ĐƯỜNG VÀO THẮNG PHÁP
Tỳ Khưu Chánh Minh
BÀI 5: SỰ HỢP ĐỒNG (KICCASAṄGAHA)
77 - Hỏi. Gọi là “sự hợp đồng (kiccasaṅgaha)” với ý nghĩa gì? Có bao nhiêu sự (kicca)?
Đáp. Sự (kicca) là công việc, việc làm, chức năng hay “nhiệm vụ phải làm”. Có Pāli giải thích như vầy:
“-Karanaṃ = kiccaṃ: Việc (phải) làm là phận sự [1] .
“Sự hợp đồng” là tìm xem “tâm và tâm sở có bao nhiêu chức năng”, mỗi chức năng có bao nhiêu tâm và tâm sở đảm nhận.
Có Pāli giải thích như vầy:
-“Kiccabhedena cittecetasikanaṃ saṅgahao = kiccasaṅgaho:
“Gom tâm và tâm sở theo từng nhiệm vụ, là sự hợp đồng” (sđd).
Mỗi tâm điều có chức năng (kicca) riêng; có tâm chỉ có một chức năng, có tâm đảm nhận nhiều chức năng; hoặc có nhiều tâm cùng đảm nhận một chức năng.
Tâm thì có tâm sở phối hợp, khi tâm thực hiện phận sự (kicca) thì các tâm sở cũng thực hiện phận sự đó.
Tức là ngoài “phận sự chung”, các tâm sở còn thực hiện chức năng riêng của mình. Cũng vậy, tâm ngoài chức năng “hướng dẫn các pháp đồng sinh”, còn đảm nhận chức năngt khác theo từng hoàn cảnh khác nhau.
Do đó, khi đề cập đến phận sự, chỉ nêu tên gọi của tâm nhưng phải hiểu là “có tâm sở phối hợp”.
Lại nữa, vì tâm sở có thể phối hợp với nhiều tâm nên tâm sở có thể đảm nhận một hay nhiều chức năng tùy theo sự phối hợp với tâm.
78 - Hỏi. Tâm có bao nhiêu chức năng (kicca)? Kể ra.
Đáp. Với 121 tâm, có tất cả 14 chức năng:
1- Chức năng nối liền (paṭisandhikicca). Còn gọi là sự Tục sinh.
2- Chức năng hữu phần (bhavaṅgakicca).
3- Chức năng hướng môn (dvāravajjanakicca).
4- Chức năng thấy (dassanakicca).
5- Chức năng nghe (savanakicca).
6- Chức năng ngửi (ghāyanakicca).
7- Chức năng nếm (sāyanakicca).
8- Chức năng đụng (phussanakicca).
9- Chức năng tiếp nhận (sampaṭicchanakicca).
10- Chức năng quan sát (santīraṇakicca).
11- Chức năng xác định (voṭṭhapanakicca).
12- Chức năng đổng lực (javanakicca).
13- Chức năng na- cảnh (tadālambanakicca).
14- Chức năng “chấm dứt” kiếp sống cũ (cutikicca).
79 - Hỏi. Chức năng nối liền (paṭisandhi) ra sao? Tâm nào thực hiện chức năng “nối liền ”?.
Đáp. Chữ Paṭisandhi theo nghĩa đen là “nối liền”, theo nghĩa bóng là “sự tái sinh, sự tục sinh”.
Gọi là “nối liền” là nối kiếp sống cũ với kiếp sống mới.Pāli giải thích như sau:
Paṭisandhānaṃ = paṭisandhi: “Nối tiếp gọi là nối liền”
Sự chấm dứt kiếp sống cũ được gọi là chết và sự khởi đầu một kiếp sống mới gọi là tục sinh.
Chết và tục sinh được nối liền nhau không có gián đoạn, không có khoảng trống, gọi là paṭisandhi.
Tâm thực hiện việc này gọi là paṭisandhiviññāṇa (thức nối liền hay thức tục sinh).
Ví như cánh cửa của một ngôi nhà, người ở trong nhà gọi những gì ở bên ngoài cánh cửa là “ở ngoài nhà”; người đứng bên ngoài sẽ gọi người ở bên kia cánh cửa là “ở trong nhà”.
Ngoài hay trong nhà chỉ là “cách gọi” qua ranh giới “cánh cửa”.
Cũng vậy, cảnh giới kiếp sống cũ ví như “ở trong nhà”; cảnh giới kiếp sống mới ví như “ở bên ngoài”.
Đứng sát cánh cửa ví như lộ cận tử, bước vào ngạch cửa ví như tâm tử; bước chân đầu tiên qua khỏi cánh cửa ví như tâm tục sinh.
Hay ví như đáy hộp và mặt đứng của hộp, được nối liền nhau qua đường giao tuyến của 2 mặt phẳng, một con kiến muốn sang thành hộp phải đến sát đường giao tuyến, vượt qua giao tuyến rồi đi sang thành hộp.
Đáy hộp ví như cảnh giới kiếp sống cũ, mặt đứng hộp ví như cảnh giới kiếp sống mới.
Giao tuyến ví như ranh giới sống và chết; đến sát giao tuyến ví như lộ cận tử, ngay giao tuyến ví như sự chết; bước đầu tiên qua giao tuyến ví như sự Tục sinh.
Sự nối liền hay sự tục sinh là “khởi đầu kiếp sống mới”.
Có 19 tâm có chức năng thực hiện việc “nối liền” hay làm việc “tục sinh” là: 2 tâm Quan sát thọ xả + 8 tâm Đại quả + 9 tâm quả Đáo đại [2] .
80 - Hỏi. Sự hữu phần (bhavaṅga) có ý nghĩa ra sao? Tâm nào có chức năng này?
Đáp. Bhavaṅga = bhava (có) + aṅga (chi nhánh, chi phần).
Bhavaṅga theo nghĩa đen là “nhánh của cái có” hay “nhánh của sự sống” được dịch là “hữu phần”. Pāli có giải thích: Bhavassa aṅgaṃ = bhavaṅga: Chi nhánh của “cái có” gọi là “hữu phần”.
Bhava (hữu) ở đây chỉ cho sinh hữu (gatibhava) và nghiệp hữu (kammabhava).
- Nghiệp hữu là những loại nghiệp tạo ra tâm quả dẫn đi tái sinh.
- Sinh hữu là cảnh giới tái sinh.
Có 28 loại nghiệp tạo ra tâm quả dẫn đi tái sinh là: 11 tâm bất thiện (trừ tâm Si hợp phóng dật [3] ) + 8 tâm thiện Dục giới + 9 tâm thiện Đáo đại.
Dẫn đi tái sinh vào cảnh giới mới là 1 trong 28 loại nghiệp này, nên gọi là aṅga (chi nhánh) của nghiệp hữu.
Có 31 cảnh giới tái sinh: Dục giới có 11 cõi, Sắc giới có 16 cõi và Vô sắc giới có 4 cõi.
Mỗi kiếp sống chỉ có một cảnh giới để danh sắc nương trú, nên gọi là aṅga (chi nhánh) của sinh hữu.
Theo luận Atỳđàm “đời sống của danh pháp hay tâm” tuy diễn ra phức tạp do cảnh bên ngoài lẫn bên trong tác động, nhưng đều dựa vào dòng hữu phần này.
Mỗi tâm hữu phần có ba sátna tiểu: Sinh- trụ- diệt như những tâm khác, tâm hữu phần trôi chảy như “từng giọt nước của một dòng sông”.
Có câu nói rằng “không thể tắm hai lần trong một dòng sông”, vì nước lần tắm thứ nhất là khác, nước lần tắm thứ hai là khác, nước tuy giống nhau nhưng không phải là một.
Cũng vậy, tuy tâm hữu phần thứ hai giống như tâm hữu phần thứ nhất, nhưng không phải là “một tâm hữu phần” [4] .
Một số triết gia Tây phương cho rằng “bhavaṅga là tiềm thức”, ngay cả bà Rhys Davids và Ô. Ayung cũng so sánh bhavaṅga với “trạng thái tri giác tối tăm, chưa lên đến thức” của Leibniz (sđd).
Quan điểm này không có trong Phật giáo, vì tâm hữu phần “không phải là trạng thái tối tăm”; tâm hữu phần có cảnh riêng của nó và nó chỉ biết cảnh này mà thôi, những cảnh ngoài ra nó không biết.
Như vị hành giả “đắm chìm” trong thiền cảnh, an trú tâm trong “cảnh thiền” duy nhất, không biết đến 5 cảnh trần, như vậy có thể gọi “tâm thiền là trạng thái tối tăm chăng?”.
Hay như nhà nghiên cứu đang “đắm chìm” trong vấn đề đang nghiên cứu, quên cả ngoại cảnh, có thể cho tâm của nhà nghiên cứu trong thời điểm đó là “trạng thái tối tăm” chăng?
Lại nữa, sách Compendium cho rằng “bhavaṅga có nghĩa là một trạng thái của tiềm thức - nằm dưới ý thức”.
Và theo quan điểm các triết gia Tây phương thì ý thức và tiềm thức cùng có mặt, điều này cũng trái ngược với quan điểm của Phật giáo.
Theo Phật giáo nhất là luận Atỳđàm thì “trong một thời điểm chỉ có một tâm”, có ý thức lẫn tiềm thức thì có 2 loại tâm, luận Atỳđàm bác bỏ quan điểm này.
Bhavaṅga (hữu phần) chỉ là loại tâm “duy trì” đời sống tâm pháp của một chúng sinh trong kiếp sống đó.
Tâm có chức năng thực hiện bhavaṅga cũng chính là một trong 19 tâm tục sinh, sở dĩ có tên gọi là hữu phần vì xuất hiện sau sátnatục sinh.
Ví như đứa bé vừa sinh ra, và sinh ra sau một phút.
81 - Hỏi. Sự hướng môn (dvāravajjana kicca) (hay sự khai môn) ra sao? Tâm nào có chức năng này?
Đáp. Āvajjana là “hướng về “ hay “mở ra”. Có Pāli giải thích như sau:
“- Āvajjiyate = āvajjanaṃ: Xem trở lại, gọi là “hướng về”.
Hay : “Āvattiyate = āvajjanaṃ: Xoay trở lại, gọi là “hướng về”.
Āvajjana còn mang ý nghĩa “chận đứng không cho sinh lên nối tiếp”, tức là tâm āvajjana chận đứng “những gì ở trước đó, không cho chúng sinh lên nối tiếp”.
Như tâm Hướng ngũ môn (pañcadvāravajjanacitta) trong lộ ngũ môn, chận đứng dòng hữu phần không cho chúng sinh lên; tâm Hướng ý môn (manodvaaravajjanacitta) trong lộ ý cũng tương tự như vậy, trong lộ ngũ môn.
Trong lộ ngũ môn, tâm Hướng ý môn với phận sự xác định (voṭṭhapanakicca) chận đứng luồng tâm quả, không cho chúng sinh lên nối tiếp.
Tiến trình sinh lên rồi diệt đi của tâm theo một quy luật:
Một trong năm trần cảnh, khi xâm nhập vào sắc thần kinh, thời điểm ấy là sátna hữu phần Vừa qua (bhavaṅgātītā), làm rung động dòng hữu phần.
- Sátna bị cảnh làm cho rúng động được gọi là hữu phần Rúng động (bhavaṅga calana).
- Kế tiếp là hữu phần Dứt dòng (bhavaṅga upaccheda) sinh lên. Bấy giờ cảnh đã trọn vẹn xâm nhập vào sắc thần kinh.
- Khi sátna hữu phần Dứt dòng diệt đi, một tâm sinh lên tại sắc Ý vật (hadayavatthu) có nhiệm vụ “đón nhận” cảnh mới.
Ở tại sắc ý vật mà muốn biết cảnh mới tại sắc thần kinh, ví như người đứng trong nhà “đưa mắt” nhìn ra ngoài hay giống như người ở trong nhà nghiêng tai về phía tiếng động ... cách thức như thế gọi là “hướng về” (āvajjana). Và tâm này có tên gọi là pañcadvāravajjana citta (tâm Hướng ngũ môn).
Loại cảnh xâm nhập thẳng vào dòng hữu phần (không xâm nhập vào 1 trong 5 sắc thần kinh) gọi là cảnh pháp.
Có hai loại cảnh pháp: Cảnh sắc pháp (là những sắc pháp ngoài 5 sắc cảnh) và cảnh danh pháp.
- Cảnh sắc pháp xâm nhập vào dòng hữu phần ở sátna hữu phần Vừa qua.
- Tiếp theo là sátna Hữu phần Rúng động, rồi hữu phần Dứt dòng.
- Bấy giờ một tâm mới sinh lên “đón nhận” cảnh mới ở ý môn (manodvāra), tâm này có tên gọi là manodvāravajjana citta (tâm Hướng ý môn).
Đối với cảnh danh pháp không có sátna Hữu phần Vừa qua, chỉ có sátna hữu phần Rúng động, rồi sátna hữu phần Dứt dòng, tiếp theo là tâm Hướng ý môn sinh lên,
Như vậy, chức năng “hướng môn” do hai tâm hướng môn đảm nhận là: Tâm Hướng ngũ môn và tâm Hướng ý môn.
Āvajjana còn được hiểu là “sự khai mở”, nên dvāravajjana được dịch là “khai môn”.
82 - Hỏi. Sự thấy (dassanakicca) là gì? Tâm nào đảm nhận sự thấy?
Đáp. Thấy là “nhận biết bằng mắt” hay “trực tiếp nhận biết cảnh sắc bằng mắt”.
Tâm có chức năng “thấy” là 2 tâm Nhãn thức.
83 - Hỏi. Sự nghe (savanakicca) là gì? Tâm nào đảm nhận sự nghe?
Đáp. Nghe là “tiếp nhận âm thanh bằng tai” hay “trực tiếp nhận biết cảnh thinh bằng tai”.
Tâm có chức năng “nghe” là 2 tâm Nhĩ thức.
84 - Hỏi. Sự ngửi (ghāyanakiccakicca) là gì? Tâm nào đảm nhận sự ngửi?
Đáp. Ngửi là “dùng mũi để nhận biết” hay “trực tiếp nhận biết cảnh mùi bằng mũi”.
Tâm có chức năng “ngửi” là 2 tâm Tỷ thức.
85 - Hỏi. Sự nếm (sāyanakicca) là gì? Tâm nào đảm nhận sự nếm?
Đáp. Nếm là “dùng lưỡi để biết vị chất” hay “trực tiếp nhận biết cảnh vị bằng lưỡi”.
Tâm có chức năng “nếm” là 2 tâm Thiệt thức.
86 - Hỏi. Sự đụng (phusanakicca) ra sao? Tâm nào đảm nhận sự đụng?
Đáp. Đụng là “va chạm vào” hay “trực tiếp nhận biết cảnh xúc bằng thân”.
Tâm có chức năng “đụng” là 2 tâm Thân thức.
87 - Hỏi. Sự tiếp thu (sampaṭicchanakicca) ra sao ? Tâm nào đảm nhận sự tiếp thu?
Đáp. Tiếp thu là “nhận cái gì đó do người khác trao lại” hay “tiếp nhận cảnh do tâm trước để lại”.
Có Pāli gỉải thích như sau: Sampaṭicchiyate = sampaṭicchanaṃ:
Thọ lãnh, gọi là “Tiếp thu”.
Trong lộ ngũ môn khi một trong 5 ngoại cảnh (sắc, thinh, mùi, vị và xúc) được một trong năm đôi thức nhận bắt.
- Khi tâm này diệt đi, một tâm khác sinh lên nhận lại cảnh đó, tâm này có tên gọi là Sampaṭicchanacitta (tâm Tiếp thu).
Tâm đảm nhận “sự tiếp thu” là 2 tâm Tiếp thu (sampaṭicchanacitta).
88 - Hỏi. Sự quan sát (santīraṇakicca) là gì ? Tâm nào đảm nhận sự quan sát?
Đáp. Quan sát là “xem xét để thấy rõ” hay “tâm xem xét cảnh khi nhận biết cảnh”.
Pāli có giải thích như sau: Sammātiranaṃ = santiraṇa: Tìm kiếm chính xác, trọn vẹn, gọi là “quan sát”.
Có ba tâm đảm nhận chức năng này là 3 tâm Quan sát (santīraṇacitta).
89 - Hỏi. Sự xác định (voṭṭhapanakicca) là gì? Tâm nào thực hiện việc xác định?
Đáp. Voṭṭhapana = Vi + ava + căn tha.
Theo nghĩa bóng là “nhận định hoàn toàn”.
Pāli có giải thích: Vavatthapiyate = voṭṭhabanaṃ:
Quyết định (cảnh tốt hay xấu), gọi là xác định [5] ”.
“ Xác ” là đúng theo sự thật, “định” là đề ra. Hay “xác định rõ là cảnh tốt hay xấu rồi đề ra cách xử lý cảnh”.
Ví như người sau khi quan sát trái xoài, xác định “trái xoài chín hay chưa chín”, rồi “ăn hay không ăn”.
Chính trong giai đoạn này tạo điều kiện cho “ tâm thiện hay tâm bất thiện sinh ra kế tiếp”.
Nếu “định ra” phương án đúng thì tâm thiện sinh lên, nếu “định ra” phương án sai thì tâm bất thiện sinh lên.
Chỉ có tâm Hướng ý môn thực hiện được chức năng “xác định” này để rồi sau đó là những tâm đổng lực (javana) thiện, bất thiện hay Duy tác đổng lực sinh khởi.
90 - Hỏi. Sự đổng lực (javanakicca) là gì? Tâm nào có chức năng thực hiện việc đổng lực?
Đáp. Javana xuất phát từ ngữ căn ju nghĩa là “ rất nhanh”.
Javana vừa “nhanh và có sức mạnh”, giống như “ánh sét” vừa cực nhanh vừa có sức mạnh rất lớn.
Chính trong giai đoạn javana (đổng lực) này thiền định, thắng trí, đạo quả hình thành, nên gọi là lực.
Giai đoạn này diễn ra rất nhanh nên là ju.
Javana tạm hiểu là “vừa nhanh vừa mạnh”, được dịch là “đổng lực”.
Có Pāli giải thích: Javatīti = javanaṃ: Sức mạnh gọi là lực”.
Có 87 tâm làm việc đổng lực = 29 đổng lực dục giới [6] + 18 đổng lực Đáo đại [7] + 40 tâm Siêu thế.
91 - Hỏi. Tâm thiện làm thành tựu Thiền định, thắng trí, Đạo quả Siêu thế nên có sức mạnh, điều này đã rõ.
Tâm bất thiện và tâm đổng lực duy tác có sức mạnh ra sao?
Đáp. Sức mạnh có hai cách: Đưa lên cao hay kéo trì xuống.
Tâm thiện ngoại trừ đưa đến chứng đắc các pháp thượng nhân, còn có sức mạnh tạo ra tâm quả đưa đến nhàn cảnh như cõi người, cõi chư thiên.
Tâm bất thiện có sức mạnh, tạo ra tâm quả lôi kéo chúng sinh rơi vào khổ cảnh.
Tâm Duy tác có sức mạnh diệt trừ chủng tử (bīja) tạo ra tâm quả trong tương lai.
92 - Hỏi. Sự na- cảnh (tadālambanakicca) là gì? Tâm nào làm việc na cảnh?
Đáp. Tadālambana = tada (chính đó)+ ārammana (cảnh).
Tadālambana nghĩa là “chính cảnh đó”. Có Pāli gỉải thích như vầy:
“- Tassa ārammaṇa passāti = tadārammaṇa:
“Mang theo chính cảnh ấy, gọi là na cảnh”.
Trong sự diễn hoạt của tâm, khi sátna đổng lực thứ 7 đã diệt, nhưng cảnh vẫn còn sức mạnh, kích động đến luồng hữu phần.
Bấy giờ có một loại tâm sinh lên 2 sátna liên tục để nhận cảnh đó.
Chức năng này được gọi là Na cảnh, nghĩa là “nhận lại cảnh cũ”.
Có 11 tâm làm việc “nhận lại cảnh cũ” là: 3 tâm quan sát thọ xả + 8 tâm Đại quả.
93 - Hỏi. Vì sao 11 tâm này đảm nhận chức năng Na cảnh, những tâm khác thì không?
Đáp. Trong 11 tâm kể trên, có 10 tâm là tâm quả thuộc “dạng hữu phần” [8] .
- Khi cảnh có sức mạnh kích động đến luồng hữu phần, thì chính loại tâm ấy nhận cảnh, hoặc một loại quả khác cũng thuộc dạng hữu phần sinh lên đón nhận.
Ví như người khách đến nhà, chủ nhà ra đón tiếp, nếu không có chủ nhà thì người nhà sẽ ra đón tiếp.
- Còn tâm Quan sát hỷ thọ thì sao? Thật ra, tâm Quan sát hỷ thọ nảy sinh từ tâm quan sát xả thọ quả thiện khi nhận cảnh cực tốt [9] .
Ví như nghe có khách đến thăm, với người khách bình thường, chủ nhân tiếp khách theo tính cách bình thường.
Nhưng nghe khách là đại quan, y phải tề chỉnh y phục ra đón tiếp, cũng như trang hoàng nhà cho tươm tất ...
Cũng vậy, với cảnh tốt trung bình thì tâm Quan sát xả thọ quả thiện sinh lên để thực hiện chức năng Na cảnh.
Khi cảnh quá tốt thì tâm quan sát Hỷ thọ sinh lên để đảm nhận chức năng Na cảnh.
94 - Hỏi. Sự tử (cutikicca) có ý nghĩa gì? Tâm nào đảm nhận chức năng này?
Đáp. “Tử hay chết” là chấm dứt kiếp sống cũ.
Danh từ cuti xuất phát từ ngữ căn cu là “ra đi”.
Có Pāli giải thích như vầy: Cavanaṃ = cuti: Rời đi, gọi là “chết”.
Tâm tử (cuticitta) là sátna tâm sinh lên cuối cùng trong kiếp sống. Và thời điểm xuất hiện tâm tử gọi là thời tử (cutikāla).
Tâm đảm nhận chức năng “chấm dứt cuộc sống cũ” cũng chính là 19 tâm làm việc tục sinh.
Nói cách khác, loại tâm làm việc tục sinh, hữu phần hay tử cũng chính là một loại; sở dĩ có tên gọi “tục sinh, hữu phần, tử” là do chúng xuất hiện theo từng thời điểm.
- Khởi đầu kiếp sống mới, gọi là tâm tục sinh.
- Sau tâm tục sinh một sátna, gọi là tâm hữu phần.
- Chấm dứt kiếp sống cũ, gọi là tâm tử.
95 - Hỏi. Sự hữu phần xuất hiện giữa những phận sự (kicca) nào?
Đáp. Theo sách Vibhāvini Tikā, hữu phần (bhavaṅga) xuất hiện giữa các chặng như sau [10] :
- Trong lộ Tục sinh. Sự Hữu phần xuất hiện ở giữa sự Tục sinh (paṭisandhi) và sự hướng môn (dvāravajjana).
- Trong lộ ý nối với lộ ngũ có Na cảnh. Sự hữu phần xuất hiện giữa sự Na cảnh (tadālambanakicca) và sự hướng môn (dvāravajjanakicca).
- Trong lộ ý nối với lộ ngũ không có Na cảnh. Sự hữu phần xuất hiện giữa sự Đổng lực (javanakicca) và sự Hướng môn (dvāravajjanakicca).
- Trong lộ cận tử có Na cảnh xen hữu phần rồi tử. Sự hữu phần xuất hiện giửa sự Na cảnh vả sự Tử [11] .
- Trong lộ cận tử không có Na cảnh, xen hữu phần rồi tử. Sự hữu phần xuất hiện giửa sự Đổng lực và sự Tử.
96 - Hỏi. Sự hướng môn (dvāravajjana) sinh khởi giữa những sự nào?
Đáp. *- Trong lộ ngũ môn.
- Sự Hướng môn (hay khai môn) [12] xuất hiện giữa: Sự Hữu phần và một trong năm sự: Thấy, nghe, ngửi, nếm và đụng.
*- Trong lộ ý môn [13] . Sự Hướng môn xuất hiện giữa sự hữu phần và sự Đổng lực.
97 - Hỏi. Sự thấy xuất hiện giữa những sự nào?
Đáp. Sự thấy xuất hiện giữa sự Hướng môn và sự Tiếp thu.
Tương tự như thế với sự nghe, ngửi, nếm, đụng.
98 - Hỏi. Sự Tiếp thu xuất hiện giữa những sự nào?
Đáp. Sự Tiếp thu xuất hiện giữa sự Quan sát và một trong năm sự: Thấy, nghe, ngửi, nếm và đụng.
99 - Hỏi. Sự Quan sát xuất hiện giữa những phận sự nào?
Đáp. Sự Quan sát xuất hiện giữa sự Tiếp thu và sự Xác định.
100 - Hỏi. Sự xác định xuất hiện giữa những sự nào?
Đáp. - Trong lộ ngũ môn cảnh rất lớn hay cảnh lớn. Sự Xác định (voṭṭhapanakicca) xuất hiện giữa sự Quan sát và sự Đổng lực.
- Trong lộ ngũ môn cảnh nhỏ. Sự Xác định xuất hiện giữa sự Quan sát và sự hữu phần.
101 - Hỏi. Sự Đổng lực (javanakicca) xuất hiện giữa những sự nào?
Đáp. Trong lộ ngũ môn có Na cảnh. Sự Đổng lực xuất hiện giữa sự Xác định và sự Na cảnh.
- Trong lộ ngũ môn có đổng lực không có Na cảnh. Sự Đổng lực xuất hiện giữa sự Xác định và sự hữu phần.
- Trong lộ ngũ môn cận tử không có Na cảnh, không xen hữu phần rồi tử. Sự Đổng lực xuất hiện giữa sự Xác định và sự Tử.
(Nếu có Na cảnh thì giống trường hợp 1; nếu có xen hữu phần rồi tử thì giống trường hợp 2).
- Trong lộ ý môn không có Na cảnh. Sự Đổng lực xuất hiện giữa sự Hướng môn và sự hữu phần.
- Trong lộ ý môn có Na cảnh. Sự Đổng lực xuất hiện giữa sự Hướng môn và sự Na cảnh.
- Trong lộ cận tử ý môn không xen hữu phần rồi tử. Sự Đổng lực xuất hiện giữa sự Hướng môn và sự Tử.
102 - Hỏi. Sự Na cảnh (tadālambanakicca) xuất hiện giữa những sự nào?
Đáp. Trong lộ tâm có Na cảnh. Sự Na cảnh xuất hiện giữa sự Đổng lực và sự hữu phần.
- Trong lộ cận tử có Na cảnh rồi tử. Sự Na cảnh xuất hiện giữa sự Đổng lực và sự Tử (nếu có xen hữu phần rồi từ thì giống trường hợp trên).
103 - Hỏi. Sự tử (cutikacca) xuất hiện giữa những sự nào?
Đáp. Sau sátna tâm Tử, tiếp theo là lộ Tục sinh.
- Trong lộ cận tử, sau năm đổng lực rồi đến tâm Tử. Trong lộ này, sự Tử xuất hiện giữa sự Đổng lực và sự Tục sinh.
- Trong lộ cận tử có xen hữu phần rồi tử. Trong lộ này, sự Tử xuất hiện giữa sự hữu phần và sự tục sinh.
- Trong lộ cận tử có Na cảnh. Trong lộ này, sự Tử xuất hiện giữa sự Na cảnh và sự Tục sinh.
104 -Hỏi. Kể ra tâm làm một sự, tâm làm hai sự, tâm làm ba sự, tâm làm bốn sự, tâm làm năm sự?
Đáp. Tâm làm một sự, là:
- Hai tâm nhãn thức chỉ làm sự thấy.
- Hai tâm Nhĩ thức chỉ làm sự nghe.
- Hai tâm Tỷ thức chỉ làm sự ngửi.
- Hai tâm Thiệt thức chỉ làm sự nếm.
- Hai tâm Thân thức chỉ làm sự đụng.
- Hai tâm Tiếp thu chỉ làm sự Tiếp thu.
- Tâm Hướng ngũ môn chỉ làm việc hướng môn.
- 87 tâm đổng lực [14] chỉ làm việc Đổng lực.
*- Tâm làm 2 sự.
- Tâm Hướng ý môn làm 2 việc: Xác định (trong lộ ngũ môn) và Hướng môn (trong lộ ý môn).
- Tâm Quan sát thọ hỷ làm 2 việc: Quan sát và Na cảnh.
*- Tâm làm 3 sự.
- 9 tâm quả Đáo đại làm 3 việc: Tục sinh, hữu phần và Tử.
*- Tâm làm bốn sự.
- 8 tâm quả Dục giới hữu nhân làm bốn việc: Tục sinh, hữu phần, tử và Na cảnh.
*- Tâm làm năm sự.
- Hai tâm Quan sát thọ xả làm 5 việc : Tục sinh, hữu phần, tử, Quan sát và Na cảnh.
105 - Hỏi. Bao nhiêu tâm sở làm được một sự ? Hãy giải thích.
Đáp. Có 17 tâm sở làm được một sự là sự đổng lực.
Đó là 14 tâm sở bất thiện + 3 tâm sở Giới phần.
14 tâm sở bất thiện chỉ có trong 12 tâm bất thiện.
3 tâm sở Giới phần chỉ có trong 8 tâm thiện Dục giới và 40 tâm Siêu thế.
Những tâm này đều là tâm Đổng lực.
106 - Hỏi. Những tâm sở nào làm được bốn sự? Hãy giải thích.
Đáp. Có hai tâm sở làm được 4 sự: Tục sinh, hữu phần, tử và đổng lực.
Đó là 2 tâm sở Vô lượng phần:
Hai tâm sở Vô lượng phần có trong 28 tâm đổng lực là: 8 tâm Đại thiện + 8 tâm Đại tố + 12 tâm thiền Sắc giới (Sơ, nhị, tam, tứ thiền).
Và có trong 4 tâm quả Sơ - Nhị - Tam - Tứ thiền Sắc giới.
Trong 28 tâm đổng lực, 2 tâm sở Vô lượng phần làm việc đổng lực.
Trong tâm quả thiền Sắc giới, 2 tâm sở Vô lượng phần làm ba sự: Tục sinh, hữu phần và tử.
107 - Hỏi. Những tâm sở nào làm được 5 sự ? Hãy giải thích.
Đáp. Có 20 tâm sở làm được 5 sự: Tục sinh, hữu phần, tử, đổng lực và na cảnh.
Đó là: 19 tâm sở Tốt đẹp biến hành + tâm sở Trí.
*- 19 tâm sở Tốt đẹp biến hành có trong tất cả 91 tâm Tốt đẹp [15] .
Khi ở trong tâm Thiện, tâm Duy tác hữu nhân, tâm Siêu thế thì chúng làm việc đổng lực.
Khi ở trong tâm quả Dục giới Tốt đẹp thì chúng làm bốn sự: Tục sinh, hữu phần, tử và Na cảnh.
Khi ở trong tâm quả thiền, chúng làm 3 sự: Tục sinh, hữu phần và tử.
*- Tâm sở trí có trong 79 tâm tốt đẹp có trí (12 tâm Dục giới có trí + 27 tâm Đáo đại + 40 tâm Siêu thế).
Khi ở trong tâm quả Tốt đẹp dục giới, tâm sở Trí làm được 4 việc: Tục sinh, hữu phần, tử và Na cảnh.
Khi ở trong tâm quả thiền, tâm sở Trí làm được ba việc: Tục sinh, hữu phần, tử.
Khi ở trong tâm đổng lực, tâm sở Trí làm việc đổng lực.
108 - Hỏi. Những tâm sở nào làm được 6 sự ? Hãy giải thích.
Đáp. Tâm sở Hỷ làm được 6 sự là: Tục sinh, hữu phần, tử, Quan sát, Na cảnh, đổng lực.
- Tâm sở Hỷ hợp trong tâm Quan sát thọ hỷ, làm được 2 sự: Quan sát và Na cảnh.
- Tâm sở Hỷ hợp trong 19 đổng lực thọ hỷ [16] , làm việc đổng lực.
- Tâm sở Hỷ có trong 4 tâm quả dục giới thọ hỷ; làm bốn sự: Tục sinh, hữu phần, tử và na cảnh.
- Tâm sở Hỷ có trong 3 tâm quả thiền (sơ, nhị, tam thiền), làm ba sự: Tục sinh, hữu phần và tử.
109 - Hỏi. Những tâm sở nào làm được 7 sự? Hãy giải thích.
Đáp. Tâm sở Cần làm được 7 sự là: Tục sinh, hữu phần, tử, đổng lực, Na cảnh, hướng môn và xác định.
Tâm sở Cần không có trong ngũ song thức, nên không có 5 sự: Thấy, nghe, ngửi, nếm và đụng.
Tâm sở Cần không có trong 2 tâm Tiếp thu và 3 tâm Quan sát, nên không có sự tiếp thu và sự quan sát ( 14 sự - 7 sự = 7 sự).
*- Tâm sở Cần có trong 2 tâm Hướng môn, nên làm 2 sự: Hướng môn và xác định.
*- Tâm sở Cần có trong tâm quả Dục giới hữu nhân, nên làm 4 sự: Tục sinh, hữu phần, tử và Na cảnh.
*- Tâm sở Cần có trong tâm quả thiền, nên làm 3 sự: Tục sinh, hữu phần, tử.
*- Tâm sở Cần có trong tâm đổng lực, nên làm việc đổng lực.
110 - Hỏi. Những tâm sở nào làm được 9 sự? Hãy giải thích.
Đáp. Có 3 tâm sở làm được 9 sự là tâm sở Tầm, tâm sở Tứ, tâm sở Thắng giải.
- Ba tâm sở Tầm, Tứ và Thắng giải có trong 2 tâm Tiếp thu, 3 tâm Quan sát, nên làm được 2 việc: Tiếp thu và Quan sát.
- Ba tâm sở Tầm , Tứ và Thắng giải, có trong 2 tâm Hướng môn, nên làm được 2 việc: Hướng môn và Xác định.
- Ba tâm sở Tầm, Tứ và Thắng giải có trong 8 tâm Đại quả, nên làm được 4 việc: Tục sinh, hữu phần, tử và Na cảnh.
- Tâm sở Tầm có trong tâm quả Sơ thiền, nên làm được 3 việc: Tục sinh, hữu phần, tử.
- Tâm sở Tứ có trong tâm quả Sơ, nhị thiền, nên làm được 3 sự: Tục sinh, hữu phần, tử.
- Tâm sở Thắng giải có trong tâm quả thiền, nên làm 3 sự: Tục sinh, hữu phần, tử.
- Ba tâm sở Tầm, Tứ và Thắng giải có trong tâm Đổng lực, nên làm được việc Đổng lực.
111- Hỏi. Những tâm sở nào làm được 14 sự? Hãy giải thích.
Đáp. Bảy tâm sở biến hành làm được 14 sự. Vì 7 tâm sở này có trong 121 tâm.
Dứt sự hợp đồng.
-ooOoo-
[1] - Đại trưởng lão Tịnh Sự. Siêu lý Tiểu học.
[2] - 5 tâm quả thiền Sắc giới + 4 tâm quả thiền Vô sắc giới.
[3] - Tâm Si hợp phóng dật không cho quả dẫn đi tục sinh, nhưng cho quả xấu.
[4] - Xin xem thêm: Đại Trưởng lão Nārada ( Ô. Phạm Kim Khánh dịch). Vi Diệu pháp toát yếu (tr. 197).
[5] - Đại trưởng lão Tịnh Sự . Siêu lý tiểu học.
[6] - là : 12 tâm bất thiện + tâm Sinh tiếu + 8 đại thiện + 8 đại tố.
[7] - Là 9 tâm thiện Đáo đại + 9 tâm Duy tác Đáo đại.
[8] - 2 tâm Quan sát thọ xả và 8 tâm Đại quả.
[9] - Xem: Tỳkhưu Chánh Minh. Tâm vấn đáp.
[10] - Xem: Đại trưởng lão Nārada (Ô. Phạm Kim Khánh dịch). Vi diệu pháp toát yếu, tr.198.
Trong sách này có ghi nhận: “Bhavaṅga phát sanh giữa Voṭṭhapana (xác định) và āvajjana (hướng về). Điều này xem ra không có trong bảng tâm lộ. Vì sau tâm Voṭṭhapana hoặc là trở về hữu phần (đối với cảnh nhỏ), hoặc là sinh khởi đổng lực. Hay có lý do nào khác chăng?
[11] - Xem: Tỳ khưu Chánh Minh; Quy trình tâm pháp.
[12] - Tâm Hướng ngũ môn đảm nhận việc này.
[13] - Tâm hướng ý môn đảm nhận việc này.
[14] - 12 tâm bất thiện + tâm Sinh tiếu + 8 tâm Đại thiện + 8 tâm Đại tố + 9 tâm Thiện Đáo đại + 9 tâm Duy tác Đáo đại + 40 tâm Siêu thế = 87 tâm
[15] - 24 tâm Tốt đẹp Dục giới + 27 tâm Đáo đại + 40 tâm Siêu thế = 91 tâm
[16] - 4 tâm Tham thọ hỷ + tâm Sinh tiếu + 4 tâm Đại thiện thọ hỷ + 4 tâm Đại tố thọ hỷ + 6 tâm Đổng lực thiền thọ hỷ (Thiện và Duy tác Sơ, nhị, tam thiền) = 19 tâm.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.