HIỂU BIẾT TRỌN VẸN
Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng
Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính
Sư Khánh Hỷ soạn dịch
20. BÁT CHÁNH ĐẠO
Tất cả các bạn đều quen thuộc từ Bát Chánh Đạo. Khi bạn hành thiền là bạn đang thực hành Bát Chánh Đạo. Tôi không cần phải giải thích nhiều chi tiết về Bát Chánh Đạo.
Khi bạn hành Thiền Minh Sát, bạn cố gắng chú tâm vào đối tượng trong hiện tại. Khi bạn cố gắng chú tâm theo dõi đề mục thì sự cố gắng chánh niệm này là một yếu tố của Bát Chánh Đạo: Chánh Tinh Tấn.
Với Chánh Tinh Tấn, bạn cố gắng chánh niệm trên đề mục. Khi tâm chánh niệm trên đề mục có nghĩa là tâm chạm đến đề mục. Tâm chạm đến đề mục này gọi là Chánh Niệm. Khi chánh niệm trở nên mạnh mẽ, tâm lắng xuống và ở trên đề mục, trụ lại ở đó. Khi tâm hướng đến đề mục và trụ lại đó một thời gian thì gọi là Chánh định. Định là một yếu tố giữ Tâm và những Tâm Sở liên hệ với Tâm nằm trên đối tượng. Định không để cho tâm náo loạn, không để tâm hướng về đối tượng. Đó là bản chất của định hay Samādhi.
Khi bạn đạt được định tâm, tâm trở nên an tịnh. Những chướng ngại tinh thần bị chế ngự.
Khi những chướng ngại tinh thần bị chế ngự, tâm trở nên an tịnh thì bạn sẽ bắt đầu thấy đối tượng một cách rõ ràng, rõ ràng hơn trước đây nhiều. Bạn thấy rõ bản chất thực sự của sự vật Thấy rõ đối tượng khởi sinh tùy thuộc vào một số điều kiện, thấy chúng đến rồi đi.
Rồi bạn thấy được bản chất vô thường của sự vật. Khi thấy được bản chất vô thường của sự vật thì bạn cũng thấy được bản chất đau khổ của chúng. Đau khổ ở đây có nghĩa là luôn luôn bị hành hạ, bị áp chế, bị đàn áp bởi sự sinh diệt. Khi bạn thấy được bản chất vô thường và bản chất khổ của sự vật thì bạn cũng thấy được bản chất vô ngã, có nghĩa là bạn thấy rõ rằng bạn không thể kiểm soát được chúng, chúng sinh và diệt theo cách của chúng. Bạn cũng thấy rằng chỉ có tâm đang ghi nhận và đối tượng là đề mục ghi nhận mà chẳng có gì có thể gọi là ta, của ta hay linh hồn, tự ngã của ta... Điều này có nghĩa là bạn thấy được bản chất vô ngã của sự vật. Vậy, khi thấy đối tượng một cách rõ ràng thì được gọi là có sự hiểu biết đúng đắn hay Chánh kiến.
Muốn cho tâm ở trên đối tượng, an trụ trên đối tượng, hiểu rõ hay thấy bản chất của sự vật, bạn cần phải có một Tâm Sở khác. Tâm Sở này dẫn tâm đến đối tượng và đặt tâm lên đối tượng. Tâm Sở dẫn tâm đến đối tượng là Chánh Hướng Tâm hay Chánh Tư Duy. Như vậy, Chánh Hướng Tâm không phải là suy nghĩ thông thường mà có nghĩa là tâm hướng đến đối tượng và đặt trên đối tượng để cho trí tuệ có thể thấy bản chất của sự vật.
Năm yếu tố trong Bát Chánh Đạo này (Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Kiến, Chánh Tư Duy) hoạt động với nhau trong từng sát na của chánh niệm. Khi có chánh niệm tốt, các yếu tố này sẽ hoạt động một cách hài hòa. Chúng là năm yếu tố hoạt động hay năm yếu tố tích cực.
Ba yếu tố: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng là ba yếu tố thụ động. Đây là ba yếu tố thuộc về giới. Nói một cách thật chính xác thì ba yếu tố này không hiện diện trong tâm khi bạn đang hành thiền, nhưng chúng được trọn vẹn khi bạn xin giới. Bởi vậy, chúng không được gọi là những yếu tố tích cực. Do đó, khi hành thiền, bạn không có tất cả các yếu tố của Bát Chánh Đạo, bạn chỉ có năm yếu tố tích cực hoạt động với nhau một cách hài hòa trong mỗi phút giây của chánh niệm. Khi bạn thực hành Thiền Minh Sát là bạn thực hành Bát Chánh Đạo hay Trung Đạo. Được gọi là Trung Đạo bởi vì chúng không nghiêng về hai thái cực lợi dưỡng và khổ hạnh. Trung đạo đã được chính Bồ Tát khám phá ra, chính Bồ Tát thực hành, và đạt được kết quả nhờ sự thực hành đó. Có nghĩa là kết quả của việc thực hành này đã giúp cho Bồ Tát thành Phật.
Đức Phật dạy rằng:
"Bát Chánh Đạo là con đường tốt nhất trong các con đường".
Điều này có nghĩa là có nhiều con đường hay nhiều lối đi, có lối dẫn đến tái sinh vào cõi phạm thiên, có lối dẫn đến tái sinh vào cõi trời, có lối dẫn đến tái sinh vào cõi người và có lối dẫn đến tái sinh vào bốn ác đạo. Trong số những lối đi đó Bát Chánh Đạo là lối đi tốt nhất, đưa đến sự loại trừ phiền não, dẫn đến chỗ chấm dứt khổ đau. Đức Phật dạy: "Đây là con đường duy nhất, không có con đường nào khác đưa đến Kiến Tịnh".
Kiến Tịnh ở đây có nghĩa là thanh lọc tri kiến, hay thanh tịnh tri kiến, giác ngộ tri kiến, có sự hiểu biết đúng đắn, thấy biết đúng theo thực tướng của sự vật. Chúng ta hãy ghi nhận những lời dạy này. Những lời dạy này được ghi trong Kinh Pháp Cú. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật đã nhấn mạnh rằng "Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất, không có con đường nào khác đưa đến Kiến Tịnh". Đưa đến Kiến Tịnh là đưa đến thanh tịnh Đạo và Quả, có nghĩa là Giác Ngộ.
Bởi vậy, Đức Phật dạy:
"Đây là con đường duy nhất, không có con đường nào khác đưa đến Giác Ngộ."
Trong kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật dạy: "Đây là một con đường để thanh lọc chúng sinh..." Chữ "đây" chỉ cho Tứ Niệm Xứ, vậy câu này có nghĩa là "Tứ Niệm Xứ là một con đường để thanh lọc chúng sinh..." Chữ "một con đường" được giải thích bằng nhiều cách. Được gọi là một con đường vì nó chắc chắn dẫn đến Niết Bàn, nó không có ngã rẽ. Một con đường còn có nghĩa là con đường của một Đấng. Đấng ở đây là Đức Phật. Cũng có bản dịch "Đây là con đường duy nhất", nhưng ngày nay có nhiều người không thích dùng chữ "con đường duy nhất". Họ muốn dùng chữ "một con đường" thôi. Họ lý luận rằng: "Có nhiều con đường dẫn đến thành phố thì cũng phải có nhiều con đường dẫn đến Niết Bàn cho nên Tứ Niệm Xứ hay Bát Chánh Đạo chỉ là một trong số những con đường đó thôi chứ không phải là con đường duy nhất ". Nhưng trong câu Kinh Pháp Cú trên, Đức Phật nhấn mạnh rằng đây là con đường duy nhất và không có con đường nào khác. Vậy để đạt Niết Bàn bạn phải thực hành Bát Chánh Đạo hay Tứ Niệm Xứ.
Trong Kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật chỉ hai mươi mốt cách thực hành chánh niệm khác nhau. Nhưng dầu thực hành theo cách nào đi nữa thì cũng phải có Chánh Niệm. Phải thiết lập chánh niệm vững chắc trên đối tượng. Mặc dầu có kinh Đại Niệm Xứ đã chỉ dẫn rõ ràng, vẫn có người tranh luận rằng: Đức Phật không nói điều này, không nói điều nọ v.v... nhưng khi nói đến Kinh Pháp Cú thì người ta không còn tranh luận nữa. Bởi vì trong Kinh Pháp Cú Đức Phật đã nói rõ ràng rằng: "Đây là con đường duy nhất và không có con đường nào dẫn đến Kiến Tịnh hay giúp thanh lọc chúng sinh".
Và trong thực hành chúng ta cũng ý thức được rằng: Bao lâu tâm còn có chánh niệm, bao lâu chánh niệm còn đứng gác ở các cửa mắt, tai, mũi v.v... thì phiền não không quấy nhiễu tâm. Như vậy, chúng ta có thể giữ tâm trong sạch bằng cách hành Thiền Minh Sát. Vào lúc ta mất chánh niệm, vào lúc chúng ta để trống cửa giác quan không canh chừng thì phiền não sẽ bước vào. Như vậy, qua việc hành Thiền Minh Sát chúng ta dễ dàng để chấp nhận rằng: "Chánh niệm là con đường duy nhất để thanh lọc tâm hay để lánh xa phiền não".
Đức Phật nói:
"Các con có theo con đường này không?"
Câu này có nghĩa là Đức Phật khích lệ môn đệ theo Trung Đạo hay theo Bát Chánh Đạo. Bởi vì chỉ có theo Bát Chánh Đạo thì mới đạt được giác ngộ, mới ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Đức Phật nói rằng sự thực hành này làm thối chí ma vương (māra), diệt trừ bất thiện. Māra ở đây có nghĩa là phiền não. Vậy, do thực hành Bát Chánh Đạo, chúng ta có thể làm suy giảm phiền não, đuổi phiền não ra khỏi tâm, giữ tâm an toàn.
Thực hành Bát Chánh Đạo và thực hành Chánh Niệm giống nhau, mặc dầu được gọi bằng hai tên khác nhau. Sự thực hành này loại trừ phiền não ra khỏi tâm.
Khi thành công trong việc thực hành Bát Chánh Đạo chúng ta sẽ giác ngộ. Vào sát na giác ngộ, tùy theo từng tầng mức giác ngộ, thiền sinh có thể loại trừ phiền não một phần hay hoàn toàn. Và một khi phiền não đã được loại trừ thì vĩnh viễn không còn khởi sinh trong tương lai nữa. Bát Chánh Đạo là con đường mà chúng ta phải nỗ lực thực hành một cách rốt ráo nếu chúng ta muốn tẩy trừ phiền não trong tâm. Chúng ta muốn tẩy trừ phiền não trong tâm bởi vì phiền não này đã gây ra đau khổ cho ta. Phiền não trong tâm là một loại nghiệp bất thiện; mà nghiệp bất thiện thì sẽ trả quả bất thiện hay đau khổ. Nếu chúng ta không muốn có kết quả đau đớn, khổ sở trong tương lai thì chúng ta phải tránh những Tâm Sở bất thiện khởi sinh trong tâm. Để ngăn ngừa những Tâm Sở bất thiện khởi sinh trong tâm chúng ta phải thực hành Bát Chánh Đạo hay Tứ Niệm Xứ.
Đức Phật đã dạy là đi trên con đường này bạn sẽ chấm dứt đau khổ, và giác ngộ Niết Bàn: "Sau khi đã tự mình thấy rõ con đường này, Như Lai dạy lại cho các con."
Ở đây Đức Phật nói rằng: chính Ngài đã khám phá ra con đường này, và sau đó Ngài dạy lại cho chúng ta chứ không phải Ngài học hỏi từ một người nào. Đường hay Đạo này có nghĩa là: Do trí tuệ của chính Đức Phật thấy rõ con đường, không phải trí tuệ vay mượn của kẻ khác. Ngài đã tự mình khám phá ra phương pháp không do sự giúp đỡ hay hỗ trợ của một vị thầy nào. Đức Phật hay Bồ Tát đã trải qua sáu năm thực hành khổ hạnh với mục tiêu đạt đến quả Phật. Nhưng hầu hết thời gian trong sáu năm này Ngài đã thực hành sai lầm nên không đến gần mục đích mà Ngài mong muốn. Ngài bắt đầu xem xét lại sự thực hành của mình và khám phá ra rằng: Sự thực hành mà Ngài đã làm trong gần sáu năm là sự thực hành sai lầm. Rồi Ngài tự tìm cho mình một phương pháp đúng đắn. May mắn thay, Ngài nhớ đến một sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Ngài. Đó là khi Ngài còn bé, lúc chưa tròn một tuổi, trong buổi lễ hạ điền, nhà vua cày lát cày đầu tiên để khuyến khích nông nghiệp. Trong buổi lễ này, các cô bảo mẫu săn sóc cho Bồ Tát say mê xem lễ nên lấy vải vây thành một hàng rào, và để thái tử ngủ trong một cái nôi lớn dưới cội cây táo. Bồ tát tỉnh dậy và ngồi thiền một mình dưới gốc cây.
Bồ Tát hồi tưởng lại việc đó, và nhớ rằng lúc bấy giờ Ngài đã hành thiền đúng cách. Ngài bèn thực hành theo cách đó, và chỉ trong một đêm Bồ Tát thực hành và đạt quả Phật. Trước khi khám phá ra phương pháp đúng đắn này, Đức Phật đã trải qua sáu năm thực hành phương pháp khổ hạnh sai lầm. Khi Ngài khám phá ra con đường đúng đắn, Ngài chỉ thực hành trong một đêm, và thành Phật.
Đức Phật dạy: "Sau khi đã tự mình thấy rõ con đường này, Như Lai dạy lại cho các con." Bát Chánh Đạo, hay con đường chân chánh gồm tám yếu tố, được mô tả là phương pháp loại trừ hay nhổ gai nhọn phiền não trong tâm. Đức Phật thường nhắc đi nhắc lại, thường nhấn mạnh rằng: "Chính các con phải nỗ lực thực hành, các đấng Như lai chỉ là những vị thầy". Đó là điều quan trọng trong Phật giáo, nghĩa là bạn phải tự mình nỗ lực để đạt sự giác ngộ. Giác Ngộ không phải là món quà được ban cho.
"Chính các con phải thực hành" có nghĩa là không ai có thể thực hành thay cho người khác. Tôi không thể thực hành cho anh. Anh không thể thực hành cho tôi. Tôi không thể tặng sự giác ngộ của tôi cho anh như một món quà (đây là điều không thể nào xảy ra được, mỗi người phải tự thực hành lấy). Đó là lý do tại sao người Phật tử luôn luôn dựa vào chính mình để giác ngộ. Chúng ta không thể dựa vào người khác. Chúng ta không thể dựa vào bất kỳ người nào ngay cả Đức Phật. Điều mà chúng ta dựa vào Đức Phật là dựa vào những lời dạy dỗ, hướng dẫn của Ngài. Nhưng sau khi hiểu những lời dạy của Đức Phật, chúng ta phải tự mình thực hành. Chỉ khi bạn không thực hành, bạn mới không hy vọng đạt được kết quả tốt. Nếu bạn tinh tấn thực hành bạn sẽ tự mình giác ngộ chân lý.
"Chính các con phải nỗ lực thực hành" có nghĩa là không thể dựa vào một ai để giác ngộ. Lời dạy dỗ này cũng cho ta thấy Đức Phật thừa nhận khả năng hay tiềm lực của con người, của chúng sinh. Con người, chúng sinh có năng lực hay tiềm năng để tự mình thực hành và tự mình chứng ngộ. Người Phật Tử có đủ khả năng để giác ngộ nếu người đó học và thực hành theo những lời dạy của Đức Phật mà không dựa vào kẻ khác để giác ngộ. Đức Phật chỉ là vị thầy của chúng ta. Đức Phật chỉ có thể hướng dẫn dạy dỗ cho chúng ta mà không thể thực hành thay cho chúng ta, chẳng khác nào vị thầy giáo ở trường học không thể học cho học trò. Học trò phải học mới được. Không một ai, không một đấng thần linh thượng đế nào có thể giác ngộ hay thay cho người khác.
Đức Phật nói: người nào thực hành Bát Chánh Đạo, kinh nghiệm được hai loại thiền thì thoát khỏi ảnh hưởng của ma vương. Khi bạn thực hành Tứ Niệm Xứ hay Bát Chánh Đạo, bạn có thể bắt đầu bằng Thiền Định rồi chuyển sang Thiền Minh Sát hoặc thực hành ngay Thiền Minh Sát mà không hành Thiền Định trước. Dầu bạn hành thiền cách nào đi nữa, bạn cũng sẽ kinh nghiệm được Jhāna. Đạo cũng gọi là Jhāna. Quả cũng gọi là Jhāna. Trong chiều hướng đó vipassanā cũng được gọi là Jhāna. Đức Phật đã nhiều lần nhắc nhở rằng: nếu thực hành theo lối này, chúng ta sẽ kinh nghiệm hai loại Jhāna, và giải thoát khỏi ảnh hưởng của Ma vương, có nghĩa là thoát khỏi phiền não. Đó là lý do tại sao trong Phật Giáo Nguyên Thủy, sự thực hành được xem là quan trọng nhất. Không phải chúng ta đánh giá quá cao sự thực hành, nhưng sự thực hành dẫn đến các tuệ giác, thấy rõ bản chất của sự vật, đạt đến mục đích tối thượng là loại trừ phiền não trong tâm. Không có sự thực hành này, chúng ta không thể kỳ vọng giác ngộ được. Do vậy, chúng ta phải cố gắng thực hành theo lời hướng dẫn của Đức Phật để có thể hoàn thành mục tiêu của mình. Những gì chúng ta thực hành đây, nếu nói một cách thật đúng, thì không phải là "Bát Thánh Đạo" mà là "Bát Chánh Đạo". Vào sát na giác ngộ, tám yếu tố của Bát Chánh Đạo mới cùng lúc khởi sinh, và sát na đó mới được gọi là Bát Thánh Đạo. Bởi vì tại sát na giác ngộ này, một người bình thường đã trở thành một vị thánh, lúc đó tám yếu tố Bát Chánh Đạo lấy Niết Bàn làm đối tượng. Trong khi thiền sinh đang thực hành Thiền Minh Sát, thiền sinh chưa đạt được tầng mức giác ngộ, thì tám yếu tố của Bát Chánh Đạo lấy "vật chất" và "tâm" hay "ngũ uẩn" làm đối tượng. Nhưng vào sát na giác ngộ thì tám yếu tố Bát Chánh Đạo lấy Niết Bàn làm đối tượng, và trở thành Bát Thánh Đạo. Những gì mà chúng ta đang thực hành là Bát Chánh Đạo, đó là giai đoạn đầu của Bát Thánh Đạo.
Cầu mong các bạn tinh tấn thực hành Bát Chánh Đạo. Do sự thực hành tinh tấn này, cầu mong các bạn thoát khỏi phiền não, chấm dứt đau khổ.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.