BÀI 5:
1. HỎI: HÃY DỊCH ĐOẠN PĀLI TRONG ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA: “TATTHA CITTAṂ TĀVA CATUBBIDAṂ HOTI: KĀMĀVACARAṂ RŪPĀVACARAṂ ARŪPĀVACARAṂ LOKUTTARAÑCETI”. GIẢI THÍCH TỪ KĀMĀVACARA (DỤC GIỚI)?
Đoạn văn Pāli ấy có nghĩa là:
Ở đây có bốn loại tâm là: tâm Dục giới, tâm Sắc giới, tâm Vô sắc giới và tâm Siêu thế.
Giải thích:
Citta (tâm), từ ngữ căn là cint hay cit, nghĩa là suy nghĩ. Có những câu giải tự như sau:
- Ārammaṇaṃ cintetīti = cittaṃ: Tư duy (suy nghĩ) đến cảnh, gọi là tâm.
- Cinteti sampayuttadhamma etenāti = cittaṃ: Nhờ cái nào mà các pháp tương ưng (chỉ các sở hữu cùng sanh lên) nhận biết cảnh, cái ấy gọi là tâm.
- Cintanamattaṃ = cittaṃ: Chính cái biết (suy nghĩ), gọi là tâm.
Một số học giả ghi nhận rằng: Cinteti đồng nghĩa với vijānāti (biết) như Cinteti = vijānāti
Do đó tâm thường được định nghĩa là “biết đến cảnh (ārammaṇa). Như thế, nhận biết cảnh gọi là tâm.
Sự nhận biết cảnh của tâm là sự nhận biết đơn thuần, như vậy, tâm và cảnh (ārammana) xem như tách biệt nhau. Nói cách khác, tâm là khác, cảnh là khác; cảnh là đối tượng của tâm.
Mặt khác, chữ citta còn có nghĩa là đa dạng, tức là sự biết cảnh này rất đa dạng và làm cho các pháp khác trở nên đa dạng phức tạp. Như có câu giải tự sau:
Cittì karotīti = cittam: Cái nào (dhammajāti: Pháp chủng) làm đời sống chúng sanh trở nên đa dạng, pháp ấy gọi là tâm.
Thật vậy, sở dĩ chúng sanh đa dạng, có chủng loại khác nhau, đời sống sai biệt... là do sở hành hay hạnh nghiệp (thiện, bất thiện) sai biệt, sở hành sai biệt do tham ái sai biệt (rāga: tham ái), tham ái sai biệt do tâm sai biệt.
Ngay cả những đồ vật vô tri (ajīvita) như đất, nước, cây cối... trở nên đa dạng phức tạp cũng từ nơi tâm tạo tác. Như những kiểu nữ trang được hình thành do sự sáng tạo của người thợ bạc, những Hoàng cung, lâu đài mỹ diệu cũng do sự suy nghĩ của các Kiến trúc sư...
Tóm lại, nói theo bản thể, citta có ba khía cạnh:
- Có trạng thái nhận biết cảnh.
- Là nhân khiến các tâm sở cùng biết cảnh như nó.
- Làm cho những sinh vật (jīvita) hay các loại vô sinh (ajīvita) trở nên đa dạng sai biệt.
Những từ ngữ như citta, ceta, nāma, mana, viññāna là những danh từ được xem như đồng nghĩa nhau nhưng mỗi từ lại có nét khác biệt nhau.
* Nāma (danh) là chỉ những thành phần thuộc lãnh vực trừu tượng, tức là về tinh thần (nibbaṭṭika: trừu tượng).
Có hai loại Danh pháp (nāmadhamma) là danh pháp hữu vi và danh pháp vô vi.
Danh pháp hữu vi, là những thành phần trừu tượng, nhưng thành tựu do có nhân có duyên tạo tác, tức là Thọ (venadā), Tưởng (saññā), Hành (saṅkhāra) và Thức (viññāṇa).
Còn danh pháp vô vi tuy có thực tướng (lakkhaṇa), nhưng không do nhân duyên trực tiếp tạo tác, đó chính là Nípbàn, chế định.
* Viññāṇa (thức) phân tích thành vi + ñāṇa.
Vi là đặc biệt, ñāṇa là sự hiểu biết, nhận thức.
Viññāṇa là sự nhận biết (cảnh) theo nhiều cách đặc biệt, như biết cảnh sắc do mắt, biết cảnh thinh do tai, biết cảnh khí do mũi...
Gom gọn lại có sáu loại thức là: Nhãn thức (cakkhuviññāṇa), nhĩ thức (sotaviññāṇa), tỷ thức (ghānaviññāṇa), thiệt thức (jīvhaviññāṇa), thân thức (kāyaviññāṇa) và ý thức (manoviññāṇa). Được phân thành sáu loại như thế do nương vào sáu cửa (dvāra).
Một cách khác, vi nghĩa là không có, ñāṇa là trí. Tức là sự nhận thức này không có cái biết của trí tham dự, đó chỉ là cái biết đơn thuần do thức mà thôi.
Viññāṇa chỉ chung cho tất cả tâm, như câu nói viññāṇakkhandha (Thức uẩn).
Phần chính yếu ở đây là nói sự nhận biết cảnh của Thức theo cách đặc biệt, tức là sự biết này không phải do trí, không phải do tưởng.
Trong pháp Duyên khởi (paṭicca samuppāda) có ghi rằng: “Saṅkhāra paccayā viññāṇam: Hành duyên thức”. Thức ở đây chỉ cho ba mươi hai Tâm quả hiệp thế.
* Mana (ý) là chỉ cho những tâm có phận sự đổng lực (javana kicca), tức là có tính hưởng cảnh và xử sự cảnh thích ứng, ví như người có tài sản và cách sử dụng tài sản ấy.
Chính Ý (mano) này sẽ duy tồn lại hạt giống (bīja) của nghiệp tạo thành quả an lạc hay đau khổ về sau (vipāka: quả dị thục).
Như trong Dhammapāda (Pháp cú kinh) có ghi: “Mano pubbaṅgamā dhammā...Ý dẫn đầu các pháp....”(1).
Cũng có những Ý không lưu hạt giống để tạo quả dị thục, nhưng vẫn có phận sự xử sự cảnh thích ứng, như những tâm Đại hạnh (kiriyacitta) hữu nhân, tâm quả Siêu thế (lokuttarapalacitta).
Tóm lại, cả bốn từ ngữ: citta, nāma, viññāna, mana có chung một khía cạnh là nhận biết cảnh đơn thuần, nhưng cũng có khía cạnh sai khác nhau là:
- Có trạng thái đa dạng và làm cho các pháp trở nên đa dạng gọi là tâm (citta).
- Nói về lãnh vực trừu tượng thuộc tinh thần thì gọi là nāma.
- Nhận thức cảnh do nương môn khác nhau và không có sự tham dự của cái biết do tưởng hay do trí thì gọi là viññāṇa.
- Xử sự với cảnh thích ứng gọi là mana.
Kāmāvacaracitta (tâm Dục giới) khi phân tích từ được: Kāma + avacara + citta.
Kāma là dục có ba loại là:
- Kāmabhūmi (Dục giới): chỉ cho năm trần cảnh là sắc, thinh, khí, vị và xúc. Là nơi chúng sinh thọ dụng năm trần cảnh có tính khả hỷ, khả lạc, khả ái.
- Vatthukāma (vật dục): Khi năm trần cảnh tăng trưởng, trở thành đối tượng hợp ý chúng sinh, khiến chúng sinh này phát sanh phiền não, dính mắc trong trần cảnh ấy.
Tức là năm trần cảnh được gọi là vật dục khi chúng trở thành đối tượng (cảnh) của phiền não dục như mong muốn sắc đẹp, tiếng du dương...
- Kilesakāma (phiền não dục): Chỉ cho kāmataṅhā (dục ái), là sự ham muốn hưởng thụ trong cảnh ấy. Như muốn hưởng thụ sắc đẹp...
Có những câu giải tự về kāma như sau:
- Kāmetīti = kāmo.
Pháp nào là sự ham muốn trong cảnh trần, pháp ấy gọi là dục.
DỤC trong câu này chỉ cho dục ái (kāmataṅhā), là phiền não dục (kilesataṅhā).
- Kāmīyatīti = kāmo.
Pháp nào là cảnh (đối tượng) làm phát sanh dục ái (kāmataṅhā), pháp ấy gọi là dục.
DỤC trong câu này chỉ cho vật dục (vatthukāma), tức là tâm dục giới (kāmacitta) cùng tâm sở (cetasika) hợp với tâm ấy, và sắc pháp (rūpa).
- Kāmassa bhavoti = kāmo.
Cõi nào là môi trường sinh khởi cho vật dục (vattthukāma) và phiền não dục (kilesakāma).Cõi ấy được gọi là cõi dục.
Dục ở đây chỉ cho mười một cõi dục giới .
Avacara nghĩa là dạo đi, lưu chuyển, avacara là cái gì linh động, thường hiện hữu di chuyển tới lui.
Tâm dục giới là những loại tâm lưu chuyển trong cõi dục, nhận lấy cảnh trần để quến tụ phiền não. Như có câu giải tự:
- Kāme avacaratīti = kāmāvacaram.
Tâm nào thường lưu chuyển trong cõi dục, tâm ấy gọi là tâm dục giới (kāmāvacara).
Tuy thường lưu chuyển trong cõi dục, nhưng không phải tâm dục giới này chỉ đón nhận cảnh dục (kāmārammaṇa), có những loại tâm dục giới có khả năng nhận cảnh Đáo đại, cảnh chế định và cảnh Siêu thế như Ý môn hướng tâm (manodvāravajjanacitta) chẳng hạn, hay tâm đại thiện (mahākusalacitta) hợp trí, những loại tâm này có khả năng thâu bắt mọi cảnh, bất kể là cảnh dục (kāmārammaṇa), cảnh Đáo đại (mahaggatārammaṇa), cảnh Siêu thế (lokuttarārammaṇa), hay cảnh Chế định (paññatti ārammaṇa).
Cũng có những tâm chỉ đơn thuần biết cảnh dục như Ngũ song thức (dve pañcaviññāṇa), tâm Quan sát (santīraṇacitta - Suy đạt tâm), Ý giới (manodhātu), nhưng dù thâu bắt cảnh nào chăng nữa, tên của tâm ấy vẫn không thay đổi, không phụ thuôc vào cảnh mà nó nhận biết, chắc chắn nó vẫn mang tên tâm dục giới (kāmāvacaracitta), vì nhóm tâm này đa phần nhận biết cảnh dục và phổ thông cho nhiều loại chúng sanh.
Ví như người Ấn tuy biết nhiều sinh ngữ như Anh ngữ, Pháp ngữ, Đức ngữ... nhưng không phải khi nói lên tiếng Anh mà được gọi là người Anh, vẫn có tên gọi là “người Ấn”, vì người này thường xuyên nói tiếng Ấn hơn và không phải người Ấn nào cũng thông thạo nhiều sinh ngữ, tiếng Ấn phổ thông cho dân Ấn.
Cũng vậy, chỉ những trường hợp đặc biệt, tâm dục giới mới thâu bắt cảnh Đáo đại, cảnh Siêu thế, đa phần thì chúng bắt cảnh Dục. Tức là tâm bắt cảnh Đáo đại phải là người đắc chứng thiền (jhānalābhūpuggalā), đắc thông (abhiññāṇalābhūpuggalā), còn nếu nhận cảnh Siêu thế, người ấy phải là Bậc Thánh Nhân (ariyapuggalā).
Mặt khác, gọi là “thường lưu chuyển (dạo đi) trong dục giới” không phải chúng chỉ hiện hữu trong cõi dục, cũng có những loại tâm dục giới xuất hiện ở cõi Sắc, cõi Vô sắc như tâm đại thiện, tâm tham, tâm si... chẳng hạn.
Nhưng dù xuất hiện ở cõi nào chúng vẫn mang tên là tâm Dục giới. Ví như người Thái chẳng phải chỉ ở trong nước Thái, họ có thể ở nhiều nước khác trên thế giới, nhưng dù ở nước nào chăng nữa, người ấy vẫn được gọi là người Thái.
Tóm lại, tâm dục giới là tâm thường thâu bắt cảnh dục.
2. HỎI: HÃY GIẢI THÍCH TÂM (CITTA) HAY THỨC (VIÑÑĀṆA) LÀ SỰ BIẾT CẢNH ĐƠN THUẦN NHƯ THẾ NÀO?
Tuy thức hay tâm có trạng thái “biết cảnh luôn luôn”, nhưng sự biết này gọi là “đơn thuần”
nghĩa là chỉ cho sự biết này loại trừ sự biết do tưởng (saññā) và sự biết do trí (ñāṇa). Các Giáo thọ sư Anīlaṭīkā có giải rằng:
- Vijāmanaṃ nāma upaladdhi:
Luôn luôn biết cảnh bằng cách tách lìa khỏi saññā (tưởng) và paññā (trí), nên gọi là biết cảnh đơn thuần.
Trong sự nhận biết cảnh có ba cách:
1. Biết do tưởng (saññā).
2. Biết do thức (viññāṇa).
3. Biết do trí (paññā).
Gọi là “biết do tưởng”, là sự biết do nhớ lại vật, đối tượng (ārammaṇa) đã từng gặp như nhớ lại màu xanh, vàng, tròn, vuông... sự biết do tưởng cũng có khi đúng cũng có khi sai. Ví như đứa trẻ nhìn thấy vàng, nó cũng biết rằng là vàng, do nhớ lại vật có màu vàng đã từng gặp, nhưng vàng thật hay vàng giả thì nó không biết được. Đây gọi là cái biết do tưởng (saññā).
Gọi là “biết do thức”, là cái biết không cần phải nhớ lại, cũng không cần phải suy xét nhiều, cái biết tự nhiên đến. Ví như người kinh doanh vàng ngọc, trông thấy vàng là biết ngay, không cần phải nhớ lại. Cái biết này đúng nhưng không sâu.
Gọi là “biết do trí ”, là cái biết đúng theo thực tướng đối tượng, tức là sự biết rõ ràng: Đây là đối tượng tốt đẹp cần giữ lấy, cần duy trì; đây là đối tượng không tốt đẹp cần loại bỏ. Ví như người thợ bạc khi nhìn thấy vàng biết rõ ràng đấy là vàng thật hay vàng giả, có trọng lượng là bao nhiêu đây, loại vàng này thích hợp với kiểu nữ trang như vầy, như vầy hay làm thành vật dụng... Đây là cách biết do tuệ.
Cái biết của thức gọi là đặc biệt do loại trừ 2 cái biết: của tưởng và của trí.
Ý nghĩa ĐƠN THUẦN ở đây là nói đến sự biết “theo đường hướng riêng”, không liên quan gì đến tưởng và trí mặc dù vẫn có sự hiện diện của hai pháp này.
Ví như ba người cùng đi đến một thành phố, nhưng mỗi người nhận định thành phố theo hướng riêng của mình. Cũng vậy, mặc dầu có tưởng, đôi khi có trí đi chung, nhưng mỗi pháp nhận biết cảnh theo cách riêng của mình.
---
(1) - Dhp, câu 1- 2.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.