Đây giải về 38 điều Hạnh Phúc mà Đức Thế Tôn là đấng thượng sư tự thuyết ra có ý nghĩa như vầy:
Một hôm nọ, Đức Thế Tôn an ngự tại Kỳ Viên Tự JETAVANᾹRᾹMA, là chùa của ông bá hộ Cấp Cô Độc tạo dâng, gần thành Xá Vệ. Khi ấy, có vị Trời ở dục giới hoài nghi về Hạnh Phúc thuyết, bèn lìa cõi trời bay xuống, vào đảnh lễ đấng Đại Từ, và làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ, đi hữu nhiễu 3 vòng, rồi đứng tại chỗ phải lẽ, kính lễ hỏi về ý nghĩa hạnh phúc rằng:
KIṂ MAṄGALAṂ BHANTE BHAGAVᾹ = Ngưỡng bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là hạnh phúc sự tiến triển của tất cả chúng sanh?
Khi ấy, Đức Phật giải đáp về hạnh phúc bằng những kệ ngôn như vầy:
Điều hạnh phúc thứ 15
DĀNAÑCA: Nết hạnh bố thí, là đem của cải cho đến các bậc Sa môn, Bà La Môn và các kẻ cơ hàn, tật bệnh, cô quạnh, không nơi nương dựa v.v…, gọi là hạnh phúc cao thượng.
VẤN: Bố thí có mấy?
ĐÁP: Bố Thí có hai.
- Đoàn thể thí, bố thí đến Tăng không chấp nhứt một vị nào: SAṄGHADĀNA.
- Cá nhơn thí: Bố thí chấp nhứt mỗi vị: PĀṬIPUGGALIDĀNA.
VẤN: SAṄGHADĀNA có mấy?
ĐÁP: Có 3
- Thỉnh tăng 4 vị Tỳ Khưu đến dự, rồi dâng cúng chú trọng chư Tăng.
- Xin thỉnh Tăng 1 vị, 2 vị, 3 vị đến, rồi dâng cúng chú trọng chư Tăng.
- Trọng vật của thường trụ chư Tăng hội lại mà chia nhau không đặng, cần phải để làm vật thường trụ của chùa.
Song khinh vật của thường trụ thì Phật cho Chư Tăng được phép hội đồng ý chia nhau dùng tự tiện.
VẤN: PĀṬIPUGGALIDĀNA có mấy?
ĐÁP: Có nhiều cách như là: tài thí, pháp thí, tùy thời thí, bất tùy thời thí.
KĀLADĀNAṂ: Thời thí là đem những vật thổ sản đầu mùa như: gạo, nếp, bắp, đậu, hoặc trái cây, v.v…, có ra không ăn trước, đem bố thí trước và dâng y tắm mưa trong 3 tháng hạ hoặc y ra hạ.
ĀGANTUKADĀNNA: cho đến kẻ ở xa mới lại, Tỳ Khưu, Sa di, hoặc cư sĩ v.v.
GAMIKASSADĀNAṂ: Bố thí đến kẻ sắp đi đường xa, như thầy Tỳ Khưu đi học hoặc đi hành, v.v….
CILĀNADĀNAṂ: Cho đến kẻ đau ốm.
DUBBHIKKHEDĀNAṂ: Bố thí để cứu nạn đói khó, bằng cơm, gạo, trái cây v.v….
Năm sự thí của hàng thức giả là:
- SADDHĀYA DĀNAMDETI: Bố thí do đức tin là đem ra cho để dứt sự tham lam và bỏn xẻn, lại tin ngay sự thí rằng: ta đem của ra cho hằng được sự an vui và phát sanh tài lợi, không chịu sự bần cùng cô độc.
- SAKKACCAṂDĀNAṂDETI: Bố thí bằng sự cung kính, là cung kính vật thí và cung kính người thọ thí.
- KĀLENADĀNAṂDETI: Bố thí tùy thời.
- ANUGGAHITA CITENA DĀNAṂDETI: Bố thí do sự tiếp độ, và lòng từ bi không cầu mong báo đáp.
- ATTĀNAÑCA PARAÑCA: Bố thí không lấn lướt làm cho kẻ khác nhục nhã là không làm phước bằng lối cầu danh và không sát hại, hay trộm cắp tài vật của chúng sanh khác mà làm phước.
Lại chia sự bố thí ra làm 2 điều nữa là:
- PŪJĀVASENA: Bố thí bằng cách cúng dường nghĩa là cho đến Chư Tỳ Khưu, Sa Di, cùng các bậc Sa Môn, Bà La Môn và Thầy Tổ, cha mẹ, v.v…, là những kẻ có giới hạnh và ân đức.
- SAṄGAHAVASENA: Bố thí do lòng tiếp độ là cho đến những kẻ ốm đau, tật bệnh và người mồ côi lâm cơn nguy khốn, chẳng có nơi nương dựa.
Sự bố thí còn chia làm 3 như vầy nữa:
- DĀSADĀNA: Cho những món hèn hạ, xấu xa không sạch sẽ đẹp đẽ hay không ngon, v.v….
- SĀHĀYADĀNA: Cho những vật vừa phải bằng giá với những món mình dùng.
- SĀMIYADĀNA: Cho những món quý báu và ngon ngọt hơn vật mình dùng.
Bố thí đúng tạng luật có 4 là:
- CĪVARADĀNA: Thí y phục nhứt là tam y: Tăng Già Lê, Uất Đà La Tăng, và An Đà Hội.
- PIṆḌAPĀTADĀNA: Bố thí vật thực như là cơm, bánh, v.v….
- SENĀSANADĀNA: Bố thí chỗ ở nhứt là thất, liêu, tịnh xá v.v….
- GILĀNABHE SAJJADĀNA: Bố thí những món ngừa bệnh nhứt là thuốc men, và dược phẩm.
Bố thí đúng tạng kinh có 10 là:
- ANNAṂ : Cho cơm.
- PĀNAṂ : Cho nước.
- VATTHAṂ : Cho y phục.
- YĀNAṂ : Cho xe thuyền.
- MĀLĀ : Cho tràng bông.
- GANDHAṂ : Cho vật thơm.
- VILEPANAṂ : Cho vật thoa.
- SEYYAṂ : Cho vật để nắm.
- VASATHAṂ: Cho chỗ ở và trường học hoặc dưỡng đường.
- DĪPEYYAṂ: Cho đèn đuốc, vật soi sáng.
Bố thí đúng tạng luận có 6 là:
- RŪPĀRAMMAṆAṂVĀ: Thấy sắc cảnh đẹp là vật làm cho tâm vui thích.
- SADDĀRAMMAṆAṂVĀ: Dùng âm thính là vật làm cho tâm vui thích.
- GANDHĀRAMMAṆAṂVĀ: Dùng mùi thơm là vật làm cho tâm vui thích.
- RASĀRAMMAṆAṂVĀ: Dùng vị ngon là vật làm cho tâm vui thích.
- PHOṬṬHABBĀRAMMAṆAṂVĀ: Dùng sự xúc chạm êm dịu là vật làm cho tâm vui thích.
- DHAMMĀRAMMAṆAṂVĀ: Dùng Pháp là trần cảnh mà tâm hiểu biết và vui thích.
Cả 6 pháp này bố thí bằng cách niệm tưởng ân đức Tam Bảo.
Ba tác ý làm cho sự bố thí được trong sạch là:
- PUBBACETANĀ: Tâm tính cho những món đồ trước khi sắp cho.
- MUÑCANACETANĀ: Tâm tính dứt bỏ ngay trong khi đang cho.
- APARĀPARACETANĀ: Sau khi cho rồi tâm hằng nhớ vui mừng thỏa thích cái quả phước ấy.
Năm tác ý làm cho sự bố thí không trong sạch là:
- LAÑCAVASENA: Bố thí bằng cách mướn như là thỉnh nhà sư đến phụ chưng dọn trong cuộc đám ma, hoặc tiếp làm một việc nào đó, rồi cho thọ một bộ y hoặc một cái y, hoặc giả là thỉnh tụng một bộ kinh hay một đêm kinh, rồi trả giá là bao nhiêu đó.
- RĀGAVASENA: Cho bằng lối tình dục như là trai và gái, ưa muốn nhau rồi cho thân hợp với nhau.
- BHAYAVASENA: Cho bằng sự sợ, là sợ người ta chê trách, giàu mà không làm phước.
- LUKHAVASIṄA: Cho bằng lối hèn hạ, là bố thí đến những người không trong sạch, cao thượng, như là ông Tỳ Khưu làm thầy thuốc, thầy số tướng hay ngồi nham độn để đoán về kiết hung như coi các thứ đánh bạc, đề, số, v.v….Rồi trong sạch đem của cúng dường hoặc là thuyết diễn về tà đạo không đúng theo Phật lý, hoặc đọc thơ, đọc truyện ngoài chơn lý, rồi đem của bố thí.
- PATIDĀNAVASENA: Cho bằng lối đáp lại, là họ cho mình, nên mình đem cho họ.
Bố thí trong sạch, do 3 tác ý là:
- PAṬI PATTIVASENA: Bố thí do sự trong sạch, ngưỡng mộ với những tư cách tu hành đúng đắn cao thượng, nhứt là giữ giới chín chắn.
- PARISUDDHIVASENA: Bố thí do sự ngưỡng mộ với những đức tánh trong sạch, là bậc đã diệt tận tham, sân, si, không dư sót mảy may nào.
- GUṆAVASENA: Bố thí do sự trong sạch với những ơn đức, nghĩa là tu học đúng theo kinh luật của Phật, rồi đem ra chỉ giáo, cho thấy con đường an lạc, cõi trời và Niết Bàn.
VẤN: Sự bố thí trả quả bằng cách nào?
ĐÁP: Trả quả có hai cách:
- Trả quả ngay kiếp này
- Trả quả ở kiếp sau.
Kết quả kiếp này như chàng PUṆṆA bố thí đến Đại Đức Xá Lợi Phất ngay sau khi ngài xuất đại định (nhập đại định cũng gọi nhập diệt thọ tưởng định 7 ngày, qua ngày thứ tám là xuất, ai bố thí thì kết quả nhãn tiền trong kiếp đó), quả phước thí làm cho đất cày trong ruộng trở thành vàng rồng.
Chàng PUṆṆA thành ra một đại phú hộ ngay kiếp đó.
Trả quả kiếp sau: Như có một sự tích rằng: “Chàng Nam Tử bố thí vật thực đến vị Sa Di, khi gần tới giờ phút hấp hối, bỗng nhớ đến sự bố thí đã làm, nhờ mãnh lực của phước báu ấy, được sanh lên cõi trời Đao Lợi, có bảo điện bằng vàng và mười ngàn tiên nữ hầu hạ, hưởng sự an vui. Đây là do nhờ quả phước bố thí đến vị Sa Di vậy.”
VẤN: Bố thí xong rồi hằng phát tâm hoan hỷ mong mỏi mới đúng, hay không mong mỏi mới đúng?
ĐÁP: Mong mỏi cũng tốt, không mong mỏi cũng tốt, vậy chớ kẻ làm tội rồi, có người nào lại mong mỏi, mà vẫn đọa 4 đường dữ. Song sự mong mỏi bằng ái dục làm cho kéo dài con đường sanh tử luân hồi, vì cứ tiếp tục sinh, già, đau, chết, khó nhập Niết Bàn. Nên ngài không cho. Ngài chỉ cho mong mỏi Niết Bàn là nơi dứt khổ, bởi vậy làm phước cần phải đoạn tuyệt ái dục mới nên.
VẤN: Làm phước bằng cách nào mới gọi là diệt ái dục?
ĐÁP: Khi làm phước thì tâm phải dùng Trí Tuệ sáng suốt, để suy xét các Pháp hữu vi là: Danh và Sắc cho nhận thấy rõ 3 tướng: vô thường, khổ não, vô ngã, đặng dứt lòng ái dục rồi sẽ bố thí. Sau khi bố thí xong, dùng tâm từ bi rải khắp cho cả thảy chúng sanh được hưởng quả lành ấy, rồi mới dùng Trí Tuệ để diệt ái dục và chú nguyện trong tâm như vầy: “IDAṂVATAMEDĀNAṂ ĀSAVAKHA YĀVAHAṂ HOTU = Phước thí mà tôi đã trong sạch làm đây, hãy là món duyên lành để dứt các sự ô nhiễm ngủ ngầm trong tâm, kể từ nay đến ngày vị lai”.
Làm phước thí như vậy, mới gọi là bố thí đặng dứt lòng ái dục, không dính dấp với lòng ao ước, sanh về cõi trời, cõi người, cho khổ với nỗi sanh, già, đau, chết.
VẤN: Nguyện như vậy, nhưng chưa hết phiền não thì nó trở thành ra thế nào?
ĐÁP: Nếu chưa diệt tận các thùy miên phiền não, thì cũng tấn thối luân hồi, thọ sanh trong cõi nhơn, thiên, tùy theo duyên nghiệp của chúng sanh. Bởi thế nên chúng ta hãy làm phước thí để đoạn tuyệt ái dục, hầu khỏi sa lạc vào 4 đường dữ.