77. Vấn: Bát quan trai đứt, do mấy nguyên nhân?
Đáp: Do 2 nguyên nhân: đứt vì có tội (sāvajjoca) do hành sái điều học; đứt không có tội (anāvajjoca) vì chết.
78. Vấn: Cả 8 điều học ấy, điều học nào có tội, điều học nào không có tội?
Đáp: Điều học nào kể vào trong tội đời (lokavajja) có tội trong kiếp hiện tại, và có tội phải sanh trong 4 đường dữ; điều học kể vào trong điều Phật cấm (Paṇṇattivajja) có tội, chỉ không được quả báo trong sự thọ trì bát quan trai thôi.
79. Vấn: Đức tánh của cận sự nam, cận sự nữ như thế nào? Có mấy thứ?
Đáp: Đức tánh của cận sự nam, cận sự nữ có 10 thứ:
1) Cận sự nam, cận sự nữ là người cùng chia sự vui, khổ với tỳ khưu tăng (saṅghena saddhiṃsamāna sukha dukkho hoti) nghĩa là nếu tỳ khưu tăng có sự vui thì cùng vui với, tỳ khưu tăng có sự khổ cũng chia buồn với nhau.
2) Cận sự nam, cận sự nữ có nghiệp thân và nghiệp khẩu đã gìn giữ được chơn chánh (kāyi kavācasikañca surakkhitaṃ hoti)
3) Cận sự nam, cận sự nữ lấy Pháp làm trọng là khi làm việc chi hằng lấy Pháp làm lớn, làm gốc, làm mẫu không cho sai, không bỏ Pháp (dhammo adhipateyyo hoti)
4) Cận sự nam, cận sự nữ là người vui thích trong sự bố thí theo sức mình, là làm việc bố thí vừa theo của cải ít hay là nhiều, có ít làm ít, có nhiều làm nhiều, không bị sự rít róng bỏn xẻn đè nén (yathā thāmena saṃvibhāga ratova hoti).
5) Cận sự nam, tinh tấn học hỏi cho thông rõ Phật giáo là lời dạy bảo của đức Thế Tôn (jina sāsanaṃ jānituñcavāyamati).
6) Cận sự nam, cận sự nữ là người chánh kiến, có trí tuệ thấy hiểu đúng theo chơn lý (sammādiṭṭhikova hoti).
7) Cận sự nam, cận sự nữ xa lánh không tin tà thuyết và là người không cố chấp tin rằng: người có tà thuật cho tội phước được, chỉ tin lý nhơn quả (apagato kotuhalamaṅgalikova hoti).
8) Cận sự nam, dầu có tai nạn đến nỗi hại mình, cũng không bỏ Tam bảo, trở dùng người khác làm thầy, làm nơi nương tựa, quý trọng hơn Tam bảo (jivitahetupi aññaṃ satthāraṃ na uddhisati).
9) Cận sự nam, cận sự nữ vui thích trong phép hoà hợp (samaggārāmo va hoti).
10) Cận sự nam, cận sự nữ tu hành chơn chánh trong Phật giáo, là chỉ làm theo luật pháp của Phật (sāsane carati).
Mười đức tánh ấy, cận sự nam, cận sự nữ cần phải thiệt hành theo, không nên dể duôi, vì là pháp có thể làm cho tâm của cận sự nam, cận sự nữ ở theo thập nghiệp trong sạch và cho có duyên lành với Niết-bàn.
80. Vấn: Nghiệp của chúng sanh làm có mấy thứ?
Đáp: Có hai thứ: nghiệp dữ, nghiệp lành.
81. Vấn: Nghiệp dữ ấy, giải như thế nào?
Đáp: Nghiệp dữ ấy là: nghiệp thân, sự làm của thân có 3; nghiệp khẩu, sự làm của miệng có 4; nghiệp ý có 3. Cộng thành 10 nghiệp.
82. Vấn: Ba nghiệp thân ấy là cái chi?
Đáp: Ba nghiệp thân ấy là: sát sanh: là tự mình giết loài động vật (panā tipāta); trộm cắp: là cướp giật, rình người vô ý để lấy của (adinnādāna); tà dâm: là không phải vợ chồng mà giao hợp nhau (kāmesumicchācāra).
83. Vấn: Bốn nghiệp khẩu như thế nào?
Đáp: Bốn nghiệp khẩu là: nói dối: là nói lời không thiệt “có, nói không; không, nói có; thấy, nói không thấy; không thấy, nói thấy”; nói hai lưỡi: là đem chuyện người này nói với người kia cho sanh điều mích lòng, hờn giận, chia rẽ nhau; nói lời dữ: là chửi rủa, mắng nhiếc kẻ khác; nói lời vô ích: là nói những chuyện không có lợi ích, nói chuyện sang đàng.
84. Vấn: Ba nghiệp ý như thế nào?
Đáp: Ba nghiệp ý là: tham tài: là muốn được của người về làm của mình; sân hận: là oán thù muốn làm hại người; tà kiến: là thấy quấy, hiểu lầm rồi chấp là phải.
Nguồn: “CƯ SĨ VẤN ĐÁP”, Tỳ khưu Hộ Tông.