Bài 8: Vật hợp đồng (Vatthusaṅgaha)

Bài 8: Vật hợp đồng (Vatthusaṅgaha)

    ĐƯỜNG VÀO THẮNG PHÁP

    Tỳ Khưu Chánh Minh

     

    BÀI 8: VẬT HỢP ĐỒNG (VATTHUSAṄGAHA)

     

    169 - Hỏi. Vatthu là gì?

    Đáp. Vatthu xuất nguyên từ ngữ căn vas có nghĩa là “trú ngụ”.

    Vatthu có nhiều nghĩa, trước tiên là “câu truyện, sự kiện”, như Petavatthu: Ngạ quỷ sự (ngạ quỷ truyện); Vimānavatthu: Thiên cung sự (thiên cung truyện); puññakiriyavatthu: Phước nghiệp sự[35].

    - Vatthu có nghĩa là “căn bản”, như: “Catucattārīsaṃ vo, bhikkhave, ñāṇavatthūni desessāmi:

    “Này chư tỳkhưu, Ta sẽ giảng về 44 căn bản của trí” [36] .

    - Vatthu có nghĩa là “một khu vườn”, “một thửa ruộng”, “một lối đi” [37] .

    Như có Pāli: Vatthūni pamāya; bījaṃ sinehamassa nānuppavecche:

    “Sau khi ước lượng đất (vatthu); tìm hiểu được hạt giống.Không còn muốn tham ái” [38] ...

    Ở đây, theo Tạng Thắng pháp, vatthu được dùng theo thuật ngữ chuyên đề, với nghĩa là “vật”, “chỗ trú ngụ”, như vatthukāma (chỗ trú của dục; dục ở đây chỉ cho: sắc, thinh, mùi, vị và xúc).

    170 - Hỏi. Vật hợp đồng(vatthusaṅgaha) là gì? Có bao nhiêu vật?

    Đáp. Vật hợp đồng là xem mỗi vật có bao nhiêu tâm nương.

    Có tất cả sáu vật là nơi nương của tâm. Đó là: Nhãn vật, nhĩ vật, tỷ vật, thiệt vật, thân vật và ý vật.

    Có Pāli sau: Vatthusaṅgahe vatthūni nāma, cakkhu-sota-ghāna-jivhā-kāya-hadayavatthu c’āti chabbhidhāni bhavanti:

    “Vật hợp đồng, tất cả có sáu là: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và sắc trái tim (ý vật)”.(Abhs).

    171 - Hỏi. Vật và môn khác nhau ra sao?

    Đáp. Vật là nơi tâm sinh lên và nương trú, tức là tâm sinh lên và trú nơi nào, nơi đó là vật. Như Phật ngôn:

    Duraṅgamaṃ ekacaraṃ, asariraṃ guhāsayaṃ

    Yecittaṃ....

    Lao mình vào cuộc hành trình xa xôi dịu vợi, đó đây đơn độc, không thể xác, nằm trong hang (guhāsaya: chỉ cho ý vật). Đó là tâm..” [39] . (Ô. Phạm Kim Khánh dịch).

    Còn môn là “cửa” để cảnh đi vào.

    Tuy môn và vật có cùng chi pháp, nhưng cách dụng khác nhau.

    Ví như nước có nhiều cách sử dụng khác nhau như: dùng để uống, dùng để tắm, dùng để tẩy rửa...

    172 -Hỏi. Nhãn vật (cakkhuvatthu) ra sao? Tâm nào trú ở nhãn vật?

    Đáp. Nhãn vật còn gọi là “thần kinh Nhãn”; không phải là “mắt thịt” (maṃsacakkhu).

    Thần kinh Nhãn tinh chất của tứ đại, là cơ quan thâu bắt cảnh sắc.

    Thần kinh Nhãn nằm bên trong “con mắt thịt”, có hình dáng như đầu con chí.

    Chi pháp Nhãn vật là thần kinh Nhãn.

    Tâm sinh lên và trú nơi Nhãn vật là 2 tâm Nhãn thức.

    173 - Hỏi. Nhĩ vật (sotavatthu) ra sao? Tâm nào trú ở Nhĩ vật?

    Đáp. Nhĩ vật còn gọi là thần kinh Nhĩ, là tinh chất của tứ đại, là cơ quan thu bắt cảnh thinh.

    Thần kinh Nhĩ không phải là lỗ tai, thần kinh Nhĩ nằm sâu trong lỗ tai, có hình như lông cừu.

    Chi pháp của Nhĩ vật là thần kinh Nhĩ.

    Tâm sinh lên và trú nơi Nhĩ vật là 2 tâm Nhĩ thức.

    174 - Hỏi. Tỷ vật (ghānavatthu) ra sao? Tâm nào trú ở Tỷ vật?

    Đáp. Tỷ vật còn gọi là thần kinh Tỷ, là tinh chất của tứ đại, là cơ quan thu bắt cảnh mùi.

    Thần kinh Tỷ không phải là lỗ mũi, thần kinh Tỷ nằm bên trong mũi có hình giống móng chân con dê.

    Chi pháp của Tỷ vật là thần kinh Tỷ.

    Tâm sinh lên và trú nơi tỷ vật là 2 tâm Tỷ thức.

    175 - Hỏi.Thiệt vật (jivhāvatthu) ra sao? Tâm nào trú ở Thiệt vật?

    Đáp. Thiệt vật còn gọi là thần kinh Thiệt, là tinh chất tứ đại, là cơ quan thu bắt cảnh vị.

    Thần kinh Thiệt không phải là lưỡi, thần kinh Thiệt nằm trong lưỡi có hình thức như đầu lông nhím.

    Chi pháp của Thiệt vật là thần kinh Thiệt.

    Tâm sinh lên và trú ở thần kinh Thiệt là 2 tâm Thiệt thức.

    176 - Hỏi.Thân vật (kāyavatthu) ra sao? Tâm nào trú ở Thân vật.

    ĐápThân vật còn gọi là thần kinh Thân, là tinh chất của tứ đại có khắp châu thân không có vị trí nhất định, là cơ quan thu bắt cảnh xúc.

    Thần kinh Thân không phải là thân, thần kinh Thân không có hình thức nhất định.

    Chi pháp của Thân vật là thần kinh Thân.

    Tâm sinh lên và trú ở thần kinh thân là 2 tâm Thân thức.

    177 -  Hỏi. Ý vật ra sao? Tâm nào trú ở Ý vật?

    ĐápHadayavatthu được dịch là “ý vật”. Ngài Anuruddha (tác giả bộ Abhidhammasaṅgaha) cho rằng “là một số máu trong ngần ở chót trái tim”.

    Thuyết “ý vật là “sắc trái tim – hadaya” được chấp nhận rộng rải trong thời Đức Phật, và thuyết này được sự hổ trợ của Upanishad (Cận tọa thư). Đức Phật không phản đối cũng không chấp nhận.

    Chính trong bộ Pháp tụ (Dhammasaṅgani) danh từ hadayavatthu không tìm thấy.

    Trong bộ Paṭṭhāna thay vì dùng chữ hadaya vatthu, Đức Phật dùng “yaṃ rūpaṃ nissāya- nghĩa là “tâm nương nương ở sắc nào, đó là vật (vatthu)”, đồng thời Ngài cũng không nêu lên thuyết mới là “bộ não” như các nhà khoa học  [40] .

    Chi pháp của Ý vật là sắc Ý vật.

    Ngoài năm đôi thức, tất cả tâm còn lại trú ở sắc ý vật.

    178 - Hỏi. Sáu vật phân bố theo cõi ra sao?

    ĐápTrong cõi Dục giới có đủ sáu vật, trong cõi Sắc giới hữu tưởng có 3 vật là : Nhãn vật, Nhĩ vật và Ý vật.

    Trong cõi Vô tưởng và cõi Vô sắc không có vật nào.

    Tuy trong Dục giới có đủ 6 vật, nhưng có một số chúng sinh trong cõi này không đủ 6 vật, đó là những chúng sinh bị khuyết tật mắt, tai, mũi... nhưng Ý vật phải có.

    Có Pāli như sau: Tāni kāmaloke sabbāni pi labbhanti: Ở Dục giới tất cả (sáu vật) đều có.

    Rūpaloke pana ghānādittayaṃ natthi: Ở Sắc giới không tìm thấy 3 (vật) [41] .

    Arūpaloke pana sabbāni pi na samvijjhanti: õi Vô sắc giới không có vật nào cả”(Abhs)

    179 - Hỏi. Tâm nào trú vật nhất định? Tâm nào trú vật bất định? Những tâm nào không nương trú ở vật.

    Đáp. Những tâm nào chỉ có trong cõi ngũ uẩn, nhưng tâm ấy trú nơi vật nhất định.

    Những tâm nào lưu chuyển trong ba cõi, những tâm ấy trú nơi vật bất định.

    Những tâm nào chỉ có trong cõi Vô sắc giới thì không trú vật.

    Trú vật nhất định.

    *-  Mỗi đôi thức trong năm đôi thức nương trú vật nhất định theo tương ứng.

    *- 25 tâm = 2 tâm sân + 3 ý giới + 3 tâm Quan sát + tâm Sinh tiếu+ 15 tâm Sắc giới + tâm Sơ đạo, trú ở sắc ý vật nhất định.

    Trú vật bất định.

    *- 70 tâm = 8 tâm tham + 2 tâm si + tâm Hướng ý môn + 8 đại thiện + 8 đại tố + 4 thiện Vô sắc + 4 Tố vô sắc + 35 tâm Siêu thế (trừ 5 tâm Sơ đạo), trú sắc ý vật bất định.

    *- Bốn tâm quả Vô sắc không trú vật.

    Dứt vật hợp đồng.

    -ooOoo-

     

    [35] - A.iv, 241 . Pháp 8 chi, kinh Phước nghiệp sự (puññakiriyavatthusuttaṃ)

    [36] - S.ii, 56. Phẩm Kalara - Vị Sátđếlỵ ; kinh Những căn bản của trí (ñāṇavatthusuttaṃ).

    [37] - Đại trưởng lão Nārada (Ô. Phạm Kim Khánh dịch), Vi diệu pháp toát yếu; tr.235.

    [38] - Sn, 2o9. Kinh Ẩn sĩ (Munisuttaṃ)

    [39] - Dhp. Câu 37,

    [40] - Xem: Đại trưởng lão Nārada (Ô. Phạm Kim Khánh dịch)- Vi diệu pháp toát yếu; tr.237. 

    [41] - Là : Tỷ vật, thiệt vật và thân vật.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.