Bảy kho báu tinh thần

Bảy kho báu tinh thần

    HIỂU BIẾT TRỌN VẸN

    Những Bài Pháp Ngắn

    do Hòa Thượng Silānanda giảng

    Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính

    Sư Khánh Hỷ soạn dịch

    13. BẢY KHO BÁU TINH THẦN

    Yếu tố đầu tiên của Bát Chánh Đạo là chánh kiến, chánh kiến này được gọi là paññā (trí tuệ), nhờ có trí tuệ này mà vị Tu Đà Hoàn loại trừ hoàn toàn ba thằng thúc (phiền não) đồng thời loại trừ một số năng lực của phiền não khác. Như vậy, sự hiểu biết hay kiến thức mà vị Tu Đà Hoàn có được xem như là kho báu. Tôi nghĩ rằng trí tuệ hay sự hiểu biết này mới thực sự đúng là kho tàng quý báu, và đó là chân trí tuệ bởi vì không ai có thể lấy cắp trí tuệ hay sự hiểu biết này. Đây là của cải riêng của cá nhân, không phải ai cũng có được. Đây là tài sản thật sự, tài sản quý báu nhất bởi vì nó có thể loại trừ phiền não, có nghĩa là loại trừ đau khổ. Tôi nghĩ rằng nếu bạn có được một phần nào tài sản này bạn sẽ nói là: “Tôi không nghèo. Tôi không có tiền, nhưng tôi không nghèo bởi vì tôi làm chủ những kho tàng cao quý.” Đây là câu trả lời mà một người bị bịnh cùi đã nói với vị trời Đế Thích lúc Đức Phật còn hiện tiền.

    CÂU CHUYỆN VỀ SUPPABUDDHA

    Người bị bệnh cùi này tên là Suppabuddha. Ông ta rất nghèo, phải đi ăn xin và bị đau khổ vì bịnh cùi. Ông không có nhà cửa, không nơi trú ngụ. Ban đêm bệnh cùi hành hạ nên ông bị đau đớn, khổ sở vô cùng. Ông không thể ngủ, ông khóc rên to tiếng làm người khác đang ngủ phải thức dậy, hay không ngủ được. Bởi thế, ông được gọi là Suppabuddha, có nghĩa là luôn luôn tỉnh thức, còn có nghĩa là luôn luôn làm người khác thức giấc.

    Ngày nọ, Đức Phật đến khất thực tại thành phố ông cư ngụ, sau khi đã độ ngọ xong, Ngài đi đến một chỗ để nghỉ ngơi. Lúc bấy giờ một số Chư Tăng cùng cư sĩ tụ họp lại nghe Đức Phật thuyết pháp.

    Thấy có đông người tụ tập, Suppabuddha nghĩ rằng: "Kìa có một số đông người đang tụ tập, có thể người ta đang phát thực phẩm cho người nghèo, vậy ta hãy đến đó xin thức ăn.” Nhưng khi đến gần, ông thấy chẳng có phát thực phẩm mà chỉ có đám đông đang ngồi yên lặng chăm chỉ nghe Đức Phật thuyết pháp. Thấy vậy, ông suy nghĩ: "Chỗ này chẳng có phát thức ăn gì cả, nhưng ẩn sĩ Gotama đang thuyết pháp. Đây là cơ hội tốt đẹp, vậy ta hãy để tâm nghe Đức Phật thuyết giảng.” Thế là Suppabuddha kính cẩn ngồi xuống một nơi bên ngoài đám đông để lắng nghe Giáo Pháp. Đức Phật thấy ông nên ban một thời pháp đặc biệt thích hợp với ông ta.

    Thông thường khi Phật thuyết pháp, Ngài thường nhìn vào tâm các người đang nghe pháp. Ngài quán sát và thấy khả năng của từng người. Khi Ngài thấy người có đủ khả năng hiểu biết những lời dạy của Ngài, người có đủ điều kiện để giác ngộ đạo quả, Ngài hướng tâm trực tiếp đến người đó giống như chỉ thuyết pháp cho riêng người đó thôi.

    Khi nhìn tâm tính chúng như vậy, Đức Phật hiểu được tâm Suppabuddha. Ngài thấy trí tuệ Suppabuddha chín muồi vì đã tích tụ nhiều Pāramī trong các kiếp quá khứ, sẵn sàng để giác ngộ nên Đức Phật hướng tâm đến ông ta. Đức Phật thuyết pháp theo tuần tự, chuẩn bị cho tâm người nghe tiến triển từ thấp đến cao.

    Đầu tiên, Ngài dạy về bố thí: thế nào là bố thí, lợi ích của bố thí. Tiếp theo, Ngài dạy về trì giới, những lợi ích và thành quả của sự giữ gìn giới hạnh tốt đẹp. Rồi Ngài dạy về các cõi trời, là nơi tái sinh của những người bố thí và thực hành giới luật tốt đẹp.

    Sau khi cho thấy lạc thú ở cõi trời, Đức Phật nói đến những khiếm khuyết về ngũ dục, những tai hại của dục lạc, và sự thóat ly khỏi thế gian. Khi thấy tâm của Suppabuddha đã an tịnh tĩnh lặng, trong sáng, sẳn sàng tiếp nhận, Đức Phật giảng giải những pháp đặc biệt của chư Phật, có nghĩa là Đức Phật dạy cho ông ta về Tứ Diệu Đế: khổ, nguyên nhân khổ, sự diệt khổ, và con đường đi đến nơi chấm dứt khổ. Vào cuối bài pháp, Suppabuddha đắc pháp nhãn, nghĩa là có sự hiểu biết hay chứng ngộ Giáo Pháp hay đắc quả Tu Đà Hoàn. Suppabuddha rất hoan hỉ và hạnh phúc, muốn đến gặp Đức Phật để nói cho Ngài biết những thành quả mà mình đã đạt được, nhưng vì bị bệnh cùi nên ông ngại phải đi ngang qua đám quần chúng. Ông không muốn người ta ghê sợ và khó chịu khi nhìn thấy ông, nên ông quyết định đợi cho đến lúc những người nghe pháp đã về hết mới đi gặp Đức Phật.

    Trên đường đi đến gặp Phật, Suppa-buddha gặp vua trời Sakka. Vua trời Sakka đến gần Suppabuddha và nói:

    Ông chỉ cần nói rằng: Phật không phải là Phật, Pháp không phải là pháp, Tăng không phải là Tăng. Tôi chẳng liên hệ gì đến Phật Pháp Tăng cả thì ta sẽ ban cho ông vô số của cải.

    Suppabuddha nghe vậy bèn hỏi:

    Ông là ai ?

    Trời Đế Thích trả lời:

    Ta là chúa cõi Trời”.

    Suppabuddha trả lời: 

    Ông là Trời Đế Thích mà sao thiểu trí quá vậy, ông đúng là kẻ xấu, ông không xứng đáng để nói chuyện với tôi. Mặc dầu tôi nghèo tiền của, nhưng tôi rất giàu vì tôi là chủ bảy thánh sản. Và người có bảy kho báu tinh thần, Đức Phật không xem họ là người nghèo đâu”.

    Rồi ông ta tiếp tục tiến bước.

    Trời Đế Thích đến gặp Đức Phật trước ông ta và bạch rằng:

    "Tôi có thuyết phục Suppabuddha từ chối Phật, nhưng tôi đã thất bại". 

    Đức Phật dạy rằng:

    Dầu cả hàng trăm, hàng ngàn người như trời Đế Thích cũng không thể thuyết phục Suppabuddha bằng cách nói rằng: Phật không phải là Phật, Pháp không phải là Pháp, Tăng không phải là Tăng, bởi vì ông đã có đức tin thật vững chắc vào Giáo Pháp của Đức Phật hay vào Tam Bảo".

    Sau đó, Suppabuddha đến gặp Đức Phật và bạch với Ngài là ông rất hoan hỉ với Giáo Pháp. Giáo Pháp đã mở mắt cho ông ta, Giáo Pháp như người hiển bày ra những gì bị giấu kín, như đốt sáng ngọn đèn trong đêm tối để những người có mắt có thể thấy được. Và Suppa-buddha tuyên bố mình là học trò của Đức Phật. Ông nói: "Hãy nhận con là người thiện nam đã qui y Tam Bảo dầu phải nguy hại đến tánh mạng mình." Nói xong ông ra đi.

    Đi được một đoạn đường, Suppabuddha bị một con bò cái, đang dẫn con đi, húc chết. Nghe tin Suppabuddha chết, Chư Tăng họp ở giảng đường bạch hỏi Đức Phật rằng tại sao một người rất hoan hỉ với Ngài và Giáo Pháp do Ngài giảng dạy lại bị bị húc chết, ông ta sẽ sinh về đâu và cuộc sống tương lai của ông sẽ như thế nào?

    Đức Phật dạy:

    "Này các thầy Tỳ Khưu, Suppabuddha đã dứt bỏ ba thằng thúc là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ (có nghĩa là đã đắc Tu Đà Hoàn) nên không thể bị rơi vào bốn ác đạo nữa. Chắc chắn ông ta sẽ giác ngộ đạo quả cao hơn."

    BA THẰNG THÚC

    Vị Tu Đà Hoàn đã dứt bỏ ba thằng thúc đó là:

    Thân kiến (có ý nghĩ sai lầm về con người. Không biết rằng tôi, ta đây chẳng qua chỉ là một khối vật chất và tâm),

    Hoài nghi (lưỡng lự phân vân, nghi ngờ Phật pháp Tăng, nghi ngờ pháp hành, nghi ngờ thiền Sư, nghi ngờ khả năng giác ngộ của chính mình),

    Giới cấm thủ (thực hành những phương pháp sai lầm và nghĩ lầm rằng đó là con đường đưa đến giác ngộ.)

    Khi Đức Phật nói như vậy thì một vị Sư hỏi:

    Bạch Ngài tại sao một người có khả năng để giác ngộ đạo quả mà lại nghèo nàn và bị cùi”.

    Đức Phật nhắc lại tiền thân của Suppabuddha.Trong quá khứ đã lâu lắm rồi Suppabuddha là một người giàu có trong thành phố Rājagaha.

    Ngày nọ, nhìn thấy Đức Phật độc giác (Paccekabuddha) đang đi khất thực trong thành phố, ông nói: 

    Ai như người cùi”.

    Chúng ta biết, Đức Phật độc giác không phải là người cùi. Đức phật độc giác với y bát và tóc cạo sạch sẽ mà ông ta nhìn Ngài như một người cùi, ông ta nói:

    Người cùi nào đang đi quanh thành phố”.

    Ông ta nhổ nước miếng tỏ vẻ khinh miệt vị Phật Độc Giác. Do kết quả của nghiệp bất thiện, ông ta bị tái sinh trong địa ngục nhiều nhiều năm, và do nghiệp bất thiện còn sót lại, kiếp này ông tái sinh thành một người cùi. Ông sinh ra làm người không phải do các nghiệp ác đã tạo, mà nhờ những nghiệp thiện khác ông đã làm trong quá khứ. Ông trở thành người cùi cũng do nghiệp bất thiện đã làm trong quá khứ. Đức phật đã nhắn nhủ các vị Tỳ Khưu, đừng làm việc ác nào để khỏi rơi vào cảnh khổ đau như vậy.

    BẢY THÁNH SẢN

    Trong câu chuyện này Suppabuddha đã nói là ông có bảy thánh sản hay bảy gia tài tinh thần. Chúng ta hãy tìm hiểu bảy thánh sản này:

    Đức tin (Saddhā)

    Có đức tin vào Phật hay đấng giác ngộ có nghĩa là tin rằng Phật là người thật sự giác ngộ, Ngài là bậc chánh biến tri. Ngài hiểu biết những gì cần hiểu biết trên thế gian này, không cần thầy dạy dỗ. Đức Phật là người có trí tuệ và giới đức trọn vẹn v.v... Nghĩa là Đức Phật có đầy đủ chín đức tính: Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Những người hiểu biết tin tưởng vào Đức Phật như vậy là người có đủ đức tin hay có sự tín cẩn vào Đức Phật và sự giác ngộ củaNgài. Do có đức tin vào Đức Phật nên người này có đức tin vào “Pháp” và “Tăng, và vào “Pháp Hành.”

     Giới Đức (Sīla)

    Có giới đức trong sạch, người giữ giới trong sạch, giữ tròn ngũ giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say. Khi giữ được những giới này thì được gọi là có kho báu tinh thần thứ hai. Đây là một kho báu thật quí giá. Tất cả những người Phật Tử hay những ai là tín đồ phật giáo, ít nhất phải giữ năm giới. Năm giới căn bản này còn được gọi là Upāsaka Sīla: giới của người cận sự nam hay Upāsīkā Sīla: giới của người cận sự nữ. Đó là giới của người Phật Tử hay những người nương nhờ nơi Phật.

     Hổ thẹn tội lỗi (Hiri) 

    Hổ thẹn tội lỗi tiếng Pāli là Hiri. Hiri là hổ thẹn khi làm những hành vi bất thiện. Hổ thẹn vì ăn cắp, sát sinh, tà dâm, nói dối, uống rượu. Nhờ biết hổ thẹn nên người Phật Tử không phạm giới: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say... Nếu chúng ta không có hổ thẹn tội lỗi thì chúng ta sẽ làm những gì mà chúng ta thích. Phần lớn những gì chúng ta làm theo ý thích, ham muốn đều là những điều bất thiện. Như vậy, hổ thẹn tội lỗi là một trong những đặc tính tốt mà người Phật Tử cần phải có. Đó là thánh sản thứ ba. Tiếng Pāli gọi là Dhana.

     Ghê sợ tội lỗi (Ottappa)

    Khi chúng ta làm điều sai lầm. Ta sẽ bị bậc trí tuệ khiển trách, ta đau khổ vì sự khiển trách đó. Sợ hậu quả của những hành động xấu nên chúng ta không làm những điều bất thiện. Đó là tài sản thứ tư. Hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi luôn luôn đi chung với nhau. Khi có hổ thẹn tội lỗi thì có ghê sợ tội lỗi. Khi có ghê sợ tội lỗi thì có hổ thẹn tội lỗi.

    Hai loại hổ thẹn và ghê sợ này được mô tả trong những bài kinh khác là kẻ bảo vệ cho thế giới. Bao lâu chúng sinh hay con người biết có hai kho tàng này thì thế giới và xã hội sẽ tốt đẹp. Khi con người mất một trong hai kho tàng này hay mất tất cả hai kho tàng thì xã hội sẽ bị ô nhiễm. Hai pháp này được gọi là Lokapāla dhamma là hai pháp bảo vệ thế gian. Hai pháp bảo vệ thế gian Lokapāla dhamma giúp cho thế gian tránh khỏi cảnh phi đạo đức. Đây là hai kho báu tinh thần mà chúng ta phải mến thương và gìn giữ.

     Hiểu biết (Suta)

    Hiểu biết là một kho tàng, tiếng Pāli gọi là Suta có nghĩa là học hỏi hay là hiểu biết những lời dạy dỗ của Đức Phật, ở đây không phải là sự hiểu biết thông thường. “hiểu biết nhiều” tiếng Pāli gọi là Bahusuta (nghe nhiều hiểu rộng hay đa văn). Bahu có nghĩa là nhiều, suta có nghĩa là nghe. Ngày xưa không có sách vở, tất cả những gì hiểu biết là do nghe người khác nói: nghe từ Đức Phật nói, nghe từ thầy giáo nói. Điều này có nghĩa là hiểu những lời dạy của Đức Phật cả lý thuyết lẫn thực hành. Đây là một gia tài tinh thần mà chúng ta cần phải có. Bạn có thể có gia tài này nhờ đọc sách, hỏi, bàn luận với những người khác và bằng sự thực hành những gì bạn đã hiểu.

    Bố thí (Cāga)

    Cāga có nghĩa là “cho ra” giống như chữ Dāna, bố thí cúng dường. Đức Phật dạy chúng ta không nên dính mắc nhiều vào những gì mình có, và nên chia xẻ những gì mình cho kẻ khác. Sự cho ra này phải thực hành với lòng cởi mở, rộng lượng, sẵn sàng giúp đỡ cho người khác. Những người sẵn sàng bố thí hay “cho ra”, được gọi là những người có bàn tay rửa sạch, có nghĩa là bàn tay đã rửa sạch mọi sự ích kỷ, hạ tiện. Những người có ít ích kỷ là những người luôn luôn sẵn sàng chia của cải của mình có cho kẻ khác. Những người đó được gọi là Cāga. Đây cũng là một kho tàng quí giá.

     Trí tuệ (Paññā)

    Paññā ở đây không có nghĩa là sự hiểu biết thông thường, mà là sự hiểu biết về sự sinh và diệt, biết được sự sinh diệt các hiện tượng vật chất và tâm. Bạn chỉ có Paññā hay trí tuệ này qua việc hành Thiền Minh Sát. Khi hành Thiền Minh Sát đến tầng mức nào đó, bạn sẽ thấy đối tượng mà bạn chú tâm “đến rồi đi”. Khi bạn thấy rõ ràng trong tâm sự sinh diệt này thì bạn mới được gọi là có tuệ giác thấy rõ sự sinh diệt. Tuệ giác thấy rõ sự sinh diệt này là một tuệ giác dẫn đến chấm dứt hoàn toàn đau khổ. Mặc dầu đây chỉ là một tuệ giác thấp trong Thiền Minh Sát, nhưng tuệ này dẫn đến chấm dứt mọi đau khổ. Hiểu biết về sự sinh diệt của các đối tượng rất quan trọng. Nếu bạn không thấy sự sinh diệt của các đối tượng thì bạn sẽ không thấy chúng là vô thường, khổ, vô ngã (không thể kiểm soát hay điều khiển được). Nếu chúng ta không thấy được ba đặc tính vô thường, khổ, vô ngã của vật chất và tâm thì chúng ta sẽ không thấy vật chất và tâm là đáng chán ngán, ghê tởm. Do đó chúng ta sẽ không tìm cách thóat khỏi chúng nó. Sự hiểu biết sinh diệt xuyên qua việc hành Thiền Minh Sát này là sự hiểu biết quan trọng. Chỉ khi nào bạn hiểu biết hay thấy được sự sinh diệt của các đối tượng thì bạn mới thực sự thực hành Thiền Minh Sát. Tiếng Pāli để gọi những người này là Āraddha vipassaka. Āraddha có nghĩa là người bắt đầu, người có sự cố gắng. Vipassaka là người thực hành Thiền Minh Sát. Nếu bạn chưa thấy được sự sinh diệt thì bạn không thể gọi là vipassaka. Theo nghĩa đúng đắn vipassaka là người đã thấy ba đặc tính vô thường khổ và vô ngã. Khi bạn chưa thấy được ba đặc tính: vô thường, khổ, vô ngã thì bạn vẫn là kẻ chưa đi vào Thiền Minh Sát đúng nghĩa, chỉ có thể gọi bạn là người đến gần Thiền Minh Sát hay người thực hành Thiền Minh Sát thôi. Như vậy, nói một cách chặt chẽ theo đúng nghĩa, thì người đã thấy rõ ba đặc tính vô thường, khổ, vô ngã mới gọi là người thực hành Thiền Minh Sát.

    LÀM CÁCH NÀO CÓ ĐƯỢC THÁNH SẢN

    Chúng ta phải cố gắng để có được Bảy kho tàng trên. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đã có được bảy kho tàng tinh thần này. Khi chúng ta có được bảy kho tàng này thì không ai có thể nói là chúng ta nghèo được. Mặc dầu chúng ta có thể nghèo về vật chất, nhưng không thể nghèo về tinh thần, vì thế, gọi đây là kho tàng tinh thần là đúng. Những kho báu tinh thần này quí giá hơn hẳn các kho tàng trên thế gian nên khi có được những kho tàng tinh thần này thì ta là người giàu nhất thế giới. Những kho tàng tinh thần này mới thật sự là kho tàng. Các kho tàng vật chất trong đời thường dễ bị nhiều hiểm nguy: Có thể bị mất cắp, bị cháy, bị nước cuốn trôi, bị tịch thu bởi chính quyền hay nhà vua, cũng có thể bị con trai hay con gái lấy đi hoặc tiêu tán. Bây giờ bạn nhìn lại xem bạn có bảy kho tàng này không? Tôi nghĩ là bạn có đó. Vậy chúng ta hãy vui mừng vì chúng ta có bảy kho báu. Nếu chúng ta chưa có chúng ta phải cố gắng để có.

    Trong bảy kho tàng được Đức Phật dạy, bạn có thấy chánh niệm “sati” trong Đó không? Không có chánh niệm ở đây. Trong phụ chú giải, bảy kho tàng này được ghi là Đức tin (Saddhā), Hổ thẹn tội (Hiri), Ghê sợ tội lỗi (Ottappa), Hiểu biết, (suta)... những kho tàng khác thì giống nhau.

    Chánh niệm (Sati) được thay vào chỗ Giới luật (Silā). Như vậy, theo phụ chú giải chánh niệm là một kho tàng, chúng ta giàu có nhờ chánh niệm.

    KẾT LUẬN

    Hôm nay, chúng ta hành Thiền Minh Sát, chánh niệm trọn ngày, thực hành nhiều giờ, chúng ta đã đặc biệt làm giàu cho kho tàng chánh niệm của chúng ta, đồng thời chúng ta cũng đang làm giàu cho tất cả bảy kho tàng của mình.

    Như Suppabuddha đã nói: Chúng ta không nghèo, chúng ta là những kẻ giàu có. Chúng ta hãy cố gắng để giàu hơn bằng cách nỗ lực thực hành Thiền Minh Sát.

     

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.