Bài Phúc Trình Của Đại đức Nāga Thera Bửu Chơn tại Phnompenh 1957

Bài Phúc Trình Của Đại đức Nāga Thera Bửu Chơn tại Phnompenh 1957

    HỘI NGHỊ QUỐC TẾ

    (NHIỀU BÀI TƯỜNG THUẬT)

    CỦA

    Nāga Mahā Thera – Tỳ Khưu Bửu Chơn

    Phật lịch 2508 – Dương lịch 1965

     

    BÀI PHÚC TRÌNH CỦA ĐẠI ĐỨC NĀGA THERA BỬU CHƠN TRƯỞNG PHÁI ĐOÀN PHẬT GIÁO VN DỰ LỄ 2500 NĂM KỶ NGUYÊN PHẬT GIÁO TẠI PHNOMPENH - CAO MIÊN TỪ NGÀY 11-5-1957 ĐẾN 18-5-1957

    Ngày 9-5-1957 có lệnh của phủ Tổng Thống phái tôi làm trưởng phái đoàn Phật giáo và Thượng Tọa Thích Trí Thủ phái viên cùng ông Trần Thành Hiệp làm thơ ký để dự lễ 2.500 kỷ nguyên Phật giáo tại Phnompenh Cao Miên.

    Vì ông thầy tế độ tôi tịch nên tôi đã về Phnompenh trước mấy hôm. Tôi phải đến tòa đại diện Chánh phủ V.N.C.H. tại Phnompenh lãnh nhiệm vụ lệnh ngày 11-5-1957, còn Thượng Tọa Thích Trí Thủ vì lý do sức khỏe nên không đến dự được. Chánh phủ phái Đ.Đ. Hộ Giác thay thế, còn ông Trần Thành Hiệp thì cũng vắng mặt luôn thành ra phái đoàn V.N. chỉ có tôi và Sư Hộ Giác mà thôi.

    Lúc 4 giờ chiều hôm ấy lại được thiệp của Đức Vua Cao Miên mời tất cả phái đoàn trên thế giới vào triều đình để Ngài chào mừng và yết kiến Ngài. Phái đoàn V.N. được sắp ngồi nơi hàng ghế danh dự trước mặt Đức Vua và Hoàng Hậu, Đức Vua bắt đầu chúc mừng cho tất cả các phái đoàn, đại khái Ngài nói rằng: Với danh nghĩa của Quốc Vương và luôn cho cả dân tộc Cao Miên, xin cầu chúc cho tất cả phái đoàn đều được dễ dàng trong mọi tiện nghi và yên vui trong khi lưu trú trên lãnh thổ của Ngài. Ngài nói bằng tiếng Cao Miên do thái tử Sihanouk thông dịch lại bằng tiếng Anh và Pháp, kế đó các phái đoàn đều được phép đáp lời lại để phúc chúc Ngài tùy theo phái đoàn nào muốn nói. Trước hết phái đoàn Úc châu chúc mừng cho Ngài xong thì phái đoàn V.N. do Đ.Đ. Bửu Chơn liên tiếp chúc hạ cho Đức Vua và Hoàng Hậu bằng tiếng Anh, đại khái nói rằng: Xin thay mặt cho Phật giáo V.N. và toàn thể Phật tử cầu cho Đức Vua và Hoàng Hậu và luôn cả dân tộc Cao Miên đều được yên vui khỏe mạnh để hộ trì Phật Pháp cho được tấn hóa lâu dài. Khi thái tử Sihanouk thông dịch xong thì Đức Vua đáp từ lại bằng tiếng Cao Miên, tôi liền trả lời lại bằng tiếng Cao Miên Sadhu, Đức Vua và Hoàng Hậu hết sức ngạc nhiên hỏi tôi biết tiếng Cao Miên sao? Tôi trả lời rằng tôi biết tiếng Cao Miên rành vì trước kia tôi có tùng sự với Chánh phủ bảo hộ Pháp hơn 10 năm tại Kim Biên. Đức Vua và Hoàng Hậu rất mừng rỡ và nói rằng chúng tôi không dè nước V.N. cũng có Phật giáo Nguyên Thủy như chúng tôi. Rồi Đức Vua xin thành tâm cầu chúc cho quí Ngài được khỏe mạnh vẹn toàn để truyền bá chánh giáo của Đức Thế Tôn trên lãnh thổ V.N. Kể từ đó về sau mỗi khi trò chuyện thì dùng tiếng Cao Miên theo Hoàng phái, khi các phái đoàn chúc hạ cho Đức Vua và Hoàng Hậu xong rồi giải tán.

    Tất cả phái đoàn đều được đưa về một biệt thự mới cất tinh xảo để trú ngụ, riêng phần phái đoàn V.N. đều là các nhà Sư nên ở nơi ấy bất tiện vì phải chung chạ cả nam lẫn nữ, nên chúng tôi xin về ở chùa Mohamontrey cho thanh tịnh. Chánh phủ Cao Miên cũng ưng thuận và có cấp cho chúng tôi một chiếc xe hơi để tùy nghi sử dụng, cho một ông thiếu úy để hầu cận, một người hạ sĩ quan và một chiếc xe moto có còi để hộ tống chúng tôi trong khi đi dự lễ.

    Sáng ngày 12-5-1957 là ngày khai mạc cuộc lễ phải cung nghinh Ngọc Xá Lỵ Đức Phật Tổ từ đền Vua đến an vị nơi chỗ hành lễ (trước nhà gare xe lửa). Trước hết Đức Vua Cao Miên lên diễn đàn đọc diễn văn khai mạc xong, thì kế Đức Vua Sãi cũng đọc một bài diễn từ ý nghĩa nói về cuộc lễ kỷ niệm 2500 kỷ nguyên Phật giáo vừa xong thì hết buổi sáng. Đến chiều thì có cuộc lễ xuất gia cho 2.500 vị Tỳ Khưu và những người thọ trì thập giới được lịnh mời đến nơi hành lễ để Đức Vua Sãi ban huấn từ dạy dỗ theo phận sự trong Phật giáo, xong thì tất cả những vị ấy được dâng những lễ vật của tín thí đem đến cúng dường. Đến tối thì có thuyết pháp, dưng cộ về sự tích của Đức Phật, đốt pháo bông và tiếp tục luôn những cuộc diễn hành khác để giúp vui trong cuộc lễ.

    Sáng ngày thứ hai 13-5-1957 nhằm ngày rằm tháng Vesakha (tháng tư âm lịch) chính ngày lễ Tam hợp là Phật Đản Sanh, Thành Đạo và Nhập Niết-Bàn, nên cuộc lễ cử hành suốt ngày và đêm càng thêm long trọng hơn hôm trước vì người đến xem lễ có trên 400.000, nào những lá cờ bay phất phới trên các dinh thự phố xá, những tiếng còi xe lẫn với tiếng người và tiếng truyền thanh kêu la inh ỏi làm cho một quang cảnh hết sức tưng bừng náo nhiệt luôn như thế trong cả 7 ngày lễ.

    Mỗi buổi sáng lối 9 giờ đều có cuộc lễ để bát cho 2.500 vị Tỳ Khưu do tín đồ các nơi đem đến cúng dường. Sáng hôm rằm có cuộc lễ truyền giới “bát quan trai” cho tất cả thiện nam tín nữ trên khắp lãnh thổ Cao Miên bằng đài phát thanh, xong đúng 8 giờ tất cả các phái đoàn trên thế giới có Đức Vua Cao Miên và Hoàng Hậu cùng tất cả những quần thần trong triều đình và nhân vật quan trọng trong Chánh phủ Cao Miên đều có mặt tại khán đài. Khán đài này chia làm hai bên, bên tả là người thế, bên hữu chư Tăng, ở chính giữa thì một cái đài thật cao tạm tôn trí Ngọc Xá Lỵ trong khi hành lễ.

    Hôm ấy, thái tử Sihanouk kiêm Thủ tướng lên đọc diễn văn để khai lễ, xong thì lần lượt tất cả 15 phái đoàn đến dự đều được mời lên đài phát thanh để phát biểu ý kiến, vì sắp theo thứ tự của mẫu âm nên phái đoàn Australie Úc châu được lên phát biểu ý kiến trước nhứt, kế Miến Điện, Tích Lan, Tàu, Nhựt, Anh, Ấn Độ, Pháp, Lào, Mã Lai, Việt Nam miền Bắc, Việt Nam miền Nam, Thái Lan, Nga và Hoa Kỳ. Đại ý trong các bài diễn văn cũng không chi lạ hơn là cầu chúc cho cuộc lễ được thành tựu mỹ mãn và sẽ đem lại nhiều điều hạnh phúc cho Đức Vua và Hoàng Hậu luôn cả dân tộc Cao Miên cũng như tất cả nhân loại trên thế giới. Các phái đoàn thì phát biểu ý kiến bằng tiếng Anh, Pháp, hoặc tiếng bổn quốc của mình, duy có phái đoàn V.N. do Đ.Đ. Nāga Thera (Bửu Chơn) lãnh đạo lên đọc ba thứ tiếng là Việt, Cao Miên và Anh làm cho các phái đoàn hết sức hoan nghinh và chú ý, riêng về dân tộc Cao Miên thì lấy làm thỏa thích lắm, vì tôi nói tiếng họ một cách lưu loát và rõ rệt.

    Chiều lại lối 4 giờ thì tất cả các đại diện của các Hội Phật giáo đều được mời lên đài phát thanh để phát biểu ý kiến, tôi liền phái Sư Hộ Giác thay mặt cho Phật giáo Nguyên Thủy V.N. lên phát biểu ý kiến bằng hai thứ tiếng Miên và Việt, sau cùng bài diễn văn có tuyên bố cúng vào cuộc lễ 25.000$ do tín đồ chùa Kỳ Viên Saigon, tín đồ việt kiều Phnompenh góp sức, nên rất được công chúng hoan nghinh nhiệt liệt. Tối hôm ấy, cuộc lễ tiến hành luôn cho đến sáng, nào tụng kinh đọc kệ thuyết Pháp đúng 5 giờ sáng thì đốt pháo bông tượng trưng hình ảnh Đức Phật hóa hào quang ra sáu màu ở trên hư không để làm tiêu biểu khi Đức Phật thành đạo trong lúc rạng đông.

    Sáng ngày 14-5-1957 sau khi điểm tâm xong thì tất cả các phái đoàn trên 40 người được Chánh phủ Cao Miên sắp đặt đưa đi viếng Đế Thiên Đế Thích ở Siêm-Réap bằng hai chiếc phi cơ, lối 10 giờ thì phi cơ đến phi trường Siêm-Réap, tại nơi đây đã có ban Tổ chức địa phương chực hờ sẵn để rước phái đoàn về cư trú nơi Grand Hotel, còn các nhà Sư thì được đưa đi cư ngụ riêng nơi một biệt thự, trong hai ngày ban Tổ chức đưa đi xem các kỳ quan thắng cảnh. Các phái đoàn chưa từng đến Angkor Wat thì đều tấm tắc khen ngợi cho là một kỳ quan vĩ đại, còn riêng phần tôi thì đền Angkor không lấy gì làm lạ vì tôi đã có viếng nhiều lần...

    Sau hai ngày đi du lịch nơi đền Angkor đến sáng ngày 16-5- 1957, lối 9 giờ thì tất cả các phái đoàn được đưa lên phi cơ để trở về Phnompenh. Tối hôm ấy có lịnh của Đức Vua cho mời các vị trưởng phái đoàn vào cung để dự yến, theo lẽ thì tôi không nên đi vì buổi chiều không có ăn uống chi được, nhưng vì nhân danh cho một phái đoàn, buộc lòng tôi phải vào cung cho có mặt vì không có ai thay thế, nên tôi phải thân hành đến nơi để cầu chúc cho Đức Vua và Hoàng Hậu được quý thể an khương và để hộ trì Phật pháp cho được tấn hóa lâu dài. Khi tôi vào đến nơi thì Đức Vua và Hoàng Hậu đều đứng dậy chấp tay vái chào rất cung kính và mời ngồi nơi ghế của Thủ Tướng bên cạnh Ngài để hàn huyên chuyện vãn. Ngài hỏi thăm việc truyền bá Phật giáo trên đất nước V.N., sau cùng Ngài nhân danh Chánh phủ Cao Miên và cho tất cả dân tộc Ngài để cầu chúc cho tôi và cả dân tộc V.N. đều được luôn luôn khỏe mạnh để thực hành theo giáo pháp của Đức Thế Tôn cho được mau đến nơi giải thoát. Sau khi dùng nước giải lao xong thì tôi đứng dậy kiếu từ Ngài và Hoàng Hậu để trở về chùa.

    Hôm sau, 17-5-1957 lối 8 giờ sáng thì các phái đoàn đều được mời đến dự lễ Vua cày ruộng, khi cuộc lễ khởi hành thì có một vị quan và một cung phi thay thế cho Đức Vua và Hoàng Hậu ra cầm cày đi ba vòng. Cuộc lễ này có ba cặp bò trang sức rất uy nghiêm. Vua cầm cày đi trước, theo sau là Hoàng Hậu hốt lúa rải theo trong ba vòng mới thả bò ra cho ăn đồ để trong bảy cái mâm là: cỏ, lúa, bắp, đậu, mè, nước và rượu. Chỉ có hai con bò được thả cho ăn, nhưng con nào ăn trước món nào, thì tùy theo đó mà bàn theo cổ truyền của Bà-la-môn, nếu con bò ăn cỏ thì trong năm ấy súc vật có nhiều bịnh dịch, như ăn lúa thì lúa trúng mùa, ăn bắp, đậu mè thì các món ấy được dồi dào, còn như uống nước thì sẽ có mưa nhiều và bị nước lụt, còn như uống rượu thì trong nước sẽ có nổi loạn, hoặc bị trộm cướp. Nhưng năm thì bò ăn đậu và bắp mà thôi, nên ai nấy cũng bàn năm nay hai thứ ấy sẽ trúng mùa nhiều hơn hết. Khi đúng 11 giờ là xong cuộc lễ “Cày Ruộng”. Chiều lại thì dự lễ phóng xả tội nhân, đến tối lúc 8 giờ lại phải vào dinh Thủ Tướng để dự bữa tiệc của Ngài thết đãi để tiễn hành các phái đoàn. Tôi không ăn uống chi nhưng cũng phải vào dinh Ngài. Khi tôi và Sư Hộ Giác đến thì Thủ tướng Sihanouk đứng dậy chấp tay vái chào chúng tôi và thỉnh chúng tôi ngồi vào chỗ Ngài ngự, còn Ngài thì ngồi ghế gần bên cạnh để hầu chuyện. Vì Ngài đã có xuất gia nên rất cung kính chư Tăng, Ngài rất vui vẻ ân cần hỏi thăm điều nọ lẽ kia, vì chúng tôi nói toàn là tiếng Cao Miên (theo tiếng cả nhà vua) nên Ngài thích lắm. Sau khi chúng tôi độ nước giải lao xong, đứng dậy nhân danh cho V.N. cầu cho Ngài và cho nước Cao Miên được thái bình thạnh trị. Ngài nhân danh cho Chánh phủ và dân tộc Cao Miên ngỏ lời cám ơn Chánh phủ V.N. đã phái quí Ngài đến dự lễ và cũng cầu chúc cho chúng tôi được đầy đủ sức khỏe để truyền bá chánh giáo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

    Sáng ngày 18-5-1957, lối 8 giờ thì phải đến dự lễ Đức Vua an vị Ngọc Xá Lị vĩnh viễn trên một bảo tháp đã cất xong gần trước nhà gare Phnompenh. Chiều lại dự lễ thuyết pháp Kết Tập Tam Tạng, xong thì Thái Tử Sihanouk lên đài phát thanh đọc diễn văn để bế mạc cuộc lễ vào lối 5 giờ. Đồng thời có còi báo hiệu và bắn luôn 25 tiếng súng đồng để công bố lên cho quần chúng biết cuộc lễ đã bế mạc.

    Tóm luận, trong cuộc lễ kỉ niệm 2.500 năm Phật giáo tại Cao Miên hết sức long trọng không thể nào mô tả cho hết được. Những chi tiết về phái đoàn V.N. đã thâu thập được nhiều kết quả vẻ vang, như hôm ngày khai mạc, được Đức Vua Sãi tuyển lựa bốn vị cao Tăng để biếu lễ vật là một pho tượng Phật đá cẩm thạch và một bộ tam y, trong ấy nước V.N. cũng được lãnh một phần danh dự và hôm ngày bế mạc cũng được tặng cho một pho tượng bằng bạc, hơn nữa rất được Đức Vua và các quan triều thần kính nể, nhứt là gây nhiều cảm tình thân mật giữa hai quốc gia Miên-Việt.

    Sau khi bế mạc còn có ít phận sự phải lo xong cho nên mãi đến ngày 21-5-1957, mới đáp phi cơ của hãng hàng không Việt Nam về xứ.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.