này, rồi đi thọ sanh trong nơi nào nữa, há?
Vấn: Xan tham, sân hận, si mê phát sanh trong một nơi chung cùng nhau, một lượt được chăng hay là như thế nào?
Đáp: Có khi được, có khi không, là: xan tham phát sanh lên si mê vào trợ; sân hận sanh, si mê vào giúp; hai tâm phát sanh một lần như thế gọi là hai nhân (duhetu); si mê chỉ sanh một mình, gọi là một nhân (ekahetu). Tâm xan tham và sân hận sanh chung trong một chỗ cùng nhau không được.
Vấn: Vì sao xan tham và sân hận sanh chung trong một nơi cùng nhau không được?
Đáp: Vì xan tham và sân hận là trái nhau. Xan tham luyến theo sự mắc dính trong cảnh giới, còn sân hận hợp theo sự uất ức trong cảnh giới. Vì hai trạng thái khác nhau như thế, nên xan tham và sân hận sanh trong một nơi cùng nhau không được, nhưng thường hay thay đổi nhau.
Vấn: Vì sao si mê phát một mình được?
Đáp: Như phóng tâm (uddhacca), hoài nghi (vicikicchā) dầu không xan tham, không sân hận chi cả, cũng sanh lên được, nên mới gọi si mê là một nhân (ekahetu).
Vấn: Xan tham, sân hận, si mê có tội khác nhau như thế nào?
Đáp: Xan tham phần nhiều dẫn chúng sanh vào đường ngạ quỉ, sân hận hay dắt chúng sanh sa địa ngục, si mê thường đem chúng sanh làm cầm thú. Xan tham che vô thường; sân hận án khổ não; si mê che vô ngã. Xan tham khiến chúng sanh không có của cải; sân hận ngăn không cho có bạn; si mê làm cho chúng sanh không hiểu chơn lý. Xan tham ngăn chúng sanh không cho lên Dục giới (7); sân hận không cho được Sắc giới và Vô sắc giới; si mê che Niết-bàn. Xan tham khiến chúng sanh vừa theo tâm ham muốn, vui sướng (kāmasukhallikānuyoga), sân hận làm cho vừa theo sự khổ hạnh (attakilamatthānanuyoga), si mê khiến cho vừa theo sự hành tà (micchāpatipadā).
(7) Cõi trời dục và cõi người.
Vấn: Vì sao xan tham dẫn chúng sanh vào đường ngạ quỉ?
Đáp: Phần nhiều, xan tham đem chúng sanh vào đường ngạ quỉ, vì ngạ quỉ chịu quả đói khát; xan tham hằng làm cho chúng sanh quyến luyến trong của cải, không bố thí, do tội bón rít ấy, chúng sanh phải mang quả đói khát luôn luôn, có si mê vào hộ trợ.
Vấn: Vì sao sân hận dắt chúng sanh vào địa ngục?
Đáp: Vì, tất cả tội nặng, như ngũ nghịch tội (anantariya kamma) phần nhiều làm theo năng lực của sân hận. Sân hận sanh lên, rồi khiến chúng sanh làm hại nhau, buộc điều oán trái trong ngày tương lai như Đề Bà Đạt Đa (Devadatta).
Vấn: Cớ sao si mê, phần nhiều dẫn chúng sanh làm cầm thú?
Đáp: Si mê trợ các pháp: nếu sân hận có sức mạnh thì đem chúng sanh sa địa ngục, nếu giúp xan tham có năng lực nhiều thì dẫn chúng sanh làm quỉ đói. Si mê có sức lực nhiều thì dẫn chúng sanh sa vào cầm thú (trừ ra, tôi định tà kiến) (8) (aniya tamicchādiṭṭhi).
(8) Tà kiến đã quyết định không thể sửa đổi
Vấn: Vì sao xan tham che vô thường?
Đáp: Vì người có nhiều xan tham suy nghĩ không thấy sự chết, dầu là tóc bạc, răng long, lưng còm, cũng xét không thấy pháp vô thường.
Vấn: Vì sao sân hận cho khổ não?
Đáp: Khi sân hận phát sanh thì con người tìm không thấy sự lầm lạc, chỉ cho mình là phải, nên mới dám sát hại chúng sanh, không e sợ chi cả, sau rồi phải chịu quả, do cái nghiệp oán giận che án, không cho thấy khổ mình và khổ người.
Vấn: Cớ sao si mê che vô ngã?
Đáp: Vì vô ngã là pháp vi tế, có trí tuệ mới biết được, người tối tăm không sao rõ thấu pháp cao siêu.
Vấn: Nhân sao, xan tham không cho chúng sanh có của cải?
Đáp: Của cải phát sanh do sự bố thí trong kiếp trước, nên kiếp này mới được giàu có, nếu xan tham trái với sự bố thí, thì kiếp sau do đâu mà được của cải?
Vấn: Nhân sao sân hận không cho chúng sanh có bạn?
Đáp: Có tâm hiền lành được nhiều chúng bạn, từ kiếp này đến kiếp sau; nếu người chất chứa tâm oán hận, muốn hại kẻ khác thì do đâu mà có chúng bạn? Không cần nói đến người xa lạ, dầu là hàng thân quyến họ cũng xa lánh, không nhìn nhận nữa, cho nên gọi sân hận làm cho mất tình bậu bạn.
Vấn: Cớ sao si mê che, không cho chúng sanh làm việc chơn chánh?
Đáp: Người chơn chánh là nhờ trước có sự thấy hiểu chánh, nếu đã lầm lạc tối tăm, hiểu quấy thì không sao làm cho thân tâm được chơn chánh.
Vấn: Cớ sao xan tham không cho chúng sanh lên Dục giới?
Đáp: Lên Dục giới nhờ có bố thí, trì giới, nếu xan tham là tâm bón rít đã phát sanh lên, không bố thí, cũng không trì giới thì làm thế nào lên Dục giới được?
Vấn: Cớ sao sân hận ngăn Sắc giới và Vô sắc giới?
Đáp: Vì cõi trời Phạm thiên, là nơi cư trú của bực có thiền định, mà tâm uất ức sanh lên rồi, thì không đắc thiền định, không đắc định thì lên cõi Sắc và Vô sắc không được.
Vấn: Vì sao si mê ngăn không cho thấy Niết-bàn?
Đáp: Muốn đến Niết-bàn phải dứt trừ si mê, nếu còn si mê thì cũng không được Niết-bàn.
Vấn: Vì sao xan tham khiến cho vừa theo lòng dục vui sướng? (kāmasukhallikānuyoga).
Đáp: Xan tham là tâm mắc dính trong sự vui sướng, thì cho vui sướng là phải?
Vấn: Cớ sao sân hận khiến chúng sanh vừa theo sự khổ hạnh (attakilamatthānanuyoga)?
Đáp: Người tu khổ khắc thái quá, vô hiệu quả, không lợi ích, chỉ vì lòng oán giận, nên làm việc gì phần nhiều hay quá mực, không thành tựu. Tu hành cũng quá khổ khắc, không được kết quả chi, như Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) vào xin Phật năm điều, cũng không ngoài cái tâm oán hận đức Phật, hầu hành đạo khổ hạnh cho hơn đức Chánh Biến Tri, rồi kích thích cho được nhiều người xu hướng theo. Sân hận là nguyên nhân phát sanh khổ hạnh, không có điều lợi ích chi.
Vấn: Vì sao si mê cho hành tà?
Đáp: Tất cả chúng sanh làm nghiệp tà cũng do tâm lầm lạc, thế nào, người tu theo Bát Chánh đạo mà không thông rõ cũng không hành cho đúng được, nên gọi si mê dẫn chúng sanh hành tà.
Vấn: Xan tham, sân hận, si mê do cớ nào gọi là nguồn gốc (mūla)?
Đáp: Tất cả tội lỗi đều phát sanh do xan tham, sân hận, si mê nên gọi ba ác pháp ấy là nguyên nhân, ví như cây mả tiền có vị đắng từ đất mọc lên, có thể rút lấy nước của đất rồi làm cho trở nên đắng lại độc, vị của nước trong đất không bao giờ đắng hoặc độc, song khi nước ấy bị rút vào rồi, biến thành vị đắng và độc, người nào dùng sẽ bị hại, thế nào, cả ba căn tội ấy có thể rút lấy 5 cảnh giới (sắc, tiếng, mùi, vị, xúc). Năm cảnh giới ấy không phải là tội, chỉ có tâm là tội, rút lấy cái chi không phải là tội, cho biến thành tội, cũng như thế ấy, mười hai ác tâm (trừ phóng tâm) còn lại mười một, dẫn chúng sanh vào bốn đường dữ.