THERAVĀDA
PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
CHÚ GIẢI NGẠ QUỶ SỰ
Dịch từ Pāli sang Anh ngữ: PETER MASEFIELD
Việt dịch: Tỳ khưu MINH HUỆ
Ấn bản 2007
CHƯƠNG I
XÀ PHẨM (URAGAVAGGA)
*
I.1 PHƯỚC ÐIỀN QUỶ SỰ (KHETTŪPAMĀ PETTAVATTHUVAṆṆANĀ)
Ðức Thế Tôn, khi đang ngụ ở chỗ nuôi ăn của những con sóc, trong khu rừng Trúc tại Rājagaha, đã kể lại câu chuyện này liên quan đến một Ngạ quỷ nọ mà trước kia là con trai của một vị thương Nhân giàu có.
Tương truyền rằng, tại Rājagaha có một vị Thương nhân giàu có nọ, có của cải lớn, vật sở hữu lớn, nhiều nguồn vật chất và vô số Koṭi của cải tích lũy. Chính vì ông ta có của cải lớn mà ông ta đơn giản được nổi danh là Mahā Dhanasetthi (Ðại Trưởng giả). Ông ta chỉ có một đứa con trai duy nhất, được ái nịch nhiều và được chiều chuộng. Khi cậu ta đến tuổi thành niên thì cha mẹ của cậu nghĩ rằng, "nếu con trai của chúng ta tiêu xài một ngàn đồng mỗi ngày trong một trăm năm thì cả số của cải này cũng không hết. Hãy cho nó hưởng tài sản này theo ý thích của nó với một thân và tâm không mỏi mệt, vì không cần phải học một nghề nào". Họ đã không để cho cậu ta học nghề và khi cậu đến tuổi thành niên, họ đem về cho cậu một nàng dâu thuộc một gia đình tốt, trẻ trung, xinh đẹp và duyên dáng, nhưng là người ưa khoái lạc nhục dục và không quan tâm đến lối sống tâm linh. Khi cậu ta hưởng những khoái lạc tình yêu với nàng, cậu chẳng hề có một ý nghĩ về chánh Pháp và trở nên bất kính với những vị Sa-môn, Bà-la-môn và những bậc đáng kính, và lại được vây quanh những người ác. Và được bám sát như thế, cậu ta vui thích trong ngũ dục bằng tánh si mê của cậu, cậu mải mê đắm chìm trong khoái lạc và trải qua cuộc đời như thế.
Khi Cha mẹ qua đời, anh ta hoang phí của cải của mình, vung vải tiền bạc đến những vũ nữ những ca sĩ và những người khác theo ý thích của anh ta. Chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả của cải của anh ta dần dần cạn hết, anh ta bắt đầu sống bằng cách cấn nợ vay tiền. Khi anh ta không thể kiếm thêm tiền vay và bị thúc ép bởi những chủ nợ, anh ta cho họ đất trồng trọt, nhà cửa và những thứ khác, rồi đến sống trong phước xá dành cho những người nghèo túng trong cùng thành phố ấy, ăn (cái gì anh ta kiếm được) bằng cách đi lang thang cầm bát xin ăn.
Một hôm nọ, có một số tên cướp kéo đến và nói với anh ta rằng, "Hãy nhìn đây, này người kia, tại sao cuộc sống của anh lại vất vả đến như thế này? Anh còn trẻ lại có sức mạnh, nhanh nhẹn và có khả năng. Tại sao phải sống như nguời mất tay mất chân vậy? Nào! Nhờ đi ăn cắp với chúng ta, anh có thể kiếm về của cải của những người khác và sống thoải mái!" "Tôi không biết cách ăn cắp". Anh ta đáp lại. "Chúng ta sẽ chỉ cách cho anh. Anh chỉ cần làm theo mọi điều mà chúng ta bảo," những tên cướp nói. "Thôi được", anh ta đồng ý và đi chung với chúng. Rồi những tên cướp đặt một cây gậy lớn vào tay anh ta rồi đột nhập vào nhà. Khi chúng đi vào, chúng để anh ta đứng ở cửa ngạch, dặn rằng, "nếu có ai khác đến đây thì cầm cây gậy này đánh vào người ấy một cú cho chết". Ðầy si mê rồ dại và không biết cái gì là tốt hay xấu đối với anh ta, anh ta đứng ở đó, nhìn quanh chờ những người lạ đi đến, trong khi đó những tên cướp đi vào nhà lấy bất cứ cái gì chúng có thể rớ tới, và chạy đi loạn xạ ngay khi những người trong nhà biết được việc làm của chúng. Những người trong nhà đứng lên, chạy rất nhanh và lùng sục tìm kiếm chúng khắp mọi hướng, trông thấy người đàn ông đứng ở cửa, nơi mà chúng đã đột nhập vào. "Nó đó kìa, tên cướp." Họ nói, và rồi tóm lấy anh ta và đánh anh ta bằng cây gậy và những thứ khác trên hai tay và hai chân của anh ta. Họ đưa anh ta đến trước đức vua và nói rằng "Tâu Bệ hạ", đây là tên cướp đã bị tóm bắt ở cửa miệng ngạch". "Truyền chém đầu nó!" Ðức vua truyền lệnh cho đội binh bảo vệ thành phố. "Xin tuân lệnh, tâu bệ hạ", Ðội lính canh thành phố nói và sai trói chặt hai cánh tay của anh ta ra sau lưng. Với một tràng hoa Kanavīra màu đỏ được buộc quanh cổ của anh ta và cái đầu của anh ta bị làm vấy bẩn bởi bụi gạch, người ta đánh anh ta bằng roi trong khi dẫn anh ta đến pháp trường theo con đường đã được công bố bằng tiếng trống xử trảm. Họ dẫn anh ta đi từ con đường này đến con đường khác, và từ ngã tư đường này đến ngã tư đường khác, trong khi đó tiếng la ó từ hai bên đường vang lên rằng, "đây là tên cướp đã bị tóm bắt trong thành phố này!"
Bấy giờ trong thành phố ấy, vào trường hợp ấy, có cô gái điếm của thành phố, tên là Sulasā, đang đứng trong cung điện nhìn ra qua cửa sổ mắt cáo, và trông thấy anh ta bị dẫn đi như thế. Do đã làm quen với anh ta trong quá khứ, lòng thương xót đối với anh ta khởi lên trong nàng vì nàng nghĩ rằng: "Người đàn ông này mà đã thường thọ hưởng sự hưng thịnh lớn trong cùng thành phố này, nay phải rơi vào tình cảnh bất hạnh như thế, đi đến cảnh ngộ khốn đốn như vậy". Nàng gởi ra bốn loại đồ ngọt và một ít nước, và sai công bố với đội lính canh của Thành phố rằng, "Xin các ngài hãy tạm dừng một chút cho đến khi người đàn ông này đã ăn xong những thứ đồ ngọt này và uống nước này". Bấy giờ, trong khoảng thời gian xảy ra sự việc này, Ðại đức Moggallāna trông thấy cảnh ngộ của anh ta khi Ngài dò xét thế gian bằng thiên nhãn của Ngài, tâm của Ngài bị kích động bởi lòng bi mẫn và Ngài nghĩ rằng, "Người đàn ông này đã không làm những việc phước, anh ta chỉ gây ra những ác nghiệp mà thôi. Vì lý do này anh ta sẽ anh vào trong Ðịa Ngục. Nhưng nếu ta đi đến đó và anh ta chịu cho ta những thứ đồ ngọt và nước uống, thời anh ta sẽ ra đi cọng trú với những vị chư Thiên địa cầu. Lành thay, nếu ta giúp đỡ người ấy", Và Ngài xuất hiện trước mặt người đàn ông khi những thứ đồ ngọt và nước uống đang được đem đến cho anh ta. Khi anh ta trông thấy Trưởng lão, với lòng tịnh tín, anh ta suy nghĩ rằng "Nếu ta ăn những thứ đồ ngọt này thì có ích gì cho người sắp bị giết chết? Nhưng chúng có thể làm hành trang cho người đi sang thế giới bên kia". Và anh ta nhờ người dâng những thứ đồ ngọt và nước uống đến Trưởng lão. Với mục đích làm gia tăng lòng tịnh tín của anh ta, Trưởng lão ngồi xuống ở một chỗ để anh ta có thể trông thấy Ngài, và ăn những thứ đồ ngọt và uống nước, rồi đứng dậy khỏi chỗ ngồi và ra đi. Người đàn ông bị những Ðao Phủ thủ dẫn đến pháp trường và chém đầu. Dầu anh ta đáng được sanh vào cõi Devaloka thù thắng nhờ việc phước mà anh ta đã gieo tạo nơi Trưởng Lão Mahā Moggallāna, là phước điền vô thượng, nhưng vì anh ta đã nghĩ rằng, "Chính nhờ ơn của Sulasā nên ta có được phước này", nên những ý nghĩ vào lúc lâm chung của anh ta bị lấm nhơ bởi những cảm nghĩ về tình thương đối với Sulasā, và vì thế anh ta sanh lên ở cấp độ thấp, làm một vị thọ Thần trong một cây đa lớn giữa một đám cây rừng có bóng mát dầy đặc.
Tương truyền rằng, Nếu trong thời thanh xuân của anh ta mà anh ta làm việc chăm chỉ và trông nom gia hệ, thời chắc chắn anh ta sẽ là một người tối thắng trong những vị thương nhân giàu có trong cùng thành phố ấy; nhưng trái lại, nếu khi ở tuổi trung niên, thời anh ta sẽ là người tối thắng trong những vị thương nhân giàu có bực trung; và nếu ở tuổi già, thời anh ta sẽ là một trong những vị thương nhân bực thấp nhứt. Tuy nhiên, nếu trong thời thanh niên của anh ta mà anh ta đi xuất gia, thời anh ta sẽ trở thành một vị A-la-hán; nhưng trái lại, nếu trong thời trung niên, thời anh ta sẽ trở thành một vị Bất lai hay Nhất lai; và nếu trong tuổi già của anh ta, thì anh ta sẽ trở thành một vị Tu-đà-huờn (Sotāpanna). Nhưng người ta nói rằng, do sự kết hợp của anh ta với bạn ác, anh ta đã trở nên ngang ngạnh và xu hướng theo hạnh kiểm xấu, và chơi bời trụy lạc với những nữ nhân, uống rượu, và đến một lúc nào đó anh ta đã tiêu phí hết tất cả tài sản của mình và đi đến cảnh ngộ bi đát to lớn ấy.
Rồi về sau vị chư Thiên ấy trông thấy Sulasā đang đi đến công viên. Ðầy tham ái và dục vọng, vị ấy làm cho nàng mê mờ, rồi đưa nàng đến cõi của chính vị ấy, và sống gắn bó với nàng trong bảy ngày và rồi cho nàng trông thấy chơn tướng của mình. Mẹ của nàng, vì không thể trông thấy nàng ở đâu, bèn rảo đi khắp các nơi mà khóc lóc. Khi mọi người trông thấy bà ta, họ nói rằng: "Ðức Mahā Moggallāna tôn quý là Người có đại thần thông và đại uy lực, sẽ biết được chỗ ở của nàng. Bà nên đi hỏi Ngài" "Tốt lắm, thưa các người", Bà ta nói, đoạn đi đến Trưởng lão và hỏi Ngài về vấn đề ấy. Trưởng lão nói rằng Bà sẽ trông thấy nàng ở mé góc của hội chúng khi Ðức Thế Tôn đang thuyết giảng Chánh Pháp ở Mahā vihāra, trong khu rừng trúc, trong bảy ngày kể từ hôm nay". Rồi Sulasā nói với vị Devaputta rằng, "Thật không thích hợp để tôi sống trong trú xứ của ngài, ngày hôm nay là ngày thứ bảy, và mẹ của tôi vì không thể trông thấy tôi, sẽ rất nóng lòng và buồn khổ, xin hãy đưa tôi về lại chỗ đó, Deva ạ!" vị ấy đưa nàng đi khi đức Thế Tôn đang thuyết giảng Chánh Pháp ở khu rừng trúc, và đặt nàng ở mé góc của hội chúng, rồi đứng ẩn mình. Nhân đó mọi người, khi trông thấy Sulasā, bèn nói rằng, "Sulasā cưng, cô đã ở đâu trong nhiều ngày như vậy? Mẹ của cô, vì không thể trông thấy cô, đầy mong ngóng và buồn khổ như người đảng trí". Nàng kể cho mọi người biết biến cố đã xảy ra. Và khi mọi người hỏi rằng, "Làm sao mà người đàn ông ấy, là người đã đắm chìm trong những hành động ác như thế, và cũng là người chưa hề làm việc thiện nào, lại được sanh làm một vị Deva?" Salasā đáp lại rằng: "Anh ta đã cúng đến Trưởng lão cao quý Mahā Moggallāna những loại đồ ngọt và nước uống mà tôi đã cho anh ta; chính do việc phước nầy mà anh ta được sanh làm một vị Deva". Sau khi mọi người nghe được điều này thì họ lấy làm ngạc nhiên; và họ cảm thấy hoan hỷ lớn và thoả mãn khi nghĩ rằng: "Những bậc A-la-hán quả thật là phước điền vô thượng của thế gian - Ngay cả một việc thiện nhỏ nhất được làm đến cho các ngài cũng khiến cho những chúng sanh ấy được sanh làm chư thiên".
Các vị Tỳ khưu nêu lên vấn đề này với đức Thế Tôn; và do nhân cần thiết đã sanh lên, đức Thế Tôn bèn nói những câu kệ này:
1. Thánh Tăng như ruộng tốt tươi,
Những kẻ dâng cúng như người trồng cây;
Hạt giống như phước thí đây:
Từ những nhân ấy quả này cho ra.
2. Hạt này với thuở ruộng này,
Với công trồng trọt kết xây quả lành
Cho người quá vãng của mình
Và cho người đã tạo thành phước kia;
Ngạ quỷ hưởng phước được chia,
Người cho nhờ đó sanh về cõi vui.
3. Ở đây, khi phước tạo rồi,
Và cho Ngạ quỷ đứng ngồi chờ mong.
Phước lành khi đã tạo xong,
Người kia khi chết sanh trong cõi trời.
Vào lúc kết thúc Pháp thoại này, Tuệ quán sanh đến cho tám mươi bốn ngàn chúng sanh bắt đầu từ vị Devaputta ấy và nàng Sulasā.
Bằng sự giải thích này về ý nghĩa bên trong, bằng sự trình bày này rõ câu chuyện Ngạ quỷ này, Phước điền Ngạ quỷ sự được kết thúc.
*
I.2 TRỦNG QUỶ SỰ (SŪKARA PETAVATṬHUVAṆṆANĀ)
"Thân của ngươi hoàn toàn có màu vàng".
Pháp thoại nầy được bậc Ðạo sư thuyết giảng trong khi Ngài đang ngụ ở chỗ nuôi ăn của những con sóc trong khu rừng Trúc, gần Rājagaha, liên quan đến một Ngạ quỷ nọ có mặt heo.
Tương truyền rằng, cách đây đã lâu, trong thời kỳ của Ðức Thế Tôn Kassapa có một vị Tỳ khưu có thân được thu thúc, nhưng khẩu thì không được thu thúc và thường lăng mạ chửi mắng các vị Tỳ khưu. Khi vị ấy chết, tái sanh trong địa ngục; ở đó vị ấy bị thiêu đốt trong suốt thời gian giữa hai vị Phật, đến thời gian này vị ấy chết đi ở đó, như là kết quả dư báo của nghiệp ấy, sanh làm một Ngạ quỷ ở dưới chân núi Kỳ-Xà-Quật gần Rājagaha. Thân của nó có màu huỳnh kim, nhưng mặt của nó giống như mặt của con lợn. Vào thời ấy, Ðại đức Nārada đang lưu trú ở núi Kỳ-Xà-Quật. Khi đã làm xong mọi nhu cầu về thân, vào lúc sáng sớm, trưởng lão mặc y và mang bát, và khi vị ấy đang đi vào thành Rājagaha để khất thực, trên đường đi trông thấy Ngạ quỷ ấy, trưởng lão bèn đọc lên câu kệ này để dò hỏi nhiệp mà nó đã tạo nên:
1. "Thân ngươi mang sắc huỳnh kim,
Toả ra ánh sáng lung linh bốn bề;
Nhưng mặt ngươi giống lợn xề.
Nghiệp gì ngươi đã nặng nề tạo nên?"
Ngạ quỷ ấy được hỏi như vậy bởi Trưởng lão về nghiệp mà nó đã tạo, bèn trả lời bằng cách thốt lên câu kệ này:
2. Tôi đã thu thúc về thân; về lời nói thì tôi không thu thúc. Vì lý do này, thưa Ngài (Nārada), sắc tướng của tôi như Ngài thấy đó."
Tôi đã thu thúc về thân,
Nhưng còn lời nói thì không hộ phòng;
Nên thân sáng đẹp vô ngần,
Còn mặt giống lợn muôn phần xấu xa.
Khi Ngạ quỷ đã trả lời như vậy vấn đề mà nó được hỏi đến bởi Trưởng lão, khi nương vào lý do này, nó thốt lên câu kệ này để khuyên Trưởng lão:
3. "Do đo tôi xin nói với Ngài, Thưa Ngài (Nārada), chính Ngài đã trông thấy điều này; đừng tạo nghiệp ác về khẩu, đừng kết thúc bằng cái mặt heo!"
Vậy, hỡi (Nārada):
Tôi xin được nói rằng
Ðiều này Ngài đã thấy,;
Ác khẩu chớ tạo ra,
Ðừng để kiếp sau phải
Có mặt heo như ta!
Rồi Trưởng lão Nārada đi tiếp đến Rājagaha để khất thực. Sau khi thọ thực xong, vị ấy trở về và nêu vấn đề với Bậc Ðạo sư khi Ngài đang ngồi ở giữa tứ chúng. Bậc Ðạo sư nói rằng: "Nầy Nārada Như Lai cũng đã trông thấy chúng sanh ấy trong quá khứ", và rồi thuyết Pháp khi giải thích bằng vô số cách về những quả liên quan đến ác hạnh . Thời pháp ấy đem lại lợi ích cho hội chúng đã hội họp ở đó.
*
I.3 XÚ KHẨU QUỶ SỰ (PŪTIMUKKHA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)
"Ngươi có nước da đẹp như chư Thiên".
Pháp thoại này được Bậc Ðạo sư thuyết giảng trong khi Ngài đang ngụ ở chỗ nuôi ăn của những con sóc trong khu rừng trúc, liên quan đến một Ngạ quỷ nọ có miệng thúi.
Tương truyền rằng cách đây đã lâu, trong thời của Ðức Thế Tôn Kassapa,có hai chàng thanh niên thuộc gia đình danh giá, đã xuất gia theo giáo pháp của Ngài và có đầy đủ giới hạnh, sống thọ trì các hạnh đầu đà và trú ngụ với nhau trong sự hoà hợp ở trong một ngôi làng nọ. Rồi một vị Tỳ khưu nọ, có xu hướng theo những việc làm ác và thích đâm thọc, đã đến tại chỗ ngụ của họ. Hai vị Trưởng lão đã tiếp đón vị ấy một cách thân mật và lo cho vị ấy nơi ăn chốn ở. Vào ngày hôm sau, hai vị trưởng lão cùng với vị Tỳ khưu kia đi vào làng để khất thực. Khi trông thấy những vị này, dân chúng tỏ sự tôn kính tột bậc đến ba vị Trưởng lão và dâng cúng đến họ một bữa ăn bằng cơm dẻo và những thứ khác. Khi vị Tỳ khưu ấy đã đi vào Tịnh xá, vị ấy suy nghĩ, "Ngôi làng này là một nguồn vật thực hấp dẫn, vì những người của nó có đầy niềm tin, lại dâng cúng vật thực ngon, và tịnh xá nầy mát mẽ, lại có nước đầy đủ . Ta có thể sống hạnh phúc ở đây; Nhưng chừng nào hai vị Tỳ khưu này còn sống ở đây thì Tịnh xa này sẽ không đem lại cho ta sự thoả mái nào- Ta sẽ sống ở đây như một môn đệ thường trú. Thôi được, ta phải làm cho họ phải xa lìa nhau và khiến họ không thích sống ở đây nữa".
Bởi vậy vào hôm nọ, khi vị Trưởng lão lớn đã giáo giới hai vị kia rồi thì vị Tỳ khưu đâm thọc đi vào chỗ ngụ của vị ấy, ở lại đó một chốc lát và rồi đi đến vị Trưởng lão lớn ấy. Trưởng lão hỏi vị ấy rằng: "Này hiền giả, tại sao hiền giả đến vào lúc phi thời như thế?" "Thưa ngài, tôi có chuyện cần nói ra", (vị ấy đáp lại); Và khi Trưởng lão đã cho phép vị ấy (nói) thì vị ấy nói rằng: "Thưa Ngài, vị Trưởng lão bạn này của Ngài khoe mình như một người bạn trước mặt của Ngài, nhưng sau lưng thì nói những chuyện về Ngài như là một địch thủ". Khi được hỏi đó là điều gì, vị ấy nói rằng: " Hãy lắng nghe, thưa Ngài, vị ấy nói về điều mang tai tiếng của Ngài, rằng: "Vị Trưởng lão lớn láo cá, xảo quyệt và gian dối; vị ấy kiếm sống bằng những phương tiện bất chánh". "Ðừng nói như vậy, này hiền giả, vị Tỳ khưu này không nói những chuyện như thế về tôi. Vị ấy đã biết tánh của tôi từ lúc chúng tôi còn là cư sĩ. Tôi luôn luôn có tánh thân ái và dễ thương". "Nếu Ngài nghĩ như vậy do bởi tấm lòng thanh tịnh của Ngài, thời điều ấy xem như xong đối với Ngài. Nhưng tôi thì không có cảm nghĩ xấu đối với vị ấy như vậy, thế thì tại sao tôi lại nói cho Ngài biết rằng vị ấy đã nói như vậy nếu vị ấy không nói điều đó? Tốt lắm, thưa Ngài, nhưng chính Ngài sẽ tự mình hiểu về điều ấy sau một thời gian", vị ấy nói. Nhưng vị Trưởng lão ấy, vì vẫn còn là một Puthujjana, trở nên bán tín bán nghi, tự hỏi rằng' "Có đúng như vị ấy nói không?" Và sự ngờ vực khởi lên trong tâm của vị ấy, lòng tin cậy của vị ấy bị lay động một ít. Sau khi đã làm ly gián vị Trưởng lão lớn, kẻ ngu ấy cũng đưa vị Trưởng lão kia vào tình trạng như đã nói ở trên. Vào ngày hôm sau, vị trưởng lão lớn chẳng nói chuyện với vị Trưởng lão kia khi mang y và bát, và đi vào ngôi làng ấy để khất thực. Khi họ đem về vật thực khất thực của họ, mỗi người ăn nó trong chỗ ngụ riêng của mỗi người và không trao đổi một sự xã giao nào, dầu nhỏ nhặt nhất, trãi qua ngày ngay tại chỗ đó; Trong khi vào lúc rạng sáng, mỗi người đi đến bất cứ chỗ nào mà người ấy thấy thuận tiện và không báo cho vị kia biết. Khi họ trông thấy vị Tỳ khưu đâm thọc đã đi vào ngôi làng ấy, là nơi có thể làm thành tựu tất cả những ước muốn của vị ấy, mọi người hỏi rằng: "Thưa Ngài, các vị Trưởng lão đã đi đâu rồi?" "Họ cãi lộn nhau suốt đêm. Tôi đã khuyên họ đừng cãi cọ mà hãy sống trong sự hoà hợp và rằng sự cãi vã ấy dẫn đến sự bất hạnh, đem lại sự đau khổ trong tương lai và đưa đến những việc làm bất thiện; Hơn nữa, bấy nhiêu điều có lợi ích mà đã được làm rồi xem như bị tiêu tan bởi sự tranh cãi và những điều khác. Nhưng họ đã bỏ đi và không quan tâm đến những lời khuyên của tôi". Khi nghe điều này, dân chúng nài nỉ rằng: "Hãy để những vị Trưởng lão ấy đi, nếu họ muốn nhu vậy. Nhưng Ngài phải ở lại đây vì lòng bi mẫn đối với chúng tôi. Ngài sẽ không có sự hối tiếc nào!" "Tốt lắm" Vị ấy đồng ý. Khi đã ở lại đó trong vài ngày, vị ấy suy nghĩ, "ta đã gây bất hoà cho những vị Tỳ khưu có giới đức và có tánh dễ mến, do lòng ham hố trú xứ của ta. Chắc chắn ta sẽ làm một điều ác độc rồi!" Và bị dày vò bởi lương tâm khó chịu cùng cực, vị ấy nhuốm bịnh bởi sức nặng của sự sầu khổ của vị ấy; chẳng bao lâu vị Tỳ khưu đâm thọc mạng chung và tái sanh trong địa ngục Avīji.
Khi hai vị Trưởng lão bạn kia đi lang thang quanh khắp vùng ấy, họ gặp nhau ở một chỗ ngụ nọ và trao đổi những lời chào hỏi thân thiện với nhau. Họ báo cho nhau biết về những lời ly gián mà vị Tỳ khưu kia đã nói; và khi họ khám phá rằng không có sự chơn thật trong đó, lại hoà hợp trở lại; và đúng lúc họ trở về lại chính chỗ ngụ ấy. Khi dân chúng trông thấy hai vị Trưởng lão ấy, họ vô cùng vui sướng, và đầy hạnh phúc, dâng cúng hai vị Trưởng lão bốn món vật dụng. Hai vị Trưởng lão ở lại đó, được cung cấp bởi đồ ăn thích hợp và đã phát triển tuệ quán do sự tập trung của tâm, và không bao lâu sau chứng đắt đạo quả A-la-hán.
Vị Tỳ khưu đâm thọc bị thiêu đốt trong địa ngục trong một trung gian Phật thời; và trong suốt thời gian của Ðức Phật này, sanh lên không cách xa thành Vương xá làm một Ngạ quỷ có miệng hôi thối. Thân của nó có màu sắc huỳnh kim, nhưng có những con giòi bò ra từ miệng của nó và đục khoét chỗ này chỗ nọ trên mặt của nó. Nó toả ra mùi hôi thối, xông khắp cả không trung. Bấy giờ, khi Ðại Ðức Nārada đi xuống từ ngọn núi Kỳ-Xà-Quật, vị ấy trông thấy nó và hỏi về nghiệp mà nó đã tạo bằng câu kệ này:
"Người có sắc đẹp của chư Thiên. Nhưng khi ngươi đứng trong không trung, trong bầu trời, thì những con giòi đục khoét cái miệng thối của ngươi. Ngươi đã làm nghiệp gì trong quá khứ?"
"Thân ngươi đẹp sắc chư Thiên
Nhưng khi ngươi đứng ở trên bầu trời,
Thì từ cái miệng của ngươi
Bị đục khoét bởi đám giòi thối tha.
Nghiệp gì ngươi đã tạo ra
Trong thời quá khứ nói ta nghe nào?"
Khi được hỏi bởi Trưởng lão về nghiệp mà nó đã làm, con Ngạ quỷ thốt lên câu kệ để giải thích vấn đề:
2. "Tôi là một Sa-môn có miệng ác và thối tha; Dầu mang lốt của một vị Sa-môn, nhưng tôi không thu thúc cái miệng. Do sự tinh tấn khổ hạnh của ta khiến ta nhận được màu sắc này, và do lời nói đâm thọc của ta khiến tôi có miệng hôi thối."
"Tôi là một vị xuất gia.
Nói lời chia rẽ thối tha không chừng.
Dầu mang tướng mạo Sa-môn,
Nhưng về khẩu nghiệp tôi không hộ phòng.
Do công tinh tấn tu hành,
Nên thân tôi có sắc vàng huỳnh kim,
Và do đâm thọc xỏ xiên.
Nên miệng tôi bị thối rình như ri."
Khi Ngạ quỷ ấy đã trình bày nghiệp mà nó đã tạo, sau đó nó nói lên câu kệ kết luận để khuyên Trưởng lão:
3. Chính Ngài đã trông thấy điều này, thưa ngài Nārada. Những người mà có lòng bi mẫn và có thiện tâm thường nói rằng: "Ðừng nói đâm thọc cũng đừng nói dối - như thế người sẽ trở thành một Yakkha với tất cả những mong muốn của người được làm thoả mãn."
"Chính Ngài đã thấy điều này,
Những người tốt bụng và hay thương người
Khuyên "Ðừng đâm thọc dối đời -
Nếu được như thế cõi trời chờ mong,
Làm chư Thiên hoặc Dạ Xoa,
Những điều mong muốn cho ta tức thì".
Khi đã nghe qua điều này, Trưởng lão đi tiếp đến thành Vương Xá để khất thực. Khi đã độ thực xong sau khi khất thực trở về, vị ấy nêu lên vấn đề với Bậc Ðạo sư. Bậc Ðạo sư lấy đó làm nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết giảng chánh pháp. Thời Pháp ấy đem lại lợi ích cho hội chúng đã tụ họp ở đó.
*
I.4 TÍCH TRUYỆN CÁI BÁNH ÐỒ CHƠI (PIṬṬHADHĪTALIKA)
"Liên quan đến bất cứ ai!"
Bậc Ðạo sư, khi đang ngụ trong Jetavana tại Sāvatthi, đã kể lại câu chuyện này, liên quan đến sự bố thí vật thực của gia chủ Anāṭhapiṇḍika .
Tương truyền rằng, đứa cháu gái của gia chủ Anāthapiṇḍika, vẫn còn là một cô gái nhỏ, được vú nuôi cho một cái bánh đồ chơi, bà ta nói rằng, "Hãy lấy cái này mà chơi". Cô bé xem nó như đứa con gái của chính mình. Rồi một hôm, trong khi đang chơi với nó, cô bé bất cẩn để nó rơi xuống và bị vỡ. Khi thấy vậy, cô bé bậc khóc, nói rằng, "con gái của tôi đã chết!" Nhưng không có người hầu nào có thể làm vơi nước mắt của nó được.
Bấy giờ trong cùng thời gian ấy, Bậc Ðạo sư đang ngồi trong chỗ ngồi đã được soạn sẵn trong nhà của gia chủ Anāthapiṇḍika, và vị Thương nhân rất giàu có ấy thì ngồi gần Ðức Thế Tôn. Bà vú nuôi đi với cô gái đến trước vị Thương nhân. Khi ông ta trông thấy bà ta, ông ta nói rằng, "tại sao cháu bé này khóc?" Bà vú nuôi tường thuật lại biến cố đã xảy ra với vị phú thương, và ông ta để cô bé ngồi trên đùi của ông ta và an ủi nó: "ông sẽ cúng dường vật thực nhân danh con gái của cháu". Và rồi bạch với Bậc Ðạo sư rằng: "Con muốn cúng dường vật thực nhân danh con gái cuả cháu gái con- là cái bánh đồ chơi này. Xin Ngài hoan hỷ nhận lời mời của con, bạch Ðức Thế Tôn, và năm trăm vị Tỳ khưu đến thọ thực vào ngày mai". Ðức Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi vào ngày hôm sau, đức Thế Tôn đi với năm trăm vị Tỳ khưu, đến nhà của vị phú thương ấy và, khi Ngài đã thọ thực xong, bèn nói những câu kệ này để nói lên lời tán dương của Ngài:
1. Liên quan đến bất cứ ai, những người không bỏn xẻn cho vật thực, dầu đối với những Ngạ quỷ trước kia, hay hơn nữa đến những vị chư Thiên trong nhà,
2. Và Tứ Ðại Thiên Vương, là những kẻ hộ trì nổi tiếng của thế gian; Ðó là: Kuvera, Dhataraṇṇha, Virūpakkha, Virulhaka. Khi những vị này được tôn kính thì những người cho không phải không có quả báu.
3. Dầu khóc lóc, sầu muộn hay ta thán đến bao nhiêu cũng không đem lại lợi ích gì cho những Ngạ quỷ, dầu những quyến thuộc của họ mãi theo sát bên họ.
4. Nhưng sự bố thí này mà sau khi đã được làm rồi, đã gieo trồng vững chắc trong chư Tăng, thì bằng kết quả tức thời sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho chúng.
Những người không bỏn xẻn
Hằng cho ra vật thí,
Rồi cho bất cứ ai,
Hoặc Ngạ quỷ quá vãng,
Hay đến những chư Thiên,
Ở trong các tư gia.
Và Tứ Ðại Thiên Vương,
Là những kẻ bảo vệ,
Nổi tiếng của thế gian -
Ðó là Kú-Vê-Rá
Và Dhá-Tá-Rá-tha
Và Vi-ru-bắc-khá
Cùng Ví-run-há-cá.
Khi những thiên vương này
Ðược tôn kính như vậy,
Thì những người bố thí
Không phải không có quả.
Dầu khóc lóc buồn rầu,
Hay ta thán thế nào,
Cũng không đem lợi ích
Ðến cho những Ngạ quỷ,
Dầu quyến thuộc của chúng
Cứ dai dẳng nhớ chúng.
Nhưng sự bố thí này
Mà đã được làm rồi,
Và đã trồng vững chắc
Trong chúng tăng của Phật
Thì hiệu quả tức thì
Sẽ làm lợi lâu dài
Cho những Ngạ quỷ ấy.
Khi Ðức Thế Tôn đã thuyết giảng chánh pháp như thế và đã làm cho người ấy vui thích trong sự bố thí nhân danh những Ngạ quỷ, Ngài đứng dậy khỏi chỗ ngồi và ra đi. Vào ngày hôm sau, người vợ của vị phú hộ ấy tổ chức một cuộc bố thí vật thực to lớn kéo dài đến một tháng. Rồi ngài Pāsenadi, vua của nước (Kosala), đi đến Ðức Thế Tôn và hỏi rằng, "Bạch Ðức Thế Tôn, tại sao những vị Tỳ khưu không đến nhà của con cả tháng nay?". Khi Bậc Ðạo sư báo cho vị ấy biết lý do thì Ðức vua cũng vậy, noi theo gương của vị phú hộ ấy, tổ chức một cuộc lễ bố thí lớn đến chư Tăng có Ðức Phật dẫn đầu. Và khi trông thấy điều này thì những thần dân cũng noi theo gương của Ðức Vua và tổ chức một cuộc Ðại thí lớn kéo dài trong một tháng. Như vậy, họ đã tổ chức một cuộc đại thí kéo dài trong hai tháng, tất cả dều do cái bánh đồ chơi.
*
I.5 HỘ NGOẠI QUỶ SỰ (TIROKUḌḌA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)
"Chúng đứng ở bên ngoài những vách nhà".
Bậc Ðạo sư trong khi đang trú ngụ ở Rājagaha, đã kể lại câu chuyện này liên quan đến một số lớn Ngạ quỷ. Ðây là câu chuyện ấy, được kể đầy đủ chi tiết.
Cách đây chín mươi hai Ðại kiếp có một Thành phố tên là Kāsipurī. Tại đó có một vị vua tên là Jayasena, trị vì trong xứ ấy. Hoàng hậu của vị ấy tên là Sirimā và bà mang thai Bồ tát Phussa, là người đã đến thời kỳ chứng đắc Nhất thiết trí (của một vị Phật). Ðức Vua Jayasena ưa thích sở hữu, nghĩ rằng, "con trai của ta chính là người đã thực hiện sự từ bỏ vĩ đại và đã trở thành một vị Phật. Ðức Phật là riêng của ta, Ðức Pháp là riêng của ta, Đức Tăng là riêng của ta", và chính vị ấy đã hầu hạ các Ngài luôn khi, chẳng cho ai khác được một cơ hội nào. Ba anh em của đức Thế Tôn, là những người em trai của một người mẹ khác, suy nghĩ rằng, "Chư Phật quả thật sanh lên dành cho toàn thể thế gian, không chỉ vì một ai cả; Tuy nhiên, cha của chúng không cho một ai khác có được một cơ hội. Bây giờ làm sao chúng ta có thể hầu hạ chư tăng cho được?" Và rồi ý nghĩ này đến với họ, "nào chúng ta hãy bày ra một số cách nào đó!" bởi vậy họ làm ra vẻ như có một cuộc dấy loạn ở vùng biên giới. Khi Ðức vua nghe tin về cuộc nổi loạn ở vùng biên giới này, vị ấy sai ba người con trai này đi dẹp yên vùng biên giới. Họ đi và làm yên ổn mọi chuyện. Và khi họ trở về, Ðức vua lấy làm hoan hỷ và ban cho họ một đặc ân, nói rằng, "Hãy lấy bất cứ cái gì mà các con muốn". "Chúng con muốn hầu hạ đức Thế Tôn", họ nói. "Các con có thể lấy bất cứ cái gì ngoài vị ấy". Ðức vua đáp lại. "Chúng con không màng điều gì khác", Họ nói. "Trong trường hợp ấy; hãy chọn một thời gian có giới hạn và thỉnh Ngài". Họ xin được bảy năm, nhưng đức Vua không đồng ý. Họ lại lần lượt xin sáu năm, bốn, hai, một năm; Trong bảy tháng, sáu, năm, bốn, ba tháng và cuối cùng đức vua nói rằng, "Hãy thỉnh Ngài đi!" Họ đi đến Ðức Thế Tôn và bạch rằng, "Bạch đức Thế Tôn, chúng con muốn hầu hạ đức Thế Tôn trong ba tháng. Bạch đức Thế Tôn, Cầu xin Ðức Thế Tôn nhận lời của chúng con trong ba tháng của mùa mưa này!" Ðức Thế Tôn im lặng nhận lời. Ba người ấy gởi một bức thư đến sứ giả của họ ở trong châu quận ấy (nơi mà đức Thế Tôn sẽ trú ngụ), nội dung nói rằng, "Ðức Thế Tôn sẽ được hầu hạ bởi chúng ta trong ba tháng này. Trước nhất, hãy dựng lên một Tịnh xá và rồi kiếm mọi thứ cần đến để hầu hạ Ðức Thế Tôn". Ông ta nhắn tin về lại khi ông ta đã kiếm mọi thứ. Họ mặc những y phục màu vàng và cùng với năm trăm nam hầu, đưa Ðức Thế Tôn và chư Tăng đến vùng ấy, hầu hạ các Ngài một cách cung kính, và dâng Tịnh xá đến các Ngài và để các ngài an cư tại đó trong mùa mưa. Vị quan thủ quỷ là con trai của một gia chủ, đã có vợ, có đức tin và lòng tịnh tín. Bằng sự chăm lo chu đáo, vị ấy cúng dường các thí vật để bố thí đến Chư Tăng có Ðức Phật dẫn đầu. Vị sứ giả trong vùng ấy nhận những thứ này và cùng với mười một ngàn người từ châu quận ấy tổ chức sự bố thí cúng dường bằng sự quan tâm chu đáo. Bấy giờ có một số người ở đó có tâm ô nhiễm. Chúng ngăn chặn những vật thí, chính chúng ăn những thí vật và châm lửa vào nhà ăn. Khi các Ngài đã tổ chức lễ tự tứ thì những đứa con trai của Ðức vua đảnh lễ đức Thế Tôn và rồi trở về, cùng với Ðức Thế tôn đi trước, họ đến trước mặt phụ vương của họ. Sau khi đức Thế Tôn đi đến đó, Ngài nhập Niết bàn.
Ðến đúng thời kỳ, những đứa con trai của đức vua, vị sứ giả và vị Quan thủ qu~n của họ đều chết và sanh về Thiên giới cùng với hội chúng (những người nam hầu ấy); Trong khi những người có tâm bất thiện thì sanh vào trong các địa ngục. Rôì trong suốt hiền kiếp này, vào thời kỳ của Ðức Thế Tôn Kassapa, những người có tâm bất thiện ấy sanh vào trong hội chúng Ngạ quỷ. Lúc bấy giờ, khi dân chúng cúng dường vật thực nhân danh những quyến thuộc sanh làm Ngạ quỷ của họ, hồi hướng cho chúng, khi nói rằng, "Xin cho phước thí này thấu đến quyến thuộc của chúng tôi!" Nhân đó, chúng đạt được sự tối thắng. Bấy giờ, khi những Ngạ quỷ ấy trông thấy điều này, chúng đi đến Ðức Thế Tôn Kassapa và hỏi rằng, "Bạch đức Thế Tôn, làm sao chúng con đạt được sự thù thắng như thế?" Ðức Thế Tôn nói rằng, "Các ngươi sẽ không đạt được điều ấy bây giờ đâu. Tuy nhiên, trong tương lai sẽ có một vị Chánh Biến Tri tên là Gotama. Vào thời kỳ của đức Thế Tôn này sẽ có một vị vua tên là Bimbisara, là quyến thuộc của các ngươi cách đây chín mươi hai Ðại kiếp. Vị ấy sẽ cúng dường vật thực đến vị Phật ấy và hồi hướng phước thí ấy cho các ngươi. Rồi các ngươi sẽ đạt được sự thù thắng như vậy". Tương truyền rằng, khi Ngài nói điều này thì xem ra đối với những Ngạ qũy ấy tựa như Ngài đã nói rằng họ sẽ đạt được nó trong ngày hôm sau.
Rồi khi một trung gian Phật thời đã trôi qua và Ðức Thế Tôn của chúng ta đã sanh lên trong thế gian, thì ba người con trai ấy của đức vua, cùng với một ngàn người cũng đi xuống từ cõi cõi chư Thiên và sanh trong dòng Bà-la-môn, trong vương Quốc Magadha. Ðến thời kỳ, họ xuất gia sống cuộc đời không nhà của Sa-môn và trở thành Ba đạo sĩ tóc búi của xứ Gayāsīsa. Vị sứ giả của họ trong châu quận ấy trở thành Visākhā, có vợ tên là Dhammadiṇṇā - con gái của một vị phú hộ; Trong khi hội chúng còn lại thì sanh trong những tùy tùng của Ðức vua.
Khi Ðức Thế Tôn của chúng ta đã sanh lên trong thế gian và trải qua bảy tuần lễ (sau khi Ngài giác ngộ), đến đúng thời kỳ, Ngài đi đến Ba La Nại; Ở đó, Ngài chuyển Pháp luân và giáo hóa cho năm anh em Kiều Trần Như, rồi đến ba vị Ðạo sĩ tóc búi cùng với một ngàn môn đệ của họ, và rồi đi đến Rājagaha. Ở đó, Ngài an trú vào quả Thánh Tu-đà-huờn cho đức vua Bimbisāra ..., là người đã đến để yết kiến Ngài trong chính ngày hôm ấy, cùng với một trăm mười ngàn gia chủ Bà là môn, là những dân cư của xứ Aṇgamagadha. Ngài chấp nhận lời mời của đức vua đến thọ thực vào ngày hôm sau - và ngày kế tiếp Ngài đi vào Rājagaha với Sakkha, là chúa của chư Thiên, đã hóa ra làm một chàng trai Bà-la-môn, đi trước Ngài và tán dương Ngài bằng những câu kệ bắt đầu bằng:
"Những kẻ được điều ngự đi chung với Ðấng Ðiều ngự, những kẻ được giải thoát đi chung với đấng giải thoát; Ðức Thế Tôn, sáng chói như viên ngọc huỳnh kim, đi vào Rāja-gaha với ba vị đạo sĩ tóc búi trước kia".
Và trong chỗ ngụ của đức Vua, Ngài nhận được sự cúng dường vật thực vĩ đại. Bấy giờ những Ngạ quỷ mà đứng bao quanh ngôi nhà nghĩ rằng, "Bây giờ đức vua sẽ hồi hướng vật thí đến chúng ta". Nhưng khi cúng dường vật thực, đức vua chỉ nghĩ về khu vực dành cho tinh xá của Ðức Thế Tôn mà thôi, khi tự nghĩ rằng, "giờ này Ðức Thế Tôn trú ngụ ở đâu?" và vị ấy không hồi hướng phước thí đến cho ai cả. Vì không được vật thí theo cánh này, những Ngạ quỷ ấy thất vọng, và đêm hôm ấy kêu than trong nỗi thống khổ cay đắng và ghê sợ trong chỗ ngụ đức vua. Ðức vua bị dao động, đầy sợ hãi và run rẫy. Vào lúc rạng sáng, vị ấy kể lại với Ðức Thế Tôn rằng, "Bạch Ðức Thế Tôn, suốt đêm con đã nghe một âm thanh rùng rợn như thế. Chuyện gì sẽ xảy đến cho con?" Ðức thế Tôn nói rằng, "Ðừng sợ, tâu Ðại vương, không có điều xấu nào xảy đến cho Ðại vương đâu; Bệ hạ sẽ hoàn toàn bình an, sự thật là những quyến thuộc trước kia của Ðại vương mà đã sanh trong giới những Ngạ quỷ đã đi lang thang trong suốt một trung gian Phật thời, với lòng mong mỏi rằng Ðại vương sẽ cúng dường vật thí đến một vị Phật và sẽ hồi hướng phước thí đến cho chúng. Nhưng khi Ðại vương đã cúng dường vật thực ngày hôm qua, Ðại vương đã không cho phước thí ấy, nên chúng đã thất vọng và kêu than trong nỗi đau đớn ghê sợ như thế" "Bạch Ðức Thế Tôn, chúng có nhận được phước thí ấy không, nếu những vật thí ấy được cho đến chúng bây giờ?" (Ðức vua hỏi) "Ðược, tâu Ðại vương". "Thế thì xin Ðức Thế Tôn hãy nhận lời mời của con vào ngày hôm nay và con sẽ hồi hướng những vật thí ấy đến cho chúng". Ðức Thế Tôn im lặng nhận lời mời. Ðức vua đi về chỗ ngụ của vị ấy và sai sửa soạn một cuộc bố thí to lớn, rồi sai công bố giờ giấc với Ðức Thế Tôn. Ngài đi đến hoàng cung cùng với chư Tăng và ngồi xuống trên chỗ ngồi đã được soạn sẵn. Những Ngạ quỷ suy nghĩ rằng, "Ngày hôm nay chúng ta có thể kiếm được một cái gì đó", và đi đến đứng ở bên ngoài những vách tường và những chỗ khác. Ðức Thế Tôn khiến cho chúng hiện rõ trước mắt đức vua. Khi rót nước bố thí, đức vua nói lời hồi hướng rằng, "xin cho phước thí này thấu đến những quyến thuộc của tôi", và ngay khi ấy những hồ sen hiện ra dành cho những Ngạ quỷ, trên mặt hồ đầy những hoa sen và hoa súng xanh. Chúng tắm và uống nước trong những hồ sen ấy và nhờ vơi đi những thống khổ, sự mỏi mệt và khát bỏng, chúng trở nên có sắc huỳnh kim. Ðức vua cúng dường cơm dẽo và những vật thực loại cứng loại mềm và hồi hướng những vật thí này, và ngay tức thì món cơm dẻo của chư Thiên và những vật thực loại cứng loại mềm hiện ra. Khi chúng đã ăn những thứ này thì các căn của chúng trở nên tươi tắn. Ðức vua cúng dường y phục và chỗ ngụ, rồi hồi hướng những thứ này; Thế là y phục và những cung điện của chư Thiên, được trang bị đầy đủ bằng những chiếc trường kỷ và những tấm khăn trãi giường v.v..., hiện ra cho chúng. Tất cả sự thù thắng này của chúng khiến cho Ðức vua thấy rõ ngay khi Ðức Thế Tôn đã nguyện cho nó được như thế. Và khi đức vua trông thấy như vậy thì vị ấy hoàn toàn vui sướng. Rồi khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong và đã ăn no bụng, ngài kể cho đức vua nghe những câu chuyện về những Ngạ quỷ ở bên ngoài vách nhà, để thay lời phúc chúc của Ngài:
1. Chúng đứng ở bên ngoài những vách tường và ở những ngã tư đường; chúng đi đến nhà riêng của chúng và đứng ở những trụ cửa.
2. Mặc dầu có nhiều đồ ăn và thức uống, những vật thực loại cứng loại mềm được dọn ra, nhưng không có ai nhớ đến những chúng sanh ấy vì những nghiệp của chúng.
3. Bởi vậy, những người mà có lòng thương tưởng hãy cho những đồ ăn và thức uống đúng thời, thượng vị, thuần tịnh nhất để hồi hướng đến những quyến thuộc của họ, cầu nguyện rằng, "xin cho những phước thí này thấu đến những quyến thuộc của chúng tôi! Cầu xin cho những quyến thuộc của chúng tôi được hạnh phúc!"
4. Và những quyến thuộc sanh làm Ngạ quỷ ấy đã tụ họp ở đó sẽ tỏ sự tùy hỷ của chúng đối với đồ ăn và thức uống dồi dào ấy, nói rằng:
5. "Sự trường thọ hãy đến với quyến thuộc của chúng ta; nhờ họ mà chúng đã có được (tất cả) điều này vì sự tôn trọng đã được thể hiện đến với chúng ta. Và những người cho ra không phải không có những kết quả!"
6. Vì ở đó không có sự trồng trọt cấy cày, cũng không có sự chăn nuôi gia súc; không có những điều như sự làm nghề kiếm ăn và sự mua bán bằng vàng. Những Ngạ quỷ, những kẻ đã quá vãng ở đó chỉ được nuôi sống bằng cái gì được cho đến từ đây.
7. Như mưa rơi trên những vùng đất cao chảy xuống những vùng đất thấp; cũng vậy, những gì được cho đi từ đây sẽ đem đến lợi ích cho những Ngạ quỷ.
8. Cũng như những sông rạch được làm đầy sẽ làm đầy đại dương; cũng vậy, những gì được cho đi từ đây sẽ đem lại lợi ích cho những Ngạ quỷ.
9. "Người ấy đã cho đến tôi, người ấy đã làm cho tôi, người ấy là quyến thuộc của tôi, là bạn bè và người thân quen của tôi"; (như vậy) khi nhớ đến những gì mà họ thường làm, người nên cho những phước thí đến những Ngạ quỷ.
10. Dầu khóc lóc đến mấy, sầu muộn hay ta thán cách nào cũng không đem lại lợi ích cho Ngạ quỷ đâu, dầu những quyến thuộc của họ có khăng khăng theo họ.
11. Nhưng phước thí này mà sau khi đã được làm và được gieo trồng vững chắc trong chư Tăng, thì bằng hiệu quả tức thời, sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho chúng.
12. Bây giờ điều này, là phận sự đối với những quyến thuộc của người, đã được chỉ ra rồi và sự tôn kính cao tột đã được thể hiện đến những Ngạ quỷ; sức lực đã được cung cấp đến các vị Tỳ khưu và việc phước mà người đã làm không phải là nhỏ.
Chú giải:
"VÀ NHỮNG NGƯỜI CHO KHÔNG PHẢI KHÔNG CÓ QUẢ BÁU (Dāyakā ca anipphalā). Bởi vì việc làm ấy (bao gồm sự bố thí) cho kết quả của nó ở chỗ này chỗ kia, vì việc phước ấy đã nằm trong tâm của người cho rồi. Ở đây, người ta có thể hỏi rằng: "Làm sao mà chỉ những kẻ sanh trong Ngạ quỷ mới nhận được sự thù thắng này do nhờ những quyến thuộc của chúng, hay những Ngạ quỷ khác cũng lãnh được nó? Không có điều gì cần thiết được nói ra bởi chúng ta ở đây cả, vì điều này đã được giải thích bởi Ðức Thế Tôn như vầy:
"Thưa thầy Gotama, những vị Bà-la-môn chúng tôi bố thí vật thực và làm những việc làm cúng tế khác khi nói rằng, "cầu mong những vật thí này đem lại những lợi ích cho Ngạ quỷ, là những quyến thuộc của chúng tôi, là những bà con ruột thịt của chúng tôi! Xin cho những quyến thuộc Ngạ quỷ của chúng tôi và những bà con ruột thịt của chúng tôi hưởng vật thí này!" Thưa Sa-môn Gotama, có phải những vật thí ấy đem lại lợi ích cho những Ngạ quỷ ấy, là những quyến thuộc và là những người thân thích của chúng tôi chăng? Những quyến thuộc Ngạ quỷ và những người bà con thân thích của chúng tôi có thật sự hưởng được những vật thí ấy không?".
"Này Bà-la-môn, nếu chúng ở đúng chỗ thì chúng sẽ được lợi ích; nếu chúng ở chỗ không thích hợp thì không được lợi ích". "Nhưng chỗ nào là chỗ thích hợp, thưa Thầy Gotama, và chỗ nào là chỗ không thích hợp?".
"Này Bà-la-môn, ở đây có một người nọ sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói đâm thọc, nói lời thô lỗ, nói lời phù phiếm, tham lam, hiểm ác trong tâm và có tà kiến". Vào lúc thân hoại mạng chung, kẻ ấy sanh trong địa ngục. Vị ấy chống chỏi ở đó, vị ấy tồn tại ở đó bằng bất cứ cái gì gọi là vật thực của những chúng sanh ở trong địa ngục. Này ông Bà-la-môn, đây là chỗ không thích hợp. Những vật thí ấy không có lợi ích cho chúng sanh nào ở trong đó.
"Ở đây, này ông Bà-la-môn, có người sát sanh... Có tà kiến. Vào lúc thân hoại mạng chung, người ấy sanh trong bào thai của loài thú. Chúng sanh ấy tự nuôi sống ở đó, lưu lại ở đó bằng bất cứ cái gì gọi là vật thực dành cho súc sanh. Này ông Bà-la-môn, đây là chỗ không thích hợp; những vật thí ấy không có lợi ích cho những kẻ ở trong cõi ấy.
"Này ông Bà-la-môn, ở đây có người tránh xa sát sanh, tránh xa trộm cắp, tránh xa tà hạnh, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói đâm thọc, tránh xa sự nói cộc cằn, tránh xa sự nói phù phiếm, không tham lam, không ác tâm và không có tà kiến. Sau khi thân hoại mạng chung người ấy sanh trong cõi người. Người ấy sinh sống và duy trì mạng sống bằng vật thực của loài người, Nầy ông Bà-la-môn, đây là chỗ không thích hợp; những vật thí không có lợi ích cho những người nào sống ở đó cả.
"Này ông Bà-la-môn, ở đây có người từ bỏ sát sanh... Có chánh kiến. Vào lúc thân hoại mạng chung, người ấy sanh trong hội chúng của những vị chư Thiên. Người ấy tự nuôi sống ở đó, người ấy duy trì mạng sống ở đó, bằng bất cứ cái gì gọi là vật thực của chư Thiên. Này ông Bà-la-môn, đây là chỗ không thích hợp; những vật thí ấy không đem lợi ích cho chúng sanh nào ở trong đó.
"Ở đây, Này ông Bà-la-môn, có người sát sanh... Có tà kiến. Vào lúc thân hoại mạng chung người ấy sanh trong cõi Ngạ quỷ. Chúng sanh ấy tự nuôi sống ở đó, sanh tồn ở đó, bằng bất cứ cái gì gọi là vật thực của những chúng sanh trong cõi Ngạ quỷ. Hay kẻ ấy nuôi sống ở đó, kẻ ấy sanh tồn ở đó, bằng bất cứ cái gì mà những bạn bè, những người thân quen hay những quyến thuộc và những người thân thích hồi hướng đến từ đây. Này ông Bà-la-môn, đây là chỗ thích hợp, những vật thí đem lại lợi ích cho chúng sanh nào sống ở đó".
"Nhưng, thưa Sa-môn Gotama, nếu kẻ quá vãng ấy là người quyến thuộc và là người thân thích của chúng con mà chưa sanh trong cõi ấy, thì ai thọ lãnh những vật thực ấy?"
"Này ông Bà-la-môn, những Ngạ quỷ khác là những quyến thuộc và là những kẻ thân thích của ngươi mà đã sanh trong cõi ấy - Những kẻ này thọ hưởng những vật thí."
"Nhưng, thưa Sa-môn Gotama, nếu những Ngạ quỷ ấy là người quyến thuộc và là người thân thích của chúng con chưa sanh trong cõi ấy và những Ngạ quỷ khác là những quyến thuộc và là những kẻ thân thích của chúng con cũng chưa sanh trong cõi ấy-thì ai hưởng những vật thí ấy?"
"Nhưng điều này không thể xảy ra, này ông Bà-la-môn, điều này không thể có, rằng chỗ ấy trong một thời gian rất lâu lại trống rỗng, không có những Ngạ quỷ là những quyến thuộc và là những kẻ thân thích của ngươi; và dù sao chăng nữa, này ông Bà-la-môn, những người mà có bố thí không phải không có kết quả".
Vào lúc kết thúc các thời pháp thoại, tuệ quán sanh lên trong tám mươi bốn ngàn chúng sanh nhờ bài mô tả về những hoàn cảnh trong cõi Ngạ quỷ. Vào những ngày tiếp theo, Ngài cũng dạy câu chuyện ngoài bức tường này để giáo hóa chư Thiên và nhân loại trong bảy ngày, và chính tuệ quán này cũng sanh lên.
*
I.6 THỰC NGŨ NHI QUỶ SỰ
"Ngươi trần truồng và có tướng mạo gớm guốc".
Pháp thoại này được Ðạo sư thuyết giảng trong khi Ngài đang ngụ ở Sāvatthi, liên quan đến một Petī (nữ Ngạ quỷ), là kẻ ăn thịt năm đứa con của nàng.
Tương truyền rằng: ở trong một ngôi làng nọ không cách xa thành Sāvatthi, có một người vợ của một người đàn ông giàu có. Những quyến thuộc của người chồng nói rằng; "Bà vợ chánh của anh vô tử, chúng ta phải kiếm cho anh một nàng dâu khác." Nhưng anh ta không chịu vì tình thương của anh ta đối với vợ. Bấy giờ khi người vợ của anh ta nghe tin ấy, nàng nói với chồng rằng, "Thưa chồng, em là người không có con; Nên kiếm về một người vợ khác đi - đừng làm tuyệt dòng", và bị hối thúc bởi nàng, người chồng lấy một người vợ khác mà đến đúng thời kỳ đã có thai. Người vợ không con suy nghĩ rằng, "Khi nó đã có đứa con trai thì nó trở thành bà chủ trong ngôi nhà này", và khởi lên lòng ganh tị, bèn tìm cách để làm cho nàng kia bị hư thai, nàng cho người đàn bà kia đồ ăn và thức uống khiến cho nàng bị hư thai. Khi người vợ thứ hai bị sẩy thai, nàng báo tin cho mẹ của nàng biết và mẹ nàng tập hợp những quyến thuộc của bà ta. Và cho họ biết vấn đề. Họ tố cáo người vợ không có con phải chịu trách nhiệm về sự sẩy thai của người vợ thứ, nhưng nàng phủ nhận điều ấy, nói rằng, " Tôi không chịu trách nhiệm". Họ đáp rằng, "Nếu cô không chịu trách nhiệm trong việc sẩy thai thì hãy thề đi!" Nàng thề dối rằng. "Nếu tôi có trách nhiệm trong việc xảy thai tôi sẽ sanh ra mỗi buổi sáng và chiều năm đứa con trai và ăn thịt chúng, tuy nhiên vẫn không thấy thoả mãn; hơn nữa, xin cho tôi luôn luôn có mùi hôi thối và bị những đàn ruồi bu quanh". Chẳng bao lâu, nàng chết và sanh làm Petī có hình tướng ghê tởm không cách xa ngôi làng ấy. Vào thời ấy có tám vị Trưởng lão, đã trải qua mùa mưa trong vùng ấy và trên đường đi đến Sāvatthi để yết kiến bậc Ðạo sư. các Ngài đi đến nghỉ dưới một bóng cây ở một chỗ có nước trong rừng không cách xa ngôi làng ấy. Nữ quỷ khi ấy hiện ra cho các Trưởng lão trông thấy và Trưởng lão lớn nhất nhóm hỏi Nữ quỷ ấy bằng câu kệ này:
"Ngươi trần truồng và có tướng mạo gớm guốc; ngươi toả ra mùi xú uế, ngươi bị bao quanh bởi những đàn ruồi. Vậy ngươi là ai mà đứng ở đây?"
Khi được hỏi bởi Trưởng lão, nữ quỷ nói lên câu kệ này để giải thích nàng là ai, để làm cho chúng sanh khởi lên lòng kinh cảm:
2. Thưa Ngài, con là một Petī, đã đi đến kiếp sống đau khổ trong cõi Yama ; sau khi đã làm ác nghiệp, con đã ra đi từ đây đến cõi Ngạ quỷ.
3. Vào lúc sáng, con sanh ra năm đứa con, và đến chiều lại con sanh ra năm đứa con khác; dầu con ăn thịt hết tất cả chúng, Ngay cả nhiều như vậy cũng không đủ đối với con.
4. Tim của con sôi sục và bị thiêu đốt bởi cơn đói, và con không thể kiếm ra được nước để uống! Hãy xem cảnh ngộ giáng xuống cho con!
Khi nghe qua điều này Trưởng lão bèn hỏi nàng về nghiệp quá khứ mà nàng đã làm:
5. "Hãy cho ta biết ác nghiệp nào được làm bởi thân, khẩu và ý của ngươi? Do kết quả của nghiệp nào khiến người ăn thịt những đứa con của ngươi?
Rồi quỷ nữ ấy kể lại cho Trưởng lão nghe về nghiệp của nàng đã làm:
6. Người vợ chung chồng của con đã có thai và con đã âm mưu làm việc ác để hại nàng. Bị ô nhiễm trong tâm, con đã làm cho nàng sẩy thai.
7. Cái bào thai được hai tháng của nàng đã tuôn ra như máu. Rồi mẹ của nàng tức giận và tập họp những quyến thuộc của bà ta lại; bà ta bắt con phải thề và khiến họ nguyền rủa con.
8. Con đã nói một lời dối trá kinh khủng khi nói lên lời thề ấy rằng: "Nếu điều ấy do tôi làm thì xin cho tôi phải ăn thịt những đứa con trai của tôi".
9. Chính do kết quả của ác nghiệp ấy và do con đã nói dối, nên con đã ăn thịt những đứa con trai của con và bị lấm nhơ bởi máu và vật nhơ.
Khi Ngạ quỷ nữ đã nói rõ những nghiệp của nàng, nàng bèn nói một lần nữa rằng: "Bạch Ðại Ðức, con đã từng là vợ của người đàn ông có của cải đó trong chính ngôi làng này, nhưng con đã sanh lòng ganh tỵ, đã làm điều ác và đã sanh trong cõi Ngạ quỷ. Bạch Ðại đức, xin ngài hoan hỷ đi về nhà của người đàn ông có của cải ấy. Người ấy sẽ dâng cúng đến Ngài những vật thí. Rồi bảo người ấy hồi hướng phước thí cho con. Nhờ cách này, con sẽ được thoát khỏi đây, khỏi cõi Ngạ quỷ này". Khi những vị Trưởng lão nghe qua điều này, họ đi vì thương hại cho nàng và có lòng bi mẫn, và đi vào nhà của người đàn ông có của cải ấy để khất thực. Khi người đàn ông có của cải ấy trông thấy các vị Trưởng lão đầy tịnh tín, ông ta đi ra để đón tiếp các Ngài, cầm bát của các Ngài, mời các Ngài ngồi và dâng đến các Ngài vật thực thượng vị. Những vị Trưởng lão thuật lại biến cố đã xảy ra cho người đàn ông biết và bảo ông ta hồi hướng phước thí ấy đến Ngạ quỷ nữ. Ngay khi ấy Ngạ quỷ nữ hết đau khổ. Khi được sự thù thắng cao tột, nàng hiện ra trong đêm ấy cho người đàn ông có tài sản trông thấy. Những Trưởng lão sau khi đã đi đến Sāvatthi, nêu ra vấn đề ấy với đức Thế tôn. Ðức Thế Tôn lấy vấn đề ấy làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết giảng chánh pháp cho hội chúng đã tụ hợp ở đó. Thời pháp ấy đem lợi ich cho những người ấy.
*
I.7. THỰC THẤT NHI QUỶ SỰ
"Ngươi trần truồng và có hình tướng ghê tởm".
Pháp thoại này được Bậc Ðạo sư thuyết giảng trong khi Ngài đang ngụ tại Sāvatthi, liên quan đến một Ngạ quỷ nữ ăn thịt bảy đứa con trai của nàng.
Tương truyền rằng, trong một ngôi làng nọ không cách xa thành Sāvatthi, có một tín nữ có hai đứa con trai đều trẻ trung, xinh đẹp, có đạo đức có hạnh kiểm tốt. Người mẹ của hai đứa con coi thường người chồng vì ỷ về những đứa con trai của nàng, khi nghĩ rằng. "Ta được sở hữu những đứa con trai". và ông ta, sau khi bị bà ta coi thường nhiều, bèn dẫn về một người vợ khác mà không bao lâu sau cũng có thai. Người vợ trước sanh lòng ganh tỵ và thuyết phục một vị y sĩ nọ, bằng cách trả một món tiền hối lộ, để gây ra sự sẩy thai cho cái phôi được ba tháng tuổi nơi người vợ kế. Bấy giờ, khi được hỏi bởi người chồng của nàng và những quyến thuộc rằng liệu nàng có chịu trách nhiệm về cái thai của người đàn bà kia không, nàng bèn nói dối và phủ nhận việc đó rằng: "Tôi không chịu trách nhiệm". Họ tin nàng và nói rằng, "Thế thì hãy thề đi!" Nàng thốt lên lời thề: "Nếu tôi có làm như vậy xin, cho tôi sanh mỗi buổi sáng và chiều bảy đứa con trai, và tôi sẽ ăn thịt những đứa con ấy; Xin cho tôi luôn luôn có mùi thối tha và bị vây quanh bởi những con ruồi!" Ðến đúng thời kỳ, nàng chết và sanh trong cõi Ngạ quỷ do quả của nàng về việc làm sẩy thai và do sự nói dối của nàng. Nữ quỷ đi lang thang không cách xa chính ngôi làng ấy, ăn thịt những đứa con trai của nàng theo cách như đã nói trước. Bấy giờ trong cùng thời gian ấy, những vị Trưởng lão mà đã an cư trong mùa mưa ở trong cùng ngôi làng ấy và đang trên đường đi đến Sāvatthi để yết kiến Bậc Ðạo sư, đến nghỉ đêm tại một chỗ không cách xa chính ngôi làng ấy. Ngạ quỷ nữ hiện hình trước các vị Trưởng lão và vị Trưởng lão lớn nhất hỏi nàng bằng câu kệ này:
1. "Ngươi trần truồng và có hình tướng gớm ghê; ngươi tỏa ra mùi xú uế. Ngươi bị bu quanh bởi những con ruồi, Bây giờ ngươi là ai, ngươi là ai mà đang đứng ở đây?
Khi được hỏi bởi Trưởng lão, nàng trả lời vị ấy bằng ba câu kệ:
2. Bạch Ngài, con là một Ngạ quỷ nữ, đã đi đến khổ cảnh trong cõi Yama. Con đã ra đi từ đây đến cõi Ngạ quỷ.
3. Vào lúc sáng sớm con sanh ra bảy đứa con trai và vào lúc chiều lại con sanh thêm bảy đứa khác nữa. Dầu con đã ăn thịt tất cả chúng, ngay cả những đứa này cũng không đủ cho con.
4. Tim của con sôi sục, bị thiêu đốt bởi cơn đói và con không thể có được sự nguôi ngoai; con bị hành hạ tựa như bị đốt cháy bởi lửa.
Khi nghe qua điều này, Trưởng lão thốt lên câu kệ này để hỏi nàng về nghiệp mà nàng đã làm:
5. "Vậy ác nghiệp nào được làm bởi ngươi bằng thân, khẩu và ý? Do kết quả của nghiệp nào khiến ngươi ăn thịt những đứa con của ngươi?"
Rồi nữ ngạ qủi ấy nói lên những câu kệ này để kể lại cách mà nàng đã tái sanh trong cõi ngạ qủi và lý do khiến nàng ăn thịt những đứa con:
6. "Con có hai đứa con trai mà cả hai đều đến tuổi thành niên; vì ỷ vào quyền uy của những đứa con trai, con đã coi thường chồng của con.
7. Nhân đó chồng của con tức giận và lấy một người khác làm vợ hầu; khi nàng có thai, con đã âm mưu gây ra một ác nghiệp để hại nàng.
8. Bị ô nhiễm trong tâm, con khiến cho nàng sẩy thai và cái phôi ba tháng của nàng rơi xuống như máu tanh.
9. Rồi mẹ của nàng tức giận trước cảnh này và hội họp những quyến thuộc của bà ta lại; bà ta bắt con phải thề và khiến họ chửi mắng con.
10. Con đã nói một lời dối trá kinh khủng khi con nói lời thế ấy rằng, nếu điều này được làm bởi con thì xin cho con ăn thịt những đứa con trai của con.
11. Chính do cả kết quả của việc làm ấy và do bởi sự kiện rằng con đã nói dối khiến con ăn thịt những đứa con trai của con và con bị lấm nhơ bởi máu và vật nhơ.
Tất cả phần còn lại cũng giống như phần trước, chỉ có điều khác biệt là có Tám Trưởng lão trong khi ở đây thì có nhiều vị Trưởng lão; và câu chuyện trước thì có năm đứa con trai trong khi ở đây thì có đến bảy đứa.
*
I.8. NGƯU QUỶ SỰ (GOṆA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)
"Tại sao ngươi như một người điên".
Pháp thoại này được Bậc Ðạo sư thuyết giảng trong khi Ngài đang ngụ ở Jetavana, liên quan đến một vị phú hộ có cha chết.
Tương truyền rằng, tại Sāvatthi người cha của một người đàn ông giàu có nọ đã chết. Tâm của ông ta bị sầu khổ tiếc thương cho cái chết của cha mình và ông ta thường đi lang thang như một người điên với tâm than thở khi hỏi bất cứ ai mà ông ta trông thấy, "ông đã thấy cha của tôi phải không?" Nhưng không ai có thể xua tan nỗi sầu khổ của ông ta cả. Tuy nhiên khả năng chứng đắc quả thánh Tu- Ðà-Hườn chiếu sáng trong tâm của ông ta như ngọn đèn trong một cái lọ. Bậc Ðạo sư, khi đang dò xét thế gian vào lúc hừng đông, trông thấy khả năng chứng ngộ quả Thánh Tu-đà-hườn của ông ta và nghĩ rằng, "Khi ta đã kể ra những nghiệp quá khứ của vị ấy và làm lắng dịu cơn sầu khổ của vị ấy thì sẽ thích hợp để cho vị ấy quả thánh Tu-đà-hườn". Vào ngày hôm sau, trong khi khất thực trở về sau khi độ thực, Ngài dẫn theo vị thị giả của Ngài và đến cửa nhà của ông ta. Khi ông ta nghe tin rằng ngài đã đến, bèn đi ra tiếp đón Ngài và thỉnh Ngài đi vào nhà. Khi Bậc Ðạo sư đã ngồi trên chỗ ngồi được soạn sẵn, chính ông ta đảnh lễ Bậc Ðạo sư. Ngồi xuống một bên và hỏi rằng, "Bạch Ðức Thế Tôn, Ngài có biết chỗ mà cha của con đã ra đi không?" Rồi Bậc Ðạo sư đáp lại rằng, "Này thiện nam, ngươi hỏi cha của ngươi trong kiếp sống này hay trong kiếp sống quá khứ?" Khi ông ta nghe những lời này, ông ta bèn suy nghĩ, "Ta đã có những người cha, nhờ vậy nỗi sầu khổ của ông ta được lắng dịu và ông ta được một ít bình thản. Rồi Bậc Ðạo sư cho ông ta một thời pháp để diệt trừ nỗi sầu khổ của ông ta, và khi Ngài biết rằng nổi sầu khổ của ông ta đã xa lìa và tâm của ông ta đã sẵn sàng, bằng sự thuyết giảng Chánh Pháp ấy mà chính chư Phật đã giác ngộ (Khổ, Tập, Diệt, và Ðạo), Ngài an trú ông ta trong quả thánh Tu-đà-hườn và rồi đi về tinh xá của Ngài. Các vị Tỳ khưu bắt đầu bàn luận với nhau trong giảng đường chánh pháp rằng, "Hãy xem, thưa các tôn giả, năng lực vĩ đại của Ðức Phật mà trong đó vị thiện nam đã bị sầu khổ lớn, được dẫn dắt bởi Ðức Thế Tôn vào quả Thánh Tu-đà-hườn chỉ trong giây lát". Bậc Ðạo sư đi đến đó và ngồi trên chỗ ngồi đã được soạn sẵn dành cho Ngài và hỏi rằng, "Này các Tỳ khưu, vì mục đích của cuộc bàn luận nào khiến các ngươi đang ngồi ở đây?" Các vị Tỳ khưu bạch lại đề tài của cuộc bàn luận của họ với Ðức Thế Tôn. Khi Bậc Ðạo sư nói rằng, "Này các Tỳ khưu, không phải chỉ trong trường hợp này thôi đâu mà Như Lai đoạn trừ nỗi sầu khổ của ông ta; Tương tự như thế, Như Lai cũng đã đoạn trừ nó trong một kiếp quá khứ rồi". Các vị Tỳ khưu bèn thỉnh Ðức Thế Tôn kể lại biến cố xa xưa ấy.
Cách đây đã lâu, tại Ba-la-nại, người cha của một gia chủ nọ đã chết. Ông ta bị sầu khổ và ta thán cho cái chết của người cha; và với mặt đầy nước mắt, ông ta kêu than và đấm ngực khi ông ta đi vòng quanh cái mộ của người cha theo chiều bên phải. Ðứa con trai của ông ta, là Sujāta, là một chàng trai thông minh, uyên bác và đầy trí tuệ, trong khi tìm cách để diệt trừ nỗi sầu muộn của cha mình, vào một ngày nọ cậu ta trông thấy một con bò chết ở bên ngoài cửa thành phố. Cậu ta đem đến một ít cỏ và nước rồi đặt chúng ở trước con bò chết ấy. Khi cho nó một miếng, chàng trai đứng ở đó ra lệnh cho nó tựa như nó còn đang sống vậy, khi nói rằng, "hãy ăn đi, hãy ăn đi, hãy uống đi, hãy uống đi"; Những người qua đường trông thấy cậu ta và nói rằng, "Này anh bạn Sujaata, có phải anh đã hoàn toàn điên loạn rồi chăng? Cớ sao anh cho cỏ và nước đến con bò đã chết rồi?" Nhưng cậu ta chẳng nói lời đáp lại. Mọi người đi đến người cha của cậu ta và nói rằng, "Con trai của ông đã điên loạn và đã cho cỏ và nước đến một con bò đã chết." Khi ông ta nghe qua điều này thì nỗi sầu khổ của người đàn ông có tài sản ấy đối với người cha được cách ly. Xúc động với ý nghĩ rằng, "Người ta nói rằng, con trai của ta đã bị điên", ông ta phóng nhanh đến đó và khiển trách cậu ta: "Này Sujāta, chẳng hay con đã mất hết sáng suốt thông minh và trí tuệ rồi chăng? Tại sao con cho cỏ và nước đến một con bò đã bị chết?" Và thốt lên hai câu kệ này:
1. "Tại Sao con, như một người điên, lại cắt cỏ và nói lầm bầm, hãy ăn, hãy ăn, với một con bò mà mạng sống của nó đã xa lìa?
2. Vì không phải do đồ ăn và thức uống khiến con bò chết sống lại được; con là một thằng ngu, một đứa bé đần độn, và là một thằng khùng như bất cứ thằng khùng nào khác."
Giống như một thằng điên,
Tại sao con đút cỏ?
Tại sao nói lầm bầm:
"Ăn đi, hãy ăn đi"
Ðến một con bò già
Mà mạng sống không còn.
Bởi vì chẳng phải do
Ðồ ăn hay thức uống
Khiến con bò chết này
Có thể sống lại được;
Ngươi là một thằng ngốc,
Là đứa bé dại khờ,
Và là một thằng khùng
Như bất cứ ai khác;
Khi nghe qua điều này, Sujāta bèn nói lên hai câu kệ này để nói rõ ý định của mình đến người cha;
3. Những cái chân này, cái đầu này, cái thân này với cái đuôi và hai mắt của nó vẫn còn như thế. Con bò này có thể dậy được.
4. Nhưng hai chân, hai tay, thân thể và cái đầu của ông nội thì không được trông thấy, không phải đúng hơn cha là người ngốc khi khóc lóc với nắm đất của người sao?
Chú giải:
4. Rồi chàng trai giáo giới cho cha mình rằng, "Những tay, chân, đầu và thân của ông nội, của ông cố, không còn được trông thấy. Không phải đúng hơn rằng riêng cha, thưa cha, mới là người khờ dại, là người không có lý trí hơn cả một trăm một ngàn lần, khi cha khóc nơi cái mộ được làm bằng đất sau khi phủ lấy những đốt xương của người ở trong đó? Các pháp hữu vi có tánh chất dễ hoại diệt và hoại diệt; Cha biết điều này, tại sao cha phải ta thán?" Khi nghe qua điều này, cha của Bồ tát suy nghĩ rằng, "con của ta có trí tuệ; nó đã làm hành động này để khuyên dạy ta". Và nói rằng. "Này con thân Sujāta, thật rất rõ rằng tất cả chúng sanh đều phải chịu chết đều nhau cả. Từ nay trở đi ta sẽ không ta thán nữa. Như vậy lời khyên ấy nên được áp dụng cho những người có thể diệt trừ ưu bi của họ", và vị ấy nói lên bốn câu kệ để khen ngợi đứa con trai của ông ta:
5. "Quả thực ta rực cháy, như lửa được châm bằng thục tô; nhưng bây giờ tất cả sầu muộn của ta đã được dập tắt tựa như ta được tưới nước.
6. Thật vậy, cây tên là ưu bi, mà đã xuyên thủng tim ta, đã được nhổ ra. Ngươi đã diệt trừ ưu bi ấy, là ưu bi đối với cha của ta, đã giáng xuống ta.
7. Nhờ cây tên được rút ra, ta được an tịnh và mát mẻ; từ khi nghe ngươi nói, hỡi chàng trai trẻ, ta không còn ưu bi hay khóc than nữa."
8. Cũng như Sujāta đã làm cho cha của vị ấy quên đi ưu bi ấy. Bậc Trí tuệ, là người có hành động bi mẫn, cũng hành động như thế.
Khi đã nghe qua những lời của chàng trai, người cha hết sầu muộn. Ông ta gội đầu, ăn uống trở lại và điều khiển công việc của ông ta. Vào cuối cuộc đời, ông ta chết sanh vào thiên giới.
Khi Bậc Ðạo sư đã kể lại Pháp thoại này, Ngài thuyết giảng Tứ Ðế cho những Tỳ khưu ấy. Vào lúc kết thúc của thời Pháp, nhiều người được an trú trong quả thánh Tu-đà-hườn.
Lúc bấy giờ Sujāta chính là Ðấng hộ trì thế gian của chúng ta.
*
I.9. ÐẠI CHỨC VẬT SƯ QUỶ SỰ (MAHĀPESAKĀRA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)
"Phẩn và nước tiểu, máu và mủ".
Pháp thoại này được Bậc Ðạo sư thuyết giảng trong khi đang ngụ ở Sāvatthi, liên quan đến một nữ Ngạ quỷ mà đã từng là một nữ thợ dệt.
Tương truyền rằng có đến mười hai vị Tỳ khưu đã nhận đề mục thiền định trước mặt Bậc Ðạo sư, và trong khi tìm kiếm chỗ ngụ khi mùa mưa sắp đến, trông thấy một chỗ khả ái, có bóng mát và có nước ở trong khu rừng, với một ngôi làng để cung cấp vật thực mà chẳng xa cũng chẳng gần. Họ nghỉ đêm ở trong đó, vào ngày hôm sau đi vào làng để khất thực. Mười một người thợ dệt trú ngụ ở đó. Khi họ trông thấy những vị Tỳ khưu, họ khởi tâm hoan hỷ và dẫn các Ngài vào nhà riêng của họ. Khi họ đã hầu hạ các Ngài bằng đồ ăn và thức uống, họ hỏi rằng, "bạch các ngài, các ngài đang đi đâu thế?" "chúng tôi đang đi đến bất cứ chỗ nào mà tỏ ra thuận tiện đối với chúng tôi", Họ đáp lại. "Nếu là như thế, thưa chư Ðại Ðức, thời các ngài nên ở lại ngay tại chỗ này", họ nói và thỉnh các Ngài an cư trong mùa mưa cùng với họ, và các vị Tỳ khưu đã nhận lời. Những thiện nam cho dựng lên các thảo am ở trong rừng và dâng chúng đến các vị Tỳ khưu mà an cư trong mùa mưa tại đó. Tại đó người thợ dệt bậc thầy, bằng sự chăm sóc chu đáo, đã hầu hai vị Tỳ khưu bằng bốn món vật dụng; và những người khác mỗi người hầu hạ một vị Tỳ khưu. Người vợ của vị thầy thợ dệt ấy chẳng có đức tin và cũng chẳng có lòng tịnh tín, nhưng có tánh ti tiện và có tà kiến, và không hầu hạ các vị Tỳ khưu bằng sự chăm sóc chu đáo. Khi nhận ra điều này, người thợ dệt ấy đem về đứa em gái của ông ta và giao phó cho nàng làm nữ chủ ngôi nhà của ông ta. Nàng có đức tin và lòng sùng đạo, chăm sóc các vị Tỳ khưu với sự chăm sóc chu đáo. Tất cả những người thợ dệt ấy, mỗi người dâng một chiếc y đến một vị Tỳ khưu mà đã an cư kiết hạ, nhân đó người vợ đê tiện của người thầy thợ dệt, có tâm bất thiện, đã nguyền rủa chồng của bà ta rằng, "Bất cứ đồ ăn và thức uống nào mà ông đã cho làm vật thí đến những vị Sa-môn, là những đứa con trai của vị sakya, cầu mong rằng trong kiếp sau nó sẽ biến thành phẩn và nước tiểu, máu và mủ dành cho ông; và những chiếc y ấy trở thành những cái đĩa sắt nóng đỏ". Rồi đến đúng thời, vị thầy thợ dệt ấy chết và sanh làm vị thọ thần trong khu rừng Viñjha, có đại oai thần lực. Nhưng khi người vợ keo kiệt của ông ta chết, bà ta sanh làm một Ngạ quỷ nữ không cách xa ngôi làng ấy. Bà ta trần truồng và có hình tướng ghê tởm; và bị hành hạ bởi đói và khát, bà ta đi đến vị chư Thiên địa cầu ấy và nói rằng, "Chồng ơi, tôi không được mặc áo quần và đi lang thang, bị dày vò bởi cơn đói và khát cùng cực; Xin hãy cho tôi một ít y phục, đồ ăn và thức uống". Ông ta cho nữ Ngạ quỷ đồ ăn và thức uống thượng vị của chư Thiên. Nhưng khi bà ta càng chạm vào chúng nhiều chừng nào thì chúng càng biến thành phẩn và nước tiểu, máu và mủ nhiều chừng đó, và khi bà mặc vào y phục thì nó biến thành cái đĩa sắt nóng đỏ; bị đau đớn khốc liệt, bà ta quăng chúng và đi lang thang kêu khóc.
Vào lúc ấy có một vị Tỳ khưu nọ đã trải qua mùa mưa, đang trên đường đến đảnh lễ Bậc Ðạo sư và đã đi vào khu rừng Viñjha cùng với một đoàn thương nhân đông đảo. Ðoàn thương nhân đi tiếp trong chuyến đi xa của họ vào lúc ban đêm, và ban ngày trông thấy một chỗ có nước, có bóng mát dày đặc; Họ tháo ách cho những con bò, rồi nghỉ một lát. Tuy nhiên, vị Tỳ khưu muốn yên ổn, bèn đi tiếp một quãng đường ngắn. Vị ấy đặt chiếc y vai trái ở dưới gốc cây, là một lùm cây không thể đi xuyên qua được và có bóng mát dầy đặc và, bị kiệt lực vì đi đường xa, bèn đặt mình xuống và ngủ thiếp đi. Ðoàn thương nhân, khi đã nghỉ xong, lại tiếp tục đi, nhưng vị Tỳ khưu thì không hay biết. Vị ấy thức dậy vào lúc chiều và, không thể trông thấy đoàn thương nhân, bèn bỏ đi theo hướng bị lạc và đến đúng lúc đi ngang qua chỗ của vị thọ thần ấy. Khi vị Thọ thần trông thấy vị Tỳ khưu, vị ấy bèn đi đến trong hình tướng của loài người và chào hỏi thân mật, mời vị Tỳ khưu vào trong cung điện của vị ấy, cho vị Tỳ khưu một ít dầu để thoa chân và những thứ khác, rồi ngồi xuống để hầu hạ. Vào lúc này Ngạ quỷ đến, nói rằng, "Thưa chồng, hãy cho tôi đồ ăn và thức uống và y phục." Vị ấy cho những thứ này đến nàng, nhưng khi nàng chạm vào chúng chừng nào thì chúng lại trở thành phẩn và nước tiểu, máu và mủ, và những đĩa sắt nóng đỏ. Khi trông thấy cảnh này, đầy xúc động, vị Tỳ khưu bèn hỏi vị chư Thiên ấy bằng hai câu kệ này:
1. Nàng ấy ăn phẩn và nước tiểu, máu và mủ. Đây là kết quả của nghiệp gì, nghiệp gì mà người đàn bà đã làm khiến cho nàng luôn luôn ăn máu và mủ?
2. Những y phục mới, đẹp, mềm, sạch và như lông tơ, khi được cho đến nàng lại trở thành như những tấm kim loại; người đàn bà này đã làm nghiệp gì?
1. Nàng ta ăn toàn phẩn,
Nước tiểu, mủ và máu-
Ðây là quả nghiệp nào?
Nghiệp gì nàng đã làm
Khiến nàng luôn luôn ăn
Những khối máu và mủ;
2. Những y phục mới mẻ,
Xinh đẹp và mềm mại,
Sạch bóng và như tơ
Nhưng khi cho đến nàng
Thì như những tấm sắt-
Người đàn bà này đã
Làm những ác nghiệp nào?
Khi được hỏi như vậy bởi vị Tỳ khưu, vị thọ thần bèn nói hai câu kệ để giải thích nghiệp mà nàng đã làm trong quá khứ:
3. Nàng là vợ của tôi, thưa Ngài, không có lòng nhân từ, hà tiện và keo kiệt; khi tôi cho đến các vị Sa-môn và các Bà-la-môn, thì nàng lăng mạ tôi và chửi mắng tôi, nói là,
4. "Phẩn và nước tiểu, máu và mủ - cầu cho ông luôn luôn ăn cái gì là bất tịnh! cầu cho điều này hãy là số phần định sẵn cho ông trong kiếp sau và cầu cho những y phục của ông trở thành những tấm sắt!" Sau khi đã có ác hạnh như thế, nàng đã đến đây để phải ăn những thứ nhơ uế trong một thời gian dài.
3. Nàng là vợ của tôi,
Bất nhân và keo kiệt,
Khi tôi cúng dường đến
Những Sa-môn, bàn môn,
Bà ta lăng mạ tôi,
Bà ta chửi mắng tôi:
4. Phẩn nhơ và nước tiểu
Cùng với máu và mủ-
Cầu cho ông luôn luôn
Ăn cái gì nhơ uế,
Cầu cho điều này hãy
Là số phận của ông
Ở trong kiếp sống sau;
Và áo quần của ông,
Hãy thành những tấm sắt!"
Khi có ác hạnh ấy,
Bà ta đã đến đây
Ðể phải ăn đồ nhơ
Trong một thời gian dài.
Khi đã kể lại như vậy về nghiệp mà nàng đã làm trong quá khứ, sau đó vị chư Thiên lại nói với vị Tỳ khưu rằng, "Bạch Ðại Ðức, có cách nào để nàng thoát khỏi cảnh Ngạ quỷ này không?" Khi vị Tỳ khưu nói rằng có, thì vị ấy nói rằng, "bạch Ðại Ðức, xin hãy nói cho con biết điều ấy." "Nếu những vật thí được cho đến một vị Tỳ khưu hay một người trong chư Thánh tăng của Ðức Thế Tôn và rồi hồi hướng đến nàng và Ngạ quỷ bày tỏ sự tùy hỷ của nàng, thời như vậy sẽ có sự giải thoát dành cho nàng khỏi cảnh khốn cùng ở đây". Khi đã nghe qua điều này, vị chư Thiên bèn cúng dường đến vị Tỳ khưu đồ ăn và thức uống thượng vị, và hồi hướng phước thí ấy đến nữ Ngạ quỷ. Và ngay tức thì nữ Ngạ quỷ ấy trở nên tươi sáng trở lại và làm thoả mãn các căn của nàng và được thoả mãn bởi vật thực chư Thiên. Rồi vị chư Thiên ấy lại cúng dường vào tay của vị Tỳ khưu ấy một cặp y của chư Thiên đặc biệt dành cho Ðức Thế Tôn và hồi hướng phước thí ấy đến nữ Ngạ quỷ. Ngay tức thì nàng được mặc y phục của chư Thiên và được trang sức bằng những vật trang sức của chư Thiên và, có đầy đủ tất cả những gì mà nàng muốn, nàng giống như một tiên nữ, còn vị Tỳ khưu ấy thì đi đến Sāvathi trong chính ngày hôm ấy bằng năng lực thần thông của vị chư Thiên ấy. Vị ấy đi vào Jetavana, đi đến trước mặt Ðức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và rồi cúng dường đến Ngài cặp y. Rồi vị ấy nêu lên vấn đề ấy với Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn lấy vấn đề ấy làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết giảng chánh pháp đến hội chúng đã tụ họp ở đó. Thời pháp ấy đem lại lợi ích cho những người ấy.
*
I.10. NGỐC ÐẦU QUỶ SỰ (KHALLĀTIYA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)
"Ngươi là ai mà ở bên trong cung điện của ngươi?"
Pháp thoại này được Bậc Ðạo sư thuyết giảng trong khi Ngài đang ngu ở Sāvatthi, liên quan đến một Ngạ quỷ nọ có đầu hói.
Tương truyền rằng, cách đây đã lâu, tại Ba-la-nại có một cô gái điếm nọ trông rất xinh đẹp và diễm lệ, duyên dáng và có nước da hấp dẫn tuyệt vời, và có những bím tóc quyến rũ lạ kỳ. Tóc đen dài của nàng mềm mại, mịn mượt và xoắn cong ở đuôi. Nó được buộc thành hai chùm, và khi được thả lỏng, những bím tóc thòng xuống đến thắt lưng của nàng. Khi trông thấy mái tóc xinh đẹp của nàng, hầu như tất cả những chàng trai đều say đắm yêu thương nàng. Vì không thể chịu đựng mái tóc xinh đẹp của nàng, một số phụ nữ, đầy lòng ganh tỵ, bàn tán với nhau và rồi mua chuột nàng tớ gái của nàng để cho nàng một liều thuốc độc, khiến cho tóc của nàng rơi rụng. Tương truyền rằng người hầu của nàng đã trộn chung thuốc rụng tóc với bột tắm và đưa nó cho nàng vào lúc nàng đang tắm gội ở sông Hằng. Nàng tẩm ướt tóc của nàng đến chân tóc và nhúng nó vào trong nước. Ngay khi nàng nhúng nó xuống nước thì tóc của nàng rụng ra ở chân tóc và cái đầu của nàng giống như một trái bầu đắng. Rồi hoàn toàn bị hết tóc và xấu xí như con chim bồ câu có cái đầu bị nhổ sạch lông, do xấu hổ, không thể đi vào thành phố, nàng trùm một tấm khăn quanh đầu của nàng và làm chỗ ngụ của nàng tại một chỗ nọ ở thành phố. Sau một thời gian khoảng vài ngày, nàng hết thấy xấu hổ và nàng ép một số mè và kiếm sống bằng nghề buôn dầu và rượu. Một hôm, khi hai hoặc ba người say rượu đã ngủ mê, nàng đánh cắp y phục của họ mà đang treo thòng. Rồi một ngày nọ, nàng trông thấy một vị Trưởng lão đã đoạn trừ các lậu hoặc đang đi khất thực; với lòng tịnh tín trong tâm, nàng dẫn Ngài về nhà của nàng, mời Ngài ngồi trên chỗ ngồi đã được soạn sẵn và rồi dâng đến Ngài cái bánh dầu được làm bằng mè xay và được nhúng trong dầu. Trưởng lão, vì lòng bi mẫn đối với nàng, bèn thọ lãnh và ăn cái bánh ấy trong khi nàng đứng với lòng sùng đạo tín thành, đang cầm cái dù che cho Trưởng lão. Trưởng lão bày tỏ sự tùy hỷ của Ngài khiến cho tâm của nàng hoan hỷ và Ngài ra đi. Ngay khi Trưởng lão tỏ sự tùy hỷ của Ngài thì người con gái kia phát nguyện rằng, "Cầu xin cho tóc của con được dài, mềm mại, mượt mà, mịn và xoắn ở đuôi tóc". Ðến đúng thời kỳ, nàng chết, và do kết quả của những việc phước và tội của nàng, nàng sanh một mình trong cung điện bằng vàng ở giữa Ðại dương. Tóc của nàng trải ra y như nàng đã ước nguyện, nhưng nàng bị trần truồng vì đã ăn cắp những áo quần của người đàn ông. Nàng đã sanh nhiều lần trong cung điện bằng vàng ấy, và trần truồng, nàng trải qua một trung gian Phật thời tại đó. Rồi khi Ðức Thế Tôn của chúng ta đã sanh lên trong thế gian và lăn bánh xe diệu pháp, và đến đúng thời kỳ đang trú ngụ tại Sāvatthi, có đến nhiều trăm thương nhân, là những dân cư của thành Sāvatthi, khởi sự lên đường xuyên qua đại dương hướng đến Suvaṇṇabhūmi. Chiếc thuyền mà họ đã bước vào bị tròng trành do bởi sức của những cơn gió mạnh, trôi dạt bồng bềnh đến tại chỗ ấy; Nhân đó, Thiên cung nữ quỷ hiện ra hình tướng của nàng và thiên cung của nàng cũng hiện ra trước mặt họ. Khi trông thấy nàng, vị thương nhân Trưởng đoàn đọc lên câu kệ này để dò hỏi:
1. "Nàng là ai mà cứ ở trong cung điện của nàng, không đi ra ngoài? Hãy ra ngoài, hỡi nàng, hãy cho chúng ta thấy rõ hơn khi nàng đang đứng ở bên ngoài".
Ô kìa nàng là ai
Mà ở mãi trong cung điện,
Không bước ra bên ngoài?
Hãy ra ngoài, hỡi nàng,
Ðể chúng ta thấy nàng
Khi đang đứng bên ngoài
Rồi nàng đọc lên câu kệ này để giải thích sự bất lực của nàng là không thể ra ngoài được:
2. "Bị trần truồng, tôi cũng khổ tâm và lúng túng, không thể ra ngoài được;
Tôi chỉ được che phủ bằng tóc của tôi mà thôi - Là kết quả của một ít phước mà tôi đã làm".
Thân thể bị loã lồ,
Tôi cũng khổ lúng túng,
Không thể ra ngoài được;
Tôi chỉ được che phủ
Bằng tóc của tôi thôi
Là do chút ít phước
Mà tôi đã gieo tạo.
Rồi vị thương nhân, khi muốn cho nàng chiếc áo của ông ta, bèn nói lên câu kệ này:
3. "Ðây này, tôi sẽ cho nàng chiếc áo khoác của tôi - Hãy mặc vào chiếc áo này. Khi nàng đã mặc vào chiếc áo này rồi, thời hãy đi ra, hỡi người đẹp của ta. Hãy đi ra, này cưng, hãy cho chúng ta trông thấy nàng khi đang đứng ở bên ngoài";
Ta sẽ cho đến nàng
Chiếc áo khoác của ta.
Khi nàng đã mặc vào
Chiếc áo khoác này rồi,
Thời hãy bước ra ngoài,
Hỡi người đẹp của ta,
Hãy ra này em yêu
Khi đang đứng bên ngoài
Hãy cho ta thấy nàng.
Khi nói vậy, vị ấy trao cho nàng chiếc áo khoác của mình. Nàng bèn nói lên hai câu kệ để cho thấy rằng: cái mà được cho theo cách ấy không đem lại lợi ích cho nàng, và cách mà những vật được cho sẽ đem lại lợi ích cho nàng:
4. "Cái gì được cho ra từ tay của người vào trong tay của tôi thì không đem lại lợi ích cho tôi. Nhưng người thiện nam ở đây có lòng tịnh tín và là một vị Thinh văn đệ tử của Ðức Phật Toàn Giác
5. Khi đã mặc vào cho vị ấy, hãy hồi hướng phước thí ấy đến cho tôi, thời tôi sẽ được hạnh phúc và có đầy đủ tất cả điều gì mà tôi ưa thích".
4. Cái gì được cho ra
Từ trong tay của Người,
Vào trong tay của tôi,
Thì chẳng lợi ích gì
Ðến cho tôi chút nào,
Nhưng vị thiện nam này
Ở đây có đức tin
Là thinh văn đệ tử
Của Ðức Phật Toàn Giác;
5. Khi đã mặc y phục
Vào người của vị ấy,
Hãy cho phước đến tôi,
Thời tôi sẽ hạnh phúc.
Và có đủ tất cả
Ðiều gì tôi mong muốn.
Khi nghe qua điều này, những vị thương nhân tắm và thoa dầu cho vị thiện nam và rồi mặc vào cho vị ấy một cặp y phục. Những người kiết tập Tam tạng nói những câu kệ này để làm sáng tỏ điều này:
6. Những vị thương nhân ấy tắm và thoa dầu cho vị ấy và mặc vào cho vị ấy những y phục, và rồi hồi hướng phước thí đến cho nàng.
7. Ngay khi họ hồi hướng phước thí này thì kết quả hiện ra: vật thực, y phục và thức uống, là quả của phước thí này.
8. Nhân đó, nàng trở nên thanh tịnh, được mặc vào y phục sạch sẽ và tươi sáng, mặc những y phục mịn hơn những y phục bằng vải Kāsi, rồi rời khỏi cung điện của nàng, mỉm cười (để cho thấy rằng) "đây là kết quả phước thí của người".
6. Những thương nhân ấy tắm,
Thoa dầu cho vị ấy
Và khoác những y phục
Vào người của vị ấy,
Rồi cho phước đến Nàng.
7. Ngay khi họ hồi hướng,
Thì kết quả hiện ra:
Là vật thực, y phục
Và thức uống, là quả
Của sự bố thí này.
8. Nhờ đó nàng thanh tịnh,
Ðược mặc những y phục
Tươi sáng và sạch sẽ,
Lại mang những tấm vải
Mịn hơn của Kaasi;
Và rời khỏi cung điện,
Mỉm cười để cho biết
"Ðây là quả phước thí
Của người cho đến tôi".
Khi chính các vị thương nhân đã trông thấy như vậy quả của việc phước của họ, thì tâm của họ đầy ngạc nhiên và họ có đầy lòng kính trọng đối với vị thiện nam, tôn kính vị ấy bằng sự chắp tay tác lễ. Vị ấy lại còn làm cho họ tín thành nhiều hơn bằng một thời pháp thoại và an trú họ trong tam quy và ngũ giới. Họ hỏi nàng Vimānapetī về nghiệp mà nàng đã làm, bằng câu kệ này:
9. "Cung điện nguy nga, rực rỡ của nàng đang chiếu sáng; Này tiên nữ, chúng ta yêu cầu nàng hãy cho chúng ta biết rằng đây là quả của nghiệp gì".
9. Cung điện đầy hoa mỹ
Và nguy nga của nàng
Ðang chiếu sáng rực rỡ;
Này hỡi nàng tiên nữ,
Hãy cho chúng ta biết,
Ðây là quả nghiệp nào.
Khi được hỏi như vậy bởi họ, nàng bèn nói lên những câu kệ này để báo cho họ biết rằng cung điện ấy là kết quả của nghiệp thiện nhỏ mà nàng đã làm; tuy nhiên, trong tương lai sẽ có quả nghiệp bất thiện như nghiệp được thấy trong địa Ngục.
10. Ðến một vị Sa-môn du phương, chánh trực, tôi, với tâm tịnh tín, đã cúng dường cái bánh dầu.
11. Do kết quả của nghiệp thiện ấy, tôi đã vui hưởng khoái lạc trong một thời gian dài trong cung điện này, còn bây giờ chỉ có chút ít.
12. Sau bốn tháng, cái chết sẽ đến và tôi sẽ rơi xuống địa ngục vô cùng kinh khủng và đau đớn.
13. Có bốn góc với bốn cổng, nó được chia thành những phần bằng nhau, được bao quanh bởi bức tường sắt và có mái bằng sắt ở bên trên.
14. Cái nền nóng sáng của nó được làm bằng sắt cháy đỏ, nó trải rộng khắp quanh một trăm do tuần, đứng mãi mãi.
15. Tôi sẽ trải qua những cảm thọ đau đớn ở đó trong một thời gian dài, do quả của ác nghiệp của tôi, vì lý do này tôi vô cùng sầu khổ.
Khi nàng đã cho biết như vậy về quả nghiệp của nàng và kiếp sống tương lai của nàng trong đại ngục, thì tâm của người Thiện nam ấy bị xúc động bởi lòng bi mẫn và, khi nghĩ rằng vị ấy có thể làm phương tiện để nâng đỡ nàng, bèn nói rằng, "bằng chỉ một vật thí đến tôi, hỡi tiên nữ, nàng đã có đủ tất cả những gì nàng muốn và tiếp xúc với sự thù thắng cao cả này. Nếu bây giờ nàng cho ra vật thí đến những Thiện nam này và tưởng niệm những ân đức của Bậc Ðạo sư, thời nàng sẽ khỏi phải tái sanh trong địa ngục". Nàng Petī vô cùng sung sướng và nói rằng, 'tốt lắm', và làm thoả mãn họ bằng đồ ăn và thức uống của chư Thiên, cho họ những y phục và châu báu đủ loại của chư Thiên. Rồi nàng trao vào tay của họ một cặp y phục của chư Thiên, đặc biệt dành cho Ðức Thế Tôn và gởi lời chào hỏi này:
"Khi các người đã đi đến Sāvatthi, hãy đảnh lễ Ðức Thế Tôn với lời nhắn gởi này của tôi: "Bạch Ðức Thế Tôn, một vị Vimānapetī nọ xin đảnh lễ Ðức Thế Tôn với đầu của nàng dưới chân của Ngài". Nàng đưa chiếc thuyền của họ đến cảng mà họ muốn đến trong cùng ngày ấy, bằng năng lực thần thông và oai lực của nàng. Bấy giờ, những thương nhân ấy đi đến Sāvatthi từ cảng ấy đến đúng lúc và đi vào Jetavana . Họ dâng đến Bậc Ðạo sư một cặp y phục, và khi họ đã khuyển lời chào hỏi của nàng, họ nêu lên toàn thể vấn đề ấy ngay từ đầu. Bậc Ðạo sư lấy vấn đề ấy làm nguyên nhân cần thiết và thuyết pháp đầy đủ chi tiết cho hội chúng đã hội họp đầy đủ ở đó. Thời pháp ấy đem lại lợi ích cho hội chúng ở đó. Vào ngày hôm sau, những Thiện nam ấy tổ chức một cuộc Bố thí vật thực lớn đến Chư Tăng có Ðức Phật dẫn đầu và hồi hướng phước thí đến cho nàng. Khi nàng rời khỏi cõi Ngạ quỷ, nàng sanh vào trong một cung điện bằng vàng trong cõi trời ba mươi ba, rực rỡ với nhiều loại châu báu, và có một đoàn tùy tùng gồm một ngàn tiên nữ.
*
I.11 TƯỢNG QUỶ SỰ (NĀGA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)
"Người đi ở trước trên một con voi trắng."
Pháp thoại này được bậc Ðạo sư thuyết giảng trong khi Ngài đang ngự ở Jetavana, liên quan đến hai Ngạ quỷ mà đã từng là những vị Bà-la-môn.
Tương truyền rằng, vị Ðại Ðức bảy tuổi Saṃkicca đã chứng đắc đạo quả A-la-hán trong khi vẫn còn ở trong nhà cạo tóc và đang sống như một vị Sa di với ba mươi vị Tỳ khưu trong một khu rừng. Sau khi vị ấy đã bảo vệ các vị Tỳ khưu ấy thoát khỏi cái chết gần kề từ tay của năm trăm tên cướp và đã thuần phục những tên cướp, truyền phép xuất gia cho chúng, vị ấy đi đến trước mặt Bậc Ðạo sư.
Bậc Ðạo sư thuyết pháp đến các Tỳ khưu và vào lúc kết thúc thời pháp ấy, họ chứng đắc đạo quả A-la-hán. Rồi khi Ðại Ðức Saṃkicca đã đủ tuổi và đã thọ cụ túc, vị ấy đi đến Ba-la-nại với năm trăm vị Tỳ khưu và trú ngụ ở Isipatana. Dân chúng đi đến trước mặt Trưởng lão để nghe pháp, và tự sắp thành những nhóm dọc theo những con đường, bố thí những vật thực đến những người mới đến. Một vị thiện nam nọ ở đó ra sức thuyết phục mọi người cung cấp thường xuyên vật thực, và họ cung cấp vật thực thường xuyên này theo khả năng của họ.
Bấy giờ tại Ba-la-nại có một vị Bà-la-môn có tà kiến, có hai đứa con trai và một đứa một đứa con gái. Ðứa con trai lớn trong ba đứa này là một người bạn của vị thiện nam ấy. Vị ấy dẫn anh ta đến trước mặt Ðại Ðức Saṃkicca, và Ðại Ðức Saṃkicca thuyết pháp cho anh ta, nhờ đó tâm của anh ta trở nên mềm mại; Rồi vị thiện nam nói với anh ta rằng, "bạn nên bố thí vật thực thường xuyên đến một vị Tỳ khưu". "Tục lệ dành cho những vị Bà-la-môn là không cho vật thực thường xuyên đến những vị Sa-môn nào trong những con trai của dòng thích ca, bởi vậy tôi sẽ không cho đâu". "Ngay cả tôi ông cũng không cho vật thực sao? Vị ấy hỏi. "Làm sao tôi không thể cho nó được", anh ta đáp lại. "Trong trường hợp ấy, hãy cho đến một vị Tỳ khưu cái gì mà anh định cho đến tôi". "Tốt lắm", Anh ta đồng ý và vào ngày hôm sau, trong khi trời vẫn còn rất sớm, anh ta đi đến tịnh xá, kiếm về một vị Tỳ khưu và cúng dường vật thực đến vị ấy. Trải qua một thời gian như thế, người em trai và em gái trông thấy những hạnh kiểm của Tỳ khưu và nghe pháp và, khi tìm thấy đức tin trong giáo pháp, lấy làm thoả mãn trong những việc phước. Như vậy ba người này, khi cúng dường vật thực theo khả năng của họ, tôn kính, sùng mộ, và tôn trọng các vị Tỳ khưu, và tôn trọng các vị Bà-la-môn trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ của họ chẳng có niềm tin, cũng chẳng có tâm đạo, không có lòng tôn kính đến các vị Sa-môn và Bà-la-môn, và không quan tâm đến sự thực hành những việc phước. Những quyến thuộc yêu cầu rằng, đứa con gái trẻ của họ nên gả cho người bà con bên mẹ của nàng. Nhưng người ấy nghe pháp trước mặt Ðại Ðức Saṃkicca, và đầy xúc động, thường xuyên mang bát đến nhà của mẹ để ăn cơm. Mẹ của vị ấy ra sức dụ dỗ vị ấy lấy người em gái bà con bên mẹ. Do bởi điều này, vị ấy trở nên bất mãn và đi đến ông thầy của vị ấy và nói rằng, "Bạch Ngài, con muốn hoàn tục, xin hãy chấp thuận cho con". Thầy hoà thượng của vị ấy, khi thấy rằng vị ấy có khả năng để trở thành một vị saavaka, bèn nói rằng, "Hãy đợi chỉ trong một tháng thôi, này ông Sa di". "Lành thay", vị ấy đồng ý và, khi một tháng đã trôi qua, vị ấy lại nói với thầy hoà Thượng theo cùng cách ấy. Thầy hoà thượng lại nói rằng: "Hãy đợi thêm nửa tháng nữa" khi nửa tháng đã trôi qua và ông thầy Hoà thượng lại được nói như vậy, và vị ấy nói rằng, "hãy chờ một tuần". "Lành thay", người kia đồng ý. Trong một tuần ấy nhà của người cô của vị Sa di bị sập vì cái mái hư của nó và những bức vách cũ kỹ yếu ớt của nó bị gió và mưa thổi vào, và Vị Bà-la-môn cùng vợ của ông ta, hai đứa con trai và con gái của họ bị chết khi bị nhà sập đè xuống. Trong những người này, vị Bà-la-môn và vợ của ông ta sanh trong cõi Ngạ quỷ, trong khi hai đứa con trai và con gái của họ sanh trong cõi chư Thiên địa cầu. Trong những vị chư Thiên này, đứa con trai lớn sanh ra cỡi trên một con voi, đứa em trai thì sanh ra trong một chiếc xe được kéo bởi một con lừa và đứa em gái thì ở trong một cái kiệu bằng vàng. Vị Bà-la-môn và vợ ông ta, mỗi người cầm những cái búa tạ bằng sắt khổng lồ và đánh vào nhau, và những vết sưng phồng, mỗi vết bằng cái lu nước khổng lồ lại sanh lên ở những chỗ mà họ bị đánh, lâm vào cơn khủng hoãn trong một tình trạng nghi nghi hoặc hoặc và rồi thình lình hiện ra. Họ lại làm vỡ những vết bầm của nhau, giận dữ và nguyền rủa lẫn nhau bằng những lời thô lỗ, uống máu và mủ, tuy nhiên vẫn không thấy thoả mãn.
Rồi vị Sa di vẫn bị chế ngự bởi lòng bất mãn, đi đến thầy hoà Thượng của vị ấy và nói rằng, "Bạch Ngài, con đã đợi sự đồng ý trong nhiều ngày; Nay con muốn về nhà, xin ngài hãy đồng ý cho con". Rồi thầy Hoà Thượng của vị ấy nói rằng, "Hãy đến đây vào lúc mặt trời lặn, khi đến ngày thứ mười bốn của tháng hạ huyền", và đi đến đứng một lát ở đằng sau của tịnh xá Isipatana. Lúc bấy giờ hai vị chư Thiên ấy đang đi, cùng với đứa em gái của họ, dọc theo cùng con đường ấy, để tham dự vào cuộc họp của dạ xoa. Mẹ và cha của họ đã theo họ với những cây gậy trong tay và với những lời nói thô lỗ. Họ có tướng mạo tối đen, bị đè nặng bởi những mớ tóc rối bù gớm guốc và tung bay, và giống như những thân cây thốt nốt bị đốt cháy do bị tia chớp giáng xuống. Họ bị chảy máu, mủ nhỏ giọt và thân của họ nhăn nheo, trông họ như một cảnh tượng gớm guốc và ghê rợn. Rồi Ðại Ðức Sa.mkicca thị hiện thần thông để vị Sa di có thể trông thấy tất cả họ đang đi và, khi vị ấy đã làm như thế bèn nói rằng, "Này ông Sa di, ngươi có trông thấy họ đang đi không?" "Thưa vâng, bạch Ngài, con trông thấy họ". "Thôi được, hãy hỏi họ về những nghiệp mà họ đã làm". Vị ấy lần lượt hỏi những người đang đi như thế, bắt đầu từ người đang cỡi trên con voi. "Ngài nên hỏi những Ngạ quỷ đang đi theo ở đằng sau", họ nói. Và vị Sa di nói với những Ngạ quỷ bằng những câu kệ này:
1. Người đi trước trên một con voi trắng, tuy nhiên người đi giữa thì ở trong một chiếc xe được kéo bởi một con lừa, ở đằng sau là một thiếu nữ được khiêng đi trong một chiếc kiệu bằng vàng, hoàn toàn chiếu sáng cả trong mười phương.
2. Nhưng các người, với cái búa tạ trong tay, với những khuôn mặt đầy nước mắt và thân bị nứt nẻ và xây sát, ác nghiệp nào các ngươi đã làm trong khi các ngươi còn ở trong cõi người, mà do đó các ngươi phải uống máu lẫn nhau?
Chú giải:
1. Ở đây, chữ Ở TRƯỚC (Purato): ở trước tất cả. Trắng (Setena): Có màu sắc nhạt. NGƯỜI ÐI TỚI (Paleti): Người đi. TUY NHIÊN Ở GIỮA (Majjhe pana): ở giữa là người cỡi trên con voi và người trong chiếc kiệu. TRONG CHIẾC XE ÐƯỢC KÉO BỞI CON LỪA (assatarīrathena): Người đi bằng chiếc xe được thắng ách bằng những con lừa cái. - Ðây là cách nên được hiểu. ÐƯỢC DẪN ÐI (Nīyati): được chở đi. HOÀN TOÀN RỰC SÁNG TRONG MƯỜI PHƯƠNG (obhāsayantī dasa sabbato disā): Chiếu sáng ra trong khắp cả mười phương với hào quang từ thân của nàng, từ y phục và những nữ trang của nàng v.v... VỚI THÂN THỂ BỊ NỨT NẺ VÀ XÂY XÁT (Bhinna-pabhinnagattā): với những tấm thân bị nứt nẻ và xây xát khắp cả bởi những nhát búa đánh vào.
Khi được hỏi như vậy bởi vị Sa di, những Ngạ quỷ đáp lại bằng bốn câu kệ, để kể lại toàn thể câu chuyện:
3. "Người mà đi trước trên một con voi, trên con bạch trượng có bốn chân, người ấy là đứa con trai của chúng tôi. Sau khi đã bố thí vật thực, bây giờ vị ấy được hạnh phúc và vui sướng.
4. Người mà đi ở giữa trong một chiếc xe được kéo bởi lừa có thắng bốn ách, đang phi nước đại, vị ấy là đứa con trai thứ hai của chúng tôi. Là người không bỏn xẻn và là bậc thầy trong việc thực hành bố thí, bây giờ vị ấy chiếu sáng rực rỡ.
5. Cô gái ở đằng sau được khiêng đi trong một chiếc kiệu, cô thiếu nữ với đôi mắt dịu dàng của con nai, nàng là con gái của chúng tôi và là đứa sanh chót. Nhờ đã làm thoả mãn bởi nửa phần ăn của nàng, bây giờ nàng hạnh phúc và vui sướng.
6. Như vậy trong quá khứ, họ đã cúng dường vật thực, với lòng tịnh tín trong tâm của họ, đến các vị Sa-môn và Bà là môn. Tuy nhiên, chúng tôi thì ích kỷ và hay lăng mạ các vị Sa-môn và Bà-la-môn. Họ đã bố thí và bây giờ làm hài lòng chính họ, trong khi chúng con thì bị héo úa như cây sậy bị đốn ngã.
Chú giải:
3. Ở đây, NGƯỜI MÀ ÐI Ở ÐÀNG TRƯỚC (Pu rato' vu yo gacchati): người đi ở đằng trước của những người đang lũ lượt đi. TRÊN MỘT CON VOI (Kuṇarena): trên một con voi (Hatthinā), mà đã có nói trên tên là (Kuñjara) bởi vì nó mang đến địa hình, quả đất, sẽ tiêu diệt (Cīrayati), hay thay vào đó vì nó ở trong những thung lũng (Kuñjesu) nên nó vui sướng, (Ramati) nên nó đi rảo quanh. TRÊN MỘT CON VOI (Nāgena): con voi ấy, con (Nāga) mà không có chỗ nào có thể đến gần nó được và đối với nó không có điều gì mà nó không thể chinh phục được. BỐN CHÂN (Catukkamena): Có bốn chân cả thảy. NGƯỜI CÓ TRƯỚC (Getthako): Người sanh trước.
4. CÓ BỐN CÁI ÁCH (Catubbhī): được thắng ách bởi bốn con lừa cái. PHI NƯỚC ÐẠI (Suvaggitena): di chuyển đẹp mắt, di chuyển nhanh chóng.
5. VỚI ÐÔI MẮT DỊU DÀNG CỦA MỘT CON NAI (Migamandalocanā): mắt nhìn ra một cách dịu dàng như đôi mắt của con nai cái, BẰNG NỬA PHẦN ĂN CỦA NÀNG: Bhāgaḍḍhabhāgena = bhāgassa aḍḍhabhāgena (cách nối kết): lý do là nàng đã cho đi nửa phần ăn đã nhận lãnh cho chính nàng. HẠNH PHÚC: (Sukhī = Sukhinī): điều này được nêu ra ở đây có sự méo mó về giới tính.
6. HAY CHỬI MẮNG (paribhāsakā) hay lăng mạ. BÂY GIỜ CHÚNG TỰ LÀM HÀI LÒNG (paricārayanti) Chúng làm thoả mãn các căn của chúng theo ý thích, bất cứ chỗ nào chúng muốn, bằng những dục lạc của chư Thiên, hay chúng vui chơi (Paricariyaṃ kārenti) với những tùy tùng của chúng do bởi quả thù thắng về những thiện nghiệp của chúng. TRONG KHI CHÚNG TÔI THÌ BỊ HÉO ÚA NHƯ CÂY SẬY BỊ ÐỐN HẠ (Mayañca sussāma naḷo va chinno): nhưng chúng tôi thì tàn tạ như cây sậy đã bị đốn hạ và bị đặt xuống trong ánh nắng của mặt trời, chúng tôi bị thiêu đốt và bị khô héo bởi cơn đói và khát, do bởi những cú đánh nhừ tử (mà chúng tôi nhận lãnh của nhau).
Khi họ đã làm sáng tỏ những ác nghiệp của họ như vậy, sau đó họ nói cho vị ấy biết rằng họ là dì và dượng của vị Sa di ấy. Khi nghe qua điều này, đầy xúc động, vị sa di bèn thốt lên câu kệ này để hỏi cách làm sao vật thực có thể được làm để có thể dùng được đối với những người làm ác:
7. Vật thực của các người là gì? Giường ngủ của người như thế nào? Các người tự nuôi sống bằng cách nào, các người là người có tánh rất ác, dầu sống giữa nhiều của cải, lại bỏ qua cơ hội hạnh phúc của các ngươi, và ngày hôm nay phải đi đến chỗ đau đớn?
Chú giải:
7. Ở đây, VẬT THỰC CỦA CÁC NGƯỜI LÀ GÌ? (Kim tumhākaṃ bhojanaṃ): vật thực của các người thuộc loại nào? GIƯỜNG NGỦ CỦA CÁC NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO? (Kiṃ sāyānaṃ): giường ngủ của các ngươi thuộc loại nào? một số người đọc là: sự ngủ nghỉ của các người như thế nào? (Kiṃ sāyānaṃ): loại giấc ngủ nào của các ngươi, nghĩa là các ngươi ngủ bằng loại giường nào? CÁC NGƯƠI TỰ NUÔI SỐNG BẰNG CÁCH NÀO? (Kathaṃ su yāpetha): các ngươi tự nuôi sống bằng cách nào? CÁC NGƯƠI LÀ NHỮNG NGƯỜI CÓ TÁNH RẤT ÁC (Supāpadhammino): Các ngươi là những người có tánh ác vô cùng. DẦU SỐNG GIỮA NHIỀU CỦA CẢI (Pahūtabhogesu): Dầu sống trong nhiều của cải. Dầu ở trong vô số của cải.
Khi được hỏi như vậy bởi vị Sa di, những Ngạ quỷ ấy nói lên những câu kệ này để trả lời những vấn đề mà vị ấy hỏi về:
8. "Khi chúng tôi đã đánh nhau rồi, thì chúng tôi sẽ uống máu và mủ; chúng tôi uống nhiều nhưng chúng tôi không được no đủ, chúng tôi không được hài lòng.
9. Thực ra, những kẻ phàm phu không có lòng bố thí cũng ta thán sau khi chết- chúng trở thành những tội đồ của Yama (Diêm Vương); những người mà đã biết và đã dành được của cải rồi, nhưng lại không sử dụng nó, thậm chí cũng không làm những việc phước.
10. Về sau những người này chịu đói và khát; những Ngạ quỷ ấy cháy nóng, bị thiêu đốt trong một thời gian dài. Sau khi đã tạo những nghiệp dẫn đến quả đau khổ, quả cay đắng, chúng chịu đau khổ".
11. Quả thật vậy, những của cải và những ngũ cốc tồn tại thật ngắn ngủi và đời sống của người ta ở đây cũng trôi qua nhanh; khi biết những pháp có tánh chất thay đổi là vô thường, Bậc Trí Tuệ nên tạo ra một chỗ nương tựa.
12. Những người mà hiểu được điều này là những người thông hiểu giáo pháp; khi đã nghe những lời vàng ngọc của các vị A-la-hán, họ không coi thường việc bố thí vật thực.
Chú giải:
8. Ở đây, CHÚNG TÔI KHÔNG ÐƯỢC NUÔI DƯỠNG (Na dhātā homa): Chúng tôi không được nuôi dưỡng, không được thoả mãn, không vừa lòng. KHÔNG ÐƯỢC THÍCH THÚ: Naruccādimhase = Na ruccāma (hình thức văn phạm chuyển đổi); Chúng tôi không có được sự an lạc, nghĩa là chúng tôi không uống nó cho thoả thích.
9. BỞI VẬY, THỰC RA (icc'eva) bằng chính cách này. NHỮNG KẺ PHẢI CHẾT CŨNG TA THÁN (Maccā paridevayanti): Những người khác cũng vậy, là những người, như chúng tôi, cũng đã làm những điều bất chánh, cũng ta thán và kêu gào. KHÔNG CÓ LÒNG BỐ THÍ (Adāyakā): ích kỷ, không có đức quảng đại. CHÚNG TRỞ THÀNH NHỮNG THẦN DÂN CỦA Yama (Yamassa ṭhāyino): Bản tánh của chúng là phải ở trong cõi Ngạ quỷ, chỗ ngụ của Yama (Diêm Vương), được mệnh danh là cõi của Yama. NHỮNG NGƯỜI MÀ ÐÃ BIẾT VÀ ÐÃ CÓ ÐƯỢC CỦA CẢI (Ye te viditvā adhigaṃma bhoge): Những người đã biết và đã có của cải để đem lại hạnh phúc phi thường, cả bây giờ lẫn mai sau. NHƯNG LẠI KHÔNG DÙNG ÐẾN NÓ, THẬM CHÍ CŨNG KHÔNG LÀM NHỮNG VIỆC PHƯỚC (Na bhuñjare nā'pi'karontipuññaṃ): Nhưng là người, như chúng tôi, không tự mình dùng nó, thậm chí cũng không làm những việc phước về sự bố thí vật thực bằng cách cho đến những người khác.
10. VỀ SAU NHỮNG NGƯỜI NÀY CHỊU ÐÓI VÀ KHÁT (Te khuppipāsūpagatā parattha): những chúng sanh này bị chế ngự bởi sự muốn ăn và bởi sự khát về sau, ở cõi Ngạ quỷ, trong kiếp sau. NHỮNG NGẠ QUỶ ẤY NÓNG CHÁY, BỊ THIÊU ÐỐT TRONG MỘT THỜI GIAN DÀI (Ciraṃ jhāyare dayhamānā): Nghĩa là những Ngạ quỷ ấy, bị đốt cháy, chúng than khóc, bị thiêu đốt liên tục bởi ngọn lửa của lương tâm bất an, khi nghĩ rằng "than ôi! Chúng ta đã không làm những việc thiện, chúng ta chỉ làm những việc ác mà thôi" và bởi ngọn lửa đau khổ do bởi cơn đói của chúng gây ra. ÐEM LẠI ÐAU KHỔ (anubhonti duk-khaṃ katukapphalāni): Sau khi đã làm việc ác đem lại quả cay đắng, chúng chịu đau khổ, chúng chịu trạng thái đau khổ trong cõi khổ, trong một thời gian dài.
11. CÓ ÐỜI SỐNG NGẮN NGỦI (ittaraṃ): không tồn tại lâu, vô thường, chịu sự thay đổi; MẠNG SỐNG CỦA CON NGƯỜI TRÔI QUA NHANH Ở ÐÂY (itta-raṃ idha jīvitaṃ): Mạng sống của chúng sanh ở đây, trong cõi người này, đang trôi nhanh, Có hạn kỳ, ngắn ngủi. Vì lý do này mà Ðức Thế Tôn nói rằng. "Người mà sống lâu, chỉ sống một trăm năm hoặc lâu hơn một chút." KHI BIẾT CÁC PHÁP CÓ TÁNH CHẤT THAY ÐỔI LÀ VÔ THƯỜNG (Ittaraṃ ittaro ñātvā): Khi biết chắc bằng trí tuệ rằng, các pháp hữu vi như của cải và ngũ cốc v.v... Và mạng sống của con người là đang trôi nhanh, hữu hạn, ngắn ngủi, và không tồn tại lâu dài. NGƯỜI CÓ TRÍ TUỆ NÊN TẠO RA MỘT CHỖ NƯƠNG TỰA (dīpaṃ kariyātha paṇ-ḍito): Người có trí tuệ nên tạo ra một chỗ nương tựa, một chỗ chống đỡ, đó sẽ là nền tảng hạnh phúc và lợi ích trong đời sau.
12. NHỮNG NGƯỜI HIỂU BIẾT ÐIỀU NÀY (ye te evaṃ pa jānanti) những người mà thật sự giác ngộ tánh chất thay đổi của đời người và của cải, họ không nên dễ duôi trong việc bố thí luôn khi. KHI ÐÃ NGHE NHỮNG LỜI VÀNG CỦA CÁC BẬC A LA HÁN (Sutvā arahataṃ vaco): nghĩa là khi đã nghe những lời của các vị A-la-hán, của các bậc thánh nhân như chư Phật v.v... Phần còn lại quá rõ rồi.
Khi những Ngạ quỷ ấy đã giải thích những vấn đề mà chúng đã được hỏi bởi vị Sa di, chúng nói rằng. "Chúng tôi là dượng và dì của ngài". Khi vị ấy nghe qua điều này, vị Sa di đầy xúc động, di?t trừ tâm thối thất của vị ấy và gục đầu dưới chân thầy hoà thượng mà nói rằng, "Bạch Ngài, bất cứ lòng thương tưởng nào nên được cho đến do bởi lòng bi mẫn, đã được Ngài cho đến con, thì chắc chắn con được bảo vệ không bị rơi vào trong nỗi bất hạnh lớn. Bây giờ, con không còn thích thú trong đời sống gia đình và sẽ thấy vui thích trong đời sống phạm hạnh". Ðại đức Saṃkicca cho người đệ tử một đề mục thiền định thích hợp với tâm tánh của vị ấy. Nhờ chuyên tâm với đề mục thiền định ấy, không bao lâu vị Sa di chứng đắc Ðạo quả A-la-hán. Ðại đức Saṃkicca nêu lên vấn đề ấy với đức Thế Tôn. Bậc Ðạo sư lấy vấn đề ấy làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết giảng chánh pháp một cách tỉ mỉ đến hội chúng hội họp ở đó. Thời pháp ấy đem lại lợi ích cho những người hội họp ở đó.
*
I.12 XÀ QUỶ SỰ (URAGA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)
"Cũng như con rắn sau khi quăng bỏ cái vỏ cũ kỹ của nó"
Pháp thoại này được Bậc Ðạo sư thuyết giảng trong khi Ngài đang ngụ ở Jetavana, liên quan đến một thiện nam nọ.
Tương truyền rằng, tại Savatthi đứa con trai của một vị thiện nam nọ đã chết. Ðầy ưu bi, ông ta ta thán về cái chết của đứa con trai; Ông ta chỉ ở trong nhà, chẳng đi ra ngoài cũng không thể làm công việc gì. Rồi khi vào lúc hừng sáng, Bậc Ðạo sư đã xuất khỏi đại bi định và đang dò xét thế gian bằng Phật nhãn của Ngài, trông thấy vị thiện nam ấy. Ngài mặc y vào lúc sáng và khi mang y Tăng-già-lê và bát, đi đến đứng cửa nhà của ông ta. Khi vị thiện nam nghe tin Bậc Ðạo sư đã đến, ông ta vội vàng đứng dậy và đi ra đón Ngài. Ông ta lấy bát từ tay của Ngài, thỉnh Ngài vào nhà và dâng đến Ngài chỗ ngồi đã được soạn sẵn. Ðức Thế Tôn ngồi trên chỗ ngồi đã được soạn sẵn và vị thiện nam ngồi đảnh lễ Ðức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ðức Thế Tôn nói rằng: "Này ông thiện nam, tại sao ông trông có vẻ như người bị ưu bi vậy". "Thưa vâng, bạch Ðức Thế Tôn, đứa con trai yêu quý của con đã chết. Vì lý do này khiến con ưu bi", ông ta đáp lại. Rồi đức Thế Tôn thuyết giảng Xà Bổn sanh với mục đích diệt trừ nỗi ưu bi của ông ta.
Cách đây đã lâu, tại Ba-la-nại trong vương quốc Kāsi, có một gia đình của một Bà-la-môn nọ tên là Dhammapāla, tất cả những người trong gia đình gồm có: Vị Bà-la-môn, vợ của ông ta, đứa con trai và con gái của ông ta, nàng dâu và cô tớ gái. Tất cả đều có thói quen niệm về cái chết. Bất cứ khi nào có người nào trong bọn họ đi ra ngoài, thì người ấy khuyên những người còn lại trong gia đình và rồi ra đi mà không có sự vướng bận gì.
Rồi một ngày nọ, vị Bà-la-môn với đứa con trai của ông ta đi ra đồng để cày trong khi đứa con trai của ông ta châm lửa vào mớ củi và cỏ khô. Khi thấy đống lửa này, một con rắn đen rất độc, do sợ bị cháy, bèn rời khỏi bộng cây và cắn vào đứa con trai của ông Bà-la-môn. Cậu ta té xỉu, do hiệu lực của nọc độc, ngã xuống ngay tại đó và chết ngay sau đó, tái sanh làm Sakkha, vua của chư Thiên.
Khi vị Bà-la-môn trông thấy đứa con trai đã chết của ông ta, vị ấy nói với người đàn ông mà vị ấy trông thấy đang đi qua gần chỗ mà vị ấy đang làm việc: "Này ông, xin ông làm ơn đi về nhà của tôi và báo cho vợ của tôi biết rằng, bà ta nên tắm rửa và mặc y phục cho sạch sẽ, rồi đến đây với vật thực dành cho một người, và mang theo tràng hoa, vật thơm v.v..." Người đàn ông kia đi đến đó và báo cho bà biết tin, và những người trong gia đình đã làm như ông ta nói. Vị Bà-la-môn tắm, độ thực và sức dầu vào người và được vây quanh bởi những người hầu, ông ta đặt xác của đứa con trai trên giàn hoả và châm lửa vào đó, rồi đứng ở đó tựa như ông ta chỉ đốt một đống củi mà thôi, chẳng có ưu bi hay sầu khổ gì, chỉ bằng tâm chuyên chú vào ý nghĩ về vô thường.
Bấy giờ chính Bồ tát của chúng ta lúc bấy giờ là con trai của ông Bà-la-môn, đã sanh làm Sakkha. Khi vị ấy quán niệm về những việc phước mà vị ấy đã làm trong kiếp quá khứ của mình, vì cảm thấy thương hại cho người cha của mình và những quyên thuộc, bèn đi đến đó cải trang làm một vị Bà-la-môn.
Vì thấy quyến thuộc chẳng có người nào khóc than cho mình cả, vị ấy bèn nói rằng, "Này các người, các người đang nướng món thịt nai gì đấy. Xin làm ơn cho tôi một ít thịt nhé; Tôi đói bụng lắm..." "chẳng phải thịt nai nướng đâu, thưa ông Bà-la-môn, đó xác của một người đấy," ông ta đáp lại. "Có phải là kẻ thù của các người không?" "Người ấy không phải là kẻ thù của tôi mà là ruột thịt máu mủ của chính tôi, là đứa con trai còn trẻ có giơi đức của tôi". "Tại sao ông không khóc than khi đứa con trai còn trẻ có giới đức như vậy bị chết?" Khi nghe qua điều này, vị Bà-la-môn thốt lên hai câu kệ này để cho biết lý do khiến ông ta không khóc:
1. Như rắn bỏ đi lớp vỏ già nua của nó, là thân của nó, và rồi tiếp tục đi, vào lúc chết thì cái Peta, cái thân vô dụng của nó cũng vậy.
2. Cái mà đang cháy thì không hay biết những lời ta thán của những quyến thuộc. Do vậy tôi không khóc than cho nó; nó đã đi đến bất cứ chỗ nào gọi là định nghiệp của nó".
1. Như rắn lột bỏ vỏ già,
Vỏ ấy cũng ví như là xác thân,
Và rồi tiếp tục du phương
Lúc chết cũng vậy, nắm xương ích gì!"
2. Cái mà đang cháy hoại đi,
Thì không hay biết lời gì thở than.
Do vậy tôi chẳng kêu oan,
Khóc cho cái nắm tro tàn con tôi.
Nó đã đi khỏi đây rồi.
Ðến nơi đã định cho đời mai sau".
Khi vị Bà-la-môn đã cho thấy tánh thuần thục của mình trong việc chú tâm hoàn toàn về ý niệm vô thường như vậy, thì Sakkha, trong lốt một vị Bà-la-môn, nói với người vợ của vị Bà-la-môn rằng, "Thưa bà, người chết là gì đối với bà?" "Nó là đứa con trai đã lớn của tôi, thưa ông, là người mà tôi đã cưu mang trong mười tháng, cho bú mớm và dạy cho nó bò." "Cho dù cha của người ấy không khóc, chẳng qua là bản tánh của người đàn ông, chắc chắn tấm lòng của người mẹ thì mềm mỏng; Thế thì tại sao bà không khóc?"
Khi bà ta nghe qua điều này, bà ta bèn thốt lên hai câu kệ để cho biết lý do của bà ta tại sao không khóc:
3. "Nó đến từ đó cũng không có sự mời mọc và đi khỏi đây cũng chẳng có sự cho phép. Nó đến như thế nào thì nó đi cũng như thế. Trong những hoàn cảnh như vậy, ta thán có lợi ích gì?
4. Cái mà đang cháy thì không hay biết những lời ta thán của quyến thuộc, do vậy tôi không than khóc cho nó. Nó đã đi đến bất cứ chỗ nào đã định phần cho nó.
3. "Ðến đây chẳng được ai mời,
Ra đi chẳng được một lời thuận ưng.
Ðến đi bất định bất phân,
Ích gì mà khóc mỗi lần ra đi?
4. Cái mà đang cháy đen xì
Làm sao biết được những gì thở than.
Nên tôi chẳng khóc chẳng than;
Con tôi nó đã đi sang cõi nào.
Khi vị ấy nghe qua điều mà người vợ của vị Bà-la-môn đã phải nói như thế, vị ấy bèn hỏi đứa em gái của người chết, "Người ấy là gì đối với cô, này cô gái?" "Thưa Ngài, người ấy là anh của tôi", "Này cô, chắc chắn những người em gái đều thương yêu những người anh của họ; thế thì tại sao cô không khóc?" Nàng đọc lên những câu kệ này để cho biết lý do khiến nàng không khóc:
5. "Nếu tôi khóc thì tôi trở nên tiều tụy. Khóc như thế sẽ có kết quả gì cho tôi?. Tuy nhiên, nó sẽ làm cho những quyến thuộc của tôi và những người cầu phúc cho chúng tôi thêm ưu bi mà thôi.
6. Cái mà đang cháy thì không hay biết những lời ta thán của những quyến thuộc.
Do đó, tôi không khóc than cho vị ấy; người ấy đã ra đi đến chỗ định phần cho người ấy rồi".
5. Nếu tôi khóc lóc thở than,
Thì tôi sẽ ốm gầy mòn xanh xao,
Làm vậy sẽ được gì nào?
Lại đem khổ lụy đến bao nhiêu người.
6. Cái mà đang cháy rả rời,
Chẳng hay biết được những lời kêu than.
Nên tôi chẳng khóc than van,
Anh tôi đã chuyển sanh sang cõi nào.
Khi nghe qua điều mà người em gái đã phải nói, vị ấy bèn hỏi người vợ của người chết rằng, "Người ấy là gì đối với cô?" "Thưa ông, người ấy là chồng của tôi". "Này cô, chắc chắn đàn bà đa số đều yêu thương người chồng của họ, và khi những người chồng ấy chết thì những thiếu phụ phải chịu quạnh hiu. Thế thì tại sao cô không khóc?" Nàng đọc lên hai câu kệ để cho biết ý lý do khiến nàng không khóc:
7. "Cũng như đứa bé khóc đòi mặt trăng, người khóc lóc cho kẻ đã quá vãng cũng như thế.
8. Cái mà đang cháy thì không hay biết những lời thở than của những quyến thuộc.
Do đó, tôi không khóc cho vị ấy; Người ấy đã ra đi đến bất cứ chỗ nào đã định rồi.
7. Cũng như đứa bé khóc lăn,
Ðòi cho bằng được mặt trăng trên trời,
Người khóc cho kẻ chết rồi,
Cũng dường thế ấy chỉ hoài công thôi.
8. Cái mà đang cháy rã rời,
Làm sao hay biết những lời kêu than.
Nên tôi chẳng khóc than van.
Chồng tôi nay đã sanh sang cõi nào.
Khi nghe qua điều mà người vợ của người chết đã phải nói, vị ấy bèn hỏi người đầy tớ gái, "Này cô, người ấy là gì đối với cô?" "Thưa Ngài, Người ấy chủ của tôi" "Nếu vậy, có lẽ cô đã từng làm công việc của cô một cách miễn cưỡng sau khi vị ấy đánh đòn. Do đó, ta nghĩ rằng ngươi mới không khóc khi ngươi nghĩ rằng, do cái chết của người ấy mà ngươi sẽ được thoát khỏi người ấy." "Ðừng nói với tôi như thế, thưa Ngài, điều ấy không đúng đâu. Ðứa con trai của chủ tôi đã hành đúng pháp và có sự nhẫn nại vô cùng, có lòng từ ái và thân thiết. Người ấy như đứa con đã lớn lên từ cái vú của tôi". "Thế thì tại sao cô không khóc?" Nàng cũng nói lên hai câu kệ để nói rõ lý do khiến nàng không khóc:
9. "Thưa ông Bà-la-môn, cũng như cái bình nước đã bị vỡ tan, không thể ráp lại với nhau được, cũng vậy người khóc cho kẻ đã quá vãng, kết quả cũng như thế thôi.
10. Cái mà đang cháy thì không thể hay biết những lời thở than của những quyến thuộc.
Do vậy, tôi không khóc cho người; Người ấy đã đi đến bất cứ chỗ nào đã định phần."
9. Dạ thưa ông Bà-la-môn,
Cũng như bình vỡ không còn hồi nguyên,
Khóc cho người đã quy thiên,
Cũng như bình vỡ nối liền được chi.
10. Cái mà đang cháy đen xì,
Làm sao biết được những gì thở than,
Nên tôi chẳng khóc than van,
Chủ tôi nay đã sanh sang cõi nào.
Khi Sakkha nghe qua Pháp thoại này từ họ, vị ấy với lòng mộ đạo, nói rằng "Các ngươi đã hoàn toàn tu tập pháp niệm về sự chết. Từ ngày hôm nay trở đi, sẽ không cần thiết để các ngươi phải lao động với công việc cày cấy nữa".
Vị ấy bỏ vào đầy nhà của họ bảy loại châu báu và khích lệ họ rằng, "Ðừng dễ duôi trong việc bố thí. Hãy thọ trì ngũ giới và bát quan trai giới", và, sau khi lộ diện chân tướng của vị ấy cho họ trông thấy, vị ấy trở về lại chỗ ngụ riêng của mình.
Và vị Bà-la-môn ấy cùng những người khác làm những việc phước về Bố thí v.v... Sau khi sống hết thọ mạng của họ, được tái sanh trong cõi Devaloka (Cõi chư Thiên).
Khi Bậc Ðạo sư đã kể lại bổn sanh này và đã rút ra cây tên sầu muộn từ người Thiện nam ấy, sau đó Ngài thuyết giảng Tứ đế. Vào lúc kết thúc thời pháp, vị thiện nam được an trú trong quả thánh Tu-đà-hườn.
Xà quỷ sự đã kết thúc. Như vậy, sự trình bày ý nghĩa của phẩm đầu, Xà phẩm, được tô điểm bằng mười hai câu chuyện trong những câu chuyện Ngạ quỷ này của bộ kinh Khuddaka Nikāya (Tiểu Bộ) đã kết thúc.
-ooOoo-
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.