BÀI 2: NÓI RÕ Ý NGHĨA CHỮ PARAMATTHA? GỌI LÀ PARAMATTHA DO CÓ BAO NHIÊU Ý NGHĨA? CÓ BAO NHIÊU LOẠI PARAMATTHA?
1 HỎI: NÓI RÕ Ý NGHĨA CHỮ PARAMATTHA?
Paramattha, khi phân tích thì được là parama + attha.
Parama là cùng tột, parama được giải thích là cái gì không thể biến đổi (aviparita: bất biến, không thể đổi khác), không thể trở thành cái gì khác.
Attha là điều, vật (attha ở đây không có nghĩa là nghĩa, lý).
Paramattha là điều không thể thay đổi, điều không thể biến đổi được.
Như thế, chẳng phải trong Tạng Abhidhamma mới được gọi là paramattha, ngay trong Tạng kinh hay Tạng luật cũng ẩn tàng paramattha.
Paramattha có thể dịch là sự thật tuyệt đối, paramattha mang tính chất chân như, là pháp cơ bản (padhāna) cho Tục đế.
Tức là do nương theo paramattha mà định danh (nāmapaññatti) hoặc định đặt ý nghĩa (atthapaññatti). Do vậy, paramattha có thể dịch là SIÊU LÝ cũng được. Paramatthasacca được dịch là chơn đế hay đệ nhất nghĩa đế.
2 HỎI: GỌI LÀ PARAMATTHA DO CÓ BAO NHIÊU Ý NGHĨA? CÓ BAO NHIÊU LOẠI PARAMATTHA?
Gọi là Paramattha là do ba ý nghĩa:
1- Đặc biệt.
2- Cảnh của tuệ cao.
3- Chủ chế định.
Gọi là ĐẶC BIỆT là do có ý nghĩa là: “Không hề thay đổi (aviparita), tức là đặc tính của pháp ấy như thế nào, luôn luôn giữ nguyên đặc tính ấy, không bị thời gian, không gian hoặc chủng loại chi phối. Như:
Đặc tính (sabhāva) của tâm (citta) là luôn luôn biết cảnh (ārammana) cho dù đó là tâm người, thú hay chư thiên... Hoặc ở cảnh giới địa ngục, ma quỷ, súc sinh, người hay Thiên giới, chí đến cõi Phi tưởng phi phi tưởng, cho dù là tâm sinh vào ban ngày hay ban đêm ... đặc tính BIẾT CẢNH ấy không thay đổi thành đặc tính khác được.
Hoặc đặc tính của tâm sở (cetasika) là phụ thuộc vào tâm, là pháp đồng sanh, đồng diệt, đồng biết một cảnh và đồng nương một vật với tâm. Không một lý do nào có thể làm cho tâm sở trở thành “dẫn đầu tâm”, hay ba tính chất đồng sanh, đồng diệt, đồng biết một cảnh với tâm trở thành tính chất khác được.
Hoặc như sắc pháp (rūpa dhamma), có đặc tính đổi thay tiêu hoại, nhưng dù có đổi thay tiêu hoại do nguyên nhân nào đi nữa: do gió, do lửa, lạnh nóng, bị đánh đập, đâm chém, do côn trùng ... nhưng đặc tính riêng vẫn tồn tại, như đất có trạng thái CỨNG hoặc MỀM, cho dù chúng ở hình thức nào: lớn như núi Sineru (Tu di) hay nhỏ như hạt bụi, đặc tính “cứng hay mềm” vẫn như vậy.
Mặt khác, đặc tính đổi thay do tác động bên ngoài đều có được đối với tất cả sắc pháp, chẳng ngoại trừ sắc nào cả.
Tuy bị đổi thay tiêu hoại, nhưng sự biến đổi đặc tính (sabhāva) của sắc pháp không hề có, nên sắc pháp được gọi là paramattha.
Pāli có giải như vầy: Parama aviparito atthoti = paramattho “Không có sự thay đổi khác biệt, nên gọi là paramattha (Siêu lý)”.
Gọi là CẢNH TUỆ CAO, ý muốn chỉ: Nhận thức được “đặc tính” của paramattha phải có trí tuệ cao, phải nhận thức hay đắc chứng theo cách phi thường, chẳng phải nhận biết theo cách thông thường như trong đời được.
Paramattha dhamma là pháp có nghĩa lý thâm sâu. Người không có thượng trí (uttamannāna), tức là không có trí tuệ cao quý, không thể nào rõ được đặc tính của paramatthadhamma.
Người có thượng trí ở đây, là ám chỉ bậc Chánh đẳng giác (Sammāsambuddha), Phật Độc giác (Paccekabuddha), chư Thinh văn (Ariyasāvakā), người Tam nhân (tihetukapuggala) có trí tuệ nhạy bén.
Các Giáo thọ sư Tīkà (Tīkācariya) có giải thích thượng trí (uttamannāna) chính là Sabbannutannāna (Toàn giác trí), vì trong tất cả thượng trí thì Toàn giác trí là cao tột nhất, chẳng có một loại Trí nào có thể hơn cả, là Trí rực sáng nhất.
Nhưng chẳng phải chỉ có Toàn giác trí mới có khả năng thấu hiểu được đặc tính của paramattha, các thượng trí khác cũng có khả năng hiểu rõ đặc tính bất biến của paramattha nếu như được học và có sự suy nghiệm đúng đắn, nhưng sâu hay nông là do sự chứng đạt pháp, ví như mắt đều nhìn thấy vật, nhưng rõ rệt hay không là do mắt tinh hay bị khiếm khuyết (cận thị hay viễn thị) mà thôi.
Cũng nên ghi nhận rằng: Người có trí tuệ kém, cho dù có học hay nghiên cứu, cũng chỉ có được khái niệm, chứ không có khả năng thấu đáo tường tận đặc tính của paramattha. Như vậy hạng người này không được gọi là thông hiểu paramattha.
Người tam nhân có được thượng trí để biết rõ ràng về paramattha, đó là hành giả hành vipassanā kammatthāna (Quán nghiệp xứ), hoặc vị đã thành đạt được Đạo quả Níp bàn, tuy không được học paramattha, vẫn được gọi là người thông hiểu đặc tính của paramattha.
Nhưng sự nhận thức của vị Thánh hay Hành giả này không được quảng bác như người có học paramatthadhamma.
Như vậy, Pháp nào là đối tượng (ārammana: cảnh) để thượng trí bám lấy (gocara: dạo đi, hành xứ), pháp ấy được gọi là paramattha. Có câu giải tự như sau:
“Paramassa uttamannānassa atthoti (gocaroti) = Paramattho:
Pháp nào có đặc tính là hành xứ (đối tượng) của thượng trí, pháp ấy gọi là paramattha.
Gọi là CHỦ CHẾ ĐỊNH hay là PHÁP DẪN ĐẦU (padhāna dhamma), nghĩa là từ cơ sở đó, chủ trương định đặt thành danh từ, ý nghĩa, hình tướng để nêu bày rõ ràng.
Ý nghĩa chân đế ra sao? Như: chúng sanh trong tam giới, dù có định đặt danh từ là người, chư thiên, Phạm thiên... mặc dù mang hình tướng như thế này, như thế nọ, có ý nghĩa như vầy, như kia. Chung quy cũng không vượt qua ba pháp: Tâm (citta), tâm sở (cetasika) và sắc (rūpa).
Ngay cả những pháp vô mạng quyền (ajīvitadhamma) như đất, gió, cây, núi... chung quy chỉ là sắc pháp mà thôi, ngoài ra chẳng có chi là khác.
Pāli có Sớ giải như vầy: Paramo padhāno atthoti = Paramattha.
Pháp dẫn đầu gọi là paramattha.
Paramatthadhamma có bốn Pháp là TÂM, TÂM SỞ, SẮC PHÁP và NÍP BÀN.
3 HỎI: TẠNG ABHIDHAMMA (THẮNG PHÁP) CÓ BAO NHIÊU BỘ?
Tạng Abhidhamma (Thắng Pháp) có 7 bộ, gồm 42.000 pháp uẩn (dhammakkhandha). Bảy bộ, đó là:
1- DHAMMASAṄGANI (Pháp Tụ):
Bộ này gồm có bốn chương (kandam) là:
a- Chương nói về Tâm.
b- Chương nói về Sắc.
c- Toát yếu (nikkhepa): là tóm lược những phần giáo lý.
d- Trích yếu (Atthuddhāra = Attha + uddhāra; uddhāra là rút ra, tuyển chọn)
Bộ Pháp tụ nhằm giải thích hai mươi hai Tam đề (Tika mātikā), là một đoạn kệ gồm có ba câu đi liền nhau như: Kusalā dhammā, akusalā dhammā, abyākatā dhammā (tất cả pháp thiện, tất cả pháp bất thiện, tất cả pháp vô ký).
Và giải thích Nhị đề (dukamātikā), là một đoạn kệ gồm hai câu đi liền nhau, như hetu dhammā, nahetu dhammā (tất cả pháp nhân, tất cả pháp phi-nhân)...
Về lượng thì bộ này có 13 bhānavāra (phần), mỗi phần có 250 câu kệ, mỗi câu có 4 hàng, mỗi hàng có 8 chữ, như vậy mỗi phần có 8.000 chữ. Bộ này có 104.000 chữ, có 1.300 pháp uẩn (dhammakkhandha). Đức Thế Tôn thuyết bộ này trọn 12 ngày, có đến 70 triệu vị chư thiên đắc quả.
2- Bộ VIBHAṄGA (Phân tích).
Bộ này chia thành 18 chương. Quan trọng hơn cả là ba chương đầu, tức là Uẩn phân tích (khandhavibhaṅga), Xứ phân tích (āyatanavibhaṅga), Giới phân tích (dhātuvibhaṅga). Ngoài ra còn phân tích những phần khác như: Paccayākāra (Duyên khởi), satipatthāna (Niệm xứ)...
Mỗi chương gồm ba phần: giải theo kinh, giải theo Diệu pháp và vấn đáp (pañhapucchaka).
Bộ này gồm có 35 phần (bhānavāra), mỗi phần có 8.000 chữ, tổng cộng có 280.000 chữ, có 6.500 pháp uẩn. Đức Thế Tôn thuyết trọn 12 ngày, có đến 70 triệu vị chư thiên đắc quả.
3- DHĀTUKATHĀ (Nguyên chất-ngữ).
Bộ này chủ yếu phân tích như: Pháp này có trong phần này, không có trong phần này (saṅgaho asaṅgaho: Yếu hiệp bất Yếu hiệp), có tương ưng hay không có tương ưng (sampayuttaṃ-vippayuttaṃ).
Bộ này có 14 chương, sáu phần (bhānavāra), có 48.000 chữ, có 7.000 pháp uẩn. Đức Thế Tôn thuyết trọn 6 ngày, chư thiên đắc quả là 60 triệu vị.
4- PUGGALAPAÑÑATTI (Nhân chế định).
Bộ này trình bày như Tăng chi bộ kinh (Aṅguttaranikāya), nhưng thay vì đề cập các pháp khác nhau, thì Nhân chế định đề cập cá tánh khác nhau.
Bộ này có năm phần (bhānavāra), có 40.000 chữ, có 3.600 pháp uẩn. Đức Thế Tôn thuyết trọn 6 ngày, có đến 60 triệu vị chư thiên chứng quả.
5- KATHĀVATTHU (Luận điểm).
Bộ này được ghi nhận là của Đại Trưởng lão Moggalliputta Tissa vào thời vua Dhammāsoka. Chính Ngài là vị chủ tọa cuộc kết tập Phật ngôn lần thứ ba.
Bản Sớ giải Atthasālinī ghi nhận rằng: bộ này gồm có 1.000 bài kinh, trong đó chính thống có 500 bài, còn 500 bài còn lại do Ngài Moggalliputta Tissa khai triển rộng ra.
Bộ này đề cập đến 216 luận điểm của 18 (hay 20 tông phái) thời bấy giờ.
Bộ này được Đức Thế Tôn thuyết trong 13 ngày, có 7.100 pháp uẩn, chư thiên đắc đạo là 70 triệu vị.
6- YAMAKA (Song đối).
Gọi là Song đối, vì theo Pháp Luận giải, có hai câu đối nhau, như là: tất cả pháp thiện là căn Thiện phải chăng? Hay là: căn Thiện là pháp thiện phải chăng? Toàn bộ Yamaka đều như thế cả. Bộ Yamaka có mười Tiểu-bộ là: Căn song, Uẩn song, Xứ song, Giới song, Đế song, Hành song, Tuỳ miên song, Tâm song, Pháp song và Quyền song.
Bộ này có 120 phần (bhānavāra), có 960.000 chữ, có 5.100 Pháp uẩn. Đức Phật thuyết trọn 18 ngày, có 70 triệu vị chư thiên đắc quả.
7- PAṬṬHĀNA (Đại Xứ).
Đây là bộ quan trọng nhất, người nghiên cứu bộ này chỉ còn có thể khâm phục trí tuệ thậm thâm của Đức Phật.
Chắc chắn rằng muốn nêu lên những vấn đề sâu rộng thù diệu như thế, phải là bậc có trí tuệ siêu việt, vị ấy xứng đáng danh hiệu Phật (Buddha).
Bộ này Đức Phật thuyết trong 23 ngày, có 9.400 pháp uẩn, có 400 triệu vị chư thiên đắc quả.
4 HỎI: ÂN ĐỨC CỦA ABHIDHAMMA NHƯ THẾ NÀO?
Ân đức Abhidhamma có 5 điều:
1- Vuḍḍhinanto (Hữu tăng pháp): có sự tăng trưởng trí tuệ.
2- Sallakkhaṇā (Hữu tướng pháp): xác định tướng trạng đa dạng của các pháp.
3- Pūjitā (Hữu cúng pháp): là người có sự cúng dường đến chư thiên hay nhân loại, tức là khi học abhidhamma khiến chư thiên và bậc có trí hoan hỷ tán thán.
4- Paricchinnā (Hữu phân pháp): có sự nhận định, phân tích các pháp hợp lý, không nhầm lẫn hay bị sái quấy, sai lệch thực tướng.
5- Adhikā (Trỗi thắng pháp): là làm nổi bật pháp khiến tăng thượng đặc biệt, trở nên thù diệu.
Ngoài ra, người học abhidhamma còn thừa hưởng ân đức trí tuệ của Đức Chánh giác từ Pháp môn abhidhamma, tức là đạt được bốn Thông đạt (paṭisambhidāñāna).
a- Attha paṭisambhidāñāna (Trí thông đạt về nghĩa lý)
b- Dhamma paṭisambhidāñāna (Trí thông đạt về pháp)
c- Nirutti paṭisambhidāñāna (Trí thông đạt về từ ngữ)
d- Paṭibhāna paṭisambhidāñāna (Trí thông đạt về biện luận).
Trong bộ Paṭisambhidā magga (Vô ngại giải đạo). Trưởng lão Sāriputta có giải rằng:
- Trí về nghĩa có một.
- Trí về Pháp có một.
- Trí về từ ngữ có hai, tức là từ này dùng chỉ ý nghĩa, từ này dùng chỉ pháp.
- Trí về biện luận có bốn, tức là khi biện luận về pháp thì dùng từ này, khi biện luận về nghĩa lý thì dùng từ này, khi biện luận về từ ngữ thì phải thông cả hai loại pháp lẫn nghĩa.
Tóm lại, trí vô ngại đối với một vấn đề, có đến tám Trí, nên gọi là làm cho trí tuệ được cao thượng, tăng trưởng thêm lên.
5 HỎI: GIẢI THÍCH Ý NGHĨA TỪ SADDHAMMA?
Saddhamma là một hợp từ của chữ su + dhamma.
Su là tốt đẹp, thù diệu; dhamma là pháp; saddhamma là pháp đặc biệt thù thắng tốt đẹp, được dịch là diệu pháp.
Saddhamma (Diệu pháp) mang ý nghĩa:
- Là những pháp thù diệu đặc biệt.
- Muốn nói đến Tạng Abhidhamma (Thắng pháp).
Ngài JOTIKA giải thích chữ saddhamma bằng ba chi tiết:
1- Pariyatti saddhamma: Chỉ Chánh tạng và Sớ giải (atthakathà) tức là pháp học gồm chín chi phần.
2- Patipatti saddhamma: Chỉ cho sự giữ giới, tu hạnh Đầu đà (dhutaíga), tu thiền Chỉ (samàtha) hay thiền Quán (vipassanà), tức là pháp hành.
3- Pativedha saddhamma: Chỉ cho sự thành tựu những pháp tốt đẹp như Đạo, Quả, Níp bàn, thắng trí (abhinnàna), thiền định (jhàna), chính là pháp thành.
6 HỎI: TAM TẠNG (TIPIṬAKA) LÀ LUẬT TẠNG (VINAYA PIṬAKA), KINH TẠNG (SUTTANTA PIṬAKA) VÀ LUẬN TẠNG (ABHIDHAMMA PIṬAKA) LIÊN QUAN PHÁP HỌC CÓ CHÍN CHI PHẦN NHƯ THẾ NÀO?
Khi Đức Thế Tôn còn tại thế, chưa có Luật, Kinh và Luận Tạng, chỉ có Pháp và Luật (dhamma vinaya) mà thôi. Khi Đức Thế Tôn đã Vô dư y Níp bàn, chư Tăng kết tập Phật ngôn để lưu truyền cho hậu thế.
Vào thời kỳ kiết tập lần thứ ba, Đức vua Dhammāsoka là vị đại Hộ pháp cho cuộc kết tập này do Ngài Moggalliputta làm chủ toạ, có tất cả một ngàn vị Thánh tăng hội lại.
Sau khi chỉnh đốn lại những tri kiến sai lệch của 18 (hay 20) tông phái thời bấy giờ, Pháp Bảo được ghi chép thành ba phần, chứa vào ba giỏ (pitaka), là giỏ Luật, giỏ Kinh và giỏ Luận (pitaka còn có nghĩa là kho, Tạng, giỏ).
Sở dĩ gọi là Luật Kinh Luận, vì Luật được xem như nền tảng của Pháp hành (tức là GIỚI), Pháp được phân thành Kinh và Luận, Tạng kinh tiêu biểu cho Định và Tạng luận tiêu biểu cho Tuệ.
GIỚI - ĐỊNH - TUỆ là nền tảng của Phật giáo.
Các Giáo thọ sư có ghi rằng:
- Bậc trì LUẬT tạng sẽ chứng đạt A la hán Tam minh.
- Bậc trì Kinh tạng sẽ chứng đạt A la hán Lục thông.
- Bậc trì Luận tạng sẽ chứng đạt A la hán Tuệ phân tích.
Cả ba Tạng đều đưa đến chứng đạt A la hán Nhất minh (sukha vipassako arahatta).
Tam tạng là Pháp luật trong Giáo pháp của Đức Thế Tôn, được hệ thống hoá từ Pháp học, có chín chi phần như sau:
1- Suttam (Khế kinh): bao gồm Tạng luật, hai bộ Xiển minh và tất cả những bài Kinh (sutta) không có Kệ ngôn do Đức Phật thuyết.
2- Geyya (Ứng tụng): bao gồm những bài Kinh có Kệ ngôn (gàthà) như các sagāthavagga (Hữu kệ phẩm) trong tương ưng bộ (samyutta nikāya).
3- Veyyākaranam (Ký thuyết): bao gồm những lời dạy của Thánh Thinh Văn được Thế Tôn xác nhận, như: Tạng luận1, Thinh văn ngôn trong Tương ưng bộ, Thinh văn ngôn trong Trung bộ ....
4- Gāthā (Phúng tụng): là tất cả những Kệ ngôn như Pháp cú kinh (Dhammapāda), Trưởng lão Tăng kệ (Theragāthā), Trưởng lão Ni kệ (Therīgāthā), là những bài kệ trong kinh Tập (suttanipāta) không thuộc Khế kinh.
5- Udāna (Cảm hứng ngữ): là những bài Kinh được Đức Thế Tôn thuyết lên với Hỷ lạc tương ưng Trí. Tổng cộng có 82 bài.
6- Pativuttaka (Như thị thuyết): là những bài Kinh có nêu: “Vuttamidam bhagavatā - lời này được Đức Thế Tôn nói”, có 110 bộ.
7- Jātaka (Bổn-sanh): những câu chuyện tiền thân, gồm có 550 câu chuyện tiền thân.
8- Abbhūta dhamma (Vị Tằng-hữu Pháp): là những bài Kinh nói về những điều vi diệu, hy hữu không từng có, như Đức Phật dạy rằng: “Này chư Tỷ kheo! Có bốn Pháp hy hữu vị tằng-hữu có nơi Ānanda...”
9- Vedalla (Phương-quảng): là những bài Kinh do người, chư thiên hoan hỷ hỏi đáp, được Đức Phật thọ ký như: Cūlavedalla sutta (Tiểu Phương-quảng kinh), Sammā ditthisutta (Chánh Tri kiến), Sakkapanhā sutta (Đế Thích sở vấn), Sankhābhājanīya sutta, Mahāpunna sutta...
---
(1) Tạng Luận do Đức Xá lợi Phất theo lời dạy của Đức Phật, Ngài triển khai rộng để dạy cho 500 vị Tỳkhưu mới xuất gia.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.