Bài 6: Môn hợp đồng (Dvārasaṅgaha)

Bài 6: Môn hợp đồng (Dvārasaṅgaha)

    ĐƯỜNG VÀO THẮNG PHÁP

    Tỳ Khưu Chánh Minh

     

    BÀI 6: MÔN HỢP ĐỒNG (DVĀRASAṄGAHA)

     

    112 - Hỏi. Gọi  môn hợp đồng có ý nghĩa gì?

    ĐápChữ dvāra xuất nguyên từ du cộng với ngữ căn ar nghĩa là đi ra, đi vào.

    Dvāra là cái gì có tính “đi vào, đi ra”, nên dvāra được dịch là “cửa” hay “môn”. Có Pāli giải thích như sau:

    -“Dvāraṃ viyati = dvāraṃ: Giống như cửa, gọi là cửa (môn)”.

    Có sáu cửa tính theo sáu cảnh là: Nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn và ý môn.

    Nói cách khác: Năm giác quan và tâm được xem là sáu cửa để sáu đối tượng (ārammaṇa - cảnh) đi vào.

    Có Pāli như sau: Dvārasaṅgahe dvārāni nāma, cakkhudvāraṃ, sotadvāraṃ, ghānadvāraṃ, jīvhādvāraṃ, kāyadvāraṃ, manodvāraṃ ceti chabbidhāni bhavanti :

    “Môn gom lại có sáu là:Nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn và ý môn”(Abhs).

    Gọi “môn hợp đồng” là  xem xét mỗi cửa có bao nhiêu tâm và tâm sở nương đó sinh lên.

    113 - Hỏi. Tâm nương cửa sinh lên nghĩa là sao?

    Đáp. Tâm sinh lên do 4 nhân:

    - Nghiệp quá khứ,

    - Có cảnh.

    - Có tâm sở.

    - Có vật nương.

    Cửa là nơi cảnh (ārammaṇa) đi vào, do nhờ có cảnh nên tâm sinh lên,  gọi là “tâm nương cửa sinh lên”.

    Nói cách khác, tâm nhận biết cảnh ở cửa nào, gọi là “tâm nương cửa ấy”.

    114- Hỏi. Nhãn môn là gì? Nhĩ môn .....ý môn là gì?

    Đáp. *- Nhãn môn là cửa con mắt; hình ảnh, màu sắc theo cửa này đi vào để tâm nhận biết cảnh sắc.

    Con mắt ở đây chỉ cho thành phần nhạy của mắt (tức là “” hay “đồng tử”).

    Chi pháp Nhãn môn là sắc thần kinh nhãn (cakkhupasādarūpa).

    *- Nhĩ môn là cửa tai; âm thanh theo cửa này đi vào để tâm nhận biết cảnh thinh.

    Lỗ tai ở đây chỉ cho thành phần nhạy của tai.

    Chi pháp Nhĩ môn là sắc thần kinh nhĩ (sotapasādarūpa).

    *- Tỷ môn là cửa mũi; các mùi theo cửa này đi vào để tâm nhận biết cảnh mùi.

    Lỗ mũi ở đây chỉ cho thành phần nhạy của mũi.

    Chi pháp tỷ môn là sắc thần kinh tỷ (ghānapasādarūpa).

    *- Thiệt môn là cửa lưỡi, các vị chất theo cửa này đi vào để tâm nhận biết cảnh vị.

    Lưỡi ở đây chỉ cho thành phần nhạy của lưỡi.

    Chi pháp thiệt môn là sắc thần kinh thiệt (jīvhāpasādarūpa).

    *- Thân môn là cửa thân, các sự va chạm theo cửa này đi vào để tâm nhận biết cảnh xúc.

    Thân ở đây chỉ cho thành phần nhạy của thân.

    Chi pháp thân môn là sắc thần kinh thân (kāyapasādarūpa).

    *- Ý môn là cửa ý, các pháp theo cửa này đi vào để tâm nhận biết cảnh pháp. Chi pháp ý môn là 19 tâm hữu phần.

    Có Pāli như sau:

    “- Tattha cakkhumeva cakkhudvāraṃ. Tathā sotādayo sotadvārādīni. Manodvāraṃ panabhavaṅgāti pavuccati:

    “ Ở đây, mắt gọi là nhãn môn, lỗ tai gọi là nhĩ môn v...v..còn ý môn tức là hữu phần”(Abhs)”.

    115 - Hỏi. Vì sao nhãn môn.... thân môn có chi pháp là 5 sắc thần kinh (là sắc pháp), còn ý môn có chi pháp là tâm (danh pháp)?

    Đáp. Vì 5 cảnh : Sắc, thinh, mùivị và xúc khi thâm nhập vào bên trong thân, chúng trú tại sắc thần kinh tương ứng.

    Như cảnh sắc trú ở thần kinh nhãn, cảnh thinh trú ở thần kinh nhĩ...

    Riêng cảnh pháp trú ở dòng hữu phần; nên dòng hữu phần là ý môn.

    116 - Hỏi. Vào thời điểm nào 5 sắc thần kinh và tâm hữu phần được gọi là môn?

    ĐápVào thời điểm sátna hữu phần Dứt dòng (bhavaṅgupaccheda) diệt.

    Đối với năm ngoại cảnh: Sắc, tthinh, mùi, vị, xúc; cảnh xâm nhập vào dòng tâm ở  sátna Vừa qua, kế tiếp làm dòng hữu phần dao động và vào sátna Dứt dòng, cảnh đã nằm trọn vẹn trong 5 sắc thần kinh tương ứng. Chính vào thời điểm này tâm Hướng ngũ môn mới sinh lên.

    Đối với cảnh pháp là sắc pháp cũng vậy, nhưng sau sátna tâm hữu phần Dứt dòng là tâm Hướng ý môn.

    Đối với cảnh pháp là danh pháp thì cảnh đi vào dòng tâm làm dao động ngay dòng hữu phần, kế đến là sátna Dứt dòng rồi đến sátna tâm Hướng ý môn. (cảnh Danh pháp không có hữu phần Vừa qua).

    Như vậy, ngay sátna diệt của tâm hữu phần Dứt dòng, thì 5 sắc thần kinh hay dòng hữu phần mới được gọi là môn.

    117 - HỏiNhãn môn hợp đồng (cakkhudvaarasaṅgaha) là gì? Có bao nhiêu tâm và tâm sở dựa vào nhãn môn sinh lên?

    Đáp. Nhãn môn hợp đồng (cakkhudvārasaṅgaha) là xem có bao nhiêu tâm và tâm sở nương vào nhãn môn (thần kinh nhãn) sinh lên.

    Tức là có bao nhiêu tâm và tâm sở biết được cảnh sắc.

    Nương theo nhãn môn có 46 tâm sinh lên = 54 tâm Dục giới – 4 đôi thức (nhĩ, tỷ, thiệt và thân thức).

    Có 52 tâm sở sinh lên để biết cảnh sắc [17] .

    Có Pāli như sau:  Tattha pañcadvārāvajjana - cakkhuviññāṇa - sampaṭicchana - santīraṇa - voṭṭhapana -  kamāvacarajavana – tadālambanavasena cha cattāḷīsa cittāni cakkhudvāre yathārahaṃ upajjhanti:

    “Ở đây,  46 tâm có thể sinh lên qua nhãn môn là: Ngũ môn hướng tâm, Nhãn thức, Tiếp thu, Quan sát, Xác định, đổng lực dục giới và Na cảnh”(Abhs).

    118 - Hỏi. Nhĩ môn hợp đồng (sotadvārasaṅgaha) là gì? Có bao nhiêu tâm và tâm sở dựa vào nhĩ môn sinh lên?

    Đáp. Nhĩ môn hợp đồng là  xem có bao nhiêu tâm và tâm sở nương vào nhĩ môn sinh lên. Tức là có bao nhiêu tâm và tâm sở biết được cảnh thinh.

    Nương theo nhĩ môn có 46 tâm sinh lên = 54 tâm Dục giới – 4 đôi thức  (nhãn, tỷ, thiệt và thân thức). Có 52 tâm sở sinh lên để biết cảnh thinh.

    119 - Hỏi. Tỷ môn hợp đồng (ghānadvāra) là gì? Có bao nhiêu tâm và tâm sở dựa vào tỷ môn sinh lên?

    Đáp. Tỷ môn hợp đồng là xem có bao nhiêu tâm và tâm sở nương vào tỷ môn sinh lên. Tức là có bao nhiêu tâm và tâm sở biết được cảnh mùi.

    Nương theo tỷ môn có 46 tâm sinh lên = 54 tâm Dục giới – 4 đôi thức (nhãn, nhĩ, thiệt và thân thức).

    Có 52 tâm sở sinh lên để biết cảnh mùi.

    120 - Hỏi. Thiệt môn hợp đồng (jīvhādvārasaṅgaha) là gì? Có bao nhiêu tâm và tâm sở dựa vào thiệt môn sinh lên?

    ĐápThiệt môn hợp đồng là xem có bao nhiêu tâm và tâm sở nương vào tỷ môn sinh lên. Tức là có bao nhiêu tâm và tâm sở biết được cảnh vị.

    Nương theo thiệt môn có 46 tâm sinh lên = 54 tâm Dục giới – 4 đôi thức (nhãn, nhĩ, tỷ và thân thức). Có 52 tâm sở sinh lên để biết cảnh vị.

    121 - Hỏi. Thân môn hợp đồng (kāyadvārasaṅgaha) là gì? Có bao nhiêu tâm và tâm sở dựa vào thân môn sinh lên?

    ĐápThân môn hợp đồng là xem có bao nhiêu tâm và tâm sở nương vào thân môn sinh lên. Tức là có bao nhiêu tâm và tâm sở biết được cảnh xúc.

    Nương theo thân môn có 46 tâm sinh lên = 54 tâm Dục giới – 4 đôi thức (nhãn, nhĩ, tỷ và thiệt thức). Có 52 tâm sở sinh lên để biết cảnh xúc.

    122 - Hỏi. Ý môn hợp đồng (manodvārasaṅgaha) là gì? Có bao nhiêu tâm và tâm sở dựa vào ý môn sinh lên?

    Đáp. Ý môn hợp đồng là xem có bao nhiêu tâm và tâm sở nương vào ý môn sinh lên. Tức là có bao nhiêu tâm và tâm sở biết được cảnh pháp.

    Nương theo ý môn có 99 tâm sinh lên = 121 tâm – (ngũ song thức + 3 ý  giới + 9 tâm quả Đáo đại).

    Có 52 tâm sở sinh lên để biết cảnh pháp. Như có Pāli:

    -“Manodvāre pana manodvārāvajjana – pañcapaññāsajavana – tadālambanavasena sattasaṭṭhicittāni bhavanti:

    “- Có 67 tâm khởi lên qua ý môn là: Ý môn hướng tâm, 55 đổng lực và tâm Na cảnh  [18] (Abhd)”.

    121. Hỏi. Vì sao 2 tâm quan sát thọ xả và 8 tâm Đại quả  là ý môn, lại nương cửa (dvāra) sinh lên?

    ĐápNhững tâm này khi là hữu phần dứt dòng (tức là làm việc hữu phần), chúng là ý môn.

    Khi là hữu phần thông thường chúng không nương cửa nào cả.

    Khi làm việc Na cảnh chúng lại nương sáu cửa sinh lên, vì chúng nhận cảnh của sáu cửa này.

    Các tâm quả Đáo đại không có chức năng Na cảnh nên chúng thuần túy là ý môn ở sátna Hữu phần Dứt dòng (bhavaṅgupaccheda).

    Và không là cửa nào khi chúng làm việc hữu phần thông thường.

    124 -  Hỏi. Tâm nào không nương cửa nào để sinh lên?

    Đáp. Mười chín tâm hữu phần không dựa vào môn nào để sinh lên. Như Pāli giải thích: Ekūnavīsati paṭisanti – bhavaṅga – cutivasena dvāravimuttāni:

    “Mười chín tâm làm phận sự tục sinh - hữu phần - tử không khởi lên qua cửa nào cả”(Abhs).

    Sách Vibhāvini Tīkā có giải thích:

    - Tâm Tục sinh không nương cửa nào sinh khởi, vì vào thời điểm này hoàn toàn không có cửa nào.

    - Tâm Tử tuy xuất hiện trong lộ ngũ môn cận tử và lộ ý môn cận tử, nhưng không nhận cảnh của hai lộ nảy, chỉ nhận cảnh riêng của chúng,  nên chúng cũng không nương cửa nào để sinh lên.

    - Tâm Hữu phần Dứt dòng (bhavaṅgupaccheda) tự nó là ý môn.

    - Tâm Hữu phần (bhavaṅga) không nhận bất kỳ cảnh nào trong sáu cửa.

    Nói cách khác, tâm Hữu phần tự khởi lên, không do duyên bất kỳ cảnh nào từ bên ngoài vào.

    Nên 19 tâm hữu phần không nương sinh từ của nào.

    125 - Hỏi. Tâm nào nương sinh từ một cửa?

    ĐápCó 68 tâm nương sinh từ một cửa là = 5 đôi thức + 18 tâm Đổng lực Đáo đại + 40 tâm Siêu thế.

    - Hai tâm Nhãn thức chỉ nương nhãn môn để sinh lên.

    - Hai tâm Nhĩ thức chỉ nương nhĩ môn để sinh lên.

    - Hai tâm Tỷ thức chỉ nương tỷ môn để sinh lên

    - Hai tâm Thiệt thức chỉ nương thiệt môn để sinh lên.

    - Hai tâm Thân thức chỉ nương thân môn để sinh lên.

    - Mười tám (18)  tâm đổng lực Đáo đại và 40 tâm Siêu thế chỉ nương ý môn để sinh lên.

    Có Pāli như sau: Tesu pana dvipañca viññāṇāni c’eva mahaggata – lokuttarajavanāni c’āti chattiṃsa yathārahaṃ’ ekadvārikacittāni nāma:

    “ Có 36 tâm [19]  sinh khởi từ một môn là: Năm đôi thức, tâm đổng lực Đáo đại và Siêu thế” (Abhs).

    126 - Hỏi. Có bao nhiêu tâm nương 5 cửa để sinh lên?

    Đáp. Có 3 tâm nương 5 cửa để sinh lên là: 2 tâm Tiếp thu và tâm Hướng ngũ môn.

    Ba tâm này nương sinh từ 5 cửa: Mắt, tai, mũi, lưỡi và thân.

    Như có Pāli sau: Manodhātuttikaṃ pana pañcadvārikam: Ba ý giới khởi lên qua 5 cửa” (Abhs).

    127 - Hỏi. Có bao nhiêu tâm nương sáu cửa để sinh lên?

    ĐápNương sinh 6 của nhất định, có 31 tâm là: 28 tâm Đổng lực Dục giới hữu nhân [20]  + tâm Sinh tiếu + tâm Hướng ý môn + tâm Quan sát thọ hỷ

    *- Tâm Hướng ý môn trong lộ ngũ thì làm việc Xác định (voṭṭhapanakicca); trong lộ ý thì làm việc khai môn (āvajjanadvāra).

    *- Tâm Quan sát hỷ thọ nương 6 cửa sinh lên khi làm việc Na cảnh.

    Có Pāli như sau: Sukhasantīraṇa - voṭṭhapana – kāmāvacarajavanāni chadvārikacittāni

    “Quan sát thọ hỷ - Xác định - đổng lực dục giới, khởi lên qua sáu cửa” (Abhs).

    Một số tâm tuy khởi sinh lên qua sáu cửa nhưng bất định, đó là: 2 tâm Quan sát thọ xả và 8 tâm Đại quả

    *- Khi 1o tâm này làm việc Na cảnh thì chúng sinh khởi qua 6 cửa.

    - Khi chúng làm việc Tục sinh, hữu phần và tử thì không khởi sinh qua cửa nào cả.

    Như có Pāli sau: Upekkhāsahagatasantīrana – mahāvipākāni chadvārikāni ceva dvāravimuttāni ca:

    “Tâm Quan sát sinh chung với thọ xả - tâm Đại quả [21]  khởi lên qua sáu cửa và (khởi lên) không qua cửa nào cả” (Abhs).

    128 - Hỏi. Sáu cửa phân theo cõi ra sao?

    ĐápCõi ngũ uẩn có đủ sáu cửa. Cõi Sắc giới hữu tưởng chỉ có ba cửa là: Nhãn môn, nhĩ môn và ý môn.

    Cõi Vô tưởng và cõi Vô sắc giới không có cửa nào cả.

    Dứt môn hợp đồng.

    -ooOoo-

    [17] - 52 tâm sở này là nói chung, khi chúngphối hợp trong những tâm đổng lực Dục giới.

    [18] - 67 tâm là tính hẹp; 40 tâm Siêu thế gom lại còn 8 tâm là 4 tâm đạo + 4 tâm quả Siêu thế,  số lượng 67 tâm như sau: Ý môn hướng tâm + 55 tâm đổng lực (29 tâm đổng lực Dục giới + 18 tâm Đổng lực Đáo đại + 8 tâm Siêu thế) + 11 tâm Na cảnh.

    Nếu tính tâm Siêu thế là 40 thì có 99 tâm =  ý môn hướng tâm + 29 tâm đổng lực Dục giới + 18 tâm đổng lực Đáo đại + 40 tâm Siêu thế + 11 tâm Na cảnh.

    [19] - 36 tâm là chỉ tính 8 tâm Siêu thế, như sau :  10 thức + 18 đổng lực Đáo đại + 8 tâm Siêu thế.

    [20] - 12 tâm bất thiện + 8 tâm Đại thiện + 8 tâm Đại tố = 28 tâm .

    [21] - Một tên khác chỉ cho 8 tâm quả Dục giới hữu nhân.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.