Câu chuyện vị tỳ khưu không thuộc một câu kinh trở thành vị thánh có tứ tuệ phân tích

Câu chuyện vị tỳ khưu không thuộc một câu kinh trở thành vị thánh có tứ tuệ phân tích

    Tích Cūḷapanthakattheravatthu(1) được tóm lược như sau:

    Cận-sự nam Cūḷapanthaka có sư huynh là Ngài Trưởng-lão Mahāpanthakatthera xuất gia trước đã trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

    Về sau, Ngài Trưởng-lão Mahāpanthaka khuyên bảo người em là Cūḷapanthaka xuất gia trở thành tỳ-khưu. Sau khi trở thành tỳ-khưu, tỳ- khưu Cūḷapanthaka trở nên người chậm nhớ.

    Thật vậy, Ngài Trưởng-lão Mahāpanthaka dạy tỳ-khưu Cūḷapanthaka một bài kệ gồm có 4 câu mà suốt 4 tháng vẫn chưa học thuộc lòng được.

    Một hôm, Ngài Trưởng-lão Mahāpanthaka bảo với sư đệ Cūḷapanthaka rằng:

    - Này Cūḷapanthaka! Dường như sư đệ không có phước duyên trong Phật-giáo, cho nên chỉ một bài kệ mà sư đệ học suốt 4 tháng vẫn chưa thuộc lòng được, thì làm sao thực-hành pháp- hạnh cao thượng để giải thoát khổ được!

    Vì vậy, sư đệ nên rời khỏi ngôi chùa Amba- vana này, trở về nhà trở thành cận-sự-nam cố gắng tinh-tấn tạo bồi bổ thêm các pháp-hạnh ba-la-mật.

    Nghe sư huynh truyền bảo như vậy, thật tâm tỳ-khưu Cūḷapanthaka yêu tha thiết đời sống bậc xuất-gia, hoàn toàn không muốn hoàn tục trở lại đời sống của người tại gia, bởi vì tỳ-khưu Cūḷapanthaka có đức-tin trong sạch tha thiết trong Phật-giáo, nhưng đành phải vâng lời sư huynh của Ngài.

    Hôm ấy, cận-sự-nam Jīvaka Komārabhacca là quan ngự y của Đức-vua Bimbisāra trong kinh-thành Rājagaha đến ngôi chùa Ambavana hầu đảnh lễ Đức-Phật, lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp.

    Sau khi nghe Đức-Phật thuyết pháp xong, cận-sự-nam Jīvaka đến đảnh lễ Ngài Trưởng-lão Mahāpanthaka bạch rằng:

    - Kính bạch Ngài Trưởng-lão, trong ngôi chùa này có bao nhiêu vị tỳ-khưu? Bạch Ngài.

    - Này cận-sự-nam Jīvaka! Trong chùa có 500 vị tỳ-khưu.

    - Kính bạch Ngài Trưởng-lão, sáng ngày mai, con xin kính thỉnh Đức-Phật ngự cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng gồm có 500 vị đến tư thất của con, để cho con cúng dường vật thực.

    - Này cận-sự-nam Jīvaka! Sáng ngày mai, Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng có 499 vị đến tư thất của con, không có tỳ-khưu Cūḷapanthaka.

    Nghe sư huynh nói với cận-sự-nam Jīvaka như vậy, thì tỳ-khưu Cūḷapanthaka không còn hy vọng ở lưu lại tại ngôi chùa Ambavana này được nữa. Tỳ-khưu Cūḷapanthaka cảm thấy khổ tâm cùng cực.

    Canh chót đêm hôm ấy, Đức-Phật xả đại-bi thiền, xem xét chúng-sinh nào có phước duyên nên tế độ, thì thấy rõ tỳ-khưu Cūḷapanthaka hiện ra, Đức-Phật thấy rõ, biết rõ tỳ-khưu Cūḷa-panthaka sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

    Đức-Phật tế độ tỳ-khưu Cūḷapanthaka

    Sáng sớm hôm ấy, Đức-Phật ngự ra trước cổng chùa đi kinh hành chờ gặp tỳ-khưu Cūḷapanthaka.

    Cũng sáng sớm hôm ấy, tỳ-khưu Cūḷapanthaka rời khỏi ngôi chùa Ambavana trở về nhà. Nhìn thấy Đức-Phật, tỳ-khưu Cūḷapanthaka liền đến đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-Phật.

    Đức-Phật truyền hỏi rằng:

    - Này Cūḷapanthaka! Con đi đâu từ sáng sớm vậy?

    Tỳ-khưu Cūḷapanthaka kính bạch rằng:

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sư huynh của con bảo rằng: “Con nên rời khỏi ngôi chùa Amba-vana trở về nhà, hoàn tục trở thành cận-sự-nam, bởi vì con là người chậm nhớ”. Bạch Ngài.

    Đức-Phật truyền dạy rằng:

    - Này Cūḷapanthaka! Con là tỳ-khưu trong giáo-pháp của Như-Lai, sư huynh bảo con rời khỏi ngôi chùa Ambavana, sao con không đến với Như-Lai?

    - Này Cūḷapanthaka! Con hãy đến với Như-Lai.

    Đức-Phật đưa bàn tay mềm mại sờ trên đầu của tỳ-khưu Cūḷapanthaka, rồi dẫn đến cốc Gandhakuṭi. Đức-Phật truyền bảo tỳ-khưu Cūḷapanthaka ngồi trước cốc Gandhakuṭi, rồi ban cho một miếng vải trắng mới sạch phát sinh do thần thông, rồi truyền dạy rằng:

    - Này Cūḷapanthaka! Con nên ngồi quay mặt về hướng Đông, hai tay vò miếng vải này, đồng thời niệm trong tâm rằng: “Rajoharaṇaṃ, … Rajoharaṇaṃ, … Rajoharaṇaṃ, … Vải lau bụi dơ, … Vải lau bụi dơ, … Vải lau bụi dơ, …”

    Khi ấy đến giờ, cận-sự-nam Jīvaka đến kính thỉnh Đức-Phật ngự cùng với chư Đại-đức tỳ- khưu-Tăng gồm có 499 vị đến tư thất của ông (không có tỳ-khưu Cūḷapanthaka).

    Vâng theo lời dạy của Đức-Phật, tỳ-khưu Cūḷapanthaka ngồi hướng mặt trời mọc, vò miếng vải ấy, đồng thời niệm trong tâm rằng: “Rajoharaṇaṃ, … Rajoharaṇaṃ, … Rajoharaṇaṃ,…, Vải lau bụi dơ, … Vải lau bụi dơ, … Vải lau bụi dơ, …”

    Khi vò miếng vải mới sạch ấy, miếng vải ấy trở nên dơ bẩn, tỳ-khưu Cūḷapanthaka nhìn thấy miếng vải ấy dơ bẩn như vậy, nên nghĩ rằng: “Miếng vải mới sạch thật sự, nhưng khi tiếp xúc với thân thể này của ta, miếng vải mới sạch không còn sạch như trước nữa, nay miếng vải ấy trở nên dơ bẩn như vậy. Tất cả pháp-hữu-vi đều là vô-thường nhỉ!”

    Tỳ-khưu Cūḷapanthaka thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp; trí- tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp.

    Đức-Phật dõi theo biết rõ rằng: “Tâm của Cūḷapanthaka đã có trí-tuệ thiền-tuệ rồi”. Đức- Phật phóng hào quang hiện đến ngồi trước mặt tỳ-khưu Cūḷapanthaka truyền dạy rằng:

    - Này Cūḷapanthaka! Con không nên chỉ biết đến miếng vải ấy dơ bẩn vì bụi dơ, mà con còn phải biết những bụi dơ đó là rāga: tham-dục, dosa: sân-hận, moha: si-mê ngấm ngầm ở trong tâm của con. Con hãy nên diệt tận tham-dục, sân-hận, si- mê không còn nữa.

    Đức-Phật thuyết dạy 3 bài kệ rằng:

    - “Rāgo rajo na ca pana reṇu vuccati…” “Doso rajo na ca pana reṇu vuccati...” “Moho rajo na ca pana reṇu vuccati…”

    - Bụi dơ đó là tham-dục, bụi dơ không có nghĩa là bụi dơ, mà bụi dơ là tên gọi của tham-dục. Chư tỳ-khưu đã diệt tận được bụi dơ tham- dục ấy, rồi sống trong giáo-pháp của Đức-Phật không còn bụi dơ ấy. Bụi dơ đó là sân-hận, bụi dơ không có nghĩa là bụi dơ, mà bụi dơ là tên gọi của sân-hận. Chư tỳ-khưu đã diệt tận được bụi dơ sân-hận ấy, rồi sống trong giáo-pháp của Đức-Phật không còn bụi dơ ấy. Bụi dơ đó là si-mê, bụi dơ không có nghĩa là bụi dơ, mà bụi dơ là tên gọi của si-mê. Chư tỳ-khưu đã diệt tận được bụi dơ si-mê ấy, rồi sống trong giáo-pháp của Đức-Phật không còn bụi dơ ấy.

    Sau khi lắng nghe 3 bài kệ xong, Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka thực-hành pháp-hành thiền-tuệ liền dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được tham-dục, sân-hận, si-mê không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với tứ-tuệ phân-tích (paṭisam- bhidā), lục-thông (abhiññā), đặc biệt thông suốt Tam-Tạng Pāḷi (Tīṇi piṭakāni).

    Tại tư thất, cận-sự-nam Jīvaka Komārabhacca đem nước đến kính dâng lên Đức-Phật.

    Đức-Phật truyền bảo cận-sự-nam Jīvaka rằng:

    - Này Jīvaka! Trong ngôi chùa Ambavana còn có tỳ-khưu phải không?

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài Trưởng-lão Mahāpanthaka cho con biết không còn tỳ-khưu nào trong ngôi chùa Ambavana nữa.

    - Này Jīvaka! Trong ngôi chùa Ambavana vẫn còn có tỳ-khưu.

    Nghe Đức-Phật truyền dạy như vậy, cận-sự- nam Jīvaka bảo gia nhân rằng:

    - Này ngươi! Ngươi hãy mau lẹ đến ngôi chùa Ambavana, để biết còn có tỳ-khưu nào, hãy mau trở về báo ngay!

    - Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka hóa ra ngàn tỳ-khưu mà mỗi nhóm đều làm mỗi việc khác nhau như học kinh, may y, quét dọn sạch sẽ, … trong ngôi chùa Ambavana này.

    Gia nhân của ông cận-sự-nam Jīvaka đến chùa, nhìn thấy nhiều vị tỳ-khưu trong ngôi chùa, nên y liền trở về trình cho ông chủ Jīvaka biết trong ngôi chùa Ambavana có nhiều vị tỳ- khưu, mỗi nhóm làm mỗi việc khác nhau.

    Cận-sự-nam Jīvaka kính bạch rằng:

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn, trong ngôi chùa Ambavana có nhiều vị tỳ-khưu.

    Đức-Thế-Tôn truyền bảo rằng:

    - Này Jīvaka! Con hãy nên bảo gia nhân rằng: “Đức-Thế-Tôn truyền bảo tỳ-khưu tên Cūḷapanthaka đến hầu”.

    Khi gia nhân đi đến ngôi chùa Ambavana, nói lời truyền bảo của Đức-Thế-Tôn như vậy, thì cả ngàn vị tỳ-khưu đều xưng tên rằng: tôi là tỳ- khưu Cūḷapanthaka, tôi là tỳ-khưu Cūḷapanthaka.

    Gia nhân trở về kính bạch lên Đức-Phật rằng:

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con nghe các vị tỳ- khưu đều xưng tên là tỳ-khưu Cūḷapanthaka.

    Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

    - Này con! Nếu như vậy thì con nghe vị tỳ- khưu nào xưng tên trước rằng: tôi là tỳ-khưu Cūḷapanthaka.

    - Con hãy đến thỉnh vị tỳ-khưu ấy, các vị tỳ- khưu còn lại sẽ đều biến mất.

    Vâng lời dạy của Đức-Phật, gia nhân của cận sự nam Jīvaka đến thỉnh vị tỳ-khưu xưng tên trước, các vị tỳ-khưu còn lại đều biến mất ngay tức khắc.

    Sau khi Đức-Phật cùng chư Đại-đức tỳ-khưu- Tăng thọ thực xong, Đức-Thế-Tôn truyền bảo cận-sự-nam Jīvaka rằng:

    - Này Jīvaka! Con hãy nên đón nhận bát của tỳ-khưu Cūḷapanthaka, rồi thỉnh tỳ-khưu Cūḷa- panthaka thuyết pháp và nói lời hoan hỷ phước- thiện bố-thí cúng dường của con hôm nay.

    Vâng lời truyền dạy của Đức-Phật, cận-sự- nam Jīvaka đến nhận bát của Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka, rồi thỉnh Ngài Trưởng-lão thuyết pháp.

    Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka thuyết pháp với giọng hay, thông thuộc, thấu suốt Tam-Tạng Pāḷi, nói lời hoan hỷ làm cho số đông phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ trong lời dạy của Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka.

    Đức-Thế-Tôn ngự trở về ngôi chùa Amba- vana cùng với nhóm chư Đại-đức-Tăng gồm có đủ 500 vị tỳ-khưu.

    Nghiệp quá-khứ của Ngài Cūḷapanthaka

    Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka là 1 trong 80 vị Thánh A-ra-hán Đại-Thanh-văn, có phép thần thông biến hóa do tâm xuất sắc nhất trong các hàng Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

    Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka vốn là vị đã từng tạo 10 pháp-hạnh ba-la-mật suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất, kể từ thời-kỳ Đức-Phật Padumuttara cho đến kiếp chót trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama.

    Vấn: Do nguyên nhân nào mà kiếp chót của Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka khi xuất gia trở thành tỳ-khưu, thì Ngài Trưởng-lão trở nên vị tỳ-khưu chậm nhớ, nên học một bài kệ gồm có 4 câu, dù Ngài Trưởng-lão cố gắng tinh-tấn ngày đêm suốt 4 tháng vẫn không thuộc lòng được?

    Đáp: Trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa, tiền- kiếp của Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka là vị tỳ- khưu có nhiều trí-tuệ, thông suốt Tam-Tạng Pāḷi.

    Khi tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão nghe vị tỳ- khưu học Pāḷi (uddesa), đọc đi đọc lại nhiều lần mà không thuộc, nên Ngài cười chế nhạo, làm cho vị tỳ-khưu ấy cảm thấy hổ thẹn, rồi bỏ học thuộc lòng Pāḷi.

    Do ác-nghiệp quá-khứ ấy trong tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão cho quả, nên kiếp hiện-tại khi xuất gia trở thành tỳ-khưu thì trở nên vị tỳ-khưu chậm nhớ, nên học một bài kệ gồm có 4 câu, dù cố gắng tinh-tấn ngày đêm suốt 4 tháng vẫn không thuộc lòng được.

    Vấn: Do nguyên nhân nào mà Đức-Phật ban cho tỳ-khưu Cūḷapanthaka miếng vải mới sạch, rồi truyền dạy tỳ-khưu dùng 2 tay vò miếng vải ấy, đồng thời niệm tưởng trong tâm rằng: “Rajoharaṇaṃ, …” tạo nhân-duyên dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi tham-dục, sân-hận, si-mê không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán?

    Đáp: Trong thời quá-khứ, tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka là Đức-vua. Một hôm, Đức-vua ngự trên con voi báu đi quan sát quanh kinh-thành lúc trời nắng nóng, mồ hôi chảy ra trên trán.

    Đức-vua dùng khăn vải trắng mới sạch lau mồ hôi trên trán, làm cho chiếc khăn vải trắng ấy bị dơ bẩn. Đức-vua phát sinh động tâm về vô- thường, bất-tịnh rằng: “Chiếc khăn vải trắng mới sạch khi tiếp xúc, lau sắc-thân này thì  không còn sạch như xưa nữa. Chiếc khăn bị dơ bẩn, bởi vì thân thể của ta dơ bẩn. Tất cả các pháp-hữu-vi đều là vô-thường cả!”

    Do nguyên nhân chiếc khăn vải trắng sạch sẽ bị dơ bẩn trong thời quá-khứ ấy làm nhân-duyên, nên Đức-Phật ban cho Ngài Trưởng-lão miếng vải mới sạch, rồi truyền dạy Ngài Trưởng-lão dùng 2 tay vò miếng vải ấy, đồng thời niệm tưởng trong tâm rằng: “Rajoharaṇaṃ,…” như vậy.

    Trích: 1 Dham. aṭṭhakathā, Appamādavagga, Cūḷapanthakattheravatthu.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.