Đây giải về 38 điều Hạnh Phúc mà Đức Thế Tôn là đấng thượng sư tự thuyết ra có ý nghĩa như vầy:
Một hôm nọ, Đức Thế Tôn an ngự tại Kỳ Viên Tự JETAVANᾹRᾹMA, là chùa của ông bá hộ Cấp Cô Độc tạo dâng, gần thành Xá Vệ. Khi ấy, có vị Trời ở dục giới hoài nghi về Hạnh Phúc thuyết, bèn lìa cõi trời bay xuống, vào đảnh lễ đấng Đại Từ, và làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ, đi hữu nhiễu 3 vòng, rồi đứng tại chỗ phải lẽ, kính lễ hỏi về ý nghĩa hạnh phúc rằng:
KIṂ MAṄGALAṂ BHANTE BHAGAVᾹ = Ngưỡng bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là hạnh phúc sự tiến triển của tất cả chúng sanh?
Khi ấy, Đức Phật giải đáp về hạnh phúc bằng những kệ ngôn như vầy:
Điều hạnh phúc thứ 18
ANAVAJJᾹNI KAMMᾹNI: Chúng sanh làm những nghề nghiệp vô tội, chỉ có sự lợi ích làm mục đích, gọi là hạnh phúc cao thượng.
VẤN: Làm những nghề nghiệp vô tội đó, làm bằng cách nào?
ĐÁP: Các thiện nghiệp như là tạo tượng, tháp thờ Phật, làm chùa, cất trường, thất, liêu, chỗ cư ngụ, đào hồ, đào giếng, đắp đường, làm cầu, làm nhà xí, tạo Pháp Bảo là in kinh điển, hoặc làm tủ, bàn đặng để Pháp Bảo, giúp đỡ trong việc phước thiện của kẻ khác hoặc dọn dẹp, quét tước trong chùa và làm các công quả khác như là phụng sự chư Tăng Tỳ Khưu, Sa Di, tiếp giúp công việc của Tăng như là tu bổ chùa chiền, liêu, thất, v.v… như vậy gọi là làm các nghiệp không tội lỗi hằng đem lại sự lợi ích trong đời nầy và kiếp sau sau, như có sự tích như vầy”
“Thời gian không Phật Giáo, có một người trưởng giả, rủ nhiều người khác, được 33 người tính làm các việc phước thiện như là: đắp đường, đào hồ, giếng và nhà tá túc, cho những người lỡ đường có nơi trú ngụ dễ dàng. Được ít lâu thì ông lý trưởng sở tại sanh lòng ganh ghét, nên đi tâu với vua rằng: Nhóm người đó tính làm giặc để chiếm ngôi vua. Đức vua liền hạ chỉ cho bắt về không tra vấn xét hỏi gì, truyền lịnh đem giết cả. Người đứng đầu trong nhóm, mới khuyên các người kia ráng niệm tâm bác ái. Khi giám sát quan dẫn đi giết bằng cách cho voi chà. Song voi không chịu chà. Thấy việc lạ thường như thế, vua bèn kêu vào xét hỏi. Khi hiểu qua mọi lẽ, mới hay là nhóm người đó có đức tín, bèn hạ lịnh huệ thí cho voi ngựa và châu báu. Nhóm người ấy đã có voi ngựa dùng để chuyên chở lại càng tiện cho họ lắm, nên họ rủ nhau cất một cái nhà rất, làm nhiều chỗ ăn chỗ nằm bằng ván hoặc đá để dành cho người lỡ đường. Lại còn trồng cây cho mát, đào giếng lấy nước cần dùng cho những kẻ tá túc trong đó được an vui. Sau khi mãn phần đều đặng sanh về cõi trời Đao Lợi. Người đầu trong nhóm đặng sanh làm đức Đế Thích, có đủ sự sang cả và kẻ hầu hạ.
Quả của sự tạo phước xá, bằng cây và đá, trả thành tảng đá gọi PAṆḌUKAMPALASIBᾹ làm bệ ngọc.
Quả của sự trồng cây trả thành cây gọi là PARICHATTAKA BRIKSA là cây quí báu tại cõi trời Đao Lợi.
Hàng thức giả là người có nhiều trí tuệ, nên trong sạch với những nghề nghiệp vô tôi (ANAVAJJAKAMA) vì những việc ấy sẽ đặng kết quả lợi ích, an vui, chắc chắn ở đời nầy và kiếp sau sau.
Trích: Hạnh Phúc Kinh (Tỳ Khưu Giới Nghiêm)