Cách Thức Thọ Tỳ Khưu (Bhikkhu upasampadā)
Trong Phật-giáo, Đức-Phật đã chế định ra 8 cách thức thọ tỳ-khưu Upasampadā.
Đối với tỳ-khưu có 5 cách như sau:
1- Ehi Bhikkhūpasampadā: Thọ tỳ-khưu bằng cách Đức-Phật gọi “Ehi Bhikkhu”.
2- Saraṇagamanūpasampadā: Thọ tỳ-khưu bằng cách thọ phép quy-y Tam-Bảo.
3- Ovādapaṭiggahaṇūpasampadā: Thọ tỳ-khưu bằng cách thọ nhận lời giáo huấn của Đức-Phật.
4- Pañhābyākaraṇūpasampadā: Thọ tỳ-khưu bằng cách trả lời đúng câu hỏi của Đức-Phật.
5- Ñatticatutthakammūpasampadā: Thọ tỳ-khưu bằng cách tụng 1 lần ñatti (tuyên-ngôn) và tiếp theo tụng 3 lần kammavācā (thành-sự-ngôn).
Đối với tỳ-khưu-ni có 3 cách như sau:
1- Garudhammapaṭiggahaṇūpasampadā: Thọ tỳ-khưu-ni bằng cách thọ nhận 8 trọng-pháp.
2- Dūtenūpasampadā: Thọ tỳ-khưu-ni bằng cách nhờ qua người đại diện.
3- Aṭṭhavācikūpasampadā: Thọ tỳ-khưu-ni bằng cách hành tăng sự giữa chư Tăng 2 phái: Tỳ-khưu-ni-Tăng trước và tỳ-khưu-Tăng sau, mỗi phái tụng 1 lần ñatti (tuyên-ngôn) và tiếp theo tụng 3 lần kammavācā (thành-sự-ngôn) trở thành 8 lần tụng (aṭṭhavācikūpasampadā).(1)
Ghi chú: 1 Tìm hiều đầy đủ trong quyển “ Gương Bậc Xuất-Gia”, cùng soạn-giả.
Phần Giải Thích
Thọ tỳ-khưu (Bhikkhu upasampadā)
Đức-Phật chế định ban hành phép xuất-gia trở thành tỳ-khưu có 5 cách như sau:
1- Ehi Bhikkhūpasampadā như thế nào?
Người cận-sự-nam, hoặc đạo-sĩ, tu-sĩ ngoại-đạo sau khi nghe Đức-Phật thuyết pháp, phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức- Tăng-bảo, muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu, người cận-sự-nam ấy đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, kính xin Đức-Phật cho phép thọ tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.
Đức-Phật sử dụng Phật-nhãn xem xét đến tiền-kiếp người nam ấy, thấy rõ, biết rõ: “Người nam ấy là người đã tạo đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ: tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ, đã từng bố thí 8 thứ vật dụng của tỳ-khưu (tam y, quả bát, dây thắt lưng, dao cạo tóc, ống kim chỉ và đồ lọc nước) và đã phát nguyện xuất gia bằng cách Đức-Phật gọi: Ehi Bhikkhu.”
Vì vậy, khi Đức-Phật đưa bàn tay phải, chỉ bằng ngón trỏ truyền dạy rằng:
“Ehi Bhikkhu. Svākkhāto dhammo cara brahma-cariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya.”
– “Này con! Con hãy đến với Như-Lai, con trở thành tỳ-khưu theo ý nguyện. Chánh-pháp mà Như-Lai đã thuyết giảng hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối. Con hãy nên cố gắng tinh-tấn thực-hành phạm-hạnh cao thượng, để chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A- ra-hán Thánh-quả, hầu mong chấm dứt sự khổ tử sinh luân-hồi.”
Khi Đức-Phật truyền dạy vừa dứt lời, ngay tức thì, người cận-sự-nam ấy, hoặc đạo-sĩ, tu-sĩ ngoại-đạo ấy trở thành tỳ-khưu, có đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ-khưu, được thành tựu do quả của phước-thiện như thần-thông của giới-tử ấy. Vị tỳ-khưu ấy có tăng tướng trang nghiêm, thân, khẩu, ý thanh-tịnh như một vị tỳ-khưu có 60 hạ.
Như vậy, gọi là thọ tỳ-khưu bằng cách gọi: Ehi Bhikkhūpasampadā.
Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña là vị đầu tiên thọ tỳ-khưu bằng cách gọi “Ehi Bhikkhu”, cũng là vị tỳ- khưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức-Phật Gotama, và tiếp theo tuần tự các Ngài Trưởng-lão Vappa, Ngài Trưởng-lão Bhaddiya, Ngài Trưởng-lão Mahānāma, và Ngài Trưởng-lão Assaji cũng đều thọ tỳ-khưu bằng cách gọi “Ehi Bhikkhu”.
Chỉ có Đức-Phật mới có khả năng cho phép giới tử thọ tỳ-khưu bằng cách gọi “Ehi Bhikkhu” mà thôi.
Ngoài ra, chư bậc Thánh thanh-văn đệ-tử không có oai lực cho thọ tỳ-khưu theo cách ấy.
Đức-Phật Gotama cho phép giới tử thọ tỳ-khưu bằng cách gọi “Ehi Bhikkhu” tất cả gồm có 28.647 vị tỳ khưu.
Trong Tạng Luật Pāḷi gồm có 1.344 vị như sau:
– Nhóm Pañcavaggī có 5 vị.
– Ngài Trưởng-lão Yasa và bạn hữu gồm có 56 vị.
– Nhóm Bhaddavaggī và bạn hữu gồm có 1.030 vị.
– Nhị vị Aggasāvaka và nhóm đệ tử gồm có 252 vị.
– Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla có 1 vị.
Trong Tạng Kinh Pāḷi gồm có 27.303 vị như sau:
– Bà-la-môn Sela và nhóm đệ-tử gồm có 301 vị.
– Đức vua Mahākappina và các quan cận thần gồm có 1.001 vị.
– Dân kinh-thành Kapilavatthu gồm có 10.000 vị,
– Bà-la-môn Pārāyanika và nhóm đệ-tử gồm có 16.001 vị.
Gồm có tất cả 28.647 vị tỳ-khưu Ehi Bhikkhu.
2- Saraṇagamanūpasampadā như thế nào?
Trong thời-kỳ đầu tiên truyền bá Phật-giáo, Đức-Phật truyền dạy chư bậc Thánh-Tăng mỗi vị một con đường đi khắp nơi thuyết pháp để tế độ chúng-sinh, nếu có người cận-sự-nam có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, có ý-nguyện muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu, thì Đức-Phật cho phép chư bậc Thánh-Tăng rằng:
– Anujānāmi bhikkhave, imehi tīhi saraṇagamanehi pabbajjaṃ upasampadaṃ.(1)
– Này chư tỳ-khưu! Như-Lai cho phép thọ sa-di, tỳ-khưu bằng cách cho thọ phép quy-y Tam-bảo.
Ghi chú: 1 Vinayapiṭaka, Bộ Mahāvagga, phần Pabbajjūpasampadākathā.
Giới-tử thọ sa-di, tỳ-khưu trước tiên phải cạo tóc, râu, mặc y cà-sa màu lõi mít, để chừa vai bên phải, ngồi chồm hổm, chắp 2 tay để trên trán xin thọ phép quy-y Tam-bảo: “Quy-y Phật-bảo, Quy-y Pháp-bảo, Quy-y Tăng-bảo” bằng tiếng Pāḷi, giới-tử cần phải đọc từng chữ, từng câu phải đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana của văn phạm Pāḷi và đúng theo 10 byañjanabuddhi theo Ngài Trưởng-lão thầy tế-độ như sau:
Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Khi người giới-tử nào thọ phép quy-y Tam-bảo xong, người giới-tử ấy trở thành tỳ-khưu. Tuy nhiên, với điều kiện Ngài Trưởng-lão thầy tế-độ và giới-tử cả 2 bên đều đọc từng chữ, từng câu phải đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana của văn phạm Pāḷi và đúng theo 10 byañjanabuddhi gọi là ubhato suddhi thì giới-tử mới trở thành sa-di, tỳ-khưu được.
Như vậy, gọi là thọ tỳ-khưu bằng cách thọ phép quy-y Tam-bảo.
3- Ovādapaṭiggahaṇūpasampadā như thế nào?
Đức-Phật giáo huấn Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa 3 điều rằng:
– Này Kassapa! Trong Phật-giáo này, con nên thực-hành rằng:“Trước tiên ta nên biết hổ-thẹn tội-lỗi và biết ghê-sợ tội-lỗi đối với vị cao hạ, vị bằng hạ, vị nhỏ hạ.”
– Này Kassapa! Trong Phật-giáo này, con nên thực-hành rằng:“Ta nên lắng nghe chánh-pháp, nên cung kính chánh-pháp, ghi nhớ đầy đủ mọi chánh-pháp ấy.”
– Này Kassapa! Trong Phật-giáo này, con nên thực-hành rằng: “Ta nên thực-hành thân niệm-xứ.”
Khi Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa thọ nhận 3 điều giáo huấn của Đức-Phật, chính là sự thành tựu thọ tỳ-khưu của Ngài.
Như vậy, gọi là thọ tỳ-khưu bằng cách thọ nhận lời giáo huấn của Đức-Phật.
Đây là trường hợp đặc biệt chỉ riêng cho Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa mà thôi.
4- Pañhābyākaraṇūpasampadā như thế nào?
Tại ngôi chùa Pubbārāma, Đức-Phật đang ngự đi kinh hành. Khi ấy Sa-di Sopāka đến hầu đảnh lễ Đức-Phật. Đức-Phật bèn hỏi Sa-di Sopāka câu hỏi liên quan đến đề-mục asubha “bất-tịnh” rằng:
– Uddhamātakasaññā’ti và Sopāka! rūpasaññā’ti vā ime dhammā nānatthā nānā byañjanā, udahu ekatthā byañjanameva nānā …
– Này Sopāka! Niệm tưởng tử-thi 2-3 ngày sình lên hoặc niệm tưởng sắc-pháp, hai pháp này nghĩa khác nhau, danh từ gọi khác nhau? Hay nghĩa giống nhau, danh từ gọi khác nhau?”
Vị Sa-di Sopāka mới lên 7 tuổi, bạch với Đức-Phật rằng:
– Uddhamātakasaññā’ti và Bhagavā rūpasaññā’ti vā ime dhammā ekatthā byañjanameva nānā …
– Kính bạch Đức Thế Tôn, niệm tưởng tử-thi 2-3 ngày sình lên hoặc niệm tưởng sắc-pháp, nghĩa giống nhau, chỉ có danh từ gọi khác nhau. Bạch Ngài.
Đức-Phật hài lòng câu trả lời của vị Sa-di Sopāka, nên Đức-Phật cho phép vị Sa-di Sopāka trở thành tỳ-khưu. Đó gọi là thọ tỳ-khưu bằng cách trả lời đúng câu hỏi của Đức-Phật.
Đây là trường hợp đặc biệt chỉ riêng cho vị Sa-di Sopāka mà thôi.
5- Ñatticatutthakammūpasampadā như thế nào?
Chư Thánh-Tăng đi du hành khắp mọi nơi thuyết-pháp tế độ chúng-sinh, các cận-sự-nam (upāsaka) phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, xin phép xuất gia trở thành tỳ-khưu càng ngày càng đông. Cho nên, Đức-Phật bỏ cách thọ tỳ-khưu bằng cách thọ phép quy-y Tam-bảo rằng:
– Yā sā bhikkhave, mayā tīhi saraṇagamanehi upasampadā anuññatā, taṃ ajjatagge paṭikkhipāmi.
– Anujānāmi bhikkhave, ñatticatutthena kammena upasampādetuṃ.(1)
– Này chư tỳ-khưu! Như-Lai đã cho phép thọ tỳ-khưu bằng cách thọ Tam-quy. Kể từ nay về sau, Như-Lai bỏ cách thọ tỳ-khưu ấy.
– Này chư tỳ-khưu! Như-Lai cho phép thọ tỳ-khưu bằng cách tụng một lần ñatti (tuyên-ngôn) và tiếp theo tụng 3 lần kammavācā (thành-sự-ngôn), gọi là ñatti-catutthakammavācā.”
Ghi chú: 1 Vinayapiṭaka, Bộ Mahāvagga, phần Paṇāmitakathā.
Cách thọ tỳ-khưu này bắt đầu từ Ngài Trưởng-lão Rādha và được lưu truyền mãi cho đến ngày nay. Hiện nay, trong các nước Phật-giáo theo truyền thống Nguyên-thuỷ Theravāda, như các nước Srilankā (Tích-Lan), nước Myanmar (Miến-Điện), nước Thailand (Thái-Lan), nước Cambodia (Cam-pu-chia), nước Laos (Lào), Phật-giáo Nguyên-Thủy Theravāda Việt-Nam, v.v… mặc dầu mỗi nước có ngôn ngữ khác nhau, song tất cả đều căn cứ theo Tạng Luật Pāḷi làm cơ bản.
Cho nên các nước Phật-giáo Theravāda vẫn cố gắng giữ gìn, duy trì y nguyên theo truyền thống thọ sa-di theo cách thọ phép quy-y Tam-bảo bằng tiếng Pāḷi, vị thầy tế-độ hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo, giới-tử thọ phép quy-y Tam-bảo, cả hai bên (giới-tử và vị thầy tế-độ) đều phải phát âm từng chữ, từng câu đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana của văn phạm Pāḷi và đúng theo 10 byañjanabuddhi gọi là ubhato suddhi thì giới-tử mới trở thành sa-di được.
Và nghi thức thọ tỳ-khưu, chư tỳ-khưu-Tăng từ 5 vị tỳ-khưu thật trở lên hội họp tại nơi Sīmā, có 1 hoặc 2 hoặc 3 Ngài Trưởng-lão luật sư tụng ñatticatuttha-kammavācā: tụng một lần ñatti (tuyên-ngôn) và tiếp theo tụng 3 lần kammavācā (thành-sự-ngôn), phát âm từng chữ, từng câu phải đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana của văn phạm Pāḷi và đúng theo 10 byañjanabuddhi mới thành-tựu, giới-tử trở thành vị tỳ-khưu.
Như vậy, gọi là thọ tỳ-khưu bằng cách tụng ñatti-catutthakammavācā. Ngoài cách thọ tỳ-khưu này ra, còn lại tất cả mọi cách hành-Tăng-sự (saṃghakamma) khác, chư tỳ-khưu-Tăng các nước hội họp tại Sīmā cũng tụng ñattikammavācā bằng tiếng Pāḷi, hầu như giống hệt nhau, kể cả tụng những bài kinh parittapāḷi nữa.
Đây là đặc tính chung của các nước Phật-giáo theo truyền thống nguyên-thủy Theravāda, bởi vì các nước này đều căn cứ y theo Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi làm nền tảng cơ bản chính để hành-tăng-sự (saṃgha-kamma) trong các nghi lễ trong Phật-giáo nguyên-thuỷ Theravāda.