Đây giải về 38 điều Hạnh Phúc mà Đức Thế Tôn là đấng thượng sư tự thuyết ra có ý nghĩa như vầy:
Một hôm nọ, Đức Thế Tôn an ngự tại Kỳ Viên Tự JETAVANᾹRᾹMA, là chùa của ông bá hộ Cấp Cô Độc tạo dâng, gần thành Xá Vệ. Khi ấy, có vị Trời ở dục giới hoài nghi về Hạnh Phúc thuyết, bèn lìa cõi trời bay xuống, vào đảnh lễ đấng Đại Từ, và làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ, đi hữu nhiễu 3 vòng, rồi đứng tại chỗ phải lẽ, kính lễ hỏi về ý nghĩa hạnh phúc rằng:
KIṂ MAṄGALAṂ BHANTE BHAGAVᾹ = Ngưỡng bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là hạnh phúc sự tiến triển của tất cả chúng sanh?
Khi ấy, Đức Phật giải đáp về hạnh phúc bằng những kệ ngôn như vầy:
Điều hạnh phúc thứ mười
SUBHᾹSITᾹCAYᾹVᾹCᾹ: Lời nói chơn chánh ngay thẳng hiệp theo sự lợi ích gọi là hạnh phúc cao thượng.
VẤN: Lời nói chơn chánh như thế nào?
ĐÁP: Lời nói êm dịu, ngọt ngào, không đàn áp kẻ khác, chỉ dùng lời nói làm cho kẻ khác hoan nghinh, nói những lời không lẫn lộn tội lỗi, như sự nói dối lãng mạn, hay chưởi mắng v.v…, dùng toàn những lời từ thiện, như là nói về sự bố thí, trì giới, tham thiền, hoặc thuyết pháp giảng kinh hay là nói đúng theo mười điều KATHᾹVATTHU như đây:
- APICCAKATHᾹ: Nói những sự làm cho chúng sanh thiểu dục.
- SANTUTTHI KATHA: Nói về những pháp tri túc, là làm cho biết tiết độ trong vật dụng.
- PAVIVEKAKATHᾹ: Nói về pháp cảm động là ưa thích chốn thanh vắng và làm cho thân tâm yên lặng, khiến cho hằng có sự kính cảm, thấy ngũ uẩn này là vô thường, khổ não, vô ngã.
- ASAṂSAGGAKATHᾹ: Nói về sự không lẫn lộn với những bọn ngu si.
- VIRIYᾹRAMBHA KATHᾹ: Nói về sự tinh tấn diệt tội lỗi và tạo trữ phước thiện.
- SῙLA KATHᾹ: Nói về giới luật là phương pháp răn trị thân, khẩu, cho thanh tịnh.
- SAMᾹTHI KATHᾹ: Nói về thiền định là phương pháp tham trụ tâm cho đặng tịch tịnh.
- PAÑÑᾹ KATHᾹ: Nói về Trí Tuệ là thế gian trí và xuất thế gian trí đặng làm cho tâm được minh tịnh.
- VIMUTTI KATHᾹ: Nói về sự giải thoát nghĩa là rỗi rảnh, lánh thoát ra ngoài phạm vi nô lệ của phiền não.
- VIMUTTIÑÑᾹNA DASSANA KATHᾹ: Nói về trí tuệ soi thấy thấu rõ sự giải thoát nghĩa là hiểu rằng nay đã giải phóng khỏi phiền não quản thúc, gọi là PACCAVEKKHAṆA ÑᾹNA. Cả 10 điều này, các nhà tu Phật chỉ nên y theo đó mà nói năng, vả chăng lời nói có thể sanh trưởng lợi lộc và kết quả tốt đẹp. Cũng lời nói mà hao tài tốn của và kết quả chẳng lành.
Như có sự tích rằng: Đời quá khứ Đức Bồ Tát tiền thân của Phật Thích Ca, sanh làm con bò tên NANDA VISᾹLA có nhiều sức mạnh, Bà La Môn chủ tính rằng: “Bò ta có thể kéo nỗi 100 cổ xe chở đầy sạn hoặc cát.”
Người Bà La Môn bèn dẫn bò đến nhà bá hộ để cá với giá một ngàn lượng bạc. Nếu bò kéo nổi một trăm cổ xe chở đầy. Giá cả xong anh ta thắng con bò vào cái xe trước, rồi nói bằng lời thô lỗ, hung tợn, mà giục con bò kéo đi, bò nghe những lời ấy, làm cho bủn rủn cả, không còn sức mạnh mà kéo nổi, lại vùng chạy mất. Anh chủ phải thua ông bá hộ một ngàn lượng bạc. Về nhà ăn uống không được, coi vẻ âu sầu, chiều tối con bò mới về tới; sau người chủ đi cá với ông bá hộ một lần nữa, nhưng lần này người chủ chẳng dùng lời thô bỉ như trước.
Người chủ làm như trước, song lần này cá hai ngàn và dùng toàn lời êm ái, dịu ngọt, khuyên con bò kéo đi thì quả thật, vừa dứt lời người chủ, con bò kéo đi ngay. Vì con bò nghe lời ngọt ngào của chủ, tăng thêm sức mạnh kéo đi dễ dàng. Người Bà La Môn được hai ngàn lượng bạc, cũng nhờ lời nói ngọt dịu vậy.
Trích: Hạnh Phúc Kinh (Đại Đức Giới Nghiêm)