Đường vào Thắng pháp
Tỳ khưu Chánh Minh
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa.
Cung kỉnh đảnh lễ Đức Thế Tôn bậc Ưng cúng Chánh đẳng giác.
ĐƯỜNG VÀO THẮNG PHÁP - VẤN ĐÁP
* * * * *
PHẦN I: Hợp Đồng (Saṅgaha)
BÀI 2: BA THỜI – BA TÁNH - BỐN GIỐNG
A- BA THỜI (TIKĀLA)
32 - Hỏi. Thời là gì? Có mấy loại thời?
Đáp. Thời là thời gian. Theo thông thường thường, thời gian chỉ là “khái niệm – paññatti” suông.
Hiểu theo nghĩa chân đế (paramattha) [20] thì thời gian không phải là “cái gì thật sự hiện hữu”
Có hai loại thời gian: Thời bất định và thời xác định.
Trong kinh Tạng thường dùng thời bất định như “ekaṃ samayaṃ: Một thời”, tức là không xác định rõ “thời điểm”.
Trong tạng Diệu pháp phần lớn dùng thời theo cách xác định (kāla), tức là chỉ thời sátna (khaṇakāla). Như:
Katamo tasmiṃ samaye phasso hoti ? Thế nào là xúc trong khi ấy” [21] .
Theo thông thường, có ba thời là: Quá khứ, hiện tại và vị lai.
*- Quá khứ. Là “cái gì đã vượt qua sátna sinh (uppāda), trụ (ṭhiti), diệt (bhaṅga)”.
Bộ Pháp tụ (Dhammasaṅginī) có định nghĩa “quá khứ”như sau:
“Katame dhammā atītā? Thế nào là các pháp quá khứ?
Ye dhammā atītā niruddhā vigatā vipariṇatā atthaṅgatā abbhatthaṅgatā uppajjitvā vigatā atītā atītaṃ sena saṅgahitā:
Những pháp nào đã qua rồi, đã diệt mất, đã lìa xa, đã biến chuyển, đã dập tắt, đã biến diệt, đã sanh rồi mất, đã qua, yếu hiệp theo khía cạnh quá khứ.
*- Hiện tại. Là cái gì “hiện hữu ở sátna sinh - trụ- diệt”.
Bộ Pháp Tụ có giải thích: Katame dhammā paccuppannā? Thế nào là các pháp hiện tại?
Ye dhammā jātā bhūtā sañjatā nibbattā abhinibbattā pātubhūtā uppannā samuppannā uṭṭhitā samuṭṭhitā paccuppannā paccuppannaṃsena saṅgahitā:
Những pháp nào mà đang sanh ra, đang sanh thành, đang xuất sanh, đang khởi sanh, đang hiện khởi, đang hiện sanh, tương sanh, đang trỗi dậy, ứng khởi, đang có yếu hiệp theo khía cạnh hiện tại”.
*- Vị lai. Là cái gì chưa có.
Bộ Pháp tụ có giải thích: Katame dhammā anāgatā? Thế nào là các pháp vị lai?.
“Ye dhammā ajātā abhūtā asañjatā anibbattā anabhinibbattā apātubhūtā anuppannā asamuppannā anuṭṭhitā asamuṭṭhitā anāgatā anāgataṃ sena saṅgahitā:
Những pháp nào chưa sanh ra, chưa sanh thành, chưa sanh trưởng, chưa xuất sanh, chưa sanh khởi, chưa hiện khởi, chưa sanh tồn, chưa tương sanh, chưa trỗi dậy, chưa ứng khởi, chưa sanh, yếu hiệp theo khía cạnh vị lai”.
Dễ hiểu hơn, theo Tạng Thắng pháp (Abhidhamma), những pháp nào đang ở sátna sinh - trụ - diệt, gọi là “hiện tại”, những pháp nào trước đó là “quá khứ”, những pháp nào sau đó là “vị lai”.
Mặt khác, theo Tạng Diệu pháp có ba thời là:
- Thời tục sinh (paṭisandhikāla - thời nối liền). Là thời điểm khởi đầu cho kiếp sống.
- Thời tử (cutikāla). Là thời điểm chấm dứt kiếp sống.
Mỗi thời như thế chỉ diễn ra trong 1 sátna.
- Giữa thời tục sinh và thời tử, gọi là “thời bình nhật”.
Cả ba thời quá khứ - hiện tại - vị lai trong một kiếp sống của chúng sinh, đều gom vào “thời bình nhật”.
33 - Hỏi. Chi pháp của thời gian là gì?
Đáp. Như đã nói thời gian chỉ là “khái niệm”, không có chi pháp rõ ràng nhất định.
Quá khứ, hiện tại, vị lai chỉ cho những gì thuộc về thế gian, nên thời gian có thể được xem là “vô minh và ái dục”.
Đức Phật có dạy: “Anamataggoyaṃ bhikkhave, saṃsāro pubbā koṭi na paññāyati
“Này các Tỳ khưu, vô thỉ [22] là luân hồi, khởi điểm [23] không thể nêu rõ đối với lưu chuyển luân hồi của chúng sinh,
avijjānīvaraṇānaṃ sattānaṃ taṅhāsaṃyojanānaṃ sandhāvataṃ saṃsarataṃ”.
Chúng sinh bị vô minh ngăn chận, bị tham ái trói buộc trong luân hồi” [24] .
Người diệt trừ được “vô minh và ái dục” không còn sinh tử luân hồi, xem như không còn bị thời gian trói buộc.
Người để tâm theo “quá khứ “ hay “vị lai” là đang bị hấp lực của vô minh chi phối [25] .
Đức Phật dạy: Atītaṃ nāvāgameyya :Quá khứ không truy tầm.
Nappaṭikaṅkhe anāgataṃ: Tương lai không ước vọng....
Paccupannañca yo dhammaṃ: Chỉ có pháp hiện tại.
Tattha tattha vipassati: Tuệ quán chính là đây” [26] .
Ngay trong hiện tại, dùng trí xem xét các pháp, bấy giờ “vô minh và ái dục bị đẩy lui”.
Trong lý thập nhị duyên khởi, các Giáo thọ sư dạy:
- Năm nhân quá khứ là: Vô minh, hành, ái, thủ, hữu.
- Năm quả hiện tại là: Thức, danh sắc, sáu (nội) xứ, xúc và thọ.
- Năm nhân hiện tại là: Ái, thủ, hữu, vô minh và hành.
- Năm quả vị lai cũng là: Thức, danh sắc, sáu (nội xứ), xúc và thọ.
Hai khoen “Sinh và lão - tử” là vị lai.
Như vậy, nếu nói gọn : “Thời gian có chi pháp là vô minh và ái dục”.
Nếu nói rộng, thời gian chính là 12 chi duyên sinh, kể từ vô minh đến lão - tử.
34 - Hỏi. Khi chứng đắc Nípbàn, sát trừ phiền não, đó là thời gì? Quá khứ, hiện tại hay vị lai?.
Đáp. Trong thời chứng đắc Nípbàn sát trừ phiền não do tâm Đạo thực hiện, vô minh và ái dục bị sát trừ từng phần, cho đến khi chứng Nípbàn lần thứ tư thì dứt tuyệt vô minh và ái dục.
Như vậy, không thể có “quá khứ, hiện tại, vị lai”; do đó thời điểm chứng Nípbàn sát trừ phiền não được gọi là kālavimutti (thời giải thoát), là “vượt khỏi thời gian” hay “ngoại thời”.
35 - Hỏi. Hãy phân tích tâm theo thời?
Đáp. Với 19 tâm [27] có chức năng làm việc tục sinh (paṭisandhikiccaṃ), chúng hiện khởi đủ ba thời: Thời tục sinh, thời bình nhật và thời tử.
- Vào thời tục sinh chúng mang tên là “tâm tục sinh” hay “thức nối liền” (paṭisandhiviññāṇa).
-Vào thời bình nhật chúng có tên gọi là tâm hữu phần (bhavaṅgacitta).
- Vào thời tử, chúng có tên gọi là tâm tử (cuticitta).
Một trăm lẻ hai tâm còn lại chỉ hiện khởi trong thời bình nhật.
B- BA TÍNH (TIBHĀVA)
36 - Hỏi. Gọi là “tính”, có ý nghĩa như thế nào? Có bao nhiêu tánh?
Đáp. Chữ bhāva (tánh) nghĩa là “tính chất vốn có”, hay “đặc tính riêng”.
Mỗi pháp chân đế (paramatthasacca) đều có đặc tính riêng, nhưng tựu trung không ngoài ba đặc tính: Thiện, bất thiện và không thiện không bất thiện.
Như Đức Phật dạy trong mẫu đề tam (mātikā).
“Kusalā dhammā : Tất cả pháp thiện.
Akusalā dhammā: Tất cả pháp bất thiện.
Abyākatā dhammā: Tất cả pháp vô ký (không thiện cũng không bất thiện).”
37 - Hỏi. Thế nào là tánh thiện?
Đáp. Tánh thiện là những pháp có đặc tính: “Khi thực hiện bằng thân, ngữ hay ý sẽ cho kết quả an vui, hạnh phúc”. Như Phật ngôn.
“Manopubbaṅgamādhammā; manoseṭṭhā manomayā.
Manasā ce pasannena; bhāsati vā karoti vā.
Tato naṃ sukhamanveti; chāyā’va anapāyinī”
“Ý dẫn dầu các pháp; ý là chủ, ý tạo.
Với ý được trong sạch; nói lên hay hành động.
Quả tốt sẽ theo sau; như bóng không rời hình.” [28]
Những pháp mang tính thiện có khả năng chứng đắc những trạng thái siêu phàm như Thắng trí (abhiññāṇa), hoặc Nípbàn thoát ra khỏi sinh tử luân hồi.
38 - Hỏi. Chi pháp của tính thiện là gì?
Đáp. Chi pháp của tính thiện là:
*- Tâm. Có 37 tâm thiện = 8 tâm thiện Dục giới + 9 tâm thiện Đáo đại + 20 tâm Đạo.
*- Tâm sở. Có 38 tâm sở hợp với 37 tâm thiện là 13 tâm sở Tợ tha + 25 tâm sở Tốt đẹp.
Trong Tạng Thắng pháp, khi nói đến tính thiện, thường dùng là (37 – 38). Đây là thuật số chỉ chi pháp của tính thiện.
39 - Hỏi. Thế nào là tính bất thiện?
Đáp. Tính bất thiện là những pháp ác xấu, khi thực hiện bằng thân, ngữ hay ý sẽ cho quả khổ.
Như Phật ngôn: “Manopubbaṅgamādhammā; manoseṭṭhā manomayā.
Manasā ce paduṭṭhena; bhāsati vā karoti vā.
Tato naṃ dukkhamanveti; cakkam’ vā vahato padaṃ”.
“Ý dẫn dầu các pháp; ý là chủ, ý tạo.
Với ý có ô nhiễm; nói lên hay hành động.
Quả xấu sẽ theo sau; như bánh lăn theo vật kéo.” [29]
40 - Hỏi. Chi pháp của tính bất thiện là gì?
Đáp. Chi pháp tính bất thiện là:
*- Tâm. Có 12 tâm bất thiện.
*- Tâm sở. Có 27 tâm sở hợp với 12 tâm bất thiện là 13 tâm sở Tợ tha + 14 tâm sở Bất thiện.
Khi nói đến tính bất thiện, thường dùng (12 – 27); đây là thuật số chỉ chi pháp tính bất thiện.
41 - Hỏi. Thế nào là tính vô ký (abyākatabhāva)?
Đáp. Tính vô ký là những pháp có “đặc tính không tạo ra tâm quả”. Nghĩa là, “tuy có tạo ra kết quả, nhưng không tạo ra tâm quả”.
Như vị Thánh Alahán giảng pháp, khiến người nghe lãnh hội được Pháp chứng đắc Nípbàn. Đó là kết quả có được từ sự giảng pháp, nhưng sự giảng pháp của vị Thánh Alahán không tạo ra tâm quả cho chính Ngài.
42 - Hỏi. Chi pháp tính vô ký là gì?
Đáp. Chi pháp tính vô ký là:
*- Tâm. Có 72 tâm vô ký = 121 tâm – (12 tâm bất thiện + 37 tâm thiện).
*- Tâm sở. Có 38 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 25 tâm sở Tốt đẹp.
Ngoài ra, sắc pháp và Nípbàn cũng có đặc tính “không tạo ra tâm quả” nên cũng được xếp vào tính vô ký hay pháp vô ký.
Như vậy chi pháp tính vô ký gồm: 72 tâm vô ký + 38 tâm sở hợp + 28 sắc pháp + Nípbàn.
43 - Hỏi. Những tâm sở nào có một đặc tính? Hai đặc tính? Ba đặc tính?.
Đáp. Những tâm sở có một đặc tính là 14 tâm sở bất thiện, chúng chỉ có đặc tính bất thiện mà thôi.
- Những tâm sở có 2 đặc tính là: Tâm sở Tốt đẹp, chúng có đặc tính thiện và vô ký.
- Những tâm sở có ba đặc tính là: 13 tâm sở Tợ tha.
C- BỐN GIỐNG (CATUTTHAJĀTI)
44 - Hỏi. Giống là gì? Có bao nhiêu giống?
Đáp. Giống lả chủng loại. Chữ jāti ngoài ý nghĩa “ sự sinh ra”, còn có nghĩa là “dòng dõi”.
Có 4 giống là: Giống thiện hay dòng dõi thiện; giống bất thiện hay dòng dõi bất thiện; giống quả và giống duy tác.
45 - Hỏi. Chi pháp của giống thiện là gì?
Đáp. Tương tự như tính thiện, giống thiện có:
*- Tâm. Có 37 tâm = 8 tâm thiện Dục giới + 9 tâm thiện Đáo đại + 20 tâm đạo.
*- Tâm sở. Có 38 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 25 tâm sở Tốt đẹp.
46 - Hỏi. Chi pháp giống bất thiện là gì?
Đáp. Tương tự như tính bất thiện, giống bất thiện có: 12 tâm bất thiện + 27 tâm sở hợp.
47 - Hỏi. Chi pháp giống quả là gì?
Đáp. Giống quả là những tâm quả, chúng sinh ra từ những tâm thiện hay tâm bất thiện. Giống quả có chi pháp là:
*- Tâm. Có 52 tâm quả = 15 tâm quả Vô nhân + 8 tâm Đại quả + 9 tâm quả Đáo đại + 20 tâm quả Siêu thế.
*- Tâm sờ. Có 38 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 25 tâm sở Tốt đẹp?
Trong 52 tâm quả, được phân tích thành: 32 tâm quả hiệp thế và 20 tâm quả Siêu thế.
48 - Hỏi. Những tâm trên là thành quả của những tâm nào?
Đáp. Trong 52 tâm quả thì:
- 7 tâm quả bất thiện vô nhân là thành quả của 12 tâm bất thiện (tức là một tâm bất thiện có thể sinh ra 7 tâm quả bất thiện vô nhân).
- 8 tâm quả thiện vô nhân + 8 tâm Đại quả; là thành quả của 8 tâm thiện Dục giới.
- 9 tâm quả Đáo đại là thành quả của 9 tâm thiện Đáo đại theo tương ứng.
Tức là: Tâm thiện Sơ thiền cho tâm quả Sơ thiền, tâm thiện Nhị thiền cho tâm quả Nhị thiền...
- 20 tâm quả Siêu thế là thành quả của 20 tâm Đạo tương ứng.
Tức là tâm Đạo Sơ thiền cho tâm Quả Siêu thế Sơ thiền; tâm Đạo nhị Thiền cho tâm Quả Siêu thế Nhị Thiền....
49 - Hỏi. Chi pháp giống Duy tác là gì?
Đáp. Giống Duy tác có:
*- Tâm. Có 20 tâm duy tác = 3 tâm Duy tác vô nhân [30] + 8 tâm Đại tố + 9 tâm duy tác Đáo đại.
*- Tâm sở. Có 35 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 22 tâm sở Tốt đẹp (trừ 3 giới phần).
50 - Hỏi. Vì sao phải phân tích thành tính và giống?
Đáp. “Tính” là nêu lên đặc tính, còn “giống” là nêu lên “cách sinh khởi”.
Người hành pháp sẽ nắm bắt “phương thức sinh khởi” để làm cho những pháp thiện chưa sinh được sinh ra, những pháp thiện đang có được tăng trưởng.
Làm cho những pháp bất thiện đang có bị diệt, những pháp bất thiện chưa có không sinh ra.
Mặt khác, có nắm bắt được “tính và giống” sẽ không có sự nhầm lẫn. Như khi nói “pháp vô ký” thì hiểu ngay bao gồm 2 giống “quả” và “duy tác”.
Nên lưu ý, pháp vô ký có cả Danh - Sắc lẫn Nípbàn, còn “giống” chỉ thuần về tâm và tâm sở.
Có câu hỏi, giống thiện sinh ra từ nhân nào? Giống bất thiện sinh ra từ nhân nào?.
Đáp rằng: Giống thiện sinh ra từ “tác ý khéo”( yoni so manasikāra). Giống bất thiện sinh ra từ “tác ý không khéo” (ayoni so manasikāra).
51 - Hỏi. Giống Duy tác sinh ra từ nhân nào?
Đáp. Duy tác vô nhân sinh ra từ sự vận hành pháp.
Duy tác hữu nhân sinh ra từ sự “trừ diệt tất cả mọi ô nhiễm (āsava)”.
52 - Hỏi. Các tâm sở phân tích theo 4 giống như thế nào?.
Đáp. 13 tâm sở Tợ tha hợp đủ bốn giống.
- 14 tâm sở Bất thiện hợp với giống bất thiện.
- 19 tâm sở Tốt đẹp biến hành, 2 tâm sở Vô lượng phần, tâm sở Trí hợp với 3 giống (thiện, quả và duy tác) [31] .
- 3 tâm sở Giới phần hợp với 2 giống: Thiệnvà quả [32] .
Dứt ba thời – ba tính - bốn giống.
-ooOoo-
[20] - Pháp chân đế có 4 là : Tâm – tâm sở, sắc pháp và Níp bàn.
[21] - Dhs. Chương tâm sinh (cittupādakaṇḍaṃ).
[22] – Anamatagga = a na (không) +mata (nghĩ đến) + agga (bắt đầu). Sự bắt đầu khônt thể nghĩa đến . Dịch là vô thỉ.
[23] - Pubbā koti: Điểm ban đầu, điểm trước nhất.
[24] - S.ii, 178, Tương ưng Vô thỉ (Anamataggasaṃyuttaṃ), kinh Cỏ và Củi (Tiṇakaṭṭhasuttaṃ).
[25] - Xem JA. II, số 245.
[26] - Kinh Trung bộ iii. Kinh Nhất dạ hiền giả (bhaddekarattasuttaṃ).
[27] - Là 2 tâm Quan sát thọ xả + 8 tâm quả Dục giới hữu nhân + 9 tâm quả Đáo đại = 19 tâm.
[28] - Dhp. Câu số 2.
[29] - Dhp. Câu số 1.
[30] - Tâm hướng ngũ môn, tâm hướng ý môn và tâm Sinh tiếu.
[31] - Hai vô lượng phần hợp với: 8 tâm thiện Dục giới + 8 tâm duy tác Dục giới+ 12 tâm thiền Sắc giới (Sơ nhị Tam, Tứ).
[32] - 3 giới phần không hợp trong tâm Duy tác; ba giới phần hợp trong tâm thiện và tâm Quả Siêu thế.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.