HIỂU BIẾT TRỌN VẸN
Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng
Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính
Sư Khánh Hỷ soạn dịch
09. ĐỀ MỤC HÀNH THIỀN CỦA RĀHULA
Các bạn đều biết Rāhula là con trai của Đức Phật. Trong đêm Rāhula sinh ra, Bồ Tát đã rời bỏ gia đình. Ngài đã bỏ tất cả lại sau lưng, tìm đường chấm dứt khổ đau, đạt thành quả Phật, để có thể giúp đỡ chúng sinh giải thóat vòng luân hồi tái sinh như Ngài. Sau khi đạt quả vị Phật, Ngài giảng giải Giáo Pháp giúp đỡ chúng sinh biết cách tu tập để thóat vòng sinh tử. Đức Phật đã ở trong rừng sâu sáu năm, và cuối năm thứ sáu Ngài đạt quả Phật vào ngày rằm tháng tư âm lịch.
RĀHULA XUẤT GIA
Đúng một năm sau khi thành đạo, Đức Phật trở về quê hương của mình. Bảy ngày sau khi trở về cung điện, lúc Ngài dùng cơm trưa, Yasodharā người vợ trước đây của Ngài, bảo với Rāhula đến gặp Ngài để xin của thừa kế. Lúc bấy giờ Rāhula được bảy tuổi, Yasodharā chỉ Đức Phật và nói với Rāhula:
“Đấy là cha của con, con hãy đến và xin gia sản thừa kế của Ngài”.
Cậu bé Rāhula đến gần Đức Phật hỏi gia tài thừa kế trong khi Ngài đang dùng cơm. Đức Phật im lặng, không nói gì cả. Sau khi dùng cơm xong, Đức Phật đứng dậy đi ra, và cậu bé đi theo sau Ngài, kiên trì hỏi xin tài sản. Lúc đến chùa, Đức Phật nói Sāriputta, người học trò đầu đàn của Đức Phật, xuất gia cho Rāhula. Đức Phật nói rằng:
“Rāhula đã hỏi xin tài sản từ Như Lai, tài sản mà ta có thể trao cho Rāhula là tài sản tinh thần, đó là trở thành một Nhà Sư”.
Thế là Sāriputta trở thành người hướng dẫn cho Rāhula xuất gia.
RĀHULA HÀNH THIỀN
Sau khi xuất gia, Rāhula nhiều lần nhận được những lời dạy dỗ của Đức Phật. Đức Phật đã dạy cho Rāhula nhiều lần về tư cách tốt đẹp và phương pháp thực hành để có tư cách tốt đẹp. Khi Rāhula được mười tám tuổi. Một hôm, trong lúc đang theo sau lưng Đức Phật để khất thực trong thành phố Sāvatthi, Rāhula nhìn Đức Phật lấy làm hài lòng về dáng vẻ của Ngài, và nghĩ rằng:
“Đức Phật thật đẹp trai, ta cũng vậy, bởi vì ta là con của Ngài”.
Như vậy là Rāhula đã luyến ái và dính mắc vào cơ thể hay vào dáng vẻ của mình. Đức Phật trong khi đi khất thực biết được suy nghĩ của Rāhula. Đức Phật thấy rằng tư tưởng luyến ái đã khởi sinh trong Rāhula, nếu không chấm dứt ngay sẽ đem lại nhiều đau khổ cho Rāhula. Bởi vậy, Đức Phật quay lại và nói với Rāhula:
“Rāhula, yếu tố đất, dù trong hiện tại hay trong quá khứ, dù ở trong hay ở ngoài, thô hay tế, cao hay thấp, gần hay xa, dù cho nó có thế nào đi nữa con cũng phải nhìn nó với sự hiểu biết thật sự rằng: nó không phải là của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta.” Nghe Đức Phật nói thế, Rāhula hỏi:
“Bạch Ngài chỉ có đất là như thế thôi sao?”.
Đức Phật nói:
“Không Rāhula, các yếu tố khác cũng phải được nhìn như vậy”.
Nhận sự chỉ dạy của Đức Phật, Rāhula tự nghĩ: hôm nay ta nhận lời khiển trách trực tiếp từ đức Phật, vậy thì không nên đi khất thực nữa. Thế là Rāhula đi trở về, ngồi xếp bằng, lưng giữ thẳng, sẳn sàng để hành thiền. Khi Rāhula đang ngồi dưới cội cây để hành thiền, đại Đức Sāriputta lúc bấy giờ đi từ chùa ra để khất thực.
Theo lịch sử để lại thì Đại Đức Sāriputta chỉ đi khất thực sau khi Đức Phật đã đi khất thực trước rồi. Đại Đức Sāriputta chẳng bao giờ đi khất thực cùng với Đức Phật bởi vì Đại Đức muốn xem xét lại tất cả mọi chuyện trong chùa, xem thử chùa có được giữ gìn sạch sẽ không? Nếu trong chùa có thứ gì không được sạch, hay không được ngay ngắn Đại Đức đều sửa lại. Nếu có rác dơ Đại Đức sẽ quét dọn sạch sẽ. Lu không đủ nước thì đại Đức sẽ đổ cho đầy trước khi đi khất thực. Sau khi chăm sóc chùa sạch sẽ, ngăn nắp đại Đức mới đi bát sau.
Như vậy, Đại đức chỉ đi bát sau khi Đức Phật đã rời chùa đi vào thành phố. Khi đại Đức Sāriputta thấy Rāhula ngồi sẵn sàng để hành thiền, Đại Đức nói với Rāhula:
“Rāhula, hãy chánh niệm vào hơi thở, chánh niệm vào hơi thở sẽ đạt được kết quả lớn, lợi ích lớn”.
Ngày hôm đó, Rāhula không nhận được chút thức ăn nào, Rāhula đã nhịn đói nguyên ngày. Tối hôm đó, khi ra khỏi chỗ an cư, Rāhula đến gặp Đức Phật và nói với Ngài:
“Bạch Ngài, tại sao con phải chánh niệm vào hơi thở để đạt kết quả tốt?”.
Đức Phật không chỉ ngay cho Rāhula về niệm hơi thở, nhưng Ngài tiếp tục bài pháp buổi sáng. Đức Phật dạy:
“Đây là yếu tố đất, yếu tố đất có thể ở trong, ở ngoài v.v...”
Rồi Ngài chỉ một số bộ phận của cơ thể, nơi đó yếu tố đất trội hơn cả như tóc, lông, móng, răng, da...”
Đức Phật lại nói rằng:
“Có những đất bên ngoài, và dù cho chúng ở ngoài hay ở trong cũng chỉ là yếu tố đất thôi. Đối với yếu tố đất con phải có sự hiểu biết đúng đắn và hiểu rằng đó không phải là của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi.”
Đức Phật nói đến những yếu tố khác, như yếu tố nước, yếu tố lửa, gió, hư không v.v...
Rồi Đức Phật nói với Rāhula:
“Này Rāhula, hãy phát triển tâm giống như đất cho dù người ta ném vật gì trên đất, vật sạch, vật dơ, nước miếng, nước mũi, đờm dãi, mủ máu, nước tiểu v.v... Dù cho người ta vất những vật dơ như vậy trên đất, đất cũng không ghê tởm, đất không bị quấy rối. Cũng vậy con phải hành thiền giống như đất.”
Đức Phật nói như vậy, bởi vì Ngài muốn Rāhula phát triển tâm quân bình, không chao động. Có nghĩa là dù cho gặp đối tượng tốt đẹp hay không tốt đẹp cũng phải giữ tâm quân bình, không thích đối tượng đáng yêu và không ghét đối tượng không đáng yêu. Đức Phật muốn Rāhula phát triển tâm không thiên vị, nên Ngài dạy Rāhula hành thiền như đất, như nước.
“Mọi người dùng nước để rửa mọi thứ, vật sạch, vật dơ, ngay cả máu, mủ v.v... nhưng nước không cảm thấy ghê tởm những vật này. Vậy nước có sự khoan dung, đại lượng. Cũng vậy, con phải có thái độ như vậy đối với vật tốt hay xấu”.
Và Đức Phật dạy:
“Con phải hành thiền hay phát triển tâm giống như lửa. Lửa đốt mọi thứ dù sạch, dù dơ nhưng lửa vẫn khoan dung, độ lượng Con phải hành thiền hay phát triển tâm giống như gió. Gió thổi bay mọi thứ: dù sạch, dù dơ nhưng gió vẫn khoan dung, độ lượng. Con phải thực tập như không gian, không gian không dính mắc vào bất kỳ điều gì. không có dấu chân nào trên không gian. Con phải giống hư không gian, không gian không dính mắc vào bất kỳ điều gì.”
Đức Phật đã khuyến khích Rāhula thực hành những điều trên và dạy cho Rāhula hành thiền trên vật chất, lấy yếu tố vật chất làm đề mục hành thiền. Ở đây là lấy năm yếu tố đất, nước, lửa, gió, hư không làm đề mục hành thiền. Đôi khi Đức Phật nói đến bốn yếu tố đất, nước, lửa, gió. Nhưng trong bản kinh này Đức Phật nói đến năm yếu tố. Trong những bài pháp khác Đức Phật nói đến sáu yếu tố. Như vậy, Đức Phật tùy theo nơi mà nói đến những yếu tố nhiều, ít khác nhau. Hôm nay Đức Phật dạy Rāhula năm yếu tố.
Khi Rāhula hỏi Đức Phật về thiền hơi thở. Ngài đã không trả lời ngay vào câu hỏi của Rāhula mà dạy về đề mục đất, rồi Ngài tiếp tục hướng dẫn Rāhula thực hành niệm tâm từ (metta) để loại trừ tâm sân hận (dosa). Sau đó Ngài dạy cho Rāhula phát triển tâm bi để loại trừ tâm hung bạo, tâm hỉ để loại trừ tâm ganh tỵ (không thích kẻ khác có của cải hơn mình, không thích sự thành công của kẻ khác). Cuối cùng, Ngài dạy cho Rāhula tâm xả (Upekkha) để loại trừ tâm ác cảm, tâm không thân thiện. Đức Phật dạy tiếp:
“Con cũng phải chánh niệm về sự ô trược cơ thể”.
Đức Phật dạy Rāhula đề mục ô trược để loại trừ sự dính mắc vào cơ thể. Tiếp theo đó Ngài cũng dạy:
“Con cũng phải quán sát ý niệm về vô thường.”
Có nghĩa là cố gắng nhìn thấy sự vật là vô thường. Thực tập như thế sẽ loại trừ được tâm tự hào, tâm kiêu mạn về chính mình và những gì mà mình có. Khi bạn biết rằng chính mình là vô thường, tạm bợ, không bền vững, thì sẽ khiến cho tâm kiêu mạn bị loại trừ. Bao lâu bạn chưa thấy được sự vô thường của vật chất và tâm của chính mình thì bạn vẫn còn có sự kiêu mạn, tự phụ, tự cao, tự đại.
Như vậy, Đức Phật dạy cho Rāhula thực hành ý niệm về vô thường. Có nghĩa là Đức Phật dạy cho Rāhula hành Thiền Minh Sát, thấy rõ các hiện tượng vật chất và tâm là vô thường. Cuối cùng Đức Phật dạy:
“Rāhula, hãy chánh niệm vào hơi thở, thực hành niệm hơi thở con sẽ đạt được những kết quả lớn, và con phải thực hành theo cách này”.
Tiếp theo đó, Đức Phật dạy mười sáu cách chánh niệm trên hơi thở.
Vào đoạn cuối của bài pháp Đức Phật dạy:
“Nếu con thực hành chánh niệm trên hơi thở thường xuyên, vào lúc chết con sẽ chết một cách chánh niệm”.
Nhưng điều mà Đức Phật muốn nói ở đây là chỗ cuối cùng hay chấm dứt của hơi thở vào và hơi thở ra. Phải biết cái chỗ chấm dứt của hơi thở vào và hơi thở ra, có nghĩa là chúng ta phải hành thiền cho đến giây phút cuối cùng. Điều này có nghĩa là phải chánh niệm trên hơi thở một cách thường xuyên.
Như vậy, trong bài kinh này, Đức Phật khích lệ Rāhula thực hành nhiều loại thiền, nhưng trong kinh không nói Ngài dạy Rāhula phải hành thiền như thế nào, và làm thế nào để thực hành những loại thiền khác. Đức Phật chỉ hướng dẫn chi tiết về niệm hơi thở thôi. Thông thường khi Ngài chấm dứt bài pháp, người nghe đắc quả; nhưng Rāhula không đắc quả, Rāhula chỉ hoan hỉ với những gì Đức Phật dạy. Về sau, khi Rāhula trở thành một Nhà Sư (thọ đại giới) chưa đầy một hạ, Đức Phật giảng cho Rāhula một bài pháp khác và Rāhula đắc quả A La Hán.
Trong bài này Đức Phật đã dạy Rāhula bao nhiêu cách hành thiền?
Yếu tố đất. Yếu tố nước. Yếu tố lửa. Yếu tố gió. Yếu tố hư không. Từ, Bi, Hỉ, Xả. Cơ thể ô trược. Vô thường và hơi thở.
Nếu ta gồm năm yếu tố vật chất (đất, nước, lửa, gió, hư không) và tính là một loại (thiền về vật chất) thì Đức Phật đã dạy cho Rāhula tám loại thiền: vật chất, từ, bi, hỉ, xả, ô trược, vô thường, và niệm hơi thở.
THỰC HÀNH THIỀN MINH SÁT
Các bạn nên ghi nhớ điều này: khi đọc những cuốn sách nói về hành thiền bạn thường thấy sách viết tùy theo tâm tánh của từng người mà thiền Sư cho cho các đề mục hành thiền thích hợp. Chúng ta thường dính mắc vào câu này. Nếu bạn là người có nhiều tham ái, bạn hành thiền về cơ thể ô trược. Đúng vậy, nhưng điều này không có nghĩa là bạn không thích hợp với những đề mục hành thiền khác. Chỉ đối với một số người có tâm tánh thế nào đó mới cần phải hành thiền những phương pháp tương hợp, nghĩa là loại đề mục hay là loại thiền nào thích hợp với những người tâm tánh như vậy. Nhưng không có nghĩa là đề mục này không tốt cho những người có tâm tánh khác.
Chúng ta có thể thấy ở đây, chỉ một mình Rāhula, Đức Phật dạy đến tám loại thiền khác nhau. Như vậy, khi thực hành chúng ta có thể thực hành bất kỳ loại thiền nào. Có bốn mươi đề mục thiền vắng lặng, chúng ta có thể thực tập đề mục nào cũng được. Nhưng theo những lời chỉ dẫn trong chú giải, bạn có thể tìm xem mình thuộc loại tâm tính nào? Đây là một điều khó. Mặc dầu chú giải nói đến sáu loại tâm tánh, nhưng sáu loại này lẫn lộn với nhau. Do đó, có rất nhiều loại tâm tánh chứ không phải chỉ có sáu loại. Tìm xem mình thuộc loại tâm tính nào không phải là chuyện dễ dàng.
Hiện nay, lúc hành thiền phần đông đều chú tâm vào hơi thở ở mũi hay quán sát sự chuyển động của bụng. Có người chỉ trích rằng chúng ta đã cho mọi người hành thiền cùng một đề mục giống nhau mà không tùy theo tâm tính mỗi người mà cho đề mục thích hợp. Nhưng bài pháp này cho ta thấy rằng: mọi loại thiền đều tốt. Chúng ta có thể hành thiền loại nào cũng được. Không có loại thiền nào không làm suy giảm phiền não, không có loại thiền nào không làm gia tăng thiện tâm.
Như vậy, dù hành loại thiền nào đi nữa nếu chúng ta thực hành một cách tích cực với nỗ lực tinh tấn thì sẽ gặt hái được kết quả tốt. Hiện nay dường như mọi người đều thực hành hoặc niệm hơi thở hoặc chú tâm vào chuyển động của bụng. Nhưng nếu muốn thì bạn có thể thực hành những loại thiền khác. Loại thiền mà chúng ta đang thực hành đây là Thiền Minh Sát hay Tứ Niệm Xứ. Đây là loại thiền thiết lập chánh niệm hay cố gắng thấy rõ ba đặc tính của vật chất và tâm. Bởi vì mục đích của hành Thiền Minh Sát không phải để đạt được các tầng thiền hay để có thần thông, nhưng là để loại trừ phiền não trong tâm.
Để thanh lọc phiền não chúng ta cần phải thấy ba yếu tố vô thường, khổ, và vô ngã của vật chất và tâm hay còn gọi là thấy những đặc tính chung của các pháp có điều kiện. Một khi thấy được ba đặc tính của vật chất và tâm, chúng ta sẽ không còn ảo tưởng về các hiện tượng có điều kiện nữa. Do không còn có ảo tưởng hay không hiểu sai về các hiện tượng có điều kiện này, chúng ta sẽ không dính mắc vào vật chất và tâm nữa, và cuối cùng giác ngộ chân lý hay loại trừ mọi ô nhiễm trong tâm.
KẾT LUẬN
Như vậy, chúng ta phải ghi nhớ rằng, mỗi loại thiền đều đem lại lợi ích ít nhiều cho người thực hành, nhưng bạn muốn theo lời chú giải cũng được, bạn có thể lựa chọn loại thiền nào mà bạn nghĩ rằng thích hợp hay tương ứng với tâm tánh của bạn.
Nhưng dầu tâm tánh của bạn là gì đi nữa, khi bạn hành Thiền Minh Sát nếu bạn hành đúng cách, nỗ lực tinh tấn thì bạn sẽ thấy rõ chân tướng của sự vật. Khi thấy rõ chân tướng của sự vật sẽ dẫn bạn đến chỗ thấy rõ Tứ Diệu Đế, bốn chân lý cao thượng. Khi thấy rõ Tứ Diệu Đế thì cùng lúc bạn thanh lọc được phiền não.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.