Bài pháp đầu tiên

Bài pháp đầu tiên

    HIỂU BIẾT TRỌN VẸN

    Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng

    Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính

    Sư Khánh Hỷ soạn dịch

    02. BÀI PHÁP ĐẦU TIÊN

    Sau khi Đức Phật đã giác ngộ vào ngày rằm tháng tư. Đức Phật để bảy tuần ngồi dưới cây bồ đề và khu vực quanh đó để nhập định hưởng quả an tịnh Niết Bàn. Đến tuần lễ thứ tám, Ngài nghĩ đến việc dạy Giáo Pháp. Ngài quyết định dạy pháp cho năm người đệ tử đầu tiên của Ngài. Năm thầy Kondañña (Kiều Trần Như) lúc ấy đang ở một nơi khá xa chỗ Ngài giác ngộ. Theo chú giải, Đức Phật đi bộ đến gặp năm thầy vào ngày rằm tháng sáu. Vào đêm hôm đó Ngài bắt đầu thuyết pháp dạy năm thầy Kiều Trần Như. Bởi vì đây là bài pháp đầu tiên của Đức Phật, nên bài pháp này rất quan trọng đối với Phật Tử chúng ta. Tôi sẽ giới thiệu và phân tích bài pháp đầu tiên này.

    Trong phần mở đầu bài pháp, Đức Phật dạy: “Những kẻ xuất gia không theo hai thái cực” Ngài dạy các thầy tránh hai thái cực, đó là: hưởng thụ dục lạc và ép xác khổ hạnh. Tiếp theo, Ngài dạy thực hành Trung đạo.

    Đức Phật đã giác ngộ, đã tìm ra Trung đạo. Ngài đã thực hành Trung đạo và trở thành một vị Phật. Đức Phật muốn năm đồ đệ của mình học và thực hành theo Ngài. Một số các bạn ở đây đã biết thực hành Trung đạo. Bát Chánh Đạo và Trung đạo là một. Đức Phật cũng dạy Tứ Diệu Đế hay bốn chân lý cao thượng, bốn sự thật tuyệt đối. Thật ra Bát Chánh Đạo là phần thứ tư của bốn chân lý cao thượng này.

    Cuối bài giảng về Tứ Diệu Đế, Kondañña, người học trò lớn nhất trong nhóm năm người đắc Tu Đà Hoàn, tầng giác ngộ thứ nhất. Chư thiên hoan hỉ với bài pháp của Đức Phật và với sự thành tựu của thầy Kondañña. Bốn người học trò còn lại đắc quả Tu Đà Hoàn trong những ngày kế tiếp.

    Ngày thứ năm Đức Phật giảng giải cho năm thầy Kiều Trần Như kinh vô ngã tướng (Anatta-lakkhana). Sau khi bài pháp chấm dứt, cả năm thầy Kondañña (Kiều Trần Như) đều đắc quả A La Hán. Bài pháp đầu tiên này được giảng dạy vào ngày rằm tháng sáu âm lịch. Đây là ngày khởi đầu ba tháng nhập hạ của Chư Tăng. Tôi muốn giảng bài pháp vào khóa thiền đầu hạ này.

    Mở đầu bài pháp, trước tiên Đức Phật dạy: người xuất gia phải tránh hai thái cực, và phải thực hành trung đạo.

    Tại sao người xuất gia phải tránh hai thái cực và thực hành trung đạo ?

    Muốn hiểu điều này chúng ta phải trở lại đời sống Đức Phật trước và sau lúc Ngài xuất gia.

    1. ĐỜI SỐNG CỦA BỒ TÁT SIDDHATTA TRƯỚC KHI XUẤT GIA

    Như chúng ta đã biết vào kiếp cuối Bồ Tát là một hoàng tử, Ngài có tên là Siddhatta (Sĩ Tất Đạt Đa). Phụ thân Ngài là vua Suddhodhana (Tịnh Phạn), mẫu thân Ngài là hoàng hậu Mahā māyā. Bảy ngày sau khi sinh thái tử, hoàng hậu Māyā. Ngài được nuôi dưỡng bởi mẹ kế vừa là dì ruột là bà Pajāpati Gotamī.

    Đức Phật không nói nhiều về chính mình, nhưng chúng ta có thể biết được đời sống của Ngài qua những bài pháp mà Ngài đã giảng.

    Trong một bài pháp, Ngài cho biết phụ thân Ngài đã xây dựng cho Ngài ba lâu đài, một cho mùa đông, một cho mùa hạ, một cho mùa mưa. Ba tòa lâu đài này được xây dựng theo từng mùa để Ngài cư ngụ. Bởi vì xứ Ấn Độ chia làm ba mùa, Ngài sống trong mỗi lâu đài thích hợp cho từng mùa trong năm.

    Ngài đã sống một đời sống xa hoa của một vị hoàng tử. Hàng ngày những cô gái đẹp thay phiên nhau ca múa giúp vui. Ngài lập gia đình và có một người con là Rāhula. Chú giải nói rằng Ngài kết hôn vào năm mười sáu tuổi và Ngài xuất gia vào năm hai mươi chín tuổi. Trong mười ba năm, Ngài đã hưởng thụ đầy đủ một đời sống xa hoa.

    Theo chú giải, Bồ Tát không nhớ đến sứ mạng của mình, Ngài chìm đắm trong việc hưởng thụ dục lạc thế gian. Thế nên, những vị trời quyết định không chờ đợi lâu hơn nữa, phải nhắc nhở Ngài. Bởi thế, trên đường hoàng tử dạo chơi trong vườn Thượng Uyển, các vị trời đã cho Ngài thấy bốn dấu hiệu lớn:

    Một người già, một người bệnh, một tử thi, và một người xuất gia.

    Trong cuộc sống, Ngài chưa bao giờ thấy một người già, một người bịnh, một tử thi hay một kẻ xuất gia. Ngài đã hỏi người đánh xe ngựa về những điều mà Ngài đã gặp và biết được người già, người bệnh, người chết và Nhà Sư.

    Tại sao Bồ Tát Siddhatta chẳng hiểu gì về cảnh già, đau, chết và người xuất gia ?

    Bởi vì phụ thân Ngài không muốn Ngài trở thành một vị Phật, một người ẩn dật, sống đời sống của kẻ không nhà. Phụ thân Ngài muốn con mình trở thành một vị chuyển luân thánh vương. Bởi thế, vua cha đã an bài mọi việc để cho thái tử Siddhatta không thấy được cảnh già, bệnh, chết v.v... Không cho thái tử thấy những cảnh này để thái tử an tâm hưởng thụ đời sống dục lạc và trở thành một vị vua cai trị tòan thế giới.

    Các vị trời đã phá hỏng kế hoạch của nhà vua khi cho thái tử thấy rõ cảnh tượng người già, người bịnh, người chết và một vị đạo sĩ. Là con người thì Ngài không thể nào thóat khỏi già, đau và chết. Nhưng khi thấy một vị ẩn sĩ đang ngồi dưới gốc cây hành thiền, Ngài rất vui với đời sống của một nhà tu. Ngài quyết định: "Mình phải sống như một ẩn sĩ". Ngài biết rằng muốn trở thành một nhà tu thì Ngài phải từ bỏ đời sống thế gian, từ bỏ cung điện, cha mẹ, vợ, con v.v... Rồi thì tin tức đến cho Ngài biết rằng: Ngài vừa có một đứa con. Đối với người thường thì đây là một tin mừng, nhưng đối với Siddhatta, đây là một tin buồn. Ngài không vui và nói rằng: “Rāhu” đã sinh ra (Rāhu, tiếng Pāḷi, có nghĩa là “ràng buộc”).

    Ngài đánh giá con là một sự ràng buộc. Ngài thấy rằng có một đứa con khiến Ngài khó khăn hơn trong việc từ bỏ đời sống thế tục. Vua Suddhodana khi nghe được Siddhatta thốt lên chữ “Rāhu” bèn đặt tên cho cháu nội của mình là Rāhula, có nghĩa là ràng buộc, vì muốn con sẽ ràng buộc thái tử khiến Ngài không thể rời bỏ đời sống gia đình được.

    Ngay trong đêm người con sinh ra đời, Thái tử Siddhatta quyết định rời bỏ thế gian. Ngài không muốn gặp, không muốn thấy đứa bé mới sinh và vợ vì ngại rằng khi nhìn thấy vợ con Ngài sẽ động tâm mà quên đi mục đích cao thượng của mình. Nửa đêm hôm ấy, Ngài ra khỏi kinh thành, vào rừng, cắt tóc, mặc y và trở thành ẩn sĩ.

    2. ĐỜI SỐNG CỦA BỒ TÁT SIDDHATTA SAU KHI XUẤT GIA

    2.1. Bồ Tát Siddhatta tìm thầy học đạo

    Ngài từ khước tất cả để tìm ra con đường bất tử, chấm dứt đau khổ. Ngài đi tìm thầy học đạo. Người đầu tiên Ngài gặp là Ālāra Kālāma, một vị thầy nổi tiếng thông thái, sống trong rừng và dạy học trò hành thiền.

    Alāra Kālāma đạt được tầng thiền vô sắc thứ ba. Bồ Tát đến gặp Alāra Kālāma và yêu cầu vị này dạy thiền cho mình.

    Có bốn hay năm tầng thiền hữu sắc và bốn tầng thiền vô sắc. Sau khi đạt các tầng thiền hữu sắc, thiền sinh tiếp tục hành thiền để đạt các tầng thiền vô sắc.

    Tầng Thiền (Jhāna) là trạng thái cao sâu của định tâm, thiền sinh chỉ đạt được các tầng thiền khi có định tâm mạnh mẽ. Alāra Kālāma dạy cho Siddhatta đến tầng thiền vô sắc thứ ba. Chẳng bao lâu Siddhatta đạt được tầng thiền thầy đã dạy. Sau khi đạt tầng thiền này và sống với thầy một thời gian, Bồ Tát kết luận rằng: Dù đây là một tầng thiền cao, nhưng vẫn không dẫn đến sự chấm dứt đau khổ.

    Siddhatta hỏi Ālāra Kālāma có thể dạy cho mình tầng thiền cao hơn nữa không?

    Vị thầy trả lời:

    Những gì ta biết thì bạn cũng biết, và những gì bạn biết thì ta cũng biết. Bạn là người rất thông minh. Hãy cùng ta hướng dẫn nhóm học trò này”.

    Có thể Siddhatta ở lại với thầy một thời gian, nhưng sau đó đã từ giả thầy ra đi. Bởi vì cái mà Siddhatta muốn tìm không phải là tầng thiền này mà là phương pháp thực hành để chấn dứt mọi đau khổ.

    Về sau Bồ Tát gặp một vị thầy khác tên là Udaka con của Rāma. Udaka có thể hiểu biết hay có thể hướng dẫn để đạt tầng thiền vô sắc thứ tư. Mặc dầu chỉ có phụ thân của Udaka đắc tầng thiền vô sắc thứ tư, nhưng Udaka có thể biết cách thực hành để đạt tầng thiền này. Với lời chỉ dẫn của Udaka, Bồ Tát thực hành và đắc tầng thiền vô sắc cuối cùng. Mặc dầu đây là tầng thiền cao nhất, nhưng Bồ Tát vẫn không thỏa mãn với tầng thiền này bởi vì đây vẫn chưa phải là mục đích tìm kiếm của Ngài. Mục đích tìm kiếm tối thượng của Bồ Tát là giải thóat khỏi mọi đau khổ. Udaka muốn Bồ Tát ở lại làm thầy để dạy dỗ đám học trò, nhưng Bồ Tát vẫn rời bỏ vị thầy thứ hai này để tìm đường giải thoát.

    2.2. Bồ Tát Siddhatta thực hành tu khổ hạnh

    Sau khi rời bỏ vị thầy thứ hai, Bồ Tát đi theo hướng của mình. Bồ Tát đến một khu rừng đẹp đẽ, an tịnh, tĩnh lặng, nơi đây có một con sông nhỏ nước trong veo, và cách đó không xa là một ngôi làng nhỏ. Vào thời bấy giờ, người ta chọn lối tu khổ hạnh. Bồ Tát quyết định ở lại chỗ này để thực hành khổ hạnh. Bồ Tát nghĩ rằng: thực hành khổ hạnh, tu ẩn cư là phương pháp rất đúng đắn có thể dẫn đến giải thoát. 

    Ngài không có thầy dạy nên chỉ thực hành những gì mà Ngài nghĩ là đúng. Lúc đó phương pháp khổ hạnh được nhiều người tán dương, người ta nghĩ rằng chỉ có khổ hạnh mới có thể dẫn đến giải thóat khỏi đau khổ. Thế là, Ngài ở lại nơi đây để thực hành khổ hạnh.

    Trong Trung bộ kinh có ghi lại rằng: Trước tiên Ngài dùng tâm để đè nén tư tưởng, có thể là đè nén tâm lang bạc. Nhưng thực hành theo cách này, Ngài chỉ thấy khổ sở, khó chịu vì đau đớn. Ngài đã cố gắng ngăn chận không cho tâm mình vọng động nhưng làm như thế Ngài chỉ thấy đau khổ mà mà không đạt được gì cả. Đây là điều mà chính Ngài đã nhắc lại trong kinh điển về sau.

    Theo Ngài Mahasi, mặc dầu Đức Phật đã diễn tả thời kỳ Ngài nỗ lực loại trừ vọng tâm trong lúc hành thiền khổ hạnh, với phương pháp loại trừ vọng tâm sau này bằng những chữ giống nhau, nhưng phương pháp loại trừ của Bồ Tát áp dụng vào lúc hành khổ hạnh khác với phương pháp loại trừ vọng tâm mà Ngài đã dạy sau khi Ngài thành Phật.

    Nếu việc thực hành của Ngài lúc hành khổ hạnh là đúng đắn, thì trong lúc hành khổ hạnh Ngài đã thành Phật rồi. Vậy đây là một phương pháp loại trừ vọng tâm không đúng như sau này Đức Phật đã nói trong các kinh điển.

    Lúc hành khổ hạnh, trước tiên Ngài cố gắng đè nén tâm mình, đè nén sự suy nghĩ của mình. Tiếp sau đó Ngài cố gắng kiểm soát hơi thở bằng cách tiết chế hơi thở. Ngài không thở bằng mũi cũng không thở bằng miệng. Ngài nghĩ làm như thế là loại trừ được vọng tâm. Nhưng khi kềm hơi thở như thế Ngài cảm thấy thân thể rất đau đớn. Ngài cảm thấy hơi chạy ra khỏi lổ tai, nghe những tiếng gầm gừ như sấm dội. Ngài bèn bịt luôn lỗ tai; gió lại chạy ngược lên đầu. Ngài cảm thấy như có ai dùng kim chích xuyên qua đầu, như có ai quấn một sợi dây bằng da vào đầu và siết mạnh. Ngài vô cùng đau đầu khi thực hành phương pháp nín thở này. Về sau Ngài quyết định nhịn ăn, không dùng một chút thực phẩm nào. Lúc bấy giờ, một số các vị trời đến nói với Ngài:

    Nếu Ngài không ăn uống gì thì chúng tôi sẽ rót thực phẩm cõi trời vào những lỗ trên cơ thể Ngài ”.

    Bồ Tát trả lời: 

    Nếu ta nhịn đói mà chấp nhận để cho các vị đưa chất bổ dưỡng vào trong cơ thể như vậy là ta đã nói dối. Ta sẽ không nhịn ăn hoàn toàn nữa”.

    Bồ Tát không nhịn ăn hoàn toàn, nhưng giảm thức ăn xuống. Cuối cùng, mỗi ngày Ngài chỉ dùng một nắm đậu. Khi bắt đầu giảm thức ăn xuống, cơ thể Ngài trở nên ốm yếu, mắt sâu thóp vào trong như hai đáy giếng, những bắp thịt sau lưng khô lại nên các khớp xương lòi ra. Chắc các bạn đã thấy bức tranh Bồ Tát khi thực hành khổ hạnh với những khớp xương lòi ra và Ngài không còn có bụng. Ngài nói rằng: “Khi ta muốn sờ vào bụng thì ta sờ trúng xương sống, khi ta muốn sờ lưng thì ta sờ trúng bụng.” Ngài rất ốm và khô héo. Da Ngài biến thành đen sậm. Thấy Ngài như vậy, người ta nói rằng: “Siddhatta là người da đen”. Thật ra, theo kinh điển ghi lại thì da tự nhiên của Ngài có màu vàng ròng hay màu vàng. Khi đi tiểu tiện, Ngài cảm thấy rất đau đớn đến nỗi Ngài ngã xuống đất. Nhưng Ngài vẫn kiên trì thực hành khổ hạnh với kỳ vọng sẽ giác ngộ, giải thóat. Có thể Ngài đã thực hành sáu năm trong rừng. Sau sáu năm thực hành khổ hạnh như vậy Ngài tự nghĩ:

    Ta đã thực hành khổ hạnh như thế này nhiều năm, những người đã thực hành khổ hạnh trước đây, những vị Bà la môn, những ẩn sĩ... không ai có thể thực hành khổ hạnh hơn ta bây giờ, những người thực hành khổ hạnh trong tương lai cũng không có ai có thể thực hành được như ta, những người thực hành khổ hạnh trong hiện tại cũng không có ai có thể thực hành như ta. Do lối thực hành này ta đã đau khổ rất nhiều mà chẳng có chút tiến bộ nào. Có thể sự thực hành của ta là sai lầm. Chắc có lối thực hành nào khác để đạt sự giác ngộ”.

    2.3. Bồ Tát Siddhatta nhận ra sai lầm và thay đổi phương pháp thực hành

    Khi ôn lại sự thực hành của mình và biết chúng sai lầm, Ngài nhớ lại một sự kiện đầu tiên trong đời Ngài. Đó là lúc Ngài được một, hai tháng tuổi vào lễ hạ điền. Lúc bấy giờ vua Tịnh Phạn tham dự lễ hạ điền.

    Trong buổi lễ, nhà vua cùng với triều thần cày những nhát cày đầu tiên để khích lệ dân chúng nông thôn. Khi nhà vua đến dự lễ, Thái tử Sĩ Đạt Ta cũng được đem theo. Thái tử được các cô bảo mẫu trông nom và được đặt trong nôi dưới những cây táo hồng. Những cây táo hồng được rào quanh và bảo vệ.

    Trong buổi lễ có ca hát, nhảy múa, hội hè vui chơi, và nhà vua cũng tham gia vào các lễ hội này. Các cô bảo mẫu muốn đi xem lễ hội nên để Bồ Tát nằm một mình dưới cây táo hồng, nghĩ rằng Bồ Tát đang nằm ngủ. Các cô say mê với các trò chơi nên quên mất thái tử. Một lúc lâu sau các cô mới chợt nhớ là đã để cậu bé một mình dưới cây táo bèn vội vã trở về. Lúc trở lại chỗ đặt Bồ Tát nằm, các cô rất ngạc nhiên thấy Bồ Tát đang ở tư thế ngồi thiền. Bồ Tát đang ở tầng thiền thứ nhất.

    Kinh điển ghi lại rằng: Khi Bồ Tát không thấy ai bên cạnh, Ngài bèn ngồi dậy và ngồi xếp bằng, rồi quán sát hơi thở ra vào, chẳng bao lâu sau, Bồ Tát đạt được tầng thiền thứ nhất. Thật là điều khó tin và khó xảy ra cho một đứa bé hai ba tháng tuổi hành thiền đạt được tầng thiền thứ nhất. Nhưng khi nghĩ đến vô lượng Ba la mật mà Bồ Tát đã tích lũy trong những kiếp trước: tôi nghĩ rằng, chuyện này không thể không làm được.

    Thấy Bồ Tát đang ngồi thiền, các cô bảo mẫu rất kinh ngạc bèn đến tường trình cho nhà vua. Nhà vua vội vã đến nơi. Thấy con mình ngồi trong tư thế như vậy, nhà vua quỳ xuống đảnh lễ và nói rằng: 

    "Đây là lần thứ hai ta đảnh lễ ngươi”.

    Lần đầu tiên nhà vua đảnh lễ con mình khi Bồ Tát sinh ra chưa được bao lâu. Khi nghe tin thái tử ra đời, một vị đạo sĩ cố vấn cho nhà vua đến thăm. Nhà vua cho người bồng đứa trẻ ra, xoay cậu bé về hướng đạo sĩ để đảnh lễ, nhưng trước sự ngạc nhiên của mọi người, cậu bé xoay mình trở lại và đặt hai chân lên đầu của vị đạo sĩ. Vị đạo sĩ bèn đảnh lễ đứa bé, và nhà vua cũng đảnh lễ theo.

    Bồ Tát nhớ lại hiện tượng xảy ra dưới gốc cây táo hồng, và Ngài nhớ rằng, lúc bấy giờ Ngài đạt được sự thanh tịnh và hạnh phúc vô cùng. Ngài tự nghĩ: phải chăng hành thiền là đường lối tốt nhất để đạt được sự giải thóat, Ngài lại tự hỏi:

    Ngươi có sợ phải cố gắng hành thiền lại không?”.

    Câu trả lời là: “Không”.

    Thế là Ngài quyết định thực hành phương pháp niệm hơi thở, để đạt đến các tầng thiền. Nhưng lúc bấy giờ cơ thể Ngài rất gầy còm, ốm yếu. Ngài yếu đến nỗi không thể hành thiền trong các điều kiện như vậy. Thế là Ngài quyết định dùng thực phẩm trở lại.

    Khi Bồ Tát thực hành khổ hạnh, có năm thầy đạo sĩ làm học trò hỗ trợ cho Ngài. Một trong năm vị đó là Bà la môn Kondañña, trước đây đã tiên đoán Siddhata sẽ trở thành Phật. Khoảng bảy ngày sau khi thái tử được sinh ra, tám vị Bà la môn nổi tiếng được mời vào cung điện để thăm, đặt tên, và tiên đoán tương lai cho thái tử. Có bảy vị đưa lên hai ngón tay tiên đoán rằng:

    Thái tử sau này, nếu làm vua sẽ trở thành một vị Chuyển Luân Thánh Vương, nếu xuất gia sẽ trở thành một vị Phật.”

    Nhưng vị Bà la môn trẻ nhất trong tám vị, chỉ đưa lên một ngón tay, và nói rằng:

    Người sinh ra với những dấu hiệu như thái tử chắc chắn sẽ trở thành một vị Phật. Thái tử sẽ không sống trong cung điện. Thái tử chắc chắn sẽ thành Phật”.

    Một thời gian sau Kondañña ( Kiều Trần Như), vị bà la môn trẻ tuổi, rủ các vị đạo sĩ cùng minh vào rừng tu niệm. Và năm vị Bà La Môn vào rừng trở thành các đạo sĩ ẩn cư. Đó là năm vị học trò đã săn sóc Bồ Tát trong rừng. 

    Năm vị đạo sĩ chờ mong Bồ Tát trở thành Phật để có thể giúp đỡ các ông dễ dàng giác ngộ. Khi Bồ Tát hành khổ hạnh, năm thầy rất thán phục, và họ nghĩ rằng đó là phương pháp đúng đắn dẫn đến giác ngộ. Bởi vậy, khi Sĩ Đạt Ta quyết định ăn uống trở lại như thường, họ lấy làm thất vọng. Họ nghĩ rằng Sĩ Đạt Ta đã thất bại, đã bỏ phương pháp thực hành tốt đẹp và trở lại đời sống xa hoa. Họ nghĩ rằng chỉ ăn đồ ăn trong rừng cũng là sống đời sống xa hoa. Thế là họ quyết định rời Siddhatta, đến ở một nơi gần thành phố Baranasi. 

    Siddhatta còn lại một mình. Ngài ăn uống bình thường trở lại. Sau mười lăm ngày, Siddhatta có đủ sức khoẻ để hành thiền. Vào ngày rằm tháng tư, lúc Siddhatta đang ngồi dưới cội cây bồ đề, một thiếu nữ tên là Sujātā cùng cô tớ gái đem cơm sữa đến dâng cúng cho Ngài. Nguyên trước đây, Cô Sujātā thường đến đứng dưới cội cây lớn và ước nguyện với vị thần cây: “Nếu tôi lấy được một người chồng có cùng giai cấp, và sinh con đầu lòng là trai, tôi sẽ cúng Ngài một bữa ăn thịnh soạn”.

    Không biết có phải nhờ quyền lực của vị thần cây hay không mà cô đã có một người chồng cùng giai cấp và có con đầu lòng là trai. Cô bèn sửa soạn cúng dường cho thần cây. Sáng hôm đó Siddhatta đang ngồi thiền dưới gốc cây mà nàng định đến cúng. Sujātā bảo một cô tớ gái đến quét dọn, sửa soạn gốc cây cho sạch sẽ. Đến nơi, nhìn thấy Sĩ Đạt Ta, (lúc đó chưa thành Phật), cô ta tưởng đó là thần cây hiện hình bèn trở về nói với Sujātā rằng: Thần cây đã hiện hình”.

    Sujātā và đầy tớ gái đem cơm sữa đến cúng dường Bồ Tát. Bồ Tát  Siddhatta, nhận thực phẩm và vắt thành bốn mươi chín vắt. Ngài ăn hết bốn mươi chín vắt đó. Đây là buổi ăn cuối cùng trong bốn mươi chín ngày sắp đến. Một vắt cơm chịu đựng cho một ngày, và Ngài trải qua bốn mươi chín ngày không ăn uống nữa. Chiều hôm đó Ngài đến gần cây bồ đề, một người cắt cỏ đã dâng cho Ngài một ít cỏ. Theo phong tục bấy giờ; một vị ẩn sĩ thường ngồi hay nằm trên đệm cỏ. Bồ Tát trải cỏ ra và ngồi lên. Ngài phát nguyện trong tâm:

    Cho đến khi thành Phật ta không bỏ tư thế ngồi này. Ta sẽ không đứng dậy, ta sẽ không nhúc nhích, ngồi xếp bằng cho đến khi trở thành Phật”.

    3. BỒ TÁT SIDDHATTA TRỞ THÀNH PHẬT 

    Rồi Ngài thực hành phương pháp quán sát hơi thở. Ngồi một lát, Ngài đạt tầng thiền thứ nhất, tiếp theo là tầng thứ hai, rồi tầng thứ ba, thứ tư. Trong suốt canh đầu Bồ Tát đạt đượcTúc Mạng Thông”. Do năng lực của thần thông này, Bồ Tát thấy được tiền kiếp của mình. Bồ Tát có thể thấy được vô số kiếp sống của Ngài như vô số hình ảnh trên màn bạc. Đó là tuệ giác thứ nhất: Túc Mạng Thông, Ngài đạt được trong canh đầu.

    Bồ Tát tiếp tục hành thiền và trong canh hai Ngài đạt được “Thiên Nhãn Thông”.

    Ngài thấy được chúng sinh chết ở cõi này và tái sinh vào cõi khác. Ngài thấy chúng sinh làm tốt trong đời sống này, tái sinh vào một kiếp sống khác tốt hơn. Ngài thấy một số khác làm những hành vi không tốt đẹp trong đời này, và tái sinh vào kiếp khác chịu nhiều đau khổ.

    Do đạt được tuệ giác thấy rõ chúng sinh chết đi và tái sinh giúp cho Ngài thấy rõ " luật nghiệp báo". Những lời dạy của Ngài về " luật nghiệp báo" (kamma) không phải đặt căn bản trên sự suy nghĩ hữu lý mà y cứ trên sự trực tiếp thấy rõ chúng sinh sống, chết tái sinh vào kiếp sống khác. Đó là tuệ giác thứ hai: Thiên Nhãn Thông, Ngài đạt được trong canh hai. 

    Trong canh ba, Đầu tiên, Ngài quán sát “Lý duyên sinh”. Như vậy Lý duyên sinh hay Thập nhị nhân duyên đã được Ngài biết trước khi thành Phật. Ngài đi vào từng tầng mức khác nhau, có nghĩa là từng móc nối của Thuyết duyên sinh và hành Thiền Minh Sát trên những móc liên kết đó. Chẳng hạn như móc xích đầu tiên là Vô minh. Ngài thực hành Thiền Minh Sát trên Vô minh, và thực hành Thiền Minh Sát trên Hành Nghiệp, quán sát tới rồi quán sát lui, và đến cuối canh ba (vào khoảng bình minh) Ngài trở thành một vị Phật. Do đạt quả Phật Ngài trở thành đấng “Chánh Biến Tri” hay đấng “Đại Bi”. Như vậy đúng đêm rằm hay rạng ngày mười sáu tháng tư, Ngài trở thành một vị Phật, đấng hoàn toàn giác ngộ.

    Sau khi thành Phật, Ngài trải qua bảy tuần lễ dưới cội cây bồ đề và khu vực chung quanh cây bồ đề. Trong thời gian đó Ngài không dạy ai cả bởi vì Ngài không gặp ai cả. Cho dù có hai thương gia đến gặp Ngài, nhưng Ngài cũng không dạy cho họ bài pháp nào. Ngài dùng bảy tuần dưới cội bồ đề để hưởng quả vị giải thóat.

    Tuần thứ tám Ngài nghĩ đến sẽ dạy cho người khác những gì Ngài đã kinh nghiệm và chứng đắc. Ngài thấy rằng chúng sinh bị tham ái, dính mắc bao phủ khó thấy được Giáo Pháp cao thượng như Ngài đã thấy. Lúc bấy giờ có Phạm thiên Sahampati đến gặp Đức Phật và xin Ngài dạy đạo. Sahampati thưa với Đức Phật:

    Có chúng sinh có thể hiểu được những điều Ngài dạy, có chúng sinh có ít bụi bặm trong mắt. Xin Ngài hãy dạy dỗ”.

    Đức Phật nói:

    Ta cũng nghĩ như vậy, nên ta sẽ giảng dạy”.

    4. ĐỨC PHẬT GIẢNG DẠY BÀI KINH ĐẦU TIÊN CHO NHÓM NĂM ANH EM KONDANNA 

    Sau khi hứa với Phạm thiên Sahampati, Đức Phật nghĩ đến người để dạy. Trước tiên, Ngài nghĩ đến Ālāra Kālāma, người đã dạy cho Ngài đắc tầng thiền vô sắc thứ ba, nhưng khi nghĩ đến ông, Ngài thấy rằng ông đã chết cách đó bảy ngày. Sau khi chết Ālāra tái sinh vào cõi trời vô sắc. Ở cõi trời này chỉ còn tâm mà không có mắt, có tai v.v... nên Ālāra không đạt được lợi ích vì không gặp được Phật và nghe những lời giảng dạy của Ngài.

    Tiếp theo đó Ngài nghĩ đến Udaka, vị thầy đã hướng dẫn Ngài đắc tầng thiền vô sắc thứ tư, nhưng vị này cũng mới mất ngày hôm qua.

    Ngài nghĩ đến năm người học trò trước đây, là những người đã chăm sóc cho Ngài khi Ngài còn tu khổ hạnh. Ngài nghĩ: “Họ là những người tốt đã giúp đỡ cho ta trong lúc ta tu khổ hạnh”. Thế là Ngài quyết định đi bộ tới gặp những người này. Trong kinh ghi lại rằng, Ngài đã đi bộ mười tám Yoyanā, khoảng hai trăm năm mươi cây số. Chú giải nói rằng Đức Phật bắt đầu đi từ sáng sớm ngày rằm tháng sáu âm lịch và đến nơi vào lúc chiều tối.

    Nhưng theo Ngài Mahasi thì trường hợp này không thể xảy ra vì sau khi Đức Phật đắc đạo Ngài không dùng thần thông bay đến gặp năm thầy Kiều Trần Như như các vị Phật quá khứ đã làm bởi vì Ngài muốn đi bộ để gặp một người khác. Nếu đi bộ Ngài không thể trong một ngày đi hết hai trăm năm mươi cây số. Nếu mỗi ngày Ngài chỉ có thể đi được khoảng bốn đến năm mươi cây số thì Ngài đi mất bốn, năm ngày. Chú giải nói rằng Đức Phật đến nơi trú ngụ của năm thầy Kiều Trần Như vào chiều rằm tháng sáu.

    Sau khi đắc quả vào ngày rằm tháng tư, Đức Phật hưởng hạnh phúc niết bàn dưới và gần cây bồ đề trong bảy tuần, bốn mưoi chín ngày. Ngài đến gặp năm thầy Kiều Trần Như vào chiều rằm tháng sáu, như Vậy Đức Phật có mười ngày để đi bộ một đoạn đường dài hai trăm năm mươi cây số, mỗi ngày trung bình Ngài đi hai mươi lăm cây số.

    Khi năm thầy thấy Đức Phật đến từ xa, họ nói với nhau:

    Kìa Siddhatta đến, ông ta đã bỏ việc tu khổ hạnh để đến đây, vậy chúng ta đừng đảnh lễ ông ta, cũng không chào hỏi ông ta, chúng ta chỉ để một cái ghế, nếu ông ta muốn ngồi thì ông ta ngồi”.

    Tất cả đều đồng ý làm như vậy, nhưng khi Đức Phật đến gần, họ không thể thực hành được điều họ đã hứa với nhau từ trước. Họ lăng xăng, người thì chào hỏi, người thì mang y bát, người thì mang nước cho Ngài rửa chân v.v... rồi mời Ngài ngồi vào chỗ đã dọn sẵn. Chú giải nói rằng Đức Phật hiểu rõ tâm của các vị đó nhưng Ngài đã rải tâm từ đến họ, Ngài đã rải tâm từ một cách riêng biệt đến năm thầy.

    Có hai loại rải tâm từ:

    1. Rải tâm từ đến tất cả chúng sinh.

    2. Rải tâm từ đến từng người, từng nhóm (rải tâm từ riêng biệt).

    Đức Phật đã rải tâm từ riêng biệt đến năm thầy Kiều Trần Như. Đó là lý do tại sao năm thầy không giữ được những điều đã ước định với nhau trước đây. Mặc dầu năm thầy đón rước Đức Phật rất sốt sắng, nhưng họ vẫn chưa có vẻ thân thiện với Ngài. Khi nói chuyện với Ngài, họ gọi Ngài là bạn và gọi thẳng tên của Ngài. Đức Phật nói: 

    Bây giờ ta đã trở thành một vị Phật, không nên dùng từ bạn để gọi Phật hay Như Lai, đừng gọi Phật bằng tên tộc của Ngài”.

    Năm thầyKondañña (Kiều Trần Như) trả lời:

    Làm sao bạn có thể trở thành một vị Phật được. Ngay cả tu khổ hạnh như thế kia mà bạn chưa có thể thành Phật, huống hồ bạn đã bỏ lối tu khổ hạnh để trở về với đời sống dục lạc, bạn làm sao mà trở thành Phật được”.

    Đức Phật nói với năm thầy Kondañña (Kiều Trần Như) ba lần là Ngài đã thành Phật, nhưng họ vẫn không tin. Ngài bèn nói:

    Trước đây, lúc các ông còn chăm sóc cho ta khi ta thực hành khổ hạnh, có bao giờ ta nói như thế chưa?”.

    Các thầy bèn nghĩ rằng:

    À, trước đây ông ta chưa bao giờ nói với chúng ta như thế, có thể ông nói sự thật”.

    Từ lúc đó, họ bắt đầu đặt niềm tin nơi Đức Phật, rồi từ tin tưởng họ đi đến kính trọng. Họ nói rằng:

    Thưa Ngài từ trước đến nay, Ngài chưa bao giờ nói vậy”.

    Bây giờ họ bắt đầu gọi Đức Phật là Ngài. Trước đây họ gọi Đức Phật là bạn, nay họ đã đổi cách xưng hô. Đức Phật đã chinh phục được họ bằng sự giác ngộ của mình. Đêm hôm đó, Ngài giảng cho họ nghe bài kinh đầu tiên và đây là bài kinh thường được gọi là Kinh Chuyển Pháp Luân có nghĩa là quay bánh xe pháp.

    Chú giải nói rằng: Lúc Đức Phật bắt đầu dạy thì mặt trời đang lặn nửa chừng, và mặt trăng cũng đang lên nửa chừng. Lúc đó mặt trăng ở hướng đông mọc lên ở chân trời và mặt trời ở hướng tây bắt đầu lặn xuống. Đây là lúc Đức Phật giảng bài kinh đầu tiên cho năm thầy Kondañña. Đến cuối bài pháp Kondañña ( Kiều Trần Như)  đạt quả Tu Đà Hoàn, những vị tiếp theo đều lần lượt đắc quả Tu Đà Hoàn.

    Vào ngày thứ năm, Đức Phật giảng kinh Vô Ngã Tướng và tất cả năm thầy đều đắc quả A La Hán. Qua một giờ đồng hồ mà chúng ta chưa nói gì đến bảng kinh chính, đây chỉ là phần giới thiệu thôi.

    Trong bài pháp đầu tiên Đức Phật mô tả một cách tóm lược về việc thực hành hai thái cực khổ hạnh và hưởng thụ dục lạc, tiếp theo Ngài dạy về Trung đạo, Tứ Diệu Đế. Vì đây là bài pháp đầu tiên, nên Đức Phật đã dạy cho năm thầy Kondañña (Kiều Trần Như). 

    Tứ Diệu Đế (bốn chân lý cao thượng). Sau khi thuyết bài kinh này, trong suốt bốn mươi lăm năm trường chu du giảng đạo, bất kỳ ở đâu và lúc nào các lời dạy của Đức Phật cũng chứa đựng Tứ Diệu Đế. Không có bài dạy nào của Đức Phật ra ngoài Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế là đề tài quan trọng trong những bài giảng dạy của Ngài. Cũng vậy trong bài kinh này Đức Phật đã dạy: 

    Bao lâu ta chưa thấy, chưa biết Bát Chánh Đạo, chưa thấy chúng với mười hai yếu tố, bấy giờ ta chưa tuyên bố ta trở thành một vị chánh giác. Chỉ khi ta thấu rõ Tứ Diệu Đế với mười hai yếu tố ta mới tuyên bố rằng, chính ta đã hoàn toàn giác ngộ”.

    Muốn biết một người nào đã trở thành một vị Phật hay chưa, ta phải thấy họ có thấy Tứ Diệu Đế chưa? Người nào thành Phật cũng thấy Tứ Diệu Đế. Phải thật sự thấy rõ Tứ Diệu Đế với tất cả mười hai yếu tố mới là một vị Phật.

    Bảng kinh Chuyển Pháp Luân này là một bài kinh rất quan trọng. Tôi không biết phải dùng bao nhiêu ngày để giảng bài kinh này. Trong một cuốn sách gọi là (Three cardinal discourses of Buddha) có bản kinh đầu tiên là Kinh Chuyển Pháp Luân. Bài kinh thứ hai là bài kinh Vô Ngã Tướng. Bài kinh thứ ba là bài kinh nói về lửa.

    KẾT LUẬN

    Cuốn sách được giảng bởi Ngài Mahasi. Thực ra, đây là những bài giảng trong các pháp thoại của Ngài Mahasi, sau đó người ta viết ra thành sách. Bản chính của bài kinh này dài chưa được bốn trang, nhưng cuốn sách Ngài Mahasi giảng giải về bài kinh này thì rất dày. Khi Ngài Mahasi giảng giải những bài kinh, Ngài có một khả năng đáng khâm phục là đã rút ra những điểm chính trong bài kinh để áp dụng vào việc thực hành. Những bài pháp của Ngài luôn luôn chú trọng đến việc thực hành Thiền Minh Sát. Ngài là một vị thầy dạy Vipassanā thành công và nổi tiếng. Bất kỳ bài pháp nào Ngài giảng dạy, Ngài đều rút ra từ sự thực hành Vipassanā.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.