Đức-Pháp dịch từ danh từ Pāḷi Dhamma, trong phần này nghĩa là Chánh-pháp (Saddhamma) mà Đức-Thế-Tôn đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, hoàn hảo phần giữa, hoàn hảo phần cuối, đầy đủ ý nghĩa, văn chương trong sáng thanh-tịnh. Chánh-pháp có 10 pháp là:
– Pháp-học Chánh-pháp (Pariyattidhamma).
– 9 pháp siêu-tam-giới (Navalokuttaradhamma).
Pháp-Học Chánh-Pháp
Pháp-học Chánh-pháp là lời giáo huấn của Đức-Phật Gotama gồm có Tam-Tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi.
Chuyển-Pháp-Luân đầu tiên
Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian vào canh chót đêm rằm tháng tư, đồng thời Đức-Pháp cũng xuất hiện cùng một lúc ấy, còn Đức-Tăng chưa xuất hiện.
Vào ngày rằm tháng 6, sau khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian tròn đúng 2 tháng, lần đầu tiên Đức-Phật Gotama thuyết giảng bài kinh Dhammacak-kappavattanasutta: Kinh Chuyển-Pháp-Luân tế độ nhóm 5 tỳ-khưu: Ngài Trưởng-lão Koṇḍañña trưởng nhóm, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji tại vườn phóng sinh nai tên gọi Isipatana gần kinh-thành Bārāṇasī.
Khi ấy, mặt trời sắp lặn hướng Tây, mặt trăng vừa ló dạng hướng Đông, Đức-Phật Gotama thuyết giảng bài kinh Dhammacakkappavattanasutta: Kinh Chuyển-Pháp- Luân này.
Bài Kinh Chuyển-Pháp-Luân (Dhammacakkappavattanasutta) (1)
Ý nghĩa kệ khai Kinh Chuyển-Pháp-Luân
“Bhikkhūnaṃ pañcavaggīnaṃ …”
Vị Đại-Phạm-thiên Sa-ham-pa-ti,
Thỉnh cầu Đức-Phật, thuyết pháp độ sinh,
Đức-Phật đại bi nhận lời thỉnh cầu.
Thuyết pháp giảng giải pháp tứ Thánh-đế,
Chánh-pháp cao thượng chứng ngộ
Niết-bàn Tế độ chúng-sinh, nhóm năm tỳ-khưu
Tại khu rừng rậm, nơi phóng sinh nai
Tên gọi là I-si-pa-ta-na,
Mong sự lợi ích cho toàn chúng-sinh,
Lắng nghe bài kinh Chuyển-Pháp-Luân này,
Thành tựu kết quả cõi người, cõi trời,
Niết-bàn tịch tịnh an-lạc tuyệt đối.
Nay chúng tôi tụng kinh Chuyển-Pháp-Luân.
Ý nghĩa bài Kinh Chuyển-Pháp-Luân
Lời Ngài Trưởng-lão Ānanda bạch với Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa rằng:
– “Evaṃ me sutaṃ…”
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa khả kính, con là Ānanda được nghe bài kinh Chuyển-Pháp-Luân từ Đức-Thế-Tôn như vầy:
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại khu rừng phóng sinh nai, gọi là Isipatana, trước kia Chư Phật Độc-Giác thường ngự xuống. Tại đây, Đức-Thế-Tôn gọi nhóm 5 tỳ-khưu là Ngài Trưởng-lão Koṇḍañña, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji mà dạy rằng:
2 Pháp thấp hèn (Dve antā)
– Này chư tỳ-khưu! Có 2 pháp cực đoan thuộc về hai biên kiến mà bậc xuất-gia không nên hành.
Hai pháp ấy như thế nào?
– Một là việc thường thụ hưởng khoái lạc trong ngũ dục do tâm tham-ái hợp với thường-kiến, là pháp thấp hèn của hạng phàm-nhân trong đời, không phải là pháp-hành của bậc Thánh-nhân, không đem lại lợi ích an-lạc.
– Hai là việc thường tự ép xác hành khổ mình do tâm sân và có đoạn-kiến, thuộc pháp-hành khổ-hạnh của ngoại đạo, không phải là pháp-hành của bậc Thánh-nhân, không đem lại lợi ích an-lạc.
Pháp-hành Trung-đạo (Majjhimapaṭipadā)
– Này chư tỳ-khưu! Không thiên về hai biên kiến ấy, Như-Lai đã hành theo pháp-hành trung-đạo, nên đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế bằng trí-tuệ siêu-tam-giới, làm cho tuệ-nhãn phát sinh, trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới phát sinh, để làm vắng lặng mọi phiền-não, làm cho trí-tuệ siêu-tam-giới phát sinh chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn.
– Này chư tỳ-khưu! Thế nào gọi là pháp-hành trung-đạo mà Như-Lai đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế bằng trí-tuệ siêu-tam-giới, làm cho tuệ-nhãn phát sinh, trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới phát sinh, để làm vắng lặng mọi phiền-não, làm cho trí-tuệ siêu-tam-giới phát sinh chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn.
– Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành trung-đạo đó chính là Thánh-đạo hợp đủ 8 chánh cao thượng là: chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định.
– Này chư tỳ-khưu! Nhờ pháp-hành trung-đạo là Thánh-đạo hợp đủ 8 chánh cao thượng này, mà Như-Lai đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế bằng trí-tuệ siêu- tam-giới, làm cho tuệ-nhãn phát sinh, trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới phát sinh, đã làm vắng lặng mọi phiền- não, làm cho trí-tuệ siêu-tam-giới phát sinh chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả, Niết-bàn.
Ghi Chú
1 Bộ Saṃ, Mahāvagga, kinh Dhammacakkappavattanasutta.