ĐƯỜNG VÀO THẮNG PHÁP
Tỳ khưu Chánh Minh
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa.
Cung kỉnh đảnh lễ Đức Thế Tôn bậc Ưng cúng Chánh đẳng giác.
ĐƯỜNG VÀO THẮNG PHÁP - VẤN ĐÁP
* * * * *
PHẦN I: HỢP ĐỒNG (SAṄGAHA)
BÀI 3: THỌ HỢP ĐỒNG (VEDANĀSAṄGAHA)
53 - Hỏi. Thọ (vedanā) là gì?
Đáp. Thọ là một tâm sở trong tâm sở Biến hành, thọ có trạng thái là “cảm nhận cảnh (vedayitalakkhaṇa)” hay “hứng chịu cảnh”.
Thọ thường xuất hiện theo thói quen vận hành của tâm sở Tưởng (saññā).
Như một người vừa thấy “kẻ nghịch”, lập tức “sự khó chịu sinh khởi”; nhận biết “kẻ nghịch” là chức năng của tâm sở Tưởng.
Tuy nhiên, với năng lực ý chí người ta có thể quyết định loại thọ nào đó, mà không bị cảnh (ārammaṇa) chi phối.
Như đối với “người thù nghịch”, hành giả vẫn có thể “rãi tâm Từ đến họ”; vị tỳkhưu có thể thọ vui khi thấy những cảnh xấu như tử thi (nếu vị ấy đang tu tập đề mục quán hài cốt hay quán thể trược”...
Thọ hiện khởi do duyên xúc, như Phật ngôn: “Phassa paccayā vedanā:
Do duyên Xúc thọ sinh lên”.
54 - Hỏi. Có bao nhiêu loại thọ?
Đáp. Theo đặc tính “cảm nhận đối tượng” thì thọ có 1.
*- Thọ phân theo danh sắc thì có 2 là: thân thọ và tâm thọ.
*- Tùy theo “sự cảm nhận”, thọ chia làm ba là: Thọ lạc, thọ khổ, thọ không lạc không khổ. Như Phật ngôn trong mẫu đề tam (mātikā).
- Sukhāya vedanā sampayuttā dhammā: Tất cả pháp tương ưng thọ lạc.
- Dukkhāya vedanā sampayuttā dhammā: Tất cả pháp tương ưng thọ khổ.
- Adukkhamasukhāya vedanā sampayuttā dhammā: Tất cả pháp tương ưng thọ phi khổ phi lạc.
*- Từ ba thọ trên, phân tích theo thân – tâm thì có 5 thọ là: Thọ hỷ (somanassa), thọ lạc (sukha), thọ ưu (domanassa), thọ khổ (dukkha) và thọ xả (upekkhā).
- Thọ hỷ và thọ ưu thuộc về tâm thọ.
- Thọ lạc, thọ khổ thuộc về thân thọ.
- Thọ xả bao gồm cả thân – tâm.
*- Thọ phân tích theo tâm lãnh nạp đối tượng thì có sáu là: Nhãn thọ (lãnh nạp cảnh sắc), nhĩ thọ (lãnh nạp cảnh thinh), tỷ thọ (lãnh nạp cảnh mùi), thiệt thọ (lãnh nạp cảnh vị), thân thọ (lãnh nạp cảnh xúc) và ý thọ (lãnh nạp cảnh pháp).
*- Thọ phân tích theo duyên từ cảnh có 18 là:
- Do duyên cảnh sắc sinh khởi 3 thọ: Lạc, khổ, xả.
Như khi thấy cảnh sắc tốt, tâm vui thích là thọ hỷ, thấy cảnh sắc xấu, tâm khó chịu, không hài lòng, là thọ ưu, thấy cảnh sắc trung bình, không tốt cũng không xấu, tâm thản nhiên là thọ xả.
Tương tự như vậy đối với cảnh thinh, cảnh mùi, cảnh vị, cảnh xúc và cảnh pháp, thành ra 18 thọ.
Trong 18 thọ trên được phân tích thành hai loại:
- Loại thọ “có sự dính mắc”, gọi là “thọ tại gia”; loại thọ “không có sự dính mắc”, gọi là thọ xuất gia.
*- Những khoái lạc vật chất thường được những người bình thường ưa chuộng và đánh giá cao, gọi là “thọ lạc tại gia”.
Trái lại, với vị ẩn sĩ có tâm trau dồi, phát triển thiền định... vị ấy cảm nhận sự an lạc, hạnh phúc khi khước từ những lạc thú thế gian, gọi là “thọ lạc xuất gia”.
*- Với người bìnhthường khi gặp những cảnh “thất bại, suy vong”, họ sầu khổ than trách ... là “thọ khổ tại gia”.
Trái lại, người có trí đưa tâm quán xét sự khổ, để làm cho tâm yên lặng, đồng thời tìm cách thoát ra sự sầu muộn, là “thọ khổ xuất gia”.
*- Người thường khi gặp cảnh không tốt không xấu, họ thản nhiên lãnh đạm, là “thọ xả tại gia”.
*- Người có trí đưa tâm quán xét trạng thái thản nhiên theo pháp quán Vô thường, là “thọ xả xuất gia”.
Có Phật ngôn:
Dvemāni bhikkhave, sukhāni. Katamāni dve?
“Này các tỳ khưu, có hai loại lạc này. Thế nào là hai?
Gihisukhañca pabbajitasukhañca: Lạc tại gia và lạc xuất gia [33] .
Như vậy có 36 thọ, lấy 36 thọ này nhân cho 3 thời : Quá khứ, hiện tại, vị lai thành ra 108 thọ.
55 - Hỏi. Gọi thọ hợp đồng với ý nghĩa gì?
Đáp. Là xem thọ phối hợp được với bao nhiêu tâm và tâm sở. Tâm và tâm sở phối hợp được với loại thọ nào.
56 - Hỏi. Trong phần thọ hợp đồng, có bao nhiêu thọ được đề cập đến?
Đáp. Trong phần thọ hợp đồng, chỉ đề cập đến 5 thọ là: Thọ lạc, (sukhavedanā), thọ khổ (dukkhavedanaa), thọ hỷ (somanassavedanā), thọ ưu (domanassavedanā), và thọ xả (upekkhā).
Có Pāli dẫn chứng sau:
Tattha vedanāsaṅgahe tāva tividha vedanā: Sukhaṃ, dukkhaṃ, akhamasukhaṃ’ti:
Ở đây, trong thọ hợp đồng có ba thọ là: Lạc, khổ và không khổ không lạc”.
Sukhaṃ, dukkhaṃ, somanassaṃ, domanassaṃ, upekkhā’ti ca bhedena pana pañcadhā hoti:
Hoặc chia thành năm thọ là: Lạc, khổ, hỷ, ưu và xả.” [34] .
57 - Hỏi. Thọ xả (upekkhā) và thọ không khổ không lạc (adukkhamasukkha) về ý nghĩa có khác nhau không?
Đáp. Cả hai từ upekkhā (xả) và adukkhamasukha(không khổ không lạc), nói về chi pháp cả hai đều là thọ xả.
Trong hai danh từ này, upekkhā được dùng một cách rộng rải, bao hàm 2 ý nghĩa:
- Sự thản nhiên có tính lãnh đạm, thọ xả này đồng nghĩa với vô minh. Tính “lãnh đạm” được tìm thấy qua từ upekkhā như:
Upekkhāsahagataṃ cakkhuviññānaṃ:
Nhãn thức đồng sinh với thọ xả.
- Sự thản nhiên có ý chí tham dự. Như người điềm tỉnh trước những tai họa, hay điềm tỉnh trước những hạnh phúc bất ngờ, không để tâm rơi vào sầu muộn cũng không để tâm rơi vào “quá phấn khởi”.
Trong các loại tâm, khi chỉ cho tâm đi chung với thọ xả, Đức Phật dùng từ upekkhāsahagataṃ, như:
- Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ:
Đồng phát sinh thọ xả, hòa hợp với tà kiến, không có sự trợ giúp” (tâm tham thứ 5 – Ns).
Tính suy xét được tìm thấy: “Upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ:
Đồng phát sinh thọ xả, hòa hợp với trí, không có sự trợ giúp” (tâm thiện số 5- Ns).
Còn adukkha- m- sukha, chỉ có với ý nghĩa “có ý chí tham dự”.
Và danh từ này thường được dùng chỉ cho trạng thái chứng đắc Tứ thiền theo Kinh Tạng.
Như: Bhikkhu sukhassa ca pahānā dukkhassa ca pahānā pubb’eva somanassa domanassānaṃ atthagamā adukkhaṃ asukhaṃ upekhāsati pārisuddhiṃ catutthajjhaanaṃ upasampapajja viharati:
Tỳkhưu xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh...” [35] .
58 - Hỏi. Gọi là Dukkha (khổ) với ý nghĩa nào?
Đáp. Sách Atthasālinī (Chú giải bộ Pháp Tụ) có giải thích những ý nghĩa của khổ (dukkha) như sau:
- Là “cảm nhận với sự đau đớn”, tức là thọ khổ (dukkhavedanā).
- Là “nguồn gốc của đau khổ” (dukkhamūla). Tức là chỉ cho tham, sân, si, ba căn bản này tạo ra những đau khổ. Như Phật ngôn:
Lobho akusalamūlaṃ, doso akusalamūlaṃ, moho akusalamūlaṃ: “Tham là căn bản bất thiện, sân là căn bản bất thiện, si là căn bản bất thiện” [36] .
- Là “nguyên nhân tạo ra khổ” (dukkhahetu). Tức là những hành động, lời nói, ý nghĩ đi chung với tham, sân, si.
- Là “khổ cảnh” (dukkhārammaṇā). Tức là những cảnh xấu, như “tái sinh về bốn khổ cảnh” .
- Là “duyên dẫn đến khổ” (dukkhapaccayaṭṭhāna). Như: “Này các tỳ khưu, không dễ gì nghe mô tả những cảnh khố mà nhận thức được khổ” [37] .
Dukha ở đây chỉ cho thọ khổ (dukkhavedanā).
59 - Hỏi. Thọ khổ hợp được bao nhiêu tâm? Hợp với bao nhiêu tâm sở?.
Đáp. Thọ khổ là “những cảm giác đau đớn thuộc về thân”, nên thọ khổ chỉ tìm thấy trong tâm Thân thức thọ khổ.
Có Pāli sau: Tathā dukkhasahagataṃ akusalavipākaṃ kāyaviññānaṃ:
Ở đây, thọ khổ đi chung với Thân thức quả bất thiện” [38] .
Và thọ khổ chỉ hợp với 6 tâm sở Biến hành (trừ tâm sở Thọ).
6o - Hỏi. Gọi là sukha (lạc) với ý nghĩa nào?
Đáp. Sách Atthasālinī có giải thích về sukha với nhiều ý nghĩa như sau:
- Là “sự cảm nhận thích thú”, tức là thọ lạc (sukhavedanā).
- Lạc là sự khước từ. Như Phật ngôn: “Dve māni, bhikkhave, sukhāni. Katamāni dve?
Này chư Tỳkhưu, có hai loại lạc. Thế nào là hai?”
Kāmasukhañca nekkhammasukhañca...: Dục lạc và viễn ly lạc...” [39]
- Là “nguồn gốc an lạc” (sukhamūla). Tức là chỉ cho vô tham, vô sân và vô si.
Như có Phật ngôn: Alobho kusalamūlaṃ, adoso kusalamūlaṃ, amoho kusalamūlaṃ:
Vô tham là căn bản thiện, vô sân là căn bản thiện, vô si là căn bản thiện.” [40]
- Là nhân sinh khởi an lạc (sukhahetu). Tức là nói hay làm với tâm đi chung với vô tham, vô sân, vô si là nguyên nhân phát sinh hạnh phúc.
Như nói “phước báu, này chư Tỳkhưu, đồng nghĩa với an lạc (sukha)”.
- Là “lạc cảnh, nhàn cảnh (sukhārammaṇa)”. Như tái sinh về cõi thiên giới, cõi Phạm thiên...
- Là duyên cho an lạc sinh khởi (sukhapaccayaṭṭha). Như sự tu tập là duyên sinh khởi an lạc.
- An lạc (sukha): Ám chỉ trạng thái không có phiền não.
- Sukha là tên gọi ám chỉ cho Nípbàn, như Phật ngôn:
“Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ: Nípbàn là lạc tối thượng” [41] .
Ở đây, sukha chỉ cho thọ lạc (suhavedanā).
61 - Hỏi. Thọ lạc hợp được bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở?
Đáp. Thọ lạc là cảm nhận an lạc nơi thân. Như vậy, thọ lạc hợp với tâm thân thức quả thiện.
Có pāli như sau: Tattha sukhasahagataṃ kusalavipākaṃ kāyaviññānaṃ ekaṃ’eva:
Ở đây, thọ lạc đi chung với thân thức quả thiện, như vậy chỉ một tâm”(Abhs).
Và thọ lạc hợp với 6 tâm sở Biến hành (trừ tâm sở Thọ).
62 - Hỏi. Thọ ưu (domanassa) hợp được bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở?
Đáp. Thọ ưu hợp được với hai tâm sân.
Có Pāli sau: Domanassa sahagata cittāni pana dve paṭighacittān’ eva: Như vậy, thọ ưu đi chung với hai tâm có phẫn nộ (paṭigha)” (Abhs).
Và thọ ưu hợp với 21 tâm sở = 11 tâm sở Tợ tha (trừ tâm sở Thọ + tâm sở Hỷ) + 4 Si phần + 4 Sân phần + 2 Hôn phần.
63 - Hỏi. Thọ hỷ (somanassa) hợp được bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở?.
Đáp. Có 62 tâm đi chung với thọ hỷ, là: 18 tâm dục giới thọ hỷ [42] + 44 tâm thiền thọ hỷ ( Sơ, nhị, tam, tứ thiền). [43]
Thọ hỷ hợp được 46 tâm sở = 52 tâm sở trừ ( tâm sở Thọ + 4 tâm sở sân phần + tâm sở hoài nghi).
64 - Hỏi. Thọ xả hợp bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở?.
Đáp. Thọ xả được tìm thấy trong 55 tâm thọ xả = 4 tâm tham thọ xả + 14 tâm vô nhân thọ xả (18 tâm vô nhân – (2 tâm thân thức + tâm Quan sát thọ hỷ + tâm Sinh tiếu) +12 tâm tịnh hảo Dục giới thọ xả + 23 tâm ngũ thiền.
Thọ xả hợp được 46 tâm sở = 52 tâm sở – (tâm sở Thọ + tâm sở hỳ + 4tâm sở sân phần).
Có Pāli: Sabbāni’pi pañcapaṇṇāsa upekkhāsahagatacittān’ evā’ti:
Năm mươi lăm tâm cùng đi chung với thọ xả”(Abhs).
65 - Hỏi. Tâm sở nào có một thọ, hai thọ, ba thọ và năm thọ?
Đáp. - Bốn tâm sở Sân phần có một thọ là thọ Ưu.
- Tâm sở Hoài nghi có một thọ là thọ xả
- Tâm sở Hỷ có 2 thọ là thọ Hỷ và thọ Lạc (trong tâm Sơ - Nhị thiền).
- Ba tâm sở Tham phần có 2 thọ là thọ hỷ và thọ xả.
- Năm tâm sở Biệt cảnh (trừ tâm sở Hỷ), có 3 thọ: Hỷ, ưu và xả.
- Bốn tâm sở Si phần và 2 tâm sở Hôn phần có 3 thọ: Hỷ, ưu, xả.
- 25 tâm sở Tốt đẹp có ba thọ: Hỷ , Lạc (trong tâm Sơ - nhị thiền) và xả.
- Bảy tâm sở Biến hành có đủ 5 tho.
Dứt thọ hợp đồng.
-ooOoo-
[33] - A.i, 80. Pháp 2 chi; Phẩm lạc (sukhavaggo).
[34] - Abhs. Chương II.
[35] - D.i, số 2, kinh Sa Môn Quả ( Sāmañña phala suttaṃ).
[36] - A.i, 201.Pháp ba chi. Kinh các căn bản bất thiện (Akusalamūlasuttaṃ).
[37] - S.v, Tương ưng Vô thi.
[38] - Abhs. Chương II.
[39] - A.i,80. Pháp 2 chi. Phẩm an lạc (sukhavaggo).
[40] - A.i, 201. Pháp ba chi. Kinh các căn bản bất thiện (Akusalamūlasuttaṃ).
[41] - Dhp. Câu số 203
[42] - Đó là: 4 tâm Tham thọ hỷ + tâm Quan sát thọ hỷ + tâm Sinh tiếu + 12 tâm Tốt đẹp Dục giới thọ hỷ.
[43] - Mỗi tầng thiền có 11 tâm thiền : 3 tâm thiền hiệp thế + 8 tâm thiền Siêu thế. Riêng ngũ thiền có đến 23 tâm = 3 tâm Ngũ thiền Sắc giới + 12 tâm thiền Vô sắc giới + 8 tâm ngũ thiền Siêu thế.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.