Chúng-sinh trong tam-giới
Tất cả chúng-sinh trong tam-giới có ba loại:
1- Chúng-sinh có ngũ-uẩn (sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn) trong 11 cõi dục-giới, 15 cõi sắc-giới phạm-thiên (trừ cõi sắc-giới Vô-tưởng-thiên).
2- Chúng-sinh có tứ-uẩn (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn và thức-uẩn) trong 4 cõi vô-sắc-giới phạm-thiên.
3- Chúng-sinh có nhất-uẩn (sắc-uẩn) trong cõi sắc-giới Vô-tưởng-thiên.
Ngũ-uẩn (Pañcakkhandha)
Uẩn (khandha) có nghĩa là “phần, nhóm” gồm những phần có trạng-thái tương tự nhau, liên kết vào một phần, một nhóm.
Ví dụ: Con người có ngũ-uẩn.
1- Sắc-uẩn đó là 28 sắc-pháp thuộc về phần thân.
2- Thọ-uẩn đó là thọ tâm-sở.
3- Tưởng-uẩn đó là tưởng tâm-sở.
4- Hành-uẩn đó là 50 tâm-sở nói chung (trừ thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở).
5- Thức-uẩn đó là 89 hay 121 tâm nói chung.
Mỗi tâm là 1 thức-uẩn. Thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn gồm 4 danh-uẩn này thuộc về phần tâm.
Phần Giải Thích
1- Sắc-uẩn (Rūpakkhandha) gồm có 28 sắc-pháp
Sắc-uẩn (Rūpakkhandha) gồm có 28 sắc-pháp chia thành hai loại:
* Mahābhūtarūpa: Sắc-tứ-đại có 4 sắc-pháp lớn là:
1- Địa-đại (Pathavī): Chất đất có trạng-thái cứng hoặc mềm.
2- Thủy-đại (Āpo): Chất nước có trạng-thái lỏng hoặc đông đặc.
3- Hỏa-đại (Tejo): Chất lửa có trạng-thái nóng hoặc lạnh.
4- Phong-đại (Vāyo): Chất gió có trạng-thái lưu động, phồng hoặc xẹp.
Upādāyarūpa: Sắc-pháp phụ thuộc gồm có 24 sắc-pháp, luôn luôn phụ thuộc vào 4 sắc tứ-đại:
– 5 tịnh-sắc (pasādarūpa): nhãn tịnh-sắc, nhĩ tịnh-sắc, tỷ tịnh-sắc, thiệt tịnh-sắc, thân tịnh-sắc.
– 7 hoặc 4 sắc đối-tượng (visayarūpa): đối-tượng sắc, đối-tượng thanh, đối-tượng hương, đối-tượng vị, đối-tượng xúc(1).
Giải thích (1) Xúc gồm có 3 sắc-pháp: Đất, lửa, gió trong phần tứ đại, nên phần chi- pháp không tính trong phần sắc-pháp phụ thuộc.
– 2 sắc tính (bhāvarūpa): sắc nam-tính, sắc nữ-tính.
– 1 hadayarūpa: sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm.
– 1 sắc-mạng-chủ (jīvitarūpa).
– 1 sắc-vật-thực (āhārarūpa).
– 1 sắc-chân-không (paricchedarūpa).
– 2 sắc-cử-động (viññattirūpa): sắc thân cử động, sắc khẩu cử động.
– 3 sắc-chuyển-biến (vikārarūpa): sắc nhẹ nhàng, sắc mềm mại, sắc uyển chuyển.
– 4 sắc-trạng-thái (lakkhaṇarūpa): sắc sinh, sắc liên tục, sắc già dặn, sắc vô-thường.
Đó là 28 sắc-pháp bên trong thân, thuộc về sắc-uẩn. Một người bình thường, không bị khuyết tật, thân thể có đầy đủ 27 sắc-pháp.
* Nếu là người nam thì trừ sắc nữ-tính.
* Nếu là người nữ thì trừ sắc nam-tính.
* Nếu người bị đui mù, câm điếc, thì người ấy có số lượng sắc-pháp giảm xuống theo bệnh tật.
2- Thọ-uẩn (Vedanakkhandha) đó là thọ tâm-sở có trạng-thái cảm thọ trong đối-tượng.
* Thọ tâm-sở có ba loại thọ theo đối-tượng.
– Thọ khổ (dukkhavedanā) có trạng-thái khổ khó chịu.
– Thọ lạc (sukhavedanā) có trạng-thái lạc dễ chịu.
– Thọ xả (upekkhāvedanā) có trạng-thái không khổ, không lạc.
* Thọ tâm-sở có 5 loại theo thân, tâm làm chủ:
– Thọ khổ (dukkhavedanā) đồng sinh với thân-thức-tâm (khổ thân).
– Thọ lạc (sukhavedanā) đồng sinh với thân-thức-tâm (thân an-lạc).
– Thọ hỷ (somanassavedanā) đồng sinh với ý-thức-tâm (tâm an-lạc).
– Thọ ưu (domanassavedanā) đồng sinh với sân-tâm (khổ tâm).
– Thọ xả (upekkhāvedanā) đồng sinh với ý-thức-tâm (tâm không khổ, không lạc).
Mỗi thọ tâm-sở đồng sinh với tâm ấy thuộc về thọ-uẩn
3- Tưởng-uẩn (saññakkhandha) đó là tưởng tâm-sở có trạng-thái tưởng nhớ trong 6 đối-tượng.
– Sắc tưởng (rūpasaññā) tưởng nhớ các đối-tượng sắc.
– Thanh tưởng (saddasaññā) tưởng nhớ các đối-tượng âm thanh.
– Hương tưởng (gandhasaññā) tưởng nhớ các đối- tượng hương.
– Vị tưởng (rasasaññā) ghi nhớ các đối-tượng vị.
– Xúc tưởng (phoṭṭhabbasaññā) tưởng nhớ các đối-tượng xúc.
– Pháp tưởng (dhammasaññā) tưởng nhớ các đối-tượng pháp.
Mỗi tưởng tâm-sở đồng sinh với tâm ấy thuộc về tưởng-uẩn.
4- Hành-uẩn (saṅkhārakkhandha) đó là 50 tâm-sở (trừ thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở) có trạng-thái cấu tạo, tạo tác các pháp.
* Tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với bất-thiện-tâm tạo nên bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) do thân, khẩu, ý.
* Tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với thiện-tâm tạo nên thiện-nghiệp, do thân, khẩu, ý.
Số tâm-sở ấy đồng sinh với tâm ít hoặc nhiều tuỳ theo năng lực của mỗi tâm. Ngoại trừ thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở ra, các tâm-sở còn lại thuộc về hành-uẩn.
5- Thức-uẩn (viññāṇakkhandha) gồm có 89 hoặc 121 tâm có trạng-thái biết đối-tượng.
Đối-tượng có 6 loại, nên tâm chia ra làm 6 loại tâm:
– Nhãn-thức-tâm (cakkhuviññāṇa) có 2 tâm làm phận sự nhìn thấy các đối-tượng sắc.
– Nhĩ-thức-tâm (sotaviññāṇa) có 2 tâm làm phận sự nghe các đối-tượng âm thanh.
– Tỷ-thức-tâm (ghānaviññāṇa) có 2 tâm làm phận sự ngửi các đối-tượng hương.
– Thiệt-thức-tâm (jivhāviññāṇa) có 2 tâm làm phận sự nếm các đối-tượng vị.
– Thân-thức-tâm (kāyaviññāṇa) có 2 tâm làm phận sự xúc giác các đối-tượng xúc.
– Ý-thức-tâm (manoviññāṇa) có 79 tâm có nhiều phận sự như biết các đối-tượng pháp: tâm, tâm-sở, sắc-pháp, các ngôn ngữ chế định, các môn học, … và cả đối-tượng Niết-bàn tùy theo năng lực của mỗi tâm. Mỗi tâm thuộc về mỗi thức-uẩn.
Thật ra, mỗi tâm phát sinh đều có một số tâm-sở đồng sinh ít hoặc nhiều tùy theo năng lực và phận sự của tâm ấy. Các tâm-sở này đồng sinh với tâm, đồng diệt với tâm, đồng đối-tượng với tâm, đồng nơi phát sinh với tâm. Cho nên, khi mỗi tâm sinh rồi diệt nghĩa là 4 danh-uẩn đồng sinh, rồi 4 danh-uẩn đồng diệt. Chúng-sinh có ngũ-uẩn, khi 6 loại tâm phát sinh do nương nhờ nơi 6 nơi sinh (vatthurūpa) như sau:
– Nhãn-thức-tâm có 2 tâm phát sinh do nương nhờ nhãn-tịnh-sắc (cakkhuvatthu).
– Nhĩ-thức-tâm có 2 tâm phát sinh do nương nhờ nhĩ-tịnh-sắc (sotavatthu).
– Tỷ-thức-tâm có 2 tâm phát sinh do nương nhờ tỷ-tịnh-sắc (ghāṇavatthu).
– Thiệt-thức-tâm có 2 tâm phát sinh do nương nhờ thiệt-tịnh-sắc (jivhāvatthu).
– Thân-thức-tâm có 2 tâm phát sinh do nương nhờ thân-tịnh-sắc (kāyavatthu).
– Ý-thức-tâm gồm có 75 tâm (trừ 4 vô-sắc-giới quả-tâm không nương nhờ vatthurūpa) phát sinh do nương nhờ hadayavatthurūpa.
Như vậy, mỗi tâm phát sinh có đủ ngũ-uẩn phát sinh.
– Vatthurūpa là nơi nương nhờ của tâm phát sinh thuộc về sắc-uẩn.
– Tâm ấy thuộc về thức-uẩn.
– Thọ tâm-sở đồng sinh với tâm ấy thuộc về thọ-uẩn.
– Tưởng tâm-sở đồng sinh với tâm ấy thuộc về tưởng-uẩn.
– Tâm-sở còn lại (trừ thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở) đồng sinh với tâm ấy thuộc về hành-uẩn.
* Mỗi tâm có 4 danh-uẩn (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn) vốn dĩ có trạng-thái sinh rồi diệt, diệt rồi sinh liên tục trong mỗi lộ-trình-tâm do hội đủ nhân-duyên hỗ trợ, từ vô thủy trải qua vô số kiếp, từ kiếp này sang kiếp kia cho đến kiếp hiện-tại.
* Thân là sắc-uẩn vốn dĩ cũng có trạng-thái sinh rồi diệt, diệt rồi sinh liên tục, nhưng bị hạn chế trong mỗi kiếp chúng-sinh, do quả của nghiệp ấy và tuổi thọ của mỗi chúng-sinh.
Mỗi chúng-sinh đang sống hiện hữu thì tâm và thân nương nhờ lẫn nhau, khi tâm rời khỏi thân đồng thời sắc-mạng-chủ (rūpajīvitindriya) trong thân bị cắt đứt, chấm dứt một kiếp gọi là chết, thân trở thành tử thi. Ngoại trừ bậc Thánh A-ra-hán ra, còn lại tất cả mọi chúng-sinh nói chung, mỗi người nói riêng sau khi chết, nghiệp của người ấy cho quả tái-sinh kiếp sau.
Tái-sinh-tâm là quả-tâm có 4 danh-uẩn (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đồng sinh với hadayavatthurūpa: sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm gọi là sắc-uẩn như vậy đủ ngũ-uẩn đầu tiên kiếp hiện-tại, đối với chúng-sinh trong cõi có ngũ-uẩn.
Như vậy, trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài của mỗi chúng-sinh chỉ có liên quan về phần tâm có phận sự lưu trữ, tích lũy tất cả mọi thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp sinh rồi diệt liên tục từ kiếp này sang kiếp kia mà thôi, còn phần thân là quả của nghiệp bị cắt đứt, chấm dứt mỗi kiếp, hoàn toàn không liên quan đến kiếp nào cả. Đức-Phật dạy ngũ-uẩn này là pháp-vô-ngã với ý nghĩa:
“Anattā asārakaṭṭhena: Pháp-vô-ngã với ý nghĩa là vô dụng, không có cốt lõi vững chắc, không có tính chất bền vững lâu dài.” “Avasavattanaṭṭhena anattā: Pháp-vô-ngã (anattā) với ý nghĩa không chiều theo ý muốn của ai…”
Những ví dụ về ngũ-uẩn
Trong kinh Pheṇapiṇḍūpamasutta(1) Đức-Phật thuyết dạy những ví dụ về mỗi uẩn có ý nghĩa, được tóm lược như sau:
Ghi chú (1) Bộ Saṃ, Khandhavagga, kinh Pheṇapiṇḍūpamasutta.
1- Sắc-uẩn ví như bọt nước (pheṇapiṇḍūpamarūpaṃ)
Sắc-uẩn (thân) đó là 28 sắc-pháp ví như là bọt nước.
Trong mùa mưa lụt lớn, trên dòng sông nước chảy kết tụ những bọt nước thành đống bọt nước nhỏ lớn. Đống bọt nước này dù nhỏ, dù lớn cũng không thể sử dụng làm vật gì để đem lại sự lợi ích lâu dài. Nếu đống bọt nước này trôi đi chưa bị tan rã giữa đường, thì khi trôi ra đến biển chắc chắn phải bị tan rã, trở nên vô dụng.
Cũng như vậy, sắc-uẩn (thân) này đó là 28 sắc-pháp sinh rồi diệt có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh, thường có mọi thứ bệnh hoạn ốm đau. Sắc-uẩn (thân) này khi tái-sinh đầu thai ban đầu nhỏ xíu, theo thời gian, to lớn dần như thân hình của con voi, con cá mập, … rồi cuối cùng cũng bị tan rã, trở thành vô dụng. Cho nên, Đức-Phật ví sắc-uẩn (thân) này như bọt nước.
2- Thọ-uẩn ví như bong bóng nước (vedanāpubbuḷūpaṃ)
Thọ-uẩn, đó là thọ tâm-sở ví như bong bóng nước.
Trời mưa lớn, mưa nặng hạt rơi xuống hồ, vũng nước, nổi lên những bong bóng nước. Những bong bóng nước này nổi lên liền vỡ ngay, không thể sử dụng đem lại sự lợi ích, trở thành vô dụng.
Cũng như vậy, thọ-uẩn này đó là thọ khổ, thọ lạc, thọ xả, … sinh rồi diệt mau lẹ, không tồn tại lâu dài, chỉ có khổ mà thôi, trở thành vô dụng. Cho nên, Đức-Phật ví thọ-uẩn này như bong bóng nước.
3- Tưởng-uẩn ví như ảo ảnh (maricikūpamā saññā)
Tưởng-uẩn, đó là tưởng tâm-sở ví như ảo ảnh.
Trong mùa hè nóng bức, khách lữ hành nóng nực và khát nước đi trên đường, nhìn về phía trước trời nắng chập chờn gợn sóng giống như đằng trước có nước sông. Khi đi đến, gợn sóng kia di chuyển đến phía trước, luôn luôn có một khoảng cách. Đó là ảo ảnh không có thật chỉ là vô dụng.
Cũng như vậy, tưởng-uẩn này tưởng nhớ, ghi nhớ những đối-tượng không còn thật nữa. Ví như khi khát nước, tưởng nhớ đến nước, nhưng không giúp làm cho đỡ cơn khát được, trở thành vô dụng. Cho nên, Đức-Phật ví tưởng-uẩn này như ảo ảnh.
4- Hành-uẩn ví như cây chuối (saṅkhārā kadalūpamā)
Hành-uẩn, đó là 50 tâm-sở (trừ thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở) ví như cây chuối.
Một người cần cây có lõi, đi vào rừng nhìn thấy cây chuối lớn trơn tru, người ấy chặt cây chuối đem về nhà. Khi bóc bẹ chuối từ ngoài vào trong ruột, không tìm thấy lõi cây, chỉ là vô dụng mà thôi.
Cũng như vậy, hành-uẩn này tạo tác các pháp-hữu-vi, mà các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp sinh rồi diệt, có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, không phải ta, không phải của ta, chỉ là vô dụng mà thôi.
Cho nên, Đức-Phật ví hành-uẩn này như cây chuối.
5- Thức-uẩn ví như ảo thuật (mayūpamaṃ viññāṇaṃ)
Thức-uẩn, đó là 89 hoặc 121 tâm, ví như trò ảo thuật.
Các nhà ảo thuật biểu diễn các trò ảo thuật rất nhanh tay, để đánh lừa khán giả một cách tinh xảo.
Cũng như vậy, đối với hàng phàm-nhân, thức-uẩn biết mọi đối-tượng cho là ta biết, nhưng biết sai lầm điên đảo. Các pháp-hữu-vi là vô-thường, biết là thường; các pháp-hữu-vi là khổ, biết là lạc; các pháp-hữu-vi là vô-ngã, biết là ngã (ta); các pháp-hữu-vi là bất tịnh, biết là tịnh, xinh đẹp,… Nhưng thật ra, các pháp-hữu-vi là vô-thường, khổ, vô- ngã, bất-tịnh. Thế mà thức-uẩn của các hàng phàm-nhân biết ngược lại rằng: “Các pháp-hữu-vi là thường, lạc, ngã, tịnh.” Cho nên, Đức-Phật ví thức-uẩn này như trò ảo thuật.