Thọ Tỳ-Khưu-Ni (Bhikkhunī upasampadā)
Đức-Phật chế định ban hành phép thọ tỳ-khưu-ni có 3 cách như sau:
Garudhammapaṭiggahaṇūpasampadā như thế nào?
Thời-kỳ Đức-Phật ngự tại giảng đường Kuṭāgāra trong khu rừng lớn thuộc xứ Vesalī. Khi ấy, bà Mahā-pajāpatigotamī cùng nhóm 500 cận-sự-nữ dòng Sakya tự cạo đầu, mặc y giống như bậc xuất-gia, đi chân không từ kinh-thành Kapilavatthu đến xứ Vesālī, đứng trước cổng giảng đường Kuṭāgāra, buồn tủi khóc than, vì Đức-Phật không cho phép phái nữ thọ tỳ-khưu-ni.
Ngài Trưởng-lão Ānanda nhìn thấy bá mẫu Mahā-pajāpatigotamī cùng nhóm 500 cận-sự-nữ dòng Sakya thật đáng thương như vậy, nên Ngài Trưởng-lão vào kính xin Đức-Phật cho phép người nữ được thọ tỳ-khưu- ni. Đức-Phật truyền dạy:
– Nếu dì mẫu Mahāpajāpatigotamī chấp thuận thọ nhận 8 trọng pháp (garudhamma) thì đó là sự thọ tỳ- khưu-ni của dì mẫu.
Bà Mahāpajāpatigotamī cung kính chấp thuận, thọ nhận 8 trọng pháp mà Đức-Phật đã chế định ban hành vào hạ thứ 5 của Đức-Phật tại giảng đường Kuṭāgāra trong khu rừng lớn gần kinh-thành Vesālī.
Như vậy, gọi là thọ tỳ-khưu-ni bằng cách thọ nhận 8 trọng pháp.
Đây là trường hợp đặc biệt chỉ riêng cho bà Mahā-pajāpatigotamī mà thôi. Vị Đại-đức tỳ-khưu-ni Mahā-pajāpatigotamī là vị tỳ-khưu-ni đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama. Còn 500 cận-sự-nữ dòng Sakya được Đức-Phật cho phép xuất gia thọ tỳ-khưu-ni chỉ có phái chư tỳ-khưu-Tăng tụng ñatticatutthakammavācā mà thôi, bởi vì chưa có tỳ-khưu-ni-tăng.
Dūtenūpasampadā như thế nào?
Trường hợp cô Aḍḍhakāsī, trước khi thọ tỳ-khưu-ni, cô là một kỹ nữ nổi tiếng. Nay nữ-giới-tử Aḍḍhakāsī đã thọ tỳ-khưu-ni giữa tỳ-khưu-ni-Tăng rồi, chuẩn bị lên đường đi đến kinh-thành Sāvatthi để hầu đảnh lễ Đức-Phật và xin thọ tỳ-khưu-ni giữa tỳ-khưu-Tăng.
Nữ-giới-tử Aḍḍhakāsī hay tin có một nhóm trai trẻ ăn chơi sẽ đón đường bắt cô. Do đó, nữ-giới-tử không dám đi đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, nên nhờ một người đại diện đến bạch với Đức-Thế-Tôn về sự khó khăn, trở ngại của cô trong việc đi đến xin phép thọ tỳ-khưu-ni giữa chư tỳ-khưu-Tăng. Đức-Phật biết sự việc như vậy, nên truyền dạy chư tỳ- khưu rằng:
– Anujānāmi bhikkhave, dūtena pi upasampadetuṃ.
– Này chư tỳ-khưu! Như-Lai cho phép nữ-giới-tử Aḍḍhakāsī thọ tỳ-khưu-ni bằng cách nhờ qua người đại diện.
Như vậy, gọi là thọ tỳ-khưu-ni bằng cách nhờ qua người đại diện. Đây là trường hợp đặc biệt chỉ riêng cho nữ-giới-tử Aḍḍhakāsī mà thôi.
Aṭṭhavācīkūpasampadā như thế nào?
Trước khi thọ tỳ-khưu-ni, giới-tử là Sikkhāmānā được tu tập giữ gìn 6 giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn suốt 2 năm (nếu phạm giới nào, phải bắt đầu trở lại). Khi giới-tử Sikkhāmānā đủ 2 năm rồi, được phép thọ giới tỳ-khưu-ni gồm có 2 giai đoạn.
Giai đoạn đầu: Phái tỳ-khưu-ni-Tăng hội họp tại nơi Sīmā (ranh-giới Sīmā), có 2 hoặc 3 vị tỳ-khưu-ni luật sư tụng một lần ñatti (tuyên-ngôn) và tiếp theo tụng 3 lần Kammavācā (thành-sự-ngôn), gọi là ñatti-catutthakammavācā.
Giai đoạn cuối: Giới-tử tỳ-khưu-ni ấy đến trình phái tỳ-khưu-Tăng hội họp tại nơi Sīmā, có 2 hoặc 3 vị tỳ-khưu luật sư tụng 1 lần ñatti và tiếp theo tụng 3 lần kammavācā, gọi là ñatticatutthakammavācā.
Như vậy, cách thọ tỳ-khưu-ni phải hành-Tăng-sự giữa chư Tăng 2 phái: phái tỳ-khưu-ni-Tăng trước và tiếp theo phái tỳ-khưu-Tăng sau, mỗi phái đều tụng ñatti-catutthakammavācā, gồm đủ 8 lần, nên gọi là Aṭṭha-vācīkūpasampadā.
Đó là cách thọ tỳ-khưu-ni được áp dụng chung cho tất cả tỳ-khưu-ni.
Trong thời-kỳ Đức-Phật, bà Mahāpajāpatigotamī cùng nhóm 500 cận-sự-nữ dòng Sakya đến xin Đức-Phật thọ tỳ-khưu-ni.
Đặc biệt bà Mahāpajāpatigotamī cung kính chấp thuận thọ nhận 8 trọng-pháp của Đức-Phật đã ban hành. Đó là cách thọ tỳ-khưu-ni của bà Mahāpajāpatigotamī.
Còn nhóm 500 cận-sự-nữ dòng Sakya, Đức-Phật cho phép thọ tỳ-khưu-ni, chỉ có phái tỳ-khưu-Tăng tụng 1 lần ñatti và tiếp theo tụng 3 lần kammavācā, gọi là ñatti-catutthakammavācā, bởi vì, khi ấy chưa có phái tỳ-khưu-ni-Tăng. Tất cả nhóm 500 cận-sự-nữ dòng Sakya trở thành tỳ-khưu-ni.
Kể từ đó về sau, nghi thức thọ tỳ-khưu-ni giữa chư Tăng 2 phái: phái tỳ-khưu-ni-Tăng trước và chư tỳ-khưu-Tăng sau, mỗi phái tụng ñatticatutthakammavācā, gồm đủ 8 lần gọi là Aṭṭhavācīkūpasampadā.
Tám Trọng-pháp (Aṭṭha Garudhamma)
1- “Dù tỳ-khưu-ni có 100 hạ, cũng phải đứng dậy đón tiếp, chắp tay cung kính đảnh lễ tỳ-khưu vừa mới thọ tỳ-khưu trong ngày hôm ấy.”
Đó là điều mà tỳ-khưu-ni phải tôn trọng, cung kính thực-hành theo cho đến trọn đời.
2- “Tỳ-khưu-ni không nên an cư nhập hạ nơi chùa không có tỳ-khưu-Tăng.”
Đó là điều mà tỳ-khưu-ni phải tôn trọng, cung kính thực-hành theo cho đến trọn đời.
3- Tỳ-khưu-ni luôn luôn quan tâm 2 điều:
– Hỏi ngày Uposatha: Ngày lễ tụng giới bổn.
– Nghe lời giáo huấn của tỳ-khưu-Tăng hằng nửa tháng một lần.
Đó là điều mà tỳ-khưu-ni phải tôn trọng, cung kính thực-hành theo cho đến trọn đời.
4- “Tỳ-khưu-ni sau khi an cư nhập hạ xong, phải làm lễ Pavāraṇā: Thỉnh mời giữa chư Tăng 2 phái: phái tỳ-khưu-ni-Tăng và phái tỳ-khưu-Tăng.”
Đó là điều mà tỳ-khưu-ni phải tôn trọng, cung kính thực-hành theo cho đến trọn đời.
5- “Tỳ-khưu-ni phạm tội nặng (saṃghādisesa), phải bị hành phạt mānatta suốt 15 ngày giữa chư Tăng 2 phái: phái tỳ-khưu-ni-Tăng và phái tỳ-khưu-Tăng.”
Đó là điều mà tỳ-khưu-ni phải tôn trọng, cung kính thực-hành theo cho đến trọn đời.
6- “Giới-tử là Sikkhāmānā(1) đã thực-tập 6 giới trong sạch và đầy đủ suốt 2 năm, rồi mới được làm lễ thọ tỳ-khưu-ni giữa chư Tăng 2 phái: phái tỳ-khưu-ni-Tăng trước và phái tỳ-khưu-Tăng sau.”
Đó là điều mà tỳ-khưu-ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.
Ghi chú: 1 Sikkhāmānā thực tập 6 giới: Ngũ giới + giới không ăn phi thời (quá giờ ngọ: 12 giờ) trong sạch suốt 2 năm. Trong thời gian thực tập, nếu phạm một giới nào vị Sikkhāmānā phải bắt đầu lại từ đầu.
7- “Tỳ-khưu-ni không được chửi rủa mắng nhiếc tỳ-khưu-Tăng trong bất cứ trường hợp nào.”
Đó là điều mà tỳ-khưu-ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.
8- “Sau khi thọ tỳ-khưu-ni rồi, cấm dạy tỳ-khưu-Tăng, chỉ có tỳ-khưu dạy tỳ-khưu-ni mà thôi.”
Đó là điều mà tỳ-khưu-ni phải tôn trọng, cung kính thực-hành theo cho đến trọn đời.
Đó là 8 trọng pháp (aṭṭha garudhamma) mà chư tỳ- khưu-ni phải tôn trọng, cung kính thực-hành theo cho đến trọn đời.