NỀN-TẢNG-PHẬT-GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN III
PHÁP-HÀNH GIỚI (SĪLĀCĀRA)
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ-Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita)
ĐIỀU-GIỚI THỨ 8: TRÁNH XA CÁCH SỐNG TÀ-MẠNG
Micchājīvā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Nghĩa từng chữ:
* Micchājīvā: Micchā + ājīvā
- Micchā: Sai lầm, tà.
- Ājīvā: Sinh-mạng.
- Micchājīvā: Cách sống tà-mạng.
* Veramaṇisikkhāpadaṃ: Veramaṇī + sikkhāpadaṃ.
- Veramaṇī: Tác-ý tránh xa.
- Sikkhāpadaṃ: Điều-giới, giới.
* Samādiyāmi: Con xin thọ trì.
Nghĩa toàn câu
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa cách sống tà-mạng.
GIẢNG GIẢI VỀ SỰ TRÁNH XA CÁCH SỐNG TÀ-MẠNG
Micchājīvā là cách sống tà-mạng, nghĩa là nuôi mạng bằng thân hành 3 ác-nghiệp, khẩu nói 4 ác-nghiệp.
- Thân hành 3 ác-nghiệp là ác-nghiệp sát-sinh, ác- nghiệp trộm-cắp, ác-nghiệp tà-dâm gọi là tà-nghiệp.
- Khẩu nói 4 ác-nghiệp là ác-nghiệp nói dối, ác- nghiệp nói lời chia rẽ, ác-nghiệp nói lời thô tục, ác-nghiệp nói lời vô ích gọi là tà-ngữ.
Người nào sống bằng những thứ vật dụng như y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh, v.v... là những thứ nhu cầu cần thiết cho cuộc sống hằng ngày được tạo ra bằng tà-nghiệp (thân hành ác), tà-ngữ (khẩu nói ác), thì người ấy gọi là người sống tà-mạng (micchājīvā).
* Người sống tà-mạng do làm 5 nghề buôn bán như:
1- Satthavāṇijjā: Làm nghề buôn bán vũ khí giết hại chúng-sinh.
2- Sattavāṇijjā: Làm nghề buôn bán người để làm nô lệ, làm tôi tớ, buôn bán thú vật,...
3- Maṃsavāṇijjā: Làm nghề giết gia cầm, giết gia súc để bán thịt.
4- Majjavāṇijjā: Làm nghề buôn bán rượu, bia, và các chất-say như thuốc phiện, ma túy, thuốc lá,...
5- Visavāṇijjā: Làm nghề buôn bán các loại thuốc độc giết hại chúng-sinh (người, các loài vật,...).
* Người làm nghề cờ bạc, nghề cá độ ăn thua, nghề lừa đảo, lừa gạt, v.v...
Nếu người nào sống bằng những thứ của cải được tạo ra do những nghề bất lương như vậy thì người ấy gọi là người sống tà-mạng.
Vấn: Điều-giới tránh xa cách sống tà-mạng, mà sống chánh-mạng như thế nào?
Đáp: Người nào tránh xa cách sống tà-mạng là hoàn toàn tránh xa tà-nghiệp do thân hành 3 ác-nghiệp, tránh xa tà-ngữ do khẩu nói 4 ác-nghiệp, tránh xa 5 nghề buôn bán làm khổ chúng-sinh, tránh xa nghề cờ bạc, nghề cá độ ăn thua, nghề lừa đảo, lừa gạt, v.v... rồi sống theo chánh-mạng là sống bằng những thứ của cải được tạo ra một cách hợp với thiện-pháp bằng chánh-nghiệp do thân hành 3 thiện-nghiệp, bằng chánh-ngữ do khẩu nói 4 thiện-nghiệp, người ấy gọi là người sống chánh-mạng.
Vấn: Trước kia, một người nào chưa hiểu biết cách sống chánh-mạng mà sống tà-mạng. Người ấy đã tạo ra những của cải bằng tà-nghiệp do thân hành 3 ác- nghiệp, bằng tà-ngữ do khẩu nói 4 ác-nghiệp, bằng nghề buôn bán bất lương làm khổ chúng-sinh, bằng cách lừa đảo, lừa gạt, v.v...
Về sau, người ấy nghe chánh-pháp, hiểu biết chánh- pháp, người ấy đã tránh xa cách sống tà-mạng, đã từ bỏ cách sống tà-mạng, sống theo chánh-mạng.
Những của cải sự nghiệp như nhà cửa, những thứ vật dụng, đồ dùng, v.v... đã có trước kia được tạo ra bằng tà-nghiệp do thân hành 3 ác-nghiệp, bằng tà-ngữ do khẩu nói 4 ác-nghiệp, hoặc bằng nghề buôn bán bất lương làm khổ chúng-sinh, hoặc bằng nghề lừa đảo, lừa gạt, v.v...
* Người ấy có thể tiếp tục sử dụng những thứ của cải cũ không hợp với thiện-pháp ấy được hay không?
* Nếu người ấy sử dụng những thứ của cải cũ không hợp với thiện-pháp ấy thì có gọi người ấy sống tà-mạng hay không?
Đáp: Sau khi hiểu biết chánh-pháp, người ấy hoàn toàn tránh xa cách sống tà-mạng, từ bỏ cách sống tà- mạng, người tại gia ấy có thể tiếp tục sử dụng những thứ của cải cũ không hợp với thiện-pháp đã có từ trước kia cho đến hết, mà không tạo ra thêm những thứ của cải mới không hợp với thiện-pháp nữa. Người ấy chỉ làm những nghề lương thiện hợp với thiện-pháp mà thôi.
Như vậy, tuy thân của người ấy vẫn còn sử dụng những thứ của cải cũ không hợp với thiện-pháp còn lại, nhưng tâm của người ấy hoàn toàn đã tránh xa tà- nghiệp (do thân hành 3 ác-nghiệp), đã tránh xa tà-ngữ (do khẩu nói 4 ác-nghiệp), đã tránh xa các nghề buôn bán bất lương, tránh xa nghề lừa đảo, lừa gat, v.v...
Như vậy, không thể gọi người ấy sống tà-mạng, mà nên gọi người ấy sống chánh-mạng.
Ví dụ: Trong bộ Chú-giải Pháp-cú, tích ông đao phủ tên Tambadāṭhikacoraghātaka(1), ông hành nghề giết tội nhân trộm cướp theo lệnh của Đức-vua suốt 55 năm để nuôi mạng. Đến khi tuổi già sức yếu, ông xin về hưu.
Một hôm, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đi khất thực, ông thỉnh Ngài Đại-Trưởng-lão vào trong nhà để làm phước bố-thí vật-thực. Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta thuyết pháp tế độ ông.
Sau khi nghe pháp xong, ông thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết- bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Sau khi ông ấy chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện- tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi- sandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭi- sandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tusita (Đâu-xuất-đà-thiên) hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy.
Trong Chú-giải Pháp-cú, tích người thợ săn tên Kukkuṭamitta(1) làm nghề săn bắn thú rừng nuôi sống cả gia đình gồm có người vợ, 7 đứa con trai và 7 đứa con dâu (bà vợ của người thợ săn là bậc Thánh Nhập- lưu từ khi còn con gái). Khi kết hôn với người thợ săn, bà sinh được 7 đứa con trai.
Một hôm, Đức-Phật ngự đến thuyết pháp tế độ người thợ săn cùng với 7 người con trai và 7 người con dâu, toàn gia đình đều trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Từ đó về sau, toàn gia đình đều hoàn toàn tránh xa sự sát-sinh săn thú rừng, vĩnh viễn từ bỏ sự sát-sinh săn thú rừng để nuôi mạng, trở lại hành nghề lương thiện nuôi mạng chân chính, gọi là những người sống chánh-mạng.
Vấn: Một người thích săn bắn thú rừng hoặc thích câu cá,... xem như thú vui tiêu khiển.
Vậy, người ấy có phải sống tà-mạng hay không?
Đáp: Người ấy thích săn bắn thú rừng hoặc thích câu cá, v.v.... xem như thú vui tiêu khiển, không liên quan đến vấn đề nuôi mạng.
Cho nên, người ấy chỉ phạm điều-giới sát-sinh thuộc về tà-nghiệp mà thôi, không phạm điều-giới sống tà- mạng, bởi vì không liên quan đến sự nuôi mạng.
* Tương tự, một người nói-dối lừa gạt người khác cho vui, không liên quan đến vấn đề nuôi mạng, thì người ấy chỉ phạm điều-giới nói-dối thuộc về tà-ngữ mà thôi, không phạm điều-giới sống tà-mạng, bởi vì không liên quan đến sự nuôi mạng.
* Nếu người nào làm nghề sát-sinh để nuôi mạng thì người ấy phạm điều-giới sát-sinh thuộc về tà-nghiệp và cũng thuộc về sống tà-mạng nữa.
* Nếu người nào nói-dối lừa gạt người khác để chiếm đoạt của cải đem về nuôi mạng, thì người ấy phạm điều- giới nói-dối thuộc về tà-ngữ và cũng thuộc về sống tà- mạng nữa.
BẬC XUẤT-GIA SỐNG TÀ-MẠNG
Bậc xuất-gia là tỳ-khưu, sa-di cần phải tránh xa mọi cách sống tà-mạng, sống theo chánh-mạng, phải thực hành theo đúng giới luật mà Đức-Phật đã chế định và ban hành đến chư tỳ-khưu.
Đức-Phật không cho phép vị tỳ-khưu hành nghề thầy thuốc, thầy bói, thầy xem tướng số, v.v... và các ngành nghề khác.
Nếu tỳ-khưu nào làm nghề như vậy, tỳ-khưu ấy bị phạm điều-giới (āpatti). Những thứ vật dụng được phát sinh do hành nghề ấy gọi là những thứ vật dụng không hợp với giới luật của Đức-Phật chế định và ban hành đối với chư tỳ-khưu.
Cho nên, những thứ vật dụng ấy không chỉ vị tỳ-khưu phạm điều-giới ấy không thể sử dụng được, mà còn tất cả chư tỳ-khưu khác cũng không thể sử dụng được. Vị tỳ- khưu ấy chỉ có cách xả bỏ mà thôi.
Đức-Phật chế định những điều-giới đối với tỳ-khưu.
* Tỳ-khưu nào sống tà-mạng thấp hèn, tự khoe khoang pháp của bậc Thánh-nhân mà chính mình không có, tỳ-khưu ấy phạm điều-giới bại-hoại (pārājika) (không còn phẩm hạnh tỳ-khưu nữa).
* Tỳ-khưu nào sống tà-mạng, làm mai mối cho người nam và người nữ kết hôn thành vợ chồng, tỳ-khưu ấy phạm điều-giới hành-phạt (saṃghādisesa) (tuy còn phẩm hạnh tỳ-khưu nhưng là tỳ-khưu phạm giới).
* Tỳ-khưu nào sống tà-mạng, nói gián tiếp trong chùa có vị Thánh-nhân, tỳ-khưu ấy phạm điều-giới nặng (thullaccaya).
* Tỳ-khưu sống tà-mạng, tỳ-khưu không có bệnh xin vật thực ngon để dùng, tỳ-khưu ấy phạm điều-giới sám hối lỗi (pācittiya), v.v...
Để nâng cao đời sống trở nên cao thượng, các bậc xuất-gia và mọi người tại gia nên tránh xa cách sống tà- mạng, nên sống theo chánh-mạng.
-oo0oo-
(1) Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Tambadāṭhikacoraghātakavatthu.
---
(1) Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Kukkuṭamittanesādavatthu.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.