Chánh Kiến (Samma Diṭṭhi)

Chánh Kiến (Samma Diṭṭhi)

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY THERAVĀDA
    -----

    TÀ KIẾN (MICCHĀ DIṬṬHI) VÀ CHÁNH KIẾN (SAMMA DIṬṬHI)

    Bhikkhu Nāga Mahā Thera – Tỳ khưu Bửu Chơn

    Dl. 1960 – Pl.2504

     

    CHÁNH KIẾN (SAMMA DIṬṬHI)

    (T.Tạng quyển 20, trang 152)

    Ta có nghe như vầy: một thuở nọ Đức Thế Tôn ngự tại chùa Bố Kim Tự của ông trưởng giả Cấp Cô Độc gần thành Xá Vệ (Sāvatthī).

    Trong lúc ấy, ĐĐ. Xá-Lợi-Phất (Sāriputta) kêu các vị tỳ khưu mà nói rằng: Này đạo hữu, Đức Thế Tôn thường hay giảng về chánh kiến. Vậy chớ chánh kiến ấy ra sao? Này các đạo hữu, khi nào các bực Thanh văn biết rõ pháp ác, biết rõ pháp thiện, biết nguyên nhân của pháp ác và pháp thiện là người chánh kiến, tâm trong sạch không rung động trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, pháp ác là thế nào? Này đạo hữu, sự sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói đâm thọc, nói lời hung dữ (mắng chửi người), nói vô ích, tham lam, sân hận, si mê (tà kiến) đều là pháp ác. Còn nguyên nhân pháp ác là thế nào? Tham, sân, si là gốc rễ của pháp ác vậy. Này các đạo hữu, pháp thiện là thế nào? Tác ý xa lánh sự sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói đâm thọc, nói hung dữ, nói vô ích, xa lánh sự tham lam, sân hận, si mê đó là pháp thiện. Còn gốc rễ của pháp thiện là thế nào? Sự không tham, không sân, không si đều là gốc rễ của pháp thiện vậy.

    Này các đạo hữu, khi nào các bực Thanh văn thấy rõ như vậy, mới dứt bỏ được pháp ngủ ngầm trong tâm là: tình dục, bất bình, ngã mạng, tà kiến, vô minh; và làm cho minh triết (vijjā) phát sanh lên, mới dứt bỏ được sự khổ trong kiếp hiện tại được. Vì vậy mà các bậc Thanh văn trong sạch, không rung động trong giáo pháp của Đức Thế Tôn.

    Này các đạo hữu, khi nào các bậc Thanh văn biết rõ vật thực (āhāra) và nguyên nhân phát sanh vật thực, biết rõ sự diệt tắt và phương pháp thực hành để diệt tắt vật thực. Vật thực ấy là thế nào? Vật thực ấy có bốn là: kavalinkar’ āhāra - vật thực hữu hình (như cơm, bánh trái v.v...); phass’ āhāra - vật thực tiếp xúc (là sự tiếp xúc lục căn và lục trần là vật thực (nhân) để phát sanh lên thọ (vedanā); mano sañcetan’ āhāra - tác ý vật thực (là sự suy tầm, lo nghĩ tạo tác trong tâm là vật thực (nhân) để phát sanh tam giới); viññān’ āhāra - tâm thức vật thực (là tâm thức nguyên nhân để phát sanh lên danh sắc).

    Ái dục (tanhā) là nguyên nhân để phát sanh lên bốn vật thực ấy. Diệt tắt ái dục đi thì bốn món vật thực ấy diệt tắt theo; con đường có tám ngã là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định là phương pháp thực hành để diệt tắt bốn món vật thực ấy.

    Này các đạo hữu, khi nào các bậc Thanh văn biết rõ ‘sự khổ’, nguyên nhân phát sanh sự khổ, nơi diệt tắt sự khổ, sự thực hành để đi đến nơi diệt khổ. Này các đạo hữu, thầy tỳ khưu biết rõ sự khổ là thế nào? Sanh khổ, già khổ, chết khổ, khóc than khổ, bực tức khổ, gần nhân vật không ưa thích cũng khổ, xa lìa cảnh vật thương mến, ưa thích cũng khổ, muốn mà không được cũng khổ, tóm lại có ngũ uẩn này là khổ.

    Ái dục (taṇhā) là nguyên nhân phát sanh lên sự khổ, là dục ái, sắc ái, phi cảnh ái. Chúng sanh vì vui thích, say mê, ưa mến trong ái dục ấy nên mới bị ‘khổ não’ trong vòng sanh tử luân hồi. Diệt khổ (nirodha), là sự dứt bỏ, sự diệt tắt ái dục không còn dư sót, không mến tiếc nữa (cũng gọi Níp- bàn) nơi diệt khổ. Đạo diệu đế (ariya magga), là con đường Bát chánh đạo có tám chi để thực hành cho đến nơi diệt khổ. Này các đạo hữu, khi nào các bực Thanh văn biết rõ như vậy mới dứt bỏ pháp ngũ ngầm (anusaya), có chánh kiến trong sạch, mới không rung động trong giáo pháp của Đức Thế Tôn.

    Này các đạo hữu, thầy tỳ khưu nên thấy rõ sự già, sự chết, nơi phát sanh, nơi diệt tắt và sự thực hành để diệt tắt cái già, cái chết. Sự già sự chết là thế nào? Sự gầm mòn, sự tiều tụy tóc bạc, da nhăn, răng long má cóp, ngũ quan suy kém của chúng sanh nào gọi là sự già vậy. Sự chết là sự lìa bỏ xác thân, sự tan rã, sự mất đi, sự qua đời; sự quá vãng, sự tan rã ngũ uẩn, sự cắt bỏ mạng sống, sự để tử thi lại, đó là trạng thái của sự chết cả. Nơi phát sanh sự già, chết là sự sanh (jāti). Muốn diệt tắt sự già, chết thì phải diệt ngay sự sanh, con đường Bát chánh đạo để thực hành cho đến nơi diệt tắt sự sanh. Này các đạo hữu, hơn nữa thầy tỳ khưu nên thấy rõ sự sanh là: sự đầu thai, sự sanh ra rõ rệt, sự phát lộ ra ngũ uẩn, sự có đủ lục căn của chúng sanh ở cảnh đó, như thế gọi là sự sanh. Thầy tỳ khưu nên thấy rõ cái hữu (là cảnh giới - bhava), có ba là: cảnh dục, cảnh sắc, cảnh vô sắc (là cảnh giới để cho chúng sanh đi thọ sanh). Thầy tỳ khưu nên thấy rõ cái thủ (cố chấp - upādāna), có bốn là: chấp về tình dục, chấp về kiến thức, chấp về lệ cúng tế, chấp ngã (cố chấp mới có cảnh giới tái sanh). Thầy tỳ khưu nên thấy rõ ái dục (taṇhā) có sáu là: ái sắc, ái thinh, ái hương, ái vị, ái xúc, ái pháp (vì có ái dục mới sanh ra sự cố chấp (thủ). Thầy tỳ khưu nên thấy rõ cái thọ (vedanā) có sáu là: nhãn thọ, nhĩ thọ, tỷ thọ, thiệt thọ, thân thọ, ý thọ (vì có thọ (hưởng) mới có sanh ra ái dục). Thầy tỳ khưu nên thấy rõ cái xúc (tiếp xúc) (phassa) có sáu là: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc (vì có tiếp xúc mới sanh ra thọ). Thầy tỳ khưu nên thấy rõ lục căn (āyataṇa) là: nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn (có lục căn mới phát sanh sự tiếp xúc được). Thầy tỳ khưu nên thấy rõ danh sắc (nāma-rūpa) là: thọ, tưởng, xúc, tác ý, chú tâm gọi là danh; tứ đại: đất, nước, lửa, gió gọi là sắc (có danh sắc mới phát sanh ra lục căn). Thầy tỳ khưu nên thấy rõ cái thức (viññāna) có sáu là: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức (có thức mới phát sanh ra danh sắc). Thầy tỳ khưu nên thấy rõ cái hành (sankhārā) có ba là: thân hành, khẩu hành, ý hành (sự hành vi tạo tác) có hành mới phát sanh ra sự hiểu biết là thức). Thầy tỳ khưu nên thấy rõ vô minh (avijjā) là: sự không biết rõ cái khổ, không biết rõ nguyên nhân phát sanh lên cái khổ, không biết rõ Níp-bàn là nơi diệt tắt cái khổ, không biết rõ con đường bát chánh thực hành theo để diệt tắt cái khổ (vì vô minh không thấy rõ lý tứ đế nên mới phát sanh sự hành vi đủ đều thiện ác).

    Thầy tỳ khưu nên biết rõ pháp trầm luân (āsava) có ba là: trầm luân trong tình dục, trầm luân trong cảnh giới, trầm luân trong vô minh. Biết rõ nơi phát sanh pháp trầm luân là vô minh. Biết rõ khi diệt tắt vô minh thì pháp trầm luân cũng diệt tắt. Biết rõ con đường bát chánh để thực hành theo cho đến nơi diệt tắt pháp trầm luân (mấy pháp phía trước cũng biết rõ nguyên nhân phát sanh, nơi diệt tắt và con đường bát chánh thực hành theo cho đến nơi diệt tắt các pháp ấy, nghĩa là mỗi pháp đều thấy rõ lý Tứ diệu đế giống nhau hết thảy).

    Này các đạo hữu, khi nào các bậc Thanh văn thấy rõ lý Tứ diệu đế trong các pháp ấy thì mới dứt bỏ các pháp ngũ ngầm (anusaya) như tình dục, bất bình, ngã mạng, tà kiến, vô minh không còn dư sót và làm cho minh triết (vijjā) phát sanh lên, mới có thể dứt khổ trong kiếp hiện tại được. Này các đạo hữu, các bậc Thanh văn đệ tử Phật là người có chánh kiến, có đức tin trong sạch, không rung động trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, nhờ thấy rõ những pháp chánh kiến như thế ấy. Nếu các đạo hữu còn hoài nghi xin vào đảnh lễ Đức Thế Tôn, Ngài giải thế nào thì các thầy nên ghi nhớ lấy.

    Khi ấy các vị tỳ khưu lấy làm vui thích lời của ĐĐ. Xá- Lợi-Phất giảng giải.

    Xong các thầy vào đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch qua mọi lẽ. Đức Phật bèn phán rằng: “Xá-Lợi-Phất là bậc trí tuệ giảng giải rất đúng, nếu các thầy hỏi Như Lai thì Như Lai cũng giải y như Xá-Lợi-Phất vậy”.

    Dứt chánh kiến

    Soạn xong tại Bửu Quang Tự, Gò Dưa, Gia Định.

    Mùa thu năm Canh Tý, Pl.2504 – Dl.1960

    BÁ NHẪN KỆ

    Sự nóng giận rất nhiều mãnh lực
    Khi phát lên tích cực vô cùng
    Múa men la ó lung tung
    Mặt xanh mắt đỏ giận run cả mình
    Ráng dập tắt tánh tình sân hận
    Tiền đức xưa căn dặn lắm lần
    Người mà tánh nết không sân
    Nhẫn ba-la-mật khỏe thân lạ thường
    Người muốn thắng để nhường người thắng
    Hay giỏi chi cứng rắn tranh đời
    Làm thinh chẳng thốt một lời
    Giữ tâm nhẫn nại không rời Phật ngôn
    Đói khát vẫn ôn tồn thái độ
    Hoặc tham, sân đau khổ si mê
    Nhịn sự vui thú ngỏa nguê
    Nhịn luôn những tiếng khen chê của đời
    Nhịn cả thảy những lời đâm thọc
    Nóng lạnh cùng rắn độc các loài
    Rủi ro gặp lúc nạn tai
    Cũng đều nhịn hết chẳng sai tấc lòng
    Nhịn luôn cả muỗi mòng gió nắng
    Mới gọi là bá nhẫn trăm lần
    Phước báu to lớn muôn phần
    Theo lời Phật dạy ân cần suy tôn
    Có pháp nhẫn duy tồn của quý
    Cả thảy ai thượng trí trong đời
    Sửa trao sắc đẹp cho người
    Đều do nhẫn nại pháp thời thật cao
    Pháp nhẫn nại khác nào kiều, lộ
    Hoặc ví như xe cộ rước người
    Hiền nhơn trí thức trên đời
    Sanh về nhàn cảnh cõi trời thiếu chi
    Nếu gồm đủ nhiều khi phước đức
    Nhập Niết-bàn lập tức chẳng sai
    Nhẫn nại hạnh phúc hỡi ai!
    Không hao của cải phước hoài chảy vô
    Mọi người thảy hoan hô khen ngợi
    Đến xứ nào được lợi như thường
    Chư Thiên, người thảy đều thương
    Do nhờ nhẫn nại thường thường quen tâm
    Xin nhắc nhở người tâm đạo đức
    Trí giới và gắng sức tham thiền
    Bố thí nhẫn nại chẳng kiên
    Bao nhiêu công quả phước điền như không.(22)

    Soạn tại Kratie, mùa xuân Canh Tý 1960

    – Dứt tác phẩm Tà kiến và chánh kiến –

    -oo0oo-

    (22) Người bố thí, trì giới, tham thiền mà không nhẫn nại, mỗi chút mỗi sân có khi vì sân hận thóa mạ cả Tam bảo, hãm hại các bậc thánh nhơn thì bao nhiêu công quả ấy cũng như thiêu đốt hết.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.