Đây giải về 38 điều Hạnh Phúc mà Đức Thế Tôn là đấng thượng sư tự thuyết ra có ý nghĩa như vầy:
Một hôm nọ, Đức Thế Tôn an ngự tại Kỳ Viên Tự JETAVANᾹRᾹMA, là chùa của ông bá hộ Cấp Cô Độc tạo dâng, gần thành Xá Vệ. Khi ấy, có vị Trời ở dục giới hoài nghi về Hạnh Phúc thuyết, bèn lìa cõi trời bay xuống, vào đảnh lễ đấng Đại Từ, và làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ, đi hữu nhiễu 3 vòng, rồi đứng tại chỗ phải lẽ, kính lễ hỏi về ý nghĩa hạnh phúc rằng:
KIṂ MAṄGALAṂ BHANTE BHAGAVᾹ = Ngưỡng bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là hạnh phúc sự tiến triển của tất cả chúng sanh? Khi ấy, Đức Phật giải đáp về hạnh phúc bằng những kệ ngôn như vầy:
Điều hạnh phúc thứ 20
MAJJAPᾹNᾹ CA SAÑÑAMO: Thu thúc để tránh khỏi sự uống rượu, là kềm chế không uống rượu và các chất say, gọi là hạnh phúc cao thượng.
VẤN: Rượu và chất say có mấy thứ?
ĐÁP: Có 10 thứ: rượu có 5, chất say có 5. Năm thứ rượu (SURA) là:
- PIṬṬHA SURᾹ: Rượu làm bằng bột.
- PŪVA SURᾹ: Rượu làm bằng bánh.
- ODANA SURᾹ: Rượu làm bằng cơm.
- KIṆṆAPAKKHATA SURᾹ: Rượu làm bằng chất rượu cũ.
- SAMBHᾹ RASAṂYUTTA SURᾹ: Rượu làm do nhiều vật nguyên liệu hiệp lại, như là ngâm bằng trái cà na, hoặc như nước thốt nốt để chua, rồi làm rượu uống chẳng hạn.
Năm chất say (MERAYA) là:
- PUPPHᾹSAVO: Nước ngâm bằng bông.
- MADHUSAVO: Nước ngâm bằng mật ong.
- PHALᾹSAVA: Nước ngâm bằng trái cây.
- SAMBHᾹRASAṂYUTTO: Nước ngâm bằng nhiều chất hiệp lại, trái cây, rễ cây, v.v……
- GULASAVO: Nước ngâm bằng nước mía hay đường.
Cả 10 thứ nầy là nước say hết thảy.
VẤN: Cả 10 thứ nước nầy, Phật cấm không cho uống là vì nguyên nhân gì thế?
ĐÁP: Ngài cấm là bởi nguyên nhân do đó mà sự dể duôi cẩu thả của chúng sanh phát triển, mà hễ sự dể duôi có thì làm cho tâm của chúng sanh càng bạo tàn hung hăng, trong các điều tội lỗi khác, do thân, khẩu, ý, tội lỗi chưa từng làm có thể làm được do sức mạnh của rượu.
Lắm khi những bực đáng cung kính, tôn thờ như cha, mẹ, anh, chị, cô, bác hoặc Sa Môn, Bà La Môn, nhứt là chư Tỳ Khưu Tăng v.v…. Các bậc đó ta hằng cung kính tôn thờ một cách thận trong do thân, khẩu, ý. Song rượu vào giờ nào thì làm cho tâm hung hăng dứt bỏ hẳn sự kính nể. Vả lại các tội ác ta chưa từng làm, như là sát sanh, trộm cắp, tà dâm v.v… là bởi tâm chưa hung hăng, đến khi nhờ sức rượu trở nên hung hăng thì làm được ngay. Cũng như cháu của ông bá hộ Cấp Cô Độc có tài sản đến bốn chục KOṬI (bốn trăm triệu), song chuyên môn uống rượu cho tới hết cả tài sản, rồi đến xin ông bá hộ Cấp Cô Độc. Ông cho lần thứ nhất, thứ nhì, thứ ba cũng không còn. Sau, ông bá hộ đem câu chuyện ấy bạch Phật, thì ngài thuyết 6 tội của sự uống rượu như vầy:
- SANDIṬṬHIKᾹ: Người uống rượu hằng bị quả khổ trong kiếp nầy rõ rệt.
- DHANAJᾹNῙ: Uống rượu hằng bị hao tổn tài sản.
- KALAHOVAḌHATI: Hay rầy rà cải lẫy, lắm khi đánh đập chém giết cũng do cái tội uống rượu.
- ROGᾹNAṂ VUAPJJATI: Hay sanh nhiều thứ bệnh do uống rượu.
- AKITTISADDO: Phần đông chê trách về tư cách xấu xa nhứt là ăn mặc, đi đứng lôi thôi, chếnh choáng.
- DUPAÑÑAVᾹHOTI: Khờ khạo không có trí tuệ, chẳng hiểu người ta lừa gạt mình để bắt lỗi do sự uống rượu.
Cả 6 tội nầy ở đời hiện tại. Còn tội kiếp sau là đến khi chết đọa vào địa ngục đồng sôi (LOHAGAMBHῙ) hằng chịu uống nước đồng đang sôi, vào tới miệng thì phỏng trầy miệng, vào tới ruột thì phỏng cháy trầy trúa cả ruột, nứt bụng mà chết, rồi sanh lại nữa. Chịu khổ như thế mãi tới giờ phút nào mãnh lực của nghiệp dứt thì thoát kiếp địa ngục, sanh vào nơi cõi nào thì cái dư ương nó vẫn theo dính làm cho điên khùng, lãng trí, mất nhiều tánh nết khác cũng do quả của sự uống rượu.
Những tội như trên là Phật thuyết cho bá hộ Cấp Cô Độc nghe vậy.
VẤN: Rượu hồi đó phát sanh do chất gì? Tại xứ nào?
ĐÁP: Rượu bấy giờ có đầu tiên ở trong rừng. Thuở ấy có một người săn bắn của vua BᾹRᾹNASῙ, anh ấy đi săn bắn trong rừng, gặp một cây gừa cụt ngọn, trên đó có lỗ. Những loài chim két tha lúa SᾹLῙ và cam thảo, tiêu và tiêu hoang vào ăn trong lỗ ấy. Những món đó rơi vào trong lỗ, tích tụ nhiều lên rồi gặp mưa nước đọng vào trong ống đó, có màu đỏ mà lại có vị say. Các loài phi cầm xúm nhau uống say rồi rơi xuống đất. Chàng thợ săn ngồi coi thấy chim rớt xuống nằm khờ một hồi, rồi gượng bay lên không cao lại rớt trở xuống. Chàng lại càng hứng thú ráng coi hoài. Thấy nhiều lần như vậy, bèn nghĩ đó cũng việc lạ thường, mới trèo lên tới, bừng cặp mắt xem coi kỹ thì thấy nước trong ống trong mà màu đỏ. Song không hiểu nước chi, mới múc uống thử lối hai ba búng. Vừa xong thì tâm thấy hăng lên, hứng thú cười ênh ỏi một mình rồi trụt trở xuống. Khi tới đất nằm ình xuống một cách vui thú rồi ngủ một giấc, sau thức dậy trèo lên cây một lần nữa múc nước ấy đem về dâng cho vua. Đức vua cho thị thần nếm thử coi, thị thần nếm thử vài ba búng thì hình như ai nắm vai giựt mạnh ra, chẳng khác chi người ta vào thoi đánh đức vua. Vậy cho nên ngài tạm gọi là rượu (SURᾹ), nhẩn đến ngày nay. Rồi ngài phán đi múc về làm giống nguyên chất. Anh thợ săn vâng mạng đi xem xét cẩn thận rồi múc đem về phụng hiến cho vua. Ngài làm rượu trận, cho quân lính uống trước khi ra trận, để có nhiều sự hung hăng, không nhút nhát đối trước quân nghịch, hầu thắng lợi cho quân sự.
Trích: Hạnh Phúc Kinh (Tỳ Khưu Giới Nghiêm)