Ba tầng mức phát triển

Ba tầng mức phát triển

    HIỂU BIẾT TRỌN VẸN

    Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng

     

    Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính

    Sư Khánh Hỷ soạn dịch

    18. BA TẦNG MỨC PHÁT TRIỂN

     

    Tất cả những lời dạy của Đức Phật có thể tóm lượt trong một câu kệ bao gồm ba tầng mức của con đường dẫn đến Niết Bàn, đó là:

    Tránh điều ác
    Làm điều lành
    Thanh lọc tâm
    Đó là lời dạy của Chư Phật (Pháp Cú Kinh, câu 183)

    Có ba tầng mức tu tập của người phật tử. Tầng mức đầu tiên là giữ giới, tầng mức thứ hai là định tâm, tầng mức thứ ba là trí tuệ. Tám bước của Bát Chánh Đạo được phân loại thành ba tầng mức. Giới bao gồm: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng. Định tâm bao gồm: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Huệ bao gồm: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy là hai bước đầu tiên trong Bát Chánh Đạo). Huệ được để ở phần đầu của Bát chánh Đạo bởi vì Huệ rất quan trọng.

    Đó là ba tầng mức của sự tu học bởi vì có ba tầng mức phiền não cần phải chế ngự và loại trừ. Trong tầng mức đầu tiên phiền não không biểu lộ thành lời nói hay hành động nhưng nằm tiềm ẩn bên trong mỗi chúng sinh.

    Ở tầng mức thứ hai, phiền não trồi lên khỏi mức tiềm ẩn, biểu hiện ra thành tầng mức suy nghĩ, xúc cảm và cảm giác khi chúng ta gặp đối tượng hài lòng hay không hài lòng.

    Trong tầng mức thứ ba phiền não trở nên mãnh liệt, không kiểm soát được nên tạo ra những hành động bất thiện.

    Ba tầng mức phát triển tu tập diệt được ba mức độ phiền não.

    Giới chỉ có thể chế ngự những phiền não đã phát ra thành hành động hay lời nói, nhưng không có thể trừ được hai loại phiền não sâu hơn cho nên hai loại phiền não này khi có cơ hội sẽ khởi sinh. Bởi vậy, giới luật được gọi là "tạm thời đẩy xa phiền não".

    Định tâm chỉ có thể loại trừ được phiền não thứ hai thuộc tư tưởng, cảm xúc, cảm giác này trong một thời gian. Định tâm thì có sức mạnh hơn giới luật, nhưng định tâm chưa có thể tiêu trừ được những phiền não ngủ ngầm nên những phiền não thứ hai tức phiền não thuộc về tư tưởng khi có cơ hội sẽ khởi sinh trở lại. Bởi vậy sự đẩy xa phiền não của định tâm được gọi là "đẩy xa phiền não được một khoảng thời gian".

    Trí Tuệ Minh Sát hay trí tuệ nội quán mới tẩy trừ được phiền não tiềm ẩn bên trong. Phiền não tiềm ẩn không thể bị loại trừ bởi Giới và Định. Phiền não tiềm ẩn chỉ có thể bị tẩy trừ bởi Trí Tuệ, và một khi đã bị tẩy trừ thì chúng không bao giờ khởi sinh lại nữa. Phiền não tiềm ẩn được loại trừ bằng trí tuệ chẳng khác nào cây bị cắt đứt gốc rễ, có nghĩa là trí tuệ đã nhổ tận gốc rễ phiền não. Thế nên, loại trừ bằng trí tuệ minh sát gọi là "loại trừ vĩnh viễn", cắt đứt phiền não tận gốc rễ, phiền não không phát sinh được nữa.

    Bởi vì ba tầng mức phát triển và tu tập này hỗ tương tùy thuộc nhau nên cần phải thực hành cùng lúc. Có nghĩa là Giới, Định, Huệ cùng lúc tu tập. Chẳng hạn như sống đời sống có giới luật, có đạo đức thì dễ dàng đạt được định tâm, và có trí tuệ đúng đắn. Sự thực hành định tâm đúng đắn giúp thiền sinh sống đời sống đúng đắn tốt đẹp; đồng thời giúp cho họ có sự hiểu biết đúng đắn về sự vật. Cũng vậy, sự hiểu biết đúng đắn giúp cho người thực hành có đời sống đúng đắn và có sự định tâm đúng đắn. Nói cách khác, giới, định, huệ không thể thực hành riêng lẻ. Bởi vì không thể nào sống đời sống giới luật mà không có định tâm, không kiểm soát được tâm, và không có sự hiểu biết đúng đắn. Cũng vậy, định tâm và trí tuệ cũng đòi hỏi phải có hai yếu tố kia.

    Đối với người cư sĩ phần đạo đức luân lý đầu tiên phải giữ là năm giới: không sát sinh, không trộm cắp (lấy của không cho), không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.

    Những giới này không phải là những giáo điều do Đức Phật đặt ra nếu ai vi phạm thì sẽ bị tội vì vi phạm tín điều. Trong Phật giáo không có những tín điều phải tuân theo. Ngũ giới chỉ nói lên ý niệm đầu tiên mà một người cần phải chấp nhận thực hành với lòng nhiệt thành nếu họ muốn trở thành một người Phật tử, một người thiện lành.

    Người Phật tử tự nguyện giữ ngũ giới vì biết đây là sự thực hành tốt đẹp. Người giữ ngũ giới không phải hứa với Đức Phật là sẽ tuân hành theo những giới điều. Thay vào đó, họ hứa với chính họ vì họ biết rằng làm những điều này đem lại lợi ích cho chính họ. Chẳng hạn như đọc câu giới đầu tiên trong ngũ giới: Tôi xin vâng giữ điều học và cố ý tránh xa sự sát sinh. Người cư sĩ tự nguyện giữ giới không sát sinh vì họ biết giới này giúp cho phẩm hạnh của chính họ được nâng cao do họ không vi phạm những điều đó, có nghĩa là khi họ chấp nhận giữ giới là họ ước muốn nâng cao phẩm hạnh đạo đức của mình lên. Nếu họ vi phạm thì họ có thể xin giới lại nhiều lần, nếu cần thiết, và nguyện dứt bỏ lỗi lầm đã làm trước đây. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, họ lập đi lập lại giới luật cho đến khi họ thắng được bản chất thấp kém của chính họ.

    Người Phật Tử tự thắng mình và tự làm cho mình trở thành người trong sạch, cao thượng. Người Phật Tử cố gắng đạt được sự trong sạch, cao thượng cho họ bằng nỗ lực của chính họ. Chính họ mới làm cho họ cao thượng, trong sạch. Không có ai, ngay cả Đức Phật, chư thiên, hoặc một vị thần thánh nào, hay người nào có thể giải thoát cho người khác. Sự thực hành giới luật là điều nòng cốt hay điều cốt tủy của đạo Phật.

    Một người có sự hiểu biết đúng đắn, ý thức được luật nghiệp báo, luật nhân quả thì sẽ chấp nhận giữ giới, và bước thêm một bước xa hơn là họ sẽ cố gắng kiểm soát các căn, bởi vì họ hiểu rằng: nếu để cho các dục lạc ngũ trần chế ngự thì tạo ra một chướng ngại cho đạo đức và cho sự tiến bộ tinh thần.

    Thiền sinh cố gắng giữ giới luật trong sạch, kiểm soát và thu thúc lục căn hướng tới tầng mức phát triển thứ hai của con đường dẫn đến Niết Bàn. Đó là tầng mức kiểm soát và luyện tâm cao hơn, hạnh phúc hơn qua sự thực hành Thiền Định và đạt các tầng Thiền Định. Các tầng Thiền Định tiếng Pāḷi gọi là "Jhāna" có nghĩa gốc là "chú tâm khắng khít vào một đối tượng" hay "đốt cháy những chướng ngại cản trở sự tiến bộ tinh thần".

    Thiền sinh muốn đạt được tầng mức thứ hai thì phải chọn một trong những đề mục tạo sự định tâm. Tùy theo tâm tính của mình mà chọn một đề mục thích hợp, rồi tập trung tâm ý vào đó, từng ngày, từng tuần, từng tháng, từng năm cho đến khi có thể thấy được hình ảnh của đối tượng trong tâm mà không cần nhìn vào đối tượng. Thiền sinh tiếp tục định tâm vào đề mục đó cho đến khi thiền sinh phát triển được ý niệm về đối tượng. Đến tầng mức đó thì thiền sinh đạt được Cận Định. Lúc bấy giờ thiền sinh có thể tạm thời chế ngự được năm chướng ngại tinh thần: tham ái, sân hận, bất an hối hận, dã dượi buồn ngủ, và hoài nghi.

    Thiền sinh tiếp tục định tâm thì cuối cùng đạt được Ngũ Thiền (tầng mức Jhāna thứ năm) và dễ dàng phát triển năm loại thần thông: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, túc mạng thông, tha tâm thông, và biến hóa thông.

    Thiền sinh đã có các tầng thiền Định cao thì đạt đến tâm thiền vi tế. Nhưng người đạt được tâm thiền vi tế như vậy cũng chưa thoát khỏi phiền não tiềm ẩn hay khuynh hướng bất thiện bởi vì định tâm chỉ có thể tạm thời chế ngự khuynh hướng bất thiện ở tầng mức thứ hai của phiền não. Chỉ đạt được định tâm cao thì những khuynh hướng bất thiện hay phiền não ở mức độ tiềm ẩn vẫn còn. Mặc dầu khi đạt được định tâm cao thì các loại phiền não trong tư tưởng như suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác tạm thời được chế ngự, nhưng vì chỉ chế ngự tạm thời những phiền não này nên khi có cơ hội chúng sẽ khởi sinh trở lại.

    Giới luật giúp ngăn chận hành động và lời nói bất thiện. Người giữ giới sẽ có hành động và lời nói tốt đẹp. Định kiểm soát tâm và giúp cho thiền sinh an lạc, tĩnh lặng, thanh tịnh, ổn cố. Đặt căn bản trên định, thiền sinh quán sát vật chất và tâm, thấy rõ bản chất của vật chất và tâm là vô thường (biến đổi, không vững bền), bị đàn áp bởi sự sinh diệt, (bất toại nguyện), không điều khiển hay kiểm soát được (vô chủ, vô ngã). Thiền sinh nhận chân được rằng: "không có một cái ngã hay thực thể trường tồn vĩnh viễn bên trong hay bên ngoài các hiện tượng".

    Càng chú tâm hành thiền, thiền sinh càng thấy rõ vật chất và tâm tạo nên cá nhân ở trong trạng thái sinh diệt không ngừng. Thiền sinh thấy rõ mọi pháp trên thế gian đều vô thường, khổ, vô ngã. Thiền sinh thấy rõ bằng trí tuệ rằng mọi hình thức của dục lạc thế gian chỉ đưa đến sự đau khổ, và mọi sự vật trên thế gian đang trôi chảy nên không thể dựa vào chúng để tìm hay đạt được hạnh phúc vĩnh viễn thật sự.

    Thiền sinh tiếp tục chú tâm vào ba đặc tính vô thường, khổ, vô ngã; không còn dính mắc, không còn bất mãn với sự vật thế gian, tích cực giữ tâm an nhiên tự tại trong sự phát triển tuệ giác trên cả hai hiện tượng bên trong và bên ngoài cho đến khi thiền sinh loại trừ được ba sợi dây ràng buộc: thân kiến (quan niệm sai lầm về tự ngã), hoài nghi, giới cấm thủ (dính mắc vào phương pháp thực hành sai lầm). Chỉ khi nào diệt trừ được ba dây trói buộc trên mới giác ngộ Niết Bàn lần đầu tiên trong kiếp sống này. Ở tầng mức giác ngộ này gọi là Nhập Lưu, có nghĩa là đi vào dòng nước chảy đến Niết Bàn. Một khi đã đi vào dòng nước thì chắc chắn phải chảy ra đại dương. Cũng vậy, khi thiền sinh đã bước vào tầng thánh đầu tiên thì chắc chắn sẽ đạt đến mục đích tối hậu là giải thoát hoàn toàn.

    Nhưng vị thánh Nhập Lưu hay Tu Đà Hườn chỉ mới loại trừ được ba sợi dây ràng buộc, còn phải loại trừ bảy dây nữa mới hoàn toàn giải thoát. Tuy thế, vị Tu Đà Hườn chỉ còn phải tái sinh nhiều nhất là bảy kiếp nữa thôi thì sẽ đắc quả A La Hán.

    Khi thiền sinh tiếp tục hành thiền, phát triển tuệ minh sát sâu hơn, làm yếu đi hai sợi dây trói buộc tiếp theo là tham dục và sân hận, thì thiền sinh sẽ trở thành một vị Tư Đà Hàm, còn gọi là Nhất lai. Những người đạt quả thứ hai chỉ sinh vào trong cảnh dục giới một lần nữa thôi.

    Khi hai sợi dây ràng buộc tiếp theo là sân hận và dục ái hoàn toàn bị loại trừ thì thiền sinh trở thành A Na Hàm hay Bất Lai. Vị thánh Bất Lai không còn tái sinh trong cõi dục giới nữa mà tái sinh vào cõi cao hơn, cõi thích hợp cho vị thánh thứ ba. Và tại đây vị thánh A Na Hàm đạt quả A La Hán, giác ngộ hoàn toàn.

    Tầng mức thứ tư là A La Hán. A La Hán là những vị thánh hoàn toàn loại trừ năm sợi dây ràng buộc còn lại. Đó là tham ái cõi sắc giới, tham ái cõi vô sắc giới, ngã mạn, bất an, và vô minh. Vị thánh A La Hán thấy rõ tái sinh là một điều mệt mỏi, đời sống thánh thiện đã hoàn thành, những gì cần phải làm đã làm. Đây là mức độ an bình cao nhất và thánh thiện nhất, chấm dứt hoàn toàn tham, sân, si. Các vị thánh A La Hán cao vượt hơn các vị trời, chứng ngộ được niềm an lạc tuyệt đối của Niết Bàn. Không còn một yếu tố nào trong vị A La Hán khiến vị này phải tái sinh lần nữa, già lần nữa, chết lần nữa. Không còn gì để vị này làm. Thành quả của các vị A La Hán cho ta thấy rằng: mọi người đều có thể thực hành theo con đường của Đức Phật dạy để đạt Niết Bàn.

    NIBBĀNA

     

    Niết Bàn là sự chấm dứt tham ái, chấm dứt tham lam ích kỷ. Niết Bàn còn được định nghĩa là sự dập tắt tham, sân, si. Tiếng Pāḷi chỉ Niết Bàn là NIBBĀNA, gồm hai chữ NIB và BĀNA. NIB có nghĩa là không; BĀNA có nghĩa là phiền não hay tham ái cho riêng mình. Như vậy, NIBBĀNA có nghĩa là vắng bóng tham ái, phiền não. Tiếng Sankrit, gọi Niết Bàn là NIRVĀNA. NIRVĀNA có gốc chữ là VĀ, nghĩa là thổi, và tiếp đầu ngữ là NIR có nghĩa là tắt, nên NIRVĀNA có nghĩa là "thổi tắt". Được hiểu là: "thổi tắt ngọn lửa tham muốn cá nhân".

    Người ta thường dùng những từ "phủ định" để diễn tả Niết Bàn, điều này gây ra hiểu lầm rằng Niết Bàn là "chẳng có gì cả" hay Niết Bàn là "hư vô". Trong Tam Tạng Pāḷi chúng ta tìm thấy rất nhiều định nghĩa "xác định" về Niết Bàn như: "nơi nương nhờ cao thượng nhất", "an toàn", "độc nhất", "tuyệt đối thanh tịnh", "siêu thế", "an ninh", "giải thoát", "bình an" v.v...

    Như vậy, Niết Bàn không phải là một ý niệm phủ định bởi vì nó chấm dứt tham ái, thổi tắt hay dập tắt tham muốn cá nhân đưa đến sự giải thoát.

    Niết Bàn là giải thoát, là tự do, nhưng không phải là sự tự do "thoát" ra khỏi hoàn cảnh mà là sự tự do giải thoát, "không nô lệ" vào hoàn cảnh, hay "giải thoát" ra khỏi hoàn cảnh. Người giải thoát có thể mạnh dạn nói rằng:

    "Bất kỳ cái gì đến, tôi đều sẵn sàng chấp nhận, và tùy duyên ứng xử một cách tốt đẹp nhất."

    Tự do không có nghĩa là có thể làm được, có quyền làm tất cả những gì mình tưởng tượng những gì mình muốn, như có thể đánh gục một sư tử chỉ bằng một cú đấm. Tự do làm bất cứ cái gì mình muốn không phải là tự do: đó chỉ là sự biểu hiện của ước muốn, tham ái tiềm tàng. Tự do có nghĩa là không nô lệ vào bất kỳ cái gì bởi vì đã thoát ra khỏi sự tham muốn cá nhân, thoát khỏi sân hận, ghét bỏ, kiêu mạn, sợ hãi, thiếu kiên nhẫn... giải thoát khỏi mọi tham ái, giải thoát khỏi sự ràng buộc của cảm xúc như ngọn đèn đã được thổi tắt, tự do, giải thoát, Niết Bàn ngay trong đời sống này, trong thế giới này.

     

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.