Bài 3: Ân đức của Abhidhamma và ý nghĩa chữ Saddamma

Bài 3: Ân đức của Abhidhamma và ý nghĩa chữ Saddamma

    BÀI 3: ÂN ĐỨC CỦA ABHIDHAMMA. Ý NGHĨA CHỮ SADDHAMMA

    1 HỎI: ABHIDHAMMA ĐƯỢC HIỂN LỘ TRONG THẾ GIAN LÀ DO THƯỢNG TRÍ (UTTAMAÑÑĀṆA) NÀO?

    Abhidhamma được hiển lộ trong thế gian là do Toàn giác trí (Sabbaññutaññāṇa), những thượng trí khác không thể làm cho abhidhamma hiển lộ được.

    Lẽ thường, thực tướng pháp của danh sắc (nāmarūpa) luôn luôn hiện hữu trong thế gian, nhưng không một ai có thể làm hiển lộ được, cho dù đó là thượng trí của Phật Độc giác (Paccekabuddha). Chỉ có Trí của bậc Chánh giác mới làm cho abhidhamma hiển lộ được mà thôi.

    Ví như dòng điện luôn hiện hữu, nhưng trong thời chưa có người tìm ra, điện vẫn không hiển lộ được, hay như các kim loại tuy có sẵn, nhưng không có người nghiên cứu, ráp nối cho thành hệ thống, thành vật hữu dụng thì nó không hiển lộ. Đến khi có người tìm thấy điện, nối ráp các vật như sắt, thép, thủy tinh... làm thành bóng đèn, phi cơ, máy điện thoại... thì nó hiển lộ mang lợi ích đến quần chúng.

    Cũng vậy, thực tướng pháp tuy luôn hiện hữu trong thế gian, nhưng vào thời không có Đấng Chánh đẳng giác xuất hiện, nó không được nêu bày. Khi Đức Chánh giác xuất hiện, với Toàn giác Trí, Ngài đã hệ thống từng loại đặc tính pháp để phơi bày rõ ràng, mang lợi ích đến cho nhân thiên.

    Vì sao Đức Độc giác không thể nêu bày được thực tướng Pháp?

    Tuy trí tuệ của Đức Độc giác cao thượng hơn trí của hai vị Thượng thủ Thinh văn. Các vị Giáo thọ sư có giải như vầy:

    - Thắng trí (abhiññāṇa) của ngoại đạo ví như ánh sáng con đom đóm.

    - Thắng trí của vị A la hán ví như ánh sáng ngọn lửa.

    - Thắng trí của vị A la hán Đại đệ tử ví như ánh sáng ngọn đèn.

    - Thắng trí của hai vị Thượng thủ ví như ánh sáng mặt trăng.

    - Thắng trí của Đức Độc giác ví như sao mai.

    - Thắng trí của Đức Phật Toàn giác ví như ngàn mặt trời cùng chiếu sáng.

    Đức Độc giác Phật tuy rõ phận sự Pháp (dhammarasa), phận sự Nghĩa (attharasa), nhưng trí về phận sự từ ngữ (niruttirasa) để diễn đạt pháp, diễn đạt nghĩa, Ngài không thông suốt, do đó không thể diễn đạt đặc tướng pháp. Cũng chính vì thế mà Chư Độc giác không thể tế độ người khác đắc Đạo quả được.

    Còn vị Thánh Thinh văn có thể diễn đạt được đặc tướng pháp, độ người đắc Đạo quả, không phải vì trí các Ngài hơn trí Đức Độc giác, mà đây là do tuệ đức (guṇapaññā) của Đức Chánh giác.

    Nghĩa là các Ngài học từ nơi Đức Thế Tôn, rồi mang ra phổ hoá đến các chúng sanh khác.

    Ngài Buddhaghosa trong sách Atthasālinī có giải rằng:

    - Gọi là abhidhamma, là trình độ của bậc Toàn giác, ngoài ra không là trình độ của ai khác. Sự tuyên thuyết làm hiển lộ abhidhamma phải do khả năng của bậc Chánh đẳng giác.

    2 HỎI: CÓ PHẢI KHI ĐỨC PHẬT THUYẾT TẠNG ABHIDHAMMA HÀO QUANG CỦA NGÀI PHÁT RA LÀ DO NĂNG LỰC THẦN THÔNG CỦA NGÀI?

    Không phải như vậy, vì khi ấy tâm của Ngài cực thanh tịnh, và Phật trí được phát huy thoải mái, hào quang tự hiện khởi.

    Một số Giáo thọ sư cho rằng: “Khi ấy Ngài phải tận dụng đến Phật trí tột độ”, phải “ép trí” để phát huy năng lực của một vị Phật. Điều này không phải như thế.

    Các vị Giáo thọ sư tiền bối bảo rằng: “Khi Đức Thế Tôn thuyết Tạng kinh hay Tạng luật, Phật trí của Ngài ví như con đại kình ngư phải trườn lên bờ để đi đến mục đích”, khi Ngài thuyết sáu bộ Thắng pháp đầu, Phật trí của Ngài ví như đại kình ngư đi vào sông lớn, tuy có thoải mái hơn so với khi trườn trên khô, nhưng không đủ không gian để vẫy vùng thoả sức. Đến khi Ngài thuyết đến bộ thứ bảy là bộ Paṭṭhāna, Phật trí của Ngài ví như đại kình ngư ra đến đại hải, sâu rộng mênh mông, đại kình ngư ấy vô cùng thoả thích, vẫy vùng không bị chướng ngại.

    Cũng vậy, khi Ngài thuyết đến bộ Đại xứ, Phật trí của Ngài có cơ hội phát huy không bị trở ngại đối với các pháp Duyên sinh Duyên hệ cực kỳ thâm sâu và rộng lớn như đại hải, tâm Ngài vô cùng thoả thích và hào quang tự hiện khởi toả ra, ví như vị bác học được trình bày những vấn đề cao siêu trước một nhóm người có sự nhận thức cao, vị học giả ấy say sưa diễn thuyết.

    3 HỎI: HÃY GIẢI THÍCH PHÁP CHẾ ĐỊNH (PAÑÑATTI DHAMMA)?

    Pháp chế định hay pháp Tục đế là nương theo bản thể (sabhāva), hình tướng... để định đặt ngôn từ, nêu bày ý nghĩa thông tri với nhau.

    Hoặc là do ý kiến, quan niệm chung mà danh từ này được chấp nhận, vì chữ sammuti có nghĩa là ý kiến chung, quan niệm chung, như: “Hồn nước”, “truyền thống”, “triết học”... là những danh từ không có bản thể tướng, nhưng được đại chúng đồng ý chấp nhận.

    Chữ paññatti được phân tích thành hai từ là: pa + ñatti.

    Pa nghĩa là đồng với, trọn vẹn, nổi bật lên, ñatti là nói lên.

    Paññatti là nói lên, làm nổi bật ý nghĩa, hay nói lên đồng với ý nghĩa, hoặc nói trọn vẹn ý nghĩa.

    Pháp chế định có hai phần là:

    Từ ngữ chế định (còn gọi là Danh chế định (nāmapaññatti) và Nghĩa chế định (atthapaññatti).

    Danh chế định là những từ ngữ dùng để diễn đạt một bản thể thực tướng hay một quan niệm nào đó. Tức là sự định đặt tên gọi như: người, thú, uẩn, xứ, giới, trách nhiệm...

    Nghĩa chế định là nêu bày ý nghĩa của danh từ ấy.

    Có sáu cách định đặt danh từ là:

    1- DANH CHƠN chế định: là danh từ dùng chỉ cho pháp có thực tướng như: Tâm, trí, sắc pháp, níp bàn...

    2- PHI DANH CHƠN chế định: là danh từ chỉ cho pháp không có thực tướng như: Trách nhiệm, Đức vua...

    3- DANH CHƠN PHI DANH CHƠN chế định: là danh từ trước chỉ pháp thực tướng, danh từ sau thì không có pháp thực tướng như: tâm của Đức vua Brahmadatta...

    4- PHI DANH CHƠN DANH CHƠN chế định: là danh từ trước chỉ pháp không có thực tướng, danh từ sau chỉ pháp có thực tướng như: Người có tâm thanh tịnh...

    5- DANH CHƠN DANH CHƠN chế định: là cả hai danh từ trước cũng như sau đều chỉ pháp thực tướng, như: Níp bàn là pháp phi tâm phi thọ.

    6- PHI DANH CHƠN PHI DANH CHƠN chế định: cả hai danh từ trước và sau đều không chỉ Pháp thực tướng, như: Người có trách nhiệm...

    Về Nghĩa chế định có bảy cách là:

    1- HÌNH THỨC chế định: là nương theo hình thức định đặt danh từ, như: vuông, tròn, dài, ngắn...

    2- HIỆP THÀNH chế định: hợp nhiều phần lại, định đặt thành một tên gọi chung, như xe, thuyền, đồng hồ... hay chúng sanh là từ ngữ chỉ cho năm uẩn hợp thành.

    3- CHÚNG SANH chế định: là nói đến mười hai hạng người theo nghĩa chân đế.

    4- PHƯƠNG HƯỚNG chế định: là Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới...

    5- HƯ KHÔNG chế định, như: hang, động, hố, kẽ hở, ao hồ...

    6- THỜI TIẾT chế định, như: năm, tháng, mùa, ngày...

    7- TIÊU BIỂU chế định: là nêu bày ra để biết, như đề mục thiền, bảng hiệu, màu sắc, ký hiệu...

    Giữa Danh và Nghĩa chế định có sự tương quan với nhau là:

    - Có cùng Danh từ nhưng khác nhau ý nghĩa, như Trưởng giả Citta có nói rằng: “Vô lượng tâm giải thoát là bốn tâm vô lượng: Từ tâm, Bi tâm, Hỷ tâm, Xả tâm”. Đồng thời cũng là tâm nhận Níp bàn giới.

    - Vô tướng tâm giải thoát là bốn tâm thiền Vô sắc, đồng thời cũng là tâm quán sát tướng vô thường đắc Níp bàn giới (chỉ tâm Đạo thành tựu được do quán vô thường)1.

    Có cùng ý nghĩa nhưng khác danh từ gọi. như pháp Vô-vi, pháp Vô nhân, pháp Vô-lậu... đều chỉ cho Níp bàn.

    Nghĩa là một danh từ có thể nêu nhiều ý nghĩa, hay một ý nghĩa có nhiều danh từ để gọi.

    4 HỎI: GIỮA PHÁP CHÂN ĐẾ VÀ PHÁP TỤC ĐẾ, PHÁP NÀO BAO LA, KHÓ ĐẠT THÔNG SUỐT HƠN?

    Trong hai pháp chân đế và chế định, pháp chế định bao la và khó thông đạt hơn.

    Theo đường lối thế gian, pháp chế định rất đa dạng và phức tạp, là kiến thức của nhiều môn học như: Triết học, toán học, thực vật học, khảo cổ học, nhân chủng học... của nhiều ngành nghề khác nhau như: ngành y, ngành dược, công nghiệp, chăn nuôi, thương mại... Sự am tường tất cả những học thuật, ngành nghề ấy rất khó khăn.

    Còn Chế định (paññatti) trong Phật học, là sự học hỏi Tam tạng, Phật ngôn (buddhabhāsita), Sớ giải (atthakathā), Phụ Sớ giải (Tīkā) cũng nhiều và khó khăn như:

    - Chế định liên hệ đến chúng sanh, có nhiều sự khác nhau cần phải hiểu biết, như đời sống nhân loại, đời sống chư thiên, đời sống Phạm thiên, đời sống bàng sanh, ngạ quỷ... hay tên gọi từng loại chúng sanh như: tên người, tên chư thiên, tên Phạm thiên, tên loài rồng, tên loài voi, tên loài cá... hoặc tên gọi từng chi thể như: mỏ chim, miệng cọp, vuốt rồng, tay gấu, bờm ngựa, ức chim, kỳ, vây cá...

    - Chế định đối với pháp vô mạng quyền, cũng có nhiều tên gọi như: tên sông, núi, cây, cỏ, quốc độ, kinh thành, thị trấn....

    Chính trong Chế định của chế định trong phật học cũng đa dạng không kém, như có nhiều loại ngôn ngữ Phật học: Hán tạng, Tam tạng Thái ngữ, Tam tạng Miến ngữ...

    Chính pháp chế định khó thông suốt và không thấu đạt được thực tính của paramattha, khiến sanh ngờ vực về Đạo quả, Níp bàn, không tin tưởng có người thành tựu bậc Thánh nhân thật sự.

    Tóm lại, pháp chế định là pháp bao la, khó thông suốt hết.

    ---

    (1) Tăng chi kinh.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.