Bài 4: Nhân hợp đồng (Hetusaṅgaha)

Bài 4: Nhân hợp đồng (Hetusaṅgaha)

    ĐƯỜNG VÀO THẮNG PHÁP

    Tỳ khưu Chánh Minh

    Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa.
    Cung kỉnh đảnh lễ Đức Thế Tôn bậc Ưng cúng Chánh đẳng giác.

    ĐƯỜNG VÀO THẮNG PHÁP - VẤN ĐÁP

    * * * * *

    PHẦN I: HỢP ĐỒNG (SAṄGAHA)

     

    BÀI 4: NHÂN HỢP ĐỒNG (HETUSAṄGAHA)

     

    66 - HỏiCó bao nhiêu loại nhân (hetu)? Nhân ở đây được dùng theo loại nào?

    Đáp. Theo nghĩa thông thường, “nhân” là “động lực” tạo ra một cái gì khác, một điều gì khác.

    Như nói “do có tội lỗi nên có hình phạt”, “tội lỗi” là nguyên nhân, “hình phạt” là hậu quả, hay “do làm việc tốt nên được ban thưởng”...

    Sách Atthasālinī (Chú giải bộ Pháp Tụ), có giải thích “nhân có 4 loại” là:

    *- Hetuhetu (nhân-nhân). Còn gọi là nhân tương ưng (hetu-sampayuttaṃ).

    Chỉ cho thành phần căn bản để từ đó tạo ra kết quả “an lạc (sukha)” hay “đau khổ (dukkha)”.

    Các loại nhân này có tính “hòa hợp” với nhau, nên gọi là nhân tương ưng. Đó là: tham (lobha), sân (dosa), si (moha), Vô tham (alobha), Vô sân (adosa),  và Vô si (amoha).

    *- Paccayahetu (duyên nhân). Tác động là nguyên nhân, hay điều kiện trợ giúp, ủng hộ là nguyên nhân.

    Như cây được tăng trưởng nhờ có dưỡng tố trong đất, nhờ có nước... trợ giúp.

    Hay “do vô tham làm duyên nên thực hành bố thí bằng thân, do đức tin làm duyên nên thực hành pháp cung kỉnh bằng thân, bằng lời; do tàm – quý làm duyên nên thực hành “giữ giới”; do có chánh ngữ làm duyên nên nói lời chân thật”...

    *- Uttamahetu (nhân chủ yếu). Chữ uttama nghĩa là “cao tột”, nhân chủ yếu hay nhân cao tột là chỉ cho nhân chính.

    Như tâm sở Tư là nhân chủ yếu của nghiệp thiện hay bất thiện, tham, sân, si, vô tham và vô sân, vô si là nhân phụ thuộc của nghiệp.

    Tâm sở Tư đi chung với vô tham, vô sân, vô si thuộc về thiện sẽ tạo ra kết quả an lạc, hạnh phúc.

    Tâm sở Tư đi chung với tham, sân, si sẽ tạo ra kết quả đau khổ.

    Vì sao vậy? Ví như được người tốt hướng dẫn sẽ thực hành theo đường hướng tốt do đó có kết quả tốt, còn như bị người xấu hướng dẫn nên thực hành những điều xấu, tất nhiên dẫn đến kết quả tai hai.

    Cũng vậy, do kết hợp với ba nhân thiện, tâm sở Tư tạo tác, cho kết quả an lành, gọi là “quả thiện”, còn kết hợp với ba nhân bất thiện, tâm sở Tư tạo tác, cho kết quả khổ, xấu, gọi là “quả bất thiện”.

    *-Sādhāraṇa hetu (nhân thông thường). Hay điều kiện chung phổ biến cùng khắp. Như vô minh là duyên cho hành (saṅkhāra) sinh lên...

    Hay dưỡng tố trong đất là nguyên nhân thường có cho cây, khiến cây có vị chua, ngọt, đắng...

    Hetu (nhân) có nhiều ý nghĩa như vậy, ở đây, hetu được dùng với ý nghĩa “cội rễ - mūla”. Tức là nhân tương ưng (hetusampayutta).

    Pāli  có giải thích:

    -Hinotiphalaṃ pattatīti = hetu:

    “Pháp mà giúp cho quả đồng sanh với nó, gọi là nhân”[44].

    Hỏi. Có bao nhiêu nhân tương ưng? Giải thích?

    ĐápGọi là “tương ưng” (sampayutta) nghĩa là “hòa hợp với nhau, như nước với sữa”.

    Gọi là “nhân tương ưng” (hetusampayutta), có 3 cách:

    - Nhân hòa hợp với nhân. Như nhân Tham hòa hợp với nhân si; nhân Vô tham hòa hợp với nhân Vô sân...

    - Nhân hòa hợp với pháp không phải là nhân, Pāli gọi là “pháp tương ưng nhân mà phi nhân” (hetusampayuttā ceva na ca hetu) [45] . Như tâm sở Thọ, tâm sở Tưởng...

    - Nhân hòa hợp với pháp nhân lẫn pháp phi nhân. Như tâm sở Tham hòa hợp với các pháp đồng sinh với nó ...

    Nhân tương ưng, nói theo bản thể có 6. Nói theo đặc tính có 9.

    *- Căn Tham (lobhamūla) (hay nhân tham). Là trạng thái “dính mắc” với đối tượng; chi pháp là tâm sở Tham.

    *- Căn Sân (dosamūla) (hay nhân sân). Là trạng thái “hủy diệt, không hài lòng” với đối tượng; chi pháp là tâm sở Sân.

    *- Căn Si (mohamūla) (hay nhân si). Là trạng thái “mê muội, mù mờ” với đối tượng; chi pháp là tâm sở Si.

    *- Căn Vô tham (alobhamūla) (hay nhân Vô tham). Là trạng thái “buông lìa” đối tượng; chi pháp là tâm sở Vô tham.

    *- Căn Vô sân (adosamūla) (hay nhân Vô sân). Là trạng thái “mát mẻ, không khó chịu” với đối tượng; chi pháp là tâm sở Vô sân.

    *- Căn Vô si (amohamūla) (hay nhân vô si). Là trạng thái “hiểu biết rõ ràng, không nhầm lẫn” đối tượng; chi pháp là tâm sở Trí.

    - Ba nhân “tham, sân, si” là “tính bất thiện, giống bất thiện”.

    - Ba nhân “vô tham, vô sân, vô si” có hai tính: Thiện và vô ký; có 3 giống: Thiện, quả và duy tác”.

    Tổng cộng có 9 nhân : Ba nhân bất thiện, 3 nhân thiện và 3 nhân vô ký.

    68 - Hỏi. Nhân tham hợp được bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở? Hợp với bao nhiêu nhân? thuộc tính gì? Giống gì?

    Đáp. Nhân Tham chỉ tìm thấy trong tâm Tham.

    Như vậy nhân tham hợp với 8 tâm tham, hợp với 21 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha + 4 tâm sở Si phần + tâm sở tà kiến + tâm sở ngã mạn+ 2 tâm sở Hôn phần.

    Trong tâm tham có 2 nhân là: nhân tham và nhân si.

    Như vậy nhân Tham hợp với một nhân là nhân si.

    Nhân tham thuộc tính bất thiện, giống bất thiện.

    69 - Hỏi. Nhân sân hợp được bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở? Hợp với bao nhiêu nhân? Thuộc tính gì? Giống gì?

    ĐápNhân sân chỉ tìm thấy trong 2 tâm sân.

    Như vậy, nhân sân hợp với 2 tâm sân, hợp với 21 tâm sở = 12 tâm sở Tợ tha (trừ tâm sở Hỷ) + 4 tâm sở si phần + tâm sở Tật + tâm sở Lận + tâm sở Hối + 2 tâm sở Hôn phần.

    Trong tâm sân có 2 nhân là: Nhân sân và nhân Si. Vậy nhân sân hợp được một nhân là nhân si.

    Nhân sân thuộc tính bất thiện, giống bất thiện.

    70 - Hỏi. Nhân Si hợp được bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở? Hợp được bao nhiêu nhân?

    ĐápNhân Si được tìm thấy trong 2 tâm Si.

    Như vậy, nhân Si hợp với 2 tâm Si, nhân Si hợp được 15 tâm sở = 11 tâm sở Tợ tha (trừ tâm sở Hỷ + tâm sở Dục) + 3 tâm sở Si phần (trừ tâm sở Si) + tâm sở Hoài nghi [46] .

    Trong tâm tham, tâm sân đều có tâm sở Si. Như vậy, nhân si hợp với 2 nhân: nhân Tham + nhân Sân.

    Nhân si thuộc tính bất thiện, giống bất thiện.

    71 - Hỏi. Có khi nào nhân si không hợp với nhân nào không?

    ĐápCó, trong tâm si chỉ có nhân si, nên nhân si không hợp với nhân nào cả.

    72 - Hỏi. Nhân Vô tham hợp được bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở? Hợp được bao nhiêu nhân? Thuộc tính gì? Giống gì?

    Đáp. Tâm sở Vô tham thuộc nhóm tâm sở Tốt đẹp biến hành.

    Như vậy nhân Vô tham được tìm thấy trong 91 tâm Tốt đẹp = 24 tâm Dục giới Tốt đẹp + 27 tâm Đáo đại + 40 tâm Siêu thế.

    Nhân Vô tham hợp được 37 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha + 24 tâm sở Tốt đẹp (trừ tâm sở Vô tham).

    Tâm sở Vô tham tìm thấy trong những tâm hợp trí, như vậy nhân Vô tham hợp với 2 nhân là Vô sân và Vô si.

    Nhân Vô tham có 2 tính: Thiện (trong tâm thiện) + Vô ký (trong tâm quả và tâm Duy tác);  có 3 giống: Thiện, quả và Duy tác.

    73 - Hỏi. Nhân Vô sân hợp với bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở? Hợp được bao nhiêu nhân? Thuộc tính gì? Giống gì?

    Đáp. Tâm sở Vô sân cũng là một trong 19 tâm sở Tốt đẹp biến hành.  Nhân Vô sân hợp với:

    - 91 tâm Tốt đẹp = 24 tâm Dục giới Tốt đẹp + 27 tâm Đáo đại + 40 tâm Siêu thế.

    - 37 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha +24 tâm sở Tốt đẹp (trừ tâm sở Vô sân).

    - Hợp với 2 nhân Vô tham và Vô si.

    - Có 2 tính: Thiện và Vô ký; có 3 giống: Thiện, quả và Duy tác.  

    74 - Hỏi. Nhân Vô si hợp được bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở? Hợp được bao nhiêu nhân? thuộc tính gì? Giống gì?.

    Đáp. Nhân Vô si (tâm sở trí), được tìm thấy trong những tâm có trí.

    Như vậy, nhân Vô si hợp với:

    - 79 tâm có trí = 12 tâm Dục giới có trí + 27 tâm Đáo đại + 40 tâm Siêu thế.

    - 37 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 24 tâm sở Tốt đẹp (trừ tâm sở trí).

    - Nhân Vô si hợp với 2 nhân (Vô tham và Vô sân).

    - Nhân Vô si hợp với 2 tính: Thiện và Vô ký.

    - Nhân Vô si hợp với 3 giống: Thiện, quả và duy tác.

    75 - Hỏi. Bao nhiêu tâm  không có nhân? Bao nhiêu tâm có 1 nhân? Bao nhiêu tâm có 2 nhân? Bao nhiêu tâm có 3 nhân?

    Đáp. Tâm không có nhân tương ưng là 18 tâm vô nhân.

    - Tâm có một nhân là 2 tâm Si.

    - Có 22 tâm có 2 nhân là: 8 tâm tham + 2 tâm sân + 12 tâm Dục giới tốt đẹp ly trí.

    - Có 79 tâm có 3 nhân là: 79 tâm có trí.

    76 - Hỏi. Tâm sở nào hợp một nhân, hai nhân, ba nhân và sáu nhân?

    Đáp. – Tâm sở Hoài nghi hợp một nhân là nhân Si.

    - Ba tâm sở Tham phần hợp với hai nhân (Tham và Si).

    - Bốn tâm sở Sân phần hợp với 2 nhân (Sân và Si).

    - Bốn tâm sở Si phần; 2 tâm sở Hôn phần hợp với ba nhân (Tham, Sân và Si).

    - 25 tâm sở Tốt đẹp hợp với ba nhân (Vô tham, Vô sân và Vô si)

    - 12 tâm sở Tợ tha (trừ tâm sở Hoài nghi) hợp được 6 nhân.

    Dứt nhân hợp đồng.

    -ooOoo-

    [44] - ĐĐ Giác Chánh . Vi Diệu pháp nhập môn, tr.216.

    [45] - Đại trưởng lão Tịnh sự (d). Dhs, phần tụ nhân (hetugocchaka), số 699.

    [46] -  Nhân Si hợp với tâm sở Thắng giải và tâm sở Cần trong tâm Si hợp phóng dật. Hợp với tâm sở Hoài nghi trong tâm Si hợp hoài nghi.

    -ooOoo-

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.