Đây giải về 38 điều Hạnh Phúc mà Đức Thế Tôn là đấng thượng sư tự thuyết ra có ý nghĩa như vầy:
Một hôm nọ, Đức Thế Tôn an ngự tại Kỳ Viên Tự JETAVANᾹRᾹMA, là chùa của ông bá hộ Cấp Cô Độc tạo dâng, gần thành Xá Vệ. Khi ấy, có vị Trời ở dục giới hoài nghi về Hạnh Phúc thuyết, bèn lìa cõi trời bay xuống, vào đảnh lễ đấng Đại Từ, và làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ, đi hữu nhiễu 3 vòng, rồi đứng tại chỗ phải lẽ, kính lễ hỏi về ý nghĩa hạnh phúc rằng:
KIṂ MAṄGALAṂ BHANTE BHAGAVᾹ = Ngưỡng bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là hạnh phúc sự tiến triển của tất cả chúng sanh? Khi ấy, Đức Phật giải đáp về hạnh phúc bằng những kệ ngôn như vầy:
Điều hạnh phúc thứ 21
APPAMᾹDO GADHAMBESU: Sự không dể duôi trong Phật pháp, gọi là hạnh phúc cao thượng.
VẤN: Sự không dể duôi Phật, pháp bằng cách nào?
ĐÁP: Không dể duôi trong thiện pháp và ác pháp, nghĩa là:
- Cầu có trí nhớ để nhắc nhở tâm cho nghĩ ngợi đến thiện pháp.
- Cầu có trí nhớ bằng nhắc nhở tâm cho hăng hái làm các việc lành.
Giải rằng: Sự nhớ pháp lành là điều lành nào ta đã làm rồi, phải hằng ghi nhớ pháp lành ấy luôn khi không bỏ qua. Thiện pháp nào ta chưa làm, hãy hối hả làm ngay, đừng tính sụt sè đình đãi rằng đợi ngày mai, mốt, tháng sau, hoặc năm sau v.v….Cũng chớ nghĩ rằng ta đang nghèo nàn, đợi khi nào giàu có, dư dả sẽ làm, không suy nghĩ đình đãi lui sụt như thế gọi là không dể duôi.
VẤN: Người không dể duôi rồi làm lành có mấy cách?
ĐÁP: Có 10 cách tạo trữ điều lành:
- DᾹNAṂDETI: Sự bố thí, nhứt là tài thí, đem cơm nước hoặc tài vật khác ra cho.
- SῙLAMRAKKHATI: Sự trì giới, như ngũ giới, bát quan trai giới.
- BHᾹVANAṂ BHAVETI: Niệm Phật tham thiền, hoặc rải tâm từ bi.
- APPACCᾹYANAṂ: Hết lòng cung kính những bực đáng cung kính.
- VAYYᾹVACCAṂ: Sự hăng hái, tiếp giúp trong những điều lành, lẽ phải của kẻ khác.
- PATIDᾹNAṂ: Hồi hướng chia sớt phần phước thiện của mình làm cho kẻ khác.
- DHAMMADᾹNAṂ: Bố thí pháp là nói pháp cho người khác nghe.
- DHAMMASSAVANAṂ: Nghe pháp của Phật.
- ANUMODANᾹ: Hoan hỷ thọ lãnh phần phước của người khác hồi hướng chia sớt cho.
- DIṬṬHUJUKAMMAṂ: Sửa trị kiến thức cho chơn chánh, là làm cho sự hiểu thấy đúng theo chơn lý.
Lại nữa, pháp không dể duôi nầy, các bậc trí tuệ nhứt là đức Phật hằng khen ngợi như vầy:
APPAMᾹDO AMATAṂ PADAṂ: Sự không dể duôi là con đường đi tới Niết Bàn.
Như A Nan Đà tôn giả, kể từ ngày Phật nhập đại Niết Bàn rồi, tôn giả không dám dãi đãi, đến nỗi không nằm, cứ đi kinh hành niệm đề mục thiền định, cho đến ngày gần kết tập Tam Tạng, chư Tăng cứ nhắc nhở, ngài tinh tấn một cách tận lực, tham niệm về đề mục thân bất tịnh, từ đầu hôm cho tới gần sáng, ngày cũng chưa đắc A La Hán. Ngài bèn tính nằm xuống, nhưng vẫn không rời đề mục. Rồi quay mình lại day mặt hướng chánh điện đặng nằm xuống, hai chơn của ngài chưa để xuống tới ván, đầu chưa đụng tới gối, thì đắc quả A La Hán, diệt tận phiền não một cách tuyệt trừ, không còn mảy may trong tâm. Đó cũng do nhờ pháp không dể duôi, mà chính pháp nầy, không phải riêng phần đức A Nan Đà.
Có một vị Tỳ Khưu nữa, ngài có sự tinh tấn đi kinh hành ở trong rừng, từ đầu hôm tới nửa đêm, khi ngài đã mỏi chân, ngài bò lết lui tới mà tham thiền. Khi ấy, người thợ săn đi tìm bắn thú, đến thấy ngài đang kinh hành như thế, lầm tưởng con thú, bèn đâm một mác trúng ngay vị Tỳ Khưu. Ngài bèn la lớn lên, chàng thợ săn nghe rõ tiếng người thì chạy trốn thoát. Thầy Tỳ Khưu ráng rút cái mác ra cho khỏi, rồi lấy cỏ khô nhét vào chỗ đó. Xong ngài cũng không dãi đãi và dùng sự khổ mà làm đề mục, gắng gượng lết lui tới kinh hành, dùng trí nhớ quán sát về pháp minh sát tuệ, nhẫn đến đắc quả A La Hán, dứt sạch phiền não và nhập vô dư Niết Bàn luôn khi đó. Đây là do nhờ pháp không dể duôi mà được vậy.
Trích: Hạnh Phúc Kinh (Tỳ Khưu Giới Nghiêm)