LỜI NÓI ĐẦU
Giáo lý của Phật Gotama đã được kết tập nhiều lần và ghi chép trong Ba tạng Pháp bảo Pāḷī, tuy có số nhất định, không thay đổi thêm bớt (Kinh: năm bộ, Luật: năm bộ, Vi Diệu Pháp: bảy bộ), nhưng trọn đời người, ít ai học được đầy đủ.
Mặc dầu như thế, ở Miến Điện, còn nhiều vị tỳ khưu thuộc nằm lòng trọn bộ Tam tạng, có thể đọc suốt một mạch từ đầu chí cuối và cũng có nhiều cư sĩ thuộc lòng riêng từ bộ một.
Trước ngày Kết tập Tam tạng lần thứ sáu, đương khai diễn tại Rangoon, những cư sĩ nào muốn vào giúp việc thi công cho Hội nghị Kết tập phải đăng tên chịu khảo thí. Ai thông hiểu Tam tạng, giỏi chữ mẹ đẻ và chữ Pāḷī mới được chấm đậu.
Tam tạng Sanskrit (Ấn Độ), Tàu và Nhựt gồm cả thảy lối 2.184 cuốn. Không tài nào tìm cho đủ số và khảo cứu cho chu đáo.
Trong các xứ Phật giáo thuộc khối Nguyên Thủy, như Cao Miên, Ai Lao, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan mỗi chùa phải có ít nhất một bộ Tam tạng. Tại Cổ Viện tàng Bangkok, ai muốn khảo cứu Tam tạng nào cũng sẵn có:
Pāḷī, Sanskrit, Anh, Tàu, Nhựt.
Mỗi nhà sư Miên, Lào, Thái, Miến, Tích phải biết rành chữ mẹ, chữ Pāḷī hoặc Sanskrit, nhờ vậy mà trong các Hội nghị quốc tế, người ta tham gia đắc lực.
Toàn xứ Việt Nam không có quá 5 bộ Tam tạng chữ Tàu. Có lẽ đốt đuốc kiếm không ra một nhà sư nào đã có đọc sơ qua một trong Ba tạng. Đủ biết trình độ của người tu Phật xứ ta đến bực nào. Chúng ta chưa đủ khả năng bàn về Phật giáo.
Sở dĩ hai quyển Chọn đường tu Phật ra đời, chỉ tóm lược một cách dốt nát, một vài yếu điểm, mà người học Phật cần phải biết trước, để dọn đường tìm chơn lý, cho khỏi mất thì giờ.
Quyển thứ nhất đã nói về đại cương của sử tích Phật Gotama. Lịch sử Phật giáo và giáo lý hai thừa. Quyển này sẽ tóm lược cái Án đồ Đại lộ Giải thoát của Phật Gotama và những con đường tu tắt của chư vị Tổ sư các phái Tân Tiến: Tiểu thừa, Trung thừa và Đại thừa.
Lẽ tất nhiên, với sức học thô sơ, tác giả phải có khuyết điểm, sai lầm, mong chư huynh đệ khoan hồng tha thứ.
Ngày kỷ niệm Phật Gotama nhập Niết-bàn thứ 2499
Trùng Quang Cư sĩ
ĐẠO GIẢI THOÁT CỦA PHẬT TỔ GOTAMA
Muốn đi theo con đường hành trình của Phật Tổ Gotama, phải tu giới, tu định, tu huệ [tuệ]. Bỏ giới, hành thiền không thể đắc định được. Bỏ định không còn phương pháp nào tu huệ được. Giới nâng đỡ định, định làm cho phát sanh huệ. Đường này là đường duy nhứt đi đến đạo quả Niết-bàn. Tiệm cũng nó mà Đốn cũng nó, tùy căn cơ và hùng lực giải thoát của hành giả.
Đúng ra trong thế gian không có ông Giáo chủ nào dạy cái đạo Đốn giáo. Bồ tát Siddhatta còn phải tu trọn 4 atăng-kỳ và 100 ngàn kiếp mới thành bực Chánh đẳng Chánh giác. Sở dĩ có người đắc đạo quả Niết-bàn, sau khi nghe lời giảng giải của Phật Gotama, là vì trong vô lượng tiền kiếp người ấy đã có tu giới, định, huệ rồi, cũng như gà ấp đúng kỳ được khảy mỏ chui ra. Duyên chưa đầy, quả chưa đủ, không ai tài nào liễu đạo siêu sanh, trong khi xem kinh nghe pháp. Nếu thật có Đốn giáo thì các phái Tân Tiến không bị suy vong như hiện giờ ở Trung Hoa và Nhựt Bổn.
Người muốn tu giới, định, huệ theo Phật Tổ Gotama, trước nhứt phải tẩy trừ, gội rửa những thành kiến và tập quán, phải hoàn toàn là người có tinh thần tinh hảo trắng trong, không còn vướng một ảnh hưởng nào của đạo giáo hoặc tôn phái khác, tại gia cũng như xuất gia. Một người không thể đi một lượt trên hai, ba con đường, cũng như không thể thực hành một lượt hai ba giáo pháp khác nhau và cũng không thể nhồi cục đôi ba tôn chỉ, làm ra một đạo giáo chung. Điều kiện này rất cần thiết cho hành giả theo dõi một con đường duy nhứt, khỏi bị xu hướng cũ trói buộc, che án làm cho tâm hoài nghi, do dự, mất chí cương quyết, thì mọi việc phải hư hỏng.
Bởi thế nên thọ tam quy ‒ ngoài sự cầu xin phó thác tánh mạng cho Phật, Pháp, Tăng – có nghĩa là từ đây tới giờ phút cuối cùng, nguyện không xu hướng theo một tín ngưỡng nào khác. Đức Phật có định người thuộc đạo giáo khác tập sự bốn tháng, trước khi được thâu nhận cho xuất gia, để người ấy có thì giờ khảo cứu, dò xét và cân phân chu đáo, hầu so sánh Phật giáo với đạo giáo của mình, rồi tự do định đoạt, không ai ép buộc.
Nếu nhận định rằng đạo giáo của mình không thể sánh kịp giáo pháp của Phật Gotama, mà còn thương tiếc đường lối cũ, hoặc muốn lợi dụng cái mới chế biến cái cũ, người như thế ấy – đã gặp cái hay mà không can đảm rứt bỏ được cái dở – không phải là bực trí tuệ; dầu có vào làm cận sự nam hay nữ hoặc xuất gia đầu Phật, cũng không nên trò: người không chơn chánh, khó gặp đạo chánh.
Tu giới (Sīla) – Người tại gia phải nghiêm trì ngũ giới hoặc bát quan trai. Nếu hành đạo có kết quả hoặc muốn dọn đường xuất gia, có thể tự ý nguyện thọ thập giới. Bực xuất gia như sa di phải thọ thập giới; tỳ khưu phải thọ cụ túc giới (227 điều luật).
Giới nào cũng có năng lực đem lại kết quả tốt đẹp cho định. Nếu giới thọ trì được tinh nghiêm, tại gia cũng như xuất gia, có thể đắc đạo quả tứ thánh, từ Tu-đà-huờn đến A-la-hán, như nhau. Nhưng về thực tế, cư sĩ khó bì với bực xuất gia, bởi các ngài hết bận việc đời. Mà nếu các ngài dể duôi, không tinh tấn công phu hành đạo, lâu ngày giới cũng lem luốc và có khi cũng bán đồ nhi phế. Giới sanh định, mà định cũng nâng đỡ giới. Giới không định thì giới cũng khó giữ được trong sạch. Các nhà sư ở chùa không thể sánh kịp những vị thiền sư ở rừng núi thanh vắng, vì ở chùa náo nhiệt ồn ào, lại thường ngày bị gió trần lung lạc.
Người cư sĩ, còn bận rộn với gia đình thế sự, khó mà gìn giữ giới cho hoàn toàn chu đáo. Ai chuyên trì được trong sạch, kinh nghiệm đã cho thấy rằng cuộc đời dần dần được thanh thoát an vui. Nếu có chí giải thoát nên sắp đặt gia đình yên nơi yên chỗ, ký thác việc nhà cho người chăm nom, tìm nơi thanh vắng hành thiền tu huệ, hoặc xuất gia ẩn dật chuyên lo tu niệm, thì con đường giải thoát ở trước mắt.
Giới có năng lực diệt trừ tham lam ít kỷ, cho nên người thọ giới phải luôn luôn bố thí để giảm lần bỏn xẻn. Bố thí có nghĩa rộng lớn bao la: tùy khả năng, tùy hoàn cảnh, tùy phương tiện, dùng của, dùng công, dùng lời đạo đức, để đền ơn, đáp nghĩa, làm lành, xử phải, chẩn cô, tế bần, tóm lại là làm mọi phận sự đối với cha mẹ, thầy tổ, vợ con, thân bằng, quyến thuộc, đồng bào, chủng tộc, muôn loài vạn vật.
Tu định (Samāthi) – Định có năng lực diệt trừ sân hận, oán thù. Về pháp môn này xin xem kinh Chánh Định (Samāthi), Thanh Tịnh (Visuddhi), Bát Chánh Đạo (Ariyamagga), v.v... Đây chỉ là nói sơ lược.
Tu định có 40 phương pháp, ví như 40 vị thuốc để tùy theo căn bịnh, giải độc cho hành giả. Bốn chục pháp thiền định chia ra 7 phần:
1) 10 pháp kāsina (dùng đất, nước, lửa, gió, hư không, ánh sáng, màu xanh, vàng, đỏ, trắng làm đề mục).
2) 10 pháp āsubha là mười thứ tử thi.
3) 10 pháp anusati là niệm Phật, Pháp, Tăng, giới, bố thí, chư Thiên, sự chết, thân thể, hơi thở, Niết-bàn.
4) 4 pháp Brahmavihāra là rải tâm từ, bi, hỷ, xả đến tất cả chúng sanh.
5) 4 pháp arūpa (đề vô-sắc: hư không, thức, vô hữu sở, phi phi tưởng).
6) 1 pháp vavatthāna (tứ đại trong thân thể).
7) 1 pháp saññā (tưởng vật thực là ô trược).
Trong 40 pháp thiền định nói trên, hành giả phải biết lựa pháp nào hạp với tánh nết của mình, mà hành theo mới có kết quả. Mỗi người có sáu tánh nết, nặng nhẹ, tự mình biết lấy: Có nhiều người ái dục, nhiều sân hận, nhiều si mê, nhiều tính tin, nhiều tính giác, nhiều tính tầm.
Nếu ái dục nhiều, phải lựa pháp đối chọi là: 10 pháp asubha (10 tử thi) và pháp niệm thân thể (32 thể trược). Nếu sân hận nhiều, phải lựa pháp đối chọi là: 4 pháp Brahmavihāra (rải lòng từ, bi, hỷ, xả) và 4 đề mục: vàng, xanh, đỏ, trắng trong pháp kasina. Nếu si mê nhiều thì niệm hơi thở, trong pháp anusati. Nếu tính tin nhiều, thì niệm 6 đề mục: Phật, Pháp, Tăng, giới, bố thí, chư Thiên trong pháp anusati. Nếu tính giác nhiều thì niệm: sự chết, Niếtbàn trong pháp anusati, và đề mục tứ đại trong thân thể
(vavatthāna). Nếu tính tầm nhiều, thì niệm hơi thở
(anusati). Còn lại 10 pháp: 6 pháp về đất, nước, lửa, gió, hư không, ánh sáng, trong kasma và 4 pháp aruga, đều hạp đủ cả tính nết.
Thiền định là phương pháp cột trói tâm cho an trụ trong một đề mục, không cho vọng chuyển, phóng túng theo trần cảnh, quyến luyến trong tam giới; cũng như thuốc để chữa các chứng bịnh trầm kha của tâm, nhất là năm tùy phiền não, hằng làm cho tâm tối mê, lầm lạc, vui thích trong luân hồi, không nhàm chán trong sanh già đau chết, không thấy rõ Tứ đế, Đạo quả và Niết-bàn. Năm tùy phiền não ấy, gọi là năm pháp cái, cũng gọi là vật thực mê thích của tâm là:
1) Kāmacchanda - tham dục: bao hàm cả tình dục, xan tham, nguyện cầu, ganh tỵ, không hoan hỷ, không tri túc. Các phiền não này, khi phát sanh lên, làm cho tâm tối mê, không thấy rõ tội phước, không phân biệt phải quấy; ví như nước bị pha nhiều màu sắc, không thể soi thấy bóng được.
2) Byāpāda - thù oán: phiền não này làm cho tâm không vừa lòng, nóng nảy, bực tức, xốn xang, hết biết tội lỗi; ví như nước sôi, không thể soi thấy bóng được.
3) Thīnamiddha - giãi đãi: phiền não này làm cho tâm dã dượi, biếng nhác, tiều tụy; ví như nước bị rong rêu che áng, không thể soi thấy bóng được.
4) Uddhaccakukkucca - phóng dật: phiền não này làm cho tâm vọng móng theo trần cảnh, buông lung theo việc ác, trồi sụt, tới lui, không yên lặng; ví như nước bị gió thổi thành sóng lưỡi búa, không thể soi thấy bóng được.
5) Viccikiccha - hoài nghi: phiền não này làm cho ngờ vực, không quyết định; ví như nước đục, có nhiều cặn cáo, không thể soi thấy bóng được.
Năm tùy phiền não nói trên cũng gọi là năm pháp cái (che lấp) con đường giải thoát. Chỉ có thiền định mới thiêu hủy được năm chướng ngại ấy, bởi nhờ thiền định mà hành giả rèn luyện được năm pháp lành để vượt khỏi những chướng ngại ấy. Năm pháp lành ấy gọi là năm chi thiền:
1) Vitakka - tầm (giác chi): là trạng thái tâm bắt lấy đề mục thiền định, làm cảnh giới. Tầm có năng lực diệt trừ hoài nghi.
2) Vicāra - tứ hay sát (quán chi): là sự quan sát, suy nghĩ của tâm trong đề mục. Sát diệt hôn trầm hay giãi đãi.
3) Pīti - phỉ lạc (phỉ chi): là trạng thái thân tâm no đủ, vui sướng, nhẹ nhàng, mát mẻ trong đề mục. Phỉ diệt sân hận hay thù oán.
4) Sukkha - an tịnh (tịnh chi): là thân tâm an vui, thơ thới do phỉ phát sanh. Tịnh diệt phóng dật hay phóng tâm.
5) Ekaggatā - định (nhứt tâm chi): là tâm yên lặng trong một cảnh giới của đề mục. Định diệt tham dục.
Khi tâm có đều đủ cả năm chi ấy, gọi là đắc sơ thiền (pathamajhāna). Khi tâm được yên lặng, vững vàng thêm lên nữa, dứt bỏ tầm và sát, chỉ còn phỉ, tịnh, định gọi là đắc nhị thiền (dutiyajhāna). Khi tâm càng thêm an tịnh, cực lành, dứt bỏ thêm phỉ, chỉ còn tịnh, định gọi là đắc tam thiền (tatiyajhāna). Khi tâm càng thêm an tịnh sâu xa thêm nữa, vô ký trong cảnh giới, dứt an tịnh biến thành xả và định gọi là đắc tứ thiền (cattuthajhāna).
Tóm lược vài dòng cả 4 pháp thiền định, tạm miêu tả, một cách vụng về, con đường hành trình của chư Thinh văn, Duyên giác và Chánh đẳng Chánh giác, mà đức Phật Gotama đã chỉ dạy rành rẽ trong Tam tạng Pháp bảo cho người Phật tử có chí nguyện giải thoát noi theo để tiến lần đến nơi vô sanh bất diệt.
Trong giới Phật tử, từ bực xuất gia đến hàng cư sĩ, khi học qua môn thiền định và trong lúc cố gắng tìm hiểu để thực hành, năm chướng ngại trong tâm thường phát khởi lên che lấp, khiến cho họ ngờ vực, giãi đãi, ngã lòng; bởi thiền định là pháp trói cột tâm không cho thao túng, lặn hụp trong ngũ dục, lẽ tất nhiên tâm phải viện đủ lẽ để thoái thác.
Nguyện vọng của tác giả là khêu gợi để giục lòng những tâm hồn mộ đạo, dứt bỏ tập quán và các sự ỷ lại nơi thần linh, tìm đường theo dõi Phật Gotama, tận cửa chơn lý, mà Ngài đã rộng mở cho chúng ta từ hơn 2.000 năm qua.
Tu huệ (Paññā) - Tuệ có năng lực diệt trừ si mê. Tu thiền định được kết quả, tâm vắng lặng, an trụ, cực lành, đè nén được năm tùy phiền não nói trên, như nước lóng cặn bùn dưới đáy lu, có thể soi thấy bóng được. Nhờ lìa khỏi năm pháp che lấp, tâm trở nên linh hoạt, sáng suốt. Vừa khi xả thiền, hành giả bắt qua tu pháp vipassanā (minh sát tuệ) cho trí tuệ tăng trưởng thêm lên, nghĩa là dùng tâm sáng suốt ấy, như cái gương soi đã được lau chùi trắng trong, không còn dính chút bợn nhơ nào, để soi cho thấy lý vô thường, khổ não, vô ngã của danh sắc, lục nhập, lục căn, tứ đại.
Mỗi ngày mỗi rèn luyện như thế ấy, tùy theo năng lực của mỗi bực thiền định, tuệ giác lần lần khai thông, hành giả thấu rõ thật tướng của danh sắc, lục nhập, tứ đại, đoạn tuyệt: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tình dục, sân hận, sắc dục, vô sắc dục, ngã mạn, phóng dật, vô minh, là 10 loại sử trói buộc tâm chúng sanh trong luân hồi. Diệt được 5 loại sử đầu tiên thì chứng đạo quả, từ Tu-đà-huờn đến Ana-hàm, đoạn tuyệt luôn cả 5 sử sau chót, thì chứng đạo quả A-la-hán, tức đến Niết-bàn.
Đó là con đường giải thoát của Phật Gotama đã tự mình tìm kiếm, với bao nhiêu nhẫn nại hy sinh, và nhờ Ngài chỉ dạy phân minh, nên được vô số người đã thành đạo chứng quả. Chư Thinh văn La-hán đã kết tập để lại cho hàng tăng bảo nối tiếp nhau truyền thụ cho hậu thế.
Trên đây cũng chỉ tạm lược phần tu huệ, để cho các bạn có chí nguyện giải thoát, biết chút quan niệm thô sơ về những chi tiết tế nhị để thực nghiệm Bát chánh đạo, là con đường duy nhất đưa người từ bến mê tân đến bờ giác ngộ.
Sau khi nghiên cứu những giáo lý của đức Thế Tôn trong kinh điển Pāḷī, các bạn mới có thể so sánh Tiệm giáoBảo thủ với Đốn giáo-Tân Tiến.
Tóm lại giới, định, huệ nào có xa lạ với chúng ta, và chúng ta quá hãnh diện với giả thuyết của các vị Tổ sư Ấn Độ, Tàu, Nhựt rồi khinh thường Bát chánh đạo của Phật Tổ Gotama.
Vì thích Đốn giáo, chúng ta bỏ giới, chấp định, là hai nấc thang đầu tiên, cứ lo biện luận triết lý huyền học, để cầu cho mau liễu đạo siêu sanh. Nhiều khi chúng ta đã chạm trán vô bức tường “bất khả tư nghì” sững vững, choáng váng, nửa say nửa tỉnh, như người nhảy dù, từ mây xanh sa xuống đất. Bi kịch đã diễn ra từ mấy thế hệ, mà chưa thấy ai tỉnh ngộ, vẫn lo ‘đốn’ hoài. ‘Đốn’ từ Ấn Độ, Cao Ly,Trung Hoa, Nhựt Bổn, cho đến ngày nay rừng thiền trở thành một cánh đồng không mông quạnh, hoang vu, với bao nhiêu tàn tích sụp đổ, vùi lấp dưới đám cỏ gai, mà cũng chưa thấy ngộ những gì hơn là tà kiến dị đoan.
Ấn Độ, Cao Ly, Trung Hoa, Nhựt Bổn, cũng như Việt Nam, đương sống những ngày tàn tạ của Phật giáo Tân Tiến, mà khi nghe nói đến giáo lý của Phật Tổ Gotama, ai ai cũng trề môi khinh bỉ cho là Tiểu thừa. Còn nói đến giới, định, huệ thì họ rùng mình rởn ốc, như sợ thú dữ; là vì đã có người mạo hiểm luyện theo Dù-già, Huyền-diệu-cảnh, Ấn chú, mà không rành cách thức, bị lửa hỏa dầu thiêu đốt tim phổi, hoặc ma quỷ điều khiển tâm; thay vì luyện ra thuốc trường sanh bất lão, trở lại mang bịnh ho lao, thổ huyết, loạn óc, khùng điên, vô phương cứu chữa. Trước những kinh nghiệm tai hại như thế, ai lại không ghê sợ.
Xin chư độc giả an lòng, và nên biết rằng nơi đâu có người hành đúng theo đường lối của Phật Gotama chỉ dạy, thì nơi đó vẫn có người ngộ đạo, chứng quả, như lúc Phật còn tại thế. Hiện giờ ai muốn gặp bậc đã vào vòng Thánh vức, cũng có thể gặp được. Tu đúng theo Bát chánh đạo chắc chắn không bị sai lạc qua bàng môn tà đạo, không ngây cuồng, không loạn óc, mà càng ngày càng minh mẫn, sáng suốt, càng thấu rõ chơn lý.
Phật Gotama còn chỉ dạy tỉ mỉ cách phân biệt chánh định với tà thiền. Nhờ đó mà hành giả tránh khỏi nguy hại của tà đạo. Có năm cách phân biệt chánh tà, gọi là ấn chứng của chánh định: Ánh sáng như trời chớp, thân tâm mát mẻ, da nổi ốc, như sóng tạt vào mình, thân tâm nhẹ như được bay bổng lên hư không. Trong lúc công phu, nếu hành giả gặp triệu chứng nào khác hơn năm ấn chứng nói trên, nên biết đó là Ma vương, nên rứt bỏ, hoặc xả thiền, nghỉ ngơi rồi tiếp tục.
Nói cho đúng ra chỉ có người, đã theo đường lối của đức Phật mà còn nuôi nhiều tà vọng, mới gặp Ma vương cám dỗ: bằng nhứt tâm theo Phật thì chẳng bao giờ lạc ra khỏi chánh định.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.