NỀN-TẢNG-PHẬT-GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN II
QUY-Y TAM-BẢO (TISARAṆA)
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ-Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita)
Cách thành tựu phép quy-y Tam-bảo
Để thành-tựu phép quy-y Tam-bảo theo pháp tam-giới (lokiyasaraṇagamana), vai trò quan trọng của người đệ- tử là chính. Cho nên, người đệ-tử phải là người có đức- tin trong sạch nơi Tam-bảo, có thiện-tâm tôn kính Đức- Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng, có trí-tuệ sáng suốt học hỏi các pháp, nhất là hiểu rõ ý nghĩa 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo, bởi vì những ân- đức Tam-bảo này là đối-tượng của đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ làm phận sự thọ phép quy-y Tam-bảo theo pháp tam-giới (lokiyasaraṇagamana).
Khi người đệ-tử đang thọ phép quy-y Tam-bảo, lặp lại từng chữ, từng câu quy-y Phật, quy-y Pháp, quy-y Tăng, với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, hiểu rõ ý nghĩa và có đối-tượng của từng câu quy-y ấy như sau:
* Khi lặp lại câu:
“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.” Nghĩa từng chữ:
- Buddhaṃ : nơi 9 ân-đức Phật-bảo
- Saraṇaṃ : quy-y nương nhờ
- Gacchāmi : con xin đến, con hiểu biết rõ, ...
Nghĩa toàn câu:
“Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân-đức Phật-bảo: “Itipiso Bhagavā Arahaṃ ... Bhagavā.”
* Khi lặp lại câu:
“Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.” Nghĩa từng chữ:
- Dhammaṃ: nơi 6 ân-đức Pháp-bảo
- Saraṇaṃ: quy-y nương nhờ
- Gacchāmi: con xin đến, con hiểu biết rõ, ...
Nghĩa toàn câu:
“Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 6 ân-đức Pháp-bảo: “Svākkhāto Bhagavatā dhammo ... paccattaṃ veditabbo viññūhi.”
* Khi lặp lại câu:
“Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.” Nghĩa từng chữ:
- Saṃghaṃ: nơi 9 ân-đức Tăng-bảo
- Saraṇaṃ: quy-y nương nhờ
- Gacchāmi: con xin đến, con hiểu biết rõ, ...
Nghĩa toàn câu:
“Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân-đức Tăng-bảo: “Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho ... Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa.”
Dutiyampi: Lần thứ nhì, lặp lại từng câu quy-y Phật, quy-y Pháp, quy-y Tăng với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng theo tuần tự 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo.
* Tatiyampi: Lần thứ ba, cũng như lần thứ nhì.
Thọ phép quy-y Tam-bảo được lặp lại ba lần theo truyền thống. Đó cũng là phong tục của người xưa, để chứng tỏ lòng chân thành tôn kính, khẳng định chắc chắn đã quy-y Tam-bảo: quy-y Đức-Phật-bảo, quy-y Đức-Pháp-bảo, quy-y Đức-Tăng-bảo.
Như vậy, sự thành-tựu của phép quy-y Tam-bảo theo pháp tam-giới, vai trò của người đệ-tử là quan trọng nhất; còn vị Thầy hướng dẫn chỉ là nhân duyên hỗ trợ giúp cho người đệ-tử được thành-tựu thọ phép quy-y Tam-bảo mà thôi.
- Nếu không có vị Đại-Trưởng-lão hướng dẫn, thì vị Trưởng-lão hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo.
- Nếu không có vị Trưởng-lão hướng dẫn, thì vị Tỳ- khưu hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo.
- Nếu không có vị Tỳ-khưu hướng dẫn, thì vị Sa-di hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo.
- Nếu không có vị Sa-di hướng dẫn, thì thậm chí người cận-sự-nam, hoặc người cận-sự-nữ là bậc thiện-trí hiểu biết về giáo-pháp của Đức-Phật, biết cách hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo cũng hợp-pháp, bởi vì sự thành-tựu của phép quy-y Tam-bảo là do người đệ-tử hiểu biết cách thọ phép quy-y Tam-bảo đúng đắn.
Cũng có thể ví dụ nôm-na như: thí sinh nào trúng tuyển vào trường đại-học, trở thành sinh viên, là do nhờ tài năng của thí sinh ấy, không phải do nhờ ban giám khảo. Còn ban giám khảo chỉ làm phận sự hợp thức hóa, và công nhận thí sinh ấy là một sinh viên thực sự của trường đại-học ấy mà thôi.
Cũng như vậy, vị Thầy hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo là giúp đỡ, dạy dỗ người đệ-tử hiểu biết rõ cách thọ phép quy-y Tam-bảo, để cho được thành-tựu. Còn việc thành tựu phép quy-y Tam-bảo là do tài năng hiểu biết của người đệ-tử.
* Khi người đệ-tử lặp lại câu quy-y Phật: “Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối- tượng 9 ân-đức Phật-bảo như thế nào?
Khi lặp lại câu quy-y Phật: “Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật” bằng tiếng Pāḷi hoặc tiếng Việt, người đệ-tử cần phải hiểu rõ ý nghĩa từng chữ, từng câu, với đại-thiện- tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân-đức Phật-bảo hiện rõ trong tâm, đồng thời cùng một lúc không trước không sau.
Cũng ví như khi nhắc đến tên “cha hoặc mẹ”, thì ngay khi ấy, hình ảnh cha hoặc mẹ, ân-đức của cha mẹ, đồng thời hiện rõ trong tâm của người con có hiếu nghĩa. Bởi vì, hình ảnh và ân-đức của cha mẹ đã in sâu trong tâm tưởng của người con từ thuở nhỏ.
Cũng như vậy, để cho đối-tượng 9 ân-đức Phật-bảo hiện rõ trong tâm, thì trước đó, người đệ-tử đã học hỏi, ghi nhớ, hiểu rõ ý nghĩa 9 ân-đức Phật-bảo xong, nên khi lặp lại tiếng Buddhaṃ (Đức-Phật-bảo), đồng thời đối-tượng 9 ân-đức Phật-bảo hiện rõ trong tâm ngay lúc ấy, không trước không sau.
* Khi người đệ-tử lặp lại câu quy-y Pháp: “Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối- tượng 6 ân-đức Pháp-bảo như thế nào?
Khi lặp lại câu quy-y Pháp: “Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp” bằng tiếng Pāḷi hoặc tiếng Việt, người đệ-tử cần phải hiểu rõ ý nghĩa từng chữ, từng câu, với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 6 ân-đức Pháp-bảo hiện rõ trong tâm, đồng thời cùng một lúc không trước không sau.
Cũng ví như một bài hát mà người ấy thích nhất, đã học thuộc lòng bài hát từ trước. Một khi nhắc đến tên bài hát ấy, đồng thời toàn bài hát ấy hiện rõ trong tâm trí của người ấy.
Cũng như vậy, để cho đối-tượng 6 ân-đức Pháp-bảo hiện rõ trong tâm, thì trước đó, người đệ-tử đã học hỏi, ghi nhớ, hiểu rõ ý nghĩa 6 ân-đức Pháp-bảo xong, nên khi lặp lại tiếng Dhammaṃ (Đức-Pháp-bảo), đồng thời đối-tượng 6 Ân-đức Pháp-bảo hiện rõ trong tâm ngay lúc ấy, không trước không sau.
* Khi người đệ-tử lặp lại câu quy-y Tăng: “Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối- tượng 9 ân-đức Tăng-bảo như thế nào?
Khi lặp lại câu quy-y Tăng: “Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng” bằng tiếng Pāḷi hoặc tiếng Việt, người đệ-tử cần phải hiểu rõ ý nghĩa từng chữ từng câu, với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có 9 ân-đức Tăng-bảo hiện rõ trong tâm, đồng thời cùng một lúc không trước không sau.
Cũng ví như, một vị Thầy khả kính, khả ái đã từng dạy dỗ người học trò nên người hữu ích. Một khi nhắc đến tên vị Thầy ấy của mình, đồng thời lúc ấy hình ảnh và ân-đức của vị Thầy hiện rõ trong tâm tưởng của người học trò có tình có nghĩa với Thầy.
Cũng như vậy, để cho đối-tượng 9 ân-đức Tăng-bảo hiện rõ trong tâm, thì trước đó, người đệ-tử đã học hỏi, ghi nhớ, hiểu rõ ý nghĩa 9 ân-đức Tăng-bảo xong, nên khi lặp lại tiếng Saṃghaṃ (Đức-Tăng-bảo), đồng thời đối-tượng 9 ân-đức Tăng-bảo hiện rõ trong tâm ngay lúc ấy, không trước không sau.
Do đó, muốn thành tựu phép quy-y Tam-bảo, trước tiên người đệ-tử cần phải đến gần gũi, thân cận với vị Thầy là bậc thiện-trí trong Phật-giáo, để lắng nghe chánh-pháp, nhất là học hỏi, ghi nhớ hiểu rõ ý nghĩa 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng- bảo, bởi vì những ân-đức Tam-bảo này là đối-tượng của đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ làm phận sự thọ phép quy- y Tam-bảo cho được thành tựu.
Như vậy, sự thành-tựu phép quy-y Tam-bảo theo tam- giới là do sự hiểu biết của người đệ-tử, mà sự hiểu biết ấy là do nương nhờ vị Thầy, bậc thiện-trí biết phương pháp dạy dỗ người đệ-tử trở thành người cận-sự-nam, hoặc người cận-sự-nữ.
Vậy, người cận-sự-nam, người cận-sự-nữ phải nên biết làm tròn bổn phận của người đệ-tử đối với vị Thầy của mình.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.