Sau khi thọ nhận mâm vàng đầy cơm sữa của nàng Sujātā xong, Đức-Bồ-tát đứng dậy rời khỏi gốc cây da, tay cầm chiếc mâm vàng đầy cơm sữa đi đến bến sông Nerañjarā, nơi mà chư Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót quá-khứ, trước khi trở thành Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác cũng đều ngự đến đây để tắm, nên bến sông này gọi là bến Supaṭitthita. Đức-Bồ-tát Siddhattha đặt mâm vàng đầy cơm sữa tại bến Supaṭitthita, rồi xuống dòng sông Nerañjarā tắm.
Sau khi tắm xong, Đức-Bồ-tát Siddhattha mặc y cà sa tượng trưng lá cờ chiến thắng của chư Thánh A-ra-hán, đoạn Đức-Bồ-tát ngồi quay mặt về hướng Đông, độ hết 49 vắt cơm sữa, rồi uống hết bình nước (từ đó về sau suốt 7 tuần lễ gồm 49 ngày, Đức-Phật không độ vật thực và nước, chỉ an hưởng hương vị giải thoát Niết-bàn).
Sau khi độ cơm xong, Đức-Bồ-tát Siddhattha cầm chiếc mâm vàng rồi phát nguyện rằng:
“Nếu hôm nay tôi sẽ trở thành Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác thì xin cho chiếc mâm vàng này sẽ trôi ngược dòng nước, nếu không thì chiếc mâm vàng này sẽ trôi xuôi theo dòng nước.”
Phát-nguyện xong, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha ném chiếc mâm vàng xuống dòng sông Nerañjarā.
Thật phi thường thay! Chiếc mâm vàng cắt ngang dòng nước đang chảy, trôi ra giữa sông, rồi từ đó trôi ngược dòng nước một cách vô cùng mau lẹ, khoảng một đoạn khá xa, rồi chiếc mâm vàng chìm sâu xuống đáy nước, đụng phải 3 chiếc mâm vàng của 3 Đức-Phật quá-khứ: Đức-Phật Kakusandha, Đức-Phật Koṇā-gamana và Đức-Phật Kassapa, phát ra một âm thanh vang dội, làm cho Long-vương Kālanāga tỉnh giấc, nên nghĩ rằng:
“Hôm qua một Đức-Phật đã xuất hiện, hôm nay sẽ có một Đức-Phật khác xuất hiện.”
Long-vương Kālanāga thức dậy tán dương ca tụng hằng trăm bài kệ tán dương ca tụng một sự kiện vô cùng hy hữu xuất hiện trên thế gian.
Trưa hôm ấy, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha nghỉ trong một khu rừng Sāla, bên bờ sông Nerañjarā, những cây Sāla đua nhau nở hoa khắp cả khu rừng, để đón mừng Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha.
Chiều hôm ấy, trên đường Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng- Giác Siddhattha ngự đến cội cây Assattha(1) tại khu rừng Uruvelā, dọc theo hai bên đường, chư-thiên trang hoàng những đóa hoa trời rất xinh đẹp, các hàng chư-thiên ở các cõi trời đua nhau cúng dường hương thơm cùng với thiên nhạc vang rền khắp 10 ngàn thế giới chúng-sinh.
(1) Cây Assattha này là Cây Đại-Bồ-Đề đồng sinh cùng một lúc với Đức- Bồ-tát Siddhattha. Đúng 35 năm sau, Đức-Bồ-tát Siddhattha ngự đến ngồi tại cội cây Đại-Bồ-Đề này, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama. Cho nên, cây Assattha này trở thành cây Đại-Bồ-Đề của Đức-Phật Gotama.
Ngôi bồ-đoàn quý-báu phát sinh
Cùng lúc ấy, một người cắt cỏ tên Sotthiya, trên đường đi ngược chiều về phía Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng- Giác Siddhattha, nhìn thấy Đức-Bồ-tát liền phát sinh đức-tin trong sạch, nên dâng cúng dường tám nắm cỏ lên Đức-Bồ-tát Siddhattha.
Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha nhận tám nắm cỏ, rồi ngự đi thẳng đến cội cây Assattha.
* Đức-Bồ-tát khi đứng hướng Nam của cội cây Assattha, Đức-Bồ-tát nhìn thẳng về hướng Bắc, có cảm giác mất thăng bằng, như toàn cõi tam-giới hướng Nam bị chìm sâu xuống cõi địa-ngục Avīci, còn toàn cõi tam-giới hướng Bắc được nổi lên đến cõi trời sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh, nên Đức-Bồ-tát suy nghĩ rằng:
“Đây không phải là chỗ ngồi để ta có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.”
* Đức-Bồ-tát ngự đi sang đứng hướng Tây của cội cây Assattha, Đức-Bồ-tát nhìn thẳng về hướng Đông, cũng như vậy, có cảm giác mất thăng bằng, như toàn cõi tam-giới hướng Tây bị chìm sâu xuống cõi điạ-ngục Avīci, còn toàn cõi tam-giới ở hướng Đông được nổi lên đến cõi trời sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh, nên Đức-Bồ- tát suy nghĩ rằng:
“Đây cũng không phải là chỗ ngồi, để ta có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.”
* Đức-Bồ-tát ngự đi sang đứng hướng Bắc của cội cây Assattha, Đức-Bồ-tát nhìn thẳng hướng Nam, cũng như vậy, có cảm giác mất thăng bằng, như toàn cõi tam- giới hướng Bắc bị chìm sâu xuống cõi điạ-ngục Avīci, còn toàn cõi tam-giới ở hướng Nam được nổi lên đến cõi trời sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh, nên Đức-Bồ-tát suy nghĩ rằng:
“Đây cũng không phải là chỗ ngồi, để ta có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.”
* Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha ngự đi sang đứng hướng Đông của cội cây Assattha, Đức-Bồ- tát nhìn thẳng về hướng Tây.
Thật phi thường thay! Đức-Bồ-tát có cảm giác toàn khắp cõi tam-giới đều ở trạng thái thăng bằng, nên Đức- Bồ-tát suy nghĩ rằng:
“Chính đây là chỗ ngồi, để ta có thể chứng đắc thành bậc Chánh-Đẳng-Giác.”
Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha trải tám nắm cỏ tại hướng Đông của cội cây Assattha.
Thật phi thường thay! Tại ngay chỗ ngồi ấy bỗng nhiên hóa thành ngôi bồ-đoàn quý-báu có chiều cao 14 hắc tay thật nguy nga lộng lẫy, mà không có một nhà kiến trúc mỹ thuật nào có thể tạo nên một ngôi bồ-đoàn đẹp tuyệt vời như vậy.
Bởi vì, ngôi bồ-đoàn quý báu này phát-sinh do oai-lực của 30 pháp-hạnh ba-la-mật đầy đủ trọn vẹn của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha sắp trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.
Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha ngồi kiết già vững vàng trên ngôi bồ-đoàn quý báu, quay mặt về hướng Đông rồi phát nguyện rằng:
“Dù cho thịt và máu trong thân ta khô cạn hết, dù sắc thân này chỉ còn da bọc xương đi nữa, nếu ta chưa trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, ta quyết không bao giờ rời khỏi ngôi Bồ-đoàn quý báu này.”
Trích: Tam Bảo – Tỳ Khưu Hộ Pháp