HIỂU BIẾT TRỌN VẸN
Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng
Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính
Sư Khánh Hỷ soạn dịch
28. DÂNG CÚNG Y KATHINA
Lễ dâng cúng y Kathina được tổ chức hằng năm, do một người hay một nhóm Phật tử cúng dường y Kathina đến Chư Tăng.
Trước hết, lễ dâng cúng y Kathina đến Chư Tăngchỉ có thể tổ chức mỗi năm một lần. Có nghĩa là mỗi chùa không thể tổ chức lễ dâng y Kathina cho Chư Tăng đã nhập hạ trong chùa đó hai hay nhiều lần trong một năm.
Thứ hai là y Kathina chỉ được dâng cúng trong khoảng thời gian đặc biệt từ ngày ra hạ là ngày trăng tròn tháng chín âm lịch cho đến ngày trăng tròn tháng mười âm lịch. Trong thời gian này bạn chỉ có thể dâng cúng y Kathina đến Chư Tăng nhập hạ trong chùa một lần thôi.
Thứ ba y Kathina được dâng cúng đến toàn thể cộng đồng Tăng Chúng chứ không dâng riêng đến một vị nào. Tăng (Saṅgha) có nghĩa là cộng đồng của các nhà sư hay Cộng Đồng của Chư Tăng. Nhưng Tăng theo tạng Luật có nghĩa khác với Tăng theo tạng Kinh và Vi Diệu Pháp. Luật là những luật lệ do Đức Phật đặt ra cho Chư Tăng. Theo tạng luật, Tăng là một nhóm tỳ khưu từ bốn vị trở lên. Một vị Tăng chưa được gọi là Tăng, hai hay ba vị Tăng cũng chỉ là một nhóm chứ không phải là Tăng. Nếu có bốn vị hay nhiều vị hơn, có thể là trăm vị hay ngàn vị mới gọi là Tăng. Như vậy khi dâng cúng y Kathina đến Chư Tăng không phải là cúng cho riêng một vị sư mà dâng cúng đến toàn thể Chư Tăng trên thế giới. Đó là lý do tại sao dâng cúng y Kathina là một sự cúng dường đặc biệt.
Có hai loại Tăng. Khi qui y bạn nói: "Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng" thì Tăng ở đây có nghĩa là các vị Thánh Tăng. Các bạn qui y là nương nhờ, noi theo phẩm hạnh và gương lành trong sạch của chư Thánh Tăng chứ không phải nương nhờ nơi Phàm Tăng. Nhưng khi dâng y đến Chư Tăng các bạn nói: "Con xin dâng y Kathina đến Chư Tăng" thì Tăng ở đây là toàn thể Chư Tăng trên thế giới bao gồm cả Thánh Tăng và Phàm Tăng. Hôm nay các bạn dâng cúng y Kathina đến Chư Tăng là dâng cúng đến Chư Tăng đã giác ngộ và chưa giác ngộ.
Chữ "Tăng" (Saṅgha) có nghĩa là cộng đồng Tăng Chúng, dùng để chỉ cho các nhà sư đã xuất gia chứ không dùng cho cư sĩ.
Các bạn cần hiểu rõ điều này. Hiện nay một số người dùng chữ Tăng để chỉ cho cư sĩ. Trước đây tôi không hề biết đến điều này. Mãi đến gần đây tôi mới biết một vài nhà Sư dùng chữ Tăng để chỉ cho cư sĩ.
Và một số cư sĩ theo lời dạy các nhà Sư này gọi nhau là Tăng và một nhóm cư sĩ hành tu tập theo các vị này cũng gọi là Tăng nữa.
Nhưng tôi nghĩ, dùng như thế sẽ sinh ra hiểu lầm trong tương lai. Saṅgha có nghĩa là gì? Cư sĩ hay nhà sư. Tăng (Saṅgha) có nghĩa là cộng đồng Tăng Chúng gồm những nhà sư.
Hôm nay các bạn dâng cúng y Kathina đến Chư Tăng. Chư Tăng phải có một số đức tính hay làm tròn một số điều kiện mới được nhận y Kathina. Một vị sư phải có hai điều kiện sau đây mới được nhận y Kathina: trước hết phải nhập hạ trong ba tháng và không đứt hạ. Thứ đến là phải làm lễ "Tự Tứ" hay lễ "Thỉnh mời" (Thỉnh mời hay yêu cầu Chư Tăng chỉ cho mình biết các lỗi lầm mình đã cố ý hay vô tình phạm phải để nhận hình phạt và sửa chữa).
1. Nhập hạ: vị sư phải nhập hạ hay an cư tại chùa trong ba tháng mùa mưa, từ rằm tháng sáu đến rằm tháng chín âm lịch. Đây là ba tháng mùa mưa, nhưng chúng ta thường gọi là ba tháng hạ. Trong ba tháng mùa mưa này Chư Tăng phải ở trong chùa, không được trú qua đêm ngoài chùa trừ phi có duyên sự cần thiết hay được thỉnh mời, nhưng cũng không được rời chùa quá bảy ngày liên tiếp. Một vị tỳ kheo trong ba tháng an cư mà rời xa chùa quá bảy đêm liên tiếp sẽ bị đứt hạ, không đủ điều kiện để nhận y Kathina.
2. Tự tứ: Vào ngày cuối của ba tháng hạ, Chư Tăng làm lễ "Tự Tứ". Tự Tứ có nghĩa là “lễ thỉnh mời” hay yêu cầu các hội viên trong cộng đồng Tăng Chúng chỉ cho mình biết các lỗi lầm hay hành vi sai trái mình đã cố ý hay vô tình phạm phải để nhận hình phạt, và sửa chữa lỗi lầm ngay tức khắc, nguyện không tái phạm.
Chỉ những tỳ khưu đã nhập hạ ba tháng không đứt hạ, và đã làm lễ tự tứ mới được nhận y Kathina. Nên nhớ rằng dâng y Kathina là dâng y đến toàn thể Chư Tăng chứ không phải dâng riêng cho một vị sư nào. Vào những dịp khác, bạn có thể dâng y đến một vị hay hai ba vị Tăng, nhưng trong lễ dâng y Kathina bạn phải dâng y đến Chư Tăng (Saṅgha).
Tại sao phải dâng y Kathina đến Tăng đoàn? Lễ nhận y Kathina là một Tăng sự của Chư Tăng đồng thời cũng bao gồm cả công việc của cá nhân vị sư được Chư Tăng trao y. Có hai chuyện cần làm trong dịp lễ dâng y:
1. Việc cần làm của Chư Tăng trong lễ dâng y Kathina là thực hành những Tăng Sự trong lễ này. Những Tăng Sự này là việc làm của Chư Tăng nên phải có đủ Tăng, nghĩa là phải có bốn vị trở lên.
2. Những việc mà cá nhân mỗi vị sư phải làm trong dịp dâng y Kathina là gì? Trong dịp lễ dâng y, chư thiện tín có tín tâm dâng y Kathina đến Chư Tăng. Sau khi nhận lãnh y Kathina, Tăng đoàn sẽ lựa chọn một vị Tăng và giao y cho vị sư này để thực hiện lễ dâng y. Lễ dâng y Kathina phải làm theo một nghi thức đặc biệt khác với các lễ khác. Như vậy, lễ dâng y Kathina thật ra được thực hiện cho riêng một vị sư. Nhưng muốn cho cá nhân vị Sư ấy được thực hiện lễ dâng y Kathina thì vị sư ấy phải có y Kathina, và y Kathina phải được Chư Tăng giao cho vị ấy. Đó là lý do tại sao phải dâng y Kathina đến Chư Tăng chứ không phải riêng cho cá nhân một vị sư.
Ngày nay thiện tín thường dâng y may sẵn đến Chư Tăng trong dịp lễ dâng y Kathina nên Chư Tăng không phải tự tay may y. Trong thời đại Đức Phật, và có thể vài thế kỷ sau đó, thiện tín không dâng y may sẵn đến Chư Tăng mà chỉ dâng cúng vải và Chư Tăng phải tự may y. Phải may xong trong vòng một ngày đêm. Nghĩa là không quá bình minh ngày hôm sau. Sau khi nhận được vải dâng cúng, Chư Tăng trong chùa phải tiếp tay nhau cắt vải, may y, và nhuộm y. Nhuộm y không phải là chuyện dễ dàng. Phải tự chế lấy thuốc nhuộm chứ không có hàng quán nào bán màu chế sẵn. Màu nhuộm thường được chế từ vỏ, thân hoặc rễ cây. Không phải chỉ nhuộm một lần là màu đã thấm. Phải nhuộm hai lần màu mới thấm. Nếu trời nắng thời không thành vấn đề. Nhưng nếu trời mưa hay âm u thì y khó khô,do đó phải nhuộm thêm lần nữa. Nếu vào lúc sắp làm lễ mà y vẫn chưa khô thì phải làm lễ Dâng y Kathina với y ướt đó.
Ngay nay, chúng ta thật may mắn vì đã có y may sẵn. Ngày xưa không có y may sẵn nên Chư Tăng phải tự may y lấy. Tất cả Chư Tăng đều phải tham gia vào việc may y. Một số giữ nhiệm vụ cắt vải, một số giữ nhiệm vụ may, một số lo việc nhuộm. Có nhiều công việc, nhiều giai đoạn trong việc may và nhuộm y. Bởi thế vào thời kỳ Đức Phật, trong ngày dâng y Kathina, để giúp Chư Tăng có đủ thì giờ may y nên Phật Tử đến chùa rất sớm, họ đem theo vải may y, kim chỉ, thuốc nhuộm đến dâng cúng Chư Tăng. Vào ngày này Chư Tăng phải làm nhiều việc trong chùa, nhất là việc cắt may y, nên không có đủ thì giờ để đi khất thực; do đó các Phật tử cũng đem theo thực phẩm và các vật dụng cần thiết để cúng dường Chư Tăng. Ngày xưa, có rất nhiều việc phải làm trong dịp lễ dâng y, nhưng ngày nay phật tử chỉ việc đến chùa dâng y đến Chư Tăng, Chư Tăng nhận y rồi làm lễ dâng y Kathina. Việc dâng y rất đơn giản, tuy nhiên nhiều chùa vẫn giữ lệ xưa, Phật tử chuẩn bị và làm lễ dâng y như một lễ hội lớn trong năm.
Bởi vì y Kathina chỉ có thể cúng dường đến Chư Tăng mỗi năm một lần nên đây là cơ hội hiếm hoi và phước báu lớn lao. Đây cũng là cơ hội đặc biệt vì những vị Sư thụ hưởng lễ dâng y còn đạt được năm lợi ích khác. Nếu bạn làm phước trong những ngày thường như dâng cúng thực phẩm hay dâng y đến cá nhân các nhà Sư thì chính các bạn nhận được phước báu, và các nhà Sư nhận được thực phẩm dâng cúng hay nhận được y cúng dường. Ngoài ra các Sư chẳng nhận được gì thêm nữa cả. Nhưng khi Phật tử dâng cúng y Kathina đến Chư Tăng thì Chư Tăng còn được hưởng thêm những lợi ích khác. Nhà Sư chỉ được hưởng thêm những lợi ích này này khi nhận lễ dâng y Kathina. Nếu nhà Sư không hội đủ điều kiện để nhận y Kathina thì sẽ không nhận được những lợi ích (năm lợi ích) này. Và các nhà Sư chỉ có thể thực hiện lễ dâng y khi được thiện tín dâng cúng y Kathina.
Như vậy, dâng y Kathina là cơ hội hiếm có của thiện tín đồng thời cũng là cơ hội duy nhất trong mỗi năm vìvào dịp dâng y, Chư Tăng được hưởng những lợi ích gấp bội. Ta có thể gọi đây là "lợi ích trùng dụng" hay lợi ích vượt trội và lâu dài. Chư Tăng được hưởng năm phước báu này trong năm tháng từ rằm tháng chín âm lịch cho đến rằm tháng hai âm lịch của năm sau.
Có lẽ các bạn cũng muốn biết năm lợi ích đó, bởi vậy, ở đây, tôi sẽ căn cứ trên tạng luật và nói một cách tóm lượt. Các bạn có thể đọc sách hay hỏi thêm các vị Sư khác về năm lợi ích này. Một nhà Sư phải giữ 227 giới. Như các bạn biết, chỉ giữ năm giới cũng không phải là điều dễ dàng. Bởi vậy, giữ 227 giới thật là khó khăn. Đôi khi các vị Sư muốn được giảm bớt một số giới nhỏ. Lễ dâng y Kathina giúp Chư Tăng tạm thời khỏi giữ bốn điều luật cho đến rằm tháng hai âm lịch:
1. Có thể ra khỏi chùa khi được thỉnh mời mà không cần thưa báo.
2. Khi đi xa có thể không cần đem đủ tam y. CòncónghĩalàđốivớinhữngvịSư nguyện giữ tam y, khi ngủ có thể để Y Tăng Già Lê (Y nhiều lớp) cách xa hơn một hắc tay.
3. Từ bốn vị tỳ khưu trở lên vẫn có thể thọ dụng được vật thực cúng dường không phải phép. Đó là: ‘người dâng cúng không có lễ độ trong khi dâng cúng’ hay ‘nói trước món ăn sẽ dâng cúng’.
4. Được phép cất giữ các y khác ngoài tam y đang dùng.
5. Ngoài bốn điều luật được tạm thời khỏi giữ, Chư Tăng đã nhận lễ Dâng y Kathina còn được phép thọ nhận y cùng tứ vật dụng trong lễ Kathina, và tùy ý chia xẻ với bất cứ tỳ khưu nào cùng nhập hạ và dự lễ Kathina nơi ấy.
Chỉ những vị Sư đã nhập hạ trọn vẹn trong ngôi chùa mới được hưởng dụng các loại y này. Các vị Sư không nhập hạ trong chùa, hay nhập hạ nhưng bị đứt hạ thì không được nhận y. Tóm lại, Chư Tăng nhập hạ được hưởng năm lợi ích, ngoài bốn giới được miễn giữ, Chư Tăng nhập hạ trong chùa còn được thẩm quyền trong việc nhận lãnh và chia xẻ y cho vị khác.
Như vậy, dâng y Kathina đến Chư Tăng thật là hành vi thiện lành, tốt đẹp và trọn vẹn phước báu nhất, vì dâng y Kathina là các bạn đã dâng cúng đến Chư Tăng năm lợi ích đặc biệt. Không có sự bố thí cúng dường nào có thể đem đến năm đặc quyền cho Chư Tăng nhận lãnh bằng sự dâng y Kathina. Dâng y Kathina là một sự bố thí cúng dường đặc biệt, đó là lý do tại sao y Kathina phải được dâng cúng đến Chư Tăng để Chư Tăng thực hiện thủ tục dâng y.
Riêng về thí chủ dâng y Kathina đến Chư Tăng được nhiều phước báu lớn lao. Dâng y Kathina là dâng y đến cộng đồng Tăng Chúng, nghĩa là dâng cúng y đến cả toàn thể Chư Tăng trên thế giới bao gồm cả Thánh Tăng và Phàm Tăng nên được phước báu lớn lao nhất. Người dâng cúng y Kathina đến Chư Tăng được nhiều điều hạnh phúc: Sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh, được kính trọng, có nhiều tùy tùng, có danh thơm tiếng tốt và nhất là có nhiều trí tuệ. Người dâng cúng y Kathina đến Chư Tăng còn có một phước báu đặc biệt là khi xuất gia sẽ có y bát đầy đủ, được gặp Đức Phật trở thành Ehi Bhikkhu. (Ehi Bhikkhu là vị được xuất gia với Đức Phật, và Đức Phật chỉ cần nói Ehi Bhikkhu (hãy lại đây Tỳ Khưu) là người đó sẽ trở thành một vị Tỳ khưu, tóc râu cạo sạch, y bát đầy đủ).
Bạn từng nghe câu chuyện về di mẫu của Đức Phật là bà Pajāpati Gotami dâng cúng y đến Đức Phật. Kinh kể lại rằng chính bà đã tự xe chỉ và dệt vải rồi tự mình may y để dâng cúng đến Đức Phật. Sau khi may y xong, bà dâng đến Đức Phật. Bà bạch với Đức Phật rằng:
- Tôi tự xe chỉ, tự dệt rồi tự mình may bộ y này, xin Đức Thế Tôn nhận lãnh.
Đức Phật từ chối, nói:
- Hãy dâng cúng y này đến Chư Tăng. Nếu dì cúng đến Chư Tăng, thì chính Như Lai cũng được dâng cúng.
Bà thỉnh cầu Đức Phật lần thứ hai, Đức Phật lại cũng từ chối. Bà thỉnh cầu lần thứ ba, Đức Phật cũng từ chối.
Ananda thấy thế không cầm lòng được bèn thưa:
- Bạch Ngài, xin Ngài nhận lãnh y do dì mẫu Gotami dâng cúng. Dì mẫu Gotami có rất nhiều ân đức với Ngài. Khi Phật Mẫu mất, lúc bấy giờ Ngài chỉ mới được sinh ra bảy ngày. Dì mẫu đã dùng sữa của mình để nuôi dưỡng Ngài, và giao con mình cho người khác chăm sóc. Dì mẫu đã có nhiều công đức với Ngài. Xin Ngài hãy nhận y do dì mẫu dâng cúng. Thêm vào đó cũng do nhờ Ngài thuyết pháp mà dì mẫu đã đắc quả Tu Đà Hườn.
Nhưng Đức Phật vẫn không chấp nhận. Cuối cùng bà dâng y đến Chư Tăng.
Tại sao Đức Phật bảo bà Gotami đừng dâng y cho Ngài mà hãy dâng cúng đến Chư Tăng. Câu trả lời là Đức Phật muốn bà Gotami được phước báu nhiều hơn. Nếu bà dâng cúng đến Đức Phật thì bà chỉ được một ít phước báu. Nhưng dâng y đến Chư Tăng, trong đó có cả Đức Phật, bà được phước báu nhiều hơn. Để di mẫu Gotami gặt hái được nhiều phước báu, Đức Phật dạy bà dâng cúng y đến Chư Tăng. Đức Phật nói: "Hãy dâng cúng y đến Chư Tăng. Nếu dì mẫu dâng cúng y đến Chư Tăng thì Như Lai cũng được dâng cúng."
Chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa câu này. Phải chăng Đức Phật cũng được bao gồm trong Tăng hay Đức Phật khác với Tăng. Ta có thể xem Đức Phật như là một vị Tăng hay không?
Khi xin tam quy ngũ giới các bạn đọc:
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng
Nếu nói Đức Phật bao gồm trong Tăng thì chúng ta chỉ cần đọc hai câu sau thôi và chỉ có nhị bảo thôi. Như vậy, Phật phải khác với Tăng hay tách rời khỏi Tăng.
Nhưng như thế thì tại sao Đức Phật lại bảo bà Gotami cúng dường đến Chư Tăng? Và dạy rằng khi cúng dường đến Tăng thì cũng là cúng dường đến Đức Phật vì Phật cũng bao gồm trong Tăng. Hai điều này có mâu thuẫn nhau chăng?
Một lần nọ, khi Đức Phật dạy Ananda về các loại cúng dường Đức Phật nói: Chẳng khi nào ta nói rằng cúng dường cá nhân đem lại nhiều phước báu hơn cúng dường đến Chư Tăng.
Nếu xem xét câu này một cách nghiêm túc thì chúng ta hiểu rằng: "Cúng dường cho Chư Tăng phước báu nhiều hơn cúng dường cho Đức Phật." Bởi vì, nếu chúng ta cúng dường cho Đức Phật thì Đức Phật cũng chỉ là một cá nhân để chúng ta cúng dường. Nhưng trong chú giải lại nói Đức Phật là người xứng đáng nhất, phước báu nhất để nhận lãnh sự cúng dường. Như vậy, theo chú giải thì cúng dường Đức Phật phước báu lớn hơn, nhưng theo câu nói của Đức Phật thì lại mâu thuẫn. Tôi nghĩ rằng cúng dường Chư Tăng đem lại lợi ích lớn lao.
Trong nhiều đoạn kinh, trong nhiều trường hợp, nhiều nơi Đức Phật dạy rằng: Cúng dường Chư Tăng đem lại nhiều kết quả. Bất kỳ lúc nào, nếu có dịp thuận tiện, chúng ta nên cúng dường đến Chư Tăng. Bởi vì, khi chúng ta cúng dường đến cá nhân vị Tăng (cá nhân tuyển thí) thì chúng ta nghĩ đến, hay kỳ vọng một điều gì đó nơi vị Tăng ấy: như đức hạnh chẳng hạn, vì nghĩ rằng cúng đến vị sư có đức hạnh sẽ có quả báu lớn. Giống như trường hợp chúng ta trồng cây vào nơi đất màu mỡ. Bởi vì, ở nơi đất có nhiều màu mỡ thì cây sẽ phát triển tốt đẹp v.v... Trồng cây vào nơi đất không có nhiều tạp chất có hại cho cây thì cây mới đơm hoa kết trái tốt đẹp. Thật vậy, muốn cây có trái tốt bạn phải chọn đất tốt để trồng cây. Cũng vậy, khi bố thí cúng dường bạn cũng phải chọn người nhận lãnh cúng dường có giới luật trong sạch thì kết quả sẽ được dồi dào hơn, và bạn sẽ gặt được nhiều lợi ích hơn nếu cúng dường cho những người này.
Nhưng làm sao biết được tâm của người khác. Bạn có thể kính trọng vị nào đó, hài lòng với một cá nhân nào đó, nhưng bạn làm thế nào để đi vào tâm vị đó để biết vị đó thật sự như thế nào? Cũng có thể sự nhận xét của các bạn về một vị nào đó bị sai lầm, vị đó thật sự không trong sạch như sự đánh giá bạn. Nhưng khi cúng dường cho Chư Tăng có nghĩa là toàn thể cộng đồng Tăng Chúng, trong đó có thể có những vị không có giới đức trong sạch, nhưng không thể nào có việc là toàn thể Chư Tăng vị nào cũng đều không trong sạch. Chúng ta không thể nói cộng đồng Tăng Chúng không trong sạch. Có rất nhiều vị Tăng trong cộng đồng Tăng Chúng; một số có giới luật trong sạch, một số không trong sạch, nhưng chúng ta không thể nói toàn thể Chư Tăng đều không trong sạch. Đó là lý do tại sao cúng dường đến Chư Tăng mang lại phước báu nhiều hơn cúng dường cho cá nhân.
Hôm nay, các bạn sẽ dâng cúng y Kathina đến Chư Tăng, các bạn hãy chú tâm chánh niệm và ý thức sáng suốt khi dâng cúng y. Các bạn dâng cúng đến Tăng Chúng, Tăng Chúng có nghīa là Tăng Chúng trong sạch. Tăng Chúng ở đây bao gồm cả cộng đồng Tăng Chúng, bao gồm Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên và tất cả các vị thánh Tăng từ trước đến nay. Không có chuyện Tăng Chúng không trong sạch, Tăng Chúng không có giới hạnh; chỉ có cá nhân không trong sạch, cá nhân không có giới hạnh. Như vậy, dâng cúng đến Tăng Chúng thuần tịnh thì sẽ đem lại nhiều phước báu lớn lao. Bởi vậy, trong lễ dâng y, điều chính yếu và quan trọng là được dâng cúng y đến Chư Tăng và Chư Tăng sẽ chọn một vị đại diện để thực hiện lễ cúng dường y Kathina.
Như vậy, khi dâng cúng y Kathina đến Chư Tăng, các bạn phải hiểu rằng, việc dâng cúng này đem lại nhiều lợi ích hơn việc cúng dường cá nhân đến các vị Tăng. Khi cúng dường phải hiểu rõ ràng trong tâm, hướng tâm đến việc cúng dường, đồng thời ý thức rõ rằng sự cúng dường này đem lại kết quả lớn lao vì Chư Tăng nhận lãnh y Kathina gặt hái được năm lợi ích.
Tôi nghĩ rằng, các bạn cũng chưa hài lòng về việc cúng dường Chư Tăng đem lại phước báu nhiều hơn cúng dường đến cá nhân. Chẳng hạn, ngôi chùa của các bạn làm lễ cúng dường y Kathina chỉ có một vị sư, nhưng khi dâng y Kathina các bạn muốn cúng dường đến cộng đồng Chư Tăng. Bạn phải làm thế nào đây? Bạn có thể nghĩ rằng ngôi chùa không có cộng đồng Tăng Chúng, nhưng bạn vẫn có thể cúng dường đến toàn thể Chư Tăng xuyên qua vị sư này. Khi cúng dường bạn phải hướng đến, nghĩ đến toàn thể Chư Tăng chứ không phải hướng đến cá nhân của vị Tăng ấy. Bạn có thể mang bộ y đến cúng dường tận tay cho cá nhân của một vị sư, nhưng trong tâm bạn phải hướng đến, nghĩ đến toàn thể Tăng Chúng, phải nghĩ rằng bạn đang cúng dường đến toàn thể Chư Tăng bao gồm cả các vị Thánh Tăng. Và cá nhân vị sư này chỉ là người đại diện cho toàn thể cộng đồng Tăng Chúng. Làm như thế, mặc dầu cúng dường đến một vị sư, bạn đã cúng dường cho toàn thể Tăng Chúng. Mặc dầu cá nhân vị sư được nhận lãnh, nhưng vị sư này đại diện cho toàn thể Chư Tăng. Chọn vị Sư làm đại diện là ý định của Chư Tăng chứ không phải là ý định của bạn. Ý định của bạn là cúng dường đến Chư Tăng và bạn đạt được phước báu của sự cúng dường đến Chư Tăng chứ không phải cúng dường đế cá nhân vị Sư.
Như vậy, mặc dầu trong chùa chỉ có một, hai, ba vị Tăng bạn vẫn cúng dường đến toàn thể Tăng Chúng. Bởi thế, khi cúng dường chúng ta luôn luôn phải nghĩ đến cúng dường đến cộng đồng Tăng Chúng. Chẳng hạn, khi bạn cúng dường thực phẩm đến Chư Tăng, bạn có thể nói: "Con xin cúng dường thực phẩm đến Chư Tăng", hay một câu tương tự như vậy. Với sự hiểu biết, với sự hướng tâm như vậy hôm nay bạn cúng dường y Kathina đến Chư Tăng.
Cầu mong phước báu của sự cúng dường này là duyên lành hỗ trợ mạnh mẽ, giúp cho các bạn đạt đạo quả.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.