PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
-----
THẬP ĐỘ VÀ THẤT BỬU NHÀ PHẬT
(DASAPĀRAMI ARIYADRABYA)
Soạn giả
Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
(Vaṅsarakkhita Mahāthera)
BẢY BÁU NHÀ PHẬT
Có một thuở nọ Đức Thế Tôn ngự nơi tịnh xá của ông đại phú gia Cấp-cô-độc (Anāthapindika) tạo ra để dâng cúng cho tăng chúng, có đức Như Lai làm chủ, gần thành Xá Vệ (Savatthi). Thuở ấy, Đức Thế Tôn gọi các thầy tỳ khưu mà bảo: Các thầy tỳ khưu này! Các thầy ráng lóng tai để nghe ta giảng giải về bảy báu trong đạo Phật cho các người rõ:
Bảy báu ấy là: đức tin là của báu (saddhādhanaṃ), giới luật là của báu (sīladhanaṃ), hổ thẹn (lỗi) là của báu (hiridhanaṃ), ghê sợ (lỗi) là của báu (ottappadhanaṃ), nghe pháp là của báu (sutadhanaṃ), bố thí là của báu (cāgadhanaṃ), trí huệ là của báu (paññādhanaṃ).
ĐỨC TIN LÀ CỦA BÁU (SADDHADHANAṂ)
Đức tin mà gọi là của báu bởi pháp ấy là gốc của các việc lành ví như lúa là gốc của các giống lúa. Những nông phu trước khi đi cày ruộng thì phải xem xét cho biết giống lúa nhiều hay ít, nếu lúa giống ít thì cày ruộng ít, lúa giống nhiều thì cày nhiều. Nếu lúa nhiều mà cày ruộng ít thì lúa giống còn dư phải hư mục. Bằng lúa ít mà cày ruộng nhiều thì luống công vô ích. Bởi cớ ấy, những nông phu trước khi làm ruộng thì phải xem xét cho biết giống lúa nhiều hay ít. Cho nên gọi lúa giống là căn bổn của những người nông phu. Chẳng khác nào đức tin là căn bổn của các việc lành vậy.
Tại sao mà gọi đức tin là căn bổn của các việc lành? Bởi có đức tin mới có thể làm điều thiện, nhứt là bố thí, trì giới hoặc tham thiền, nghe pháp được.
Những người nam hoặc nữ đã sanh ra trên vũ trụ này, dầu có bạn thiết là nơi đáng nương nhờ, thì cũng chẳng bì kịp với bạn thiết gọi là đức tin cho đặng. Đức tin là bạn thiết quí báu có thể tiếp dẫn con người thoát nơi lao khổ, từ đây cho đến ngày hậu lai. Đức tin là một vật rất quí báu cho các người ở trong vũ trụ này.
Dầu cho bạc, vàng, ngựa, voi, ngọc ngà, châu báu, hoặc các vật báu nào khác thì cũng khó bì kịp với đức tin, bởi các món báu kể trên chỉ để dùng trong lúc hiện thời, chớ chẳng có thể độ ta được yên vui cho đến ngày vị lai đâu, chỉ có đức tin chơn chánh mới có năng lực tiếp dẫn ta đến nơi phước địa trong đời sau. Cho nên gọi đức tin là một món báu vô giá của con người trong đời hiện tại và vị lai.
Tất cả con người mà được ra khỏi rạch, sông, hoặc biển cả là khỏi sự sanh tử luân hồi, thì trước nhứt đều nhờ nương theo đức tin mới có thể qua khỏi được. Đức tin ví như con dao bén là huệ kiếm để đoạn tuyệt các sự tội lỗi.
Đức Thế Tôn hằng khen rằng: Những người mà đã có đức tin trong lòng thì mới đáng gọi là bực thinh văn trong đạo Phật, đúng cho thiên hạ ngợi khen trong đời này và đời vị lai. Những bực ấy sẽ được hưởng các quả vui: làm người giàu sang, làm trời, vào bực Niết- bàn.
Vì các lẽ giải trên cho nên gọi đức tin là của báu vậy.
GIỚI LUẬT LÀ CỦA BÁU (SĪLADHANAṂ)
Giới luật là: ngũ giới, thập giới và cụ túc thanh tịnh giới, đều gọi là của báu vậy.
Những người tu hành tinh tấn, trì giới được trong sạch ví như người ấy cưỡi được con ngựa phép, có thể bay trên hư không hoặc muốn đi đến nơi nào thì ngựa ấy sẽ chở đến nơi mà mình đã nguyện cầu, y theo ý mình đã muốn. Cũng như người đã trì giới được trong sạch, nếu muốn cầu việc gì thì sẽ được đắc kỳ sở nguyện, chẳng khác nào người cưỡi ngựa phép kia vậy.
Giới ví như hào, lũy. Lẽ thường hào, lũy hay ngăn ngừa đạo tặc chẳng khác giới hay ngăn ngừa nghiệp dữ (thân, khẩu, ý ác). Những người trì giới được trong sạch mà nếu muốn làm việc lành nào thì ắt sẽ được sự kết quả mỹ mãn chẳng sai.
Giới ví như kiểu mẫu. Lẽ thường thợ vẽ trước khi họa hình, thì căng kiểu ra cho ngay thẳng, sạch sẽ, rồi mới dùng màu để họa hình, thì mới có thể họa hình được tươi tốt. Các thứ thuốc để cho màu, ví như giới trong sạch, kiểu hình ví như tướng mạo xinh đẹp của chúng ta đã sanh ra trong cõi trần này, cũng đều do sự trì giới trong sạch.
Giới là nhơn sanh định. Cho nên những bực tu định thì trước phải giữ giới cho trong sạch. Giới trong sạch thì mới tham thiền nhập định được. Giới là cái xe rất quí báu để độ người thoát khỏi con đàng dữ (súc sanh, a-tu-la, ngạ quỉ, địa ngục). Giới là con đàng dẫn người lên thượng giới. Giới là con đàng độ người đến bực Niết-bàn. Giới độ con người thoát khỏi vòng phiền não. Giới ví như cái thang để cho người lên bực bất sanh, bất diệt đại Niết-bàn.
Mùi thơm của sự trì giới thật là vô thượng, dầu có hoa nào thơm cho lắm thì cũng chẳng bì kịp mùi thơm của sự trì giới, trì giới thơm thấu đến các tầng trời, từ Dục giới thơm chí Vô sắc giới. Cho nên những người đã trì giới trong sạch thì hằng được hưởng quả vui từ nay cho đến đời vị lai.
Những người được sanh về cõi vui đều do nhờ sự trì giới. Những chúng sanh được sanh ra làm người giàu sang trong thế gian này đều do nhờ sự trì giới. Những người tu hành, được chứng quả Niết-bàn cũng đều nhờ sự trì giới.
Bởi các cớ ấy, những bậc thiện hữu trí thức đều phải nên chuyên cần thọ trì giới luật cho trong sạch. Nếu trì giới trong sạch, thì ắt được hưởng ba quả vui đã kể trên chắc như vậy. Cho nên Đức Thế Tôn gọi sự trì giới là của báu.
HỔ THẸN (LỖI) LÀ CỦA BÁU (HIRIDHANAṂ)
Những bực thinh văn trong đạo Phật hổ thẹn các tội lỗi, chán nản những nghiệp dữ (thân, khẩu, ý ác) chẳng để cho nhiễm vào tâm, một lòng tinh tấn làm những điều lành. Cho nên gọi hổ thẹn (lỗi) là của báu.
GHÊ SỢ (LỖI) LÀ CỦA BÁU (OTAPPADHANAṂ)
Những bậc thinh văn trong đạo Phật đều ghê sợ các tội lỗi, các Ngài chẳng dám phạm đến nghiệp dữ. Cho nên gọi ghê sợ (lỗi) là của báu.
Xin giải thêm về sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi như sau này:
Hổ thẹn tội lỗi phát sanh do 4 duyên cớ: suy xét về sự sanh, suy xét về thời kỳ, suy xét về sự xa hoa, suy xét về sự thông rõ đạo lý. Sự hổ thẹn mà phát sanh đều do nhờ suy xét đến bốn duyên cớ ấy.
Suy xét về sự sanh là: nếu bậc cao sang thì nên xét rằng: ta mà được ra làm người phú túc đây, là do bởi kiếp trước ra đã có làm việc lành rồi, cho nên nay ta mới được hưởng quả vui, nếu nay ta chẳng sớm mau tỉnh ngộ, còn sa mê theo điều dữ, việc tà, thì ắt ta sẽ mang quả khổ chẳng sai. Xét thấy như vậy rồi, ắt sanh lòng hổ thẹn, mà chẳng dám phạm đến việc quấy. Nếu người hèn hạ thì nên xét rằng: ta nay đã sanh ra làm người đói khổ đây, là bởi kiếp trước ta đã tạo nhiều nghiệp dữ, cho nên hiện thời, ta phải chịu sự khổ cực. Nếu nay ta chẳng sớm mau thi hành, lánh dữ làm lành, thì ra sẽ bị mang quả khổ càng thêm. Xét thấy như vậy thì ắt sanh lòng hổ thẹn, ăn năn qui y hướng thiện. Như thế ấy, gọi là suy xét về sự sanh.
Suy xét về thời kỳ là: nếu bậc trưởng lão hoặc người mang tật bệnh, thì nên xét rằng: nay ta đã già yếu, chắc ta sẽ chết nay mai, hoặc một đôi tháng, hoặc một đôi năm nữa là cùng, nay ta tỉnh ngộ đã trễ, vậy ta chẳng nên sa mê theo nghiệp dữ nữa. Khi xét thấy như vậy rồi, thì ắt phát lòng hổ thẹn mà ăn năn chẳng sai. Nếu trai hoặc gái thì nên xét rằng: tuy ta còn trẻ tuổi nhưng cái chết vốn là vô thường. Chẳng phải trẻ tuổi mà chẳng chết đâu. Hạng ấu niên cũng đã có chết nhiều rồi. Vậy ta chẳng nên dể duôi, mê sa theo ngũ trần, lục dục, phải sớm trưa tỉnh ngộ lánh dữ lành lành cho kịp thời. Khi xét thấy như vậy, thì ắt sanh lòng hổ thẹn.
Suy xét về sự xa hoa, là xét rằng: nếu ta làm những công việc chơn chánh để nuôi mạng thì cũng được. Vậy ta nên mau chừa cãi: xét được như vậy, thì phát lòng hổ thẹn chẳng dám xa hoa, làm những điều tà dạy (nhứt là phạm sự sát sanh).
Xét về sự thông rõ đạo lý là: ta nay đã tu Phật, học hỏi giáo Pháp của Đức Thế Tôn, biết rõ lẽ chánh lời tà, mà ta còn làm việc dữ như vậy, thì thật là chẳng nên. Tạo nghiệp ác là để cho bọn vô lương tâm, bất học, chớ ta là người đã mang tiếng tu hành lại rõ thông kinh luật mà lại còn đi làm những việc tội lỗi như bọn tiểu nhơn, thì là trái hẳn. Khi đã xét như vậy rồi, thì ắt phát lòng hổ thẹn mà bỏ dữ về lành.
Ấy gọi là sự hổ thẹn phát sanh do nhờ suy xét theo 4 duyên cớ đã giải trên.
Sự ghê sợ tội lỗi phát sanh do nói bề ngoài có 4 duyên cớ: tự mình sợ cho mình, sợ người khác chê mình, sợ phép nước, sợ bi dọa vào 4 đàng dữ. Tự mình sợ cho mình là khi mình làm việc quấy thì tự mình ăn năn ghớm ghê, chán nản, rồi tự mình khuyên lấy mình. Sợ người chê cười đến mình, rồi tự mình ăn năn tỉnh ngộ. Sợ oai quyền nhà nước mà chẳng dám làm việc dữ. Sợ bị đọa vào 4 con đàng dữ là: súc sanh, a-tu-la, ngạ quỉ, địa ngục.
Những người mà đã có sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi rồi, thì chẳng dám phạm đến các điều dữ, bởi các duyên cớ ấy rồi tỉnh ngộ bỏ tà theo chánh, làm những nghiệp lành, thì ắt được hưởng ba quả vui: (sanh làm người no ấm, sanh về cõi trời, sanh vào Niết-bàn) chẳng sai vậy.
Bởi các cớ ấy cho nên gọi sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi là của báu.
NGHE PHÁP LÀ CỦA BÁU (SUTADHANAṂ)
Những người tu Phật nên cố gắng nghe pháp hay nghe, hay nhớ, là nhớ chặng đầu, chặng giữa, chặng chót. Nhớ rồi hành y theo chánh pháp cho được trong sạch đều đủ, chẳng thêm, chẳng bớt, y như lời của Đức Thế Tôn đã giáo truyền, ấy gọi nghe pháp là của báu.
Những người tu hành tinh tấn, học hỏi Tam tạng (kinh, luật, luận) hoặc nếu không học hỏi được, nhưng có nghe pháp và vẫn giữ mà làm y theo Phật giáo thì cũng gọi là người có của báu trong mình, do nhờ sự thính pháp.
BỐ THÍ LÀ CỦA BÁU (CAGADHANAṂ)
Những người tu Phật phải trừ dứt lòng bỏn xẻn và nên vui mừng trong sự bố thí, tùy sức của mình. Ấy gọi là bố thí của báu.
Bố thí có hai phép: tài thí và Pháp thí. Nếu nói theo tạng Luật thì tài thí chia ra làm bốn phần: thí y phục, thí vật thực, thí chỗ ở, thí thuốc thang. Theo tạng Luận thì có 6 phần thí: thí sắc là cho các món dung về vật chất; thí thinh là thổi kèn, đánh trống, ca ngâm cúng dường đến tam bảo; thí hương là cho vật thơm (bông, tràng hoa, trầm hương); thí vị là cho các món ăn ngon ngọt (sữa, bánh, cơm, mật); thí xúc là cho chiếu, mền, gối v.v...; thí pháp là nói Phật giáo cho chúng sanh nghe. Theo tạng Kinh thì có 10 phần thí: thí vật thực (annaparicāga), thí nước (pānaparicāga), thí xa (yānaparicāga), thí bông (mālaparicāga), thí y (vatthaparicāga), thí vật thơm (gandhaparicāga), thí vật dồi mình (vilepanaparicāga), thí chỗ nằm ngồi (sayanaparicāga), thí chỗ ở (avāsathaparicāga), thí nhang, đèn (padipaparicāga).
Tài thí, tuy là được phước báu nhiều nhưng không bì kịp Pháp thí. Phép tài thí thì dầu có thí y đến chư Phật, Duyên giác, A-la-hán trong tam thế tuy là được nhiều phước báu thật, nhưng cũng chẳng sánh bằng Pháp thí. Chẳng nói đến sự Pháp thí nhiều, chỉ giảng giải cho thính giả nghe 4 câu kệ rồi lấy một câu chia ra làm 16 phần, lấy 1/16 phần ấy chia ra làm 16 phần nữa, chia như vậy cho đến đủ 16 lần, rồi lấy một phần chót ấy đem ra mà so sánh với sự tài thí nhứt là thí y phục đến chư Phật, Duyên giác, A-la-hán trong tam thế, thì cũng chẳng bì kịp với 1/16 phần Pháp thí đã mới giải trên.
Những người chưa thông hiểu Phật pháp, như muốn thí Pháp thì nên thỉnh chư nam, nữ tụ họp lại và cầu bậc trí tuệ nói Pháp cho người nghe thì được phước báu vô lượng vậy. Dầu có bố thí trai tăng đến chư Phật, Duyên giác, A-la-hán trong tam thế hoặc lập 100, 1.000, 1.000.000 ngôi chùa như ông đại phú gia Cấp-Cô-Độc là bậc đại thí chủ (lúc Phật còn tại thế) thì việc tài thí ấy cũng chẳng bì kịp Pháp thí đã nói trên.
Hỏi: Tại sao gọi Pháp thí được nhiều sự phước báu? Đáp: Bởi những người mà được lánh dữ làm lành đều nhờ sự thính Pháp, có nghe Pháp mới có rõ lẽ chánh điều tà, mới có bỏ dữ về lành, làm việc phước đức. Bằng chẳng đặng nghe pháp, thì đâu biết quấy mà tránh, biết phải mà theo thì đâu có thể hưởng được quả vui. Cho nên gọi Pháp thí là được nhiều phước báu vậy.
Một lẽ nữa, những người có lòng tín thành bố thí, trì giới, hoặc tham thiền, tu phép thập độ, thì cũng đều nhờ sự nghe Pháp hết.
Ông Xá-Lợi-Phất (Sariputta) là vị đệ tử bực nhứt của Đức Thế Tôn có trí tuệ hơn hết (Ngài có thể đếm hết tất cả giọt mưa trong đám mưa lớn) không sai một giọt, nhưng cũng chưa được chứng quả, đến khi nghe pháp của Đức Thế Tôn mới thành đạo-quả Niết-bàn được.
Vì các lẽ ấy cho nên Đức Như Lai mới gọi Pháp thí là của báu.
TRÍ TUỆ LÀ CỦA BÁU (PAÑÑĀDHANAṂ)
Tại sao gọi trí tuệ là của báu? Đức Phật có giải rằng: Các thầy tỳ khưu này! Những bậc Thinh văn trong đạo Phật nhờ có trí tuệ mới biết xét lẽ tà điều chánh, cho nên gọi trí tuệ là của báu. Bởi có trí tuệ mới thấu lý tứ diệu đế, cho nên gọi trí tuệ là của báu.
Trí tuệ chia ra làm hai phần: trí tuệ của người phàm, trí tuệ của bậc thánh.
Có chỗ chia trí tuệ ra làm hai phần thêm nữa: trí tuệ biết làm việc hữu ích cho mình, trí tuệ biết làm việc hữu ích cho chúng sanh.
Có chỗ chia trí tuệ ra làm ba phần nữa: trí tuệ suy xét biết chắc rằng việc này không lợi ích, trí tuệ suy xét biết chắc rằng việc kia có lợi ích, trí tuệ phát sanh do nhờ sự năng học hỏi Tam tạng.
Có chỗ chia trí tuệ ra làm ba phần: trí tuệ phát sanh ra trong lúc bố thí; trí tuệ phát sanh ra trong lúc trì giới, do nhờ suy xét thấy rõ các duyên cớ của mỗi giới hoặc thấy rõ các quả báo trong sự trì giới; trí tuệ phát sanh ra trong giờ công phu niệm Phật, tham thiền đoạn đến bực bỉ lạc, an lạc, nhập định hoặc suy xét thấy rõ các sự phước báu của phép thiền định.
Có chỗ chia trí tuệ ra làm bốn phần: trí tuệ xét biết chúng sanh đều do bởi cái nghiệp của mỗi người, nghiệp nào quả nấy, làm lành thì hưởng quả vui, làm dữ thì mang quả khổ; trí tuệ xét biết các sự, hành vi đều là vô thường, khổ não, vô ngã; thấy khổ đế mà chăm niệm, thấy tập đế là ái dục, để mà dứt trừ, thấy đạo đế để mà hành theo; trí tuệ phát sanh theo bực hành đạo cao thượng để đoạn tuyệt các phiền não (maggasamintanāna). Các bậc tu Phật đều do trước hết, nhờ có trí tuệ thứ nhứt trong bốn trí tuệ cuối cùng này, mà được chứng quả Niết-bàn, cho nên gọi trí tuệ là của báu.
Những người mà có 7 quả báu trong mình đã giải rồi ấy thì ắt sẽ hưởng được quả vui cao thượng, sanh ra làm người giàu sang, làm bực trời và hưởng quả Niết-bàn chẳng sai vậy.
‒ Dứt tác phẩm Thập độ và thật bửu nhà Phật (Dl.1947) ‒
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.